Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 24 / Cái nhục không bao giờ rửa được

Cái nhục không bao giờ rửa được

- Võ Văn Trực — published 02/04/2011 01:05, cập nhật lần cuối 27/04/2011 23:05

Cái nhục
không bao giờ rửa được

Võ Văn Trực

 

Dân làng bỗng ngã ngửa ra rằng: bác Chắt Kế bị nghi là phản động!

Qua nhiều cuộc đấu tranh, nhiều lần học tập lý luận về đấu tranh giai cấp, về cảnh giác cách mạng, về “ba không” (không nghe, không biết, không nói), đã rèn cho con người một ý thức luôn luôn cảnh giác cao độ, cảnh giác đến cực đoan đẩy đến sự đa nghi. Bác Chắt Kế đã từng đứng ra giảng giải cho dân làng là phải thường xuyên đề cao cảnh giác, thì bây giờ người ta “cảnh giác” cả bác. Gậy ông đập lưng ông!

Tiếp nhận những bài học vỡ lòng một cách thô thiển về đấu tranh giai cấp, về cảnh giác cách mạng do bác Chắt Kế diễn thuyết, hồi còn là đội viên nhi đồng cứu vong, tôi đã từng hăng hái hoạt động trong lĩnh vực “cảnh giác” này. Một bà ăn mày chừng bảy mươi tuổi, què chân phải đi nạng, gầy còm, gần tuần lễ nào cũng vào làng tôi ăn xin. Tôi đặt vấn đề nghi ngờ: Bà này có phải là phản động không? Tại sao bà ta không đi xin làng khác mà cứ đi xin làng mình? Tại sao bà cứ im lặng như cái bóng đi trên đường làng, chẳng nói năng một câu nào? Tôi đem lòng nghi ngờ đầy tự hào này nói với Bá. Bá tinh khôn bàn lại với tôi: “Khi bà ăn mày sắp vào nhà nào, ta chạy vào trước vờ làm chủ nhà. Bà ấy xin, ta không cho. Nếu bà ấy ra ngay, không nằn nì xin cho kỳ được, đích thị bà ta vờ làm ăn mày để hoạt động gián điệp”. Tôi vỗ tay reo lên: “Hay quá!”. Hai đứa chúng tôi thực hiện công việc đã bàn. Sự việc xảy ra đúng như Bá dự đoán. Chúng tôi dắt bà ăn mày vào nhà chú Hoe Lai hiện đang làm công an xóm. Chú đi vắng, cả nhà cũng đi vắng. Chúng tôi trói chân bà vào gốc cây xoan trước ngõ. Đến tận tối, vợ chồng chú Hoe Lai mới đi làm về. Bà ăn mày bị đói lả, nằm thở. Mụ Hoe Lai hỏi bọn trẻ quanh xóm: “Ai cột bà ăn mày vào đây?”. Bọn trẻ trả lời: “Thằng Trực, thằng Bá”. Mụ Hoe Lai đến tận nhà Bá và nhà tôi chửi như té nước vào mặt: “Mi muốn gieo tai gieo hoạ vào nhà tao à? Gia đình tao đang sống bình yên, mi muốn cho gia đình tao lụi bại à!”. Bá và tôi chạy đến bác Chắt Kế cầu cứu và trình bày rõ đầu đuôi sự việc. Bác Chắt Kế giảng giải cho mụ Hoe Lai và tuyên dương “ý thức cảnh giác của hai cháu Trực và Bá như thế là rất tốt”. Chú Hoe Lai không nói gì, nấu cháo cho bà ăn mày. Khi tỉnh dậy, chú hỏi quê quán bà ở đâu? Thì ra quê bà ở làng Thổ Hậu, ngay bên kia sông Bùng, sống cô độc không chồng không con...

Như vậy đó! Bánh xe luân hồi đã quay vòng đến lượt bác Chắt Kế. Nó đến một cách bình thường vừa như vô lý vừa như một lẽ đương nhiên. Bác hoàn toàn phải nhận lấy cái điều vừa như vô lý vừa như đương nhiên, không thể nào chống đỡ được. Bác dạy cho mọi người phải tuyệt đối đề cao cảnh giác, thì bây giờ đến lượt bác bị người ta cảnh giác, không có gì lạ.

Cái cớ người ta vin vào để bác bị người ta cảnh giác thật là đơn giản.

Những ngày mệt mỏi, nghỉ việc, bác mở lò rèn làm nghiệp dư để khuây khoả tâm trí. Bác rèn đủ thứ: dao, mác, liềm, lưỡi hái và sửa chữa súng bắn chim. Bác không rèn để đem ra chợ bán, bà con trong làng trong xã đến nhờ thì bác làm với một giá rất rẻ. Có mấy người thích đi bắn chim thường quây quần ở nhà bác, nhỡ không may súng hỏng là bác chữa ngay, bác còn sản xuất cả đạn ria. Khi bắn được con cò con vạc, họ thường sum họp ăn uống và trò chuyện vui vẻ. Bác bị tình nghi bằng nhiều câu hỏi ba lăng nhăng tại một cuộc họp nông hội:

– Rèn dao, mác để làm gì?

– Sản xuất súng đạn để làm gì?

– Cung cấp cho ai?

– Tiền thu được bỏ vào quỹ Quốc dân đảng!

– Tại sao từ xưa đến nay không mở lò rèn, nay lại mở? Ông ta học nghề rèn để làm gì?

– Đích thị là lò sản xuất vũ khí cho bọn phản động.

Buồn cười nhất là những người đã từng nhờ bác rèn dao mác, rèn lưỡi hái lưỡi liềm, lại đứng lên đặt những câu hỏi nghi ngờ và “vạch mặt” bác.

Còn câu hỏi “ông ta học nghề rèn để làm gì?” thì quá nửa dân số trong làng này đều có thể trả lời được, nhưng ai cũng lờ đi, để đạt được cái mục đích là buộc tội “ông Chắt Kế sản xuất vũ khí cho bọn phản động!” (!) Chẳng phải ai thù ghét gì bác, nhưng trong không khí cảnh giác căng thẳng này, ai nói ngược lại lập tức bị quy là “liên quan”. Gần mười lăm năm, bác hoạt động trong bóng tối, phải trá hình làm đủ các nghề để che mắt bọn mật thám. Cộng vào đó, do bẩm sinh thông minh và khéo tay, nghề gì bác làm cũng giỏi. Xách hộp đồ nghề đi làm thợ mộc ở Nam Đàn. Mang bị đồ nghề ra làm thợ xây ở Thanh Hoá. Lên Thà Khẹc làm phu lục lộ. Mở hiệu ảnh Văn Lan ở Vinh để làm nơi liên lạc của Đảng. Cùng với một số đồng chí lập hiệu thêu ở Cầu Giát đề biển: “ Tiên Long Hưng – nhà thợ thêu Chắt Kế”. Tham gia hội tuồng, viết kịch bản, vẽ phông màn, hoá trang... Và, có lần đã mở lò rèn ở chợ Mới. Thế mà bây giờ người ta tỉnh bơ như không, lại đặt ra câu hỏi “ông ta học nghề rèn để làm gì?”.

Chẳng cần đọc lệnh của một cơ quan pháp luật nào, mấy dân quân làng vào tóm cổ bác, điệu bác đến “nhà giam” – gọi là nhà giam, chứ thật ra đó là ngôi nhà rách nát của một cán bộ xóm. Họ không dùng cực hình tra tấn bác như những “tội phạm” khác, nhưng bác cũng bị hành hạ đến cơ khổ. Đêm ngủ không được nằm giường, mà trải manh chiếu nằm co quắp trên nền đất, không có màn. Thỉnh thoảng bác bị anh dân quân đánh cho một tát rơi vỡ kính cận. Khi mỏi lưng, bác ngồi dựa vào cột, liền bị dân quân quát: “Ngồi thẳng lên! ”. Lúc đau bụng, bác xin viên thuốc cũng bị dân quân mắng: “Đau thì phải chịu. Thoát chết là may”. Một lần người nhà mang cơm đến, đặt lên chiếc chõng tre, bác định cầm đũa ăn, bị cô dân quân cản lại: “Không được để lên chõng! Đặt cơm xuống đất mà ăn!”. Bác ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh quỷ quái của cô ta, bưng bát cơm toan và vào miệng, cô ta lại trừng mắt: “Chưa được!”. Cô ta thản nhiên bước qua bát cơm và bát thức ăn, rồi quay lại: “Cho phép ăn!”. Hồi trước bị thực dân Pháp tra tấn gãy xương sườn, bác vẫn bướng bỉnh không khai, sao bây giờ bác lại nhũn nhặn thế? Có lẽ bác nghĩ: trước kia là địch, nay là ta, địch thì sai mà ta thì đúng?

Sau khi ra khỏi nhà giam, bác nằm tịt ở nhà, không muốn đi đâu, chỉ thỉnh thoảng ra vườn tưới cây rồi vào đọc sách. Một hôm tôi đi qua, bác gọi vào: “Trực ơi, vào đây bác bảo”. Đối với tôi, bao giờ bác cũng tỏ ra có cái gì thương mến riêng, có lẽ vì tôi ham học và cư xử biết điều với bác trong nhiều trường hợp. Về phía tôi, bao giờ tôi cũng tỏ ra kính trọng bác, mặc dầu có lần bác giơ súng lục doạ tôi và cho đội Nhi đồng cứu vong bắt cùm tôi suốt một đêm bị muỗi đốt sưng người. Tuổi càng lớn tôi càng nhận thức những điều bác làm quá tả và phương hại đến cả làng cả xóm, tôi vẫn không nói khích bác như nhiều người khác “lão cách mạng phá đình”, “lão cách mạng ăn thịt chó sáng mồng một tết”, “lão cách mạng biến nhà thờ họ thành phòng ngủ của vợ chồng bà o”... mà tôi vẫn thích trò chuyện với bác, chắt lọc được ở bác nhiều kiến thức bổ ích: kiến thức và chuyện làng chuyện xóm xa xưa, về những người đặt vè đả kích hào lý, về những ngày bác nằm ở nhà lao Ban Mê Thuột...

Tôi theo bác vào nhà. Bác trao cho tôi bát nước chè xanh:

– Cháu cắt tóc hộ cho bác.

Bây giờ tôi mới để ý đến cái đầu của bác: tóc tốt lút gáy lút tai.

– Cháu không biết cắt đâu! Cháu cắt xấu lắm.

– Xấu cũng được. Cháu cứ cắt ngắn của bác, để dài ngứa lắm.

Cách đây dăm bảy năm, tóc bác đẹp lắm, chải ngược, điểm hoa râm. Gương mặt sáng sủa: trán vuông và rộng, miệng nói rất có duyên. Nhiều thanh niên và trung niên cũng học theo cách để tóc của bác. Thế mà bây giờ... tàn lụi nhanh thế! Tóc tốt bù xù, mặt gầy hốc hác.

Tôi vừa cắt vừa nói chuyện với bác. Nghĩ mủi lòng về một cuộc đời. Trong vòng vây nanh vuốt của giặc, bàn chân bác đã từng in dấu khắp ba miền Trung, Nam, Bắc, đã từng in dấu lên đất đai Trung Quốc, Lào, Miên, Xiêm La. Bác cũng từng dùng lý lẽ đối chất với những tên mật thám sừng sỏ của Pháp, đã từng đứng ra lập Hưng nghiệp hội xã trước mũi giặc để gây quỹ cho Đảng. Trong những ngày các lực lượng cách mạng chưa được tổ chức thống nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương, bác là người chủ trương ra tờ báo Vầng Hồng để tập hợp lực lượng, mà sau này người ta quen gọi là Đảng Vầng hồng. Từ Xiêm La trở về nước, nhóm Vầng hồng vẫn hoạt động riêng biệt. Ở thời điểm đó, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổi dậy, bác Chắt Kế và các lãnh tụ nhóm Vầng hồng chủ trương chưa bạo động. Vì thế làng tôi và nhiều làng khác trong huyện, dân chúng không kéo cờ biểu tình. Tỉnh uỷ ra nghị quyết xử tử Võ Nguyên Hiến tức Chắt Kế, và cử đồng chí Nguyễn Trọng Bính thi hành bản án này. Nguyễn Trọng Bính truy lùng khắp nơi. Bác Chắt Kế không dám vào ở bất kỳ làng nào và nhà đồng chí nào, một mình chạy trốn trong rừng và ngoài đồng lúa. Sau này cùng vào tù, Nguyễn Trọng Bính và bác Chắt Kế gặp nhau, Bính cười: “Hồi đó tao mà bắt được mi thì mi chết rồi! Còn đâu nữa mà gặp nhau ở đây”. Bác Chắt Kế ôm Bính, giàn giụa nước mắt: “Vì Đảng còn hiểu tao, cho nên trời đất xui mi không tìm được tao để giết tao”.

Khi phong trào Nghệ Tĩnh lắng xuống, Trung ương Đảng xác minh và ra thông báo cho các cơ sở Đảng biết: nhóm Vầng hồng là nhóm cộng sản chân chính. Bác Chắt Kế được cử đi dự đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma-cao năm 1935. Trong đại hội đó hai đồng chí Phùng Chí Kiên và Võ Nguyên Hiến (tức bác Chắt Kế), đại biểu Trung Kỳ, được cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng gồm tất cả chín người...

Một cuộc đời đi qua... một sự tích oanh liệt đi qua... chóng thật! Tôi cảm thấy bứt rứt, muốn hỏi bác nhiều điều, đã sắp sẵn câu cú định thốt ra, lại thôi. Bác vẫn thủ thỉ trao chuyện với tôi. Lợi dụng khi ngừng kéo để giũ cái tấm vải choàng vướng đầy tóc, tôi liều lĩnh hỏi:

– Sao bây giờ người ta đấu tranh ghê thế, hở bác?

Bác trả lời với giọng bình thường:

– Bây giờ mới thật là chuyên chính vô sản đó cháu ạ.

Được đà tôi hỏi luôn câu khác:

– Sao người ta lại chuyên chính với cả bác?

– ...

– Cháu khó hiểu.

– Hồi Xô Viết Nghệ Tĩnh, bác bị Đảng hiểu nhầm, cho bác là phản Đảng, phân công người tìm bác để xử tử, mãi về sau Đảng mới hiểu bác là không phải phần tử phản bội.

Qua câu của Bác, tôi hiểu ngầm rằng hiện nay Đảng lại hiểu nhầm bác lần thứ hai, nhưng bác không dám nói thẳng ra điều đó. Tại sao nhỉ? Tại sao bác lại không dám nói thẳng ra nhỉ? Trong lòng bác vẫn có cái gì phân vân, vẫn có cái gì níu bác lại. Sợ hãi ư? Chắc không phải. Có lẽ bác muốn bảo vệ uy tín của Đảng ý bảo vệ một cách mù quáng.

Dấn lên một chút, tôi nói chuyện với bác một cách mạnh bạo hơn:

– Cháu nghe nói giáo sư Đặng Thai Mai đang dạy trường Đại học ở Thanh Hoá, sinh viên đến hỏi: “Nhân dân đấu tranh quyết liệt như thế thì thái độ sinh viên thế nào?”, giáo sư trả lời: “Dùng nhục hình để tra tấn là cái nhục của người cộng sản không bao giờ rửa được...”

Bác Chắt Kế ngồi lặng người. Tôi đã cắt tóc cho bác xong, đã cạo xong, đã giũ sạch tấm vải choàng, bác vẫn ngồi phờ ra như một pho tượng cổ.

Võ Văn Trực

Chuyện làng ngày ấy

là tập hồi tưởng của Võ Văn Trực (Nhà xuất bản Lao Động, tháng 6.1993). Bài Cái nhục không bao giờ rửa được” chúng tôi đăng bên đây là một chương trích từ tác phẩm này. Chuyện làng ngày ấy hiện đang bị “đánh” cùng mươi tác phẩm khác (xem số trước).

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss