Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 26 / Những ngộ nhận về dân chủ và chủ nghĩa xã hội

Những ngộ nhận về dân chủ và chủ nghĩa xã hội

- Lê Quang Vịnh — published 01/01/2010 00:35, cập nhật lần cuối 20/12/2011 15:18

Thảo luận


Những ngộ nhận về
dân chủ và chủ nghĩa xã hội


Lê Quang Vịnh


Như đã thông báo từ số trước , Diễn Đàn đăng kỳ này bài của Lê Quang Vịnh mà một quan chức phụ trách Ban văn hoá tư tưởng trung ương đã gửi sang. Bài này đăng trên Sài Gòn Giải phóng Nhân Dân. Gọi là để “nói lại” Phan Đình Diệu (Diễn Đàn, tháng 6.93), nhưng hai tờ báo này không hề đăng lại bài phỏng vấn nhà toán học Phan Đình Diệu. Thậm chí, khi Phan Đình Diệu viết trả lời, thì họ làm ngơ. Theo nguồn tin từ Hà Nội, ông Phạm Văn Đồng đã đích thân điện thoại cho ông Hà Đăng, trưởng ban VHTTTƯ, yêu cầu tôn trọng quyền trả lời của Phan Đình Diệu. Cho đến khi số báo này lên khuôn, lời yêu cầu ấy vẫn gặp sự im lặng, không khác gì trước đây, hồi ông Phạm Văn Đồng còn làm thủ tướng.

Kèm theo bài Lê Quang Vịnh, chúng tôi đăng trả lời của Phan Đình Diệu, và lá thư ngỏ của Nguyễn Ngọc Giao. Vì bài Lê Quang Vịnh quá dài, chúng tôi buộc dùng chữ nhỏ để có thể đăng toàn văn. Mong bạn đọc và tác giả thông cảm.


Tôi đọc được trên tờ Diễn Đàn số 20 (6-93) bản dịch bài phỏng vấn một giáo sư toán học Việt Nam về “ứng dụng toán học và dân chủ” của nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson do tạp chí Nordic Newsletter of Asian Studies (số 2-93, Copenhagen, Đan Mạch) công bố.

Bài phỏng vấn chứa đựng nhiều quan điểm tôi nghĩ là cần phải nói lại. Tuy vậy tôi không có điều kiện để xác minh sự thật như thế nào về bài báo và bản dịch, cho nên tôi xin phép chỉ bàn về tư tưởng chứ không đề cập đến con người.

Bài nói lại của tôi sau đây theo rất sát nguyên văn lời phát biểu từng câu chữ trong bản dịch của Diễn Đàn:


Vấn đề I : “Từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin”

Bài báo ghi nguyên văn lời phát biểu của giáo sư về chủ nghĩa Mác-Lênin như thế này: “ Là người làm khoa học, đã từ lâu tôi phát hiện ra rằng chủ nghĩa Mác- Lênin khó có thể mang lại điều gì hữu ích cho một nước muốn thoát khỏi nghèo nàn. Mô hình xã hội chủ nghĩa như học thuyết Mác-Lênin xác định không phù hợp với một nước nghèo muốn phát triển về xã hội, kinh tế và khoa bọc. Song Đảng cộng sản ở Việt Nam cũng như ở các nước khác đã ngây thơ tìm cách áp dụng học thuyết của họ vào xã hội hiện đại. Sự thất bại của cuộc cách mạng điện toán thập niên 1980, sự thất bại của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày nay mọi người đều thấy rõ. Vấn đề còn lại là biết rút ra kết luận một cách đầy đủ và từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Tôi xin được bỏ qua những từ ngữ không mấy khiêm tốn của giáo sư. Trong vấn đề này, tôi thấy cần nói lại về chủ nghĩa Mác-Lênin, mô hình xã hội chủ nghĩa, và sự phát triển kinh tế, xã hội và khoa học.

Trước hết tôi nghĩ rằng sự thất bại của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự thất bại trong cách mạng điện toán không đủ để kết luận là phải từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin. Tôi không phủ nhận những thất bại ấy nhưng đó là những vận dụng cụ thể chủ nghĩa Mác-Lênin chứ không phải bản thân chủ nghĩa Mác-Lênin. Giải trật một bài toán, thậm chí hàng loạt bài toán khác nhau, không có nghĩa toán học là sai.

Từ khi có chủ nghĩa xã hội hiện thực, trên thế giới đã xuất hiện không phải chỉ một mô hình xã hội chủ nghĩa. Ngay Liên Xô thời kỳ chính sách cộng sản thời chiến (1917-1921) khác xa với thời kỳ chính sách kinh tế mới NEP (1921-1924) và thời kỳ cố định “mô hình Xô-viết” (1928-1940).

Mô hình Xô-viết đã ảnh hưởng lớn đến nhiều nước xã hội chủ nghĩa và mặc dù các nước Nam Tư, Hung-ga-ri, Ba Lan, Ru-ma-ni... và về sau Trung Quốc, Việt Nam, An-ba-ni... đều cố gắng xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu riêng của nước mình, nhưng phải nói mô hình xã hội chủ nghĩa của những nước này vẫn chưa định hình, hơn nữa vẫn mang dấu ấn đậm nét của mô hình Xô-viết.

Sở dĩ ảnh hưởng lớn như thế vì mô hình Xô-viết không phải chỉ dẫn đến toàn sự thất bại. Nó đã làm năng suất lao động xã hội Liên Xô tăng vọt và sự nghiệp công nghiệp hoá Liên Xô tiến những bước dài, mà trước đó nhiều nước phải đi hàng trăm năm vẫn không đạt.

Tôi trích dẫn nhận xét của Brzezinski, nguyên Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, một người chống Cộng khét tiếng:

“Theo những thống kê chính thức, tổng thu nhập quốc dân của Liên Xô tăng gấp 4 lần trong những kế hoạch 5 năm đầu tiên. Từ 1928 đến 1940, điện tăng từ 5 tỷ đến 48,3 tỷ KWh; thép từ 4,3 triệu đến 18,3 triệu tấn, công cụ cơ giới từ 8.000 đến 145.000.

“Khi bắt đầu cuộc chiến tranh (thế giới thứ hai) công nghiệp đã chiếm 84,7% trong nền kinh tế Xô-viết... cho dù số liệu có được thổi phồng thì đó vẫn là những thành tựu không thể phủ nhận được” (Zbigniew Brzezinski, The Great Failure, Nxb. Scribnersons - Mac Millan, New York 1989).

Thế nhưng tại sao Liên Xô đã khựng lại nhịp độ phát triển, trải qua 18 năm trì trệ rồi sau đó là tiền khủng hoảng và khủng hoảng?

Thật ra mô hình Xô-viết có những cái đúng rất cơ bản như: công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và khoa học (và nghệ thuật nữa), động viên tinh thần nhân dân Liên Xô đoàn kết với vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Nhưng cái sai cũng bắt nguồn từ những cái đúng ấy khi nó vượt qua những giới hạn quyết định. “Tư tưởng một khi tách rời khỏi lợi ích thì tự nó sẽ làm nhục bản thân nó” (Mác, Gia đình thần thánh).

Mô hình Xô-viết đã sử dụng quá đáng các biện pháp tư tưởng và hành chính (giáo dục động viên kết hợp với kỷ luật sắt) cho nên chỉ phù hợp với tình trạng chiến tranh cách mạng mà không phù hợp trong tình trạng hoà bình ổn định kéo dài, con người phải hy sinh lợi ích trước mắt của bản thân cho lợi ích tương lai của quốc gia xã hội. Nói như thế không có nghĩa là mô hình Xô-viết không quan tâm đến lợi ích, ví dụ như công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa cũng là bảo đảm mức tiêu dùng của nhân dân, nhưng bởi vì 3 lợi ích (Nhà nước, tập thể, cá nhân) không được kết hợp hài hoà thì tác dụng của mô hình không thể bền vững được. Thử xét về mặt lịch sử, Liên Xô cũng chỉ có 2 thời kỳ phát triển mạnh, đó là những năm 30 trước chiến tranh thế giới 2) và những năm 50 (sau khi hàn gắn vết thương chiến tranh Vệ quốc vĩ đại). Còn lại là thời gian chiến tranh chống ngoại xâm, nội loạn và thời kỳ trì trệ kéo dài.

Lần giở lại những trang sử đấu tranh nội bộ Đảng cộng sản Liên Xô về đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa, tôi xin lưu ý đến hai điểm lớn mà xét cho cùng những người kế tục Lê-nin đã làm ngược lại hoàn toàn với tinh thần biện chứng của Lê-nin, của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Một là, loại bỏ chính sách kinh tế mới NEP (với kinh tế hàng hoá – thị trường, 5 thành phần, coi trọng cả 3 lợi ích) mà Lênin xem như là một sự đổi mới cơ bản các quan niệm về chủ nghĩa xã hội và thay thế bằng một số chính sách sai lầm ví dụ như tập thể hoá nông nghiệp (Lênin chủ trương hợp tác hoá chớ không phải tập thể hoá) hoặc kế hoạch hoá triệt để nền kinh tế quốc dân làm triệt tiêu động lực sản xuất.

Hai là, cứ duy trì mô hình Xô-viết như là một công thức bất biến từ những năm 30 cho mãi đến những năm 80 khi Liên Xô đã chìm vào tình trạng khủng hoảng thật sự mới đặt vấn đề cải tổ. Đó là một điều hoàn toàn trái ngược với quy luật biện chứng, nhất là khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 3 – còn gọi là cách mạng công nghệ học – đã dần dần đưa được lực lượng sản xuất thế giới đến một trình độ vượt bậc về chất – làm trái quy luật thì bị quy luật trả thù, khủng hoảng là tất yếu.

Nếu giáo sư đặt “vấn đề còn lại là biết rút ra kết luận một cách đầy đủ”, thì tôi rút ra kết luận như thế này: Bởi vì làm sai chủ nghĩa Mác-Lênin nên mới bị thất bại, do đó cần phải sửa lại làm sao cho đúng – thật đúng với chủ nghĩa Mác-Lênin.

Như thế thật sự chủ nghĩa Mác-Lênin là gì?

Trước hết là không nên quên và không bao giờ được quyền quên lời dặn của những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác-Lênin rằng học thuyết của các ông “không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động”.

Với ba bộ phận cấu thành là triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học (về sau còn thêm một bộ phận nữa là xây dựng Đảng), chủ nghĩa Mác-Lênin là khoa học về nhận thức và cải tạo thế giới, là khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng “mà không có chủ nghĩa (Mác-Lênin) cũng như người mà không có trí khôn, như tàu mà không có bàn chỉ nam (Nguyễn Ái Quốc, Đường Kách Mệnh). Chủ nghĩa Mác-Lênin là khoa học bởi nó theo đúng và đủ các qui trình khoa học khi xác lập chân lý. Phần cốt lõi quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin là triết học duy vật biện chứng đã được rút ra thành phương pháp luận về bản chất sự vật (dù sự vật ấy là xã hội, tự nhiên hay tư duy), lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn (thực tiễn ấy có thể là thực tế, thí điểm hay lịch sử) như thế có nghĩa là nhận thức đã kinh qua 3 giai đoạn: “giả thuyết - thí nghiệm - định luật”.

Cũng như mọi khoa học khác, các chân lý mà chủ nghĩa Mác-Lênin xác định đều mang tính tương đối nhưng đồng thời cũng mang tính tuyệt đối.

Tôi không muốn lập lại toàn bộ lý luận về vấn đề chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối mà Lênin đã giải quyết dứt điểm trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” (Lênin, Toàn tập, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến bộ Matxcơva, T18, tr. 142-159). Tuy nhiên tôi cũng xin làm rõ vấn đề bằng một số ví dụ cụ thể.

Mọi chân lý khoa học đều tuyệt đối bởi phù hợp với một khách quan cụ thể nào đó nhưng tương đối thôi vì bất cứ khách quan nào cũng bị hạn chế trong những điều kiện nhất định.

Thiết tưởng không có gì hiển nhiên hơn phép toán cộng 2 với 2 là 4. Thế mà phép toán này chỉ đúng với tập hợp số tự nhiên thôi. Khi bước vào lãnh vực số đại số hay số ảo thì vấn đề đã hoàn toàn khác.

Định đề Euclide chỉ đúng trong không gian 3 chiều và không thể vận dụng được trong những không gian n thứ nguyên (espace à n dimensions).

Trong vật lý học, khoa quang học hình học (optique géométrique) bắt đầu bằng định luật ánh sáng truyền theo đường thẳng của Descartes (1596-1650) nhưng đến hiện tượng giao thoa hay nhiễu xạ ánh sáng thì quang học hình học đành bất lực, không còn khả năng giải thích nữa. Mãi đến khi Broglie (giải Nobel 1929) phát hiện ra khoa cơ học ba động (mécanique ondulatoire) bắt đầu bằng định luật quang từ chuyển động theo làn sóng hình sin thì vấn đề mới cắt nghĩa được.

Trở lại vấn đề chủ nghĩa Mác-Lênin là khoa học, hãy xét tính “tuyệt đối mà tương đối” của các chân lý mà nó xác định. Trước hết phải tách tất cả những dự báo dự kiến của họ để xếp vào các loại giả thuyết khoa học có thể đúng mà cũng có thể sai. Ănghen từng tiên đoán rất đúng về cuộc chiến tranh thế giới từ năm 1887 trong cuốn sách nhỏ “Để kỷ niệm những nhà ái quốc cực đoan Đức thời kỳ 1806-1807”. Nhưng Ănghen cũng đã đoán trật về sự điêu tàn của các thành phố trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đó cũng là một điều bình thường của các giả thuyết.

Nhưng các qui luật mà chủ nghĩa Mác-Lênin xác lập thì không phải là những giả thuyết, mà là những chân lý khoa học, bởi đã được lịch sử kiểm chứng. Tuỳ theo phạm vi của lịch sử mà chân lý có mức độ phổ biến đến đâu. Tuy nhiên, mỗi khi khoa học có những phát minh phát kiến vạch thời đại thì các qui luật ấy có thể không còn hiệu lực nữa và phải thay thế bằng những qui luật mới. Lý do cũng chỉ vì lúc ấy sẽ xuất hiện những điều kiện mới có thể làm thay đổi cả bản chất xã hội mà lịch sử chưa hề có, nên không thể kiểm chứng được.

Ngay từ khi mới ra đời, chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng định việc sản sinh ra những khái niệm, quan niệm mới thay thế cho những khái niệm, quan niệm cũ đã lỗi thời theo tiến trình của khoa   học. “Vì là một khoa học, nên chủ nghĩa Mác trong quá trình phát triển của nó không thể không giàu thêm về kinh nghiệm mới, tri thức mới, những luận cương và kết luận nào đó của nó không thể không thay đổi trong thời gian, không thể không bị thay thế bằng những kết luận và luận cương mới phù hợp với điều kiện mới của lịch sử” ( Từ   điển triết học, Hà Nội, 1960, tr. 478).

