Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 22 - 09.1993 / Một nỗi ám ảnh của hôm nay

Một nỗi ám ảnh của hôm nay

- Trần Đạo — published 02/03/2011 00:30, cập nhật lần cuối 22/03/2011 23:12


Cái chết sau quá khứ
Một nỗi ám ảnh của hôm nay

Trần Đạo

 

Văn Trần Vũ có một đặc điểm hiếm: ám ảnh. Lâu sau khi đọc truyện ngắn của Trần Vũ, tình cờ nhớ tới, ta đã quên nội dung, tình tiết, cốt truyện. Thế mà không quên cảm giác gờn gợn, canh cánh trong lòng! Cái gì, trong văn Trần Vũ, khắc vào ta ấn tượng ấy? Chính ta! Ngôn ngữ biến thành văn trong khoảng khắc này: nó khiến ta nhận mặt ta, một bộ mặt chưa thật rõ nét, nhưng đích thực là ta. Sự nhận diện đó, dù chớp nhoáng, khó quên.

Có người nghĩ truyện ngắn của Trần Vũ xúc động ta vì chúng manh động, tàn bạo, dâm đãng. Actions, Violence et sexe! Nội dung bạo liệt, dâm dục, hình ảnh bạo liệt, dâm dục, câu chữ bạo liệt, dâm dục. Nhịp văn đặc biệt bạo, dâm, có lúc miên man. Đúng. Không cơ bản. Những xảo thuật nhỏ kiểu best-seller ấy chỉ đủ để khoái phút chốc, rùng mình trước một thế giới cuồng loạn ngoài da, những thèm khát lặt vặt, phổ biến trong sinh hoạt “nghệ thuật” hàng ngày ở Tây Âu. Tiêu thụ, rồi quên. Ta đã quên biết bao thriller và sex đủ kiểu ta đã xem, đã đọc, trên màn ảnh, sân khấu, trong sách báo? Những thủ thuật không thể lạm dụng trong văn chương. Chúng thích hợp với điện ảnh, chúng đòi hỏi khán giả thụ động. Văn chương, trái lại, cần sự chủ động của độc giả: nó chỉ hình thành, “tồn tại” trong quá trình đọc. Độc giả sơ ý một khắc, những hành vi tàn bạo, dâm đãng, tức khắc tan hoang. Ta có thể ngồi ì vài giờ trước một màn ảnh đầm đìa máu lửa, miễn sao ta đừng nhìn để khỏi bật cười! Ta không thể đâm chém loạn, gieo bão, giật chớp mười phút liền trong óc ta. Sức người có hạn, nhất là sức tưởng tượng kiểu ấy! Đoạn văn tả Toàn đuổi theo chị để hiếp y hệt một cuộc đuổi bắt trong phim hành động đương đại (1). Nó kéo dài... năm dòng. Dù sao, cốt truyện, hình ảnh, câu chữ tàn bạo, dâm dục, có thể nhử ta đôi giờ, không thể để lại trong ta một ấn tượng lâu bền. Đâu phải cứ bắt chước Sade là viết được thành văn! Nếu chỉ có vậy, sẽ thiếu một cái giọng! Cái gì làm ta nhớ giọng văn của Trần Vũ? “Cái” chết sau quá khứ, “cái” sống hôm nay.

Chết, ta vĩnh viễn lăn vào quá khứ, biến thành sự thực không thể sửa đổi được nữa. Người ấy sinh năm ... đã làm ... đã nói ..., và đã chết ngày ... tháng ... năm ... Cái chết ấy, đối với người Việt, trong văn hoá cổ truyền, không khủng khiếp. Tổ tiên ta sợ sống nhục, không sợ chết vinh. Nhưng người ta có thể sống vinh mà chết nhục. Chết, ta biến thành nỗi đau, công cụ, trò đùa của người sống: “Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, chúng ta phải...”. Ngã xuống, Bác hết khả năng dạy bảo, chỉ còn chức năng làm bia đỡ đạn cho người đời. Chính vì thế, hôm nay, Hồ Chí Minh vẫn đỡ đạn cho thiên hạ! Chết, ta mất khả năng làm người, khả năng hành động, tác động vào cuộc đời, tái tạo và sáng tạo chính ta, ta mất tự do, mất mặt người. Đó là ý nghĩa câu văn nổi tiếng của Malraux: La mort transforme la vie en destin (Chết, đời ta biến thành định mệnh). Chết khủng khiếp ở chỗ phải trao trọn mình cho đời. Đó là một nội dung độc đáo của vở kịch Huis-clos, với câu văn bất hủ: “L’enfer, c’est les autres” (Địa ngục, chính là tha nhân). Người khác thú ở chỗ này: không thể chết hoàn toàn, không thể Niết Bàn, phải “đầu thai” mãi mãi qua tâm hồn người khác. Niết Bàn! Giấc mơ tan hoà vào vũ trụ! Cuộc tự thiêu không bao giờ trọn vẹn! cứ vương vấn chút tro tàn. Vũ trụ lịch sử, không kỷ niệm. Con người có kỷ niệm nhưng lại không có sự thật. Vì nó tự do, nó phải tái tạo kỷ niệm, phải sáng tạo thời gian, phải lấy hiện tại nuôi quá khứ, vẽ tương lai. Cái chết hôm qua biến thành cuộc sống hôm nay, cuộc sống hôm nay trở thành quá khứ của mai sau, trong từng cuộc đời, qua từng thế hệ. Nhân loại còn, ta chưa thể chết đứt được!

Đó là cái chết thường tình. Nhưng, trong hoàn cảnh đặc biệt, ta có thể chết đằng sau quá khứ! Chết trước khi sống! Trước khi làm người! Đó là cái chết khủng khiếp nhất, bất nhân nhất, cái chết của cỏ cây, gia súc, chết ngoài ngôn ngữ của chính mình, chết vĩnh viễn, ít nhất đối với một tiếng nói, một nền văn hoá. Cái chết dành riêng cho một số thân phận.

Sống, ta tái tạo quá khứ từng ngày, từng giờ, từng suy nghĩ, từng tình cảm. Khả năng tái tạo ấy gắn với khả năng sáng tạo tương lai của con người. Quá khứ trở thành quá khứ của ta khi nó bắt rễ vào hiện tại của ta, vươn tới tương lai của ta. Nó trở thành quá khứ của một tương lai, của một con người, nó trở thành chính ta. Nếu văn Trần Vũ ám ảnh ta, nó ám ảnh ở đó, nó khơi một tương lai khủng khiếp, một tương lai không có quá khứ, không người. Tuy kể chuyện quá khứ, nó vạch mặt hiện tại, vạch mặt ta: tương lai của mày là ai?

Có người biết sống quá khứ. Họ có thể viết văn hoài cổ, văn lãng mạn. Cũng có thể hay. Có người biết sống bất cần quá khứ. Họ có thể viết văn phản kháng, văn tôn giáo. Cũng có thể hay. Có người biết sống với quá khứ. Văn của họ không chỉ luyến tiếc quá khứ, không chỉ thèm khát tương lai, nó đòi hỏi hiện tại, một quá khứ và một tương lai sống, xuyên qua một kiếp người. Nó đòi hỏi thời gian toàn vẹn của con người, của độc giả. Ba thái độ ấy với đời, ba sự lựa chọn làm người ấy, dĩ nhiên, thể hiện trong bút pháp, văn phong. Sống vì quá khứ thường thích nhân hoá tất cả, một cánh hoa, một mầu tím, một sắc nắng, một ban mai, một con chó. Sống bất cần quá khứ thường thích thần thánh hoá, thi vị hoá tất cả, một cơn rượu, một phút loạn, một giây điên, một thằng đĩ. Còn muốn sống với quá khứ tương lai, phải sống thế nào, phải viết thế nào? Đó là câu hỏi hàng ngày của con người, là nỗi đau nhân tình của muôn thuở. Câu hỏi ấy nổ tung khi thời gian đột ngột đứt, khi quá khứ và tương lai chửi nhau qua cuộc sống hiện tại, khi thời cuộc bẩy ta ra ngoài lịch sử, buộc ta làm người di tản, làm người của một thế kỷ rụng rời, long trời lở đất nứt người, khi ta sửng sốt thét: “ Trời ơi, chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi còn ở Vũng Tàu hôm qua kia mà !” (1). Mới hôm qua ta còn ở Vũng Tàu, còn là người Việt, với phong cách, tình cảm, lý trí, luân lý, đạo đức, quá khứ và tương lai của người Việt. Hôm nay ta là ai, khi ta không còn là nhịp cầu “tự nhiên” giữa quá khứ và tương lai của người Việt? Khi, trong thực tế, ta đã thành con tàu không bến? Ta là ai? Là con người trần truồng thuở hoang sơ, con người bị chặt đứt một phần mình: gia tài bốn nghìn năm hình thành ra mình, với những giá trị, những ràng buộc của nó, với tiếng Việt. Với ta. Bình thường, con người tiếp nhận gia tài đó để trở thành người, và chống đối gia tài đó để trở thành mình, trong đất nước, xã hội, văn hoá, tiếng nói của mình. Qua đó, xuất thân từ quá khứ bốn nghìn năm nó vươn tới tương lai “vô tận” của nhân loại. Chẳng mấy khi nó phải sáng tạo nhân tính của nó từ buổi “hồng hoang” của loài người, khi nó chỉ tìm được chút nhân tình trong bộ lạc, dòng máu. Chẳng mấy khi, nhưng cũng đã phần nào là thân phận của một bộ phận của dân tộc Việt Nam, và một phần không nhỏ của nhân loại hôm nay. Văn Trần Vũ ám ảnh ở đó. Nó ám ảnh được ta vì, vô tình hay cố ý, nó thể hiện được điều ám ảnh tác giả, ám ảnh ta: dù sao đi nữa, ta vẫn là người Việt, đến chết, và, trong tư cách ấy, sẽ chết đứt. Nó khơi vẻ mặt của ta, mặt người giữa cuộc bể dâu. Khi “Tôi gục xuống. Toàn quay lại, mặt đầy thẹo. V ết thẹo. Trời ơi, buổi sáng.” (1), ta cảm, ta hiểu. Vết thẹo ấy chính là ta, người Việt, là nhát đao chặt đứt dòng thời gian trong cuộc sống của ta, là khoảng trống giữa quá khứ và tương lai của ta, vực hư vô không ai lấp được, ngoài ta. Ta biết, ta không thể trở lại thuở hồng hoang, không thể tìm ánh sáng trong bóng tối của rừng già. Nhưng ta cũng biết, ta đã đứt nguồn. Thời gian không chảy ngược. Con người là thời gian và, khốn nạn thay, là trí nhớ! Có một cái gì đang chết ngoài đời cứ đòi sống mãi ở ta, qua ta. Muốn sống giữa ban ngày, đáng mặt người, ta phải sống một bình minh mới của nhân loại, ta phải – từ thân phận khốn nạn này – ôm cả quá khứ của ta mà sống, mà sáng tạo một vài giá trị cho đời nay, ta phải dám một lời hứa với ngày mai, dám làm người với hai bàn tay gần như trắng, vì lịch sử, vì thời đại đã xoá trắng một phần nhân cách của ta. Ta? Ai?

Ở hải ngoại, trong văn chương Việt Nam, vừa xuất hiện một ngòi bút.

 

(1) Pháo thuyền trên dòng Yang-Tsé, truyện ngắn của Trần Vũ trong tập Cái chết sau quá khứ (xem khung dưới đây).

Trần Vũ : cái chết sau quá khứ

Chúng tôi vừa nhận được tác phẩm của Trần Vũ: Cái chết sau quá khứ (Nhà xuất bản Hồng Lĩnh, California, Hoa Kỳ, 1992, 226 trang, giá bán tại Mỹ: 12 USD, nơi khác + 2 USD). Ngoài Cánh đồng mùa gặt khô đã đăng trên Diễn Đàn, tác phẩm này gồm 8 truyện ngắn khác. Đây là tác phẩm thứ nhì của nhà văn, tiếp theo Ngôi nhà sau lưng Văn miếu.

Diễn Đàn cảm ơn Trần Vũ và trân trọng giới thiệu tác phẩm này với bạn đọc.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss