Về hiện trạng đại học Việt Nam
Về hiện
trạng đại học Việt Nam
Những vấn đề
gay cấn, những chủ trương
đổi mới và khó khăn trong thực hiện
Lời nói đầu: Ngày 9/12/1993, tôi nhận được tài liệu dưới đây của Vụ Đại học , Bộ giáo dục và Đào tạo , do Ban Việt kiều trung ương gửi qua Hội NVNTP bằng FAX.
Diễn Đàn có nhã ý đề nghị tôi giới thiệu tài liệu này với bạn đọc. Đây là một tài liệu sửa soạn cho “Hội nghị tư vấn chuyên đề và cải tổ giáo dục đại học Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Việt kiều Trung ương cùng tổ chức, sẽ tiến hành từ 17 đến 19 tháng 2 năm 1994. Đối với ai quan tâm tới nền Đại học Việt Nam, tài liệu này (gồm 4 phần chính) là một tài liệu đáng chú ý bởi vì không những nó tóm tắt được một cách tổng quát hiện trạng của nền đại học này, mà còn nêu lên được những nét chính của những chủ trương biện pháp, và nói lên những khó khăn nảy sinh trong việc tiến tới thực hiện. Đặt được những câu hỏi đúng, là đã nhích được một bước về hướng giải quyết.
Phần V của tài liệu dành riêng cho Việt kiều: “Huy động khả năng đóng góp của Việt kiều cho giáo dục đại học”. Vì phần này rất tóm tắt, tôi đề nghị thay nó bằng nội dung văn bản kèm theo của Ban Việt kiều Trung ương, nêu một số vấn đề đề nghị (Việt kiều) góp ý kiến (•). Đây là một dịp để những ai có khả năng, có thể đóng góp cụ thể, khỏi phải phê bình chung chung.
Bùi Trọng Liễu
Giáo sư đại học Paris
(•) Địa chỉ liên lạc là:
Bộ Giáo dục và Đào tạo: 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội, ĐT: 84 4 263252, FAX: 84 4 264085
Ban Việt kiều Trung ương: 32 Bà Triệu, Hà Nội, ĐT: 84 4 257354, FAX: 84 4 259211.
I. Mạng lưới đại học
I. 1. Hiện trạng
– Hiện có hơn 100 trường đại học và cao đẳng, các trường quá nhỏ, tổ chức theo ngành chuyên môn hẹp, do đó khó thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động đa dạng và khó sử dụng được nguồn lực một cách hữu hiệu.
– Tồn tại trên 300 viện nghiên cứu quốc gia tách rời các trường đại học làm cho nghiên cứu khoa học không gán với đào tạo đại học.
– Hệ thống các trường đại học và cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên phổ thông tách biệt với các đại học và cao đẳng khác... đang gặp khó khăn về chất lượng thấp và thiếu nguồn sinh viên.
I. 2. Chủ trương, biện pháp:
– Xây dựng các viện đại học đa ngành lớn, bao trùm cả các viện nghiên cứu khoa học.
– Thành lập hệ thống đại học cộng đồng ở địa phương đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế địa phương và giảng dạy một số chương trình giai đoạn 1 đại học để tạo cơ hội cho các sinh viên địa phương có thể chuyển tiếp về các đại học lớn. Xây dựng các quan hệ liên kết bảo trợ giữa các đại học lớn và đại học cộng đồng.
– Kết hợp với các bộ ngành khác tổ chức tốt việc đào tạo nhân lực chuyên về công nghệ dưới dạng các trường đại học chuyên ngành hoặc các học viện có đào tạo và bồi dưỡng sau đại học.
– Xây dựng các “đại học mở” để tăng thêm qui mô đại học và giữ vững chất lượng của các đại học truyền thống.
– Mở các đại học tư thục, bán công.
I. 3. Việc thực hiện và khó khăn nảy sinh:
– Đại học Quốc gia Hà Nội đã được quyết định thành lập, nhưng đầu tiên chỉ bao gồm ba trường đại học có các ngành khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn; không có các ngành kỹ thuật công nghệ, không bao gồm các viện nghiên cứu quốc gia. Trước mắt có lẽ trường đại học này khó trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế. Sở dĩ có quyết định như trên vì nhiều lẽ: khả năng đầu tư có hạn, ở nước ta còn nhiều người chưa thấy rõ cái lợi thật sự của đại học đa ngành và e ngại trình độ quản lý đại học không đáp ứng được với quy mô viện đại học quá lớn; ngoài ra các đơn vị nghiên cứu cũng chưa muốn sáp nhập với các viện đại học.
– Các đại học khu vực cũng đang được chuẩn bị thành lập bằng cách sáp nhập các trường đại học và cao đẳng trên vùng một địa bàn: Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên. Khó khăn chung trong việc thành lập các đại học này cũng như những khó khăn đã nêu ở trên.
– Đang chuẩn bị thành lập thí điểm một số đại học cộng đồng ở các địa phương. Khó khăn lớn là kinh phí của các địa phương rất hạn hẹp.
– Đã thành lập hai “đại học mở” ở thành phố Hồ Chí Minh và ở Hà Nội. Một gay cấn phải giải quyết ở hai đại học này là mối quan hệ giữa số và chất lượng, chất lượng và thu nhập của đại học. Mặt khác, cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để đảm bảo và kiểm định chất lượng đào tạo.
– Nhà nước đã ra quy chế cho phép thành lập các đại học tư thục và cấp giấy phép cho một số Hội đồng sáng lập để chuẩn bị mở trường. Một số băn khoăn nảy sinh: chưa thấy rõ khả năng các đại học tư thục huy động được thêm nguồn lực khác cho giáo dục đại học; lo lắng các đại học này làm yếu hệ thống đại học công lập, vì những nguồn đầu tư hứa hẹn của đại học tư thục không lớn và những người đứng ra sáng lập trường là giáo chức cơ hữu của đại học công lập. Một khó khăn khác nữa là nhà nước chưa có kinh nghiệm quản lý loại đại học này.
– Về việc tổ chức hệ thống đào tạo giáo viên, hiện tồn tại hai ý kiến khác nhau: a) cần xây dựng hệ trường đào tạo giáo viên thống nhất, tách biệt với hệ các trường đại học khác, đặc biệt là tách biệt với đại học tổng hợp đa ngành, vì cần nhấn mạnh tính chất “nghề dạy học” khi đào tạo giáo viên; b) cần xoá bỏ thế khép kín của các trường đào tạo giáo viên, tạo “hệ thống mở” để huy động sức mạnh của toàn bộ nền đại học phục vụ việc đào tạo giáo viên, nên tổ chức hợp lý các khoa đào tạo giáo viên bậc cao trong các trường đại học đa ngành, cần nhấn mạnh tri thức khoa học khi đào tạo giáo viên.
II. Quy trình đào tạo đại học
II. 1. Hiện trạng:
– Trước đây đại học được thiết kế để đào tạo chuyên gia theo các chuyên ngành hẹp để phân phối cho thành phần nhà nước, đào tạo liền một mạch bốn, năm năm theo chương trình đồng loạt. Mấy năm qua quy trình đào tạo đã được thay đổi: đào tạo theo diện rộng, phân chia giai đoạn, môđuyn hoá chương trình đào tạo (sử dụng khái niệm học phần, đơn vị học trình, điểm trung bình chung...) để đảm bảo tính mềm dẻo. Tuy nhiên các chủ trương này chưa được thực hiện triệt để.
II. 2. Chủ trương, biện pháp:
– Chia giai đoạn cho bậc đại học hệ dài hạn: Giai đoạn I, 1,5-2 năm chủ yếu dành cho phần kiến thức đại học đại cương, có thể tổ chức khoảng 7-10 nhóm chương trình đào tạo khác nhau cho hầu hết các ngành chuyên môn ở bậc đại học (cấp chứng chỉ Đại học Đại cương); Giai đoạn II cỡ 2,5-4,5 năm tuỳ theo ngành chuyên môn, cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản theo diện rộng (bằng Cử nhân); Giai đoạn cao học, 2 năm đào tạo chuyên môn sâu hoặc liên ngành cho các đối tượng biết rõ địa chỉ hoạt động nghề nghiệp (cấp bằng cao học – Master); sau đó chỉ có một cấp tiến sĩ.
– Thiết kế thêm cấp học cao đẳng hai - ba năm đào tạo theo các chương trình nặng về ứng dụng hoặc các chương trình tiếp nối với chứng chỉ đại học đại cương để sinh viên có thể hoạt động nghề nghiệp ở mức độ thấp hơn đại học dài hạn.
– Hoàn thiện việc áp dụng hệ thống đơn vị học trình (credit system) ở các trường đại học để tăng tính mềm dẻo của quy trình đào tạo làm cho mỗi cá nhân sinh viên có thể lựa chọn chương trình và vạch kế hoạch học tập riêng thích hợp với từng người.
II. 3. Việc thực hiện và khó khăn nảy sinh:
– Đã triển khai quy trình đào tạo theo giai đoạn ở hơn 40 trường đại học nhưng kết quả còn hạn chế. Lý do: mạng lưới đại học vẫn gồm các trường nhỏ theo chuyên ngành như cũ gây khó khăn cho việc đảm bảo sự liên thông và phân luồng sinh viên sau giai đoạn I.
– Việc kết hợp tổ chức đào tạo ở cấp đại học và cấp cao học chưa chặt chẽ, vì tồn tại một số quan niệm khác nhau về cấp cao học và vì việc phối hợp chỉ đạo cấp học này chưa chặt chẽ.
– Hệ thống đơn vị học trình (tín chỉ) chưa được thực hiện triệt để vì: a) quy mô các trường bé không cho phép tổ chức nhiều chương trình và môn học cho sinh viên lựa chọn; b) điều kiện vật chất chưa đảm bảo (sách giáo khoa, thư viện, phòng thí nghiệm...) để giảm số giờ lên lớp và tăng số giờ tự học của sinh viên; c) đa số giáo chức chưa quen giảng dạy và điều hành học vụ theo hệ thống tín chỉ.
III. Nội dung, phương pháp, chất lượng
III. 1. Hiện trạng:
– Một số chương trình đào tạo về khoa học xã hội và kinh tế không còn thích hợp khi chuyển qua kinh tế thị trường, mấy năm qua có sửa đổi nhưng còn chắp vá.
– Phần lớn chương trình và nội dung đào tạo chậm thay đổi, không còn cập nhật kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ.
– Phương pháp giảng dạy phổ biến là độc thoại, các phương pháp giảng dạy tích cực để tăng vai trò chủ động của sinh viên (thảo luận, khảo cứu, giải quyết vấn đề) ít được sử dụng.
– Phương pháp kiểm tra đánh giá được sử dụng phần lớn là cổ điển, tuỳ thuộc vào kinh nghiệm bản thân của từng giáo chức, chưa có phương tiện đánh giá chuẩn nên khó so sánh kết quả học tập của sinh viên được đào tạo từ các cơ sở khác nhau; việc tuyển sinh vào đại học cho kết quả kém chính xác và không kế thừa được kết quả của bậc học dưới.
– Chất lượng đào tạo nói chung là thấp và rất chênh lệch giữa các trường và giữa các phương thức đào tạo – ví dụ đối với cùng một ngành đào tạo, xác định trong cùng một trường, chất lượng đại học tại chức (part-time) thấp hơn chất lượng đại học tập trung (full-time). Chưa có cơ chế và tổ chức để kiểm định (accreditation) chất lượng đào tạo của các trường khác nhau.
– Khó khăn bao trùm là đội ngũ giáo chức thiếu điều kiện nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức, thiếu lực lượng giáo chức trẻ có trình độ cao, làm cho sự liên tục của đội ngũ bị hẫng hụt; thêm nữa đời sống giáo chức quá khó khăn và không có động lực lôi cuốn vào nhiệm vụ chính là giảng dạy. Hệ thống phương tiện giảng dạy, thư viện, phòng thí nghiệm quá nghèo nàn thiếu thốn.
III. 2. Chủ trương, biện pháp:
– Trên cơ sở tổ chức lại mạng lưới, các trường cần xây dựng lại toàn bộ hệ thống chương trình đào tạo đại học theo các mục tiêu định mức và quan niệm mới, phối hợp tốt phần kiến thức và kỹ năng cơ bản về giáo dục đại cương với kiến thức và kỹ năng về nghề nghiệp ở cấp đại học, kết hợp hài hoà mục tiêu của cấp đại học với các cấp trên đại học. Có một chuẩn chất lượng thống nhất và các điều kiện vật chất đảm bảo để đạt chuẩn chất lượng đó; hoà nhập với khu vực và thế giới về những nét chung của cơ cấu hệ thống và chuẩn chất lượng đào tạo đại học. Chỉ có một mức ở đầu ra đối với một chương trình đào tạo theo các phương thức khác nhau và tiến tới chỉ cấp một loại văn bằng.
– Tập trung đổi mới trước hết các chương trình đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh.
– Tập trung xây dựng hệ thống sách giáo khoa cho đại học theo phương châm: kết hợp viết và dịch những bộ sách có chất lượng cao được sử dụng phổ biến ở nước ngoài, cố gắng để trong vòng vài ba năm tới mọi môn học ở đại học đều có ít nhất một - hai sách giáo khoa. Xây dựng các thư viện trung tâm cho các viện đại học đủ sách và các dịch vụ thông tin hiện đại để phục vụ sinh viên trong và ngoài viện đại học.
– Cải tiến phương pháp giảng dạy, dùng các phương pháp sư phạm tích cực để tăng tính chủ động của sinh viên và các phương tiện hiện đại để tiết kiệm thời gian giảng dạy: máy chiếu, máy vi tính, video, multimedia...
– Cải cách phương thức tuyển sinh đại học, có thể theo hướng tổ chức thành dịch vụ đánh giá ở Trung tâm, đánh giá kết hợp với kết quả học tập ở trường phổ thông trung học. Dùng các công nghệ hiện đại trong thi cử ở đại học, đặc biệt cho các đại học mở: công nghệ test, chấm thi tự động...
– Tăng cường các phòng thí nghiệm đại cương và chuyên đề. Hiện đại hoá dần các trường đại học nhờ đầu tư lớn của nhà nước và vay vốn quốc tế. Thành lập các tổ chức và xây dựng các quy trình kiểm định chất lượng (accreditation) đào tạo đại học để công nhận chất lượng quốc gia cho các văn bằng của các trường tư và xếp hạng các trường.
III. 3. Việc thực hiện và khó khăn nảy sinh:
– Phần lớn giáo chức chưa quen với những quan niệm và tiêu chuẩn về chương trình đào tạo đại học trong nền kinh tế thị trường, chưa quen với phương pháp sư phạm tích cực và các phương pháp công nghệ đánh giá mới.
– Thiếu cán bộ quản lý giáo vụ đại học được đào tạo nghiêm chỉnh, do đó rất khó đổi mới quản lý đào tạo ở đại học.
– Hầu hết giáo chức trong lĩnh vực kinh tế được đào tạo từ các nước xã hội chủ nghĩa cũ, khó thay đổi và cập nhật với lý luận và thực tiễn mới.
– Rất thiếu sách giáo khoa và các tư liệu mới phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Hệ thống thư viện và thông tin ở các trường đại học quá lạc hậu.
– Nhu cầu bồi dưỡng đào tạo lại giáo chức rất lớn mà cơ hội và nguồn lực thì rất hạn chế. Nhà nước cũng chưa có phương thức tuyển chọn lại giáo chức vì lo tình hình mất ổn định.
– Nhu cầu trang bị giảng dạy và thí nghiệm rất lớn mà nguồn kinh phí lại hạn hẹp.
IV. Huy động tài chính cho giáo dục đại học
IV. 1. Hiện trạng:
– Ngân sách nhà nước cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng rất hạn hẹp (năm 1993 cho giáo dục đại học chỉ 85 triệu US$, 2,3% ngân sách quốc gia). Đối với các trường kinh phí nhà nước chỉ đủ để trả lương, học bổng và một vài chi phí tối thiểu.
– Các nguồn viện trợ và vay từ nước ngoài chỉ tập trung ở một số ít đơn vị. Ngân hàng thế giới hứa cho vay chỉ 50 triệu US$ nhưng từ tài khóa 1997.
– Các trường cố gắng huy động thêm từ nhiều nguồn: học phí, sản xuất và dịch vụ, nghiên cứu và triển khai thêm, thu thêm cỡ... kinh phí được cấp.
– Học phí sinh viên cỡ bằng 30% kinh phí đào tạo nhưng đã là gánh nặng đối với gia đình nông dân và viên chức nhà nước.
– Lương giáo chức thấp không đủ sống, phần lớn phải làm thêm việc khác, nhiều trường hợp không liên quan đến chuyên môn.
– Tỷ lệ sinh viên được học bổng thấp, định suất học bổng của nhà nước cũng thấp. Các loại học bổng ngoài nhà nước còn rất ít, chưa phổ biến. Chưa có chế độ cho sinh viên vay để học.
IV. 2. Chủ trương, biện pháp:
– Khuyến khích các trường liên kết hợp đồng đào tạo, sản xuất dịch vụ, nghiên cứu triển khai. Cho phép các trường ký kết, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước để tranh thủ thêm kinh phí.
– Đang nghiên cứu để xây dựng cơ chế tách riêng Quỹ học bổng, cơ chế cho sinh viên vay để học đại học...
IV. 3. Việc thực hiện và khó khăn nảy sinh:
– Kinh phí cho đào tạo hạn hẹp, kinh phí cho nghiên cứu khoa học được phân phối về các trường đại học rất ít do tình trạng tồn tại hệ thống viện nghiên cứu tách rời đại học.
– Các nhà quản lý đại học chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm kinh phí từ các nguồn khác.
– Chưa có cơ chế buộc những người sử dụng sản phẩm đào tạo phải trả một phần chi phí cho các cơ sở đào tạo, cơ chế buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng góp cho việc đào tạo.
– Chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức các Quỹ học bổng, Quỹ cho vay để học đại học.
– Chưa có kinh nghiệm xây dựng và quản lý các dự án đầu tư của nước ngoài.
V. Một số vấn đề đề nghị Việt kiều góp ý kiến
V. 1. Chức năng chủ yếu của giáo dục đại học:
Giáo dục, đào tạo; nghiên cứu; phục vụ xã hội, cộng đồng; phát triển và bảo tồn văn hoá dân tộc. Ngày nay giáo dục đại học không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, mà còn phải đáp ứng nhu cầu xã hội về học tập.
V. 2. Bốn văn bằng của giáo dục đại học
Cao đẳng (ngắn hạn, ba năm); Đại học (dài hạn bốn - sáu năm); Cao học (tương tự Master); Tiến sĩ. (Theo nghị định của Chính phủ tháng 11 năm 1993).
V. 3. Ba loại hình trường chính ở giáo dục đại học
– Viện đại học đa ngành (đang sắp xếp một số trường hiện có thành những viện đại học đa ngành);
– Trường đại học, cao đẳng chuyên ngành (hiện là số đông sẽ tổ chức lại);
– Trường cao đẳng cộng đồng (đang chuẩn bị thí điểm ở một số địa phương)
Mạng lưới trường đại học sẽ sắp xếp lại. Nên theo những nguyên tắc nào?
V. 4. Mở đại học tư:
Các điều kiện tối thiểu để thành lập một đại học tư? Cách quản lý chất lượng đào tạo của đại học tư? Vai trò của nhà nước đối với đại học tư?
V. 5. Giáo dục đại học phát triển đa dạng:
Làm thế nào để kiểm tra bảo đảm chất lượng đào tạo của các loại trường, các con đường học tập rất khác nhau? Kinh nghiệm về tổ chức các trung tâm đánh giá (center of assessment)? Về kiểm định chất lượng đào tạo ở các trường (accreditation)?
V. 6. Tuyển sinh đại học:
Nên tổ chức thế nào? (đều phải thi tuyển? hay có bộ phận phải thi tuyển, có bộ phận ghi danh mà không phải thi tuyển? hay đều là ghi danh?) Công nghệ đánh giá thi tuyển sinh?
V. 7. Về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu:
Cách lựa chọn và cải tiến chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập, đánh giá. Phương thức kết hợp các cơ sở nghiên cứu với các viện, trường đại học. (Những xu thế của thời đại về cách dạy, cách học, cách quản lí, đánh giá quá trình đào tạo?)
V. 8. Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý các trường đại học:
– Thực hiện quy trình mới về công nhận chức danh giảng dạy đại học (giáo sư, phó giáo sư) theo nguyên tắc “gắn với nhu cầu giảng dạy tại những trường cụ thể”. Đề nghị góp ý cách làm cụ thể.
– Cần có chương trình đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lí của các trường đại học. Đề nghị góp ý cách làm cụ thể.
– Hệ thống sư phạm nên tổ chức lại thế nào?
V. 9. Về tài chính đại học:
Đa dạng hoá các nguồn thu của trường đại học, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn huy động các nguồn lực khác nhau trong xã hội đóng góp cho nhà trường, như: học phí, dịch vụ của nhà trường thông qua các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu, triển khai, phục vụ cộng đồng, v.v... sự đóng góp tài trợ của các tổ chức kinh tế xã hội, các cá nhân hảo tâm... trong và ngoài nước, v.v... ; tranh thủ hợp tác quốc tế.
Thiếu hụt tài chính là một trở ngại lớn hiện nay của các trường đại học. Đề nghị góp ý cách giải quyết.
V. 10. Về hợp tác quốc tế:
Những khả năng khai thác hợp tác quốc tế. Đề nghị giới thiệu kinh nghiệm làm, cách làm. Đề nghị giới thiệu những địa chỉ (tổ chức, cá nhân) có thể hợp tác, giúp đỡ.
V. 11. Về tranh thủ sự đóng góp của Việt kiều cho đại học:
– Giúp giáo chức Việt Nam nâng cao trình độ ở nước ngoài;
– Nhận sinh viên Việt Nam học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo nghiên cứu ở nước bạn;
– Giúp sinh viên du học;
– Giúp xây dựng hệ thống chương trình, sách giáo khoa;
– Tham gia giảng dạy các trường đại học Việt Nam.
12.1993
Các thao tác trên Tài liệu