Như thế chắc chắn sẽ nảy sinh vấn đề chủ nghĩa Mác-Lênin có giá trị gì khi nó chẳng có gì bền vững? Thật ra, chủ nghĩa Mác-Lênin có một bộ phận rất bền vững. “Linh hồn sống của chủ nghĩa Mác – là phân tích cụ thể mỗi tình hình cụ thể” (Lênin).

Thử nhìn lại sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực ngày nay. Tôi thừa nhận sự khủng hoảng ấy là tất yếu bởi mô hình xây dựng có nhiều điểm trái ngược với chủ nghĩa Mác-Lênin. Chính những trái ngược ấy đã làm cho chủ nghĩa xã hội hiện thực mắc nhiều khuyết tật mà từ lúc sinh thời, Lênin đã đấu tranh nội bộ để sửa chữa. Những người kế tục Lênin lại loại bỏ chính sách NEP được coi như một biện pháp tình thế đã bị vượt qua của Lênin khiến bệnh chữa chưa lành đã tái phát. Ban đầu bệnh được lướt qua nhờ công tác tư tưởng tốt và chủ nghĩa xã hội hiện thực phát triển khá mạnh. Nhưng càng về sau bệnh càng lúc càng bạo phát khiến Liên Xô trì trệ kéo dài cho đến tiền khủng hoảng rồi khủng hoảng.

Tuy nhiên khủng hoảng không tất yếu dẫn đến sụp đổ. Một cơ thể bị bệnh không nhất thiết bao giờ cũng chết. Nếu được định bệnh trúng, chữa bệnh kịp thời và đúng thuốc, thì cơ thể lại lành mạnh và phát triển bình thường. Bệnh nhân chỉ chết khi nào phát hiện bệnh quá muộn, chữa bệnh không đúng cách hoặc “lang băm” cho uống lầm thuốc.


Vấn đề II : Mâu thuẫn với thị trường tự do

Giáo sư tin rằng hiện nay trong chế độ đổi mới đang có một mâu thuẫn không thể điều hoà được:

“ Nét nổi bật trong tình hình hiện nay lả sự mâu thuẫn giữa một mặt là ý muốn duy trì sự chuyên chế của Đảng và mặt khác là phát triển thị trường tự do”.

Tôi nghĩ rằng từ “chuyên chế” không đúng với ý nghĩa xác lập sự lãnh đạo của Đảng.

Tôi không phủ nhận trong suốt 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới, đã có nơi có lúc phạm trù “Đảng lãnh đạo”, bị hiểu sai lạc thành “Đảng thâu tóm mọi quyền lực vào tay”. Nhưng đó là những trường hợp làm trái ngược với chủ nghĩa Mác-Lênin, dẫn tới hậu quả tai hại là Đảng bị suy yếu đi vì xa rời chức năng vạch chiến lược, đường lối chính trị... kéo theo sự suy yếu của Nhà nước và các đoàn thể đã trở thành bị động, thụ động, thậm chí ỷ lại vì Đảng đã làm thay; giải quyết, quyết định cho tất cả.

Nhưng sẽ là thiệt thòi cho một xã hội muốn chuyển từ một hình thái này sang một hình thái khác cao hơn nếu không có Đảng lãnh đạo.

Một dàn nhạc hoà tấu một nhạc khúc bao giờ cũng có một nhạc trưởng và cũng chỉ có một mà thôi. Nếu khác đi tức khắc sẽ phát sinh va vấp lộn xộn ngay. Trong trường hợp để mặc cho xã hội tự phát thì điều chắc chắn là sẽ có xung đột và xung đột thông thường dẫn tới chiến tranh.

Tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh cho chính sách kinh tế mới NEP của Lênin trong nội bộ ĐCS (b) Liên Xô năm 1920 đã soi sáng rất nhiều con đường phát triển kinh tế của nước ta.

Chủ nghĩa xã hội không phải là chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất cộng với chuyên chính vô sản – Về một số mặt nào đó, công thức này là điều kiện cần chứ không đủ được.

Qui luật lớn về phương thức sản xuất là “quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất”. Vấn đề “phải phù hợp” soi sáng nhiều sai lầm duy ý chí trước đây áp đặt những quan hệ sản xuất cộng sản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa trên những lực lượng sản xuất thấp kém, thô sơ. Cũng đã có nơi có lúc tưởng rằng một quan hệ sản xuất “tiên tiến” sẽ kéo lực lượng sản xuất lạc hậu lên ngang tầm. Sự thật thì giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất bao giờ cũng có tác động qua lại, nhưng phép biện chứng duy vật chỉ rõ cái mở đường đi trước phải là lực lượng sản xuất chứ không thể là quan hệ sản xuất.

Theo đúng tinh thần chủ nghĩa Mác-Lênin thì một quan hệ sản xuất là tiên tiến hay phản động khi nào nó phù hợp hay không với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Không phải lúc nào và cái gì của chủ nghĩa tư bản cũng đều xấu cả. Sự phủ định sạch trơn chưa bao giờ được chủ nghĩa duy vật biện chứng thừa nhận. Trong thời kỳ tiền tư bản và thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, cơ chế thị trường hàng hoá đã thúc đẩy mạnh mẽ và tích cực sự phát triển kinh tế xã hội. Vả chăng, nước ta đi tới chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản, thì cũng không có cách gì khác hơn là phải theo đúng qui luật của sự phát triển: tập trung sức để phát triển lực lượng sản xuất mà tính chất và trình độ đang rất phức tạp đòi hỏi phải có những quan hệ sản xuất tương ứng tức là phải nhiều thành phần kinh tế.

Đến đây tôi xin phép được trở lại một từ ngữ mà giáo sư đã dùng là “phát triển thị trường tự do”. Tôi nghĩ rằng tinh thần đổi mới không hẳn là như thế. Sự phát triển trong cơ chế thị trường vốn là tự phát, không có hướng nhất định. Cho nên nếu cứ để nền kinh tế thị trường phát triển “tự do” thì chắc chắn không tránh khỏi nguy cơ rối loạn. Đây là một bài toán khó, phức tạp mà người giải thường chọn các giải pháp đơn giản (và không đúng) là xoá bỏ nền kinh tế hàng hoá, cơ chế thị trường.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam dần dần nhận thức ra bản chất khoa học của vấn đề và từ thời kỳ bung ra (NQ 6 khoá 4) đến Đại hội Đảng 6 (1986) thì đã khẳng định. Đại hội 7 lại cụ thể hoá thêm một bước nữa: “Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.

Thực tiễn hơn 7 năm qua cho thấy đường lối phát triển kinh tế như thế là phù hợp, chưa thấy có những mâu thuẫn gì đối kháng như giáo sư dự báo.


Vấn đề III : Dân chủ và hệ thống lưỡng đảng của Mỹ

Khác với phương pháp toán học là bắt đầu bằng định nghĩa, lần này giao sư lại chỉ nêu ra những điều kiện ắt có của một nền dân chủ chung cho mọi nơi và xác định mô hình lưỡng đảng của Mỹ là tiêu biểu:

“Một hệ thống dân chủ đòi hỏi trước tiên phải tôn trọng các quyền con người và quyền công dân. Điều này đặt ra ở mọi nơi. Và quyền công dân phài được tôn trọng bằng cách tổ chức bầu cử tự do. Nhân tố then chốt của một chế độ dân chủ là cách bầu ra người lãnh đạo. Bầu cử dân chủ nghĩa là bầu cử tự do, bỏ phiếu kín và mọi người đều có quyền ra ứng cử. Không có những điều đó không thể gọi là dân chủ ..”.

“Điều cốt yếu không phải là có nhiều đảng, không phải là có một chế độ đa đảng mà là có sự chọn lựa thật sự. Muốn chọn lựa thật sự, hai đảng cũng có thể đủ với điều kiện là hai đảng ấy thực sự khác nhau. Hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ xem ra ổn định hơn hệ thống nhiều đảng ở Pháp...”.

Tôi xin được trở lại với từ nguyên dân chủ. Theo tự điển Larousse 1992 trang 307, chữ dân chủ (démocratie) có gốc Hy Lạp nghĩa là quyền lực (kratos) của nhân dân (demos). Như thế dân chủ là quyền lực của nhân dân, là chính quyền nhân dân, là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” (tư tưởng Hồ Chí Minh).

Nhân dân nắm giữ quyền quản lý Nhà nước bằng nhiều cách, trong đó có “cách bầu ra người lãnh đạo” nhưng cách này không thể là “nhân tố then chốt” được. Bởi bầu cử dù là theo cách gì đi nữa cũng chỉ phản ánh một phần ý chí chọn lựa của cử tri mà thôi.

Tôi có thể trưng ngay ví dụ về những người lãnh đạo chế độ cũ ở miền Nam trong suốt thời kỳ 1945-1975 (30 năm), ai cũng thông qua bầu cử, không trước thì sau, để lên cầm quyền cai trị. Nhưng nhân dân thì lại chọn lựa theo một cách khác hẳn: đó là hy sinh gian khổ lâu dài qua hai cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân để cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn. Sự chọn lựa này chắc chắn phải kiên quyết can trường hơn lá phiếu nhiều, lý do là vì cả hai đế quốc đều có sức mạnh kinh tế, quân sự gấp hàng trăm ngàn lần nước ta.

Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu chỉ xem xét chế độ cũ ở miền Nam mà không trực tiếp nghiên cứu chế độ gọi là dân chủ tiêu biểu nhất thế giới là hệ thống lưỡng đảng ở Mỹ. Tôi cũng đồng ý hệ thống này “ổn định” nhưng ổn định không phải vì có “hai đảng thực sự khác nhau” mà thực chất là “tuy hai mà một”.

Cả hai đảng Cộng hoà và dân chủ Mỹ đều phục vụ cho lợi ích của một giai cấp duy nhất – giai cấp tư sản đặc quyền Mỹ. Mặc dầu họ đấu đá nhau kịch liệt nhưng có cùng đường lối chiến lược, cùng mục tiêu bản chất, có khác chăng là về chiến thuật, về cách tổ chức - chỉ đạo - thực hiện.

Quả thật nguồn gốc giai cấp tư bản công nghiệp miền Bắc của đảng Cộng hoà và giai cấp chiếm hữu nô lệ miền Nam của đảng Dân chủ đã dần dần mất đi từ khi cuộc nội chiến 1861-1865 kết thúc và nước Mỹ trở thành quốc gia tư bản chủ nghĩa thống nhất.

Cả hai đảng đều phi hình thức về tổ chức, nghĩa là không có tổ chức cơ sở (chi bộ), không có đảng viên mà chỉ có cán bộ đảng làm công tác vận động bầu cử với mục đích giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử. Đảng viên của đảng được coi như là tất cả cử tri nào bầu cho danh sách ứng cử viên của đảng. Các uỷ ban đảng toàn quốc hay tiểu bang hay địa hạt và cả đại hội đảng nữa thực chất chỉ là những tổ chức lập ra để lo việc bầu cử.

Riêng việc bầu tổng thống thì chế độ đại cử tri và qui định của từng tiểu bang (mỗi tiểu bang lại có một luật bầu cử khác) cho ứng cử viên khiến không thể có một đảng nào, một cá nhân nào có thể xen vào chia sẻ việc luân phiên cầm quyền của hai đảng này. Tuy Tuyên ngôn Độc lập Mỹ (1776) có ghi rõ: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng...” nhưng có phải mọi người Mỹ đều được bầu cử và ứng cử đâu? Suốt cả một thời kỳ dài, Hiến pháp Mỹ không cho người da đen đi bầu. Mãi đến 1920 mới chấp nhận cho phụ nữ quyền bầu cử và ứng cử.

Mặc dù ngày nay ở Mỹ, quyền phổ thông đầu phiếu đã được chính thức công nhận, nhưng tiểu bang nào cũng có một số hạn chế, tập trung vào tuổi tác, cư ngụ, ghi danh, đóng thuế, học vấn... để gạt bỏ người nghèo ra khỏi bầu cử.

Ví dụ ở nhiều tiểu bang qui định sát hạch khả năng biết đọc và biết giải thích một đoạn nào đó trong hiến pháp tiểu bang thì số người được đi bầu bị sụt xuống nhiều bởi tỷ lệ mù chữ trong dân cư Mỹ rất cao.

Về quyền ứng cử lại càng khó hơn. Người ứng cử phải đủ điều kiện về tuổi, bằng cấp, tài sản... và số người giới thiệu nếu không thuộc hai đảng Cộng hoà và Dân chủ.

Bên trên những qui định hạn chế về mặt hình thức và giữ vai trò quyết định là những thủ pháp mà giai cấp tư sản độc quyền Mỹ sử dụng để chọn vào các chức vụ lãnh đạo từ những ứng cử viên hoạt động phù hợp với lợi ích của họ, trong đó tinh vi và hiệu quả nhất là việc vận động bầu cử vô cùng tốn kém, có thể tới nhiều chục triệu USD, bắt buộc những người ứng cử phải gánh vác phần lớn.

Tôi xin trích dẫn những số liệu chính thức của Phòng thông tin Hoa Kỳ ở Sài Gòn trước đây: “Theo đơn giá năm 1964 (l úc đó một cây vàng ăn 35 USD – tôi ghi thêm, LQV) thì những cuộc vận động tranh cử dân biểu địa hạt thường phí tổn từ 15.000 đến 200.000 USD; thượng nghị sĩ – trên 1 triệu USD; tổng thống – nhiều chục triệu USD... Ước lượng tổng kinh phí vận động bầu cử trong năm 1964 là 200 triệu USD... Những chương trình vận động bằng vô tuyến truyền hình phải trả 75.000 USD; thông điệp một phút trên màn ảnh vô tuyến truyền hình địa phương cũng lên tới 1.750 USD...” (A. Ribicoff và J.O. Newman, Sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ, Nam Chi dịch, NXB Văn Đàn Sài Gòn 1969, trang 246).

Chính khoản phí tổn này khiến cho không cá nhân nào, tổ chức nào ngoài hai đảng Cộng hoà và Dân chủ có đủ súc mạnh về tài chính để tranh cử thắng lợi. Còn hai đảng này thì đối với giai cấp tư sản độc quyền là người chi tiền cho họ vận động tranh cử, đảng nào thắng cũng được cả, họ càng kình chống nhau thì chế độ Mỹ càng được tiếng dân chủ. Nhưng dân chủ ở đây không có ý nghĩa “quyền lực của nhân dân” mà đúng ra là “quyền lực của tư bản”.

Tôi xin nhân đây nói thêm một chút về luận điểm “muốn chọn lựa thật sự phải có hai đảng thực sự khác nhau”.

Ở Mỹ tuy có hai đảng đó nhưng như đã phân tích ở trên “tuy hai mà một” và nhân tố ổn định của hệ thống là ở con số 1 chứ không phải con số 2.

Bây giờ ở Việt Nam có “hai đảng thực sự khác nhau” thì phải chăng sẽ xuất hiện một đảng tư sản tranh quyền với đảng cộng sản?

Điều này nhất định sẽ dẫn tới xung đột chính trị tạo ra thế mất ổn định cho chế độ, đó là chưa bàn đến việc cải cách cải tạo với những chương trình dài hạn 20-30 năm làm sao thực hiện được khi một đảng theo đường lối này chỉ cầm quyền trong một nhiệm kỳ và ra đi cho đảng kia lại theo một đường lối khác?

Còn “bầu cử dân chủ là mọi người đều có quyền ra ứng cử” thì ở Việt Nam đổi mới, Luật bầu cử Quốc hội 1992 đã ban hành quyền tự ứng cử, tất nhiên là với một số điều kiện (thì thử hỏi có chế độ nào mà ra ứng cử lại không có điều kiện gì cả?) chẳng hạn như không phạm pháp, không mắc bệnh tâm thần, hoàn thành một số nghĩa vụ đối với địa phương cư trú và làm việc. Tuy không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập, nhưng ban hành quyền tự ứng cử là một cố gắng mở rộng nền dân chủ.

Còn một vấn đề nữa cũng liên quan đến quyền công dân là trong một xã hội có giai cấp làm sao có tự do bình đẳng giữa chủ và tớ, tư sản và vô sản, địa chủ và tá điền, mẫu quốc và thuộc địa?

Nếu chế độ dân chủ có hai đặc trưng: một là, mọi công dân đều có quyền tự do bình đẳng như nhau và hai là, thiểu số phải phục tùng đa số, thì chỉ khi nào không còn giai cấp (tôi có thể nói thẳng ra: đó là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội) nền dân chủ mới đúng với ý nghĩa đích thực của nó.


Vấn đề IV: “Việt Nam chưa có một giai cấp trí thức”

Đây là nguyên văn sự đánh giá của giáo sư về trí thức Việt Nam: “Trước tiên tôi muốn nói tới những nhà trí thức đã được đào tạo dưới thời Pháp thuộc. Thật ra chỉ còn lại một số rất nhỏ.

Lớp thứ hai là số đông những chuyên gia được đào tạo trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa. Trái ngược với nền giáo dục thời Pháp, chế độ xã hội chủ nghĩa đào tạo ra những chuyên viên hơn là những trí thức. Chúng tôi có nhiều nhà toán học, nhà vật lý học, nhà sinh học, kỹ sư... và bây giờ thêm nhiều nhà kinh tế. Nhưng chưa bao giờ họ được học để suy nghĩ về các vấn đề của xã hội. Đảng nghĩ hộ cho mọi người. Ý thức chính trị của các chuyên viên nói chung là yếu.

Thà nh phần thứ ba là những trí thức được đào tạo trước đây ở miền Nam. Phần đông đã bỏ đi. Cuộc sống kéo dài ở hải ngoại không phải là mảnh đất thuận lợi cho một lực lượng trí thức tích cực.

Cuối cùng là thanh niên, những người vừa được hay còn đang được đào tạo trong những năm gọi là đổi mới. Nhưng còn phải có thời gian thì các xu hướng nói trên mới có thể hình thành một lực lượng xã hội chính trị thực sự. Nói tóm lại, kết luận của tôi là hiện nay, Việt Nam chưa có một giai cấp trí thức.”

Trước hết, tôi nghĩ rằng gọi tập hợp những người trí thức trong nước là “giai cấp trí thức” có lẽ không được chính xác. Cho dù có dịch chữ intelligentsia, người ta cũng chỉ sử dụng từ “giới trí thức” hay “tầng lớp trí thức” mà thôi.

Tôi không hiểu giáo sư căn cứ vào đâu để kết luận chế độ xã hội chủ nghĩa không đào tạo trí thức mà chỉ đào tạo ra các chuyên viên và ý thức chính trị của các chuyên viên là yếu?

Sinh ra từ thời Pháp thuộc và lớn lên ở miền Nam thời đất nước bị chia cách, tôi được đào tạo trong chế độ cũ và đã làm công tác giáo dục nhiều năm trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Phải nói là tôi hiểu rõ cả hai nền giáo dục. Tôi không phủ nhận nền giáo dục của nước ta đang có nhiều khuyết, nhược điểm cần phải trải qua nhiều bước cải cách nữa mới có thể đưa dân ta làm chủ được những tiến bộ khoa học và công nghệ thế giới hiện đại.

Nhưng với phương châm “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn kiên trì mục tiêu đào tạo toàn diện để người dân ý thức được vai trò người chủ và biết cách làm chủ đất nước đúng theo tinh thần dân chủ nghĩa là “Dân là chủ và Dân làm chủ” (tư tưởng Hồ Chí Minh). Tất nhiên họ không coi hệ thống lưỡng đảng của Hoa Kỳ là dân chủ, họ không coi chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản – là dân chủ, họ không chống lại lòng “ham muốn tột bậc làm sao đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” của Hồ Chí Minh, người cộng sản đầu tiên của nước ta... Nếu cho rằng nhân dân Việt Nam nhiều thập kỷ qua đã tham gia kháng chiến chống thực dân cũ và mới, xây dựng bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là không trí thức, phải nhờ “Đảng nghĩ cho mọi người” thì thật tình tôi cũng không biết nên nói lại với giáo sư như thế nào nữa.


Vấn đề V: “Hy vọng Đảng Cộng sản tự nó sẽ thay đổi”

Tôi nghe những lời sau đây của giáo sư có cái gì đó chân thành đáng trọng thị: “ Tôi vẫn hy vọng là Đảng Cộng sản tự nó sẽ thay đổi. Theo tôi Đảng Cộng sản Việt Nam có hai mặt, mặt cộng sản và mặt yêu nước. Nó nên giữ mặt thứ nhì và bỏ mặt thứ nhất, có thể tự biến đổi thành một lực lượng yêu nước chân chính. Nếu họ thực sự yêu nước thương dân thì họ phải chấp nhận biến đảng thành một đảng dân tộc, tôn trọng đầy đủ các quyền tự do cơ bản và tổ chức bầu cử tự do. Trong điều kiện đó, những tổ chức chính trị khác sẽ xuất hiện từng bước, triển khai thành một lực lượng đối lập xây dựng. Nếu Đảng Cộng sản tự cải tạo trong quá trình đó, thì trong suốt thời gian dài, nó có thể thắng cử”.

Bởi tôi cảm nhận sự chân thành trong phát biểu của giáo sư cho nên tôi cũng xin đáp lại bằng sự chân thành. Vâng, Đảng đang chủ động đổi mới. Nếu ở giáo sư là “hy vọng” thì ở tôi là tin tưởng.

Suốt hơn 60 năm phấn đấu hy sinh, Đảng được Hồ Chí Minh rèn luyện cho tinh thần độc lập tự chủ sáng tạo. “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Không phải Đảng có “hai mặt”, cần “bỏ đi mặt thứ nhất và giữ lại mặt thứ nhì” như giáo sư suy nghĩ mà thực sự trước sau Đảng vẫn chỉ có một đường lối, một tấm lòng “yêu nước thương dân” như Hồ Chí Minh từng trăn trở thao thức: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” 1. “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” 2. Đó chính là đường lối “giương cao hai ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nếu Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin lời giải đáp cho việc thực hiện đường lối ấy thì Đảng cũng nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin như một “học thuyết đúng đắn nhất, cách mạng nhất”, “đó là cái cần thiết cho chúng ta, là con đường giải phóng chúng ta”, là “trí khôn”, là vũ khí đấu tranh của mình.

Đề cập đến dân chủ, trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao giờ cũng có chuyên chính đi kèm. “Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khoá và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quí báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá cài cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân làm chủ 3.

Chủ nghĩa xã hội là điều kiện tất yếu để đạt tới một nền dân chủ đích thực.

Cho đến nay, loài người mới chỉ thấy một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực đã được định hình thực sự, đó là mô hình Xô-viết với nhiều thiếu sót sai lạc, phản ánh không đầy đủ thậm chí trái ngược chủ nghĩa xã hội đích thực và một số mô hình khác đang trong quá trình phát triển chưa định hình được. Tuy nhiên không vì thế mà quay trở lại với “chủ nghĩa tư bản mang chiến tranh trong lòng nó như đám mây mang cơn dông” (Jaurès, 1912) “đang đè bẹp thế giới thứ ba, thế giới thứ tư” 4... và ở nước Mỹ, “Cây hải đăng của thế giới tự do”, sự giàu có tột độ ở bên cạnh sự cùng khổ ghê gớm, những khái niệm tự do và quyền con người được người ta dùng để bào chữa cho một thế giới bị hoại thư vì sự dã man, ma tuý và chủ nghĩa chủng tộc”. (G. Marchais, Dân chủ, Bản tiếng Việt, NXBST Hà Nội, 1992, trang 63).

Cuối cùng tôi muốn thưa với giáo sư rằng dân chủ không phải là một vấn đề toán học. Chưa bao giờ và cũng chưa ở đâu có cái thứ dân chủ cho tất cả. Khi dân chủ phải sống chung với bầy sói thì tự do cho tất cả là một tội ác ghê gớm mà những con cừu không thể nào chấp nhận được. Riêng tôi, tôi vẫn có lòng tin sắt đá rằng sẽ có ngày nhân loại bước từ “thế giới tất yếu” vào “vương quốc tự do”. Có lẽ chỉ đến ngày ấy mới không còn những cuộc tranh luận về dân chủ.


Lê Quang Vịnh




1 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1984, t. 4, tr. 35

2 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1989, t. 8, tr. 701

3 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1989, t. 7, tr. 548

4  “Thế giới thứ tư” là lớp người nghèo khổ trong những nước giàu có.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss