Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 24 / Từ nạn tham nhũng đến xã hội ba chân

Từ nạn tham nhũng đến xã hội ba chân

- Lê Văn Cường — published 02/04/2011 00:40, cập nhật lần cuối 27/04/2011 22:55

Từ nạn tham nhũng
đến xã hội ba chân

 

Trong chuyến hè vừa qua ở Việt nam, đi đến đâu cũng nghe kêu ca, than phiền về nạn tham nhũng: từ trên xuống dưới, từ ngang qua dọc. Theo báo chí, chính quyền vẫn tìm cách ngăn chặn và trừng phạt các hiện tượng đó. Rất nhiều người hoài nghi việc có thể diệt tan tham nhũng. Làm thế nào để bớt tệ nạn ấy?

Ta có thể phân loại các hiện tượng tham nhũng ra làm hai:

a) Dựa vào quyền lực để làm ăn (có thị trường, có vốn...) và dĩ nhiên phải đút lót.

b) Móc ngoặc: ví dụ, một ông quản lý xí nghiệp nhà nước hay địa phương thông đồng với một ông quản lý xí nghiệp khác, hoặc cơ quan khác để có thị trường, để mua (và bán) hàng hoá với một giá thấp hơn giá kê khai chính thức... và dĩ nhiên số tiền dôi ra sẽ được chia giữa hai ông quản lý và các người khác ở xí nghiệp.

Thị trường, rốt cuộc không sinh hoạt trên sự cạnh tranh thực sự mà dựa trên sự giành giật qua móc ngoặc, hối lộ. Kinh tế vẫn bung lên, vì móc ngoặc, hối lộ cũng là một động cơ thúc đẩy các người quản lý xí nghiệp tăng sản xuất. Tăng sản xuất thì cũng tăng thu nhập cho cán bộ, cho người làm công và sẽ có ảnh hưởng tốt (theo nghĩa tăng trưởng) lên toàn bộ nền kinh tế. Thị trường ở Việt Nam khác thị trường các nước tư bản trên một điểm cơ bản: ở các nước tư bản, đại bộ phận nền kinh tế do tư nhân quản lý lời ăn, lỗ chịu và họ cạnh tranh thực sự để kiếm lợi nhuận tối đa; ở Việt Nam, nhà nước giao các xí nghiệp cho cá nhân quản lý, thực thi sự “cạnh tranh” thị trường với vốn của nhà nước, lợi nhuận họ có thể hưởng một phần, lỗ lã chưa chắc họ phải gánh chịu. Ngoài ra, người quản lý xí nghiệp, nếu liêm khiết thì rất chật vật với lương quãng 500.000 đồng trong khi đó phải cần 1 triệu. Rốt cuộc, ở Việt Nam, một động cơ để các nhà quản lý xí nghiệp làm ăn tốt là có thể móc ngoặc. Ở các nước tư bản, tư nhân tự họ sẽ hạn chế sự hối lộ, vì tiền của mình, mình xót xa. Ở Việt Nam, tiền hối lộ là tiền nhà nước, không ai đau, không ai xót. Như thế, muốn bớt tham nhũng, nhà nước phải tư hữu hoá hơn nữa các xí nghiệp và chỉ giữ lại những khu vực cần thiết. Với một chính sách thu thuế đúng đắn, với một bộ máy bớt cồng kềnh, nhà nước có thể trả cho cán bộ, công nhân viên, các người quản lý xí nghiệp một đồng lương “khuyến khích” họ từ bỏ hối lộ, tham nhũng. Dĩ nhiên, pháp luật rõ ràng cũng rất cần thiết để phá vỡ tệ nạn tham nhũng. Vấn đề này quá hiển nhiên, tôi không bàn đến.

Phần trên đã đề cập đến sự tư hữu hoá và như thế, chấp nhận có tầng lớp tư sản. Nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra:

1. Tư sản Việt Nam có khả năng mua các xí nghiệp nhà nước hay không? Đại bộ phận các nhà tư sản ở Sài gòn trước 1975 đã rời Việt nam; giới tư sản mới bắt buộc sẽ từ trong lòng chế độ hiện nay đi ra. Bằng cách nào nếu không bằng tham nhũng, hối lộ? Như vậy phải chấp nhận tệ nạn này đến lúc nào hình thành được một lớp người có đủ tiền để mua lại các xí nghiệp và từ đó nạn tham nhũng tự nó sẽ bớt đi? Có một hình thức tư hữu hoá nào khác chăng, như cho các tư nhân vay trước để mua xí nghiệp? Hay bán các xí nghiệp cho tư bản nước ngoài với nguy cơ có thể mất chủ quyền?

2. Bây giờ làm giả thuyết là có những nhà tư sản làm ăn tốt theo 2 nghĩa:

– có lợi nhuận cao, làm kinh tế tăng trưởng,

– tôn trọng quyền lợi của công nhân, lao động.

Thái độ của đảng cộng sản như thế nào với những nhà tư sản này? Họ có thể là đảng viên hay không? Nếu trả lời là không, những nhà tư sản này, vì họ xuất ra từ trong lòng chế độ sẽ biết là họ đang bị nghi kị, trong khi đó họ đang làm cho kinh tế đi lên, và trong chừng mực nào đó, đang nuôi bộ máy chính quyền. Họ sẽ bất mãn và có thể trở nên những người chống lại đảng. Nếu trả lời là có thể được, thì đảng cộng sản phải thay đổi một cách cơ bản các khái niệm mác-xít, đặc biệt khái niệm bóc lột thặng dư và đấu tranh giai cấp.

Trong xã hội Việt Nam, dần dần sẽ rõ nét hai tầng lớp: tư sản và lao động. Cả hai đều tham gia vào quá trình làm kinh tế phát triển. Quá trình tiến triển tốt hay xấu cũng tuỳ thuộc vào sự thoả hiệp của hai tầng lớp này trên cơ sở sự giải quyết một cách thoả đáng quyền lợi của đôi bên, và sự quản lý minh mẫn (chính sách kinh tế đúng đắn, làm tốt vai trò trọng tài của sự đối kháng giữa hai tầng lớp kể trên) của nhà nước. Phát triển sẽ dựa lên sự ăn khớp giữa ba chân (tư sản, giới lao động, nhà nước) của xã hội.


Lê Văn Cường

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss