Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 22 - 09.1993 / Gió dại Chữ nghĩa và văn chương

Gió dại Chữ nghĩa và văn chương

- Trần Đạo — published 01/03/2011 00:15, cập nhật lần cuối 22/03/2011 23:08


Gió dại
Chữ nghĩa và văn chương

Trần Đạo



Truyện ngắn Gió dại của Bảo Ninh xuất hiện trên báo Cửa Việt, đăng lại trong Diễn Đàn số 12, 1.10.92. Từ ấy, báo Cửa Việt đã bị nhà nước đóng cửa.

Nhà văn khôn ngoan không nên đụng tới những từ nguy hiểm như quốc gia, cộng sản, nguỵ, việt cộng... Những món đó khó nuốt, khó ăn khách, nhất là hôm nay. Ngược lại, nhà văn có bản lĩnh, có tài, nên dùng chúng. Chỉ nhà văn như thế mới làm nổi một chuyện cần thiết nhưng khó, cải tạo tiếng nói, khai tử ngôn ngữ thời chiến, khai sinh ngôn ngữ thời bình.

Chiến tranh thường là thời điểm khiến con người sống tận gốc, như một con thú, như một con người, như một con thú đòi làm người: con người là một con thú phải học làm người, mỗi thế hệ phải tự mình tái tạo nhân giới, gánh lên vai lịch sử của cha anh, đương đầu với thiên nhiên và nhân loại đương thời, sáng tạo ngày mai. Trong chiến tranh, con người biết xử sự với nhau một cách tàn bạo hơn thú: nó có một cái gì phải bảo vệ, quý hơn sinh mạng của nó. Bình thường nó tuyệt đối hoá, thần thánh hoá, sinh vật hoá, những giá trị khiến nó chấp nhận những hành vi man rợ đối với người khác. Vì người khác biến nó thành thú, để được làm người, nó phải tiêu diệt người khác như tiêu diệt các con thú khác. Để có thể làm việc ấy, trước hết, nó phải biến đối tượng của nó thành thú. Công cụ độc nhất cho phép thực hiện điều đó là ngôn ngữ, vì con người tư duy bằng ngôn ngữ, vì người Việt Nam tư duy, xúc động bằng tiếng Việt Nam. Tiếng Việt thời chiến là di sản của cha anh để lại cho thế hệ người Việt hôm nay. Nó vừa là nhân cách, vừa là thú tính của người Việt trong nửa sau thế kỷ thứ 20. Chúng ta, người Việt hôm nay, giống nhau và khác nhau ở đó. Ngôn ngữ đó là chúng ta, là đối tượng, là thử thách đối với nhà văn.

Đọc Gió dại, điều làm ta giãy nẩy, chính là cái tiếng Việt ấy! tiếng Việt của cuộc đời thực, của một thời đại đã làm ra chính ta. Nguỵ, nhạc vàng, việt cộng, cộng sản... Đó là thế giới của ta, là tâm hồn ta, một thế giới có nguỵ, lính nguỵ, nhạc nguỵ, ca sĩ nguỵ , nguỵ cái, nguỵ con... một thế giới có Việt cộng, Vi Ci, gooks, cộng cái, cộng con... một thế giới trong đó ta có thể nhẹ lòng lên đạn, bóp cò, vì ở đầu nòng súng chỉ có nguỵ đực, nguỵ cái, nguỵ con, chỉ có cộng đực, cộng cái, cộng con, không có người, không có đồng bào.

Ai đã tạo ra cái thế giới đó? Về khía cạnh lịch sử, xin nhường các sử gia nghiên cứu, phân tích. Cần thiết, bổ ích, nhưng không quyết định.

Ai đã tạo ra ngôn ngữ này? Chính chúng ta. Đương nhiên, những chính khách, những guồng máy tuyên truyền, nhồi sọ có vai trò của chúng. Nhưng chưa bao giờ tự chúng có thể hiện thực hoá khái niệm, biến khái niệm thành sức mạnh vật chất, thành động lực của xã hội, của Lịch sử. Chính chúng ta đã làm điều ấy, đang làm điều ấy, và do đó, chỉ có chúng ta, những người sống sót, mới có thể gỡ những dây oan ấy.

Bàn về Việt Nam hôm nay, vì ước mơ hoà hợp dân tộc, có người chủ trương tránh những từ ngữ chuyên chở quá khứ khốc liệt kia, phó mặc cho thời gian hàn gắn những vết thương của quá khứ. Khốn nỗi, con người không chỉ là một sinh vật. Có những vết thương không giày xéo da thịt, mà thấm vào hồn, đọng trong ngôn ngữ, do đó không thể nhờ thời gian hàn gắn. Chỉ có thể quên. Quên tiếng nói, quên bản thân mình! Điều đó cũng có thể. Nhưng ta thừa biết, người ta chỉ có thể cố ý quên những gì người ta nhớ mãi! Người Việt còn vương vấn với Việt Nam không bao giờ quên được những gì đã khiến Việt Nam thành Việt Nam hôm nay, khiến mình thành mình hôm nay, không bao giờ quên được chính mình. Hơn thế, những sai lầm ta nỡ quên cũng là những sai lầm ta và con em sẽ mắc lại!

Tác phẩm của Bảo Ninh đẹp ở chỗ ấy. Nó không quên gì cả. Nó đập cửa tương lai từ chính quá khứ kia. Nó ôm ngôn ngữ thời chiến để cải tạo tiếng Việt, để sáng tạo ngôn ngữ Việt Nam thời bình. Chỉ có chính trị và văn chương, xuyên qua quần chúng, làm được chuyện ấy, vì đối tượng cơ bản của chính trị và văn chương là con người, là ngôn ngữ. Nhưng nhà chính trị có khi dùng ngôn ngữ để nô lệ hoá con người, trong khi ngôn ngữ của nhà văn chỉ thành văn khi nó giải phóng con người. Chính vì thế, tuy tác phẩm của Bảo Ninh không có những luận điểm phê phán chế độ, tố cáo những tệ nạn xã hội, chính trị..., mà Bảo Ninh được vinh dự bị đập đích danh trong hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đầu năm 1993. Anh làm được chuyện nguy hiểm nhất đối với người cầm quyền bảo thủ, phản động, anh hoàn lại ngôn ngữ cho tác giả chân chính của nó, cho nhân dân. Trong ngòi bút của anh, bỗng nhiên Nguỵ hết là Nguỵ, Việt cộng hết là Việt cộng. Tất cả trở thành người Việt, trong một thời điểm lịch sử có thật, trong đó người Việt Nam đã từng coi nhau là Nguỵ, là Việt cộng. Trong ngòi bút của anh, Nguỵ và Việt cộng hết là đặc tính của một loại sinh vật khác tính với ta. Nếu người xưa có thể coi nhau là Nguỵ, là Việt cộng, đương nhiên người ngày nay cũng có thể coi nhau là người Việt Nam, là người, chẳng cần quên quá khứ, có thể nhớ tất cả, nhưng vẫn muốn sống với nhau vì tự thấy có chung “ một quê hương và một mối tình”, một tiếng Việt, của chung và của riêng từng người! Tiếng Việt ấy đương nhiên là một tiếng Việt trong đó mỗi người Việt đều có mặt, có mặt người. Tái sinh, tái tạo ngôn ngữ là như thế. Văn chương từ đó mà hình thành. Nó là lời mời của một con người tự do, mời những con người tự do cùng mình chung sống, cùng mình tái tạo và sáng tạo ngôn ngữ chung, sáng tạo tương lai nhân bản cho thời đại của mình. Đó là nguồn gốc của Đẹp. Ngoài nguồn gốc ấy, không có cái gì từ một thế giới siêu nhân, đảm bảo được tính nghệ thuật của một tác phẩm. Vì vậy, nhà chính trị bảo thủ, phản động chẳng bao giờ ưa nhà văn chân chính.

Phân tích dễ, sáng tác mới khó! Sáng tác ngôn ngữ đòi hỏi sự hiện diện và sự ưng thuận của người khác, đòi hỏi cả lý lẫn tình và, khi cần, buộc lý phục tình, đòi hỏi nghệ thuật. Lý luận văn học khác văn chương ở đó. Phân tích, bình luận cả nghìn trang, chưa chắc có được một câu đượm chút tình! Vì đã lý luận thì lý át tình, lôgíc của vũ trụ, lẽ sinh tồn, và niềm âu yếm ai ai, phải thống nhất trong con người, với tư cách một vật thể, một sinh vật, một con người, Việt Nam par-dessus le marché! Cũng bình thường. Tình yêu có khi có khả năng vượt lý trí, ít nhất cái lý trí khốn nạn của hôm nay!

Một đặc điểm trong văn của Bảo Ninh chính là không bao giờ cần giải thích. Để làm ta cảm thấy sự tha hoá của chính ta khi ta dùng những từ như Nguỵ, nhạc vàng... với nội dung thời chiến, Bảo Ninh không thèm lý sự. Anh chỉ khơi một giọng hát, giọng hát vàng của một con đĩ nguỵ! Nó đủ sức cuốn một đoàn biệt động quân trên đường đi đầy cất cao tiếng hát, hoà thành một bè đồng ca. Để nói với đời, với người:

“Trong cuộc huynh đệ tương tàn
Chúng ta chỉ là con sâu cái kiến
Nhưng ôi, chúng ta, chính chúng ta đây
Một thời chúng ta cũng có
Một quê hương và một mối tình...”

Nó làm ta thấy cô đơn, thèm được hoà nhập vào giọng hát ấy. Nó nhắc ta những gì ta đã mất trong cuộc chiến hôm qua: một quê hương và một mối tình, quê hương và mối tình chung của người Việt, của con người. Vì thời đại đó, (hay vì chính chúng ta?), chỉ cho phép chúng ta, từng người một, có một mối tình riêng. Nó không cho phép chúng ta, tất cả, có một quê hương, một mối tình, chung. Nó buộc chúng ta làm Nguỵ, làm Việt cộng. Nó không cho phép chúng ta làm người, vì chúng ta chỉ là người Việt.

Ngược lại, tên Việt cộng, tên lính Bắc Việt vào Nam để giải phóng Tổ quốc, sau khi đã hiểu: “Đến với Diệu Nương, tôi đã từng hưởng những phút giây chưa từng được hưởng ở quê nhà ngoài kia. Nhiều tuần qua rồi tôi vẫn không quên và thực sự ra thì cũng không thể nào quên nổi”, lại bắn chết Diệu Nương, và chấp nhận: “Cuộc chiến đấu đang chờ đợi sẽ là lối thoát cho tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi sẽ chiến đấu và sẽ quên.” Ta cảm và hiểu liền, anh sẽ chiến đấu tới cùng, nhưng anh sẽ không bao giờ quên được! Vì anh nhớ tất cả quá khứ, kể cả những gì anh bị tước đoạt, anh có khả năng đập cửa tương lai. Tương lai của con người, trong tính chất người, vươn lên từ chính cái quá khứ không thể quên ấy, vừa không nên quên, vừa không thể chấp nhận mãi, với tất cả những nét man rợ của nó, với tất cả những giá trị đã giúp con người tiếp tục sống và chiến đấu, tiếp tục làm người.

Sẽ có một ngày, chúng ta, chính chúng ta đây, sẽ có lại một quê hương và một mối tình - chung, một tiếng Việt trong đó tất cả những từ ngữ của cha anh để lại sẽ được gọt rửa, sẽ biểu hiện, một cách bình thường và nhân đạo, sự khác biệt vô cùng, mà vẫn anh em, giữa những con người cùng một nguồn gốc. Ngày ấy xa hay gần, tuỳ thuộc một phần vào tác phẩm của nhà văn, của nghệ sĩ. Bảo Ninh là nhà văn khiến ngày ấy xích gần lại.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss