Nhịp độ tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế
và ổn định chính trị
Hải Vân
Chen giữa hội nghị lần thứ 5 của ban chấp hành trung ương và đại hội nửa nhiệm kỳ của đảng, kỳ họp quốc hội tháng chạp vừa qua đã phản ảnh một phần nào cuộc tranh luận hiện nay trong ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Theo những nguồn tin từ nội bộ chính quyền, được giới quan sát phương tây đưa ra, cuộc tranh cãi này liên quan đến đường lối xây dựng “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa” và xoay quanh vấn đề “nhịp độ” tiến hành những cuộc cải cách. Hai bên “tham chiến”: một chủ trương mạnh dạn tăng tốc những cải cách kinh tế và hành chính cần thiết cho sự hình thành nền kinh tế thị trường, bên kia đòi hãm phanh hay ít ra là “thận trọng” trong các bước đi, vì lo ngại cho sự ổn định chính trị thời gian tới, nhất là trong viễn cảnh Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận, các doanh nghiệp Mỹ đầy đôla ào vào Việt Nam.
Trong khi thủ tướng Võ Văn Kiệt và chính phủ của ông đề cao các thành quả đạt được – tiêu biểu là nhịp độ tăng trưởng bình quân hơn 7% suốt ba năm liền –, không ít ý kiến đã nhấn mạnh đến những hệ quả xã hội (phân hoá giàu nghèo và bất công xã hội gay gắt, nạn thất nghiệp hiện lên tới 17% số lao động cả nước, sự xuống cấp của nền y tế và giáo dục, nạn tham nhũng, buôn lậu và các tệ nạn xã hội khác), và nhất là những hệ quả về hệ tư tưởng! Như báo Quân đội nhân dân, ngày 9.12.1993, thừa nhận: “(chế độ) chưa có chiến lược tư tưởng đáp ứng tính phức tạp của tình hình quốc tế và những đổi thay kinh tế ở trong nước”. Việc lập lại các “ban cán sự đảng” và “đảng đoàn” ở các cơ quan nhà nước và đoàn thể quần chúng có tính hình thức hơn là thực chất.
Trong điều kiện đó, bộ máy đảng cứ phải liên tục báo động về nguy cơ “diễn biến hoà bình”, tức là nguy cơ lật đổ chế độ qua con đường dân chủ hoá đảng và xã hội. Gần đây nhất là vụ Stephen Young - Nguyễn Đình Huy mà cơ quan an ninh đã tạo nên như con ngoáo ộp doạ dẫm dư luận và đảng viên trước hội nghị nửa nhiệm kỳ của đảng. Nhân vật số hai trong bộ chính trị, phụ trách khối an ninh và đối ngoại, đại tướng Lê Đức Anh, đại biểu cho quan điểm đặt yêu cầu “ổn định chính trị” lên hàng đầu. Ngoài giới tướng lĩnh, người ta còn chú ý theo dõi thái độ của đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh mà cựu tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang ít nhiều sử dụng trong cuộc vận động đòi thủ tướng Võ Văn Kiệt về hưu.
Luận điểm đáp lại của đương kim thủ tướng đã được ông trình bày trong bản báo cáo trước quốc hội. Ông Võ Văn Kiệt cho rằng “ thách thức lớn nhất” đối với chế độ là nền kinh tế phát triển chậm: chính nguy cơ thụt hậu sẽ dẫn đến mất ổn định chính trị. Do đó, đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế – không dưới 8% /năm từ đây đến năm 2000 – mới là “điều kiện quyết định” sự tồn tại của chế độ. Để bảo đảm “định hướng xã hội chủ nghĩa”, “ con đường duy nhất”, theo ông Kiệt, là tiếp tục đẩy mạnh cuộc cải cách kinh tế - hành chính mà ông đã khởi động. Người ta cũng chú ý, phần báo cáo trước quốc hội về tệ nạn tham nhũng, buôn lậu, với sự thú nhận bất lực hoàn toàn của chính phủ sau một “năm chống tham nhũng”, đã được ông Kiệt phân công cho bộ trưởng nội vụ Bùi Thiện Ngộ làm! Nhưng rồi, chính ông vẫn phải đương đầu với những chất vấn rất mạnh của các đại biểu quốc hội, và phải cam kết sẽ “ thay đổi chính phủ” nếu tham nhũng còn tiếp tục trong năm 1994. (Phân tích thế của ông Kiệt, không thể không tính tới điều này.)
Dẫu sao, dưới con mắt của người dân, cuộc tranh chấp trong giới lãnh đạo đảng – giữa một phe “bảo thủ” và một phe “cải cách”, theo cách phân loại của các nhà quan sát phương tây –, ít nhiều có vẻ đóng kịch. Hai nhận xét có thể được nêu lên:
– Quyền lợi của cả hai phe gắn liền với hoạt động kinh tế thị trường, hay đúng hơn là với cơ chế buôn bán quyền lực đã hình thành trong quá trình tiến tới nền kinh tế đó. Những lời phê bình nhân danh yêu cầu “ ổn định chính trị” thực chất không thể hiện một số đối lập về hệ tư tưởng, mà chỉ che giấu sự tranh chấp quyền lực.
– Bản thân phe “cải cách” cũng có xu hướng thổi phồng sự chống đối của phe “bảo thủ”, với ý đồ ngăn chặn các chỉ trích của những người tiến bộ, kể cả trong đảng. Mọi thái độ phê phán bị họ đánh giá là làm lợi cho phe “bảo thủ”.
Nêu vấn đề nhịp độ phát triển kinh tế trong mối tương quan với ổn định chính trị cũng là cách để ban lãnh đạo đảng gạt bỏ những cách đặt vấn đề khác, như vấn đề thực thi những cải tổ chính trị cần thiết cho sự phát triển kinh tế thị trường. Hay nói cách khác, vấn đề dân chủ hoá đời sống chính trị trong xã hội, và ngay trong đảng. Theo một số trí thức đã tìm cách lên tiếng trước hội nghị đại biểu của đảng, đây mới là “ điều kiện quyết định” sự phát triển trong ổn định của đất nước.
“Tiếp nhận” những tiếng nói đó, tổng bí thư Đỗ Mười đã thẳng thừng cảnh cáo: “Không một đảng viên nào được phép phổ biến những ý kiến trái với đường lối của đảng”.
Câu hỏi có thể đặt ra: “đường lối đó là gì?”.
Các thao tác trên Tài liệu