Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 25 / Dân chủ & cơ chế

Dân chủ & cơ chế

- Phan Đình Diệu — published 03/04/2011 01:00, cập nhật lần cuối 29/04/2011 09:24

Dân chủ & cơ chế
thực hiện dân chủ

Phan Đình Diệu


VI. Tình hình hiện nay của đất nước ta

 

Nét cơ bản nhất của tình hình hiện nay là chúng ta đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là đổi mới về kinh tế. Nét cơ bản nhất của đổi mới về kinh tế là ta chấp nhận và thực sự bước đầu phát triển nền kinh tế thị trường (cải cách giá cả, thừa nhận quy luật cung cầu, thừa nhận quy luật cạnh tranh, thừa nhận sự phát triển của khu vực tư nhân, ...).

Một mặt chấp nhận kinh tế thị trường, mặt khác ta vẫn kiên trì khẳng định một chế độ chính trị theo mô hình chuyên chính vô sản do một Đảng lãnh đạo và vẫn tuyên bố định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển, có sự thống trị của một hệ tư tưởng là hệ tư tưởng Mác-Lênin.

Phải thừa nhận rằng chưa có một Đảng cộng sản nào lại mạnh dạn chấp nhận và tiến hành sự phát triển nền kinh tế thị trường như Đảng cộng sản Việt Nam. Các Đảng cộng sản Đông Âu, kể cả Hung-ga-ri, đã không thể thực hiện được kinh tế thị trường. Khi họ còn cầm quyền thì chấp nhận một vài cải cách nhưng không chấp nhận phát triển kinh tế thị trường đầy đủ. Chỉ sau khi họ mất quyền thì xã hội ấy mới phát triển kinh tế thị trường. Như vậy việc Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành phát triển kinh tế thị trường là một nét riêng biệt và có thể nói đó là điểm mạnh của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là một yếu tố quan trọng để có thể tiếp tục tiến hành sự đổi mới trong hoà bình và ổn định.

Cũng cần nói thêm rằng những cái ta khẳng định về việc duy trì chế độ chính trị XHCN kiểu chuyên chính vô sản thì cũng không còn uy lực như trước. Cần đánh giá xem điều khẳng định đó có là cần thiết tất yếu không.

Xem xét một cách khách quan thì sự tồn tại của hai yếu tố cơ bản nói trên là một mâu thuẫn lớn trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước. Tình trạng đó có một số ưu điểm và hạn chế sau:

Về mặt ưu điểm: trong thời gian đầu, việc chấp nhận kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ quyền lực của một Đảng lãnh đạo quả thật đã tạo ra một sự ổn định quyền lực, điều này rất cần thiết cho giai đoạn đầu của chuyển biến.

Ưu điểm thứ hai là chính trong quá trình biến đổi ổn định như vậy ta có thì giờ để suy ngẫm, có thì giờ làm lộ ra những khả năng cho sự tiến hoá. Một điều chắc chắn là vào những năm 87-89 ta đã không hiểu xu thế tiến hoá của Việt Nam sẽ thế nào. Chính việc cải cách kinh tế trong những năm 89-90 đã tạo ra dần dần các yếu tố trong xã hội và dần dần đã giúp ta nhận thấy, lựa chọn được cách phát triển trong ổn định. Tới nay ta thấy rằng khả năng tiếp tục đổi mới kinh tế, và thực hiện dần các biến đổi về chính trị theo xu thế dân chủ có thể thực hiện được. Thực hiện trong hoà bình và ổn định chứ không phải trong phủ định. Hơn nữa, có thể thực hiện được trong sự hướng dẫn của một Đảng đổi mới, chứ không phải trong sự phủ định Đảng.

Ưu điểm thứ ba, tuy rằng nhiều quyền tự do dân chủ sơ đẳng chưa được thực hiện đầy đủ trong xã hội (ví dụ: tự do ngôn luận, báo chí, v.v...), song trong những năm vừa qua trên thực tế, những quyền này cũng có được nới lỏng hơn bên cạnh các quyền tự do trong kinh tế đã được xác lập. Ý thức đòi quyền tự do dân chủ của người dân cũng được phát triển.

Bên cạnh mặt ưu điểm còn có những mặt hạn chế:

Một là, mâu thuẫn trong cơ sở lý luận sẽ dẫn tới những biện pháp nửa vời trong thực tiễn của quá trình đổi mới. Ví dụ, khái niệm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là một khái niệm mâu thuẫn. Chủ nghĩa xã hội, với tư cách một thể chế xã hội ( theo định nghĩa kinh điển) là một chế độ mà về mặt kinh tế phải xây dựng trên cơ sở công hữu hoá về tư liệu sản xuất, quản lý tập trung và kế hoạch hoá, v.v..., rõ ràng là mâu thuẫn với kinh tế thị trường. Theo tôi, duy trì chữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là bởi vì ta quá luyến tiếc một niềm tin đã có, một quyền lực đang còn, thiếu sự dũng cảm trí tuệ để có thể xem rằng niềm tin đó cần phải thay đổi. Nếu lý giải được cái mà trước đây ta tin, song bây giờ không còn đủ căn cứ khoa học nữa, thì ta có thể can đảm bỏ chữ “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mỗi một thế hệ giỏi lắm cũng chỉ lo được cho thế hệ mình và tạo điều kiện cho thế hệ tiếp tục. Tạo điều kiện thôi chứ đừng định hướng cho thế hệ tiếp tục. Mỗi thế hệ có một hoàn cảnh khác, cách suy nghĩ khác, và cũng có quyền lựa chọn định hướng khác. Tại sao ta cứ bắt định hướng vào cái ta đã thử làm và làm không được? Nếu ta vẫn còn giữ khái niệm mâu thuẫn này thì đó là một cản trở. Ta sẽ không đủ mạnh dạn để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, giải thể phần lớn khu vực kinh tế quốc doanh mà hiện nay nó đang là ổ của tham nhũng, lãng phí, làm ăn thua lỗ, và sẽ còn duy trì nhiều tiêu cực khác trong hoạt động kinh tế và xã hội.

Vấn đề này hiện nay đang là một cuộc đấu tranh. Do đó cần phải làm rõ cơ sở khoa học của nó để có thể khẳng định được cái đúng đắn.

Ví dụ thứ hai là, nếu duy trì sự thống trị của một ý thức hệ (chủ nghĩa Mác-Lênin chẳng hạn) thì sẽ có mâu thuẫn khi kêu gọi đoàn kết và hoà hợp dân tộc. Nếu lấy mục tiêu là dân giàu nước mạnh thì mới có sự đoàn kết và hoà hợp dân tộc một cách rộng rãi. Nếu không, thì đoàn kết cũng là nửa vời.

Những mâu thuẫn trong cơ sở lý luận đó nếu còn tiếp tục thì sẽ còn tiếp tục cản trở các biện pháp đổi mới cả về kinh tế và chính trị. Điều đó đòi hỏi một sự can đảm trên cơ sở khoa học đầy đủ. Một định hướng khoa học cho sự thay đổi của xã hội và của chính Đảng là một yêu cầu rất cấp thiết hiện nay.

Hạn chế thứ hai là sự mâu thuẫn về cơ sở lý luận kéo theo sự mâu thuẫn của hệ thống luật pháp. Luật pháp mà mâu thuẫn thì sẽ có tác động tiêu cực, hoặc sẽ không được tôn trọng. Mà luật pháp không được tôn trọng thì sẽ rất nguy hiểm. Đối với nhiều luật pháp đã có, ta thấy sự thiếu tôn trọng là khá phổ biến. Không chỉ có người dân thiếu tôn trọng luật pháp, mà ngay cả nhiều người có cương vị lãnh dạo vẫn tự xem mình là đứng ngoài luật pháp.

Hạn chế thứ ba là vẫn tiếp tục nuôi bộ máy quan liêu tham nhũng. Có thể nói, tư tưởng đổi mới thì tiến tương đối xa, nhưng bộ máy để thực hiện tư tưởng đổi mới đó thì hết sức lạc hậu và quan liêu, và đầy những tiêu cực. Bộ máy đó gồm cả bộ máy Đảng và Nhà nước, ở trung ương và ở các địa phương. Trên bình diện vĩ mô thì ta thấy một điều hết sức phi lý – nhà nước cũng là Đảng (bộ trưởng, thứ trưởng, các cán bộ chủ chốt đều là đảng viên); vậy tại sao vẫn có một hệ thống của Đảng cầm quyền song song với hệ thống của Nhà nước, để rồi luôn luôn tạo ra sự tranh quyền giữa hai hệ thống này với nhau? Bên kia có các bộ thì bên này có các ban. Các ban có quyền lực về danh nghĩa to hơn các bộ, song lại không điều hành (chức năng điều hành thuộc về các bộ), do đó luôn luôn tạo ra mâu thuẫn. Lẽ ra trong cơ quan của Đảng chỉ cần có các cơ quan nghiên cứu lý luận, tư tưởng, ... chứ không nên có các cơ quan chỉ đạo, quyết định những vấn đề của Nhà nước. Đó là một điều phi lý. Điều phi lý thứ hai là trong bản thân bộ máy Nhà nước thì các quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp không rõ ràng, có những người xem như mình có tất cả các quyền đó và có những người có quyền về mọi chuyện song không chịu trách nhiệm về cái gì cả.

Ở mức của các đơn vị thực hiện thì hệ thống tỏ ra không có hiệu lực. Nhất là trong điều kiện tiền lương như hiện nay thì không có khả năng để tạo ra bộ máy nhà nước có kỷ luật. Với mức lương không đủ sống thì chắc chắn sẽ có tình trạng ăn cắp (ăn cắp tài sản vật chất, ăn cắp quyền lực, ăn cắp thì giờ). Tình hình này nếu tiếp tục duy trì mãi thì bộ máy nhà nước không thể có hiệu quả được.

Nếu không có những thay đổi mạnh dạn tiếp tục thì bộ máy Đảng - Nhà nước sẽ tiếp tục cản trở quá trình đổi mới. Rõ ràng là cần những biện pháp rất táo bạo. Chẳng hạn cần phải mạnh dạn tư nhân hoá; bán một số tài sản nhà nước đi để tạo ra một dự trữ ngân sách đủ lớn trợ cấp cho những người ra khỏi biên chế tìm được công việc; đồng thời với việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phải giữ trong biên chế một bộ máy vừa đủ cho việc quản lý nhà nước – bộ máy đó phải được trả công đủ sống. Trong bộ máy đó phải chọn được những người đủ năng lực làm việc quản lý.

Hạn chế thứ tư, là chưa đủ sức hoá giải các mâu thuẫn, mặc cảm, bất hoà trong dân tộc. Do đó mà chưa huy động đầy đủ sức mạnh của dân tộc (sức mạnh dân tộc trong nước và ngoài nước). Lưu ý rằng, sức mạnh dân tộc ta ở ngoài nước không phải là sức mạnh tài chính (huy động tối đa cũng chỉ được vài tỷ đô la thôi) mà là sức mạnh trí tuệ. Lực lượng trí thức Việt Nam ở nước ngoài chính là một nhịp cầu nối Việt Nam với văn minh của nhân loại. Nếu chỉ lấy khẩu hiệu “dân giàu nước mạnh” thôi thì sẽ tập hợp được rộng rãi tầng lớp trí thức đó. Song nếu còn giữ khẩu hiệu cộng sản (mà thực ra ta cũng không giữ kiên trì như trước) thì sẽ tạo ra khó khăn cho sự giao lưu đó.

Hạn chế thứ năm, việc tiếp tục giữ quan niệm như vậy gây cho các nhà ngoại giao, các thuyết khách về chính trị, văn hoá của ta luôn gặp khó khăn khi ra nước ngoài. Trong mấy năm qua, quyền con người của ta đã có được ít nhiều cải thiện (quyền con người trong kinh tế, trong phát biểu và trong việc có những chính kiến khác), nhưng tại sao người ta vẫn xem mình là một đối tượng về nhân quyền? Vấn đề là người ta vẫn xem mình là một nước cộng sản. Trong thực tế, ta phát triển kinh tế thị trường và cũng có tự do tranh luận, tự do có ý kiến..., tức là ta không phải là nước cộng sản. Vậy việc gì mà để cho người ta xem mình là nước cộng sản để phân biệt đối xử, và kết quả là ta phải rất quanh co biện bạch những vấn đề về nhân quyền, đồng nhất một cách nguỵ biện quyền dân tộc với quyền của con người. Nguỵ biện như vậy không thể thuyết phục được. Thực ra, ta hoàn toàn có thể đối chọi với thiên hạ chính về quyền của cá nhân con người, vì ở Việt Nam, cá nhân có quyền hơn so với ở một số nước khác. Nếu ta can đảm chấp nhận các quyền tranh luận về ý thức hệ (mà điều này sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến ổn định xã hội) thì người ta sẽ chẳng có lý do gì để nói mình về quyền con người.


VII. Các bước đi đến dân chủ trong sự ổn định

 

Trước khi nói đến các bước đi cụ thể, cần phải nói tới một vấn đề mấu chốt. Không giải quyết được vấn đề mấu chốt này thì không thể nói về sự thực hiện các bước đi tiếp tục ra sao. Vấn đề mấu chốt ở đây là vấn đề đổi mới Đảng, bởi vì vai trò quyết định của sự đổi mới hiện nay nằm ở trong tay của Đảng. Do đó cách tốt nhất là Đảng phải đổi mới để vẫn giữ được vị trí và quyền hướng dẫn sự nghiệp đổi mới của dân tộc. Đảng cộng sản Việt Nam, về cơ bản là một Đảng yêu nước, một đảng vì sự nghiệp Độc lập dân tộc. Trong lịch sử, việc Đảng chấp nhận chủ nghĩa cộng sản như mô hình phát triển là một điều tự nhiên, song lúc đó các bậc tiền bối của chúng ta chưa bao giờ có điều kiện suy nghĩ một cách kỹ lưỡng và khoa học về sự thích hợp của con đường phát triển và xây dựng xã hội cộng sản với thực tiễn Việt Nam. Thật ra, Mác xây dựng mô hình chủ nghĩa cộng sản là để cho các nước phát triển nhất chứ không phải để cho Việt Nam (một nước chậm phát triển). Mô hình đó, sau một thời gian đã chứng tỏ đối với thế giới là không thích hợp, đối với Việt Nam lại càng không thích hợp. Vậy ta có thể thay đổi mô hình đó. Mô hình này hay mô hình kia trong con đường ta tìm kiếm không đồng nhất với bản chất của ta. Ta vẫn giữ Đảng với tư cách là đại diện cho nguyện vọng giàu mạnh của đất nước mà vẫn có thể từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội không thích hợp đó một cách bình thường. Tất nhiên ta không loại bỏ chủ nghĩa Mác. Ta vẫn tiếp tục học tập nó với tư cách là một học thuyết khoa học, chứ không phải coi nó là tín diều để tự trói buộc mình và trói buộc cả dân tộc.

Có thể nói một cách khái quát rằng sự thành công và uy tín của Đảng là do các chính sách và biện pháp theo đuổi mục đích yêu nước chứ không phải do các chính sách và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều này cũng hoàn toàn đúng trong những năm đổi mới vừa qua.

Với quá trình như hiện nay thì Đảng chỉ cần đi một bước nữa là trở thành một Đảng xã hội - dân chủ. Điều đó không có gì xấu. Trong sự phát triển sau Mác thì dòng phát triền xã hội dân chủ đã được lịch sử thế giới của thế kỷ 20 chứng tỏ là một dòng có sức sống. Trong tiền lệ có nhiều đảng cộng sản đã và đang biến thành các đảng xã hội - dân chủ một cách hết sức tự nguyện. Nếu như vậy, Đảng không những có một uy tín lớn trong dân tộc mà còn tìm được chỗ dựa trong tổ chức Quốc tế xã hội lành mạnh (phải xem Quốc tế xã hội là một lực lượng tiến bộ của nhân loại).

Nếu giải quyết được vấn đề mấu chốt ấy thì sẽ có thể có các bước đi cụ thể như sau:

Thứ nhất là, chúng ta đang tăng cường tính chất pháp trị của một xã hội công dân. Việc tăng cường pháp luật tức là tăng cường một nhà nước dân chủ pháp quyền là hết sức quan trọng.

Thứ hai là phải mạnh dạn cải tổ bộ máy Nhà nước.

Ba là phải tách luật pháp ra khỏi chính trị (trước ta vẫn coi chính trị là thống soái, mà chính trị nhiều khi lại được hiểu một cách mơ hồ như một thứ quyền lực vạn năng bất khả xâm phạm). Tách luật pháp ra khỏi chính trị tức là không được cai quản đất nước bằng nghị quyết (ta vẫn thường xem nghị quyết của Đảng cao hơn luật pháp – điều này không đúng). Nghị quyết chỉ trở thành bắt buộc đối với người dân khi nó trở thành luật pháp của nhà nước. Cai quản bằng nghị quyết là một kẽ hở rất lớn cho mọi sự tuỳ tiện lạm quyền.

Tách luật pháp ra khỏi chính trị đồng thời cũng có nghĩa là phải làm rõ ràng vai trò của Đảng và của Nhà nước. Nếu Đảng được sự tín nhiệm của nhân dân và lãnh đạo Nhà nước thì Đảng phải nằm trong Nhà nước mà thực hiện quyền lãnh đạo, chứ không được đứng trên Nhà nước.

Bước tiếp theo là cần mở rộng dần các quyền tự do dân chủ khác (chúng ta hiện nay đã có một số quyền tự do về kinh tế). Trước hết là các quyền tự do về tư tưởng, ngôn luận, báo chí. Trên cơ sở củng cố sự đồng thuận xã hội, ta sẽ tiếp tục ban hành các quyền tự do về ứng cử, bầu cử, lập hội, v.v... Tất nhiên các quyền tự do đó phải đi kèm với những qui định về trách nhiệm.

Thực sự đổi mới Đảng, thực hiện các bước cải cách đó sẽ mở ra con đường rộng rãi cho đất nước ta tiến tới một xã hội dân chủ văn minh trong thời đại hiện nay.


Chung quanh những bài viết
của Phan Đình Diệu


Bài viết của Phan Đình DiệuDiễn Đàn giới thiệu bên đây là bản ghi âm hai phần (chót) trong 7 phần của một bài thuyết trình trong “ nhóm nghiên cứu đề tài KX-05-05”. Bài phát biểu mang đầu đề MỘT CÁCH TIẾP CẬN KHOA HỌC VỀ DÂN CHỦ Và CƠ CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ. Vì khuôn khổ tờ báo, chúng tôi không thể đăng 5 phần đầu:

I. Bản chất của vấn đề dân chủ

II. Những tìm kiếm lựa chọn cho một chế độ dân chủ trong lịch sử cận đại

III. Những tiền đề cho một cơ chế dân chủ

IV. Nội dung của một cơ chế dân chủ và một xã hội dân chủ

V. Các điều kiện phát triển dân chủ ở Việt Nam.

Chúng tôi chọn đăng hai phần chót vì chúng trực tiếp đề cập tình hình Việt Nam hiện nay và vạch hướng quá trình dân chủ hoá.

Những đề nghị cụ thể này tất nhiên dựa trên một quan niệm chung về dân chủ, về sự cần thiết thực hiện dân chủ ở Việt Nam. Để bạn đọc tiếp cận quan điểm ấy của tác giả, Diễn Đàn số sau sẽ đăng bài MỘT THỜI KỲ LỊCH SỬ MỚI: VÌ SỰ NGHIỆP DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH mà Phan Đình Diệu đã phát biểu tháng 3 vừa qua tại Hội nghị của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (mà ông là thành viên của Đoàn chủ tịch).

Khi số báo này lên khuôn, chúng tôi nhận được bài NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ DÂN CHỦ VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI của Lê Quang Vịnh trả lời bài phỏng vấn Phan Đình Diệu đăng trên Diễn Đàn số 20 (tháng 6.93). Bài của Lê Quang Vịnh đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng (ba ngày 21, 22 và 23.10.1993), rồi báo Nhân Dân đăng lại hai tuần sau đó. Điều có ý nghĩa là bài này, chúng tôi nhận được từ một quan chức lãnh đạo Ban văn hoá tư tưởng Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, với đề nghị là: Diễn Đàn đã đăng bài Phan Đình Diệu, nên đăng bài Lê Quang Vịnh nữa. Điều không kém ý nghĩa là hai tờ báo trong nước không hề đăng bài phỏng vấn Phan Đình Diệu, thậm chí không nêu tên ông. Và theo một nguồn tin đáng tin cậy, Phan Đình Diệu viết bài trả lời, họ cũng không chịu đăng.

Về phần Diễn Đàn, tất nhiên chúng tôi sẽ đăng bài của Lê Quang Vịnh trong số tới và sẽ thảo luận với ông trong tinh thần dân chủ, tôn trọng lẫn nhau.

Cuối cùng, cũng xin cung cấp bạn đọc một thông tin. Gần đây, tuần báo FEER (Tạp chí Kinh tế & Viễn Đông) đưa tin giáo sư Phan Đình Diệu đã bị cách chức viện phó Viện Khoa học Việt Nam vì lý do chính trị. Thật ra, chính Phan Đình Diệu đã từ chức viện phó và quyết định ra khỏi Viện khoa học, vì thấy không thể làm việc với một viện trưởng (Nguyễn Văn Hiệu) “vô liêm sỉ”. Nhà cầm quyền đề nghị ông làm thứ trưởng Bộ khoa học, công nghệ và môi trường, song ông đã từ chối. Hiện nay, ông giảng dạy toán tại Trường đại học tổng hợp Hà Nội.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us