Một tình hình đáng quan ngại
Quan hệ chính quyền & giáo hội Phật giáo
Một tình hình đáng quan ngại
Hơn một năm qua, kể từ ngày cố hoà thượng Thích Đôn Hậu viên tịch, một số sự kiện nối tiếp xảy ra đã cho thấy rõ sự căng thẳng giữa chính quyền và một bộ phận chức sắc Phật giáo, đặc biệt là hoà thượng Huyền Quang, đồng thời, càng khoét thêm sự chia rẽ trong nội bộ giáo hội. Trong các vụ đó (yêu sách của HT. Huyền Quang tháng 6.92, vụ tự thiêu và vụ bắt giữ ba nhà sư ở Huế tháng 5.93, vụ tranh chấp tại một ngôi chùa Vũng Tàu, tháng 8.93...), các bên đưa ra những lời tường thuật hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng cường điệu như nhau, khiến người ở ngoài, tuy không có thông tin chính xác, nhưng căn cứ vào một số sự việc đã kiểm chứng được, có thể kết luận: sự thật không ở trong những bản thông cáo đó.
Nói tới Phật giáo Việt Nam và nghe tin tự thiêu, ai cũng liên tưởng tới tình hình năm 1963 ở miền Nam. Rõ ràng những cuộc tranh chấp, lục đục và trấn áp hiện nay khác xa “vụ Phật giáo” cách đây 30 năm về quy mô, mức độ và bối cảnh. Song, nếu các bên hữu quan không có đủ tầm nhìn và sáng suốt rút ra những bài học chung, và nếu không biết đặt quyền lợi dân tộc và những giá trị nhân bản lên trên mọi suy tính, thì không thể loại trừ khả năng một cuộc xung đột nghiêm trọng.
Trong tinh thần dân tộc và nhân bản ấy, chúng tôi xin mạnh dạn nêu lên một vài suy nghĩ về trách nhiệm của những tác nhân chính. Mong rằng những ý kiến này không bị gán cho tham vọng “dạy đời”, mà được cho tham gia vào cuộc suy nghĩ chung.
Bốn tác nhân đã và đang trực tiếp tác động vào diễn biến của các vụ việc vừa kể: (1) chính quyền, (2) HT. Huyền Quang và những chức sắc đòi thừa nhận trở lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, (3) Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (4) những tổ chức Phật giáo (hay không) ở hải ngoại quan tâm tới tình hình Phật giáo.
Chính quyền Việt Nam mang một trách nhiệm nặng nề về tình hình thiếu tự do dân chủ ở Việt Nam. Do một quan niệm thô bạo về tín ngưỡng, do tham vọng vừa độc chiếm chính quyền vừa triệt tiêu mọi hình thái tổ chức tự lập của xã hội công dân, nhà nước đã đặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào vòng kiềm toả chặt chẽ của bộ máy dân vận, thực chất là bộ máy an ninh nội chính (và... phản gián). Từ ngày đổi mới (tự nguyện hay bắt buộc), sinh hoạt tôn giáo đã có phần thoải mái hơn trước, và những hội đoàn tôn giáo đóng một vai trò ngày một quan trọng trong những hoạt động xã hội, nhân đạo và văn hoá. Tuy nhiên, những sự nới rộng từ phía chính quyền vẫn chỉ quanh quẩn trong cái vòng kim cô của quan niệm lạc hậu nói trên: điều này thể hiện khá rõ trong chỉ thị 379 ngày 23.7 vừa qua của thủ tướng chính phủ, cũng như trong việc ép buộc những nhà lãnh đạo giáo hội ra tuyên bố về hùa.
Về phía HT. Huyền Quang, bên cạnh những đòi hỏi chính đáng về tự do tín ngưỡng (nhất là việc đòi trả tự do cho các tu sĩ và cư sĩ Phật giáo còn đang bị giam hay quản thúc), tiếc rằng thượng toạ, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những vị lãnh đạo đã từng tu hành và tranh đấu bên ông, đã giữ những trách nhiệm hàng đầu trong GHPGVNTN cũ, đã có một thái độ mạ lỵ, loại trừ, độc quyền khiến ngay cả những người ngoại đạo cũng phải suy tư về mấy chữ tham sân si.
Càng tiếc hơn khi thấy có những nhà lãnh đạo khả kính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoặc đã, vì sức ép của chính quyền, có những lời tuyên bố về hùa, không làm hoá giải được oan khiên, mà nghiêm trọng hơn, đã làm cho Phật tử mất tin tưởng, hay ít nhất, chán nản đau lòng trước cảnh chia rẽ trong giáo hội.
Từ hải ngoại, nơi mà Phật giáo và các ngôi chùa là điểm tựa tinh thần và những trung tâm văn hoá không những cho Phật tử mà cho cả phần lớn cộng đồng, tất nhiên có sự quan tâm tới diễn biến tình hình. Hai xu hướng nổi bật: (a) một số cá nhân và tổ chức hoàn toàn ủng hộ HT. Huyền Quang, và mạ lỵ GHPGVN là “quốc doanh”, sự ủng hộ ồn ào tới mức người ta có thể tự hỏi phải chăng hoà thượng (cũng như đại đức Trí Tựu ở chùa Linh Mụ) có phải là nạn nhân đầu tiên của sự ủng hộ đó không; (b) từ vài tháng nay, một số nhà lãnh đạo tinh thần có uy tín và nhiều tổ chức đã có thái độ ôn hoà hơn hẳn, biểu lộ sự tôn trọng đối với các vị lãnh đạo Phật giáo của cả hai bên, và tìm cách góp phần xây dựng giáo hội thống nhất thực sự, đồng thời gạt bỏ giấc mộng ngông cuồng “quốc giáo” của mấy vị ayatollah chọn nhầm tín ngưỡng.
Sớm muộn – sớm vẫn hơn là muộn – và dù muốn hay không – muốn vẫn tốt hơn là không – nhà cầm quyền Việt Nam sẽ phải trả lại quyền tự lập cho xã hội công dân, tôn trọng tự do tư tưởng và tín ngưỡng, tôn trọng các giáo hội, thừa nhận sự đóng góp của tôn giáo vào đời sống tinh thần của dân tộc. Sự manh nha của xã hội công dân đã rõ nét trong lãnh vực xã hội và một chút trong văn hoá. Về phía giáo hội – Phật giáo cũng như Công giáo – cũng như về phía những lực lượng dân chủ, có lẽ cũng nên học tập kinh nghiệm chiến lược “ biết thắng từng bước” của đảng Cộng sản Việt Nam, chữ thắng xin hiểu theo cả hai nghĩa: tiến lên và... hãm phanh. Tiến lên chứ không phải chiến thắng. Vì chiến tranh Việt Nam đã qua rồi. Như giáo hoàng Jean-Paul II cũng vừa nhắc nhở một số giáo dân của Ngài.
Phong Quang
Các thao tác trên Tài liệu