Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 23 / Thân phận Cu Li

Thân phận Cu Li

- Lê Minh Khuê — published 01/04/2011 01:25, cập nhật lần cuối 26/04/2011 16:35

Truyện ngắn


Thân phận Cu Li

Lê Minh Khuê

 

Cái xóm của mấy ông giáo bậc đại học, hàng năm nay im lìm như bãi tha ma, bỗng nhiên huyên náo như có đĩa bay hạ cánh xuống sân trường:

– Này, con mụ Cành sắp về.

– Nó đã về rồi ông ạ. Nghe nói mới xuống sân bay...

– Khiếp, phen này thì xem ai làm thầy?

Ông giáo Trí buông một câu chua chát:

– Vậy thì thời nào cũng thế thôi. Cóc nhái nó cứ nhảy lên đĩa cả hàng đống ấy, thế mà sợ đấy.

Rồi ông bắt chéo hai chân vào nhau, bộ xương lòng khòng, cao kều của ông như cái khung gỗ sau tấm áo bông cũ.

Ông hếch mặt nhìn qua cửa sổ, tay nhổ sợi râu vô hình. Thói quen từ ngày xưa của mỗi khi ông nghĩ rằng trên đời này thật khó ai có thể sánh với ông.

Cái thời mọi thứ còn đang thịnh chứ không suy như bây giờ, nhà trường là một chốn thâm cung cao vời vợi, xa vời với đám chúng sinh. Ai được vào học ở nhà trường phải đạt cho đủ những tiêu chuẩn đầu tiên đề ra cho mỗi sinh linh hồi ấy. Có nghĩa là phải mò cua bắt ốc từ thời cụ kỵ – không bao giờ được một bữa no ra no. Suốt đời ở thế cu li... Có như vậy khi được chọn vào trường mới lĩnh hội được hết những điều cao siêu về tương lai của nhân loại. Trường tấp nập, ai cũng có quyền vênh váo nhưng lại giả vờ khiêm tốn, để hoà nhập với quần chúng nhân dân thời ấy. Biên chế nhà trường hầu như được thả nổi. Các thầy có ai thân thích ở nhà quê là tha ra ăn gạo Nhà nước, làm cấp dưỡng, làm bảo vệ, giữ tủ... và vô số các công việc không đòi hỏi đến chữ nghĩa.

Cô Cành là em vợ ông bếp trưởng của nhà trường. Cô lùn, mặt rỗ và vì quá đần nên trông cô lúc nào cũng như nghễnh ngãng. Cô được ông bếp trưởng xin ra thành phố giữ chân rửa bát ở tổ rửa bát của bếp cũng đã đông tới hơn chục người. Cô lại đèo theo một con bé con, cháu chắt gì đó trong họ. Hai dì cháu y như nhau, suốt ngày ú a ú ớ, câm không ra câm, điếc không ra điếc. Nhưng hai dì cháu đã có sổ gạo, có tem phiếu... đã là người thành phố. Cô Cành được chia cho một cái hõm, kê vừa cái giường cá nhân, ở gần sát chuồng lợn của bếp ăn. Cô rửa bát sau giờ sinh viên ăn, kiêm cả việc quét tước cho khu chuồng lợn. Được cái thỉnh thoảng cô lại thó được tảng cháy to ở trong chảo cơm, đem về giấu trong rương, đến tối hai dì cháu có cái nhấm nháp. Chứ thời ấy đối với cái bụng sinh viên lúc nào cũng rỗng, suất cơm tập thể chỉ đủ tráng qua dạ dày, chả bao giờ thấy thừa cái gì. Cô Cành sống thui thủi như vậy và được các ông giáo trong trường thương lắm, vì thấy cô hiền lành, chăm chỉ. Đi đâu về, họ thường giúi cho hai dì cháu củ khoai, củ sắn, cái kẹo hoặc có quần áo cũ đều cho cô để cô sửa lại mà mặc. Cô nhận tất với cái vẻ biết ơn câm lặng của con người cả đời chúi mũi xuống đất. Cứ thế được vài năm.

Rồi thời thế có nhiều xoay vần. Biên chế nhà trường đã quá nặng. Cần phải giảm bớt. Lệnh ở trên ban xuống rành rành. Ai có tuổi thì bắt buộc nghỉ hưu. Ai không có nghề thì lại chuyển sang cơ quan khác. Biên chế thì cơ quan nào cũng phải gánh... Và có khoảng năm suất – dành cho những người có công lao nhất với nhà trường, dành cho ai khốn khổ nhất. Đó là năm suất đi làm cu li ở xứ người da trắng. Cô Cành thì không có công lao, nhưng là người nghèo, người dưới đáy, cô được nhà trường chọn đầu tiên. Cô gửi đứa cháu về quê rồi khăn gói quả mướp lên đường, khóc dầm khóc đề vì cảm thương cái tình của các thầy, vì cả lo sợ: chữ nghĩa không thông, rồi làm ăn ra sao ở chỗ lạ nước lạ cái ấy? Các thầy phải an ủi mãi.

Đùng một cái, cái nước phương Tây ấy thống nhất. Rồi bùng lên những tin tức khủng khiếp về cái đồng tiền Cu tiền Đê gì đó có ma lực. Rồi rầm rì lan truyền về những số phận may mắn của những thân phận cu li xứ ta được trôi nổi trong dòng di chuyển của đồng tiền... Vì vậy, hôm cô Cành về, các thầy đóng cửa ngồi trong nhà mà bụng dạ như lửa đốt. Sau năm năm, nhà trường cũng thay đổi mà cô Cành lại càng thay đổi. Cứ tưởng cô vẫn lùn? Không, cô cao to, phốp pháp. Bơ sữa của xứ người là thứ không phải xoàng. Lại tưởng cô vẫn đần độn ú ớ như xưa? Đâu có! Cô ăn nói có vành có vẻ. Không thế thì làm sao sống được ở xứ mà suốt ngày người ta nói năng cũng hăng hái như làm việc? Cô mặc váy, đi giày cao gót, đến chào tất cả các thầy. Thầy nào cũng có quà và cô rất tâm lý, cô hiểu cái dạ dày rỗng của các thầy nên gói quà nào cũng là đồ ăn. Ăn trên hết. Các thầy nhận quà, tán tỉnh cô vài câu, nói là mừng cho cô nhưng ruột gan các thầy như lửa đốt. Mẹ kiếp, nghe nói tài sản của cô lên tới tám trăm triệu. Có mà bán cả cơ ngơi cái trường này đi cũng không được phân nửa.

Cô Cành mua miếng đất ở gần cổng trường, làm nhà để sau này buôn bán cho dễ. Nhà phải sát mặt đường mới hái ra tiền. Chỉ loáng cái, ngôi nhà đúc đã lên xong. Cửa giả bằng gỗ lim chắc như sắt. Nhà hai tầng, mái bằng, không khác gì nhà cửa của các nhà giầu mới nổi lên trong phố. Khoảng sân trước cô trồng hoa. Cái cổng mở ra đường bằng sắt có hoa văn. Rồi cũng y như các nhà giầu mới nổi, một con chó “béc” to như con bò đứng gần cổng gầm gừ. Trong thềm, một con chó Nhật bé bằng bàn tay nhóc nha nhóc nhách bám váy cô chủ ra vào. Cô Cành đón con bé nhà quê ngày xưa cô nuôi lên. Con bé nấu nướng, đi chợ – và cũng y như dì nó, cứ tưởng nó đần độn? Có mà khối. Lúc này nó mặc váy đầm hở lưng, mặt vênh lên như bánh đa nướng. Hai dì cháu nó làm sáng choang cả cái cổng trường. Nghe nói, tối tối dì nó cho nó đi học nhảy đầm trong phố.

Buổi sáng cô Cành uống sữa và ăn bánh mì phết bơ. Cô vừa ăn vừa nhâm nhi lại cái thời cô ở bên ấy. Vốn nghèo, tính đã tiết kiệm, cô làm được bao nhiêu bỏ ống bấy nhiêu. Rồi một hôm có một ông Tây già nhìn cô, hơi nhấp nháy con mắt. Cô đi theo ông ta, nếm mùi Tây vừa hoi vừa béo. Ông Tây cho cô tiền. Tốt quá. Mình nghèo thì nên chịu khó. Và cô chịu khó thật. Cô có thêm thứ nghề phụ này, làm cho cả Tây cả ta, những kẻ xa nhà. Mấy năm như vậy, cô đã để dành kha khá. Nếu không có cái vụ đền bù thì cô cũng đã vào loại cứng cựa rồi. Năng nhặt chặt bị. Có như vậy hôm nay cô mới được thong thả ngồi uống sữa với con chó cảnh. Thường dùng bữa sáng xong, cô thích đi dạo ở con đường nhỏ sau trường. Cô mặc váy, tóc cột nơ cao, hai tay mập mạp đút vào hai cái túi may trước váy, kiểu mới. Con chó trắng chạy theo. Cô cất tiếng gọi:

– Ô ô mi-nu, " nại " đây?

“Ô ô” là cô học của Tây. Cô cũng nghe Tây nó gọi chó là “mi-lu”, nhưng cô lại sinh ra ở vùng không nói được chữ “l”. Thành thử khi nghe cô gọi chó là “mi-nu”, ông giáo Trí lại cười gằn:

– Mẹ, nó lại gọi bố nó bằng tiếng Tây.

Ông giáo Trí cay cú. ông sinh ra trong một gia đình ba đời là quan lại. Cậu Ấm Trí ngày đó đi học có “gia sư” hướng dẫn... đi ngủ có vú em quạt màn. Thỉnh thoảng được gặp mẹ thơm phức trong bộ áo dài trắng từ trên ô tô nhà bước xuống. Cậu Ấm đi theo cách mạng, làm cán bộ và thời cải cách, đã phải ký vào đơn tình nguyện cắt đứt với gia đình để giữ được trong sạch. Ông được nhận về dạy ở một trường “kín cổng cao tường” cũng chỉ vì thành tích đã bỏ bố mẹ. Đến người vợ dòng dõi con quan đầu tỉnh thời ấy bố mẹ cưới cho, sau vài cuộc chỉnh huấn, ông cũng ly dị nốt. Ông lấy cô Thắm là cán bộ phụ nữ huyện, mặt to như cái mẹt, rất thích đứng diễn thuyết oang oang trước hàng vạn người và ở nhà, hễ cứ mở mồm nói với ông là dạy ông thế nào là tính giai cấp. Ông sống u mê bên cái loa thùng suốt cả cuộc đời, thực sự là đầu gio mặt muội với đàn con sáu đứa toàn vịt giời. Lúc này mụ vợ ông đã hạ cơn sốt nói, đã chịu lui về thị trấn nhà quê để còn lo hương khói cho các cụ, lại trồng trọt thêm được tí rau tí cỏ nuôi mấy con vịt giời. Con vịt lớn nhất đàn, mụ gởi lên cho chồng nuôi. Ông giáo Trí gởi nó vào ở ký túc xá. Mấy năm nay trường vãn người học. Các thầy đông hơn trò, lại cả đời ôm đồm đống chữ nghĩa mờ mịt nên không ai biết làm một cái gì khả dĩ kiếm thêm. Toàn bộ lương cộng với các thứ thâm niên, các thứ phụ cấp của ông giáo được chín mươi tám ngàn. Ông có tới ba bằng đại học. Ông học đến hói cả tóc, giơ cả xương. Suốt đời ông giảng giải về các thứ tương lai của nhân loại. Lúc này, tri thức và sức lực của ông chỉ dành cho một việc. Một việc vĩ đại. Ấy là ông ngồi tính toán cách ăn tiêu thế nào cho vừa với đồng lương.

Nhất thiết ông phải gửi về quê ba chục. Cho con vịt lớn đang học đại học hai chục. Còn lại phần ông. Mỗi tuần ông mua thịt một lần. Hai lạng thôi. Ông thái nhỏ kiểu quân cờ, ngâm vào nước mắm cho mặn đến từng phân tử. Rồi ông rang thật khô. Ông cho vào lọ. Mỗi bữa ăn ông lấy ra hai viên. Có hai viên như vậy nhai với cơm cũng tạo được cảm giác có chất pờrôtít và một nồi đậu phụ. Ông mua loại đậu phụ nướng cho khỏi tốn mỡ. Ông dầm vào mắm tôm, vào muối, kho khô lên. Vậy mà mỗi bữa cũng được một miếng. Hôm nào sang thì luộc quả trứng, cắt làm đôi, mỗi bữa một nửa dầm vào nước mắm. Rau thì đỡ hơn vì sân trường rộng, chịu khó đi dạo cũng kiếm được bữa rau dại. Rồi tiền gạo, tiền điện, lại để được cả vài đồng phòng khi hắt hơi sổ mũi nữa. Ngày xưa ông giảng giải trước hàng ngàn học trò mà thấy bừng bừng, mà thấy phấn chấn, say mê, đầy tin tưởng. Ngày nay ngồi tính toán vài đồng lương, ông thấy đầu đau nhức.

Cô Cành không phải loại bạc. Cô biết ngày xưa ai đã từng cưu mang cô lúc củ khoai củ sắn. Nên bây giờ thỉnh thoảng cô trả nghĩa. Nhưng đã trả thì phải trả cho đều, không thì các thầy lại ngấm nguýt, ghen tị nhau. Cô cũng thương ông giáo Trí. Có hôm cô mang cho cả lọ dầu ăn. Có hôm lại nửa cân giò, chục trứng. Chỉ véo trong đồng “đê mác” ra một tí là cô đã trả đủ tình nghĩa rồi. Cô cho ông giáo Trí, phải như ngày xưa ông đã mắng vào mặt (kẻ sĩ như ông, đời thuở nào...). Nhưng lúc này ông nở nang cả cái mặt gầy quắt vì thiếu ăn. Một lọ dầu ăn sẽ đỡ được gần ba chục ngàn, đâu phải chuyện nhỏ? Ông nhận ơn cô rồi sau đó lại cười gằn:

– Mẹ nó, cóc nhái thời nào cũng lên đĩa!

Ngày xưa tôi có học với ông giáo Trí. Kiến thức ông sâu rộng nên học trò không quên ông. Vào một ngày cuối năm, tôi vào trường thăm ông. Cái sân trường mênh mông ngày xưa tấp nập yến oanh, lúc này im lìm như đã chết hết. Trông thấy một thằng bé đang tha thủi chơi một mình, tôi hỏi:

– Các thầy đi vắng hả cháu?

– Không cô ạ, các bác ấy ngủ.

– Nhưng đã bốn giờ chiều còn gì?

– Hôm nào các bác ấy cũng ngủ đến gần tối mới dậy nấu cơm ăn.

Tôi gõ nhẹ vào cánh cửa, đã nghe thấy tiếng thầy “mời vào”. Nhà tối om. Tôi lần tìm cái công tắc. Ngọn điện đỏ cạch. Thấy ông giáo lồm cồm bò trong cái chăn mỏng ra, áo bông, mũ len, tất... đủ cả... y như đi ngoài trời. Tôi hỏi:

– Thưa, thầy có bị ốm không ạ?

Ông giáo cười gằn:

– Ốm đau gì đâu cô. Chẳng qua ăn uống chả ra gì, trời rét ăn được cái gì thì chui vào chăn cho nó tiêu hoá chậm. Một cách bảo tồn năng lượng thôi. Chứ còn đi lại thì chóng đói, mà đói thì rét...

Giọng thầy nghe rề rà, cũng đúng là “bảo tồn năng lượng”... Tôi mở cửa sổ phòng cho đỡ tối. Ngay ở cửa sổ này, tôi nhìn thấy ngôi nhà mới của cô Cành. Cô đang đứng trong hàng rào, mặc váy ngắn tay. Lạy chúa, lạnh thế này mà cái áo váy làm cô có vẻ mát mẻ hết sức. Một tay cô xoa đầu con chó “béc”, tay kia chỉ trỏ. Cô đang huyên thuyên gì đó với một gã đi xe máy, đang đứng ghếch một chân lên bậc thềm nhà cô. Một gã lực lưỡng, có thể bóp chết con trâu. Chiếc xe máy cũng không kém hùng hổ, trông sáng choang lên như một khối vĩ đại toàn vàng. Anh ả đang tán tỉnh nhau gì đó, y như các anh ả thị dân mới nổi, hợm tiền, khinh người như rác đang đầy rẫy ở phố phường. Ông giáo Trí lại rề rà:

– Đóng cửa lại em. Nhạc nó mở như là tiếng súng chiến trận như thế, nghe cứ ù cả đầu.

Ông ngồi vào ghế, ngay cái kiểu ngồi rụt đầu rụt cổ của ông, tôi cũng biết là ông đang phải “bảo tồn năng lượng”...


Lê Minh Khuê



Lê Minh Khuê và “Bi kịch nhỏ”:
bão tố trong chén trà?

“ Không trung thực (...) dụng ý bôi đen, bóp méo sự thật của tác giả thật rõ ràng (...) hư cấu để thoả mãn sự hằn học, để trả thù riêng (...) Tác giả đứng ở chiến tuyến nào trong cuộc giải phóng dân tộc?”. Đó là lời phê bình – hay đúng hơn, quả búa tạ – mà tờ Sàigòn Giải phóng (chủ nhật, 5.9.1993), dưới ngòi bút ký tên Trung Nguyễn, đã dành cho tập truyện ngắn “Bi kịch nhỏ” của Lê Minh Khuê (Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội, 1993). Truyện ngắn Thân phận Cu Li Diễn Đàn giới thiệu bên đây là một trong 9 truyện ngắn hợp thành tác phẩm ấy.

Có một thời, chỉ một câu hỏi “Tác giả đứng ở chiến tuyến nào trong cuộc giải phóng dân tộc?” cũng đủ cho Lê Minh Khuê và chồng con khốn khổ. Bây giờ ít ra cũng khác. Nhất là trong trường hợp của chị, đó là một câu hỏi nhầm địa chỉ.

Sinh năm 1949 (kém Dương Thu Hương hai tuổi) tại Thanh Hoá, Lê Minh Khuê tham gia thanh niên xung phong ngay từ thuở 15 tuổi, khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Cho đến năm 1975, chị liên tục chiến đấu ở đường Trường Sơn.

Giải thưởng truyện ngắn của Hội nhà văn Việt Nam năm 1986. Hiện nay, Lê Minh Khuê viết báo (tuần báo Tiền Phong) và viết văn (các tập truyện ngắn đã xuất bản: Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ, Đoạn kết, Một chiều xa thành phố; sắp in: Hạnh phúc bên kia xứ sở).

Bài báo Sàigòn Giải phóng nói trên, tuy nhiên, không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Một loạt tác giả và tác phẩm cũng đang bị phê bình bằng những phương pháp bất lương: Đào Hiếu ( Nổi loạn), Phan Thị Vàng Anh ( kh i người ta trẻ), Xuân Cang ( Dấn thân), Võ Văn Trực ( C huyện làng ngày ấy), Nguyễn Khải (Một thời gió bụi), Tô Hoài ( Cát bụi chân ai), Lê Lựu ( Chuyện Làng Cuội), Chu Lai ( Phố)...

Mở cửa, khoá miệng: hai mặt của một chính sách?


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss