Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 10/02/2011 00:55, cập nhật lần cuối 05/03/2011 23:32

Tin tức


Ông Võ Văn Kiệt thăm Pháp và ba nước châu Âu

Tiếp theo các chuyến đi thăm những nước ASEAN (từ cuối năm ngoái), rồi Nam Triều Tiên, Nhật, Úc và Tân Tây Lan (trong tháng 5 vừa qua), thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tới Paris ngày thứ tư 23.6, trong một cuộc thăm chính thức nước Pháp 4 ngày, theo lời mời của thủ tướng Pháp Edouard Balladur. Sau đó, ông Kiệt cũng sẽ đi thăm các nước Đức, Bỉ, Anh, rồi từ Anh đi Cuba. Cùng đi với ông Kiệt, có ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, bộ trưởng chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư, bộ trưởng tài chính Hồ Tế, thống đốc ngân hàng quốc gia Cao Sỹ Kiêm và nhiều nhân vật cao cấp khác cùng một đoàn 14 doanh nhân (cả công và tư).

Tại Paris, ông đã được tổng thống Mitterrand tiếp, đã hội đàm với chủ tịch quốc hội Philippe Seguin, thủ tướng Balladur, ngoại trưởng Alain Juppé, bộ trưởng kỹ nghệ, bưu điện và ngoại thương Gérard Longuet, bộ trưởng thiết bị, giao thông và du lịch Bernard Bosson, đô trưởng Paris Jacques Chirac, và đi thăm nhiều cơ sở công nghiệp lớn của Pháp. Ông đã mời chủ tịch quốc hội Pháp Philippe Seguin sang thăm Việt Nam.

Tổng thống Mitterrand đã nhắc lại ý muốn tăng cường hợp tác giữa hai nước và việc Pháp hỗ trợ Việt Nam để giải quyết các món nợ quốc tế, bình thường hoá quan hệ với Quỹ tiền tệ quốc tế. Báo chí Pháp nhấn mạnh sự kiện đặc biệt là tổng thống Mitterrand đã đích thân đưa tiễn ông Kiệt ra tận thềm điện Elysée sau cuộc hội đàm ngày 25.6, ra ngoài khuôn khổ lễ tân thông thường. Thủ tướng Balladur đã xác nhận lại là Paris sẽ tăng gấp đôi viện trợ của Pháp cho Việt Nam trong năm 1993, từ 180 triệu FF lên 360 triệu. Nhiều dự án đầu tư lớn của Pháp vào Việt Nam đã được hai bên thảo luận. Ngoài những vấn đề song phương, thủ tướng Balladur, ngoại trưởng Juppé và đô trưởng Chirac cũng đã đề cập với thủ tướng Võ Văn Kiệt vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Phía Pháp cũng sẽ ủng hộ đề nghị của Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 1997 hội nghị thượng đỉnh các nước dùng tiếng Pháp. Việt Nam đã tỏ ý muốn tổ chức hội nghị này vào năm 1995, nhưng mới đây đánh tiếng xin hoãn lại vì chuẩn bị không kịp.

Trong chuyến đi châu Âu này của thủ tướng Võ Văn Kiệt, Việt Nam tỏ ý mong muốn mở rộng hợp tác với cộng đồng châu Âu về những lĩnh vực như năng lượng (dầu khí), xây dựng đường sá và bến cảng, phi trường, v.v...


Việt Nam và vấn đề nhân quyền

Theo nhiều hãng thông tấn quốc tế, Việt Nam đã cử một thứ trưởng ngoại giao tài năng, ông Lê Mai, đi dự Hội nghị quốc tế về nhân quyền họp tại Vienne (thủ đô Áo) hai tuần từ ngày 13.6.1993.

Trước và trong thời gian hội nghị, báo chí Việt Nam đã dành nhiều chỗ cho vấn đề này, nói lên quan điểm của nhiều nước châu Á (từng được phát biểu tại một hội nghị ở Băng Cốc tháng tư vừa qua) cho rằng “ cá nhân phải gắn với xã hội”, và nhấn mạnh “quyền phát triển kinh tế như một quyền tổng quát và không thể tách rời, là một bộ phận hợp thành của những quyền cơ bản của con người”, chống lại việc sử dụng nhân quyền như một “ vũ khí chính trị để can thiệp vào nội bộ các quốc gia”.

Phát biểu tại hội nghị ngày 16.6, thứ trưởng Lê Mai cũng bảo vệ những quan điểm trên đây, khi ông cho rằng “Việc bảo đảm nhân quyền của một quốc gia trước hết là thuộc trách nhiệm của quốc gia đó”, “ Tính chất phổ quát của nhân quyền đi song song với tính đặc thù”, “Không thể tách rời nhân quyền với sự phát triển kinh tế và văn hoá, thế nhưng vấn đề nhân quyền không hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội”...

* Điều ông Lê Mai có vẻ như ẩn dụ là những tương quan cá nhân - xã hội - văn hoá nói trên cho phép một nhà nước được độc quyền thông tin báo chí, được tuỳ tiện đối xử tệ hại với công dân của nhà nước đó khi họ chỉ mang tội bất đồng chính kiến, v.v...? Tại Paris, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm một lần nửa khẳng định rằng chính phủ của ông không hề vi phạm nhân quyền, và những nhà sư bị bắt giam sau cuộc biểu tình ở Huế chỉ vì họ “có những hoạt động phi pháp, chống lại nhà nước”. Người ta còn nhớ, khi bắt giam Dương Thu Hương, nhà nước Việt Nam cũng tuỳ tiện đổ cho chị “có những hoạt động phi pháp”, để rồi mấy tháng sau phải trả tự do vô điều kiện cho nhà văn. Còn những người như ông Đoàn Viết Hoạt, bị xử 20 năm tù chỉ vì viết những bài báo đòi tự do dân chủ thì họ phạm tội gì, và bản án phản ánh “tính đặc thù” nào của xã hội Việt Nam?


Khuyến khích Việt kiều đưa vốn về nước

Ngày 27.5, chính phủ Việt Nam đã công bố nghị định “về những biện pháp khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước”. Từ nay, Việt kiều có thể đầu tư trực tiếp về nước (như người nước ngoài) hoặc chung vốn với doanh nghiệp Việt Nam (như người trong nước) để hợp tác đầu tư với người nước ngoài. Và dù ở hình thức đầu tư nào, Việt kiều cũng được nhà nước khuyến khích với những điều kiện ưu đãi như: được bảo hộ vốn đầu tư và mọi tài sản hợp pháp; được giảm 20% tổng số thuế lợi tức; được chuyển giao và thừa kế tài sản, lợi nhuận cho công dân Việt Nam; khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, được giảm thuế ở mức thấp nhất là 5%; được cấp thị thực nhập xuất cảnh có giá trị nhiều lần...

Trong hơn 4 năm thực hiện luật đầu tư nước ngoài, giá trị đầu tư của Việt kiều vào Việt Nam còn quá khiêm tốn: chưa tới 100 triệu đôla. Trong khi, theo con đường kiều hối “nổi và chìm”, cộng động người Việt ở nước ngoài hiện tại chuyển hàng năm về Việt Nam hơn 300 triệu đôla.

(Tuổi Trẻ Chủ nhật 13.6.1993).

Đại học tư thục: con đường “hoá giá” đại học?

Ngày 24.5, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định mở trường đại học tư thục tại Việt Nam. Như các đại học công lập và dân lập, đại học tư thục được đặt dưới sự quản lý của nhà nước, chỉ khác ở chỗ: nguồn đầu tư xây dựng, kinh phí hoạt động và phương thức quản lý do tư nhân đảm nhận. “ Các cá nhân tổ chức kinh tế, xã   hội đều được quyền đứng tên xin thành lập đại học tư thục. Đối với các tổ chức tôn giáo, Việt kiều và người nước ngoài sẽ có những quy định riêng.”

Quyết định của chính phủ đã được hưởng ứng ngay và cuộc chạy đua để mở trường đại học tư thục ở Việt Nam đã bắt đầu, trong đó đã có hai đề án của Việt kiều: một trường “đại học y khoa chuyên ngành chiropratic” của một bác sĩ Việt kiều ở Mỹ, và một trường “đại học chuyên ngành quản lý thương mại, ngân hàng” của một giáo sư Việt kiều ở Pháp.

Song không ít người đã tỏ thái độ dè dặt, như giáo sư Hoàng Như Mai, chủ tịch hội nghiên cứu giảng dạy văn học thành phố HCM, người đã nộp hồ sơ mở một trường đại học dân lập nhưng không được phép: “tôi chưa có ý kiến. Cần phải chờ đợi xem văn bản hướng dẫn cụ thể”. Điều gây nhiều phức tâm là đến nay chính phủ vẫn chưa đưa ra một quy chế đại học dân lập, trong khi đã tiến hành thí điểm mô hình đại học dân lập Thăng Long ở Hà Nội từ năm 1989. Theo lời bộ trưởng giáo dục Trần Hồng Quân, dự thảo quy chế đại học dân lập chưa trình chính phủ “vì chưa có được sự thống nhất ý kiến”.

Trong điều kiện đó, không ai hiểu rõ đại học tư thục và đại học dân lập khác biệt như thế nào. Bản thân vụ phó vụ đại học ở bộ giáo dục, ông Lê Viết Khuyến, cũng thừa nhận không thể trả lời câu hỏi này: “trong hệ thống đại học ở tất cả các nước chỉ có khái niệm công và tư”! Trong khi đó vụ phó vụ khoa giáo ở văn phòng chính phủ đưa ra giải thích: đại học dân lập là trường do dân góp tiền nuôi thầy, xây chung cơ sở vật chất và có hình thức tập thể. Còn đại học tư thục là do tiền của các nhân hoặc các cá nhân có cổ phần đóng góp vào để mở trường. Chủ yếu là khác nhau ở nguồn vốn”. (Tuổi Trẻ 3 và 5.6, Tuổi Trẻ Chủ Nhật 13.6).

Trên thực tế, đối với sinh viên, dân lập hay tư thục đều phải đóng học phí. Và cùng lúc với quyết định cho mở trường đại học tư thục, chính phủ đã ra những quy định về thu học phí đối với sinh viên các trường đại học công lập. Vậy thì ranh giới giữa công lập, dân lập và tư thục ở đâu? Những người quan tâm đến giáo dục và đào tạo không thể không lo ngại trước chính sách mập mờ “cổ phần hoá” đại học sắp tiến hành. Sau nhà đất và xí nghiệp, phải chăng là nhà nước đang mở đường cho việc “hoá giá” đại học?


Đào tạo lại 15.000 cựu sinh viên kinh tế?

Từ năm 1975 đến nay, khoảng 15.000 sinh viên đã tốt nghiệp trường đại học kinh tế thành phố HCM, trong số đó nhiều người đang giữ những cương vị cao trong guồng máy kinh tế, không ít người làm tổng giám đốc, giám đốc. Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu mà ông Đào Công Tiến, hiệu trưởng trường đại học này, vừa công bố đi đến nhận định: “Tất cả số cựu sinh viên này đều phải đào tạo lại”.

Theo tài liệu đó, trong một cơ chế quan liêu bao cấp, trường đã đào tạo một đội ngũ sinh viên “thụ động”, kiến thức “hạn hẹp”, phục vụ cho một nền kinh tế “chỉ đạo từ trên xuống dưới”. Trong hoàn cảnh hiện nay, không thích nghi được với cơ chế kinh tế thị trường, phần lớn các giám đốc được đào tạo trước đây đã hoặc đang đưa xí nghiệp đến chỗ phá sản. “Chỉ có một số ít tồn tại nhờ vào năng lực của chính bản thân mình chứ không phải nhờ vào các kiến thức đã học ở trường”.

Trường đại học kinh tế thành phố HCM hiện được xem như một trong những trường đi đầu trong cố gắng đổi mới giảng dạy và hợp tác đào tạo với các trường đại học nước ngoài.

(Đại Đoàn Kết, tháng 5.93)

SEA Games 17

137 vận động viên Việt Nam đã dự tranh 15 môn thi đấu tại đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á (gọi tắt là SEA Games) lần thứ 17, được tổ chức tại Singapore từ ngày 12.6.1993.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 19.6, sau một tuần thi đấu, đoàn Việt Nam đã đoạt được 9 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 19 huy chương đồng, cao hơn tổng số huy chương đạt được ở SEA Games lần thứ 16 (7 vàng, 12 bạc, 10 đồng). Tất cả những huy chương vàng của tuần lễ đầu này là thuộc các bộ môn võ thuật (2 judo, 2 karaté, 1 taekwando và 4 bắn súng). Ngoài ra, có 3 huy chương đồng trong các bộ môn điền kinh, 1 bạc (cá nhân nữ) và 3 đồng về bóng bàn.


Sida: hội chứng Thái Lan

Những chuyên viên quốc tế của tổ chức thiện nguyện Care International vừa lên tiếng báo động ở Hà Nội là bệnh Sida có khả năng bùng nổ ở Việt Nam một cách mãnh liệt như ở Thái Lan trong những năm qua.

Năm 1988, đợt nhiễm Sida đầu tiên được phát hiện ở Thái Lan trong giới ma tuý và mãi dâm. Chỉ trong ba năm sau, bệnh đã truyền tới khắp các tầng lớp dân cư Thái, ba phần tư phụ nữ nhiễm bệnh từ chồng hoặc người tình.

Care International đánh giá là Việt Nam hiện ở trong tình trạng của Thái Lan năm 1988. Số trường hợp bị nhiễm vi khuẩn HIV gây ra Sida, mới đầu cũng rất giới hạn trong giới ma tuý và mãi dâm, nay đã lên tới 414 người và theo những thống kê chính thức, 8 người đã qua đời, tuy không trực tiếp vì Sida nhưng vì bị vi khuẩn làm mất sức đề kháng đối với những bệnh khác.


Chín dự án luật

Kỳ họp thứ ba của quốc hội khoá 9, khai mạc vào ngày 16.6, sẽ xem xét và dự kiến thông qua 9 dự luật: Luật đất đai sửa đổi (xem Diễn Đàn số 20), luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, luật xuất bản, luật dầu khí, luật thuế doanh thu, thuế xuất nhập khẩu, thuế lợi tức, v.v... Ngoài ra, luật doanh nghiệp nhà nước và luật phá sản doanh nghiệp cũng sẽ được xem xét đợt đầu để có thể thông qua ở kỳ họp sau.

Như thông lệ, trước kỳ họp quốc hội, ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã họp (lần thứ 5, từ ngày 3 đến 11.6). Chủ đề của kỳ họp, theo một thông báo được công bố ngày 14.6, là “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế nông thôn”. Hội nghị trung ương cũng quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của đảng giữa nhiệm kỳ vào tháng 12.1993.


Tin ngắn

* Theo Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư, kết quả 5 tháng đầu năm 1993 cho thấy Hồng Kông đã vượt Đài Loan để vươn lên hàng đầu trong những nước ngoài có đầu tư vào Việt Nam, với 12 dự án, trị giá 426,9 triệu đôla.

* Krupp - Lonrho, một tổ hợp các công ty sắt thép Đức - Nhật, có khả năng thắng thầu để khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Chi phí khai thác được tính toán từ 500 tới 878 triệu đôla, để đạt năng suất 5 tấn sắt mỗi năm.

* Khoảng 15 con tê giác một sừng đã được khám phá còn sống sót ở tỉnh Lâm Đồng. Sau chiến tranh, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng giống tê giác này đã bị diệt chủng. Quỹ thế giới bảo vệ thiên nhiên (Fonds mondial pour la protection de la nature) đã tặng Việt Nam 40.000 đôla trong chương trình bảo vệ giống tê giác.

* Theo báo Washington Post ngày 22.6, chuẩn bị cuộc họp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 12.7, các cố vấn của Nhà Trắng đã kiến nghị với tổng thống Bill Clinton nên để Việt Nam được vay mượn tiền của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cũng theo tờ báo, các cố vấn này chưa nhất trí về việc nên hay chưa nên bãi bỏ cấm vận với Việt Nam vào tháng 9 tới đây.

* Ngân hàng Tokyo sẽ mở văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 2.7, sau 18 năm vắng mặt.

* Một trung tâm thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh, mang tên Sai Gon Centre, đã được giao thầu cho một công ty liên doanh Singapore - Hồng Kông - Việt Nam. Phía Singapore - Hồng Kông là công ty FPSL (First Pacific Straits Land), liên doanh giữa Straits Stemship Land của Singapore và First Pacific Land của Hồng Kông, sẽ bỏ 68% vốn, còn lại do hai công ty quốc doanh của Việt Nam.

* Trung Quốc đã mở một lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 29.5.1993. Theo thoả thuận giữa hai nước năm 1991, Việt Nam sẽ mở lãnh sự quán tại Quảng Châu.

* Theo ông Lê Xuân Trinh, bộ trưởng phủ thủ tướng, chính phủ đã quyết định đóng cửa 2.000 xí nghiệp quốc doanh. Số xí nghiệp quốc doanh, cả địa phương và trung ương, hiện nay là 12.000, sẽ được giảm xuống còn khoảng 6 tới 7.000 trong khuôn khổ chính sách cải tổ này.

* Việt Nam và Malaixia đã ký kết một hiệp định cùng khai thác dầu mỏ trong vùng biển hai bên đều xác nhận chủ quyền của mình. Các công ty Petronas của Malaixia và PetroVietnam sẽ bỏ vốn bằng nhau để khai thác vùng mỏ này trong 40 năm tới.

* Theo một Pháp lệnh về thẩm phán và hội thẩm toà án nhân dân, được ban hành ngày 26.5 và có hiệu lực từ ngày 15.8.1993, từ nay người được tuyển chọn và bổ nhiệm làm thẩm phán, kiểm sát viên, phải có trình độ cao đẳng toà án, kiểm sát hoặc đại học luật, và phải có thời gian công tác pháp luật là 4, 6 hoặc 8 năm tuỳ theo cấp.

* Cuộc đua xe đạp Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, cúp truyền hình 1993, với 14 chặng, trung bình khoảng hơn 100 km mỗi chặng, đã kết thúc ngày 19.5, với sự chiến thắng của tay đua Huỳnh Kim Hùng, thuộc đội Luks Etron.


Căng thẳng giữa chính quyền và Phật giáo ở Huế

Sau vụ tự thiêu ở chùa Linh Mụ ngày 21.5, một cuộc biểu tình, ngồi chặn ngang đường của một số tu sĩ chùa Linh Mụ, được nối tiếp bằng sự chặn và đốt một xe hơi của chính quyền Huế, làm nghẽn giao thông sáng ngày 24.5 trên trục quốc lộ 1 ngang thành phố Huế, là nguyên cớ được chính quyền Huế đưa ra khi bắt giữ ba nhà sư của chùa Linh Mụ (các đại đức Thích Trí Tựu, Thích Hải Tạng và Thích Hải Tịnh) ngày 5.6 vừa qua.

Trả lời Thông tấn xã Việt Nam ngày 31.5, ông Lê Văn Anh, chủ tịch thành phố Huế trình bày sự việc như sau:

“Ngày 24.5, Uỷ ban nhân dân thành phố đã mời ông Thích Trí Tựu (giám tự chùa Linh Mụ) lên trụ sở UBND thành phố để trao đổi nhằm làm rõ vụ việc này. Trong lúc đại diện UBND và ông Thích Trí Tựu đang làm việc thì có 6 nhà sư ở chùa Linh Mụ kéo về phía uỷ ban, la lối “Công an đã bắt thầy Thích Trí Tựu” rồi đi ra phía ngã tư đường Lê Lợi và ngồi dàn hàng ngang mặt đường. Trước tình hình đó, chúng tôi mời ông Thích Trí Tựu lên xe để đưa về chùa Linh Mụ. Nhưng trên đường đi, một số sư sãi quá khích, dưới sự chỉ đạo của Thích Hải Tạng đã chặn xe chở ông Thích Trí Tựu và cổ vũ các vị sư cứ ngồi lì trên mặt đường. Sau đó, những kẻ quá khích lại lật ngược chiếc xe của UBND thành phố đang làm nhiệm vụ đưa ông Thích Trí Tựu về và châm lửa đốt (xe). Chính những hành động nêu trên đã làm tắc nghẽn giao thông hơn ba tiếng đồng hồ.”

Ngay ngày hôm đó, tại Paris, một thông cáo báo chí của “Uỷ ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam” đưa tin (theo AFP 24 và 25.5) “một tu sĩ phật giáo chuẩn bị tự thiêu để phản đối sự đàn áp càng ngày càng thô bạo của chính quyền cộng sản đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, và phản đối việc bắt giữ sáng hôm 24.5 đại đức Thích Trí Tựu, giám tự chùa Linh Mụ, người cộng sự gần gũi nhất của cố hoà thượng Thích Đôn Hậu (đã qua đời một năm trước)”. Bản thông cáo còn nói rõ “20 tu sĩ đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực trước trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố Huế để đòi trả tự do cho đại đức Thích Trí Tựu”, và “cuộc phản đối này tiếp theo sự tự thiêu của một phật tử ngày 21.5 để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền cộng sản”. Trong nhiều bản tin và thông cáo được đưa ra từ Paris, “Uỷ ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam” khẳng định “40.000 người đã tham gia cuộc biểu tình tại Huế hôm 24.5.93 đòi hỏi tự do tôn giáo”, và ngoài ba vị tu sĩ bị bắt kể trên, chính quyền còn “bắt giam trên 300 Phật tử bị nghi tham gia và cầm đầu cuộc biểu tình tại Huế”.

Nhân dịp thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Paris, cũng đã có những cuộc biểu tình do một số tổ chức Việt kiều kêu gọi, để phản đối chính quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền nói chung và về vụ Phật giáo Huế nói riêng.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss