Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 25 / Nghiệp vào thân

Nghiệp vào thân

- Nguyễn Trọng Tạo — published 03/04/2011 00:55, cập nhật lần cuối 29/04/2011 09:22

Nghiệp vào thân

Nguyễn Trọng Tạo



Hồi nhỏ tôi học giỏi toán, từng đỗ đầu cuộc thi vào lớp 8 chuyên toán của tỉnh, nhưng do địa phương làm chậm thủ tục nên tôi không vào học ở đấy. Tuy nhiên, điểm văn hàng năm của tôi vẫn không thua gì điểm toán (5/5), và thầy dạy vẫn thường giao cho tôi phụ trách những buổi ngoại khoá văn học cho lớp học toàn khối. Có lẽ thầy giáo đã phát hiện ở tôi có một năng khiếu gì đó về văn học chăng.

Lúc ấy, tôi không ý thức gì về năng khiếu văn học của mình. Nhưng từ nhỏ tôi vẫn ham đọc sách. Con mọt sách là tôi đã gặm hầu hết tủ sách của cậu (bố) tôi còn sót lại sau cải cách ruộng đất, chỉ trừ những cuốn chữ nho và chữ Pháp thì cậu tôi phải kể lại cho tôi nghe. Tôi gặm nhanh những cuốn sách mới mua về cùng với những cuốn sách mượn được của bạn bè, có cả những cuốn chép tay mà sau này tôi mới biết là sách của Tự lực văn đoàn, loại sách đặc biệt bị cấm kỵ lúc bấy giờ. Nhưng chủ yếu là sách truyện, còn thơ thì hầu như rất ít. Vả lại, tôi ít thích những bài thơ trong sách giáo khoa, đại để như “ Hà Nội có cầu Long biên vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng” quá giản đơn, hoặc những câu khó hiểu đến kỳ quặc như “Đảng ta có trăm tay nghìn mắt – Đảng ta đây xương sắt da đồng”... Những thứ thơ ấy làm tuổi nhỏ của tôi bị dị ứng. May thay, trong tủ sách của cậu tôi còn một cuốn sách cũ đã rách bìa và mất mấy trang đầu, viết về thi sĩ Hàn Mạc Tử. Những câu thơ, bài thơ được trích dẫn ở đây khiến tôi bàng hoàng như bị một ma lực kỳ diệu cuốn hút. Thơ và cuộc đời Hàn Mạc Tử thực sự ám ảnh tôi: “Người đi một nửa hồn tôi mất – một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Tôi lấy sổ tay chép lại những bài những câu tôi thích. Đến câu: “Bây giờ tôi dại tôi điên Chắp tay tôi lạy cả miền không gian” thì hình ảnh thi nhân hiện lên trong tôi đầy thương cảm. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi thẫn thờ suốt buổi chiều như người nhiễm bệnh. Đêm hôm đó tôi không học bài được. Và đúng là bệnh thi sĩ đã nhiễm vào tôi. Thế là nỗi ám ảnh về Hàn Mạc tử, và kiếp thi nhân đã trào ra đầu cây viết của tôi, đứa học trò nhỏ bé của người thầy tự chọn. Bài thơ đầu tiên của tôi được viết ra không có đầu đề:

Tôi nằm nhoài giữa ánh trăng
lưng tôi thảm cỏ rối hăng hương nồng
bạn ơi, trăng hoá dòng sông
tôi như thuyền nhỏ trôi trong nỗi niềm

Bây giờ tôi dịu tôi hiền
biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ
mai kia tôi chết trong thơ
hay là thơ chết bên bờ hồn tôi

trăng lên ngọn liễu trăng ngồi
tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ
?

Bạn ơi, trăng quá ngây thơ
Còn tôi cằn cỗi già nua thế này
bao giờ tôi hoá làm mây
hẳn tôi muôn thuở sum vầy cùng trăng...

Tôi đưa cho cậu tôi đọc. Cậu tôi hỏi: “Mày chép ở đâu ra đấy?” Tôi rụt rè thưa: “ Con làm đêm qua”. Cậu tôi ngạc nhiên nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi như chưa tin điều đó, ông lại hỏi: “Thật không?”. Tôi thưa: “Con đọc cuốn Hàn Mạc Tử, rồi con làm...” Cậu tôi “à” một tiếng, rồi đọc lại bài thơ. Xong, ông nói: “Mày làm thơ lục bát chuẩn lắm. Học Hàn Mạc Tử nên có nhiều ý mới lạ. Cậu thích loại thơ này, nhưng thời nay người ta không thích đâu. Cất đi. Nhưng khi nào thích làm thơ thì mày cứ làm cho vui, chứ thành nhà thơ thì khổ lắm. Cổ kim có nhà thơ nào sung sướng gì đâu. Hàn Mạc Tử tài là thế mà đâm bệnh chết. Cụ Nguyễn Du nói rồi: Đã mang lấy nghiệp vào thân cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” . Tôi hiểu là ông vừa can ngăn vừa khuyến khích tôi.

Mười năm sau, tôi in tập thơ đầu tiên và mang về tặng cậu tôi một cuốn. Ông mừng lắm, thưởng cho tôi một chén rượu. Đọc xong tập thơ, ông hỏi: “ Sao không thấy bài thơ lục bát anh làm hồi đi học?” . Tôi giải thích: “Hồi đó cậu bảo con cất đi, bởi người ta không thích loại thơ ấy mà. Về sau con thấy cậu nói như vậy là đúng, nên con không đưa in đâu cả. Mà đưa in, người ta cũng không cho in đâu”. Cậu tôi lại “à” một tiếng, rồi nói: “Thôi thì cứ phải tuỳ thời. Rồi cũng có lúc in được đấy”.

Mấy tập sau, tôi đưa bài ấy đều bị gạt ra. Mãi đến năm 1989 nó mới được đăng trong tập thơ tình Gửi người không quen của tôi. Đấy là lúc văn học đã bước qua thời “đổi mới”, nhưng cậu tôi không còn được đọc bản in bài thơ đầu tiên của tôi, ông đã yên giấc 12 năm trước đó...


N.T.T.

Huế, ngày giỗ cậu tôi, 1993


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us