Tin tức
Tin tức
Hội nghị nửa nhiệm kỳ của đảng cộng sản VN: thay thủ tướng Võ Văn Kiệt?
Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam vừa phổ biển để thảo luận trong các đảng bộ một văn bản dự thảo báo cáo chính trị cho hội nghị đại biểu toàn quốc của đảng sẽ họp vào tháng 1.1994 tới. Đánh giá tình hình đất nước sau bảy năm “đổi mới”, bản dự thảo cho rằng “nền kinh tế không chỉ vượt qua được bước hiểm nghèo mà còn ra khỏi tình trạng suy thoái, đạt mức độ tăng trưởng đáng kể trên nhiều lĩnh vực và bắt đầu đi vào thế phát triển năng động.” Đồng thời, dự thảo khẳng định “sự ổn định chính trị là hệ quả tổng hợp những thành tựu đổi mới, trong đó đổỉ mới kinh tế là trọng tâm, đi liền với từng bước đổi mới về chính trị.”
Hai năm 1994-1995 còn lại của nhiệm kỳ ban lãnh đạo đảng hiện nay được dự báo là những năm xã hội Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới: thời kỳ “ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước”. Theo dự thảo, công nghiệp hoá và hiện đại hoá trước hết đòi hỏi mở rộng qui mô tích luỹ cho sản xuất, tăng tỉ trọng đầu tư từ 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 25 hoặc 30%. Để đạt mức đầu tư cần thiết, công nghiệp hoá và hiện đại hoá phải được “ đặt trong bối cảnh quốc tế hoá sản xuất, đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ với nước ngoài, xây dựng một nền kinh tế mở cửa cả với trong và ngoài nước”.
Bản dự thảo xác định lại những chính sách xây dựng kinh tế thị trường với sự hình thành đồng bộ của các loại thị trường hàng hoá, sức lao động, tiền vốn, bất động sản, v.v... Về chức năng quản lý vĩ mô của nhà nước, văn bản khẳng định trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm môi trường hoà bình và trật tự cho mọi hoạt động kinh tế; cũng như nhiệm vụ điều tiết và phân phối thu nhập, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng và ổn định xã hội. Không thấy dự thảo nói gì về những bước đổi mới chính trị, ngoài câu quen thuộc “phải đi liền với quá trình đổi mới kinh tế”.
Theo báo Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 24.10, toàn văn bản dự thảo sẽ được công bố một ngày gần đây, để “lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội”.
* Không khí ngột ngạt về chính trị, tư tưởng hiện nay ở Việt Nam khiến cho không mấy ai chờ đợi hội nghị nửa nhiệm kỳ sắp tới này có thể đặt vấn đề dân chủ hoá đời sống quốc gia gắn với công cuộc phát triển kinh tế thị trường. Tầm quan trọng, nếu có, của hội nghị, do đó sẽ chỉ giới hạn trong những vấn đề nhân sự. Những tin đồn dai dẳng từ một năm nay ở Hà Nội, và dồn dập hơn gần đây, cho rằng có nhiều khả năng ông Võ Văn Kiệt – người được xem là có nhiều bản lãnh nhất trong bộ chính trị hiện nay – sẽ phải nhượng vị trí thủ tướng cho ông Phan Văn Khải, một nhân vật có nhiều quan điểm cải cách gần ông Kiệt nhưng không bị sự chống đối gay gắt của các thế lực bảo thủ nhất trong ban chấp hành trung ương đảng như đương kim thủ tướng. Nhiều kịch bản đã được đưa ra, kết hợp sự thay đổi thủ tướng với thay đổi tổng bí thư và chủ tịch nước: a/ Các ông Võ Văn Kiệt và Đỗ Mười đều bị đẩy về hưu, ông Lê Đức Anh (nhân vật thứ 2 trong bộ chính trị hiện nay, đương kim chủ tịch nước lên làm tổng bí thư; b/ ông Võ Văn Kiệt làm chủ tịch nước, ông Lê Đức Anh làm tổng bí thư, ông Đỗ Mười về hưu; c/ ông Võ Văn Kiệt làm chủ tịch nước, ông Đỗ Mười vẫn giữ vị trí tổng bí thư, ông Lê Đức Anh về hưu. Trong cả ba kịch bản, ông Phan Văn Khải làm thủ tướng.
Nhưng đến nay, các cuộc đấu đá nội bộ trong thời gian tiền hội nghị cho thấy tình huống có nhiều khả năng xẩy ra nhất là sự duy trì nguyên trạng ở chóp bu cả bộ máy đảng và nhà nước! Trong tình huống đó, những thay đổi về nhân sự lãnh đạo sẽ hạn chế trong vài trường hợp vào hay ra ban chấp hành trung ương của một số nhân vật mới được thăng chức hay mất chức trong bộ máy nhà nước hai năm vừa qua. Và dĩ nhiên, người ta không loại trừ khả năng một số tin đồn vừa qua lại do chính phe của ông Kiệt tung ra, như là những báo động – thật hay giả – đối với dư luận, kể cả dư luận quốc tế.
1 tỉ 860 triệu đôla
Đó là tổng cộng những con số mà các nước và các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam, họp tại Paris ngày 9 và 10 tháng 11 vừa qua, đã cam kết viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay nhẹ lãi để tài trợ các dự án phát triển của Việt Nam trong năm 1994. Con số 1,86 tỉ đôla này vượt khá xa những dự kiến của các nhà quan sát trước khi hội nghị bắt đầu (ước lượng thường được đưa ra là từ 1 tới 1,5 tỉ). Nhưng theo nhiều nhà quan sát, Việt Nam sẽ không tiếp nhận được hết số viện trợ này trong năm 1994, một phần quan trọng của tiền viện trợ sẽ được dành cho việc nghiên cứu tính khả thi của những công trình.
Đứng đầu danh sách các nước mạnh thường quân là Nhật Bản, với 60 tỷ yen (khoảng 555 triệu đôla), trong đó 52,3 tỉ dành cho các dự án kinh tế - xã hội như một số nhà máy nhiệt điện, việc sửa chữa các cầu trên quốc lộ 1 và trên đường sắt Thống nhất, công trình nâng cấp bệnh viện Chợ Rẫy (800 triệu yen, trên tổng số 3 tỉ yen viện trợ không hoàn lại dành cho các dự án phúc lợi xã hội). Ngoài ra, 3 tỉ yen viện trợ không hoàn lại khác sẽ được dành cho việc điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế, đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ, v.v... Những nước cam kết góp vốn nhiều nhất sau Nhật là Nam Triều Tiên (65 triệu đôla), Anh (60 triệu), Pháp (50 triệu). Các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB) hứa hẹn 800 triệu đôla.
Dưới sự chủ trì của Chương trình Liên hiệp quốc vì phát triển (UNDP) và WB, thành viên chính thức của hội nghị gồm 20 nước, trong đó có 6 nước của nhóm G7 (trừ Mỹ), Úc, Nga, Nam Triều Tiên, Thái Lan, Thuỵ Điển, v.v... và 10 tổ chức quốc tế – ngoài UNDP, WB, IMF, ADB, có Quỹ hợp tác tài chính quốc tế (IFC), tổ chức Giáo dục và Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF)...– Hoa Kỳ, Trung Quốc, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc (HCR)... cử đại diện tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên.
Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, phó thủ tướng Phan Văn Khải đã giới thiệu với hội nghị chiến lược phát triển kinh tế và những chỉ số kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ông nhắc lại mục tiêu tới năm 2000 tăng gấp đôi GDP so với năm 1990, và đề ra chỉ tiêu huy động khoảng 40 tỉ đôla từ đây đến năm 2000, trong đó chính phủ Việt Nam trông cậy khoảng 7 tới 8 tỉ đôla viện trợ quốc tế, 13 tỉ đầu tư nước ngoài, phần còn lại từ trong nước. Ông cũng cho biết chính phủ sẽ thống nhất quản lý viện trợ bên ngoài và vốn huy động trong nước để sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông cho biết Uỷ ban kế hoạch nhà nước sẽ được giao công tác đầu mối này, phụ trách cả hội đồng thẩm định các dự án và hội đồng đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên, theo thông cáo báo chí của hội nghị, các thành viên tham dự khuyến cáo nên giao cho Uỷ ban kế hoạch nhiệm vụ phối hợp trong nước và cho bộ tài chính trách nhiệm quản lý nợ nước ngoài, với sự hỗ trợ thường xuyên về kỹ thuật của UNDP và WB.
Hội nghị đồng ý với chính phủ Việt Nam là cần tập trung tiến hành các cải cách kinh tế vĩ mô, như các khâu thuế khoá, ngân hàng, quyền sở hữu và các luật lệ khác, cải cách hành chính, tạo điều kiện để thị trường tư bản và lao động hoạt động dễ dãi hơn, v.v... Hội nghị cũng khuyến cáo cần mở rộng khu vực kinh tế tư nhân, chú trọng các chính sách xã hội để bảo vệ người nghèo và người thất nghiệp, chú trọng y tế và giáo dục để nâng cao khả năng về nhân lực của Việt Nam. Bản thông cáo báo chí cũng nhắc lại, một số nước tham gia tài trợ cho Việt Nam đã nhấn mạnh là yêu cầu phát triển nhân lực đòi hỏi chú trọng tới dân chủ hoá và quyền con người, song song với sự chú trọng tới việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống.
(Tổng hợp nhiều nguồn tin)
Chủ tịch Lê Đức Anh đi Bắc Kinh
Nhân vật đứng thứ hai trong bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam, chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đi thăm Trung Quốc một tuần lễ, từ ngày 9 tới 15.11.1993. Cùng đi với ông, có ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm và bộ trưởng chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư Đậu Ngọc Xuân. Từ năm 1955, đây là lần đầu tiên một chủ tịch nước Việt Nam lại tới thăm chính thức Trung Quốc. Trước chuyến đi, người phát ngôn của bộ ngoại giao Trung Quốc đã cho biết, hai bên sẽ tập trung bàn về sự tăng cường các quan hệ song phương, đặc biệt là về thương mại ở vùng biên giới và về các khả năng Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, các vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ không được đề cập tới, và sẽ không có thông cáo chung kết thúc chuyến đi. Tại Bắc Kinh, ông Lê Đức Anh đã hội đàm với chủ tịch Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và thủ tướng Lý Bằng, sau đó ông đã đi thăm Thượng Hải và Côn Minh.
(AFP 9, 10 và 16.11.93)
Phái đoàn Phòng thương mãi Pháp
Một phái đoàn các Phòng thương mãi và kỹ nghệ Pháp (CIC) đã tới Hà Nội ngày 9.11.1993, trong một chuyến đi thăm Việt Nam, Cam Bốt và Philipin. Đoàn đã làm việc với ông Đoàn Duy Thành, chủ tịch Phòng thương mãi Việt Nam và với các phó chủ tịch Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư của Việt Nam. Ông Raymond Cerruti, dẫn đầu phái đoàn, cho biết các nhà kinh doanh Pháp coi vùng Nam châu Á, đặc biệt Việt Nam, là một vùng đầu tư ưu tiên và tỏ ý muốn thành lập một Phòng thương mãi Pháp-Việt, dựa trên các xí nghiệp Pháp đã có mặt tại Việt Nam.
Quan hệ Pháp-Việt còn được đánh dấu bằng chuyến đi thăm Paris của chủ tịch quốc hội Việt Nam Nông Đức Mạnh (cuối tháng 10) và việc ký kết một nghị định thư tài chính 250 triệu FF cho năm 1993, gồm 100 triệu viện trợ và 150 triệu cho vay để tài trợ những dự án phát triển của các thành phố lớn. Trong chuyến đi thăm Việt Nam hồi tháng 2 năm nay, tổng thống Mitterrand đã hứa tài trợ cho Việt Nam một ngân khoản 360 triệu FF trong năm 1993. Theo bộ trưởng ngoại giao Pháp Edmond Alphandéry, lời hứa này sẽ được tôn trọng, 110 triệu còn lại, dưới hình thức tiền cho vay của Quỹ phát triển của Pháp (Caisse française de développement), sẽ được ký kết trong một tương lai gần. Pháp cũng hứa sẽ ủng hộ Việt Nam trong các cuộc thương lượng hoãn nợ với “câu lạc bộ Paris” (tập hợp các nước chủ nợ của Việt Nam) vào tháng 12 tới đây.
(AFP 26.10, 10 và 11.11.93)
Quan hệ Việt Nam – CEI
Theo báo Lao Động ngày 14.11.93, một hợp đồng trao đổi thương mãi trị giá 500 triệu đôla đã được ký kết giữa Tổng công ty vật tư nông nghiệp Việt Nam và tập đoàn Infocenter của Nga. Đây là hợp đồng thương mãi quan trọng nhất giữa Việt Nam và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CEI), từ khi Liên Xô sụp đổ. Theo hợp đồng, phía Việt Nam sẽ bán sang các nước cộng hoà thuộc CEI, trong năm 1994, 260.000 tấn gạo, 10.000 tấn cà phê và hàng ngàn tấn rau quả, thịt thà, và sẽ nhập từ các nước này 600.000 tấn phân bón, 200.000 tấn sắt xây dựng. Việt Nam còn nợ các nước CEI (chủ yếu là Nga) khoảng 9 tỉ đôla, và hơn 50.000 người Việt Nam hiện đang sinh sống ở CEI (theo chính quyền các nước sở tại, con số này lên đến hơn 80.000, thậm chí có thể tới 200.000 người) bằng các nghề buôn bán nhỏ và buôn lậu. Trong chuyến đi thăm các nước Nga, Ukraine và Bélarussie 10 ngày cuối tháng 10, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã kêu gọi nhà cầm quyền Nga có biện pháp bảo vệ an ninh cho kiều dân Việt Nam. Ngoài các quan hệ kinh tế, Nga và Việt Nam tiếp tục có những quan hệ quân sự như việc mua bán vũ khí và việc Việt Nam cho phép các tàu quân sự Nga sử dụng cảng Cam Ranh. Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Đào Đình Luyện sẽ tới thăm Nga vào giữa tháng 11.
(AFP 1, 13 và 14.11.93, FEER 11.11.93)
Bốn vị sư bị xử tù
Toà án nhân dân thành phố Huế ngày 16.11.1993 đã kết án các đại đức Thích Trí Tựu và Thích Hải Tạng mỗi người 4 năm tù, các đại đức Thích Hải Thịnh và Thích Hải Chánh mỗi người ba năm tù, vì các tội “phá rối trật tự và an ninh công cộng” ngày 24 tháng 5 năm nay ở Huế (xem Diễn Đàn số 21 và 22). Ngoài ra, 5 thường dân tham gia cuộc biểu tình hôm ấy cũng bị kết án từ 6 tháng tới 2 năm tù. Chính quyền Việt Nam đã bác bỏ yêu cầu của Liên đoàn quốc tế bảo vệ nhân quyền (FIDH) xin cử luật sư tới bào chữa cho các bị can, và khẳng định rằng những người bị xử là “vì họ phạm tội chứ không phải vì những lý do tôn giấc hay chính trị”.
Các nhà báo quốc tế hoạt động ở Việt Nam đã không được phép dự phiên toà.
(AFP 15, 16.11.93)
* Bản án này được một số báo nhà nước bình luận là “khoan hồng” (sic). Nói gì thêm?, khi bản án và lời bình tự chúng đã là hai bản án về một chế độ.
Lương mới trong y tế và giáo dục: vẫn không đủ sống.
Cuộc đình công đầu tiên trong ngành y tế vừa xẩy ra tại thành phố Hồ Chí Minh: 37 nhân viên phòng mổ bệnh viện Chợ Rẫy – gồm bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên gây mê, hộ lý... – đã ngưng làm việc một ngày để phản đối chế độ lương mới đã hạ mức lương bình quân từ 245.000 đồng/tháng xuống còn 128.000/tháng.
Không riêng gì ở bệnh viện Chợ Rẫy mà tại những bệnh viện khác của thành phố, chế độ lương mới đã tạo những phản ứng chống lại. Từ tháng 8, sở y tế đã nhận được đơn từ chức của nhiều bác sĩ làm công tác quản lý bệnh viện. Chủ tịch của công đoàn viện Pasteur cho biết, “ lương mới chưa giúp cải thiện đời sống, thậm chí còn thua lương cũ, trong khi lương cũ chưa đủ sống, phải nhờ vào “phần mềm” để cải thiện.”
Theo những qui định mới, lương một y tá chỉ vỏn vẹn trong khoảng từ 128 đến 173 ngàn đồng, tuỳ theo thâm niên trong nghề. Các chế độ phụ thêm vào thu nhập trước đây, như phụ cấp điện, nước, nhà, và phần trợ cấp trích từ viện phí, đều bị bãi bỏ.
Trước những phản ứng của cán bộ nhân viên bệnh viện, chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Trương Tấn Sang đã phải quyết định, “từ nay đến cuối năm, trong khi chờ xin ý kiến của chính phủ”, ngành y tế vẫn được trích 35% tiền viện phí để cải thiện đời sống nhân viên, thay vì phải nộp 100% vào ngân sách.
Ngoài ngành y tế, ngành giáo dục của thành phố cũng sẽ tiếp tục được trợ cấp và trích hưởng một phần học phí. Lương giáo viên hiện được ấn định từ 90 đến 130 ngàn đồng 1 tháng. Một bản báo cáo của sở giáo dục thành phố cho biết: từ 75 đến 80% giáo viên đang sống nhờ phụ cấp của nhà trường qua các công việc như giữ xe, quét lớp ban đêm, buôn bán..., 15% nhờ vào những nguồn thu nhập khác của gia đình, chỉ khoảng từ 6 tới 10% có thu nhập khá, nhờ giảng dạy thêm.
Quyết định trên của chủ tịch thành phố chỉ có tính trước mắt và tạm bợ. Song nó đặt lại một vấn đề cơ bản: phải chăng chế độ lương mới sẽ đi trở lại vòng luẩn quẩn ban đầu với những trợ cấp, phụ cấp đủ loại, vì lương mới không đủ bảo đảm được mức sống tối thiểu cho những người trong ngành y tế và giáo dục.
(theo Phụ nữ thành phố 2.10, Tuổi Trẻ 5 và 30.10.93)
Quyền đình công
Lần đầu tiên, quyền đình công sẽ được bảo đảm trong một đạo luật lao động mới, sẽ được thông qua trong kỳ họp quốc hội tháng 12 tới đây? Báo Lao Động ngày 2.11 có vẻ tin vào điều đó khi đưa những thông tin liên quan đến việc chuẩn bị đại hội lần thứ 7 của tổng công đoàn lao động Việt Nam.
Chính ông Nguyễn Văn Tư, chủ tịch tổng công đoàn, trong cuộc họp báo trước ngày đại hội, đã tuyên bố tin tưởng rằng bản dự thảo cuối cùng (của luật lao động) được trình lên quốc hội kỳ họp tới sẽ có điều khoản đó. Nhưng ông Tư cũng nói rõ rằng các công đoàn phải tránh tối đa sử dụng hình thức đấu tranh này, và theo ông, quyền đình công cần được giới hạn chặt chẽ!
Từ khi Việt Nam chuyển dần sang kinh tế thị trường, hàng chục cuộc tranh chấp lao động đã nổ ra, ngoài vòng kiểm soát của các guồng máy của đảng cộng sản, và đã dẫn đến nhiều cuộc đình công, phần lớn ở các xí nghiệp của tư bản nước ngoài. Phải chăng, đó là lý do thúc đẩy việc soạn thảo luật lao động mới này? Quyền đình công không có mặt trong hiến pháp cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài đạo luật lao động, kỳ họp quốc hội từ ngày 6 đến 31 tháng 12 tới đây còn thảo luận và biểu quyết về các dự án luật bảo vệ môi trường, luật phá sản các doanh nghiệp, v.v...
Buôn lậu...
Trong tháng 10.93, kiểm điểm việc thực hiện quyết định của thủ tướng về chống buôn lậu và tham nhũng, bộ trưởng Lê Xuân Trinh, chủ nhiệm văn phòng chính phủ đánh giá “thời gian qua, kết quả thu được không nhiều, có nơi có lúc tình hình còn diễn biến xấu hơn”. Ông Trinh cho biết thêm, “ một số bộ, ngành và địa phương không những không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của thủ tướng chính phủ, mà còn tự đề ra những qui định vượt thẩm quyền, trái luật, tạo ra sơ hở tiếp tay cho bọn tham nhũng và buôn lậu.” Một hội nghị chống buôn lậu, họp cùng thời gian đó tại Cần Thơ cũng nêu lên thực trạng các cơ quan nhà nước “chủ động phạm pháp hoặc che chắn, bảo vệ cho kẻ phạm pháp”.
Điển hình trong thời gian qua là việc xuất lậu gỗ và nhập lậu xe ô-tô.
Theo một cuộc kiểm tra của chính phủ tại 4 tỉnh có cảng lớn – Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hoà, thành phố HCM –, sau khi có quyết định của thủ tướng cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ, “việc xuất khẩu gỗ không giảm mà ngày càng gia tăng, và nhất là đã diễn ra ồ ạt trong những tháng đầu năm”. Hơn 142.000 m3 gỗ xuất qua cảng Qui Nhơn, hơn 323.000 m3 qua các cảng Đà Nẵng, Nha Trang và Sài Gòn, đội lốt sản phẩm chế biến, với giấy phép hợp pháp. Hầu hết những vụ xuất cảng lậu này được thực hiện dưới danh nghĩa nhà nước nhưng thực chất do tư nhân bỏ vốn và đạo diễn. Ngoài ra, bất chấp chỉ thị của thủ tướng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ký hợp đồng bán ra nước ngoài 25.000 m3 gỗ quý.
Một cuộc điều tra cũng đang được tiến hành về việc nhập lậu hàng ngàn chiếc xe ô-tô qua các tỉnh biên giới Tây Nam. Xe “tạm nhập” không được tái xuất mà bán lậu tại chỗ, với sự hợp thức hoá của chính quyền địa phương, bằng cách thu thuế và cho đăng ký lưu hành. Ông Võ Sơn Lâm, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, kiêm trưởng ban chống buôn lậu tỉnh giải thích: “ Tây Ninh chúng tôi là một tỉnh còn khó khăn, ngân sách địa phương còn ít ỏi nên chúng tôi phải tìm các nguồn thu” Trong cuộc cạnh tranh với các tỉnh khác, Tây Ninh còn tuỳ tiện hạ thuế suất trên xe nhập xuống 1/3 so với biểu thuế của bộ tài chính, làm cho nhà nước thất thu hơn trăm tỉ đồng.
Trung tuần tháng 10, viện kiểm sát Hà Nội đã ra lệnh bắt giữ trung tá Phạm Thái, trưởng phòng cảnh sát giao thông thủ đô về tội cấp bảng số cho 220 xe nhập lậu.
Sau khi viện kiểm sát thủ đô bắt giam đại uý Phạm Tâm Liêm, đội trưởng cảnh sát chống tham nhũng và thiếu tá Lê Văn Lưu, trưởng phòng cảnh sát kinh tế (xem Diễn Đàn số 22 và 24), sở công an Hà Nội đã quyết định giải thể 4 đội cảnh sát kinh tế: các đội chống ma tuý, đội theo dõi khu vực ngoài quốc doanh, đội theo dõi khối nông-lâm-ngư-thuỷ sản, và đội chống hàng giả!
Ngoài Hà Nội, nhiều cán bộ hải quan, thuế khoá, cán bộ chống buôn lậu của các tỉnh Cao Bằng, Thái Bình, Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đang bị truy tố về các tội tham nhũng, buôn lậu!
(theo các báo Tuổi Trẻ, Lao Động, Sài Gòn giải phóng tháng 10.1993)
...và phù phép
Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 1.700 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, và bình quân mỗi tháng có hơn 100 doanh nghiệp tư nhân mới ra đời..., trong đó, theo kết quả một cuộc kiểm tra của bộ tài chính, một số khá lớn mọc lên “như nấm bám vào các hợp đồng béo bở từ các đơn vị kinh tế nhà nước có thân nhân của họ nắm giữ các cương vị chủ chốt”!
Theo một cuộc điều tra mới đây, trong số 600 xí nghiệp tư doanh hoạt động thương mại dịch vụ, có đến 363 chủ doanh nghiệp có thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) làm việc trong các xí nghiệp quốc doanh hay quân đội, công an, hải quan. Có khoảng 30 tổng giám đốc và giám đốc xí nghiệp quốc doanh có người thân mở doanh nghiệp tư nhân.
Và trong khi một số doanh nghiệp lớn của nhà nước phải giải thể vì làm ăn thua lỗ (như Cosivina, Đông lạnh I, Sapexim, v.v...), những thân nhân của một số cán bộ chủ chốt ở đó lại phất lên “nhanh chóng bất thường”...
(Lao Động 10.10 và Phụ nữ TPHCM 30.10.93)
Đại Hùng có dầu
Sau 5 mũi khoan thăm dò ở vùng mỏ Đại Hùng, công ty Úc BHP Petrolium vừa cho biết công ty đã khẳng định được là mỏ có đủ dầu ở mức “thương mãi”. Các mũi khoan ở độ sâu hơn 3.000 mét dưới mặt biền cho dầu ở mức độ ổn định 6.640 thùng mỗi ngày. Công ty sẽ khoan thăm dò thêm hai mũi nữa vào đầu năm 1994 trước khi đi vào khai thác. Theo ông Don Norton, giám đốc truyền thông của BHP, trữ lượng của Đại Hùng trong khoảng từ 100 đến 500 triệu thùng dầu, ít hơn mức mong đợi tối đa là 800 triệu tấn. BHP nắm 43,75% vốn của tổ hợp các công ty đã trúng thầu thăm dò và khai thác Đại Hùng, (trong đó Petro Vietnam chiếm 15%) và là trách nhiệm thao tác kỹ thuật của tổ hợp.
Tin ngắn
* Chính phủ Việt Nam đã tố cáo toan tính tổ chức ở khách sạn Metropole, thành phố HCM, một “hội thảo quốc tế về phát triển Việt Nam” của “Phong trào thống nhất dân tộc và xây dựng dân chủ” là “âm mưu phá rối ổn định chính trị” và đã trục xuất một luật sư Mỹ, ông Stephen Young, vì liên quan tới sự việc này.
* Thêm một giám đốc hải quan bị bắt về tội tham nhũng và buôn lậu. Lần này, sự việc xẩy ra tại Đà Nẵng, người bị bắt là ông Lưu Quốc Thắng, giám đốc hải quan cảng Đà Nẵng. Theo báo Lao Động, giám đốc hải quan tỉnh cũng liên quan đến vụ buôn lậu.
* Nhiều đàn chó sói bị xua đuổi vì nạn phá rừng đã xuất hiện chung quanh nhiều làng mạc ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, giết hại khoảng 50 con trâu, bò, ngựa, từ tháng 9 tới nay. Đây là những làng người các dân tộc Ê-đê, Ba-na, Gia Rai.
* Một băng đảng gồm 7 thanh niên, trong đó có 5 người dưới 18 tuổi, đã bị bắt khi toan ám sát một thiếu phụ. Điều đáng chú ý là qua điều tra của cảnh sát, đây là một cuộc ám sát theo đơn đặt hàng lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố HCM. Người chủ xướng, đã trả 330 đôla cho tên thủ lĩnh băng đảng, cũng đã bị bắt.
* Chính phủ Việt Nam đã chính thức thừa nhận quyền của các cá nhân và tập thể được sở hữu vàng dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, Ngân hàng Quốc gia vẫn giữ độc quyền nhập khẩu vàng.
* Hội nghị quốc tế lần thứ hai về tác hại lâu dài của các thuốc diệt cỏ và trừ sâu hoá học sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 15 tới 18.11.1993. Đặc biệt, hội nghị sẽ thảo luận về tác hại của chất dioxin, trong các “thuốc da cam” mà Mỹ đã trải rất nhiều ở Việt Nam trong chiến tranh. Hơn 200 nhà khoa học Việt Nam, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nam Triều Tiên sẽ tham dự hội nghị.
* Một “tuần lễ di sản văn hoá” sẽ được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11, với sự tham dự của nhiều kiến trúc sư và chuyên gia về thiết kế đô thị từ các nước Pháp, Úc, Ấn Độ, Nhật, Singapour. Khoảng 300 đình, chùa và nhiều khu phố cổ của Hà Nội đang bị đe dọa vì những xây dựng bừa bãi hiện nay.
* Một ống dẫn dầu rỉ trong tỉnh Quảng Ninh đã là nguyên do của một đám cháy làm 47 người chết và 48 người bị thương nặng. Giữa khi dân làng Nam Khê đang tìm cách lấy xăng chảy ra từ ống dẫn bị rò rỉ, ống dẫn đã nổ cháy.
* Tháng 10.93, Công ty cho thuê máy bay Vasco đã mở một đường bay từ thành phố HCM đến Côn đảo. Hàng không Việt Nam dự tính sắp tới sẽ khai trương các chuyến bay thường xuyên đến đảo ngục tù cũ này để phục vụ du lịch.
* Sau những đồ sứ cổ thời Minh được tìm thấy trong một chiếc tàu đắm dưới đáy biển Vũng Tàu, mang lại hàng triệu đôla cho nhà nước Việt Nam trong một cuộc bán đấu giá ở Hà Lan (xem Diễn Đàn số 6), hơn 15.000 bình, lọ và chén đĩa cổ của vùng bắc Thái Lan trong một chiếc tàu đắm khác sẽ được mang ra bán đấu giá nay mai.
* Sản lượng than xuất khẩu năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái đáng kể. Tính đến hết tháng 10, sản lượng này chỉ đạt 981.000 tấn, bằng 81% cùng thời kỳ năm ngoái. 1992 là một năm Việt Nam đạt kỷ lục xuất khẩu than, với 1 triệu 600 ngàn tấn. Chính phủ đã đưa vào kế hoạch năm nay mục tiêu xuất khẩu 2,3 triệu tấn nhưng lượng tiêu thụ trong nước tăng lên nhiều hơn tính toán của các nhà làm kế hoạch. Bộ năng lượng đang dự trù tổ chức lại ngành than trong một công ty than trung ương, có nhiều phương tiện hơn để hiện đại hoá kỹ thuật khai thác than. (AFP 16.12.93)
* Bộ tài chính Việt Nam sẽ phát hành ba loại công trái mới từ ngày 1.12.93, một bằng tiền đồng và hai bằng đôla. Công trái tiền đồng trị giá 100.000 đồng, thời hạn thanh toán 1 năm, lãi suất 2% / tháng. Hai loại công trái bằng đôla đều trị giá 100 đôla, nhưng với kỳ hạn thanh toán khác nhau, 1 và 2 năm, lãi suất cũng là 2% / tháng.
* Sau hai cuộc trình diễn thời trang ở thành phố HCM và Hà Nội (giữa tháng 11), nhà vẽ mẫu Pierre Cardin tuyên bố ông muốn mở một trường đào tạo người mẫu thời trang ở Việt Nam, và một cửa hàng ăn Maxim's ở thành phố HCM. Nhóm kỹ nghệ thời trang Cardin làm chủ 840 xưởng sản xuất ở 120 nước trên thế giới.
* “Red Buck”, một nhóm ca sĩ rock Úc đã tới biểu diễn ở Hà Nội đầu tháng 11 theo lời mời của bộ văn hoá - thông tin Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên một nhóm rock Úc trở lại Việt Nam từ năm 1975.
* Ngân hàng Crédit Lyonnais đã được phép mở một chi nhánh tại thành phố HCM, và là ngân hàng nước ngoài đầu tiên có chi nhánh ở cả Hà Nội và thành phố.
* Cũng trong lĩnh vực này, ngân hàng Mỹ Citibank thông báo sẽ mở một phòng đại diện tại Hà Nội và đang xin phép mở một phòng đại diện khác tại thành phố HCM. Tập đoàn Đài Loan Cathay Investment and Trust Co. cũng đã mở một chi nhánh về ngân hàng tại Hà Nội.
* Các công ty Alcatel (Pháp), AT&T (Mỹ), STC (Anh), Fujitsu và NEC (Nhật) sẽ tham gia đấu thầu công trình đặt đường cáp quang học dưới biển nối Việt Nam với Thái Lan và Hồng Kông. Hợp đồng trị giá 180 triệu đôla.
* Đức đã quyết định viện trợ thêm cho Việt Nam 63 triệu DM (38 triệu đôla) cho năm nay.
* Bộ hải sản Việt Nam đã quyết định tạm ngưng việc cho phép các công ty Thái đánh cá ở vùng biển Việt Nam, dù các công ty này liên doanh với các công ty quốc doanh Việt Nam. Lý do bộ đưa ra là các công ty đã lạm dụng giấy phép để buôn lậu.
* Ngân hàng trung ương Nhật sẽ cử chuyên gia tới ở Việt Nam một năm trời để giúp Việt Nam cải tổ hệ thống tài chính của mình.
* VietnAmerica Exhibition, một cuộc triển lãm hàng hoá Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau 1975 sẽ được tổ chức tại khu triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) vào tháng 4.l994 tới. Triển lãm do công ty Mỹ Vietnam Investment Information and consulting (VIIC) chủ trì. Trụ sở của VIIC đặt ở tỉnh San Diego, bang California.
Các thao tác trên Tài liệu