Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang
Điểm sách
Tuyển
tập
Nguyễn Kiến Giang
Nhà xuất bản Trăm
Hoa
P.O.BOX 4692, GARDEN GROVE CA 92642, USA
1993, 210 trang, 10 USD (ngoài Bắc Mỹ +2)
Trên Diễn Đàn số 18 (tháng 4.93), Nguyễn Lộc đã trân trọng giới thiệu cuốn VIỆT NAM Khủng hoảng & Lối ra của Nguyễn Kiến Giang do Trăm Hoa vừa xuất bản trong tháng 3. Cuối bài, anh viết: “ nhiều người đọc sẽ náo nức chờ đọc những gì ông sẽ viết thêm” và tỏ ý tiếc “ những lỗi lầm kỹ thuật, dù không thật sự nghiêm trọng nhưng khá nhiều, còn sót lại trong cuốn sách. Mong rằng lần tái bản chúng ta sẽ có một ấn bản hoàn mỹ hơn của một tập sách quý” .
Tuyển tập NGUYỄN KIẾN GIANG mà nhà xuất bản Trăm Hoa vừa phát hành đáp ứng cả hai điều mong chờ ấy. Bản in lần này tránh hẳn được nhiều lỗi chính tả và ấn loát. Nó vừa là tái bản của cuốn trước, nghĩa là in lại toàn bộ 3 bài Đi tìm lời giải mới của Chủ nghĩa xã hội, Vấn đề con người đang được đặt ra, Khủng hoảng và lối ra, đó là không kể Mấy điều nói thêm (tr. 59-60) lần này được xếp lên đầu sách (tr. 17) dưới tựa đề M ấy lời thưa trước; vừa là một cuốn sách mới, vì có thêm 5 bài khác. Trong đó có ba bài ngắn đã đăng trên báo chí trong nước trong thời gian 1988-1990: Tự do báo chí, Tính bí mật và tính công khai, Bàn về sự lãnh đạo của Đảng. Sau bài báo thứ ba (4.1990) tên ông không còn xuất hiện trên báo chí nhà nước nữa – tất nhiên, trong những loạt bài đầu năm 1991 của khối tuyên huấn - văn hoá của Đảng nhằm chuẩn bị Đại hội 7, người ta đã gián tiếp trả lời ông (và trả lời Hoàng Minh Chính, Nguyễn Khắc Viện, Phan Đình Diệu, Hà Sĩ Phu... ) mà không kể tên, chỉ trích dẫn không đầy đủ vài đoạn câu, rồi bóp méo các luận điểm của họ.
Quan trọng hơn cả là hai bài khảo luận cô đọng và hàm súc Nguyễn Kiến Giang viết năm 1992: Nhìn nhận thực trạng văn hoá Việt Nam hiện nay (tr. 145-176), và Công bằng xã hội và kinh tế (tr. 177-208).
Trong bài về văn hoá Việt Nam, tác giả đã thử phân tích ba hệ giá trị văn hoá và tinh thần đang xung đột nhau:
– hệ giá trị truyền thống kể cả khi nó khoác áo “ dân tộc, khoa học, đại chúng” như trong bản Đề cương văn hoá của Trường Chinh, về cơ bản là một hệ thống bảo thủ.
– hệ giá trị cách tân và phục hưng chưa hình thành đầy đủ, và gặp sự chống đối của hệ thứ nhất và của cả
– hệ giá trị thứ ba mà tác giả tạm gọi là “hãnh tiến, ích kỷ cực đoan và đầu cơ, phá hoại” nảy nở trong tình trạng loạn cương, với những niềm tin giả vờ và tâm lý chụp giựt.
“Tất cả các hệ giá trị nói trên đang và sẽ đấu tranh với nhau dưới nhiều hình thức mà trung tâm của cuộc đấu tranh ấy là giá trị con người, nói cụ thể hơn, giá trị con người Việt Nam. Nếu hệ giá trị truyền thống - bảo thủ cắt xén, bóp méo con người với tư cách cá nhân, chà đạp lên nó, thì hệ tư tưởng hãnh tiến lại phá huỷ nhân cách và tâm hồn con người. Hệ giá trị cách tân - phục hưng, muốn có ưu thế đối với hai giá trị vừa nói, phải đi tới một quan niệm về giá trị con người Việt Nam hôm nay, lấy quan niệm đó làm cơ sở, thấm sâu vào những hoạt động văn hoá khác nhau. Đáng mừng là xu hướng ấy đã xuất hiện trên nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật gần đây” (tr. 176).
Tác giả, “cộng sản chính cống từ năm 1947, lúc mới 16 tuổi”, sau mấy chục năm gian truân (ông là bạn của Hoàng Minh Chính) vẫn “ tự coi mình là người cộng sản, hơn nữa, một người cộng sản kiên định”. Mỗi dòng chữ của ông là kết quả “ của một cuộc “ tự lột xác” không phải không đau đớn”, song hoàn toàn không phải là sự “phủ nhận sạch trơn” như có người muốn ông làm để “chiêu hồi”, hoặc mong ông làm để có thể an tâm “đấy, đã bảo mà, đúng là phường phản bội”.
Hai tập sách của Nguyễn Kiến Giang là công trình biên khảo đầu tiên của một tác giả trong nước công khai gửi ra xuất bản ở nước ngoài. Về mặt văn học, chúng ta đã có Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu Hương năm 1991, và gần đây, tập Man nương... của Phạm Thị Hoài. Dương Thu Hương đã trả giá bằng 7 tháng tù. Nhà cầm quyền cuối cùng đã biết lùi một bước. Tiểu thuyết vô đề đã mở ra cánh cửa giao lưu văn học. Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang công khai mở rộng cuộc đối thoại dân chủ, nghiêm chỉnh giữa tất cả những người Việt Nam quan tâm tới những vấn đề cơ bản của đất nước.
Mong rằng cuộc đối thoại mở ra sẽ tương xứng với tầm cỡ của tác giả và cố gắng đáng hoan nghênh của nhà xuất bản.
Nguyễn Ngọc Giao
Các thao tác trên Tài liệu