Nông dân, nông nghiệp...
Nông
dân, nông nghiệp:
Khâu rạn nứt
trong xã hội Việt Nam ?
Bùi Mộng Hùng
Ta có một tập quán đẹp : ăn cơm xong, xắp ngang đôi đũa trên miệng chén, hai tay bưng lấy nâng lên trán, cúi đầu tưởng nhớ đến công ơn những người đã đổ mồ hôi xót con mắt làm ra hạt gạo.
Năm 1989, sau khi cơ chế quản lý trong sản xuất nông nghiệp chuyển đổi, hộ sản xuất được coi là một đơn vị tự chủ trong sản xuất kinh doanh, nông dân được giao đất trong thời hạn 15 năm, lúa gạo chẳng những sản xuất ra đủ ăn cho dân chúng mà Việt Nam từ tình trạng đói kém triền miên nghiễm nhiên trở nên nước xuất khẩu đứng hàng thứ ba trên thế giới. Trong bốn năm, từ 89 đến 92, bán ra được trên 5,76 triệu tấn gạo, trị giá trên 1 tỷ US$. Chín tháng đầu năm 1993 xuất 1,3 triệu tấn dầu khí và gạo đứng đầu các mặt hàng xuất khẩu, góp phần nâng cao nền kinh tế của cả nước.
Đời sống dễ thở
hơn, công lao nhà nông chẳng nhỏ. Vừa được
giải phóng khỏi những ràng buộc giáo
điều của một chính sách nông nghiệp tập
thể cưỡng đặt, đã một nắng hai sương chân
lấm tay bùn làm ngay ra đủ cái ăn cho mọi
người, sản xuất ra một nửa tổng sản lượng quốc
dân, tạo một luồng dưỡng khí ngoại tệ cho
nền kinh tế mới hồi sinh.
Tình trạng các hộ nông nghiệp
Được mùa, người
nông dân có ăn, đỡ đói khổ hơn
trước. Bộ mặt nông thôn có thay đổi.
Nhưng, theo chủ tịch Hội nông dân Việt Nam
Nguyễn Văn Chính, thực trạng nông thôn chỉ
có 9% hộ giàu và khá (trong đó
1% giàu, 8% khá), 40% số hộ đủ ăn còn
khoảng 50% hộ nghèo trong đó tuỳ nơi có
từ 5 đến 10% thuộc diện cực nghèo (Tuổi Trẻ Chủ
Nhật 23.5.93).
Quả
là có
những gia đình khá lên nhanh. Đó là
những hộ có đất có vốn mua được máy
cày máy tuốt lúa, có con em hiểu biết
kỹ thuật, chủ hộ có kinh nghiệm sản xuất, gia
đình may mắn ở sát vùng kinh thuỷ lợi
có kênh đầu nguồn, được sử dụng điện
lưới quốc gia. Hoặc những hộ nắm được phân
phối vật tư và thu mua lương thực, dùng ghe
thuyền đi sâu vào xóm ấp để bán
phân bón và hàng tiêu dùng
(quần áo, dầu đốt...). Mua trả liền thì tính
theo giá thị trường lúc đó, nếu mua chịu
thì tới vụ - ba bốn tháng sau - phải trả lãi
suất từ 70 đến 100%. Lãi cao, phất lên nhanh.
Ở Nam bộ thu nhập hàng năm mỗi hộ tiếng là " giàu " này được từ 20 triệu đến 100 triệu đồng (khoảng 2 000 đến 10 000 US$) nhưng phải chi cho trên dưới 10 nhân khẩu trong gia đình. So với các ngành sản xuất kinh doanh khác ở vùng ven đô thị thì còn kém xa (Lao Động 4.7.93).
Còn hộ nghèo thì tháng 3 ngày 8 lo đói là chuyện thường. Theo điều tra trong chín tỉnh thuộc loại khá nhất nước ta, năm 1992, tỉ lệ nông dân thiếu ăn trên ba tháng chiếm tới 47% trong tổng số hộ nghèo (Tuổi Trẻ Chủ Nhật 23.5.93). Mặc dù từ 1988 đến 1992 sản xuất lúa gạo tăng 40%, khẩu phần ăn hàng ngày của gần 20% nông dân ở đồng bằng sông Hồng và 55% ở miền Trung không đạt 1 500 kilôcalo – mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới OMS là 2 300 calo (FEER 29.7.93).
Tại sao càng sản xuất nông dân Việt Nam càng thiệt thòi so với nhiều tầng lớp khác trong xã hội ?
Có nhiều lý
do. Nói chung là khi người nông dân được
cởi trói để làm ăn, đưa nông nghiệp ra
khỏi kinh tế tự cấp tự túc đi vào kinh tế
thị trường lúc đó mới lộ rõ chồng
chất các khó khăn của một nền nông
nghiệp căn bản không thay đổi từ xa xưa trước hai
vấn đề gay gắt : chuyển đổi cơ cấu để thích
nghi với tình thế mới, chen chân vào một
thị trường thế giới rất khắc nghiệt là thị
trường nông sản. Nhưng vấn đề còn chờ đợi
một chính sách nông thôn và nông
nghiệp đồng bộ và thích đáng hỗ trợ.
Những vấn đề gay gắt
1. Đất ít người
đông
Năm 1992, dân số nông thôn Việt Nam là 53 triệu, chiếm 80% dân số cả nước. Bình quân mỗi hộ ở nông thôn có 4,87 hộ khẩu. Tổng số lao động là 27,3 triệu bằng 75 % lao động cả nước. Mỗi năm lao động nông thôn tăng lên 80 000 người. Theo con số của bộ Thương binh và Xã hội, diện tích gieo trồng bình quân là 0,35 ha /lao động và 0,1 ha /đầu người.
Tháng 7.93 quốc hội thông qua đạo luật có hiệu lực kể từ 15.10.93, công nhận cho những người được nhà nước giao đất đầy đủ 5 quyền : chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất. Thời hạn giao đất là 20 năm đối với đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, và 50 năm để trồng cây lâu năm. Một biện pháp gắn bó nhà nông với ruộng đất. Người nông dân có ruộng " của mình ".
Ở những nơi đã hoàn thành tốt đẹp việc giao đất, vấn đề thừa lao động khi ấy mới nổi cộm lên. Như ở Hà Bắc, chủ tịch ủy ban nhân dân xã Tân Hưng Nguyễn Văn Hạ cho biết : " Cái khó của Tân Hưng là không có nghiệp làng, giao ruộng xong quả là có thêm giàu bớt nghèo, nhưng thừa nhân lực. " Hộ của ông Trịnh Văn Như, bộ đội về hưu ở với sáu người con đã lớn, được giao hơn một mẫu ruộng. Chỉ cần hai người canh tác là đủ. Những người khác phải đi kiếm việc, bất cứ việc gì ra tiền. Đi làm thuê, 6000 đồng / ngày (không có ăn) là mức người nông dân Tân Hưng chấp nhận. Thế nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Có một ít dịch vụ : trâu cày, công cày là 12 000 đồng / một sào, xay xát, lấy 15% số thóc gạo gia công. Nhưng các dịch vụ này càng ngày càng ít đi, vì khuynh hướng mua trâu cày và máy xay xát ngày càng phát triển. Thanh niên khoẻ mạnh Tân Hưng còn làm hàng xáo nuôi lợn, đạp xe đi 30 km để mua thóc giá rẻ hơn về thuê xay xát, rồi lại đem gạo đi bán ở chợ xa hơn nữa. Thường thì sau hai ngày đi chợ, mỗi người " lãi " được sáu bảy đấu cám (tương đương khoảng 10 kg gạo). Có điều là giá thịt lợn lên xuống không chừng, giá hạ thì làm hàng xáo không lãi nữa.
Chỉ
còn đường " kiếm ăn xa
xứ " ! (Lao động
12.9.93)
2. Thu nhập đã thấp lại thêm bấp bênh
Giá cả nông sản bấp bênh, được mùa mà lại lỗ. Năm nay cả hai miền đều trúng mùa. Cả nước dư hai triệu tấn. Theo Ban vật giá chính phủ, ở đồng bằng sông Cửu Long giá thành gạo là 650 - 700 đồng / kílô, nông dân phải bán 1000 - 1100 đồng / kg mới có lời. Song vừa qua giá thu mua có lúc chỉ đạt 800 – 900 đồng / kg, sụt hẳn 200 đồng so với giá năm trước. Tổng cục thống kê còn dự báo giá thu mua gạo sẽ còn giảm hơn nữa vì vụ hè thu có triển vọng vượt mức sản lượng năm 92 (Tuổi Trẻ 2.9.93). Cũng như được mùa mía năm 1992, giá một tấn từ 120 000 đến 150 000 đồng một tấn tụt xuống còn 50 000 đến 60 000, rẻ hơn củi, chỉ bằng được một nửa giá thành sản xuất. Có người thà đốt bỏ cả ruộng mía của mình còn hơn là chịu bán giá đó: Người sản xuất thiệt thòi triền miên, lúc cần bán thì " nhà nước không có tiền mua ", thời vụ mùa sau thôi thúc phải trả thuế, mua sắm, thanh toán nợ nần, lái thương ép giá bao nhiêu cũng đành chịu.
Trong cơ cấu nông nghiệp hiện nay, nhà nước và/hoặc tư thương chủ yếu nắm lấy các khâu trước (phân bón, thuốc trừ sâu ) và sau sản xuất (thu mua bán lại nông sản) là các khâu lãi cao. Để cho nông dân khâu sản xuất nông nghiệp là khâu ít lãi mà nặng nhọc nhất. Một điều tra ở 7 xã đồng bằng Bắc bộ của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp do các sinh viên thực tập của trường Đại học nông nghiệp I thực hiện, làm xong vào tháng 3.91 cho thấy " một người trong khâu mua 1ợn, giết mổ và buôn thịt lãi 75 lần hơn người sản xuất lợn. Đối với các nông sản khác tình trạng căng tương tự. "
Bị
chặn ở cả hai đầu ra đầu vào sản xuất, nông
dân hoàn toàn bị động, mặc tình nhà
nước và tư thương để cho bao nhiêu thì
biết bấy nhiêu. Phần được hưởng đã ít,
lại bấp bênh. Thêm vào đó hiện tượng
chênh lệch giá cả giữa sản phẩm nông
nghiệp và công nghiệp. Giá nông sản
giảm - 22% so với năm trước - trong khi sản phẩm công
nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu... tăng 12%
và dịch vụ tăng 27% (AFP 18.7.93). Chả trách,
thu nhập tương đối nhà nông mỗi năm mỗi teo
lại.
3. Gian truân trong xuất khẩu nông sản
Nhà nước nắm độc quyền ngoại thương. Tình hình xuất khẩu nông sản trong 7 tháng đầu năm nay có vẻ lạc quan : xuất khẩu gạo tăng 26%, cao su tăng 10,9%, cà phê tăng 18%, trà tăng 50%, thịt tăng 50%...
Xuất khẩu phải cạnh tranh quyết liệt với các nước khác. Theo số liệu của bộ thương mại, thị trường xuất khẩu gạo chính của ta trong năm 1992 là các nước châu Phi (35,2% lượng gạo xuất khẩu), châu Á (31,1 %), thị trường Trung Đông (10,5%), Bắc Mỹ 9,2%, Nam Mỹ 5,9%, các nước thuộc Liên Xô cũ 5,8%. Chất lượng gạo Việt Nam được nâng lên để đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới : Năm 1989 gạo xuất khẩu loại tốt 5% tấm chỉ là 0,3% còn hầu hết, 87% là hạng 35% tấm. Đến 1992, 18,5% gạo bán ra thuộc hạng 5% tấm và tỷ số loại 35% tấm xuống 23%.
Nhưng nhược điểm vẫn còn nhiều : độ trắng không đồng đều lẫn thóc và tạp chất, độ ẩm cao đặc biệt gạo vụ hè thu, tỷ lệ độ gãy không đều. 600 000 tấn vụ đông xuân năm nay ở đồng bằng sông Hồng bị ứ lại, một phần cũng vì thiếu phương tiện sấy bảo quản tốt vì thế mà tỷ lệ bị vỡ quá cao khó bán ra nước ngoài. Đã có nhiều quan tâm đầu tư cải tiến kỹ thuật xay xát, chế biến, đánh bóng, tuyển chọn cải tạo giống lúa gạo trắng hạt dài. Nhưng ngay tại tỉnh trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, theo chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ Bùi Văn Hoành, năng lực xay xát đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mới đáp ứng được 50% nhu cầu (SGGP 29.5.93).
Giá gạo Việt Nam bị thiệt thòi chẳng những vì chất lượng kém, mà theo lời bộ trưởng bộ thương mại Lê Văn Triết còn là " do ta chưa có thị trường tiêu thụ trực tiếp với khối lượng lớn và ổn định phải bán qua trung gian " (Lao Động 14.2.90).
Không giao dịch được với các thị trường lớn, buộc phải qua trung gian là nguyên do những vụ " thua " lớn. Vào tháng 5.93 giá thế giới hạt điều thô là 800 - 830 US$ một tấn. Các nhà xuất khẩu của ta phải bán 14 000 tấn với giá 700 - 790 US$ vì bị trung gian Ấn Độ và Xingapo đột ngột giảm giá.
Và còn nhiều nguyên nhân thua thiệt khác.
Trong vụ cà phê 1992 - 1993, Vinacafé ký hợp đồng xuất khẩu 13 000 tấn với giá 650 US$ / tấn. Đến lúc giao hàng thì giá cà phê tăng lên hơn 1000 US$ / tấn : hụt mất 4,5 triệu US$. Chỉ vì rằng không mua thông tin trực tiếp về giá cả cà phê từ Luân Đôn nên mù tịt không biết đã có dự báo từ trước là giá cà phê sẽ tăng. Mặt khác Việt Nam không là hội viên của Hiệp hội cà phê quốc tế (ICO) dễ bị ép giá, chỉ bán được 70 - 80% so với giá bán của các nước hội viên.
Chính sách cạnh tranh trên thế giới linh động và có những " vũ khí " hữu hiệu. Năm 1993 các nước sản xuất gạo đều được mùa, tăng hơn 26 triệu tấn. Việt Nam trong những năm qua bán gạo rất rẻ để thu hút khách hàng, giá thấp hơn gạo Thái Lan 30 - 50 US$/tấn. Năm nay Thái Lan hạ giá thấp hơn Việt Nam từ 5 đến 10 US$/tấn. Lại kèm theo những điều kiện dễ dãi như nhận bán chịu 100 triệu đôla (Tuổi Trẻ 2.9.93).
Một ví dụ khác là thị trường cao su ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Bế tắc sau các biến động chính trị từ cuối năm 1990 vì Việt Nam và các nước đó không thoả thuận với nhau được về phương thức thanh toán. Thừa dịp các doanh nghiệp Malaysia đã nhảy vào chiếm lĩnh với những điều khoản dễ dãi : cho khách thiếu nợ kèm theo khoản hoa hồng hấp dẫn. Ngoài ra việc xuất cao su của ta còn phải chịu những hạn chế vì Việt Nam chưa là thành viên của Hiệp hội cao su thế giới.
Nông
dân Việt Nam sẽ cứ mãi thiệt thòi khi còn
thiếu thông tin, thiếu chiến lược thị trường,
thiếu nề nếp, chính sách hữu hiệu cho xuất
khẩu.
Những điều chỉnh tự phát
Người thừa, việc
thiếu, có làm mà không có ăn,
một số hiện tượng đang thay đổi xã hội và
nếp sản xuất nông thôn.
1. Kiếm ăn xa xứ
Báo cáo của bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra con số khoảng 10 triệu lao động thiếu việc làm ở nông thôn. Nảy sinh ra ba dòng di chuyển đi làm thuê lớn : từ nông thôn ra đô thị, từ đồng bằng lên các vùng trung du và miền núi, từ các tỉnh miền Bắc vào miền Nam (Lao Động 30.5.93).
Từ 1989, đồng bằng sông Cửu Long tăng tỷ số đô thị hoá, nhà nông không có đất cày bỏ ra thành thị. Ngược lại tại đồng bằng sông Hồng lại có hiện tượng giảm mức đô thị hoá, người lao động trở lại nông thôn làm ăn.
Nhưng từ hai năm nay thấy xuất hiện ở Hà nội nhiều " chợ người " bán sức lao động. Lúc đầu chợ họp ở ngoại ô như Cổ Nhuế, Nhổn, Văn Điển, Bát Tràng..., hiện nay đã chuyển dịch vào trong Chợ Dừa, Giảng Võ, Thành Công là những tụ điểm lớn nhất thường có khoảng 400 người, ngoài ra còn nhiều chợ nhỏ hơn. Theo số liệu điều tra của thành phố Hà nội, năm 1992 số lao động sống trôi nổi lên tới 16 000 người, làm các việc đạp xích lô, đào đất làm gạch, làm các việc linh tinh, xây nhà, bới nhặt rác... Khác với những năm trước, bây giờ người lao động ngoài tỉnh bám chặt các tụ điểm mà sống quanh năm, không về quê nữa, việc nông trang thời vụ để vợ con, anh em lo.
Họ là những người vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, Vĩnh Phú, ở các tỉnh Thái Bình, Nam Hà, Hà Tây, Hải Hưng, Hà Bắc, Thanh Hoá... 90% ở lứa tuổi 16 - 30, phần lớn (70%) học tới trình độ trung học cấp 3, có người tốt nghiệp đại học, nhưng hầu hết không có nghề. Trung bình mỗi lao động kiếm mỗi tháng khoảng 300 000 - 400 000 đồng. Trừ tiền ăn 5000 đồng mỗi ngày, tiền ngủ trọ gần nơi có việc làm 500 đồng / tối hoặc tằn tiện ngủ ngay ở vỉa hè hay dưới mái hiên, còn dư gửi về quê (theo Lao Động 30.5.93 và Tuần Tin Tức 29.5.93).
Dân
gian có câu nói hài hước : " Người
Hà Nội đi xây dựng vùng kinh tế Lâm
Đồng, còn người các tỉnh về xây dựng
kinh tế ở Hà Nội ".
2. Chuyển đổi phân bố canh tác và chăn nuôi
Vị trí độc tôn của lúa giảm chút ít. Trong nhận thức của các vị lãnh đạo địa phương và trong thực hành. Nông dân tìm cách sản xuất thêm nhờ chăn nuôi hay trồng trọt các loại hoa màu bán được giá. Xin nêu vài ví dụ cụ thể.
Như bắp. Năm 1993, sản lượng các tỉnh phía Nam đạt 216 000 tấn, tăng 66 000 tấn so với năm 1992. Năm nay do nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu bắp sang Đài Loan, Hồng Kông, Xingapo, Malaixia với giá 110 - 120 US$/tấn giá thu mua là 830 - 840 đồng/kg bắp. Với giá này nông dân trồng bắp lãi 40% trong ba tháng.
Những vùng thuộc Đồng Tháp Mười chưa được khai hoang, cho tới nay vẫn phải trồng lúa nổi vì mùa nước ngập không thể làm gì khác hơn. Năng suất rất thấp, khoảng 2 tấn /ha, chỉ đủ ăn cho gia đình. Sau lúa, trước đây gieo đậu xanh hoặc đậu nành trên ruộng giạ, thu hoạch cũng chẳng được bao. Từ ít năm nay, sau khi người nông dân đã tự phát hiện ra bắp chịu đất này, đời sống khá hẳn lên.
Từ hai ba năm phong trào trồng nấm rơm xuất khẩu đã bắt rễ ở miền Tây Nam bộ. Nông dân Cần Thơ, Sóc Trăng, Cửu Long, Đồng Tháp, Minh Hải, An Giang... sau mỗi vụ lúa tận dụng rơm rạ để ủ nấm rơm theo hướng dẫn của các kỹ sư các trạm thu mua của Xí nghiệp chế biến thực phẩm MEKO đặt khắp các huyện. Trong năm 1991 đã bán ra gần 6 000 tấn nấm rơm nguyên liệu, trị giá trên 23 tỷ đồng nghĩa là tương đương với 23 000 tấn lúa được thu mua với giá 1000 đồng /kg.
Ở nhiều vùng, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi cá phát triển nhanh. Năm nay, tại vùng ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh mức đầu tư cho chăn nuôi là 30 tỷ đồng lần đầu tiên đã tăng cao hơn trồng trọt.
Hà Tĩnh mới nảy ra nghề nuôi hươu. Nhung là sừng non con hươu đực là vị thuốc quý của Đông y. Một cặp nhung bán được khoảng 2,5 triệu (giá đầu năm 93). Nuôi một con hươu thu nhập bình quân bằng 1 ha trồng lúa. Nhưng vốn ban đầu khá lớn với nông dân : một con hươu đực giá 5 triệu đồng (khoảng 500 US$) hươu cái giá 25 triệu đồng một con, không có sừng nhưng đẻ con. Một phương thức thường được áp dụng là con hươu chia làm 4 cổ phần, gọi là chân. Chung vốn nhau, thu nhập chia làm 5 phần, mỗi chân hươu được 1 phần, người bỏ công chăn nuôi – để ràng buộc trách nhiệm, thường là người đã có cổ phần – được 1 phần. Vì thế mà dân Hà Tĩnh nói chuyện hươu " năm chân ". Hiện nay trên toàn tỉnh Hà Tĩnh số hươu nuôi là trên 5000 con, dự kiến năm sau tăng lên 7000 con.
Có
những cán bộ Hà Tĩnh tuyên bố nông
dân của họ sẽ " cưỡi hươu " đi lên
giàu có...
3. Dịch vụ trong sản xuất
Chủ yếu là ở Nam bộ, sản lượng lúa cao, lại có người đủ tiền đầu tư mua máy cày, máy bơm, máy tuốt lúa, thuê các dịch vụ cày, tưới nước, tuốt lúa rẻ hơn là tự làm lấy.
Vào thời điểm đầu năm 93, ở miền Tây Nam bộ, công bơm nước là 200 000 đồng /ha. Công tuốt lúa, nếu lúa không tốt lắm là 200 000 đồng / ha, còn nếu lúa tốt thì ăn chia 1 phần 25, cứ tuốt được 25 giạ thì người có máy lấy giạ thứ 26 (mỗi giạ là 22 kg lúa). Có máy cho thuê dịch vụ được lời khá : ông Trần Văn Thái huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An ngoài 18 ha canh tác có một máy cày cho đi cày thuê. Cứ một hécta khoán cho người thợ lái máy 7,1 lít dầu và 20 000 tiền công, và thu của chủ đất 200 000 đồng. Trừ công thợ, tiền dầu, khấu hao máy, chủ máy cày thuê lời 150 000 đồng /ha. Riêng vụ đông xuân 1993, ông Thái thu lãi dịch vụ cày thuê 20 triệu đồng.
Tỉnh
An Giang có sáng kiến xây dựng hệ thống
dịch vụ phòng trừ tổng hợp trong toàn tỉnh.
Đơn vị chủ chốt là các đội ở huyện có
nhân viên – trung bình 3 người – tại mỗi xã
trong huyện. Đội ký hợp đồng với các chủ
ruộng, đảm bảo trách nhiệm theo dõi sâu
bệnh, xử lý kịp thời và bồi thường thiệt
hại nếu để xẩy ra sâu bệnh. Thể nghiệm 2 năm
nay, nông dân thừa nhận là giải pháp
phòng trừ tổng hợp có hiệu quả cao hơn cách
mạnh ai nấy lo riêng cho thửa ruộng của mình.
Đợt rầy nâu trong vụ đông xuân 1990 - 1991
gây thiệt hại lớn cho Cần Thơ và các
tỉnh lân cận, riêng An Giang thoát được.
Chi phí lại rẻ hơn. Làm cá thể mất
khoảng 400 000 đồng/ha trong khi theo hệ phòng trừ
tổng hợp chỉ mất 100 000 đồng.
4. Tập trung ruộng đất
Như đã nói ở trên, mỗi hộ được giao những mảnh ruộng nhỏ vụn. Có nơi một hộ chỉ được 0,2 ha hoặc 0,3 ha. Không thể bám vào mảnh ruộng cỏn con ấy mà sống nổi. Ngay từ trước khi quốc hội thông qua đạo luật nhìn nhận quyền chuyển nhượng, đã thấy hiện tượng tập trung ruộng đất, người bán ruộng để đi làm thuê hoặc chuyển nghề, kẻ khác mua lại, tăng diện tích canh tác. Hiện tượng này đang diễn ra khá mạnh ở các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Miền Bắc cũng có xu hướng này nhưng cường độ thấp hơn.
Luật đất đai quốc
hội vừa thông qua hạn mức đất trồng hàng
năm của mỗi hộ gia đình là không quá
3 ha. Canh tác 2 ha, làm một năm 2 vụ thu hoạch
được 20 tấn lúa, thì một hộ được lãi
khoảng 10 triệu (khoảng 1000 US $), đủ ăn, đủ mua sắm
một ít đồ dùng, chung nhau mua máy bơm,
máy tuốt lúa.... Nhưng phải ở những nơi đất
rộng mới có một tỷ suất khá cao hộ gia đình
canh tác từ 2 ha trở lên. Như huyện Thoại Sơn
tỉnh An Giang số hộ này chiếm 23 % tổng số. Hãn
hữu đôi nơi có hộ làm chủ 100 ha.
Điều kiện để nông thôn phát triển
75% lao động của cả
nước tập trung vào nông nghiệp. Đất hẹp,
người đông. Phân bố lại lao động, phân
bố lại sản xuất, tập trung ruộng đất thành
những cơ sở nông nghiệp đủ sức sống là
những hướng chuyển biến đương nhiên. Vấn đề là
trong cơn thai nghén cơ cấu xã hội mới – chuyện
không thể tránh và cũng không nên
tránh – làm sao cho người nhà nông
không đất cày không bị hất ra lề đường.
Mà có chỗ đứng trong sản xuất, làm giàu
cho bản thân và cho xã hội.
Báo cáo vào tháng 9 vừa qua của Hội nông dân Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhiều điểm đáng chú ý. Số hộ có thu nhập trên 30 triệu đồng một năm hiện là khoảng 16 000, chiếm 15% tổng số hộ nông dân thành phố, tăng gấp đôi so với năm 1990. Các hộ có thu nhập cao tập trung trong ngành chăn nuôi, chế biến nông sản, kế đó là chăn nuôi kết hợp với trồng trọt. Đa số người khá lên đều ở độ văn hoá trên cấp II hoặc trong gia đình có người học đại học. Từ đó có thể lấy ra vài điểm có ý nghĩa trong hướng tạo công ăn việc làm, sản xuất thêm ra của cải : vai trò của những ngành chưa được chú ý đúng mức như chăn nuôi, của công nghiệp và thủ công nghiệp, đặc biệt là chế biến nông sản. Và sự cần thiết của trình độ văn hoá, giáo dục đào tạo.
Những hiện tượng
điều chỉnh cơ cấu xã hội thích nghi với
tình thế mới phát sinh khắp nơi. Tuy nhiên
tác dụng sẽ hạn chế nếu không được một
chính sách nông thôn và nông
nghiệp đồng bộ hỗ trợ, giải quyết một số vấn đề
mấu chốt.
1. Cơ cấu hạ tầng
Một chuyên gia quốc tế về nông nghiệp thường tuyên bố rằng ba điều kiện thiết yếu cho phát triển nông thôn là : " Giao thông, giao thông, và giao thông. " Để nói lên điều này quan trọng tới chừng nào.
Một phần ba 11 000 km đường tiếng là quốc lộ thật ra chẳng khác gì đường mòn, hệ đường thứ yếu điêu tàn đến mức nhiều đoạn chỉ còn là một vệt lờ mờ. Hệ kinh đào ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng bị bồi lấp cần phải nạo vét. Cảng sông như Cần Thơ không được tu bổ, chưa nhận nổi tàu cỡ lớn vào ăn gạo để đi xa, gạo Việt Nam phải thua thiệt về giá.
Nhiều vùng nông thôn chưa có điện. Nông nghiệp thiếu phương tiện phơi sấy, phải phơi lúa trên mái nhà, trên lòng đường, thiếu kho tồn trữ và bảo quản như tháp xilô. Vì thế các nhà chuyên môn tại hội nghị về bảo quản và tồn trữ lương thực tháng 6.92 cho rằng hàng năm hao khoảng 25% tổng sản lượng lương thực.
Cơ tấu hạ tầng còn
chưa phát triển thì nông thôn vẫn mãi
còn lạc hậu.
2. Vốn đầu tư sản xuất
Vay nặng lãi bán lúa non là điều cơ cực của nhà nông, nai lưng ra làm cho kẻ khác hưởng. Trước đây, nông dân đến gõ cửa ngân hàng thì may mắn lắm mới được cho vay. Thủ tục nhiêu khê lắm khi được lãnh tiền về thì đã qua thời vụ.
Gần đây sau khi chỉ thị 202/CT ngày 28.6.91 của Hội đồng bộ trưởng đã ban hành (nghị định 14/CP ngày 2.3.93 của chính phủ bổ sung) qui định chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn nông thôn, Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam mới bắt đầu cho hộ nông dân trực tiếp vay từ 1992. Đã có 18 % tổng số hộ nông dân trong cả nước đã được cho vay. Bình quân mỗi hộ được vay khoảng 1 triệu đồng (100 US$) với lãi suất 3 % /tháng. Ngân hàng đã bắt đầu áp dụng một số biện pháp dễ dãi cho con nợ. Như cho vay " lưu vụ ": đối với các vụ mùa liền nhau, thay vì phải trả nợ vụ trước, làm thủ tục xin vay tiếp vụ sau, nông dân chỉ phải trả lãi và được để nợ lại sử dụng tiếp cho vụ sau. Và đang có kế hoạch mở rộng cho vay vốn ở khu vực thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Một bước tiến dài. Nhưng còn xa với nhu cầu thực tại. Theo Ngân hàng thế giới, hiện nay số lượng tín dụng mỗi năm trong nông thôn Việt Nam qui ra đôla là khoảng từ 2,5 đến 3 tỷ US$. Mà tổng lượng kỳ phiếu của Ngân hàng nông nghiệp chỉ tương đương với 236 triệu US$, nghĩa là đáp ứng 10% nhu cầu. Còn 90% là vay mượn theo con đường truyền thống, nghĩa là với lãi suất cắt cổ 20 - 25% / tháng (Viet Nam Transition to the Market, Việt Nam, chuyển tiếp qua thị trường, The World Bank, 9.93, tr.150).
Ngân hàng cho vay phải có thế chấp. Các hộ nghèo không với tới, tỷ lệ trong số người được vay rất thấp. Tới nay ngân hàng chưa có phương thức cho vay không đòi cầm cố.
Mở
rộng tín dụng cho nông thôn không phải
là một ơn huệ. Mà chính là một
biện pháp kinh tế. Thiếu
đầu tư – làm cực
mà không khá – không có sức tiêu
thụ – kinh tế không phát triển – thiếu vốn đầu
tư là cái vòng luẩn quẩn lôi cuốn
ghịt chặt hơn một nửa nhân dân cả nước
trong nghèo khó. Chưa có đầy đủ tín
dụng cho đầu tư sản xuất chẳng khác gì chưa
mồi nước, máy bơm nước còn chưa khởi động
được. Đây chính là trường hợp mà
công bằng xã hội tương tác với năng động
và phát triển kinh tế mà người ta đã
được thấy trong " 30 năm huy hoàng " (les
trente glorieuses) phát triển kinh tế liên tục ở
châu Âu.
3. Tổ chức hiệp hội
Sản Xuất ở nông thôn ta hiện, và sẽ còn trong một thời gian dài, là sản xuất nhỏ. Với tất cả những yếu kém của sản xuất xé lẻ Nếu không biết tổ hợp lại với nhau.
Nông nghiệp Pháp căn bản là sản xuất trên diện tích nhỏ. Ngay các nhà chuyên canh ngũ cốc được tiếng là khai thác diện tích tương đối lớn mà trung bình cũng chỉ canh tác cỡ 100 ha. Chẳng thấm vào đâu với các nông trại hàng nghìn héc ta ở Hoa Kỳ. Thế nhưng họ tổ hợp thành hợp tác xã tự quản, và nông nghiệp Pháp thực sự tạo được phương thức sản xuất công nghiệp. Nhờ đó mà chiếm hàng thứ hai trên thế giới.
Muốn đứng được trong thị trường nông sản vốn rất khắc nghiệt, các nhà sản xuất ở nông thôn Việt Nam không có con đường nào khác là liên kết với nhau thành hợp tác xã – khác với hình thức hợp tác xã trước đây vì là tự nguyện và tổ chức theo nhu cầu thực tế. Điều kiện là được quyền tự do hiệp hội.
Nông
dân là
lớp người hy sinh nhiêu nhất cho cách mạng Việt
Nam thành công. Độc lập, thống nhất, họ vẫn
mãi chịu thiệt thòi. Chính những nông
dân ở vùng kháng chiến cũ, các vùng
biên giới Tây Nam, vùng ven biển miền Nam là
trong những người gặp khó khăn nhất. Một khâu
rạn nứt nếu không có một chính sách
nông nghiệp và nông thôn thích
đáng, nếu không dẹp được nạn cường hào
" mới ".
Điều đương thấy là gần bên ta, Trung quốc cũng có nhiều điểm tương đồng với ta, mặc dù xây dựng được những " hương trấn " trù phú đem công ăn việc làm cho một số nông dân không đất cày vẫn không tránh nổi cho mức sống nông dân đừng dẫm chân tại chỗ. Nông dân bất bình biểu tình nổi lên nhiều nơi trong khắp nước suốt mấy tháng vừa qua.
B.M.H (11.93)
Các thao tác trên Tài liệu