Điện ảnh Việt Nam SOS
Điện ảnh Việt Nam SOS
Trong phim Khởi điểm của R. Kramer, có cảnh tranh luận say sưa giữa đạo diễn trẻ Lưu Trọng Ninh (con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư) và mấy đồng nghiệp chung quanh vấn đề quá khứ và hiện tại, ngộ nhận, xung đột giữa thế hệ trẻ và thế hệ đi trước. Đó cũng là đề tài của phim Hãy tha thứ cho em của tác giả Canh bạc (xem Diễn Đàn số 19). Hãy tha thứ cho em do một tư nhân đầu tư sản xuất (tuy dưới danh nghĩa xưởng phim quốc doanh). Để cho phim có thể ra mắt công chúng, Lưu Trọng Ninh đã chấp nhận cắt bớt một số đoạn “gay go”, và cuốn phim đã được “duyệt”". Công chúng Hà Nội, nhất là tuổi trẻ, đã đón nhận cuốn phim một cách sôi nổi. Vào đến Thành phố Hồ Chí Minh, khán giả chưa kịp xem, thì cuốn phim đã gặp phản ứng của bộ máy. Sau đó, ông Trần Hoàn, bộ trưởng văn hoá, đã đích thân xem phim, và quyết định cấm, đòi cắt thêm 4 đoạn.
Vì muốn bảo đảm sinh kế cho đội làm phim, Lưu Trọng Ninh lại nhận cho cắt thêm, để cuốn phim được phép chiếu ở Việt Nam. Song anh không nhận ra đứa con tinh thần của mình trong cuốn phim bị cắt đi cắt lại như vậy. Và anh từ chối, không chịu để tác phẩm què cụt này đi dự những liên hoan điện ảnh quốc tế.
Búa chính trị, đe thị trường. Trên đe dưới búa, điện ảnh Việt Nam đang báo động đỏ. Trung bình mỗi năm, cho đến nay, sản xuất khoảng 20 cuốn phim truyện (băng nhựa). Ngay năm ngoái, số phim sản xuất lên tới con số kỉ lục: 31 cuốn. Thế mà 6 tháng đầu năm nay, chỉ sản xuất được vỏn vẹn 1 (một) phim truyện. Thuộc loại SBC (săn bắn cướp, tức là phim kungfu).
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu