Trừ đi
Trừ đi
Chế Lan Viên
Sau này anh đọc thơ tôi nên
nhớ
Có phải tôi viết đâu! – một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau – giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm – giết một ước mơ – tôi giết
Cái cánh sắp bay – trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trong bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển – giết mưa
Và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thể
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi. Người có
lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình.
Về bài thơ di cảo của Chế Lan Viên
Bài thơ trừ đi mà chúng tôi đăng lại ở trên đã xuất hiện lần đầu tại hải ngoại trên trang báo Hợp Lưu (số 4, tháng 4/1992). Cùng khoảng thời gian ấy, báo Tin Nhà cũng đăng bài thơ dưới dạng ảnh chụp một bản viết tay. Người nào quen nét chữ của Chế Lan Viên cũng nhận ra đó không phải thủ bút của nhà thơ. Ít lâu sau, chúng tôi nhận được DI CẢO THƠ CHẾ LAN VIÊN (tập I), của Nhà xuất bản Thuận Hoá, thì không thấy có bài này. Vì nguyên tắc trung thực, chúng tôi không thể đăng bài thơ trước khi xác định được tác giả của nó, mặc dầu đọc lên, cũng dễ nhận ra phong cách Chế Lan Viên.
Vừa qua, Nhà xuất bản Thuận Hoá đã phát hành DI CẢO THƠ CHẾ LAN VIÊN tập II. Nhân dịp này, báo Tuổi Trẻ (14.9.1993) đã đăng bài của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, trong đó ghi lại lời kể của nhà văn Vũ Thị Thường (vợ nhà thơ):
“Bài Trừ đi của nhà tôi đã được in trên tạp chí Tác phẩm mới từ năm 1990 nhưng chẳng thấy dư luận gì. Thế rồi sau khi tờ Hợp lưu của Việt kiều tại Mỹ in lại năm 1992 thì bỗng thành chuyện. Có người đến nhà, bảo rằng như thế là nhà tôi đã sám hối (?!), đã tự phủ định mình. Sao lại như thế được! Trong tất cả những gì nhà tôi viết có cái phải trừ đi, nhưng nhà tôi vẫn là người cách mạng, vẫn là nhà thơ cách mạng, không thay đổi gì cả”.
Như vậy, độc giả có thể biết chắc tác giả bài thơ Trừ đi là Chế Lan Viên. Cũng như bài Bánh vẽ (Diễn Đàn số 24).
Các thao tác trên Tài liệu