Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 23 / Ste Livrade

Ste Livrade

- Văn Ngọc — published 01/04/2011 01:45, cập nhật lần cuối 26/04/2011 18:15

Ste Livrade,* 

một “làng Việt Nam” ở vùng Lot et Garonne


Văn Ngọc

 

Tôi không ngờ lại có một ngày được đến thăm Ste Livrade. Cái tên Ste Livrade vẫn quen thuộc đối với tôi từ thời còn là sinh viên. Hồi đó tôi thường hay được nghe bạn bè nói đến cái làng Việt Nam ở vùng Lot et Garonne xa xôi này. Có lẽ vì chỉ được nghe kể toàn những chuyện lý thú về các món ăn nhậu ở đây, cho nên cứ mỗi lần nghĩ đến là y như rằng trong trí tưởng tượng của tôi lại hiện lên một hình ảnh. Đó là hình ảnh một con đường làng, người đi lại tấp nập, hai bên là hàng quán bán đầy những món ăn hấp dẫn: tiết canh, thịt chó, vv... Có những bà già răng đen, nhai trầu, đầu vấn khăn, hay chít khăn mỏ quạ... Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đó là một điều hoàn toàn viễn vông, vô lý. Tôi cũng chưa bao giờ đặt vấn đề về sự hợp lý hay hợp pháp của một cái làng Việt Nam như vậy trên đất Pháp. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng bà con mình xa đất nước, chắc phải nhớ tiếc cái khung cảnh làng quê quen thuộc của mình lắm và nếu có được một khung cảnh tương tự ở xứ người thì cũng đâu có gì khác thường? Tôi cũng chưa bao giờ có dịp tìm hiểu trong những điều kiện, hoàn cảnh nào, cái làng Việt Nam này đã được tạo dựng lên ở Ste Livrade.

Hè năm nay, nhân được xuống nghỉ ít ngày ở nhà vợ chồng ông anh tôi ở dưới gần đó, tôi đã có dịp đặt chân đến Ste Livrade và cái làng Việt Nam tưởng tượng của tôi, lần đầu tiên, đã hiện nguyên hình trong tất cả cái thực tế của nó, một thực tế phức tạp hơn tôi tưởng.

Thoạt tiên, Ste Livrade chỉ là cái tên của thị xã, một thị xã nhỏ, nằm trên bờ sông Lot, nhưng có phố xá, cửa hàng buôn bán đông vui, có chỗ họp chợ,có nhà thờ cổ kính. Cách Villeneuve-sur-Lot 9 km, Agen 35km, Ste Livrade nằm giữa một vùng nông thôn trù mật, quê hương của mận Agen, của nho và của nhiều món đặc sản nổi tiếng như: foie gras (gan béo của ngỗng hay vịt), confit de canard (thịt vịt ướp, hầm trong mỡ vịt), magret de canard (thăn vịt),v.v... Cũng nhờ vậy, mà một số đông bà con ta, lúc chân ướt chân ráo tới vùng này, hồi những năm 55-56, đã sống được bằng nghề hái lượm. Suốt năm, gần như lúc nào cũng có công việc để làm. Đây cũng là một vùng lịch sử của nước Pháp, còn giữ được nhiều di tích thành quách, làng mạc thời trung cổ ( bastides) cái nôi của một nền kiến trúc gạch đá độc đáo. Khí hậu ở đây được coi như khắc nghiệt, mùa đông rất lạnh và mùa hè rất nóng, tuy nhiên cái nóng ở đây khô ráo, dễ chịu hơn cái nóng ở bên nhà.

Còn cái làng Việt Nam thật ra chỉ là một khu nhà ở, nằm kín đáo và cách biệt ở bên ngoài thành phố. Đúng ra, nó là một cái căng (camp) có sẵn từ những năm 1945-46 sau Đại chiến thứ nhì, có một lúc được dùng để tập hợp các công chiến binh người Việt Nam, cùng với các căng trại khác như Bias, Bergerac, Agen, v.v... cũng ở quanh vùng này.

Năm 1955, sau Hiệp định Genève, người ta đã lấy căng Ste Livrade làm nơi tiếp đón các gia đình “Pháp hồi hương” ( rapatriés d’Indochine), trên thực tế và số đông là người Việt và lai, phần lớn là những gia đình quân nhân và những người đã từng làm việc cho nhà nước bảo hộ Pháp từ Đông Dương rút về đây. Tất cả đều có Pháp tịch, khi quân đội viễn chinh rút khỏi Đông Dương, họ đã được mang theo cả gia đình đi.

Trên thực tế, sau khi sang tới bên này và đã bị đưa vào ở trong các căng trại rồi, phần lớn bà con, mặc dầu ra đi trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng phần đông đều bị thất vọng và đều nhớ tiếc cái khung cảnh sống quen thuộc từ nhỏ ở bên nhà. Đó là một điều dễ hiểu, nhất là trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ mọi bề, công ăn việc làm chưa có, chưa biết tương lai con cái ra sao. Nhưng cũng may là chính cái đời sống chen chúc, chật chội trong căng lại đem đến cho bà con một niềm an ủi: ở đây bà con sống quây quần, sớm tối có nhau, giúp đỡ nhau lúc ốm đau và trong những sinh hoạt hàng ngày: bếp núc, nước nôi. Những lúc vui buồn còn trò chuyện được với nhau bằng tiếng mẹ đẻ... Chủ trương của nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ là những căng trại như Ste Livrade, Noyant, vv... chỉ là tạm bợ cho những bước đầu, còn thì phải giúp đỡ các gia đình nhanh chóng tìm công ăn việc làm, ở bất cứ nơi đâu, để có thể hội nhập ngay vào xã hội Pháp.

Do đó, từ 1955 đến 1965, đã có khoảng 250 gia đình, tổng cộng gần 1500 người đến ở Ste Livrade, mỗi gia đình một vài năm, khi tìm được việc làm chắc chắn ở đâu rồi, mới chuyển đến nơi đó ở. Có người đi lập nghiệp, lấy vợ, lấy chồng ở ngay những tỉnh lân cận như Villeneuve-sur-Lot, Bergerac, Agen, Toulouse, hay Bordeaux. Nhưng cũng có nhiều người đã lên vùng ngoại ô Paris (Ermont, Sarcelles ,v.v...). Cuối cùng chỉ còn lại ở Ste Livrade những gia đình nào không tìm ra được công ăn việc làm, vì tuổi tác, hoặc vì không có khả năng chuyên môn. Kể từ những năm 1966 trở đi, số người đến Ste Livrade cũng ít hẳn đi và đến nay chỉ còn lại ở đây khoảng trên dưới 200 người, phần đông là người già cả.

Đường vào khu làng Việt Nam đi vòng qua một bãi cỏ rộng, xung quanh trồng một loại cây có hoa trông giống như hoa tường vi ở bên nhà. Khắp vùng này người ta thích loại cây hoa đó, ở đâu cũng thấy trồng, trong nhà, ngoài đường. Ở chợ cũng thấy bán đầy. Nghe nói giống cây này được đem từ bên Á đông sang, không biết có phải từ Việt Nam, hay từ Trung quốc? Có lẽ đây là dấu hiệu duy nhất, có chút gì Á đông, nói lên sự có mặt của người mình ở đây.

Giữa trưa, cảnh vật như chìm trong nắng. Nắng như đẩy lùi xa tất cả. Nắng cũng đang làm tan biến đi cái hình ảnh tưởng tượng của tôi về Ste Livrade!

Trước mắt tôi, là những lùm cây nhỏ và những khoảng trống đầy nắng. Khoảng trống nhiều hơn nhà của. Nhà cửa là những dãy nhà dài, thấp bé, một tầng, nằm song song, tường mỏng, mái lợp bằng eternit, hoặc bằng một chất liệu nhẹ nào đó trong không khác gì những dãy nhà lắp ghép của một trại lính, hoặc của một khu kinh tế mới. Tôi hình dung những căn nhà mỏng mảnh này trong tuyết giá mùa đông ở đây, chắc phải lạnh lắm, so với những ngôi nhà bình thường của người dân quê ở vùng này. Nhà của họ thường được xây bằng gạch đá kiên cố, tường có khi dày đến 60 cm, mái toàn lợp ngói ống.

Không thấy có một bụi tre, khóm trúc nào cả. Nhìn mãi cũng chỉ thấy có một hai gốc chuối nhỏ xíu, chắc chủ nhân của chúng đã tranh thủ trồng, để cho đỡ nhớ, ở ngay ngưỡng cửa nhà mình, vì các hộ nhà đều không có vườn, ít ra là ở phía trước.

Nghe nói cái khung cảnh này từ xưa vẫn vậy. Nhà cửa vẫn y nguyên như cái hồi bà con mới đến đây, có khi còn nhếch nhác hơn. Từ lâu rồi, có lẽ từ sau những năm 65-66, chính quyền địa phương cũng không còn quan tâm mấy đến cái làng Việt Nam này nữa, mặc dầu người dân ở đây đối với bà con mình vẫn rất tử tế. Người Việt Nam ở đây, nói chung, được người địa phương kính nể. Nghe nói đã có một lúc người ta đề nghị với các gia đình có người già cả ở đây ra ở một nơi khác, cũng gần đấy, trong những ngôi nhà loại pavillons, nhưng các cụ không chịu đi, cứ muốn ở lại đây, vì đã quen rồi. Ở đây có bà con láng giềng, đi lại gặp nhau tiện lợi, thoải mái hơn.

Hình ảnh tương phản giữa những căn nhà mỏng mảnh, chật hẹp ở đây và những ngôi nhà đồ sộ, kiên cố ở khắp vùng này, mãi sau này vẫn còn đeo đuổi tôi.

Thế là cái làng Việt Nam huy hoàng trong tưởng tượng của tôi đã hoàn toàn tan biến! Quả thật nó không có một chỗ dựa vật chất nào để tồn tại!

Ở đây không có một con đường làng tấp nập nào cả. Có chăng, chắc phải ngược dòng thời gian trở lên tới hai ba mươi năm về trước, khi cái cộng đồng người Việt ở đây còn đông đúc?

Cái nơi duy nhất, tuy không thể gọi là tấp nập được, nhưng chính lại là cái nơi tiêu biểu nhất, hấp dẫn nhất ở Ste Livrade, ít ra từ một số năm nay, đấy là một cửa hàng kiêm tiệm ăn ở ngay dãy nhà đầu bên trái, khi vào đến giữa làng.

Tôi sẽ chỉ nói riêng về cửa hàng này thôi,mặc dầu biết rằng trong làng còn có một cửa hàng nữa nhưng không mở quán ăn. Bà chủ hàng là người Cát Bi (Hải Phòng) chính gốc. Bà năm nay chắc cũng đến trên sáu chục tuổi, nhưng trông còn khoẻ mạnh lắm. Trời nóng, bà mặc áo cánh trắng lụa, thoải mái như ở bên nhà. Cửa hàng của bà trông bên ngoài khiêm tốn, nhưng bên trong không thiếu một thức gì. Ngay cả những cửa hàng lớn trên Paris như Thanh Bình, Vietnam Diffusion, hay Tang Frères cũng chưa chắc có một số mặt hàng bán ở đây. Tất cả những thức ăn bày bán ở đây đều của nhà làm hết. Nào bánh giầy, bánh khúc, bánh đúc, bánh gai, bánh cốm, bánh đậu xanh. Nào giò chả đủ loại: giò lụa, chả quế, chả lợn, chả bò thìa là. Đậu phụ ở đây làm cũng là thứ đậu nhuyễn, chứ không cứng như đậu phụ bán trên Paris. Hoa quả mùa nào trái nấy: lúc này đang có nhãn lồng, na, mít, đu đủ, sầu riêng, chắc những thứ này bà mua buôn từ đâu về. Rau có đủ cả rau muống, rau mồng tơi, tươi như vừa mới hái lên. Nghe nói ở ngay đầu làng có một gia đình người Pháp chuyên trồng rau bán cho bà con trong làng từ mấy chục năm nay, cha truyền con nối! Ông anh tôi còn cho biết vịt quay thửa ở đây đặc biệt là ngon, ngon hơn vịt quay của các hiệu tàu trên khu 13 nhiều. Hôm nọ, một ông cựu xã trưởng ở vùng này, lần đầu tiên được ăn món vịt quay anh chị tôi mua ở đây, cứ khen lấy khen để là ngon hơn cả những món đặc sản của vùng này như món confit de canard, nay món m agret de canard.

Mua bán xong một số thức ăn, thức dùng cho trong tuần, chúng tôi ngồi xuống bàn ăn mỗi người một bát phở, một đĩa bánh cuốn. Phở ở đây rất thanh, nước phở trong, bánh phở mềm và nhẹ. Bánh cuốn làm cũng khéo, mặc dầu chưa bằng được bánh cuốn Thanh Trì! Ở đây có cả tiết canh, cháo lòng, bún thang. Cái bàn chỗ chúng tôi ngồi là một trong hai cái bàn ăn của cả tiệm, đặt ở góc trong cùng của gian nhà hàng, đủ chỗ cho độ mười hai người ngồi ăn. Không có gì ngăn cách cửa hàng và tiệm ăn. Ai ghé qua là ngồi vào ăn, tự nhiên như trong gia đình, nếu đông thì phải đứng chờ một chút. Vào lúc nghỉ hè này, xem ra cũng chẳng ai vội vàng gì.

Chúng tôi vừa ngồi ăn, vừa nhìn ra nắng, như thể ngồi trong một quán hàng ở nông thôn bên nhà. Cũng cái nắng ong ong ấy, cũng những khuôn mặt Á đông rám nắng...

Các cô bé, chắc thuộc hàng cháu gọi bà chủ hàng bằng bà, đi lại xốn xang, vừa chạy bàn, vừa giúp bà bán hàng ở ngoài quầy. Các cô đều trẻ trung, ngoan ngoãn, có cô lai, nhưng đều nói và hiểu được tiếng Việt. Nghỉ hè và trong năm cuối tuần, chắc các cô cũng hay về đây giúp đỡ ông bà. Khách ăn có người là khách quen, chắc ở quanh đây và đến ăn thường, nhưng cũng có những người từ xa đến. Có một bà ăn mặc sang trọng, từ Nice đến ăn với hai cậu con lai, chắc không phải tình cờ đi qua. mà vì có bà con, hoặc giả chính gốc gác ở đây.

Tôi thầm khâm phục ông bà chủ hàng, từ tay trắng làm nên, bây giờ chắc cũng đã gây dựng nên được một cơ nghiệp có thể gọi là khá giả. ông bà có cả thảy mười bốn người con, tất cả đều đã lấy vợ lấy chồng và lập nghiệp, người thì ở quanh vùng này, người thì ở các tỉnh xa. Có người mở tiệm ăn Việt Nam ở ngay Villeneuve-sur-Lot. Cậu con út, người tháo vát, ăn nói khéo léo, rành rẽ, có lẽ sẽ là người nối nghiệp ông bà sau nay.

Trong làng có đủ cả: chùa, nhà thờ và một nơi sinh hoạt chung. Thực ra đó chỉ là những gian nhà rộng hơn gian nhà ở một chút. Có một vị sư trông coi việc cúng bái. Mỗi lần có lễ lạc, đều mời thêm các thày ở nơi khác về làm lễ. Hàng năm, các ngày lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, đều được tổ chức long trọng, đại diện các thị xã và bạn bè người Pháp ở quanh vùng cũng được mời đến dự. Ở đây cũng có một số các cụ, các bà hay ngồi hầu bóng. Người công giáo thỉnh thoảng cũng đi lễ ở nhà thờ của thị xã ngay sít bên. Vào những dịp lễ lớn, người ta thường kết hợp mời các nghệ sĩ về tận đây trình diễn những tiết mục văn nghệ dân gian như: hát bội, hát chèo, cải lương, v.v... Gần đây một nhà điện ảnh trẻ tuổi người Pháp lai Việt Nam, gốc ở Ste Livrade, có quay một cuốn phim tài liệu dài về Ste Livrade. Tôi không biết anh đã đem cuốn phim ấy đến chiếu cho bà con ở đây xem chưa, nhưng tôi có vài người quen đã được xem ở nhà riêng, cũng vào dịp lễ Vu Lan tháng tám năm nay ở Ste Livrade. Nghe nói cuốn phim rất lý thú và đã được chiếu trên các đài truyền hình Đức và Thuỵ sĩ. Riêng ở Pháp, không hiểu sao, vẫn chưa thấy chiếu.

Cuộc sống ở Ste Livrade vẫn tiếp tục là như thế. Không hiểu rồi ra sẽ ra sao? Ste Livrade tuy chưa bao giờ có được cái khung cảnh thực của một làng Việt Nam theo cái nghĩa đầy đủ của nó, nhưng nó đáng được coi và được gọi là một cái làng Việt Nam, bởi vì ở đó rõ ràng vẫn sống bền bỉ những truyền thống văn hoá Việt Nam và trong trái tim những con người đã sống ở đây, từ ba thế hệ nay, vẫn luôn luôn ấp ủ hình ảnh của Quê hương Việt Nam.

 

* Sainte Livrade

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss