Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Trần Anh Hùng nói về Mùi đu đủ xanh

Trần Anh Hùng nói về Mùi đu đủ xanh

- Hải Vân — published 10/02/2011 00:25, cập nhật lần cuối 05/03/2011 22:29

Camera Vàng Cannes 1993


Trần Anh Hùng nói về
Mùi đu đủ xanh

Hải Vân

 

Đoạt giải CAMERA VÀNG – dành cho phim đầu tay và giải THANH NIÊN tai Liên hoan Điện ảnh Cannes 1993 – M ùi đu đủ xanh (L’odeur de la papaye verte) được giới phê bình và người xem đón nhận như là một phim Việt Nam: một đạo diễn người Việt, một câu chuyện Việt Nam, một bộ phim nói tiếng Việt. Trong khi, về mặt kinh tế và kỹ thuật, đó là một sản phẩm 100% của nền điện ảnh Pháp: vốn đầu tư và tài trợ (18 triệu FF), nhà sản xuất, ê-kíp kỹ thuật, tất cả đều là Pháp. Quốc tịch Pháp, tâm hồn Việt, Mùi đu đủ xanh chỉ là ảnh phản chiếu tác giả của nó, đạo diễn Trần Anh Hùng (xem bài giới thiệu trong số trước).

Chúng tôi ghi lại dưới đây đôi điều trao đổi – bằng tiếng Pháp – giữa Trần Anh Hùng với báo Diễn Đàn.

Mùi đu đủ xanh là câu chuyện – xảy ra ở Sài Gòn vào đầu những năm 1950 – của một em gái 10 tuổi tên Mùi, từ nông thôn lên thành thị ở đợ trong một gia đình tiểu tư sản. Mười năm sau, Mùi sang làm người ở cho một nhạc sĩ dương cầm tên Khuyến, trở thành vợ của người nghệ sĩ Âu học, khởi đầu một cuộc sống mới. “ Hình tượng quả đu đủ xanh nói lên, t heo lối ẩn dụ, chủ đề chính là thân phận của người đàn bà Việt Nam, một quan hệ truyền thống giữa đàn bà và đàn ông, quan hệ phục dịch. Một sự phục dịch chấp nhận bằng một sức mạnh tâm linh phi thường mà người ta có thể bắt gặp ở các bà mẹ Việt Nam. Một chế độ không thể chấp nhận, nếu xét một cách duy vật”.

Thử lý giải mâu thuẫn này, Trần Anh Hùng gợi ra giả thuyết: “ Khi gặp gỡ tình thương, những cử chỉ phục dịch, hầu hạ thay đổi ý nghĩa, nội dung, trở thành những cử chỉ hy sinh, hiến dâng. Tình yêu giải thoát người đàn bà ra khỏi thân phận phục dịch, đồng thời giam giữ họ vào quan hệ phục dịch người đàn ông hơn bao giờ hết. Sự phức tạp, lưỡng tính ( ambiguité) trong tương quan giữa phục dịch và yêu thương chính là vấn đề mà Mùi đu đủ xanh muốn đặt ra”.

Ý đồ này giải thích cấu trúc bộ phim gồm hai phần. “P hần thứ nhất miêu tả sự vận hành của quan hệ phục dịch. Khởi đầu là giai đoạn rèn luyện từ bé – Mùi học từng cử chỉ nội trợ. Sau là giai đoạn người đàn bà về già (bà chủ nhà), một tay gánh vác cả gia đình khi người chồng vô tích sự đã bỏ nhà ra đi. Và ở giai đoạn cuối đời (bà nội), người đàn bà, hoàn toàn cô độc, chỉ còn có thể đối thoại với người đã chết”. Trần Anh Hùng dành phần thứ hai để tả giai đoạn then chốt trong quá trình nói trên: “ Khi người đàn bà gặp gỡ tình yêu nơi người đàn ông, thân phận phục dịch chuyển hoá thành một cái gì khác”. Và sự lưỡng tính tiếp tục: “ Khi dạy cho Mùi đọc và viết, người chồng trao vũ khí cho người vợ tự giải phóng. Song đây chỉ là một khả năng. Bởi vì, trong cảnh kết thúc, Mùi – sau khi độc thoại trực diện với ống kính camera kêu lên một tiếng và nhắm mắt lại...: bào thai cử động trong bụng của Mùi. Với bào thai này, phải chăng chu trình nói trên bắt đầu lại và mô hình quan hệ cổ truyền được tái tạo?”

Trần Anh Hùng xác định: “Tôi không làm bộ phim này để tố cáo thân phận phục dịch của người đàn bà – như Trương Nghệ Mưu trong Thê và Thiếp. Làm như vậy không khác nào tôi phủ nhận mẹ tôi. Tôi cũng không đề nghị một giải pháp. Vả lại, tôi không tin mô hình phương Tây về giải phóng phụ nữ có thể du nhập vào Việt Nam . Mùi đu đủ xanh chỉ nêu lên một thực trạng để tạo cảm xúc về sự khiếm khuyết, về những điều nan giải của cuộc sống”.

Phần thứ hai của bộ phim còn được xây dựng trên một sự phân biệt giữa “hai phương thức quyến rũ trong quan hệ ái tình. Một bên là vị hôn thê Âu hoá của Khuyến và lối quyến rũ phương Tây, lấy tương quan lực lượng và sự khiêu khích làm cơ sở. Bên kia là Mùi và lối quyến rũ phương Đông, căn cứ trên sự thấm nhuần và những quan hệ nam nữ lẩn tránh nhau để trở thành cần thiết cho nhau. Rốt cuộc, Khuyến chọn lụa người đàn bà truyền thống, có thể do ý muốn tìm về nguồn hoặc vì e sợ những thay đổi triệt để”. Dù sao mỗi phương thức quyến rũ đã được diễn tả trong bộ phim với một ngôn ngữ điện ảnh đặc thù.

Xét cho cùng, tất cả M ùi đu đủ xanh nằm trong ngôn ngữ điện ảnh đầy tinh tế của Trần Anh Hùng, “một sự kết hợp vật chất tâm linh. Mặt vật chất đòi hỏi phải tả những quy trình lao động nội trợ một cách hiện thực với những động tác chính xác, không chỉ trong lúc xắt đu đủ xanh hay lau nhà mà cả lúc người đàn bà rửa mặt hay nghỉ ngơi. Những cảnh – trường đoạn ( plan séquence) ở đây có tác dụng tạo ra cảm giác thời gian hiện thực. Ngược lại, mặt tâm linh đòi hỏi phải cách điệu hoá (styliser) những quy trình lao động đó, cho chúng cái vẻ tập tục, nghi thức để qua đó mỗi cử chỉ thường ngày của công việc nội trợ có thể chuyên chở những nội dung tinh thần”.

Thực hiện Mùi đu đủ xanh trên đất Pháp, khó khăn chính đối với Trần Anh Hùng không ở chỗ tạo dựng lại được cảnh trí Việt Nam tại phim trường. Ngay trong trường hợp bộ phim được quay ở Việt Nam, như dự định ban đầu, những đòi hỏi về thiết kế cảnh trí cũng vẫn vậy, do yêu cầu di chuyển của máy camera. Điều cốt lõi, theo Trần Anh Hùng, là có nắm bắt được hay không “tâm hồn Việt Nam”, nghĩa là, đối với khán giả Tây phương, “một quan niệm khác về quan hệ giữa người với người”. Ngôn ngữ trong bộ phim, do đó, chỉ có thể là tiếng Việt. Và nhà đạo diễn Pháp gốc Việt đã thuyết phục được nhà sản xuất Pháp cho quay hai bản phim, một bản tiếng Việt – xem như là bản chính – và một bản tiếng Pháp để tôn trọng những quy định của nền điện ảnh Pháp (người ta còn nhớ phim L’Amant của đạo diễn Pháp Jean-Jacques Annaud, phỏng theo tác phẩm của nhà văn Pháp Marguerite Duras, chỉ quay bằng tiếng Anh, nên không được coi là phim Pháp để dự giải César).

Điện ảnh của Trần Anh Hùng, từ hai phim ngắn Thiếu phụ Nam Xương Hòn vọng phu, đến Mùi đu đủ xanh đều xoay quanh thân phận người phụ nữ Việt Nam. Trong cả ba phim của anh, người đàn ông hầu như vắng mặt, hoặc hiện diện một cách mờ nhạt. Chúng tôi hỏi tại sao, Hùng không giải thích được. Phải chăng nó thể hiện cấu trúc quan hệ con - bố - mẹ trong gia đình cổ truyền Việt Nam, trước tiên là gia đình Trần Anh Hùng? “Tính chất quan hệ với mẹ là trìu mến, cảm thông. Còn tính chất quan hệ với bố là uy quyền: người bố là người cầm chịch trong gia đình, người quất roi mà không chỉ trong nghĩa bóng. Từ trước đến nay tôi chưa từng bao giờ tâm sự với bố tôi. Chỉ gần đây hai bố con mới bắt đầu đối thoại với nhau”. Trần Anh Hùng cho biết bộ phim sắp tới, mang tên Xích lô (Cyclo), sẽ lấy “quan hệ với người bố” làm trung tâm. Đó là chuyện một thanh niên 18 tuổi đạp xích lô muốn thực hiện lời dặn dò của bố và vấp phải thực tế xã hội, kinh tế của nước Việt Nam hiện nay. Bộ phim dự kiến sẽ quay toàn bộ tại Việt Nam, và trong mùa hè này, Trần Anh Hùng sẽ về nước chọn cảnh. Đồng thời, cùng với nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê và nhà sản xuất Christophe Rossignon, nhà đạo diễn Việt kiều sẽ đi giới thiệu Mùi đu đủ xanh cho khán giả Việt Nam, trong tháng 9, tại các thành phố Hà Nội, Sài Gòn và, nếu có điều kiện, Đà Nẵng [gợi ý của người đánh máy: và Huế, rất nên Huế!!!].

Hải Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss