Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 22 - 09.1993 / Tín dụng quốc tế, nhà nước và...

Tín dụng quốc tế, nhà nước và...

- Hải Vân — published 01/03/2011 00:25, cập nhật lần cuối 22/03/2011 22:31

Sau quyết định ngày 2.7 của tổng thống Clinton


Tín dụng quốc tế,
guồng máy nhà nước và chân kiềng thứ ba

Hải Vân

 

Ngày 14.9 sắp đến, tổng thống Bill Clinton sẽ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam hay sẽ một lần nữa viện cớ vấn đề quân nhân Mỹ mất tích ở Việt Nam để gia hạn lệnh này thêm một thời gian? Nếu khả năng đầu sẽ xảy ra, thì lệnh cấm vận sẽ được bãi bỏ hoàn toàn hay từng phần?

Có thể Nhà Trắng đang do dự về thời điểm đưa ra quyết định có tính biểu tượng này trong lộ trình bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt. Nhưng về thực chất, vấn đề đã được Bill Clinton giải quyết ngày 2.7 vừa qua, khi ông tuyên bố Hoa Kỳ “ngưng chống đối các nỗ lực của những nước khác nhằm thanh toán các món nợ của Việt Nam tại Quỹ tiền tệ quốc tế”. Hoa Kỳ, nói cách khác, sẽ không phủ quyết quyết định của Quỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, và điều đó được mọi người cùng hiểu là con đường đưa Việt Nam tiếp cận với tín dụng quốc tế, từ nay, không còn trở ngại chính trị nào nữa.

Tuyên bố ngày 2.7 này đặt chính quyền Clinton dưới áp lực mạnh hơn lúc nào hết, của giới doanh nhân Mỹ đang chịu thiệt thòi do việc kéo dài lệnh cấm vận gây ra. Một doanh nhân Mỹ đã tuyên bố “Chúng tôi đang thua thiệt. Vấn đề còn lại chỉ là xem ai bị thua thiệt đến đâu mà thôi”. Cũng có thể đây là sách lược của Bill Clinton nhằm tạo trong dư luận Mỹ một sức ép đủ mạnh để làm hậu thuẫn cho phép ông huỷ bỏ lệnh cấm vận đã hoàn toàn lỗi thời.

Dù sao, tại Việt Nam, trong chính quyền cũng như trong dân, đã bắt đầu cuộc chạy đua để hứng nhận những đôla đầu tiên mà các định chế tài chính quốc tế có thể rót vào nước ta từ đầu năm 1994. Theo các nguồn tin từ Hà Nội và các giới tài chính quốc tế, trong hai năm 94 và 95, Việt Nam có khả năng vay từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đôla, dựa vào các dự án đã hoạch định cùng với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Quỹ tiền tệ quốc tế: 440 triệu đôla. Những khoản vay ở đây tuỳ thuộc vào số tiền cổ phần đóng góp của Việt Nam là 220 triệu đôla: Hà Nội có thể vay 50% tiền cổ phần bất cứ lúc nào (tức 110 triệu), và vay 150% tiền cổ phần để ổn định kinh tế và điều chỉnh cơ cấu học (330 triệu).

Ngân hàng thế giới: 550 triệu đôla. Ngoài khoản tín dụng 100 triệu để bù đắp sự mất cân đối trong kinh tế, Việt Nam còn có thể vay theo ba trong năm dự án sau đây: thâm canh nông nghiệp (102 triệu), hồi phục hệ thống thuỷ lợi ở miền Trung (105 triệu), nâng cấp quốc lộ số 1 đoạn Hà Nội - Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ (117 triệu), chế biến tơ tằm và cà phê (116 triệu), cải tiến giáo dục tiểu học (70 triệu).

Ngân hàng phát triển châu Á: 373 triệu đôla. Những dự án được chuẩn bị gồm có: xây dựng hệ thống thuỷ lợi ở đồng bằng sông Hồng (90 triệu), cải tạo hệ thống cấp nước ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác (64 triệu), nâng cấp con đường nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang (90 triệu) cùng một số dự án khác đang được xem xét.

Bên cạnh đó, người ta chờ đợi viện trợ song phương của các chính phủ cũng sẽ đổ vào Việt Nam dễ dàng hơn trước (xem trong tin Việt Nam những khoản viện trợ của Paris, Bonn, Luân Đôn, Bruxelles). Tokyo đã cho biết khoản viện trợ được cấp “sẽ không thấp hơn năm vừa qua” (400 triệu đôla).

Với những nguồn vốn khá lớn này, vay dài hạn với lãi suất thấp, Việt Nam sẽ có điều kiện tiến hành việc hiện đại hoá cơ sở hạ tầng kinh tế (đường bộ, đường sắt, hải cảng, sân bay, hệ thống điện, nước, viễn thông...) và xã hội (trường học, bệnh viện...), tiền đề của mọi quá trình phát triển. Và dù tín dụng quốc tế có bị giới hạn vào lúc đầu đi nữa, tác dụng trước hết của nó là làm chất xúc tác kích thích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài: họ sẽ cảm thấy an lòng, chắc chắn hơn khi hoạch định công việc làm ăn dài hạn.

Muốn những khả năng trên trở thành hiện thực, Việt Nam còn phải đáp ứng một số điều kiện. Trước tiên là thanh toán món nợ cũ 140 triệu đôla, gồm 130 triệu thiếu IMF và 10 triệu thiếu ADB. Những cuộc thương lượng tại Hà Nội trong tháng 8 đã đề ra một giải pháp trong đó hai chính phủ Pháp và Nhật cam kết trả thay Việt Nam hai phần ba món nợ quá hạn, phần còn lại do các thành viên khác của “nhóm nước bạn của Việt Nam” – gồm Bỉ, Ý, Thuỵ Điển, Phần Lan, Canada – trả giúp. Giải pháp sẽ chính thức được thông qua ở một cuộc họp của Quỹ tiền tệ quốc tế triệu tập vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tại Paris.

Tiếp theo đó, cũng tại Paris, vào giữa tháng 11, cùng với Liên hiệp quốc, Ngân hàng thế giới dự kiến họp một hội nghị quốc tế về viện trợ phát triển với mục tiêu vận động và phối hợp vốn đầu tư và viện trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Hà Nội ước tính nhu cầu về vốn của Việt Nam, từ đây đến năm 2000, vào khoảng từ 40 đến 50 tỷ đôla, trong đó phân nửa sẽ phải trông đợi từ vốn nước ngoài.

Song để tiếp nhận viện trợ phát triển này, Việt Nam sẽ phải tuân thủ những điều kiện cho vay khe khắt của IMF và WB. Và như nhà kinh tế Huỳnh Bửu Sơn vừa qua đã lên tiếng, “Việt Nam sẽ dần dần nhận ra rằng các điều kiện khắt khe được gọi là kinh tế kỹ thuật không chỉ đơn thuần là kinh tế kỹ thuật và sẽ không dễ dàng gì đáp ứng” ( Lao động, 15.7.93). Đó là các chương trình mang tên “ổn định kinh tế” và “điều chỉnh cơ cấu” mà các nước muốn vay vốn của IMF và WB đều phải tiến hành.

Ổn định kinh tế: Theo một quan điểm duy tiền tệ, các định chế tài chính quốc tế cho rằng nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho nhà nước là triệt tiêu lạm phát. Giảm bội chi ngân sách bằng cách cắt giảm mọi chi tiêu và tăng thuế, thắt chặt tín dụng bằng cách nâng cao lãi suất, tóm lại, chính sách khắc khổ, thắt lưng buộc bụng: đó là “khuyến cáo” đầu lưỡi của IMF và WB đối với các nước đi vay nợ.

Điều chỉnh cơ cấu: Theo một quan điểm tự do chủ nghĩa, các định chế tài chính quốc tế cho rằng kinh tế thị trường đảm bảo tăng trưởng kinh tế tối đa thông qua hoạt động tự do và tự điều tiết của các thị trường hàng hoá, vốn, đất đai, lao động. Huỷ bỏ mọi chánh sách trợ giá, trợ cấp, và thiết lập giá cả, lãi suất, hối suất thị trường; thu hẹp khu vực kinh tế quốc doanh, và phát triển khu vực tư doanh; bãi bỏ hàng rào bảo hộ mậu dịch, và mở rộng thị trường nội địa cho hàng hoá nước ngoài; tạo sự linh động trong tiền lương, qui định lao động, và giới hạn các chế độ hiệp ước lao động tập thể, bảo hộ xã hội... Đó là những “khuyến cáo” đã trở thành tín điều mà IMF và WB tìm cách áp đặt ở mọi nước vay nợ.

Nhận sự tài trợ vốn của IMF và WB, do đó, có nghĩa là nhận một sự can thiệp sâu rộng của họ – tức là của Washington và giới tài phiệt quốc tế – vào các chính sách tiền tệ, tài chính, ngoại thương, lao động... Và chấp nhận hậu quả của các chính sách này là xã hội phân hoá ngày càng trầm trọng, thất nghiệp và đói nghèo gia tăng, chí ít cũng trong một giai đoạn nào đó. Áp dụng bạo tay ở một số nước còn nợ tại châu Mỹ La tinh và châu Phi, những “toa thuốc” đó đã từng dẫn tới bùng nổ xã hội và mất ổn định về chính trị.

Từ giữa tháng 8, tại Hà Nội đã bắt đầu những cuộc thảo luận với IMF và WB về các chương trình “ổn định kinh tế” và “điều chỉnh cơ cấu” sẽ áp dụng ở Việt Nam. Các định chế tài chính quốc tế đã cho biết “ sẽ tăng cường những khuyến cáo” đối với chính phủ Hà Nội.

Đành rằng trong giai đoạn cải tổ kinh tế vừa qua, Việt Nam được xếp loại vào hạng “học trò giỏi” của Quỹ tiền tệ quốc tế, và nhiều quan chức cấp cao của Quỹ đã bày tỏ “sự hài lòng” trước những kết quả mà Hà Nội đạt được trong việc chống lạm phát và phá bỏ cơ chế kinh tế bao cấp. Song, bước vào giai đoạn hội nhập cộng đồng tài chính thế giới, Việt Nam không chỉ có thuận lợi mà còn chịu những bó buộc khắc nghiệt. Hai câu hỏi lớn đặt ra cho chính phủ Võ Văn Kiệt là:

– Làm sao sử dụng tín dụng quốc tế cho có hiệu quả và có lời để trả được nợ, khi mà bộ máy chính quyền đang ruỗng nát vì nạn cát cứ và tham nhũng?

– Làm sao thương lượng, kháng cự và đối phó với những đòi hỏi của IMF và WB không phù hợp với quyền lợi của đất nước?

Hai câu hỏi này phải chăng có cùng một đáp số: dân chủ và hậu thuẫn của dân? Nếu quả như vậy thì, song song với việc cải tổ guồng máy nhà nước và tranh thủ tín dụng quốc tế, đã đến lúc chính phủ ông Kiệt phải quan tâm gầy dựng chân kiềng thứ ba đó.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss