Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 22 - 09.1993 / Thư Việt Nam

Thư Việt Nam

- Hà Thành — published 01/03/2011 00:20, cập nhật lần cuối 22/03/2011 22:28


Thư Việt Nam

 

Các anh chị thân mến,

Sau mấy tuần lễ cực nóng, Hà Nội cuối tháng 8 này đã được vài trận mưa thu. Cuộc sống làm ăn vẫn sôi động. Chính phủ dự định kiểm soát chặt, chặn hàng lậu từ Trung Quốc tràn vào, phá giá, bóp chết hàng nội địa, nhưng dư luận hoài nghi khả năng thực hiện. Biên giới dài hàng mấy trăm cây số, hàng trăm đường mòn xuyên qua, sức nào chặn nổi. Vả chăng, các tỉnh, huyện trong cả nước đều có “đại diện buôn bán” ở biên giới phía bắc, họ kiếm lời với biết bao ngóc ngách, móc ngoặc, “lót tay”; công an, hải quan, chính quyền, đảng uỷ đều chấm mút và vớ bẫm, sức ai dẹp nổi! Vẫn chỉ là những thiện chí tốt đẹp trên giấy tờ!

Chuyến đi thăm Hà Nội của hoàng tử Ranariddh và Hun Xen với cương vị là đồng - chủ tịch chính phủ CPC, nói theo bài bản văn bia của nhà nước, đúng là “mở ra giai đoạn mới” trong quan hệ giữa hai nước. Hoàng tử Khơme đã từng phỉ báng Việt Nam là xâm lược, thực dân và từng bị bộ máy nhà nước ta đả kích, châm biếm, nay được trải thảm đỏ và đón tiếp long trọng. Ông Hun Xen ngày nào còn như anh em trong nhà, (đúng hơn: em út), với quan hệ đặc biệt, tình hình không thể đảo ngược, nay hành xử chi li xét nét và bị đối xử cũng chi li xét nét không kém. Cũng không phải ngẫu nhiên mà hai ông đồng - thủ tướng đi Băng Cốc, Viêng Chăn trước rồi mới sang Hà Nội. Giữa Nông Pênh và Băng Cốc, vấn đề khá nghiêm trọng, nhưng cũng có hướng giải quyết: đó là chuyện bọn Pôn Pốt vẫn còn được mấy ông tướng Thái ở biên giới dung túng. Giữa Nông Pênh và Hà Nội, mấy vấn đề tồn tại (biên giới, Việt kiều hay người CPC gốc Việt...) tuy không nghiêm trọng, nhưng lại có nguy cơ kéo dài và có khả năng trở thành nguy hiểm. Nhưng thôi, những chuyện ấy, các nhà bình luận nói nhiều rồi. Ở đây, tôi chỉ nói tới lời bình của dư luận Hà Nội. Điều mà dư luận giới trí thức và báo chí chú ý nhất là kết quả cuộc bầu cử ở Campuchia và tác động của nó vào não trạng Việt Nam, của người dân cũng như của “các cụ”.

Mấy năm nay, các cụ cứ dạy đi dạy lại: nào dân chủ đa nguyên đa đảng ắt dẫn đến hỗn loạn, nào châu Á khác châu Âu, nào âm mưu lật đổ... Bây giờ, ở sát nách Việt Nam, nhờ có tranh cử và bầu cử đa đảng, tình bình Campuchia từ hỗn loạn chuyển sang ổn định: nguy cơ Pôn Pốt bị đẩy lùi một bước thật dài, mặc dầu không ai dám nói là vĩnh viễn.

Sự thật, điều bất ngờ làm các cụ đau điếng là số phiếu của đảng Nhân dân của ông Hun Xen. Các cụ chắc mẩm ông Hun Xen thế nào cũng được đa số 50-60%. Nào ngờ chỉ được 38%. Khách quan mà nói, đảng Funcinpec về nhất mà không được đa số quá bán, đảng Nhân dân về nhì mà không thua đậm, là tình huống tối ưu cho quá trình ổn định ở Campuchia: hai bên dầu muốn dầu không cũng phải dựa vào nhau – vừa dựa, vừa kèn cựa – mới cầm quyền được, và tổng số phiếu áp đảo của hai đảng, với tỉ lệ đi bầu cao bất ngờ của cử tri đã làm cho Pôn Pốt bị đại bại về chính trị, mặc dầu Pôn Pốt không thiếu chủ bài ngay trong lãnh vực chính trị: sự tham nhũng quá hiển nhiên của chính quyền Hun Xen, những oán hận do chính sách đàn anh trịch thượng của Việt Nam kéo dài gần suốt thập niên 1980 làm cho người dân Khơme quên đi cái ơn cứu mạng năm 1979 của bộ đội Việt Nam, làm sống lại niềm thù hận truyền kiếp, đẩy chính quyền Hun Xen vào cái thế muốn khỏi mang tiếng là tay sai Việt Nam, lại phải càng tỏ ra độc lập bằng cách đối lập.

Bất luận thế nào, Campuchia đã tiến một bước dài trên quá trình dân chủ hoá và ổn định chính trị. Một nước Campuchia ổn định, dù muốn hay không, cũng góp phần tạo ra bối cảnh khu vực thuận lợi cho Việt Nam. Nếu chính quyền Việt Nam có một tầm nhìn xa về quyền lợi quốc gia dân tộc, dứt khoát từ bỏ quan niệm đàn anh lỗi thời và tai hại của mình, và cảm thông mặc cảm nước nhỏ của nước láng giềng (chỉ nghĩ tới nỗi khổ của dân Việt phải chịu ông Mao, ông Đặng là có thể thông cảm được thôi), thì có thể đẩy lui được những oán hận quá khứ và giải quyết được những tranh chấp trước mắt, không để chúng trở thành những ngòi nổ nguy hiểm. Tôi nghĩ chỉ có cách đó mới bảo vệ được an toàn cho bà con gốc Việt và Việt kiều ở Campuchia, và bảo vệ được quyền lợi quốc gia.

Thôi, hãy tạm gác những chuyện quốc gia đại sự, mà nói chuyện trong nhà ngoài ngõ. Dư luận thủ đô đang chú ý tới mấy vụ scandale lớn. Đầu tiên là vụ ông tướng công an Phạm Tâm Long (thứ trưởng nội vụ) có con trai là đại uý công an chuyên trách chống ma tuý đã bị bắt vì tội... buôn ma tuý. Cuộc bắt này diễn ra khi tướng Tâm Long đi công vụ ở nước ngoài, và có tin hành lang là trong cuộc sắp xếp nhân sự dự trù vào cuối năm, ông Long có thể sẽ thay thế ông Bùi Thiện Ngộ ở chức bộ trưởng, còn ông Ngộ sẽ vào làm bí thư Thành uỷ Hồ Chí Minh, để ông Võ Trần Chí ra Hà Nội phụ trách công tác tổ chức... Buôn lậu ma tuý thì chắc chắn có thật rồi, dùng tiêu cực để gí nhau cũng là điều có thực. Tiêu cực này chống tiêu cực nọ, là thế. Dư luận Hà Nội cũng theo dõi vụ vỡ nợ, bể hụi của Trúc Viên [ xem tin trang 6, chú thích của Diễn Đàn ]. Vụ này coi mòi lớn hơn cả vụ nước hoa Thanh Hương. Không ít cán bộ, tư nhân ở Hà Nội cũng gửi tiền vào Chợ Lớn cho Trúc Viên. Đó là không kể vụ Thanh Hương đã gây tác động dây chuyền ra một loạt hợp tác xã tín dụng ở miền Bắc.

Kinh tế tiếp tục thả nổi, văn hoá tư tưởng thì vẫn tìm cách xiết. Phim Người tìm vàng của Đào Bá Sơn (thành phố Hồ Chí Minh) được mời dự Festival des Trois Continents ở Nantes cuối năm ngoái, cục điện ảnh nhận lời, hứa gửi, rồi không gửi. Vừa qua, nghe nói Đào Bá Sơn đi tìm âm bản, thì hỡi ơi, mới có 4 năm mà bản phim gốc đã nhầy nhụa, dính chặt cả cuộn! Đó cũng là một hình thức kiểm duyệt, tuy không phi văn hoá và phi pháp bằng việc ông bộ trưởng văn hoá Trần Hoàn ra lệnh cấm một cuốn phim đã được hội đồng duyệt phim toàn quốc cấp giấy phép: đó là phim Hãy tha thứ cho em của Lưu Trọng Ninh, mà các anh chị đã nói tới cuốn phim đầu tay: Canh bạc.

Âm thầm hơn, nhưng không kém bỉ ổi, là chiến dịch văn nghệ chống phá mấy truyện ngắn, truyện dài như cuốn tiểu thuyết mới ra của Lê Lựu: Chuyện Làng Cuội. Tưởng là sau Thời xa vắng để đời, Lê Lựu cạn nguồn, nhàm chán kể chuyện đi Mỹ đi Hà Lan lăng nhăng bậy bạ, nay lại ra được Chuyện Làng Cuội, một thứ chronique picaresque cười ra nước mắt. Chuyện làng, mà hoá ra chuyện nước, và thằng Cuội thì vẫn tít mù đèn cù nó chạy vòng quanh. Bi kịch nhỏ cũng bị đánh, nhưng tôi chưa đọc, xin miễn bàn. Đánh cả cái truyện rất ngắn của Phan Thị Vàng Anh: Kịch câm. Hình như Diễn Đàn đã đăng truyện này rồi: các anh chị cứ đọc lại, mới thấy hết tâm địa thảm hại của những tên ném đá giấu tay. Trên báo chí công khai, chúng chưa dám làm gì, song lại dùng những thủ đoạn thô tục bỉ ổi nhất đối với một người như Kim Hạnh, nguyên tổng biên tập Tuổi Trẻ. Tôi không muốn đi vào chi tiết, tốn giấy mực và mất thì giờ của các anh, các chị.

Thân chào,

Hà Thành

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss