Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 22 - 09.1993 / Khi thị trường trở thành toàn cầu hoá...

Khi thị trường trở thành toàn cầu hoá...

- bmh — published 01/08/1993 00:00, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:36
Diễn đàn số 22, 9.1993

Khi thị trường trở thành

toàn cầu hoá...

Bùi Mộng Hùng

Thị trường toàn cầu hoá

Mấy hôm sau khi tổng thống Mỹ Bill Clinton đắc cử, báo Wall Street Journal ngày 9.11.92 viết ngay trang nhất : " Dù rằng không được dân cử ra, lại không tên tuổi mà phần đông cũng chẳng phải là dân Hoa Kỳ, thế mà những tay đầu tư tài chính, trên khắp thế giới, ngày nay nắm quyền hạn lớn chưa từng thấy —có lẽ cả quyền phủ quyết —trên chính sách kinh tế của Hoa Kỳ. "

Trận chiến đồng frăng vừa qua (xem Diễn Ðàn số này) là một ví dụ cụ thể minh hoạ việc thị trường toàn cầu hoá vượt khả năng điều tiết của chính trị.

Thật ra chiều hướng mở rộng kinh tế đã khởi xuất từ thế kỷ thứ 16 nhưng mỗi ngày mỗi tăng tốc. Từ giai đoạn quốc tế hoá, phát triển xuất khẩu đi khắp nơi. Ðến giai đoạn xuyên quốc gia, các công ty đầu tư và đặt cơ sở ở nước ngoài. Giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay có ba đặc điểm : một là tính thống nhất của thị trường toàn cầu, hai là doanh nghiệp hình thành dạng màng lưới toả khắp thế giới, ba là trên mức độ toàn cầu không có thể chế thích nghi để điều tiết cho kinh tế và chính trị phụ thuộc vào lẫn nhau.

Các thể chế cản trở hàng hoá giao dịch qua các biên giới quốc gia không ngớt bị triệt hạ, càng ngày càng gia tốc, từ khi Hiệp định toàn bộ về biểu thuế hải quan và thương mại (Accord général sur les tarifs douaniers et le commerce, GATT) được ký kết năm 1947. Rồi phương tiện giao thông mỗi ngày mỗi nhanh chóng, giá lại mỗi ngày mỗi hạ, lưu lượng giao dịch thương mại, tài chính bùng nổ từ những năm đầu 80. Rồi các biện pháp " giải lệ " (déréglementation) phá vỡ các qui lệ ngăn chặn giao lưu qua biên giới quốc gia. Doanh nghiệp vươn ra khỏi biên giới đất nước nguyên quán, phát triển khắp bốn phương trời. Ðầu tư trực tiếp ở nước ngoài (theo định nghĩa của Quỹ tiền tệ quốc tế FMI là chiếm trên 20% sở hữu một doanh nghiệp ở ngoại quốc) không ngớt tăng, năm 1980 bằng 0,4% tổng sản lượng thế giới, đến năm 1990 tăng lên 1,1%. Năm 1992 đầu tư trực tiếp ở nước ngoài trên toàn thế giới đạt 181 tỷ $US. Với xu hướng trong giao dịch hiện nay lượng hàng hoá vật chất mỗi ngày mỗi giảm so với dịch vụ, dữ kiện tin học, viễn thông, thông điệp nghe nhìn..., hiện tượng toàn cầu hoá lại càng tăng.

Thị trường công nghiệp, thị trường thương mại, thị trường tài chính đan xen với nhau thành một thị trường thống nhất trên toàn cầu. Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, thị trường thao túng một khu vực sản xuất và thương mãi duy nhất gồm toàn thế giới. Trên khắp năm châu thông tin trao đổi với vận tốc thời gian thực (en temps réel) chẳng khác ngồi đối mặt mà trao đổi với nhau nhờ vệ tinh và phương tiện viễn thông ngày nay. Dù rằng thế giới chia ba chân vạc thành ba khu vực tụ quanh các cực Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản là có thật, xu hướng này không loại bỏ tính cách thống nhất của thị trường toàn cầu ngày nay.

Doanh nghiệp toàn cầu hoá

Doanh nghiệp đã biết nhanh chóng toàn cầu hoá. Trong quản lý, cái nhìn toàn cầu quyết định các khâu thực hiện, sản xuất, phân phối sản phẩm và dịch vụ. Miễn sao cho thu lợi và năng suất tối đa.

Trong những năm 70, các doanh nghiệp đa quốc gia là những con bạch tuộc, vòi đưa ra khắp nơi, nhưng tuỳ thuộc một cơ quan trung ương. Trung tâm đó có nơi định cư nhất định, xây dựng nên chiến lược rồi truyền lịnh đi khắp mọi nơi.

Doanh nghiệp toàn cầu hoá ngày nay không còn trung tâm. Mà là một màng lưới gồm nhiều thành phần bổ sung cho nhau, phân tán trên khắp thế giới, tổ chức theo tính hợp lý thuần kinh tế.

Trong kinh tế toàn cầu hoá, các khâu tư bản, lao động, nguyên liệu không một khâu nào tự nó còn là yếu tố quyết định nữa. Ðiều quan trọng là quan hệ tối ưu giữa cả ba yếu tố. Ðể tạo ra quan hệ đó các doanh nghiệp tìm cách khôn khéo khai thác thông tin, tổ chức lao động và vận dụng lý thuyết quản lý mới : tiết kiệm, nhờ tầm cỡ đạt mức tối ưu làm cho chi phí tương đối giảm, đặc biệt là phí tổn nghiên cứu mỗi ngày mỗi nặng ; phối hợp khai thác lợi thế riêng của mỗi vị trí trên thế giới cùng lợi thế đặc thù của xí nghiệp ; và bảo đảm sự có mặt của mình khắp mọi thị trường lớn trong hoàn cầu. Vì thế mà ta thấy hình thành những mạng lưới sản xuất và phân phối sản phẩm xuyên quốc gia. Nhờ phương tiện viễn thông ngày nay, các cơ sở trên khắp thế giới liên hệ gắn bó với nhau, quản lý và xử lý nghiệp vụ với thời gian thực.

Mạng lưới có thể qui tụ trong một doanh nghiệp duy nhất. Hitachi chẳng hạn tối ưu hoá phân bố hoạt động theo đặc điểm của vùng cơ sở của mình du nhập : sản phẩm đại chúng như máy ghi âm thì sản xuất ở các nước mới nổi vùng Ðông Nam Á, còn sản phẩm cần kỹ thuật cao như vi mạch thì về phần các cơ sở ở châu Âu và ở Hoa Kỳ.

Mô hình " doanh nghiệp khổng lồ " toàn cầu hoá như trên không thịnh hành lắm. Xu hướng hiện nay là " giảm tầm vóc " (downsizing), giải các nhóm tổ hợp lớn thành vô số đơn vị tự trị, là tạo những mạng lưới cộng tác kỹ thuật giữa những doanh nghiệp độc lập về pháp lý. Chung sức thực hiện sản phẩm như trong công nghiệp hàng không, hình thành mạng lưới gia công như trong công nghệ dệt, hay kết thành những liên minh phức tạp như trong công nghiệp xe hơi. Một ví dụ cụ thể, Nissan lập kế hoạch thực hiện một kiểu cam nhông ở San Diego bang California Hoa Kỳ, khâu lắp ráp làm tại xưởng của công ty Ford tại bang Ohio, linh kiện thì sản xuất ở nhà máy của Nissan ở bang Tennessee và sau đó hai hãng Ford và Nissan đem bán xe ở Hoa Kỳ và ở Nhật.

Toàn cầu hoá và hiện tượng "chuyển chỗ"

Dưới dạng tổ chức như nói trên, tư bản và mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia trở nên vô cùng linh hoạt. Thấy có chốn thuận lợi là không ngần ngại chuyển chỗ cơ sở dù là cơ sở đó đang sản xuất rất tốt. Hiện tượng " chuyển chỗ " (délocalisation) gây ra một loạt hệ quả.

Ðối với một quốc gia hay một địa phương điều quan trọng không chỉ còn là xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ mà là phải thu hút và giữ lại được vốn đầu tư, bất cứ lúc nào cũng có thể " chuyển chỗ " mất dạng.

Vốn đầu tư chọn đất lành để đậu theo hai xu hướng trái ngược nhau :

Một là ưa những vùng lao động lương thấp. Vì thế công nghiệp sản xuất quần áo may sẵn " chuyển chỗ " đến các nước ven biển Ðịa Trung Hải như Hy Lạp, Marốc... Vì thế mà dịch vụ ghi dữ kiện tin học tập trung vào các nước Á Ðông như Phi Luật Tân, Ấn Ðộ...

Trong " Báo cáo thông tin về hiện tượng chuyển chỗ các hoạt động công nghiệp và dịch vụ ra ngoài nước Pháp " (Rapport d'information sur les délocalisations des activités industrielles et des services hors de France) Jean Arthuis lên tiếng báo động tại Thượng nghị viện Pháp (Sénat) ngày 3 tháng 6 1993 : " Chỉ cần vài chữ cũng đủ gợi ra tầm nghiêm trọng của vấn đề. Lôgíc của hiện tượng " chuyển chỗ " đi đến mức tột cùng của nó là biến Âu châu thành một siêu thị rộng lớn chỉ dùng vào việc giao dịch, hàng hoá thì chế tạo ở nơi đâu khác ".

Những nước phát triển có cơ sở để lo âu. Tuy nhiên một nước nằm trong vùng Ðông Nam Á đang có khả năng thu hút một số hoạt động công nghiệp như nước Việt Nam ta chớ vội thấy thế mà mừng.

Một số lớn doanh nghiệp, như Adidas, như Nike, không xây dựng cơ sở sản xuất mà chỉ trưng ra một tên hiệu để thu thập sản phẩm do hàng nghìn cơ sở gia công làm ra. Nay ở nước này, mai đã bỏ sang nước khác tuỳ mức lương, tuỳ mức thuế suất. Người lao động bản xứ được trả lương bao nhiêu, điều kiện lao động ra sao, không phải là việc họ bận tâm. Xí nghiệp thế giới thứ ba bị họ bóc lột thường quay ra bóc lột lại những kẻ cùng khốn hơn : Madagascar lãnh gia công nhưng không làm, giao cho đảo Maurice gia công lại, có lợi hơn !

Và ngay tại những nơi thành công hào nhoáng, tiếng là được tư bản chọn làm nơi " chuyển chỗ ", xét kỹ lại trong cái lợi trước mắt có thể kèm theo cái di hại lâu dài cho xã hội. Theo báo Time số 10.5.93, trong số 8 700 " khu phát triển kinh tế " của Trung Quốc, không đầy 2% thực sự sản xuất, còn lại chỉ dùng làm bình phong cho " đầu cơ đất đai " , hàng chục triệu nông dân bị phú hào " mới " chiếm đoạt ruộng đất, tiền của tiêu tan hết rồi, trôi dạt từ tỉnh này đến tỉnh khác tìm miếng cơm nuôi miệng.

Xu hướng thứ hai, có phần trái nghịch với hướng trên : các doanh nghiệp ưu tiên du nhập vào những vùng ven đô thị lớn, trình độ phát triển cao. Vì sẵn quần chúng lao động có trình độ, vì tầm vóc quan trọng của thị trường địa phương. Trong tương lai xu hướng này mà cứ tiếp tục như hiện nay thì quyền lực lọt vào tay các màng lưới doanh nghiệp xuyên quốc gia liên kết với các thế lực chính trị các đô thị-khu vực. Ngày nay kinh tế đã tụ quanh độ 30 đô thị lớn là những trung tâm đầu não thị trường và trao đổi hàng hoá thế giới. Ðó là Luân Ðôn, Nữu Ước, Tokyo, Mexico, Sao-Paulo, Séoul, Ðài Bắc, Hồng Kông, Singapo, Paris, Lyon, Copenhague, Zurich, Milan, Munich... Và ngày mai có lẽ sẽ thêm Thượng Hải, Quảng Ðông, Bombay, La Mã...

Thị trường có mãi lực lớn, trình độ học thức lao động cao, đường xá, viễn thông, thiết bị hạ tầng thuận tiện là những điều thuận lợi quyết định hơn là lương lao động thấp. Thêm nữa, công nghệ rôbot hoá cũng đã giảm tầm quan trọng của lao động trên một số mặt hàng như xe hơi và một số thiết bị điện tử.

Phương sách cho đất nước và dân tộc ta phát triển lâu bền là đầu tư cao độ và có hiệu suất vào giáo dục đào tạo, vào thiết bị giao thông vận tải, vào viễn thông, là không phí phạm viện trợ trong việc tạo ra hàng loạt " nhân công rẻ tiền " mà đầu tư cho người dân ta có trình độ, cho thiết bị cơ sở của ta thành hiện đại, là có chính sách công nghiệp xây dựng nên một mạng lưới doanh nghiệp phong phú, là có kế hoạch dài hơi cho đại đa số nhân dân được trù phú, mãi lực dân ta ngày thêm đáng kể. Có thế mới thu hút và giữ được vốn đầu tư.

Chính sách quốc gia, pháp lý quốc tế đều bất lực

Trận chiến đồng frăng vừa qua cho thấy thị trường toàn cầu có khả năng phủ quyết chính sách của những quốc gia giàu mạnh nhất và làm cho kinh tế mất ổn định. Ngày nay, khủng hoảng tài chính và giao dịch chứng khoán, không sức nào kiểm soát nổi, có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

Trong khi đó lợi về các công ty toàn cầu hoá thì nhiều còn các quốc gia chẳng thu được thuế khoá bao nhiêu. Vì không có cách chi ngăn cản doanh nghiệp toàn cầu hoá phân bố lợi nhuận nội bộ giữa các chi nhánh để giảm suất thuế đóng cho nước sở tại đến mức tối thiểu. Chưa kể phương tiện trốn thuế nhờ các thiên đàng thuế khoá. Tại một trong những thiên đàng đó, đảo Caiman, từ Miami đi tới mất có một giờ, số công ty đặt cơ sở định cư nơi đó cao bằng số cư dân —mười ba nghìn sáu trăm người. Và tiền ngoại quốc gởi ngân hàng tại cái đảo tí hon đó (260 tỷ $US) cao hơn tổng số gởi tại ngân hàng Ðức.

Ngoài ra, bọn mafia, bọn buôn ma tuý có thể đầu tư ở nước ngoài mà không có phương cách gì ngăn chặn hữu hiệu được. Bọn đó biến đồng tiền bất nghĩa thành vốn tư bản trong sạch khá dễ dàng, trở nên chủ nhân một khu vực kinh tế xuyên quốc gia.

Liên hiệp quốc đã phải nhận xét rằng : " Không gian pháp lý quốc gia ngày nay đã trở thành quá nhỏ hẹp để có khả năng kiểm soát hữu hiệu các doanh nghiệp đã toả hoạt động ra trên nhiều quốc gia, nhiều lục địa ".

Mà thể chế quốc tế cũng bất cập : Những tiêu chuẩn quốc tế do BIT (Bureau International du Travail, Văn phòng lao động quốc tế) thảo ra — như " điều khoản xã hội " phải đi kèm theo với thương thuyết thương mại — không được tôn trọng. Thương thảo GATT hiện nay lại gần như không đề cập đến vấn đề đầu tư xuyên quốc gia.

Vài vấn đề do thị trường toàn cầu hoá đặt ra

Chính trị bất lực. Pháp lý quốc tế bất lực. Trong khi một số vấn đề do thị trường toàn cầu hoá đặt ra lại vô cùng nghiêm trọng cho cả nhân loại.

1 Chủ nghĩa tư bản không phải là không có những mặt tích cực. Nó sản xuất ra của cải, nó khuyến khích đổi mới, kích thích hoạt động sản xuất. Nhờ doanh nhân có sáng kiến, nhờ ngân hàng dám tài trợ, phải mạo hiểm cũng không ngại. Tinh thần người đầu tư sản xuất là dám nghĩ và nghĩ có kế hoạch dài hạn, dám làm và tìm cách sáng tạo nhất để chế tạo ra sản phẩm.

Khi chủ nghĩa tư bản phát triển thành thị trường toàn cầu hoá, thì tinh thần thị trường lấn áp tinh thần sản xuất. Sản xuất phải dựa vào kế hoạch dài hạn, thị trường thay đổi như chong chóng, thiên hẳn về ngắn hạn.

Kinh tế sản xuất nhường bước kinh tế niên kim (économie de rentes). Ngày nay, phần tài trợ hoạt động sinh ra sản phẩm của các ngân hàng gần như không đáng kể. Trong tổng số 1000 tỷ $US giao dịch hàng ngày trên thế giới chỉ có một phần cực nhỏ là để đầu tư vào sản xuất. Vì đặt tiền lấy lời là béo bở hơn cả. Thị trường toàn cầu hoá kích thích xu hướng này. Lãi suất vọt lên đến những mức lịch sử chưa từng thấy. Trả lãi cho vốn đầu tư trở thành gánh nặng cho những ai đi vào sản xuất, làm nhiều mà chưa chắc được ăn. Ngồi cho vay lấy lãi đã ăn chắc mà lại lợi nhiều. Georges Corm trong quyển Le Nouveau désordre économique mondial (Vô trật tự mới trong kinh tế thế giới, La Découverte Paris 1993) vạch rõ phần trách nhiệm của các ngành ngân hàng và tài chính quốc tế trong tình hình hư hoại của kinh tế thế giới ngày nay. Và nêu câu hỏi, phải chăng tư bản chủ nghĩa đang giết chết tư bản chủ nghĩa thứ " thiệt " ?

Trong cơ chế thị trường toàn cầu hoá có những nhân tố cản trở phát triển kinh tế. Làm cho tình hình suy thoái kinh tế các nước công nghiệp chậm phục hồi. Ðối với các nước thế giới thứ ba nguy hại lại càng lớn hơn. Vì còn tròng thêm chính sách của Ngân hàng thế giới (Banque Mondiale) và Quỹ tiền tệ thế giới FMI. Cho vay và chấn chỉnh cấu trúc để " cứu trợ các nước nghèo ", nhưng căn bản là buộc các nước trong tình thế vỡ nợ phải trả vốn trả lời những số tiền vay trước đây. Trên thực tế, chuyện trớ trêu là các nước nghèo phải viện trợ cho các nước phát triển : riêng tiền lãi phải trả tính ra đã cao hơn tổng số tiền viện trợ và cho vay cộng chung lại. Từ 1986 đến 1990, các nước thế giới thứ ba và Ðông Âu đã phải trả về cho FMI 31,5 tỷ $US.

2 Thị trường toàn cầu hoá truất hữu người sản xuất. Và gia nô hoá người tiêu thụ. Thuần dưỡng thị hiếu, thuần dưỡng tập quán. Ðể cho từ La Paz đến Ouagadougou, từ Kyoto đến Bangkok, từ Oran đến Amsterdam đâu đâu cũũng tiêu thụ một loại phim ảnh, một loại xe cộ, một loại quần áo, một loại nước uống. Ðài vô tuyến, đài truyền hình đâu đâu cũng truyền đi tin tức từ một nguồn mà ra, các chương trình, các bài ca bản nhạc rập khuôn với nhau. Kiến trúc khắp nơi na ná nhau, vật dụng gần giống nhau...

Cá tính đặc thù của mỗi dân tộc mỗi quốc gia, muôn màu muôn sắc biểu hiện khả năng sáng tạo vô cùng phong phú của con người trong tiến trình lịch sử, phải mai một đi. Nhường chỗ cho thị hiếu một lối, sở thích một chiều của một nền văn hoá nhạt nhẽo, tiêu chuẩn hoá theo một thị trường duy nhất.

Thị trường toàn cầu hoá đang gia nô hoá văn hoá thế giới, đẩy con người vào tròng nô lệ cho thị trường.

3 Thị trường chỉ biết phân biệt hai loại người. Người đủ sức tiêu thụ là người ở " trong " , không sức tiêu thụ thì loại ra " ngoài ".

Thị trường toàn cầu hoá tăng thu lợi, tăng năng suất. Và số người bị loại cũng tăng. Năm 1992, năng suất trung bình ở Hoa Kỳ tăng vọt lên 2,8%. Với tỷ số tăng năng suất đó, Kỳ tăng vọt lên 2,8%. Với tỷ số tăng năng suất đó, khả năng sản xuất lò cao ở trung tâm công nghiệp gang thép Gary, bang Indiana Hoa Kỳ, tăng 50%. Và sa thải 180 000 trên tổng số 440 000 lao động. Tháng 12. 1991, hai ngân hàng lớn ở Nữu Ước Chemical và Manufacturers Hanover sáp nhập với nhau, lợi tăng thêm 280 triệu $US. Và đuổi 6200 nhân viên.

Ranh giới ngăn chia " trong " , " ngoài " không theo biên giới quốc gia. Nước phát triển nào cũng có thế giới những kẻ bị loại của họ. Ðó là thế giới của 40 triệu người nghèo " mới " ở các nước thị trường chung châu Âu. Của những người dân cùng khốn Hoa Kỳ phải lãnh food stamp (phiếu mua thức ăn với giá trợ cấp) do chính phủ liên bang cấp cho. Theo số báo Time ngày 15.3.93, trong ba năm số người này tăng 40% và tính đến tháng 12 năm 1992 lên đến 26,6 triệu người. Và dĩ nhiên đó là thế giới của đa số nhân dân các nước chậm tiến.

Tuy nhiên trong các nước đang phát triển này, một số ít người được hưởng ân huệ của thị trường toàn cầu hoá lại đứng về thế giới của những người " trong " thị trường.

Báo cáo Global perspectives 2010. Tasks for Science and Technology, a synthesis report (Viễn cảnh toàn bộ năm 2010. Nhiệm vụ của khoa học và kỹ thuật, một báo cáo tổng hợp, Thomas Whiston, chương trình FAST FOP, Commission des Communautés européennes, Bruxelles 8. 1992) dự đoán rằng đến năm 2020 cái thế giới bị vất ra " ngoài " lề này sẽ lên đến 7 tỷ con người.

Thị trường toàn cầu hoá đến đâu là sản sinh ra lớp người bị loại ra " ngoài " đến đó. Vì thế mà thị trường toàn cầu hoá hoàn toàn không có khả năng giải quyết nạn khủng hoảng xã hội khắp thế giới do chính nó sinh ra.

4 Thị trường toàn cầu hoá gia tăng nhịp độ khai thác. Tài nguyên (đất, nước, khí trời) chung của nhân loại kiệt quệ, không kịp hồi sinh. Tại sao mà những triệu chứng báo động cho sông cho biển, cho rừng núi, cho khí quyển bao quanh trái đất lại đồng loạt nổi lên ngày hôm nay ? Hệ sinh thái địa cầu có nguy cơ bị huỷ diệt vì sức phá hoại của tổng hợp tài chính – kỹ thuật mà thị trường toàn cầu hoá đang sử dụng một cách vô trách nhiệm vì mục tiêu vụ lợi thiển cận.

Thế hệ đến sau sẽ phải chịu hậu quả, trả giá đắt cho cung cách ăn sổi ở thì của thị trường ngày nay.

Thị trường toàn cầu hoá vuột khỏi khả năng kiểm soát của chính trị, của pháp luật quốc tế. Ngày nay guồng máy kinh tế chỉ còn biết tuân theo qui luật " cạnh tranh ", chỉ còn biết những mục tiêu riêng của nó. Mọi sinh hoạt khác của con người buộc phải phục tùng theo. Làm cho kinh tế mất cân bằng, xã hội khủng hoảng. Các nền văn hoá muôn màu muôn sắc của loài người bị san bằng để thay bằng một thứ văn hoá nghèo nàn duy nhất, biến con người thành nô lệ của thị trường. Con người bị chia ra làm hai loại mỗi ngày mỗi xa lạ nhau, dân chủ bị bóp nghẹt. Sinh thái địa cầu ở trên đà huỷ hoại, không đếm xỉa đến các thế hệ sinh sau.

Thị trường toàn cầu hoá là vấn đề thời đại của nhân loại, của địa cầu.

Bùi Mộng Hùng

(tháng 8.93)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us