Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 24 / SIDA bùng nổ...

SIDA bùng nổ...

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:44, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:44
Việt Nam còn có một chút khả năng ngăn chặn SIDA ngay lúc này, trong giai đoạn quyết định, khi nó chưa bùng nổ trong giới mại dâm. Giai đoạn này ở Thái Lan chỉ là 18 tháng. Cấp bách lắm rồi. Mà còn biết bao quan niệm, thái độ cách làm, cần được đổi thay...

 
Việt Nam: SIDA bùng nổ

 
BS Bùi Mộng Hùng

 

Tháng 9.93, tại hội nghị quốc tế về SIDA ở Manila Tổ chức y tế thế giới OMS báo động: Cam bốt và Việt Nam là hai nước đang đứng trước nguy cơ dịch SIDA bùng nổ.

Ca đầu tiên nhiễm virút HIV ở Việt Nam được phát hiện vào tháng 12.90. Đến tháng 5.91, báo chí chính thức loan tin này. Gần cả năm sau, tháng 4.92, mới tìm thấy trường hợp người quốc tịch Việt thứ hai dương tính.

Tháng 9.92, dựa vào một vài dấu hiệu nho nhỏ, Diễn Đàn lên tiếng báo động "Có lẽ đã qua những năm SIDA ấp ủ ở Việt Nam. Nay tới khởi đầu của thời kỳ bệnh rộ lên rồi chăng? (xem Diễn Đàn số 11, 9.92).

Đầu 93, xuất hiện những dấu hiệu SIDA đang bước qua giai đoạn virút tiếp tục lan truyền, mỗi ngày số người nhiễm HIV chuyển thành bệnh và tử vong mỗi gia tăng.

Tháng ba, tính tới ngày 11.3.93 số người nhiễm HIV biết được mới còn là 46 người. Cuối tháng, con số này đã lên tới 111 người.

Đến đầu tháng bảy, phó thủ tướng Phan Văn Khải trong báo cáo trước quốc hội về tình hình 6 tháng đầu năm 93 đưa con số chính thúc 641 người nhiễm HIV trong đó có 20 người đã phát bệnh, 10 bệnh nhân đã chết (Sài Gòn Giải Phóng 16.7.93). Chỉ trong vòng 20 ngày – từ 18 tháng 6 đến 8.7.93 – phát hiện thêm 115 người Việt Nam bị nhiễm HIV.

Con số trên sáu trăm người, chắc chắn chỉ là phần nổi trên mặt nước của băng sơn. Thật nhỏ bé so với phần ngầm, chìm bên dưới. Theo kinh nghiệm của Tổ chức y tế thế giới OMS, cứ phát hiện ra được một trường hợp nhiễm HIV thì thực tế đã có 100 ca. Như thế thì phải tính trong nước hiện có khoảng 60.000 người đã bị nhiễm và mang khả năng reo rắc virút bệnh SIDA. Con số ước lượng đó có lẽ dưới sự thật, vì tại Việt Nam số lượng xét nghiệm tìm HIV tương đối còn rất nhỏ, khoảng 150.000 người trong cả nước (FEER 8.7.93).

Nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đủ để khẳng định rằng thảm hoạ SIDA đang lan truyền, đe doạ 70 triệu người Việt Nam. Lửa đã cháy trong nhà, việc phòng chống và phòng chống có hiệu quả đặt ra cấp bách.

 
Phuơng tiện thiếu, thăm dò xét nghiệm, điều tra chưa rộng, nhiều điểm cần hiểu biết về dịch SIDA trong tình huống đất nước Việt Nam để xây dựng chiến lược thích nghi, để đưa ra chính sách biện pháp cụ thể, chưa sáng tỏ.

Tuy nhiên ngay từ bây giờ cũng có thể nhận định được đôi điều thiết yếu.

 
1. SIDA đã có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, chớ không chỉ khoanh ở thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo của phó thủ tướng Phan Văn Khải dẫn ở trên khẳng định rằng đã phát hiện "người nhiễm HIV ở 19 tỉnh, thành phố".

Số trường hợp nhiễm SIDA ở Hà Nội rất nhỏ. Nhưng theo bà B. Franklin, phụ trách tổ chức CARE Ở Hà Nội: "Tại Hà Nội tình hình SIDA diễn ra âm thầm hơn nhưng thực tế điều tra của chúng tôi cho thấy tình hình diễn ra ở Hà Nội cũng giống Sải Gòn. Cũng có hoạt động mại dâm... Ở Hà Nội nếu được test, kiểm tra chu đáo, chặt chẽ như ở thành phố Hồ Chí Minh thì số người được phát hiện nhiễm HIV/SIDA chắc sẽ không kém Sài Gòn. Hiện nay người dân phía Bắc còn rất chủ quan đối với căn bệnh này. Ở Hà Nội, theo tôi biết, không tiến hành kiểm tra và tập trung điều trị số người chích ma tuý như ở Sài Gòn. Trong khi cứ 20 người được phỏng vấn thì có 1 người thừa nhận có dùng ma tuý. Xin các bạn nhớ cho điều này: phần lớn ma tuý được chuyển từ Bắc vào Nam và không có lý do gì người dùng ma tuý phía Bắc lại ít hơn phía Nam. Mà SIDA ở Việt Nam đang lây lan màng qua đường tiêm chích (theo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh 7.7.93)

Ở những nơi khác, dù chỉ mới làm được một số lượng xét nghiệm tương đối rất nhỏ đã tìm ra các trường hợp nhiễm HIV ở phía Nam có 17 tỉnh thì đã tìm thấy trong 16 tỉnh, ở Hà Nam Ninh, ở Khánh Hoà, ở Quảng Nam - Đà Nẵng (chính thức thông báo ca đầu tiên ngày 10.4.93; đến 5.7, xét nghiệm HIV/SIDA được 2.075 người đã phát hiện 12 trường hợp) ...

Vậy phải nhận định rằng nguy cơ SIDA đe dọa đều khắp các thành phố, các địa phương.


2. Giới y học trong nước ý thức được nguy cơ đã đặt vấn đề phòng chống SIDA ở Việt Nam từ năm 1990.

Chính phủ đã ban hành một số quyết định chỉ đạo phòng chống SIDA: Nghị định số 16/CP ngày 18.12.92 của chính phủ quy định một số vấn đề về phòng và chống nhiễm HIV và SIDA, quyết định số 30/TTg ngày 26.1 .93 của thủ tướng chính phủ về bổ sung thành viên uỷ ban quốc gia phòng chống SIDA, chỉ định bộ trưởng y tế làm chủ tịch, nghị quyết số 05/CP ngày 29.1.93 của chính phủ về chống tệ nạn mại dâm, nghị quyết số 06/CP ngày 29.1.93 của chính phủ về tăng cường chỉ đạo phòng, chống và kiểm soát nạn ma tuý.

Tháng bảy vừa qua, trong bản báo cáo trước quốc hội tình hình sáu tháng đầu năm 93, phó thủ tướng Phan Văn Khải có dành một đoạn nói riêng về công tác bài trừ các tệ nạn mại dâm, ma tuý và ngăn chặn bệnh SIDA. Lần đầu tiên, một người lãnh đạo nhà nước chính thức khẳng định "... đối với ... việc phòng chống nhiễm HIV/SIDA phổ biến các phương tiện phòng tránh trong toàn dân." (tài liệu đã dẫn).

Được lời như cởi tấm lòng. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, kinh phí phòng chống SIDA rất hạn hẹp. Năm 1992 tổng kinh phí chỉ là 5 tỷ đồng (khoảng 500.000 $US) trong đó 4,6 tỷ là từ nguồn viện trợ quốc tế, phần quan trọng nhất là của Tổ chức y tế thế giới OMS. Riêng mua sắm trang thiết bị xét nghiệm và sinh phẩm chẩn đoán HIV đã tiêu mất hết hai phần ba. Cho đến tháng 3. 93 dự kiến kinh phí cho cả năm 1993 là 8,5 tỷ đồng, nhưng khả năng thực tế chỉ có 4,4 tỷ. (Tuổi Trẻ 27.3.93). Phương tiện chẩn đoán còn chưa đủ tiền mua, lấy đâu ra để chi cho phương tiện phòng chống?

Đến đầu tháng 9.93, chính phủ thông báo cấp cho ủy ban quốc gia phòng chống SIDA một đợt đầu 10 tỷ đồng dùng làm kinh phí giải quyết một số vấn đề cấp bách. Và có tin bộ Y tế đề nghị cấp cho chương trình phòng chống SIDA trong năm 1993 trên 50 tỷ đồng. (Tuổi Trẻ 2.9.93)

Lần đầu tiên, nhà chức trách ý thức nguy cơ SIDA, cấp thêm kinh phí phòng chống.

Vấn đề trước mắt là nhận định nạn dịch SIDA ở Việt Nam như thế nào, trọng điểm, hướng chiến lược là đâu, dùng những biện pháp gì.

 
3. Theo lời Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên, phó chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng chống SIDA trong cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ chủ nhật, thì nhận định của giới chức trách là: "Cần phải nói rõ rằng mục đích chính của công tác xét nghiệm không phải là tìm xem ai là người mang HIV mà là nhằm tìm xem tiến triển của thảm họa này ra sao, cường độ như thế nào, xác định đối tượng nhiễm HIV (xem nhóm người nào có nguy cơ cao) và cuối cùng là xác định được vùng địa lý nào dễ nhiễm HIV. Chính vì thế, chúng ta mới có kết luận những đối tượng nhiễm HIV cao là những người chích ma túy, gái mại dâm. Vùng có số ca nhiễm HIV nhiều là thành phố đông dân… " (Tuổi Trẻ chủ nhật 11.4.93)

Trước mắt, khoảng 90% người nhiễm HIV ở Việt Nam là người tiêm chích xì ke ma túy. Đường SIDA đang lây lan mạnh ở Việt Nam là đương tiêm chích.

 
Một đường lây nguy hiểm là tiêm chích trong bệnh viện, trong truyền máu. Từ 1.4.93 sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh triển khai một số biện pháp: qui định ưu tiên sử dụng kim, bơm tiêm một lần rồi bỏ, tái lập việc kiểm tra, giám sát vô trùng tuyệt đối các dụng cụ y tế; trong truyền máu, máu và các sản phẩm từ máu (kể cả nhập) phải được kiểm tra HIV trước khi truyền.

Qui định thì thế, thực tiễn ra sao? Tại Việt Nam hiện nay người hiến máu tự nguyện rất hiếm, nguồn máu chính là do người bán máu. Một bác sĩ tại Trung tâm truyền máu và huyết học thừa nhận: "Trước đây gái mại dâm và dân chích choác là khách quen thuộc thường xuyên bán máu cho Trung tâm. Đây là nguồn máu nhiều khả năng truyền bệnh..., nhưng gần đây, đối tượng này bị Trung tâm từ chối khá nhiều và họ lại chạy sang nơi khác... " (Tuổi Trẻ 3.4.93). Toàn thành phố Hồ Chí Minh có ba ngân hàng máu: Trung tâm truyền máu và huyết học vừa nói ở trên, Trung tâm tiếp huyết - Quân y viện 175 Khoa truyền máu và huyết học của Bệnh viện Chợ Rẫy. Dân ken (hút chích xì ke) muốn gỡ tiền lúc lên cơn thì áp dụng mánh khoé tráo người, người được thử và người cho rút máu khác nhau. Theo H. một người tự cho có kinh nghiệm ba đời bán máu, "Bán máu ở đâu cũng không dễ bằng ở Trưng tâm tiếp huyết Quân y viện 175" .

Mà chính Trung tâm tiếp huyết Quân y viện 175 lại thiếu kém về mặt trang thiết bị. Hai ngân hàng máu kia dùng phương pháp và máy móc hiện đại để xét nghiệm, riêng Trung tâm tiếp huyết dùng sản phẩm và phương pháp ELISA, hiện đại thật nhưng lại không có thiết bị đọc nên "chỉ xác nhận bằng mắt thường". Kém độ nhạy, có thể bỏ sót trường hợp dương tính, qui cho là âm tính. Khả năng sơ sót đó vô cùng nguy hiểm: làm cho người thầy thuốc điều trị và người bệnh tin vào một "an toàn giả dối". Giáo sư Trần Văn Bé, thành viên của Ủy ban phòng chống SIDA thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Những hạn chế về phương tiện kỹ thuật ở Trung tâm tiếp huyết, chúng tôi đã kiến nghị lên bộ Y tế nhưng mãi chưa thấy Cục Quân y giải quyết…". Trong khi đợi chờ, Trung tâm tiếp huyết vẫn cung cấp máu cho Quân y viện 175, Viện 7A, 7C, quân đoàn 4, Bệnh viện 30.4, ngoài ra còn nhượng cho Bệnh viện Thống nhất, Từ Dũ, Bình Dân, Trung tâm chấn thương chỉnh hình… (theo Tuổi Trẻ dẫn ở trên).

Ngăn chặn lây lan qua tiêm chích ở bệnh viện tưong đối là dễ làm nhất. Thế mà ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, một nơi được trang bị tương đối hiện đại còn có "lỗ hổng". Những nơi yếu kém hơn thì sao ?

 
Trong giới xì ke ma tuý, ngăn chặn lây qua tiêm chích là vấn đề hóc búa hơn nhiều. Con số người nghiện không phải nhỏ: riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, theo Đội cảnh sát chống ma tuý đã có 36.000 người. Mỗi ngày, người nghiện phải chích nhiều cữ, hầu hết đều dùng chung kim và ống tiêm không bao giờ được vô trùng.

Từ sau buổi họp 10.8.93 của ủy ban phòng chống SIDA thành phố Hồ Chí Minh, kim tiêm ống tiêm nhựa dùng một lần được phép bán rộng rãi tại các cửa hàng dược phẩm. Nhưng hiệu quả biện pháp này chắc chắn sẽ rất giới hạn. Một người đã cai nghiện, đang hoạt động trong giới xì ke ma tuý để giáo dục họ, cho biết: "Nói với họ mỗi người nên dùng riêng một kim tiêm thì họ bảo là giá mua kim đắt quá. Bảo rằng có cách thứ nhì, đem kim đun sôi trong vòng 20 đến 30 phút, thì họ nói mắc lo chạy trốn cảnh sát bắt, giờ đâu mà ngồi đó rửa kim, đun sôi!". Đó là một trong những lý do làm cho 36% người nghiện không hề dùng đến bất cứ cách phòng ngừa nào (theo FEER đã dẫn).

Cấp kim tiêm cho mỗi người nghiện là một biện pháp có hiệu quả ngăn chặn SIDA bộc phát. Và chi phí thực ra không bao nhiêu. Theo lời giáo sư Hạ Bá Khiêm, viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, thì đã có ý kiến đề nghị biện pháp này (Tuổi Trẻ 9.3.93).

Nhưng không được chấp nhận. "Không thể chấp nhận việc đưa kim tiêm đến người xì ke. Đó là hình thức nhìn nhận, hợp pháp hoá...". Lời phát biểu này của bà Xuân Hà, thường vụ Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh (Tuổi Trẻ 8.4.93) có lẽ cũng chỉ phản ảnh thái độ của một số nhà lãnh đạo các cấp cao hơn...

Trong khi các công trình chuyên khảo trên thế giới đều nhất trí trên điểm: việc dùng chung kim là nguyên nhân chính phát triển bệnh trong giới chích ma tuý; chương trình cho người nghiện tự do đến đổi miễn phí ống tiêm và kim chích là yếu tố quyết định giảm nguy cơ lây bệnh. Và điều tra nghiên cứu ở Anh và ở Hoà Lan đều đi đến kết luận rằng chương trình cấp phát ống tiêm và kim chích không khích động tăng thêm tiêu thụ ma tuý. Chính vì thế mà Ủy ban quốc gia về SIDA (Conseil national du SIDA) trong bản báo cáo vừa đệ lên chính phủ Pháp ngày 20.9.93 khuyến cáo cần phải tăng cường và nhân chương trình cấp phát ống tiêm và kim chích lên hơn nữa ở nhiều nơi.

Trở ngại lớn trong công cuộc phòng chống SIDA ở Việt Nam không chỉ thiếu thốn phương tiện vật chất. Mà cũng là thái độ là hành vi xử sự với sự việc, giữa người và người.

Điểm bàn tiếp tới sau đây lại càng liên quan mật thiết đến việc thay đổi thái độ, hành vi.

- SIDA, Syndrome d’Immuno - Deficience Acquise, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, (AIDS theo tiếng Anh), là bệnh lây do virút HIV (Human Immunodeficiency Virus, virút gây suy giảm phản ứng bảo vệ miễn dịch cho loài người).

Khi bị nhiễm HIV, cơ thể tiết ra kháng thể. Xét nghiệm có kháng thể trong máu thì gọi là HIV dương tính. Tuy nhiên thường còn chưa có triệu chúng trong nhiều năm cho đến khi bệnh phát. Khi đó bệnh nhân không còn sức chống lại dù là bệnh nhẹ đối với người thường. Trung bình, bệnh phái nữ giới sống được 6,4 tháng, nam giới, 14,6 tháng.

SIDA là bệnh dịch hiểm nghèo của thế kỷ 20. Theo OMS, hiện có 10 triệu người HIV dương tính gồm 7 triệu ở Phi châu, 2 triệu ở Mỹ châu, 1 triệu ở Á châu. Thái Lan và Ấn Độ là hai nước bị nặng nhất ở châu Á. Các chuyên gia không tin sớm chặn nổi dịch lan nhanh. Đến năm 2000 ước lượng sẽ có từ 38 đến 100 triệu người nhiễm bệnh.

- Hiện SIDA còn nan y và cũng không hy vọng sớm có vắcxin ngừa bệnh. Cách đề phòng hữu hiệu nhất là dùng bao cao su.

- Một số biện pháp của ngành y tế TPHCM: tiếp tục xét nghiệm HIV miễn phí cho khoảng 20.000 người nghiện xì ke, ma tuý; đối với các bệnh nhân bị nhiễm HIV, tiếp tục điều trị tại các chuyên khoa, không điều trị tập trung; tăng cường công tác tham vấn cho người bị nhiễm HIV/SIDA…

- Giá thống nhất ở TPHCM (8.93) một xét nghiệm ELISA tìm HIV là 50.000 đồng (Việt kiều trả 10 $US ), nếu dương tính phải khẳng định bằng xét nghiệm Western-Blot giá 300.000 đồng (giá cho Việt kiều 70 $US). Bệnh nhân nghèo được giảm 50% phí xét nghiệm.

 
4. Trong vấn đề SIDA không nên quên rằng lây truyền qua sinh hoạt tình dục nam nữ chiếm 80% các trường hợp mắc bệnh.

Và cũng không nên quên rằng vào năm 1988 trận dịch SIDA ở Thái lan bắt đầu bằng cơn bùng nổ nhiễm HIV trong giới chích "choác" tại Băng Cốc. Rồi 18 tháng sau, đến lượt gái mại dâm. Tiếp theo HIV lan truyền đến đàn ông, phụ nữ bình thường và sau cùng, năm 1991, đến lượt trẻ sơ sinh.

 
Thái độ người Việt hiện nay trong tình dục ra sao? Chỉ có những ức đoán chủ quan. Cho tới 26.6.93, tổ chức CARE INTERNATIONAL giới thiệu kết quả công trình nghiên cứu về "Nguy cơ SIDA ở gái mại dâm và đàn ông thành thị Việt Nam". Một công trình hai năm nghiên cứu, dùng 1.000 bộ phiếu tham khảo phỏng vấn phát cho người nam và nữ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong số người được tham khảo có 392 phụ nữ làm nghề mại dâm và 571 người đàn ông. Các nhóm công tác của CARE cùng các cộng tác viên người Việt đến các vũ trường, khách sạn, quán cà phê, công viên và đường phố để quan sát và thực hiện các cuộc tiếp xúc. Họ tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin và được một số gái mại dâm và ma cô cộng tác. Đối tượng nghiên cứu được chia thành ba loại: gái mại dâm, khách mua dâm và những người đàn ông đồng tính luyến ái. Đối tượng đàn ông gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam. Phiếu tham khảo gồm 22 câu tập trung vào những nội dung: hiểu biết tổng quát về SIDA, về phương thức truyền bệnh, nhận thức nguy cơ, các yếu tố dùng để tự bảo vệ, số bạn tình, sử dụng bao cao su…

Số lượng điều tra không nhiều, không hẳn tiêu biểu cho dân chúng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lần đầu tiên ta có trong tay những số liệu tương đối chính xác và nghiêm túc. Từ đó có thể suy ra thực tế ở nhiều thành phố khác và tình hình SIDA ở Việt Nam.

Điều tra của tổ chức CARE (Lao Động 6.6., Phụ Nữ TPHCM 7.7.93) phát hiện nhiều điểm đáng lưu ý về nhận thức và hành vi của các giới mua và bán dâm.

Ờ thành phố Hồ Chí Minh, 40% gái mại dâm có gia đình, gần 50% có một hay hai con. Đa số sống cùng gia đình. 100% gái mại dâm có nghe nói đến SIDA. Nhưng nhận thức về bệnh thì có nhiều, rất nhiều điều sai lầm: 55% nghĩ rằng rửa ráy sau sinh hoạt tình dục là một cách phòng nhiễm SIDA. Đại đa số gái mại dâm (79%), phụ nữ phục vụ tại quán ăn, sàn nhảy (95%) cho rằng không thể mắc SIDA qua quan hệ tình dục với người bạn quen.

Những người đồng tính luyến ái cũng nhận thức sai lầm, cho rằng quan hệ tình dục với phụ nữ dễ mắc bệnh hơn là với nam giới, 36% nghĩ rằng họ không thể bị SIDA khi quan hệ tình dục với đàn ông.

Gần 50% người được hỏi, phụ nữ và đàn ông, cho rằng HIV/SIDA là căn bệnh của người nước ngoài chứ không phải của người Việt Nam. Các nhà quan sát cho rằng chính việc nhà nước Việt Nam phân biệt người Việt và người ngoại quốc khi công bố các trường hợp nhiễm SIDA làm cho quan niệm sai lầm này ăn sâu vào nhận thức của người Việt. Và những vòng luẩn quẩn vô cùng tai hại đang diễn ra: đàn ông có tiền nghĩ rằng họ không thể bị SIDA vì người tình của họ không phải là gái đứng đường. Đại đa số gái mại dâm (90%) nhất quyết họ không thể mắc bệnh hiểm nghèo này, niềm tin của các cô dựa vào chuyện: "Em chỉ đi với người Việt Nam thôi" hoặc "Em chỉ đi khách quen, những người có vợ... ". Người nước ngoài thì còn quan niệm cô gái Việt Nam tinh khiết không sợ mắc bệnh SIDA. Khách chơi hoa bình dân thì nghĩ rằng không đủ tiền với tới gái ăn sương cao cấp lại là an toàn cho thân mình vì các cô này hay quan hệ tình dục với người nước ngoài. Còn gái làng chơi cao cấp khẳng định họ không thể bị SIDA vì chỉ tiếp khách quen biết. Người Hà Nội tin họ không thể bị SIDA vì bệnh này chỉ có ở phía Nam...

Hai phần ba người được hỏi không nghĩ rằng SIDA có thể lây qua từ đấng ông chồng. "Mình là người đàng hoàng, đâu có bậy bạ mà lây SIDA được chứ!". Về phần các ông thì 44% cho biết có ít nhất là hai bạn tình trong thời gian hai tuần lễ vừa qua. Quan hệ với cả ba loại "bạn tình" – vợ nhà, người tình, gái mại dâm – là phổ biến, thậm chí được xem là bình thường. Đối với nhiều ông, "chung thuỷ" là tôn trọng một vợ một chồng, tiền bạc cung cấp đầy đủ. Còn đi chơi "hội đồng" cùng với bạn bè, sau các bữa nhậu, tiếp thị, thì quan hệ tình dục với gái mại dâm chỉ là "mua vui", là "giao tế" chớ không hề là "không chung thủy".

Con đường SIDA lan truyền qua "người trong nhà ngoài phố", "phụ nữ đàng hoàng" lây nhiễm SIDA từ những ông chồng "rất là chung thủy" đang mở rộng. . .

 
Nếu không chuyển đổi được những hành vi, những thái độ nguy hại

a) Trước hết là quan niệm của người phụ nữ bán dâm về chính mình. Gái mại dâm Việt Nam không dám bắt khách làng chơi mang bao cao su để bảo vệ lấy thân mình . Một cô em hành nghề ở công trường Lênin, Hà Nội tâm sự: "Em cũng biết rằng mang bao cao su là an toàn chớ, nhưng khách không chịu thì em biết làm sao?". Chỉ 15% gái mại dâm có dùng bao cao su. Nếu người bán dâm không tự ti, nghĩ rằng mình cũng ngang quyền với khách làng chơi, trong việc tự phòng vệ thì khi đó họ mới mạnh dạn yêu cầu khách dùng bao cao su.

b) Chuyển đổi hành vì tình dục của giới đàn ông là vô cùng quan trọng. Nhưng cũng phức tạp vô cùng. Tới nay chiến dịch chống SIDA ở Việt Nam phần lớn nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của SIDA, qua các thông điệp "Ngăn chặn SIDA", "SIDA hiểm họa toàn cầu", "Hãy bảo vệ bản thân khỏi mắc SIDA" v.v... Kết quả là đại đa số (93%) người được hỏi đã nghe nói tới SIDA.

Nhưng không có tác dụng gì đến thay đổi hành vi hiểm nghèo. Đã đến lúc cần có những chiến dịch cho từng đối tượng riêng biệt, cho từng nhóm tuổi, từng tầng lớp xã hội, từng vùng địa lý. Toan tính đến những nỗi sợ, những ước muốn, những hành vị đặc thù của mỗi nhóm. Làm được việc này phải có nhũng đợt chuyên khảo thực địa như đợt vừa rồi của CARE INTERNANONAL. Có thế mới nhận định tình hình được chính xác, mới chọn lựa được hướng chiến lược thích nghi, mới có những con số nghiêm túc để sau này đánh giá hiệu năng của các đợt chiến dịch...

c) Đối với nạn mại dâm, nạn ma tuý, thái độ của một số nhà lãnh đạo thiên về biện pháp cấm đoán, đàn áp. Mà lại nhằm vào cá nhân những nạn nhân là người nghiện, là gái bán dâm, hơn là vào gốc rễ tệ nạn ma tuý, mại dâm. Người nghiện, gái mại dâm phải trốn tránh ẩn nấp, tăng thêm trở ngại cho công cuộc ngăn bệnh SIDA lan tràn.

Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc chống tệ nạn nghiện hút và mại dâm để góp phần ngăn chặn SIDA phản ảnh một khía cạnh tinh thần khác: "chú trọng đề cao vai trò của từng gia đình từng phường xã, tổ dân phố trong việc phát hiện, đấu tranh, giáo dục phòng ngừa nạn mại dâm, nghiện hút, tiêm chích xì ke. Mỗi gia đình, mỗi khu phố làng xóm phải tự bảo vệ thân nhân của mình tránh bệnh dịch nguy hiểm. " (Sài Gòn Giải Phóng 15.5.93)

Xem nhẹ cá nhân. Mà tình dục lại là hành vi cá nhân. Hết mực cá nhân và vô cùng thầm kín.

Vai trò của gia đình, của tập thể có tầm quan trọng của nó. Nhưng sẽ hoàn toàn vô hiệu nếu không biết tính đến mọi khía cạnh riêng tư, tế nhị, mỗi người mỗi khác. Nếu không xem công dân là người trưởng thành.

Cuộc vận động chống SIDA ngày nay có khác vận động phong trào xưa nay ta làm theo thói quen. Khác trong tinh thần, khác trong cách làm. Các tổ chức quần chúng, các tổ dân phố, phường xóm có thể là con dao hai lưỡi. Dày vò, làm khổ nạn nhân nhiều hơn là giúp ích, nếu không được đào tạo huấn luyện đầy đủ về tinh thần, kiến thức, phương pháp trong việc phòng chống này. Cụ thể, đã thấy có cách làm hoàn toàn vô hiệu, nhưng vô cùng đau xót cho nạn nhân – công khai lên án và kêu gọi cộng đồng loại trừ – gieo tai ương cho một thiếu nữ vô can và gia đình của cô: trong tháng 10.92, tại xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi trong một buổi họp tại hợp tác xã nông nghiệp Bình Phú, thị trấn Chợ Chùa, bà phó hội trưởng Hội phụ nữ huyện đứng lên tuyên bố công khai: "Bệnh SIDA đã lan tràn đến huyện nhà rồi. Tôi lấy điển hình là con bé H., 17 tuổi, cháu bà Đ. ở thôn... xã Hành Trung, hiện nay đã mắc bệnh SIDA, đã bỏ trốn vào thành phố Hồ Chí Minh. Công an TPHCM đã điện về cho công an tỉnh, đồng thời cũng điện cho công an huyện để truy nã, nhưng đến nay vẫn chưa bắt được. Vấn đề tôi nêu là lệnh của Trung ương và báo chí đã đăng, hôm nay tôi công bố cho các chị em phụ nữ biết để nắm rõ tình hình và tránh quan hệ với con bé H. Chị em cố gắng gìn giữ con em chúng ta đừng để mắc phải bệnh SIDA như con H. mà tôi vừa nêu trên...". Trong khi đó, cô H. đang học may ở thành phố Hồ Chí Minh. Xét nghiệm của viện Pasteur tìm HIV cho cô H. hoàn toàn âm tính. (Sài Gòn Giải Phóng 7.3.93)

Chỉ là một ví dụ, nhưng hé cho thấy con đường dài phải trải qua để đi tới lối làm tôn trọng con người, tìm đến với đối tượng cần được thông tin giáo dục với lòng cảm thông, giải quyết vấn đề cho từng cá nhân – theo kinh nghiệm trên thế giới là cách làm có hiệu quả nhất – đang được nhóm thông tin tuyên truyền phòng chống SIDA do Quỹ nhi đồng Anh quốc tài trợ áp dụng ở Sài Gòn. Đó là nhóm những người chuyên đi làm quen với các cô gái mại dâm để giáo dục cách phòng ngừa SIDA cho họ. Việc làm còn mới lạ, cho nên có một buổi tối trước công viên Văn hoá Tao đàn, một phụ nữ trẻ phụ trách công việc này bị lực lượng tuần tra bắt giữ. Chứng minh mãi không được, suýt nữa chị đã bị bắt về đồn, nếu không có mấy tay nhận ra chị, reo lên: "A! Công an bắt nhầm "bà SIDA" rồi!" (Tuổi Trẻ, 17.7.93)

 
Việt Nam còn có một chút khả năng ngăn chặn SIDA ngay lúc này, trong giai đoạn quyết định, khi nó chưa bùng nổ trong giới mại dâm. Giai đoạn này ở Thái Lan chỉ là 18 tháng. Cấp bách lắm rồi. Mà còn biết bao quan niệm, thái độ cách làm, cần được đổi thay...

 
B.S. Bùi Mộng Hùng (9.93)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss