Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 24 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 02/04/2011 00:55, cập nhật lần cuối 27/04/2011 23:02

Tin tức


Tổng bí thư Đỗ Mười thăm Thái Lan

Đây là lần đầu tiên một tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tới thăm chính thức Thái Lan, đánh dấu “những thay đổi cơ bản” ở Đông Nam Á, và xác định khuynh hướng chủ đạo “vì hoà bình và ổn định” trong vùng. Sự đón tiếp của phía Thái là “đặc biệt nồng nhiệt”, và các cuộc hội đàm giữa hai bên diễn ra trong bầu không khí “thẳng thắn, cởi mở và hữu nghị”. Những nhận định đó của bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm trong buổi họp báo ở Chieng Mai ngày 18.10, trước khi ông Đỗ Mười trở về Việt Nam sau một chuyến đi 4 ngày, cho thấy phía Việt Nam hoàn toàn thoả mãn về những kết quả của chuyến đi.

Tới Băng Cốc ngày 15.10, ông Đỗ Mười đến thẳng lâu đài chính phủ để hội đàm với thủ tướng Thái Chuan Leekpai. Ngoài các vấn đề song phương (như tranh chấp giữa hai nước về vùng đánh cá biển, vấn đề khai thác sông Mêkong, vấn đề Việt kiều tại Thái), hai bên đã đề cập tới quan hệ giữa Việt Nam và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) mà Thái Lan là một thành viên. Về việc Việt Nam gia nhập ASEAN, bản thông cáo chung nói rằng việc này sẽ diễn ra vào “ một thời điểm thuận lợi”. Ngày hôm sau, tổng bí thư Đỗ Mười đã được vua Thái Bhumibol Adulyadej tiếp. Ông cũng đã gặp gỡ một đoàn các doanh nhân Thái, đi thăm thị trường chứng khoán Băng Cốc, một cơ sở sản xuất dầu khí của công ty Mỹ Union Oil Co. ngoài khơi Vịnh Thái Lan, và thành phố du lịch Chieng Mai, cách Băng Cốc 700 km về phía bắc, nơi Thái Lan vừa đồng ý cho Việt Nam mở một toà tổng lãnh sự. Cho tới nay, Thái Lan đã đầu tư 134 triệu đôla vào 41 dự án kinh tế ở Việt Nam. Trao đổi thương mại giữa hai nước năm 1992 khoảng 158 triệu đôla. Việt Nam hiện là quan sát viên của tổ chức ASEAN.

(AFP 12, 15-18.10.93)

Phó thủ tướng Phan Văn Khải đi Mỹ

Đầu tháng 10, một số báo chí và tổ chức cựu chiến binh Mỹ vẫn nói nhiều về lời tố cáo của một Việt kiều, rằng bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ Ron Brown đã ăn hối lộ 700.000 đôla của Việt Nam để thúc đẩy tổng thống Bill Clinton bỏ cấm vận. Trong khi đó, một phái đoàn thương mại quan trọng của Mỹ do ông David Rockefeller dẫn đầu đã tới Hà Nội ngày 6.10, và cả nước Mỹ kinh doanh đã trải thảm đỏ đón phó thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải, người lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đặt chân tới Hoa Kỳ từ năm 1975! Ông Khải dẫn đầu đoàn Việt Nam đi dự đại hội đồng Liên hiệp quốc từ ngày 7.10, được mời ngay ngày hôm sau là khách danh dự của một bữa tiệc lớn (300 người dự, đóng tiền mỗi phần 350 đôla) quy tụ nhiều nhà lãnh đạo các công ty lớn như Coca-Cola, Ford, General Electric, Texaco, Unisys, Philip Morris, v.v... Từ bỏ cấm vận là đề tài chủ yếu của các bài phát biểu của ông Rockefeller tại Hà Nội cũng như của ông Phan Văn Khải tại Nữu Ước. Theo người phát ngôn bộ ngân khố Hoa Kỳ, hơn 200 công ty Mỹ đã được phép mở phòng đại diện tại Việt Nam, chờ “ngày N”. Ngoài các công ty dầu mỏ, Coca-Cola, những công ty điện thoại - viễn thông như ATT, Motorola cũng rất tích cực chuẩn bị đầu tư vào một khu vực được coi là có rất nhiều triển vọng ở Việt Nam.

Trong thời gian ở Mỹ, ông Khải cũng đã gặp tổng thư ký Liên hiệp quốc Boutros Boutros Ghali và nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Hoa Thịnh Đốn, trong đó có ngoại trưởng Christopher Warren.

(AFP 7 và 18.10.93)

IMF, WB, ADB...

Như dự tính, món nợ cũ 140 triệu đôla của Việt Nam với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã được giải quyết với sự giúp đỡ của một số ngân hàng và chính phủ các nước Tây Âu (xem Diễn Đàn số 22 và 23), mở đường cho Việt Nam tiếp xúc và vay tiền ở các định chế tài chính quốc tế.

Ngày 6.10, IMF đã quyết định cho Việt Nam vay 223 triệu đôla, trong đó 85 triệu được dùng để trả món nợ bắc cầu mượn của các ngân hàng hồi cuối tháng 9. Đại diện IMF ở Hà Nội, ông Erich Spitaller nhấn mạnh rằng “ món tiền tuy không lớn, nhưng có ý nghĩa nói với thế giới rằng IMF hỗ trợ những cải cách kinh tế của Việ t Nam”. Ông Michel Camdessus, tổng giám đốc IMF cũng cho biết, ngày 11.10 tại Hà Nội, là định chế này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các cuộc thương lượng hoãn nợ với “câu lạc bộ Paris” (một nhóm nước Tây Âu chủ nợ của Việt Nam) và với Nga, là nước tiếp quản các món nợ của Việt Nam với Liên Xô cũ. Trong số 223 triệu đôla của IMF, 17 triệu là một tín dụng đặc biệt dành cho việc “chuyển đổi cơ chế từ kinh tế xã hội chủ nghĩa tập trung sang kinh tế thị trường”, 206 triệu còn lại là một tín dụng hỗ trợ cho kế hoạch kinh tế 12 tháng tới của Việt Nam.

Ngân hàng thế giới (WB) cũng đã ký hai thoả ước cho Việt Nam vay, một dành riêng cho giáo dục tiểu học (70 triệu đôla) và một cho việc sửa chữa và nâng cấp quốc lộ số 1 (156 triệu đôla). Một phái đoàn của WB sẽ đến Hà Nội vào tháng 11 để bàn với chính phủ Việt Nam về một khoản tín dụng khác, 114 triệu đôla, dành cho nông nghiệp. Theo tin của Diễn Đàn từ Hà Nội, ngân khoản dành cho quốc lộ số 1 không bao gồm phí tổn đền bồi cho dân hai bên đường phải được dời đi nơi khác, do đó chưa thể triển khai được ngay vì phía Việt Nam chưa có tiền để thực hiện việc giãn dân này.

Về phía Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ông Kimimasa Tarumizu, chủ tịch ngân hàng, đã ký tại Hà Nội ngày 22.10 một ngân khoản 568.000 đôla dành cho Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam để hỗ trợ các quỹ tín dụng nông thôn. Đây là một phần trong ngân khoản 10 triệu đôla viện trợ kỹ thuật của ADB dành cho Việt Nam năm 1993. Ngoài ra, ông Tarumizu cho biết, ADB sẽ cho Việt Nam vay không lãi 261,5 triệu đôla trong năm 1993, để sử dụng vào 3 dự án phát triển. Một dự án sửa chữa đê điều bảo vệ Hà Nội trước lũ lụt sông Hồng, giá trị 76,5 triệu đôla, một dự án hiện đại hoá hệ thống nước thành phố HCM và một dự án nâng cấp quốc lộ số một (một đoạn đường khác với đoạn do WB giúp làm).


Việt Nam - Trung Quốc: thoả thuận nguyên tắc

Ngày 19.10.1993 tại Hà Nội, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết một thoả thuận về những “nguyên tắc cơ bản”, “không sử dụng bạo lực” để giải quyết những tranh chấp biên giới giữa hai nước, trên đất liền cũng như ngoài biển. Lễ ký kết, giữa hai thứ trưởng ngoại giao Vũ Khoan và Đường Gia Huyên (Tang Jia Xoan), đã diễn ra công khai trước các nhà báo. Thoả thuận nguyên tắc này sẽ là cơ sở cho những cuộc thương lượng sắp tới giữa hai bên, mà đợt đầu đã được dự trù tại Hà Nội vào đầu năm 1994. Tuy nhiên, ông Vũ Khoan chưa chịu công bố toàn văn bản thoả thuận, nói rằng nó sẽ được đăng toàn văn trên báo chí hai nước một ngày gần đây.

(AFP và Reuter 19.10)

Đường đây điện xuyên Việt: Những sự cố được báo trước

Từ đầu tháng 9, công trình xây dựng đường dây điện 500 kv bắc-nam đã đi vào giai đoạn dựng cột và kéo dây. Tuy nhiên, tiến độ thi công đang bị chậm lại vì thiếu cột. Theo báo Lao Động, các cột mua ở nước ngoài đã về đủ, phần thiếu là những cột thi công trong nước, “tưởng là nhanh và rẻ, hoá ra chậm và đắt”. Bài báo cũng cho biết, vì bị cắt xén đơn giá một số nhà máy cung ứng cột đã cố tình dây dưa, chậm trễ. Báo đặt câu hỏi: “cái tội tày trời ấy thuộc về ông trời con nào đây?”

Ngoài ra, mặc dù kinh phí của công trình đã được chính phủ nâng từ 3.000 tỉ đồng lên hơn 6.000 tỉ, các công ty xây lắp tiếp tục bị thiếu vốn vì chưa được duyệt dự toán. Chẳng hạn, công ty xây lắp điện trên đường Đà Nẵng - Pleiku vẫn đợi nhà nước thanh toán 245 triệu đồng tiền đúc móng và dựng cột. Còn về tiền lương, báo Lao Động mỉa mai: “ Hơn một năm thi công công trình thế kỷ, lương công nhân vẫn chỉ là... tạm ứng!”

Song, điều dư luận quan ngại nhất hiện nay là những vấn đề bảo quản đường dây khi xây xong. Hai bài điều tra đăng trên báo Sài Gòn giải phóng (20.9) và Lao Động (12.9) nêu lên một số câu hỏi chưa thấy có giải đáp.

Ở đoạn đường Tây Nguyên, để xây lắp các móng ở độ cao chót vót trên cả ngàn mét, những đường công vụ lên móng đã được mở, rồi bị mưa lũ phá huỷ, phải làm lại đến ba, bốn lần. Mai sau, khi đường dây vận hành, mỗi khi có sự cố cần sửa chữa, thời gian đi tới các cột móng sẽ là bao lâu, và thiệt hại bao nhiêu khi phải cắt điện để sửa chữa?

Một vấn đề khác mà việc bảo dưỡng đường dây sẽ phải xử lý: nạn mất cắp linh kiện, “ đã gây ra đổ cột như ở đâu đó” mà báo Lao Động không được phép nói rõ. Đó là việc xẩy ra trong lúc thi công, còn sau này, khi vận hành liệu chủ trương “chính quyền cùng nhân dân mỗi địa phương” bảo vệ từng móng, cột, liệu có tính khả thi hay không? Bài báo Sài Gòn giải phóng nhắc lại: “những thanh giằng của cầu Chương Dương giữa Hà Nội còn bị mất cắp, huống chi những cột điện đứng đơn côi giữa rừng già!”

Để ngăn chặn các ê-cu, bù-loong bị lấy cắp, ban trách nhiệm công trình đã có một “sáng kiến”: đổ bê tông phủ chân móng. Chưa nói đến những chi phí lên đến hàng chục tỉ đồng, câu hỏi đặt ra là, khi đường dây được vận hành, tạo nên những độ rung, làm sao kiểm tra và điều chỉnh các bù-loong? Bài báo Lao Động hỏi tiếp “ Chẳng lẽ rồi phải đập bê tông để xiết bù-loong?”.

* Nói chung, những sự cố nói trên đã được báo trước, ít lắm cũng từ khi một số chuyên gia tư vấn chính phủ đã phản biện đề án xây dựng đường dây, buộc thủ tướng Võ Văn Kiệt phải kêu gọi tổng bí thư Đỗ Mười ủng hộ để áp đặt đề án này. Sau một thời gian báo chí không được phép phản ánh những trục trặc trong công trình xây dựng, sự xuất hiện của các bài báo Lao Động và Sài Gòn giải phóng trên đây có thể mang một ý nghĩa vượt quá bản thân vấn đề đường dây siêu cao thế. Có thể nói rằng đường dây xuyên Việt đã biến thành biểu tượng của cuộc tranh chấp nội bộ trong ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, trong viễn tượng hội nghị nửa nhiệm kỳ của đảng được triệu tập vào tháng giêng năm tới. Qua hội nghị cán bộ này, những thế lực chống đối ông Võ Văn Kiệt – trong đó có những lực lượng bảo thủ nhất – hy vọng sẽ đẩy đương kim thủ tướng về hưu.


Doanh nghiệp nhà nước: giải thể...

Sau đợt giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu, khu vực doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 12.000 xí nghiệp xuống còn 7 ngàn (Diễn Đàn, số 23). Phân tích thực trạng hoạt động của số doanh nghiệp quốc doanh còn lại, Tổng cục thống kê vừa đề xuất giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu thêm 50% nữa (trên 3.200 doanh nghiệp), hầu hết là những xí nghiệp nhỏ. Theo kết quả phân tích, có đến 23% doanh nghiệp nhà nước kinh doanh không có lãi hoặc thua lỗ, tổng số tiền lỗ lên tới 451 tỉ đồng trong năm 1992. Chính phủ hiện đang chuẩn bị hai dự thảo luật doanh nghiệp nhà nước và luật phá sản doanh nghiệp.

(Tuổi Trẻ 28.9 và Thời báo kinh tế Sài Gòn 23.9.93)

... và tư hữu hoá

Trong tháng 9 vừa qua, Công ty đại lý liên hiệp vận chuyển thuộc Cục hàng hải, đơn vị đầu tiên trong 11 doanh nghiệp nhà nước được chọn làm thí điểm cổ phần hoá, đã họp đại hội cổ đông thành lập Công ty cổ phần Gemadept.

Giá trị doanh nghiệp, do bộ tài chính xác định, là 6,2 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, công ty đã phát hành 31.038 cổ phiếu, mỗi cái mệnh giá 200.000 đồng. Cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp đã mua 33% cổ phiếu. Cán bộ, công nhân viên ngành hàng hải và một số cá nhân khác đã mua 49% cổ phiếu. Nhà nước sở hữu 18% còn lại.

Được hỏi vì sao việc bán cổ phiếu không được thông báo công khai và rộng rãi cho mọi đối tượng, giám đốc Vũ Ngọc Sơn cho biết số lượng đăng ký mua cổ phiếu trong công ty và trong ngành đã chiếm hơn 85% ngay khi có thông báo. Tỷ suất lợi nhuận của công ty năm 1991 là 19,5%, năm 1992 là 28%.

Theo bộ tài chính, trong 11 thí điểm cổ phần hoá, 6 doanh nghiệp đã xin rút tên, một doanh nghiệp (nhà máy nhựa Bình Minh) đã tạm ngưng phương án, và ba doanh nghiệp đang tiến hành là các xí nghiệp Legamex, Giày Hiệp An và Cơ điện lạnh thành phố HCM. Riêng trường hợp Legamex vẫn tiếp tục gây tranh cãi (Diễn Đàn, tháng 10.92), báo Lao Động vừa qua lại lên tiếng cho rằng phương án cổ phần hoá ở đây nhằm “đánh lận con đen”, biến vốn liếng nhà nước thành sở hữu của một vài cá nhân.

Để tránh tình trạng đó, bảo đảm một sự trong suốt nào đó trong khi thay đổi sở hữu, cách thức duy nhất là xây dựng một đạo luật tư hữu hoá, trong đó cổ phần hoá là một phương thức, trước khi có những quyết định chuyển nhượng sở hữu.

(Lao Động 3.9 và 3.10.93)

Vì sao tư nhân làm ăn thua lỗ?

Đến nay, thành phố HCM có 1465 doanh nghiệp hoạt động theo Luật công ty và doanh nghiệp tư nhân, với 2.700 tỉ đồng vốn và 58.000 người lao động. Trong hai năm thi hành luật chỉ có 10 nhà kinh doanh có vốn lớn lập doanh nghiệp. Một cuộc điều tra vừa qua ở hơn 500 doanh nghiệp tư nhân ở thành phố cho thấy có đến 20% hiện không còn khả năng hoạt động, 43% bị lỗ, tổng cộng đến 7,6 tỉ đồng trong năm 1992 và 6 tháng đầu năm 93.

Nguyên nhân trực tiếp là tình hình giảm giá trên thị trường làm cho nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đứt vốn kinh doanh. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân không được sự tài trợ của các tổ chức tín dụng. Do đó, một số đông xí nghiệp đã phải huy động vốn sai luật pháp hoặc dựa vào nguồn hàng bán trả chậm của nước ngoài với lãi suất cao (7%/năm). Một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tại 300 doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội và thành phố HCM còn cho biết 60% xí nghiệp ở Hà Nội và 30,5% xí nghiệp ở thành phố HCM đang gặp khó khăn về thị trường. Chỉ có 8% doanh nghiệp ở Hà Nội và 18% ở thành phố HCM được vay vốn ngân hàng.

Chính phủ Võ Văn Kiệt đang cho soạn thảo một dự luật nhằm khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nhân, môi trường kinh doanh hiện nay không thuận lợi chủ yếu vì nó “không lành mạnh” do thiếu vắng một hệ thống luật và cơ quan thi hành luật, chỉ làm lợi cho những người kinh doanh “chụp giựt”, biến những người làm ăn ngay thẳng thành nạn nhân. Một giám đốc công ty ở thành phố HCM nhấn mạnh rằng “Chúng tôi cần luật thương mại hoàn chỉnh và toà án thương mại hoạt động có hiệu quả để bảo đảm tính lành mạnh, an toàn trong hoạt động doanh nghiệp”.

(Tuổi Trẻ 7.9, 16.9 và 2.10.93)

Nông sản: giá thống kê và giá thực thụ

Những số liệu thống kê về thị trường lúa gạo cho biết, giá lúa trong tám tháng đầu năm 1993 có xu hướng ở định ở mức trên dưới 1000 đồng/kg. Đó là giá mà trên lý thuyết nông dân đồng bằng sông Cửu Long có thể sống được – giá thành bình quân một ký lúa ở vùng này khoảng 800 đồng.

Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít khi nông dân đồng bằng được hưởng cái “giá thống kê” của các văn bản báo cáo. Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn (23.9.1993), giá thật, tận gốc, mà đại đa số người trồng lúa được hưởng chỉ ở mức từ 800 đến 900 đồng/kg. Phần chênh lệch – tương đương với phần lãi! – vào tay các khâu trung gian, thương lái. Tương tự như vậy là hoàn cảnh của các nông dân sản xuất mía. Trong khi những nhà máy đường mua mía với giá có lúc lên đến 140.000 đồng/tấn, những người trồng cây chỉ thực sự thu được từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/tấn. Theo bài báo đã dẫn, đó cũng là trường hợp của nhiều nông sản khác như điều, nhãn, thanh long, v.v... Tình hình này cho thấy những biện pháp của nhà nước nhằm nâng đỡ nông nghiệp không (hay chưa) tới được với người nông dân.


Chín tháng đầu năm

Lạm phát ở mức thấp nhất từ 7 năm nay (chỉ 4,3% trong 9 tháng), sản xuất công nghiệp tăng mạnh, nhưng xuất khẩu (1,98 tỉ đôla) tăng không bằng nhập khẩu (2,2 tỉ đôla), đó là vài nét chính về tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng qua, theo những con số thống kê vừa được công bố.

So với cùng thời kỳ năm 1992, sản lượng công nghiệp tăng 12,3%, chủ yếu là nhờ khu vực tư nhân, trong đó ngành xây dựng đóng phần quan trọng. Ở khu vực nhà nước, công nghiệp nặng vẫn gặp khó khăn vì phương tiện sản xuất, máy móc cũ kỹ chưa được thay thế, và ngành tơ sợi giảm vì bị hàng hoá Trung Quốc cạnh tranh mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam đã xuất khẩu 190 triệu đôla hàng may mặc trong 9 tháng qua, phần chính là sang các nước châu Âu. Theo báo Lao Động 16.9, các cơ sở may đo, do thiếu máy móc thiết bị, hoặc không nhận được đơn đặt hàng kịp thời, sẽ không thực hiện được từ đây tới cuối năm quota hàng may mặc mà Cộng đồng châu Âu dành cho Việt Nam. Những mặt hàng xuất khẩu đáng kể khác gồm dầu mỏ (tăng 9,4%, đạt 4,4 triệu tấn), gạo (tăng 2,1%, đạt 1,3 triệu tấn), hải sản (tăng 23,5%, với 265 triệu đôla). Hàng nhập tăng nhanh như môtô (513,5%), ôtô (163,2%), thuốc trừ sâu và các nguyên liệu, vật tư khác (171,1%), hàng điện tử (95,4%)...

Cũng theo những số liệu thống kê mới được công bố, vụ mùa năm nay đạt hơn 5,14 triệu tấn thóc, tăng 234.000 tấn so với năm ngoái. Ước tính sản lượng lương thực năm 1993 có thể lên tới 24,5 triệu tấn, trong đó 21,9 triệu tấn thóc, tăng khoảng 300.000 tấn so với 1992.

(AFP 13, 17 và 20.10.93)

Chuyện dài hải quan và công an buôn lậu

Chỉ riêng tháng 9 vừa qua, các cơ quan an ninh đã bắt giữ 31 vụ buôn lậu ma tuý (126 kg thuốc phiện, 30 kg cần sa), trong đó có trường hợp hai quân nhân biên phòng tỉnh Lai Châu vận chuyển 7 ,5 kg thuốc phiện. Riêng công an Hà Nội đã bắt quả tang một cán bộ viện kiểm sát Sơn La, ông Dương Văn Thân, đi buôn 36 kg thuốc phiện. Còn viện kiểm sát Hà Nội thì đã cho bắt trưởng phòng cảnh sát kinh tế thủ đô, thiếu tá Lê Văn Lựu, vì những hành vi có liên quan tới vụ buôn lậu lớn về ôtô tại cửa khẩu Cao Bằng. Cũng trong tháng 9, viện kiểm sát Lạng Sơn đã khởi tố một vụ buôn bán 163 khẩu súng các loại.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, sau vụ án xét xử giám đốc hải quan Phan Anh Tuấn (Diễn Đàn số 22 và 23), viện trưởng viện kiểm sát thành phố, ông Lê Xuân Dục cho biết còn có “một số nhân vật quan trọng khác” liên quan đến vụ án đang bị điều tra, song ông không nói rõ tên tuổi ai. Ngoài tổng giám đốc hải quan Trương Quang Được đã bao che Phan Anh Tuấn tới phút cuối, dư luận còn chú ý đến vai trò của viện trưởng viện kiểm sát tối cao Trần Quyết nhằm đình chỉ cuộc điều tra. Và bên cạnh giám đốc sở nhà đất Lê Thanh Hải đã bị truy tố về tội nhận hối lộ, người ta thắc mắc về lý do đưa đẩy Công ty lương thực thành phố, do bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) làm giám đốc, chuyển một cửa hàng cho ông Phan Anh Tuấn làm tư gia. Nhiều nghi vấn được đặt ra khi người ta được biết giám đốc hải quan thành phố đã “dễ dãi” cho công ty của bà Ba Thi nhập hàng, trong đó có nhiều lô vàng và một lô 100 chiếc xe hơi Peugeot 405.

(Lao Động 30.9 và 3.10, Tuổi Trẻ chủ nhật 23.9, Phụ nữ TPHCM 29.9 và 2.10.93)

Tin ngắn

* Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã được dịch ra tiếng Anh và nhà xuất bản Heineman Nandarin (Anh) ấn hành. Bản dịch do một dịch giả người Việt thực hiện và một nhà báo Úc nhuận sắc.

* Tiểu thuyết Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài đã đoạt giải thưởng văn học Liberaturpreis (Đức) dành cho nữ tác giả Á, Phi hay Mỹ La tinh. Giải được trao trong dịp hội chợ sách quốc tế Frankfurt tháng 10 năm nay. Trong 35 tác phẩm được ban giám khảo tuyển chọn, có nhiều sách bestseller của các tác giả nổi tiếng như Isabel Allende (Chilê), Nadine Gordimer (Nam Phi, Nobel văn chương 1991), Lệ Lý Hayslip (người Mỹ gốc Việt), Amy Tan (người Mỹ gốc Hoa)...

* Sau khi chính quyền quyết định tịch thu quyển tiểu thuyết “Nổi Loạn” và truy tố tác giả Đào Hiếu (theo tin của Diễn Đàn, ông đã bị bắt rồi lại đã được trả tự do), đã xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều cuốn “Nổi Loạn” giả! Đó là những sách có bìa mang tựa “ Nổi Loạn” nhưng ruột lại là một tác phẩm khác, như “Giọng buồn chơi vơi” của Thanh Uyên chẳng hạn.

* Sau một năm mở cơ sở dạy học tại Hà Nội, Trung tâm đào tạo quản lý Pháp - Việt đã khai trương chi nhánh ở thành phố HCM tại trường đại học kinh tế. Cho năm học mới, trung tâm đã tuyển 69 học viên, trong đó 35 người sẽ học ở thành phố HCM đến cấp cao học về quản lý kinh tế.

* Với ngân sách tài trợ 4,3 triệu đôla, chính phủ Thuỵ Sĩ sẽ đào tạo cho Việt Nam trong vòng 3 năm 120 cán bộ quản trị kinh doanh có bằng tốt nghiệp Thuỵ Sĩ Diploma. Chương trình đào tạo được tiến hành tại các trường đại học Bách khoa và Kinh tế Hà Nội và Thành phố HCM với sự cộng tác của Viện Công nghệ châu Á (AIT) ở Băng Cốc.

* Giữa tháng 9 vừa qua, Thông tấn xã Việt Nam đã bắt đầu xuất bản tại Hà Nội tuần báo tiếng Anh Vietnam Courrier và tiếng Pháp Courrier du Vietnam. Đồng thời, tại Thành phố HCM, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã cho ra mắt một tờ thông tin kinh tế bằng tiếng Pháp mang tên Saigon Eco.

* Hậu quả của đợt hạn hán mùa hè vừa qua, các tỉnh miền Trung mất trắng 100.000 tấn lương thực, và một tình hình “thiếu đói gay gắt” đang diễn ra tại một số địa phương, đặc biệt ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Riêng tỉnh Quảng Trị còn thiếu cả nước sinh hoạt.

Ở nam Trung bộ, lũ lụt giữa tháng 10 tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định, Darlac, Bình Thuận đã làm cho 62 người chết, hàng ngàn người mất nhà cửa, 7.000 tấn gạo và 3.500 ha lúa bị mất trắng.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss