Hãy tha thứ cho em
Điện ảnh Việt Nam trên đe dưới búa
Hãy tha thứ cho em
Phim của Lưu
Trọng Ninh
tại Liên hoan điện ảnh Nantes 1993
Năm ngoái, khi giới thiệu Canh bạc ( Diễn Đàn số 17, tháng 3.93), cuốn phim đầu tay của Lưu Trọng Ninh, tôi đã nói tới Hãy tha thứ cho em, lúc đó đã hoàn thành, nhưng còn đợi kiểm duyệt. Mấy tháng sau (Diễn Đàn số 22, tháng 9.93), được tin cuốn phim đã “được duyệt”, đem ra chiếu công khai, rồi lại bị ông Trần Hoàn, bộ trưởng văn hoá (ngày nào còn hát Sơn Nữ ca), đích thân “duyệt” và đòi cắt 4 đoạn. Đạo diễn phải đau lòng chịu cắt 4 đoạn để cho cuốn phim tiếp tục được chiếu tại các rạp ở Việt Nam, với hy vọng là những tư nhân đã bỏ ra 300 triệu đồng làm phim có thể thu hồi được vốn; song anh không thể coi bản phim tàn tật ấy là đứa con tinh thần của mình, và đã từ chối không chịu cho nó tham gia Liên hoan điện ảnh Fukuoka (Nhật Bản) đầu thu 1993.
Vì vậy khi nghe tin Hãy tha thứ cho em được Liên hoan điện ảnh 3 lục địa (Festival des 3 continents) của thành phố Nantes (23-30 tháng 11.93) tuyển lựa vào danh sách 10 cuốn phim chính thức dự thi, tôi nóng lòng hỏi thăm ngay hai anh em ông Jalladeau, giám đốc Festival, xem đứa con thứ nhì của Lưu Trọng Ninh là đứa con nguyên vẹn, hay đã bị cắt cụt tứ chi? Thật là mừng khi được biết bản phim chiếu 3 lần ở Nantes – rồi sẽ chiếu tháng 2 tới tại ba liên hoan Fribourg (Thuỵ Sĩ), Rotterdam (Hà Lan), Göteborg (Thuỵ Điển) – là bản đã thoát khỏi cái kéo của ông Trần Hoàn. Làm sao thoát được chắc chỉ có ban tổ chức mấy liên hoan này biết rõ, người viết bài này có điều tra cho ra nhẽ, cũng xin vô phép bạn đọc miễn kể lại ở đây.
Vả lại xét cho cùng, điều này không mấy quan trọng. Điều quan trọng, là Hãy tha thứ cho em đã nguyên vẹn ra mắt công chúng châu Âu, và rõ ràng đã mang tới cho họ, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, một mảng hiện thực sống động của Việt Nam; những yếu kém hiển nhiên của cuốn phim vẫn cho người xem nhận ra tài năng của đạo diễn, và quan trọng không kém, giới yêu nghề càng thương cảm hơn nền điện ảnh Việt Nam đang khốn khổ trong cảnh trên đe (thị trường) dưới búa (chính trị). Điểm qua những mặt thành tựu và thất bại của Hãy tha thứ cho em, do đó, cũng cho phép chúng ta hiểu thêm thực trạng và tương lai trước mắt của phim Việt Nam.
Hãy tha thứ cho em , theo nghĩa đen, là câu nói của cô Mai (Trịnh Trúc Quỳnh đóng), nhạc sinh vĩ cầm Trường nghệ thuật, nói với đạo diễn điện ảnh (Đào Bá Sơn đóng), sau khi quay trường đoạn cuối cùng một cuốn phim truyện về chiến tranh, trong đó cô thủ vai nữ chính (cũng tên Mai). Mai cảm thấy mình bất lực, không thể hiện được trọn vẹn một nhân vật sống trước cô một phần tư thế kỷ, cũng là người yêu của đạo diễn khi anh còn là bộ đội. Chỉ cần giới thiệu như vậy, bạn đọc quen thuộc với điện ảnh thế giới, cũng tưởng tượng ra chủ đề cuốn phim trong cuốn phim, chủ đề hiện tại đối diện với quá khứ, quan hệ đối chọi, không thông cảm giữa tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và những thế hệ cha anh, trong bối cảnh một xã hội đang chuyển biến, nghèo nàn, tan nát, nhố nhăng (nói như Trần Tiến: một nền kinh tế Lambada khập khễnh) và cũng tràn đầy sức sống.
Thành công đầu tiên của Lưu Trọng Ninh là anh đã không rơi vào sự dễ dãi, phiến diện: hoặc là cất lên điệp khúc quá khứ vinh quang không được quên đi, hoặc là tôi không muốn biết quá khứ ấy ra sao, chỉ cần biết nó đã đẻ ra hiện tại khốn khổ hôm nay. Nhân vật đạo diễn thể hiện ít nhiều sự trăn trở của người nghệ sĩ muốn làm cái cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa hai thế hệ. Anh không bắc cầu thông cảm theo kiểu hoà cả làng, mà chọn nói sự thực, sự thực hào hùng của cuộc kháng chiến, và sự thực hãi hùng của mọi cuộc chiến tranh ở cả hai phía. Dễ hiểu là trong tình trạng Việt Nam hôm nay, người nghệ sĩ phải chịu số phận đơn độc, như anh đạo diễn đứng bên lề đường ở trường đoạn cuối phim, nhìn cảnh sát huýt còi đuổi theo Mai và đám bạn trẻ của cô.
Thành công lớn nữa của Hãy tha thứ cho em là khuôn mặt tuổi trẻ. Mai, Châu và bạn bè của hai cô toát ra một sức sống, một vẻ đẹp, mặc dầu họ còn mò mẫm tìm đường, không biết mình phải làm gì, nhưng ham sống, và đảm nhiệm cuộc sống của mình. Ai đã xem Những đứa con hoang Bắc Kinh (Les bâtards de Beijing) của Trương Nguyên (Zhang Yuan), xen kẽ những tiếng gào thét nhạc rock của Thôi Kiện ( Cui Jian) với những trường cảnh đám thanh niên lê gót vô vọng trong đêm trường Bắc Kinh, sẽ thấy rõ sự khác biệt.
Nói rộng hơn, Lưu Trọng Ninh có tài (và có công) lập bảng phân vai: trong Canh bạc, cũng như trong Hãy tha thứ cho em, anh đã chọn toàn diễn viên nghiệp dư (Đào Bá Sơn là diễn viên chuyên nghiệp duy nhất trong Hãy tha thứ cho em), nên tránh được lối diễn xuất quá cải lương của đa số phim Việt Nam. Ninh cũng mạnh về những tình tiết nho nhỏ, điểm xuyết trong phim (nhất là cảnh những trẻ em, từ đứa em trai của Mai làm săngta cô chị sau khi tìm ra chiếc bao cao su tránh thai, đến cảnh em bé bị trói cẳng vào chân mẹ, nằm ngủ lề đường), làm cho cuộc sống thực tràn vào màn bạc...
Chủ đề, nhân vật, và những tình tiết ấy cho ta đo được tài năng của Lưu Trọng Ninh, mặc dầu so với Canh bạc, Hãy tha thứ cho em chưa phải là một bước tiến xa: Ninh đã dựng xong Hãy tha thứ cho em trước khi đặt chân tới Nantes cuối năm 1992, nghĩa là trước khi tiếp xúc với điện ảnh châu Á, châu Mỹ La tinh và châu Phi.
Còn những yếu kém của Hãy tha thứ cho em? Chỉ xin nêu ra hai khuyết điểm lớn. Một là sai lầm của đạo diễn khi chọn Bản giao hưởng thứ 5 của Beethoven làm leit-motiv nhạc phim (tôi không nói tới chất lượng quá kém của đĩa nhạc rè, mà nói tới phản tác động trên khán giả phương Tây ngay khi mấy nốt pom pom pom pòm... nổi lên). Tất nhiên, đạo diễn, cũng như công chúng Việt Nam khác với công chúng phương Tây, họ còn đang nghe và đọc 5e Symphonie ở cấp một (au premier degré), dễ hiểu là Lưu Trọng Ninh đã chọn vì chủ đề con người trước định mệnh của nhạc phẩm, song ngay đối với khán giả Việt Nam, Hãy tha thứ cho em cũng như nhiều phim Việt Nam khác, đã sử dụng âm nhạc một cách phí phạm: nhạc không mang lại một kích thước mới cho điện ảnh, mà thường chỉ phụ hoạ, nhấn thêm một cách thừa thãi cái thông điệp mà hình ảnh, nét mặt, động tác đã nói nhiều, và nhiều khi nói quá dai rồi. Khuyết điểm thứ hai, cũng là khuyết điểm chung của điện ảnh Việt Nam, của cả văn học Việt Nam nữa: văn nghệ sĩ Việt Nam dường như chưa ý thức rằng trong nghệ thuật, cách nói cũng quan trọng như điều mình muốn nói. Greg Lockhart, nhà nghiên cứu người Úc, trong lời tựa bản dịch Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp sang tiếng Anh, đã nhận xét rất chính xác: trong các nhà văn Việt Nam đương đại, dường như chỉ có ba tác giả (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Khải) là quan tâm tới sự viết (écriture). Bao giờ trong điện ảnh Việt Nam xuất hiện những tác giả đầu tiên như vậy?
Câu hỏi này còn quá viển vông ngày nào điện ảnh Việt Nam còn phải vật lộn để tồn tại như hiện nay.
Thật vậy, ngân sách Hãy tha thứ cho em là 30.000 đôla (180.000 FF), nghĩa là đúng một phần trăm ngân quĩ Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng (18 triệu F Pháp), và so với ngân sách của những Người tình, Indochine, Điện Biên Phủ thì chưa tới một phần nghìn. Vẫn biết ở Việt Nam cái gì dính đến con người đều rẻ mạt, nhưng điện ảnh không đơn thuần là một nghệ thuật, nó còn là công nghệ: dưới một mức tối thiểu nào đó không thể có điện ảnh. Hãy xin nêu hai thí dụ để bạn đọc ngoài nghề có thể hình dung ra tình trạng làm phim ở Việt Nam:
– Để làm Hãy tha thứ cho em dài 2700 mét phim nhựa, Lưu Trọng Ninh chỉ có 3200 mét để quay. Tỉ lệ phim nháp (rush) / phim sử dụng như vậy là 1,2, trong khi tỉ lệ trên thế giới là từ 3 đến 10!
– Phim đó là phim Orwo của Đông Đức cũ, sản xuất từ năm 1990, tồn kho hai năm trong khí hậu nóng và ẩm Việt Nam, nên độ nhạy 21 DIN giảm xuống, còn 9 DIN. Do đó, không thể quay cảnh đông người trong phòng lớn, chỉ quay được cảnh gần, diễn viên phải diễn dưới ánh đèn chiếu hàng chục ngàn watt cách mặt 1,5 mét: diễn xuất trở thành sự tra tấn đứng đèn.
30.000 đôla là giá thành trung bình của một cuốn phim truyện Việt Nam. Hãy tha thứ cho em tuy về danh nghĩa là của Trung tâm điện ảnh trẻ, nhưng thực chất là do tư nhân bỏ vốn. Đó là cuốn phim không thương mãi đầu tiên được tư nhân đầu tư, và cho đến nay mới thu hồi được 1/4 vốn. Nếu phim này thất bại, chắc chắn tư nhân sẽ chỉ tiếp tục đầu tư vào những phim diễm tình, đấm đá, chủ yếu là phim video. Nói cách khác, một nền điện ảnh nghệ thuật Việt Nam chỉ có thể tồn tại nếu có một chính sách và ngân sách của nhà nước (ở châu Âu, Pháp là nước duy nhất còn giữ được nền điện ảnh dân tộc, nhờ có chính sách bảo trợ).
Cho đến năm 1992, trung bình các xưởng phim (nhà nước) sản xuất mỗi năm được 20 phim truyện (năm 1992, được 30 phim, nhưng một số lớn là phim thương mãi cho tư nhân bỏ vốn, mượn tên xưởng phim quốc doanh). Năm 1993, cho đến ngày chúng tôi viết dòng này (23.12), mới sản xuất được 2 phim, trong đó phim đầu là loại phim SBC (săn bắt cướp). Phải chăng nhà nước không còn quỹ cho điện ảnh? Sự thật không đơn giản như vậy: năm 1990, ngành điện ảnh được cung cấp khoảng 8 tỷ đồng (tương đương với ngân sách của khoảng 20 phim), nhưng 6 tỷ đã biến mất. Hiện nay, người ta đang chuẩn bị một cuốn phim kỷ niệm 20 năm đại thắng 1975 cho năm 1995, với một ngân sách nghe đồn lên tới 24 tỷ đồng.
24 tỷ đồng, tức là khoảng 13 triệu FF, chưa bằng ngân sách Mùi đu đủ xanh, nhưng là số tiền khổng lồ so với điều kiện của điện ảnh Việt Nam, có thể bảo đảm khoảng 5 năm sống cho điện ảnh ở mức hiện nay (10 phim, 500 triệu đồng một phim). Chọn tài trợ cho một cuốn phim “kỷ niệm mít tinh” và chôn sống nền điện ảnh, nhà cầm quyền sẽ mang một trách nhiệm hết sức nặng nề. Mong rằng bài học về cuốn phim Hẹn gặp lại Sài Gòn (2 tỷ đồng năm 1990, nói về tuổi thiếu niên của Nguyễn Tất Thành, một cuốn phim tồi tệ về mọi mặt, nhưng là món bở to lớn cho những người có sáng kiến bày ra vụ đánh quả ranh ma này) sẽ giúp cho chính quyền nhận ra sai lầm và tránh được vết xe đổ.
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu