Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 23 / Thằng mõ, cái vạc dầu và con voi

Thằng mõ, cái vạc dầu và con voi

- Cao Huy Thuần — published 01/04/2011 01:30, cập nhật lần cuối 26/04/2011 17:27

Mạn đàm với giáo sư Cao Huy Thuần


Thằng mõ,
cái vạc dầu và con voi

 

Cao Huy Thuần, giáo sư đại học tại Học viện Chính trị Lille và Đại học Amiens, là phó chủ tịch hội Echanges Universitaires avec le Vietnam, en Droit, Economie et Gestion, quy tụ đại diện của nhiều đại học Pháp. Với tư cách đó, ông đã về nước hai lần, hè năm ngoái và hè năm nay, với hoài bão mở đường cho việc hợp tác giữa đại học Pháp và đại học Việt Nam trên một địa hạt mới (dĩ nhiên, đây chỉ là mới đối với Việt Nam) và tế nhị: dạy luật.

Tháng 9, ông đã có nhã ý dành cho Diễn Đàn một buổi phỏng vấn về kết quả công việc nói trên. Buổi phỏng vấn trên thực tế đã biến thành một buổi đàm đạo lan sang nhiều vấn đề khác, song vẫn xoay quanh chủ đề Luật pháp, xưa và nay. Dưới đây, Diễn Đàn trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số ý kiến của giáo sư Cao Huy Thuần.


Diễn Đàn: Anh nghĩ thế nào nếu Diễn Đàn giới thiệu hội Echanges Universitaires của anh như người mở đường cho sự hợp tác giữa đại học Pháp và đại học Việt Nam về việc dạy luật?

Cao Huy Thuần: Hai tiếng “mở đường” nghe có vẻ... lãng mạn. Nghe vui. Trẻ. Khoẻ. Không ngại bất trắc. Người mở đường có thể thành công. Mà cũng có thể thất bại! Thành công, chưa chắc anh ta đã đi trên đường vừa mở. Có khối người đang chực để đi trên đường đó. Họ sẵn sàng xô anh ta xuống để đi. Thất bại, anh ta chờ đợi. Nhưng không nản. Trong chừng mực hai tiếng “mở đường” bao hàm tất cả những ý nghĩ đó, tôi xin nhận, hân hạnh.

: Đường đã mở chưa? Và nếu mở rồi thì mở như thế nào?

CHT : “ Il faut qu’une porte soit ouverte ou fermée”, chúng ta đều biết vở kịch đó của Musset. Về lý luận, thì quả như vậy. Không có cánh cửa nào vừa mở lại vừa đóng. Thế nhưng cuộc đời... nhất là cuộc đời của trái tim và cuộc đời của chính trị, hầu như cánh cửa nào cũng vừa đóng lại vừa mở. Chúng ta phải kiên trì yêu đương và phải gian khổ làm việc trong thực tế đó. Khi nó đóng, ta phải cười bảo là nó mở. Khi nó mở, ấy, đừng có dại dột ngang nhiên xông vào, coi chừng dập mũi. Cuộc đời... Đâu có phải là cánh cửa. Là tà áo thì đúng hơn: “ Áo em mở khép niềm tâm sự”. Mở. Khép. Bạn hỏi: Đường đã mở chưa? Trong tinh thần không ngại khó, tôi trả lời: Mở. A more open Vietnam...

: Tình trạng hiện nay mà ai cũng nói là mở về kinh tế, đóng về chính trị. Lĩnh vực luật học chịu ảnh hưởng như thế nào về tình trạng mở - đóng đó?

CHT : Tất nhiên là hai lĩnh vực chính trị và luật vốn dính với nhau như răng với môi: răng hô thì môi hở. Chính trị mở thì luật cũng mở. Bằng chứng là tình trạng ở Liên Xô dưới thời ông Gorbatchev. Dân chủ, theo ông ấy, bao hàm sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp bởi chính quyền và bởi mọi công dân. Cho đến thời perestroïka, Liên Xô mới du nhập nguyên tắc căn bản – và sơ đẳng – của luật pháp: “Cái gì mà luật không cấm là cho phép”. Ông Gorbatchev cũng là người cầm quyền đầu tiên tại các nước xã hội chủ nghĩa đã mở màn và đã triển khai ý niệm “Nhà nước pháp quyền”.

Ở Việt Nam, sự việc diễn ra theo một hướng khác. Thời 1986-88, lúc chính trị, văn nghệ, báo chí mở, luật học chưa kịp chuẩn bị để đua nở trăm hoa. Chính vào lúc mà hành tinh Việt Nam được phóng vào quỹ đạo của kinh tế thị trường, lúc đó nhu cầu pháp luật mới bột khởi, ngôn ngữ luật pháp thăng hoa, châm ngôn “ Nhà nước pháp quyền” nở rộ trong diễn văn của các nhà cầm quyền. Từ hai hoàn cảnh khác nhau đó, sinh ra nhiều điểm khác biệt trong chính quan điểm của hai bên về khái niệm “Nhà trước pháp quyền”: một bên giải thích từ một triết thuyết tổng quát về dân chủ, một bên tìm câu trả lời cụ thể cho những vấn đề cụ thể được đặt ra vì nhu cầu ổn định xã hội.

: Anh có thể xác định vào năm nào khái niệm “nhà nước pháp quyền” được ghi nhận long trọng?

CHT : 1991. Tổng bí thư Đỗ Mười đúc kết vấn đề, biểu dương châm ngôn “nhà nước pháp quyền” trong bài nói tại hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương khoá 7 ngày 29.11.1991: “Nhà nước ta phải được xây dựng với đầy đủ tính pháp quyền cả trên ba mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh châm ngôn và triển khai nhu cầu “Thực hiện chính sách mở mà trật tự” trong báo cáo của Hội đồng bộ trưởng tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá 8, cùng năm. Cần đọc báo cáo này để thấy rõ tại sao vấn đề luật pháp nhảy lên hàng đầu. Xin trích một câu thôi: “Cuối cùng, xin nhấn mạnh một yêu cầu hết sức cơ bản, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của mọi nhiệm vụ, chủ trương, chính sách, là phải thiết lập cho được trật tự, kỷ cương theo cơ chế mới. Ai cũng thấy rõ tình trạng mất trật tự, kỷ cương, coi thường phép nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã nghiêm trọng tới mức nguy hiểm”. Đó là cuối năm 1991. Trước đó không lâu, những dấu hiệu báo động nháy lên tới tấp trong báo chí, trong diễn văn, trong ý thức của nhà cầm quyền. Con sư tử Việt Nam, từng quật ngã mọi quái vật hung hãn, bỗng thấy mình có thể ngã quỵ trước đám ký sinh trùng lúc nhúc từ trong ruột. Tôi nghĩ đến một hình ảnh thân thuộc trong nhà cửa ở Việt Nam, nói đúng hơn là một nhân vật. Nhân vật đó sống tối tăm sau cánh cửa, thu mình trong một xó, xó nhà, xó bếp, chỗ mà không ai thấy, bởi vì đó là nhân vật hèn hạ thấp kém nhất trong nhà. Đó là nhân vật... cái chổi. Năm 1991, tôi có cảm tưởng mọi người láo nháo kêu cứu: cái chổi! cái chổi! Bởi vì rác rưởi vung lên đầy nhà. Thế hệ của tôi là thế hệ Quốc văn giáo khoa thư. Năm học lớp ba, tôi chán nhất là phải học thơ của ông vua Lê Thánh Tông. Vua gì mà đi vịnh cái chổi! Bộ Dương Quý Phi với “Ớ Thị Bằng ơi” đã chết tiệt rồi sao! Bây giờ mới ước ao rằng giá như ông vua nào cũng biết nâng cái chổi ngang mày, kính cẩn đặt lên chín bệ của uy quyền!

DĐ : Chưa chắc Lê Thánh Tông là tác giả của bài thơ “Vịnh cái chổi”. Nhưng đó là vấn đề khác, vấn đề của văn học sử. Trong “tình nghĩa Quốc văn giáo khoa thư” quả là có một cái chổi uy nghi như một vị nguyên soái “vâng lệnh chúa” xuống “quét trần ai”.

CHT : Lại ông vua Lê Thánh Tông với Quốc văn giáo khoa thư. Lại một nhân vật khác hèn kém nhất, thấp mạt nhất trong xã hội: Thằng mõ! Ông vua mà đi vịnh thằng mõ! Chú bé học trò lớp ba lúc đó là tôi, nghêu ngao:

Mõ này cả tiếng lại dài hơi
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi
Mộc
đạc vang lừng trong bốn cõi
Âm thanh chuyển động khắp đòi nơi

Phân tích hiện trạng luật pháp của nước nhà, nhà cầm quyền Việt Nam phát hiện bốn khuyết tật: một là không có luật ; hai là có luật rồi thì không được công bố đầy đủ cho mọi người biết; ba là công bố cho mọi người biết rồi thì không phải vì vậy mà mọi người đều theo; bốn là người không theo luật lắm khi chẳng được xử trị cho phải phép. Nói tóm lại: ma chẳng sợ phù thuỷ. Bây giờ mới vỡ lẽ ra rằng, ấy, cũng phải bế cả thằng mõ này nữa, đặt nó lên chín bệ. Tiếng nó dài, vang lừng bốn cõi, chuyển động khắp nơi: giá như tiếng nói của luật pháp bây giờ cũng oai vang như thế! Chưa hết, uy quyền của thằng mõ đến như thế này mới khiếp chứ:

Trẻ già chốn chốn đều nghe lệnh
Làng nước ai ai cũng cứ lời

Thế là luật pháp! Thảo nào Việt Nam cực thịnh ở thời Lê Thánh Tông! Ngẫm cho kỹ, cả tinh hoa của pháp luật nằm gọn trong hai câu thơ. Thằng mõ, cái thằng cùng đinh mạt hạng trong làng, có ai nghe nó vì sợ nó đâu! Người ta nghe nó vì người ta nghe luật: luật pháp tách biệt ra khỏi cá nhân thằng mõ, cũng như quyền hành tách biệt ra khỏi cá nhân người cầm quyền. Bởi vậy cho nên thằng mõ, sau khi loan truyền luật pháp, lại trở về làm thằng mõ, trải chiếu ngồi ở cái cấp chót bẹt trong nấc thang xã hội. Nhưng nó ngồi mà nó vui, nó thảnh thơi, “ một mình một chiếu thảnh thơi ngồi” . Bởi vì trật tự trong xã hội mà nó xếp đặt, an bài, không phải là thứ trật tự dựa trên sợ hãi. Nếu người ta nghe luật chỉ vì sợ, thì đó không hẳn là luật. Người ta nghe luật vì luật nói đúng, vì người ta ý thức được sự đúng đắn, cần thiết của luật. Đọc lịch sử Việt Nam, có một từ rất quen tai: nhiễu. Thời loạn là thời nhiễu dân. Các ông vua hiền dặn lui dặn tới trong các bài chiếu: đừng nhiễu dân, đừng nhiễu dân. Xây trật tự mà không nhiễu, ban mệnh lệnh mà xã hội vẫn được thảnh thơi, đó là tinh hoa của luật pháp.

: Quan niệm của anh vừa nói có gì giống, có gì khác với học thuyết của phái pháp gia ở Trung Quốc ngày xưa? Có phải ảnh hưởng của phái pháp gia lại trở về ngự trị trên Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình?

CHT : Khổng tử và phái pháp gia đều xây dựng học thuyết của mình trong bối cảnh thời loạn. Trị loạn, đó là quan tâm chung của các vị, nhưng đến khi bốc thuốc thì phương pháp khác hẳn nhau. Ông Khổng dùng chất người để trị người. Chất người đó là nhân. Muốn trị người, trước hết phải trị mình, phải tu thân. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ: chúng ta uống thứ sữa đó từ khi còn ê a ở trường làng. Đồ đệ của đức Khổng giải thích rằng loạn là vì lễ giáo chẳng ai theo, trật tự trên dưới trong xã hội bị xáo trộn, đạo đức suy đồi. Hai chữ căn bản phải học và phải hành để tái lập trật tự là lễ nghĩa. Ôi thôi, ôi thôi, phái pháp gia cười mỉa mai, xã hội đã thay đổi cả rồi, hiền nhân quân tử đâu còn nữa để làm sáng danh đạo đức! Thời buổi này chẳng nên cầu hiền nữa, chỉ cần nắm được những giải pháp hàng ngày, cụ thể, thiết thực. Cứu người đang chết đuối ở hồ Tây, chẳng lẽ phải đi tìm cho kỳ được anh chàng bơi giỏi nhất ở Đồng Nai? Chính trị là tìm giải pháp để đối phó với những hoàn cảnh hiện tại và bình thường, là tiên liệu cái gì có thể xảy đến, là tính toán cái gì sắp xảy ra. Anh chàng Vương Lương có thiên lý mã, nhưng chẳng lẽ phải nhờ cậy đến anh ta để mang một cái thiệp báo hỷ từ Bắc Kinh đến Vân Nam? Tại sao chẳng dùng sức ngựa bình thường, dựng lên thật nhiều trạm, đổi người, thay ngựa, người bình thường, ngựa bình thường, và cứ thế, dùng giải pháp bình thường để giải quyết mọi chuyện bình thường? Mài một mũi tên cho thật nhọn, bắn đại vào không trung, có thể mũi tên xuyên qua một sợi lông chim. Đừng hý hửng khoe rằng mình có tài bắn lông chim! Chính trị không dựa trên may rủi, không nhắm đến chuyện xuất chúng. Làm một mũi tên bình thường, một cái cung bình thường, dạy thế nào để đứng trước một cái đích vừa phải, trong tầm bắn vừa phải, một người vừa phải có thể bắn trúng đích: đó là nguyên tắc của người cầm quyền. Lúc nhỏ, tôi có thấy một người đặt một đồng xu trên miệng chai, rót nước mắm vào chai mà đồng xu không dính nước mắm. Giỏi thì giỏi thật, nhưng không ai đi bán nước mắm theo lối đó! Cứ dùng cái phễu có phải là vừa bình thường, vừa công dụng không?

Cái phễu, đó là luật. Công dụng, đó là châm ngôn của giới pháp gia. Với cái phễu, ai cũng rót nước mắm vào chai được: yếu tố cá nhân, yếu tố người, không cần thiết nữa. Anh bán nước mắm chẳng cần lẩm nhẩm đọc thần chú tam tự kinh là rình cơm nguội. Nhờ công dụng của nó, cái phễu trở thành tối thượng trong đạo bán nước mắm. Quên nó ở nhà, đánh mất nó, làm nó bể, thì chẳng còn buôn bán gì được. Luật pháp là tối thượng bởi vì luật pháp mang lại công dụng thực sự, cụ thể. Phân biệt dụng cụ với người sử dụng, cái phễu với bàn tay của anh bán nước mắm, luật pháp với người cầm quyền, đó là chủ tâm của phái pháp gia để triệt hạ học thuyết của họ Khổng đặt căn bản trên yếu tố người, đưa đến hệ quả là trao cho nhà cầm quyền một uy quyền độc đoán trong lĩnh vực tố tụng.

: Do đó có sự phân biệt giữa hìnhpháp...

CHT: Chính thế. Đối với phái Khổng gia, luật không quan trọng bằng lễ nghĩa và phong tục tự ngàn xưa. Nhưng lễ là gì, nghĩa là gì, phong tục ngàn xưa là thế nào, chỉ có các ông quan mới giải thích nổi, và giải thích tuỳ sức học, tuỳ sự hiểu biết của mỗi ông. Nhưng chính khả năng giải thích chuyên quyền đó tạo cho các ông uy thế làm dân chúng phải nghe theo. Vì sự cai trị dựa trên uy thế cá nhân, mục đích của các ông là làm thế nào để đừng có kiện tụng. Hình phạt đặt ra không cốt là để áp dụng, mà là để làm người ta sợ. Để cảnh cáo, không phải để trừng trị. Để trừ khuynh hướng xấu. Để răn đe. Không phải để răm rắp cắt da xẻo thịt. Dân chúng sợ quan, cho nên tránh kiện. Tránh kiện cho nên thương lượng với nhau. Thương lượng với nhau cho nên hình phạt không áp dụng. Hình phạt không áp dụng tức là chẳng ai phạm tội. Chẳng ai phạm tội: thế là cái đức của ông quan sáng tỏ như mặt trời. Thế là lấy đức mà trị! Bởi vậy, theo các ông, các vị vua lớn thời xưa chỉ cai trị bằng hình, không cốt bày đặt ra pháp. Phái pháp gia cười: đó là chuyện thời xửa thời xưa, nghe hoang đường như chuyện bắt đom đóm làm đèn đọc sách. Ở thời loạn, “đức” đã chẳng còn, đặt số phận của luật pháp trên sự giải thích, hiểu biết tuỳ tiện của cá nhân, chẳng phải là nguồn gốc của hỗn loạn đó sao?

Cho nên phải tách luật ra khỏi cái “đức” trừu tượng và lỗi thời. Bằng cách gì? Bằng cách công bố cho mọi người biết. Công bố luật, đó là đầu mối của nguyên tắc, luật là tối thượng. Luật đã công bố, tất phải áp dụng, tất thành bó buộc. Nhà Tần, thời cực thịnh của tư tưởng pháp gia, phát minh ra một cách công bố luật nghe ớn xương sống: khắc luật trên vạc dầu. Công bố luật theo lối đó, tức là cảnh cáo cho mọi người biết rằng ai phạm luật sẽ thấy mình tức khắc hoá kiếp thành cái chả giò. Về sau, luật được khắc trên cột đá, rồi trên phiến gỗ. Hàn Phi tử viết rõ ràng: “Các sắc dụ trở thành luật khi được niêm yết tại mọi cơ quan hành chính và khi mọi người hiểu rằng hễ phạm pháp thì chắc chắn không tránh được hình phạt”. Tính công khai của luật khiến luật vừa là tối thượng vừa là đồng đều đối với tất cả mọi người, dân cũng như quan. Trật tự xây dựng trên một thứ luật không thiên lệch và tách biệt ra khỏi người như vậy, theo phái pháp gia là một trật tự đúng đắn.

Có một điều lạ trong lịch sử Trung Quốc là tư tưởng pháp gia không bao giờ chiếm được ưu thế lâu dài. Tần Thuỷ Hoàng áp dụng triệt để học thuyết này, nhưng nhà Tần ồ ạt thoáng qua như mưa giông. Dân Trung Quốc không ưa ông vua này; lịch sử phê phán ông nghiêm khắc. Có phải vì ghét Tần Thuỷ Hoàng mà dân chúng Trung Quốc ghét lây sang cả phái pháp gia? Học thuyết này có nhiều điểm tích cực lắm chứ! Đả phá tư tưởng tuỳ tiện, đả phá khuynh hướng rập theo khuôn sáo, là đánh đổ hai tệ hại lớn. Tuỳ tiện đưa đến độc tài. Khuôn sáo tạo nên óc bảo thủ, cổ hủ. Tinh thần kỷ luật mà họ muốn mang lại cho xã hội Trung Quốc được chuyên chở trên ý muốn tiến bộ – trên ý nghĩ rằng phong tục, tập quán cũng phải tiến triển theo thời đại, không ỳ ạch cưỡng lại lịch sử. Lý luận của họ chặt chẽ, đanh thép, sáng sủa, khoa học, không có cái tăm tối của chi hồ giả dã. Thế nhưng tại sao ảnh hưởng của họ chóng phai như sương buổi sớm?

: Phải chăng vì học thuyết của họ sắt đá quá? Thời nhà Chu, có ông quan kết án một người con là bất hiếu khi tố cáo cha mình ăn trộm cừu. Phái pháp gia buộc tội ông quan: ông này chẳng hiểu rằng luật pháp là vô tư và bình đẳng.

CHT : Chính Khổng tử khen ngợi một người con khác đã đào ngũ hai lần vì có cha già phải phụng dưỡng. Hỏi một người Trung Quốc, một người Việt Nam, ai có lý, phái Khổng hay phái Hàn Phi, chưa chắc họ Hàn đã được cảm tình. Hình như văn minh Trung Quốc không duy lý như văn minh Âu châu. Hình như đạo đức, dù được hiểu mơ hồ, vẫn là chiếu chăn ấm áp trong giấc mơ thanh bình, trật tự của xã hội phương Đông. Hình như tính xuề xoà là một khuyết tật cố hữu của ông bà chúng ta, khiến cho việc đáo tụng đình không phải là chuyện đáng làm dưới mắt người quân tử cũng như người bình dân, “ được kiện mười bốn quan năm, thua kiện mười lăm quan chẵn” . Nhưng cũng hình như đức tính khoan hoà, độ lượng, trung dung vẫn là lý tưởng trong cách xử thế của con người và trong ước mơ hài hoà của xã hội chúng ta.

Dù sao đi nữa, áp dụng luật chỉ mới là một khía cạnh của vấn đề. Làm luật là một khía cạnh khác quan trọng không kém. Ở đây, luật với người khó mà tách biệt với nhau, bởi vì ai làm ra luật nếu không phải là người? Người xấu làm sao có luật tốt? Chính thể hà khắc, trật tự bất công chắc chắn phải dựa trên những luật cưỡng ép, bức bách. Đó là vấn đề to lớn đặt ra trong học thuyết Âu châu, đặt ra từ lâu nhưng muôn đời vẫn mới: vấn đề đối chọi giữa luật của người với luật thiên nhiên. Không có luật nào cấm được Antigone chôn xác anh, dù đó là luật của vua Créon. Từ đó, Âu châu tiến dần đến quan điểm chủ trương rằng trật tự của luật không được trái với quyền của con người.

: Anh mới trả lời một nửa câu hỏi, còn nửa kia, còn Đặng Tiểu Bình...

CHT : Cũng có trả lời đấy chứ...Vâng, xin nói thêm. Tham vọng của giới pháp gia là xây dựng một Nhà nước lớn và “hiện đại”. Bởi vậy họ chú trọng đặc biệt đến quân đội, hành chánh, kinh tế – những yếu tố chính tạo thành sức mạnh của một nước lớn. Khắc luật trên cột đá cũng là một hành động để biểu dương sức mạnh sau một cuộc chinh phục bằng vũ lực. Kỷ luật mà họ muốn thực hiện là một thứ kỷ luật nhà binh mà họ nghĩ là cần thiết để trị loạn trong tình trạng phong kiến, chư hầu. Luật là phương pháp để cai trị. Nhưng một nước lớn cũng cần vua mạnh. Cho nên phái pháp gia chủ trương luật pháp và vua đều tối thượng. Vua không được quyền can thiệp vào công việc hành chính: đây là địa hạt của luật pháp. Ngược lại triều đình cũng không được can thiệp vào việc điều khiển đầu não của Nhà nước: đây là lĩnh vực của vua. Chính trị là việc của vua, của một mình vua. Hàn Phi tử nói: Pháp là nguyên tắc của các quan. Thuật là dây cương mà vị chủ tể cầm trong tay”. Sức mạnh của luật là sức mạnh không cá nhân hoá. Sức mạnh của vua là sức mạnh toát ra từ con người của vua, là sức mạnh cá nhân. Phái pháp gia không cần vua phải là vua thánh, chỉ cốt nhất là vua chí công vô tư trong lĩnh vực tháp luật, nghĩa là tôn trọng tính chất cưỡng chế của luật đã ban hành. Chủ trương như vậy lắm khi rước hoạ vào thân: Thương Ưởng đời Tần bị xé xác sau khi vua mất vì đã dám buộc đông cung thái tử phải tôn trọng luật pháp. Bản thân Hàn Phi tử cũng được Tần Thuỷ Hoàng mời vào nghỉ mát nhà ngục rồi được ban cho ân huệ cuối cùng: quyền tự tử. Phái pháp gia muốn dùng luật pháp tối thượng để ngăn ngừa sự tối thượng chuyên chế của vua. Than ôi, trên trời đâu có hai vừng nhật, đêm rằm đâu có hai ả Hằng Nga!

Đấy, một lý thuyết như vậy có nhiều yếu tố lắm chứ để quyến rũ một Đặng Tiểu Bình quyết ra tay dẹp loạn Hồng vệ binh và xây dựng “tứ hiện đại”.

: Chính sách của Mao là dùng người để trị người, tuy cách dùng của Mao không dựa trên chữ nhân (Hay nói cách khác, cũng là nhân, nhưng phải thêm chữ bất ở trước). Trước vụ Thiên An Môn, họ Đặng chỉ trích kịch liệt chính sách đó. Đứng trên lĩnh vực luật pháp, phải chăng cuộc đấu giữa Mao và Đặng là cuộc đấu, được diễn ra dưới hình thái mới, giữa hai chủ trương nhân trị và pháp trị?

CHT : Có một khuynh hướng giải thích vấn đề như thế, để nhấn mạnh tính cách kế thừa trong lịch sử học thuyết chính trị Trung Quốc. Có một khuynh hướng khác giải thích vấn đề một cách đơn giản hơn: “pháp trị” là cái quái gì, chẳng qua họ Đặng nhắm hai mục tiêu cụ thể: một, là tạo thế ổn định luật pháp bề ngoài để quyến rũ đầu tư ngoại quốc; hai, là dùng luật pháp để ghi lại một cách long trọng những thắng lợi chính trị của ông ấy, hòng những thắng lợi đó không bị đặt lại vấn đề vì những xáo trộn chính trị có thể xảy ra. Đó là ý nghĩa của khẩu hiệu “ cai trị bằng luật, không cai trị bằng người”, “Phát huy dân chủ, củng cố hệ thống pháp lý”. Trong một bài viết quan trọng in năm 1978, ông nói: “Để thực hiện dân chủ của nhân dân, ta phải củng cố hệ thống pháp lý. Dân chủ phảí được định chế hoá và viết thành luật, để định chế và luật không thay đổi mỗi khi lãnh đạo thay đổi, hoặc mỗi khi lãnh đạo thay đổi quan điểm nay tập trung chú ý vào điểm khác” 1.

Cả hai lối giải thích có thể đều đúng, nhưng giản lược. Nếu muốn nhấn mạnh tính cách kế thừa, nên nhấn mạnh trên hai chữ “ công dụng” vốn là cốt lõi trong tư tưởng của phái pháp gia. Luật pháp là khí cụ để cai trị. Quan niệm này được giới trí thức đem ra bàn cãi hào hứng. Họ hỏi: Pháp trị là gì? Rule of law? hay rule by law? Of hoặc by nói theo Shakespeare, that’s the question! Quan trọng như cái tên trong hộ khẩu! Rule of law bao hàm quan hệ giữa cá nhân và Nhà nước, quan hệ đó đặt dưới sự kiểm soát của luật pháp tối thượng, với tất cả những hệ quả pháp lý và chính trị mà ai cũng biết. Tinh thần của rule of law là hạn chế tính cách độc đoán của nhà cầm quyền và bảo đảm quyền của con người. Tiếng Pháp rõ ràng hơn trong việc diễn tả mối quan hệ giữa Nhà nước và pháp luật: Etat de droit. Droit chớ không phải là loi. Rule by law... đây là mắm muối thêm vào ở Trung Quốc để diễn tả tình trạng công dân cũng như Nhà nước đều phải tuân theo luật, nhưng luật là khí cụ để cai trị. Luật, theo Đặng Tiểu Bình, là cần thiết để thực hiện ổn định chính trị, đoàn kết xã hội, củng cố xã hội chủ nghĩa. Ngay cả trong quan niệm đó đi nữa, phải nhận rằng có sự tiến bộ, bởi vì dần dần Trung Quốc hiểu rằng luật không chỉ đóng vai trò trừng trị, mà còn có chức năng điều tiết xã hội, và do đó bản chất của luật mang tính xã hội hơn cả tính chính trị. Trong một nước mà hiện đại hoá được đặt lên thành quốc sách, làm sao giải quyết một cách ổn thoả, thanh bình, những tranh chấp diễn ra hàng ngày trong tương quan xã hội – tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế, làm sao xây dựng được một trật tự xã hội thanh bình nếu luật không làm được nhiệm vụ điều tiết, không diễn tả được những nguyên tắc sống chung mà ai cũng biết là cần thiết như xi măng làm dính liền những viên gạch riêng lẻ của một toà nhà? Ý thức về luật pháp chưa bao giờ mạnh ở Trung Quốc; đưa luật pháp vào đời sống xã hội, làm cho dân chúng có một thái độ tích cực đối với việc áp dụng luật pháp, tức là dần dần tạo nên được ý thức đó, tạo nên được một trật tự pháp lý; trật tự đó dần dần được lọc bớt tính chất chính trị, khẩu hiệu, dần dần thấm nhuần tính chất xã hội, tự phát. Nhiều tiến bộ lắm chứ, trong giai đoạn 1978-1990.

Dĩ nhiên, câu hỏi vẫn còn nguyên vẹn, vẫn đòi hỏi một câu trả lời trung thực, minh bạch: có thể xây dựng một hệ thống pháp lý đàng hoàng mà không cần dân chủ không? Dù sao đi nữa, tạo ra được một trật tự pháp lý vững chắc, trong đó mọi người có thể tiên liệu được những tình huống có thể xảy ra, chừng đó đã là một bước tiến lớn. Chỉ cần quyết tâm thực hiện cho kỳ được nguyên tắc đơn giản “ cái gì luật không cấm là cho phép”, chừng đó đã là một cách mạng tư tưởng vĩ đại.

: Anh vừa nói đến Etat de droit rule of law. Khái niệm “ Nhà nước pháp quyền” của Việt Nam bắt nguồn từ tiếng Pháp, từ tiếng Anh, hay từ Hoa ngữ?

CHT : Tôi vẫn thường ước ao có một cuộc hội thảo ở trong nước để bàn về vấn đề này. Thú vị lắm! Nhưng trước hết tôi phải nói ngay rằng chẳng ai ngu si đến nỗi cứ muốn áp dụng một cách máy móc những khái niệm bên ngoài vào hoàn cảnh Việt Nam. Riêng tôi, tôi chẳng ưa gì chủ nghĩa tư bản, và vẫn thấy trong sáng mãi trong lòng những lý tưởng xã hội mà tôi tự tìm thấy trong sách vở và trong cuộc đời từ thời còn trẻ. Bởi vậy khi nghe câu hỏi của anh, tôi vừa nghĩ đến Pháp, đến Anh, lại vừa nghĩ đến cái thuở ban đầu của perestroïka. Ông Gorbatchev định nghĩa như thế này: “ Cùng với sự phát triển của dân chủ, người ta nghĩ một cách tự nhiên đến việc tạo dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nghĩa là một Nhà nước xây dựng trên sự tối thượng của luật pháp, trong đó mỗi người dân được hưởng đầy đủ những quyền tự do chính trị và xã hội, trong đó kỷ luật và ý thức trách nhiệm ngự trị, và trong đó guồng máy hành chánh hoạt động hữu hiệu” 2

Các tác giả Tây phương chỉ trích quan niệm này. Cái gì mà vừa nói quyền lại nói ngay đến kỷ luật, trách nhiệm! Một tay chìa ra cái bánh, tay kia giật lui! Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là cái gì? Một là Nhà nước pháp quyền thì không có xã hội chủ nghĩa. Hai là xã hội chủ nghĩa thì không có Nhà nước pháp quyền. Một là chị có thai. Hai là chị không có thai. Cả hai là không thể có được!

Tha hồ bàn cãi. Điều mà tôi muốn nói là thế này: Nhà nước pháp quyền, ngay cả ở Tây phương, chưa bao giờ và không bao giờ được xem như đã đạt đến đích. Đó là một lý tưởng thực hiện dần dần, ở Pháp bắt đầu từ cách mạng 1789, nếu không muốn nói là từ xa hơn nữa. Đó là một sự tiến triển bền bỉ và lâu dài, trải qua bao nhiêu thử thách, chông gai. Đó không bao giờ là tình trạng toàn hảo, chỉ là tình trạng tốt hơn, tốt hơn mãi. Vì vậy, trách gì những khuyết điểm của định nghĩa trên! Vấn đề không phải là tìm chữ cho ngon để định nghĩa cho ngọt. Vấn đề là thực hiện lời mình nói, một cách thành thật. Ít nhiều gì cũng được, miễn là có thực tâm. “Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt”. Đồng tiền lương thiện. Trong định nghĩa trên, người Việt Nam chắc chắn không sợ kỷ luật, không trốn ý thức trách nhiệm. Trong mỗi người đã có sẵn hai đức tính đó. Họ chỉ đòi hỏi người cầm quyền cũng có hai đức tính đó như họ. Ngoài ra, họ đòi cái gì nữa? Những quyền thiêng liêng, bất khả chuyển nhượng, bất khả xâm phạm trong sách vở của Rousseau? Hay là đòi ông cán bộ, ông công an, bộ máy hành chính nói chung, hoạt động hữu hiệu, nghĩa là đúng luật, đừng nhũng nhiễu?

Tôi vừa nhắc đến Rousseau. Cũng Rousseau đã nói về hai bộ mặt của luật pháp. Một mặt, luật nào cũng để bảo vệ trật tự có sẵn, tức là bảo vệ kẻ quyền thế, người có của. Nhưng mặt khác, luật làm ôn hoà trật tự đó bằng cách buộc nó phải tuân theo những nguyên tắc – nghĩa là những giới hạn – và những bổn phận; và như vậy, luật bảo vệ kẻ yếu, kẻ nghèo. Từ đó có quan niệm cho rằng, trong một hoàn cảnh nào đó, có thể bắt đầu bằng “Nhà nước pháp quyền” thay vì bắt đầu bằng dân chủ...

: Và như vậy, trong tinh thần đó, anh đã làm việc? Anh có thể cho biết kinh nghiệm của anh?

CHT : Tinh thần làm việc của tôi? Anh cho phép tôi nói đùa? Cứ bắt chước Kim Trọng: cứ bắt đầu với cô Vân đi, rồi rốt cuộc được cả Vân lẫn Kiều... Bây giờ xin nói đứng đắn. Một, tinh thần của luật pháp là mực thước, tinh thần của dân chủ là phải chăng. Phải chăng giữa người cầm quyền và dân chúng. Phải chăng giữa đa số và thiểu số. Phải chăng giữa sự đồng ý và bất đồng. Dân chủ không “trụ” được khi mọi người đều “bốc”. Bốc trong lời nói. Bốc trong hành động. Chưa học được cái phải chăng đó của dân chủ, thì cũng nên học cái mực thước của luật pháp. Hai, tôi vốn suy luận theo biện chứng của người bình dân: cái này có thì cái kia có, gió thổi thì phướn động. Ném hòn sỏi xuống hồ, không phải một làn sóng gợn ra, mà muôn vạn làn sóng, duyên khởi trùng trùng. Không có cái gì mất đi, dù ta chỉ làm một việc cỏn con. Hãy làm một việc tốt. Và chẳng cần bận tâm đến kết quả. Bận tâm mà làm quái gì! Gieo hạt đậu, có bận tâm hay không thì cũng không phải cây lúa mọc lên.

Về công việc của tôi, chắc chẳng có gì nhiều để nói. Năm 1991, tôi bồn chồn trong cái luận lý đơn sơ của tôi: làm sao phát triển luật pháp nếu không làm tốt hơn nữa việc dạy luật? Làm sao chơi với kinh tế thị trường nếu không biết rõ luật của quốc tế tư bản? Tôi cùng với chị bạn đồng nghiệp Joële Tan, vận động với nhiều đại học Pháp, trong giới giáo sư từng có cảm tình với Việt Nam, và kết quả là hội “Echanges universitaires avec le Viet Nam en droit, économie et gestion” ra đời đầu năm 1992. Một phái đoàn bốn người sang Việt Nam hè 1992. Một chiếc cầu được nối từ tháp Eiffel qua lưng con rùa nằm đâu đó trong hồ Hoàn Kiếm. Tháng 7 năm nay, một phái đoàn tám người, gồm các nhân vật cao cấp trong nhiều đại học lớn của Pháp sang Hà Nội tham dự ba ngày hội thảo với sự có mặt của các đại học Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi thảo luận về nhiều vấn đề pháp lý quan trọng và tế nhị, thảo luận rất tự do, và các giáo sư Pháp rất ngạc nhiên về trình độ cao của cuộc đối thoại. Ba ngày hội thảo đã gây không khí phấn khởi cho mọi người và để lại một ấn tượng tốt đẹp về phía Pháp. Một năm chuẩn bị, hàng tháng trao đổi thư từ, quên ăn bỏ ngủ ở những ngày cuối trước khi lấy máy bay, vì không chắc giấy tờ đã xong xuôi: tất cả sức lao động trí tuệ đổ ra chỉ để tổ chức ba ngày hội thảo. Kết quả mỏng manh như giấc mộng, nói ra chẳng ngượng ngùng sao? Thế nhưng, ngồi trong phòng họp, trời tháng bảy nóng như đổ lửa, mồ hôi vã ra ướt áo, lắm khi tôi chợt thấy một luồng gió thổi trong ngực khi nghĩ rằng có ai ngờ có ngày tôi nằm giữa lòng thủ đô nói chuyện luật với các đồng nghiệp, với các cháu sinh viên mà đầu óc đẹp như cánh đồng lúa non. Không biết trong các bạn Pháp, có ai cảm thấy, giống như tôi, một giọt nước đá chảy dài trong xương sống khi trở về khách sạn, buổi tối cuối cùng, bật máy truyền hình, thấy chiếu lại hình ảnh của buổi họp ban chiều? Trong lĩnh vực vô cùng tế nhị là lĩnh vực luật pháp, chỉ mới hai năm thôi, thế chẳng phải là đã vượt qua một chặng đường, một cái dốc, một cái đèo Hải Vân hào hứng?

: Còn những thành tựu khác mà anh chưa nói. Ví dụ Nhà Luật Pháp Pháp -Việt ở Hà Nội...

CHT : Nhà Luật Pháp, được tổng thống Mitterrand khánh thành đầu năm nay, là biểu trưng cho sự hợp tác Việt Pháp trong lĩnh vực pháp luật. Mỗi một việc ông tổng thống đích thân khánh thành một ngôi nhà chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt của hai nước về ngôi nhà đó. Đứng về phía Pháp, Maison du droit là tác phẩm của luật sư đoàn Paris và của bộ Tư pháp Pháp. Giúp Việt Nam soạn thảo các bộ luật, các đạo luật, tổ chức nhiều hội nghị pháp lý, nhận công chức Việt Nam sang Pháp tu nghiệp, mở các khoá giảng bổ túc về luật, v.v..., sự hợp tác giữa hai nước khá đa dạng và nhiều hứa hẹn.

Dĩ nhiên, tôi vỗ cả hai tay. Thế nhưng, tôi lại trở về với cái luận lý đơn sơ của tôi: Nhà Luật Pháp chưa giải quyết được vấn đề căn bản, vấn đề hàng đầu, là đào tạo một thế hệ những người dạy luật, một thế hệ mới, trẻ, có tầm cỡ quốc tế, có khả năng đối đầu với ngoại quốc trong thời kỳ mở cửa kinh tế, có hoài bão xây dựng một học thuyết pháp lý Việt Nam trong hoàn cảnh sống chung giữa nhiều hệ thống pháp lý khác nhau. Chơi với ngoại quốc, trước tiên phải hiểu họ, hiểu họ như là họ; có hiểu họ như thế thì mới hiểu được ta phải thế nào để là ta. Đào tạo người dạy luật, đâu phải tổ chức dăm ba khoá học bổ túc là đủ. May một cái áo, đâu phải chắp vá nhiều manh vải vụn. Cái áo, trước khi thành cái áo, là một ý nghĩ trong đầu ông couturier. Phải có ông Cát Tường mới có cái áo Le Mur, áo dài tha thướt mà các bà các cô làm đẹp đất nước. Tôi mơ ước có những ông Cát Tường như vậy trong lĩnh vực luật học. Tôi không ước mơ có hàng ngàn cô thợ may khéo tay, nhưng suốt ngày chỉ ngồi may gia công. Có lẽ tôi nói hơi quá... Nhưng phải bắt đầu ở cái chỗ bắt đầu! Từ cái đầu, từ cái não! Từ những câu hỏi đầu tiên: luật là gì? từ đâu mà ra? tại sao phải như vậy? Không thể nào đốp chát được với ngoại quốc trong lĩnh vực luật học nếu chưa nắm bắt được phương pháp của luật, tinh yếu của luật. Cái đó phải học đầu tiên. Có thứ, có lớp, có trước, có sau, có hệ thống, có phương pháp, có căn bản. Không thể lợp ngói, xây tường khi chưa có nền móng. Cứ để ra năm năm, đào tạo hai mươi người đầu tiên thật giỏi. Lứa người ấy sẽ đào tạo lại. Không có một phương pháp nào khác để tự chủ. Nói ra e thừa chăng? Nhưng đó là điều chúng tôi chưa làm được trong chuyến đi vừa qua, tuy rằng thành công tưởng như đã nằm trong gang tấc.

Dù sao đi nữa, có một chiếc cầu đã xây. Xây bởi tấm lòng và bàn tay của những người từ khước không muốn dính dáng đến chính trị. Những người này đã chọn đất sống ở trong đại học, tức là miếng đất cho họ hoàn toàn tự do, độc lập, liêm khiết, để làm những việc họ thích, không lệ thuộc một ai, một chính sách nào, phe phái nào, chính phủ nào. Trên đất đó, họ là chủ; họ không ở trọ trong nhà của ai; họ là thằng mõ trên manh chiếu của họ.

Có một chiếc cầu đã xây. Sẽ có những người khác đi qua cầu. Có thể chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Như một cái hoa, chúng tôi chỉ nở để mang mầm cho trái. Trái nẩy nụ thì hoa phải tàn. Paris I, Paris II, Bordeaux, Lille... những trường đại học lớn có thể họp nhau lại để làm một mạng lưới hợp tác với Việt Nam. Cần chúng tôi thì chúng tôi sẽ nở hoa khác. Không cần, thì xin chúc trái ngọt cây lành.

Tôi nói nhăng nói cuội hơi nhiều, các anh cứ cắt đi. Chỉ vẽ giùm tôi một trái tim son trên mấy hàng ngắn ngủi sau đây. Không biết từ lúc nào, dân gian Việt Nam khai quật được trong lòng đất văn học một con voi rất hiện thực như sau:

Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau
Còn cái đuôi thì đi sau rốt...

Ông Nguyễn Xuân Khoát tình tang phổ nhạc “kể nốt cái chuyện con voi”:

Con voi í ì con voi
Cái vòi í ì đi trước
Hai chân trước ì đi ì...
sau
Hai chân sau ì đi ì... trước

Chuyện luật, đối với tôi, cũng chẳng khác gì chuyện con voi: Đào tạo người dạy luật, đó là hai cái chân trước. Đừng lấy cái vòi làm cái đuôi. Đừng bắt hai chân trước ì đi ì sau!


Chú thích:

1 Đặng Tiểu Bình trong Selected works of Deng Xiaoping (1975-1982), Beijing, Foreign Languages Press, 1984, tr. 157-158.

2 Gorbatchev, Idée socialiste et perestroïka révolutionnaire, Pravda 26.11.1989, dịch lại trong Documents d’Actualités Internationales, No4, 15.2.1990.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss