Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 26 / Thư ngỏ gửi Lê Quang Vịnh

Thư ngỏ gửi Lê Quang Vịnh

- Nguyễn Ngọc Giao — published 01/01/2010 00:40, cập nhật lần cuối 20/12/2011 15:20

Thư ngỏ gửi Lê Quang Vịnh

 

Anh Vịnh,

Cùng với bài báo của anh, chúng tôi đã nhận được những thông tin về sự tích của nó, và phản ứng của trí thức trong nước đối với việc anh nhận viết bài ấy (họ không mấy quan tâm tới việc chánh quyền muốn có bài trả lời Phan Đình Diệu). Như anh biết, phản ứng chung rất nghiêm khắc đối với anh, không phải vì trình độ lý luận thấp của bài viết (người ta quen với điều đó rồi, có lẽ chỉ có chúng tôi ở xa nên còn sửng sốt) mà chính vì anh đã nhận lời làm công việc đó. Nhiều người gán cho anh những động cơ không mấy sáng sủa, điều này chắc anh cũng biết.

Tôi vẫn muốn tin rằng anh thực sự nghĩ những điều anh đã viết trong bài. Tuy tôi không biết anh nhiều – chỉ gặp anh một buổi tối ở Paris, cách đây mươi năm, và phải nói thực, vì nản quá nên hôm đó tôi chỉ nói chuyện xã giao – nhưng tôi có một món nợ tinh thần lớn đối với anh. Đối với chúng tôi, thế hệ sinh viên đầu những năm 1960, Lê Quang Vịnh là người trí thức trẻ – giáo sư toán, tốt nghiệp Đại học sư phạm Sài Gòn – đã bị chế độ Ngô Đình Diệm kết án tử hình. Đối với riêng tôi, vụ án Lê Quang Vịnh là một cái mốc trong đời, có thể nói là cái mốc chính. Lúc đó, ở Pháp, phong trào Việt kiều vận động chữ ký, không phải để xin “ ân xá” cho anh, mà để đòi huỷ bỏ án tử hình và trả tự do cho anh (cũng như anh Lê Hồng Tư và hai người khác). Tôi còn nhớ mãi ngày hôm ấy, anh C., đồng hương với anh, là người trong phong trào Việt kiều, đi tìm tôi, đề nghị tôi ký tên vào kiến nghị. Hồi đó tôi là sinh viên từ Sài Gòn qua, lại có học bổng “quốc gia” của Ngô Tổng thống. Nên một mặt thì muốn, một mặt thì không dám ký, hỏi anh C. tại sao không yêu cầu ân xá mà thôi? Rốt cuộc, tôi không ký vào bản kiến nghị. Ngoài miệng chắc tôi đã viện lẽ này cớ nọ, còn trong bụng thì thấy nhục. Nhục vì biết việc phải làm mà không dám.

Mấy tháng sau, trong một dịp khác, tôi quyết định không tiếp tục nhục nữa. Về sau, có người bạn Mỹ đọc cho tôi câu thơ, tôi rất thích vì nó nghiệm với hoàn cảnh mình:

After a final no, there comes an yes
And on that yes the future sun depends.

(Sau lần cuối cùng nói không, rồi anh nói
Tiếng làm ló rạng mặt trời tương lai).

Thời đó, mỗi người “từ ấy” theo cách của mình. Tôi “từ ấy” nhờ anh đã cho tôi nói “không” lần chót. Tôi nợ anh từ đó. Tất nhiên, tôi đã vay nợ một cách tự nguyện. Ba mươi mấy năm qua, nay nhìn lại, nếu có điều gì tiếc, chắc chắn tôi không tiếc đã mắc nợ anh. Tôi viết thư ngỏ này gửi anh, trước tiên cũng để nói lên ơn nghĩa ấy.

Điều đó cũng giải thích tại sao tôi muốn tin rằng anh thực sự nghĩ những điều anh viết trong bài. Và tại sao, ngay từ đầu thư, tôi đã viết thật, viết thẳng. Tôi sẽ tiếp tục như vậy suốt thư này. Mong anh hiểu đó không phải tôi thiếu khiêm tốn, mà chính vì tôi kính trọng anh.


1. 

Khác với anh Diệu, tôi không cho rằng việc anh tránh nêu tên Phan Đình Diệu là một nhã ý. Vì anh hoàn toàn “có điều kiện để xác minh sự thật như thế nào về bài báo và bản dịch”. Thật vậy, những ý kiến phát biểu trong bài phỏng vấn anh Diệu đã phát biểu nhiều lần, gần nhất tại hội nghị Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc (Một thời kỳ lịch sử mới : vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, tháng 3.93) và tại Viện chủ nghĩa xã hội khoa học (Mộ t cách tiếp cận khoa học về dân chủ và cơ chế thực hiện dân chủ). Đó là về ý, còn lời văn cụ thể, thì chẳng lẽ anh không có cách liên lạc với tác giả để hỏi rõ thực hư trước khi “nói lại” sao?

Tôi sợ rằng cách “nói lại” trên những tờ báo phổ biến công khai và rộng rãi để trả lời những lời “nói đi” mà độc giả không được đọc là một phương pháp quen thuộc. Nó đã được sử dụng suốt nửa đầu năm 1991 để “nói lại” các ý kiến của Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Dương Thu Hương, Nguyễn Khắc Viện, Phan Đình Diệu, Hà Sĩ Phu... Hồi đó, người ta nói đổng, không cần trích dẫn, tha hồ bóp méo những ý kiến mà người ta muốn phản bác. Cách đó còn có mặt khôn ngoan, vì giả dụ có ai phản đối, người ta có thể trả lời tôi không nói anh mà nói người khác!

Điều mà tôi không hiểu ở nơi anh là điều này: là một người trí thức, lại đứng trên lập trường mácxít, làm sao anh có thể chấp nhận viết trả lời một bài mà bạn đọc của anh không được đọc? và khi anh trích dẫn thì lại trích dẫn cắt xén mà không hề ghi dấu những chỗ cắt, và có đoạn cắt ngang làm chệch ý nguyên tác (anh Diệu đã nêu rõ mấy thí dụ, tôi xin miễn trở lại)?

Để tránh sự chụp mũ, nay bài anh đã đăng báo, còn bài anh Diệu không được đăng, thậm chí bài trả lời của anh Diệu cũng không được đăng, anh có đồng ý yêu cầu Sài Gòn Giải phóng Nhân Dân tôn trọng quyền trả lời của anh Diệu không? Tất nhiên, Diễn Đàn sẵn sàng đăng ý kiến của anh về điểm này.


2. 

Vì nhiều lý do – trong đó lý do trực tiếp nhất, tôi sẽ trình bày ở điểm 3 – ở đây và bây giờ, tôi không bàn về những luận điểm của anh về dân chủ và chủ nghĩa xã hội, vả lại bài của anh là một loạt khẳng định niềm tin hơn là một bài lý luận. Song tôi không thể không nêu lên một vài nhận xét có tính chất phương pháp luận.

Nhận xét đầu tiên muốn lưu ý anh: cả ba thí dụ anh nêu ra về chân lý khoa học đều sai cả. Thí dụ thứ nhất: đẳng thức 2 + 2 = 4 không phải “chỉ đúng với tập hợp số tự nhiên thôi”, mà vẫn đúng cho cả “lãnh vực số đại số hay số ảo”. Nó chỉ sai (trở thành 2 + 2 = 0 hay 2 + 2 = 1 ) trong những tập hợp không có “số” 4.

Định đề Euclide không phải chỉ “đúng” trong không gian 3 chiều, mà còn đúng trong các không gian n thứ nguyên, miễn đó là những không gian... ơcliđiên. Định đề Riemann (hay định đề Lobatchevski), mâu thuẫn với định đề Euclide, tất nhiên là những mệnh đề sai trong không gian ơcliđiên, và đúng trong những hình học phi-ơcliđiên. Hình học Euclide, hình học Riemann, hay hình học Lobatchevski là những hệ tiên đề mâu thuẫn với nhau, nhưng mỗi cái đều không chứa đựng mâu thuẫn nội bộ, và đều đã được dùng làm mô hình trong vật lý học để mô tả từng mảng của thế giới tự nhiên.

Thí dụ thứ ba về vật lý anh nêu ra cũng không hoàn toàn như vậy: đúng là Descartes (1596-1650) đã sáng lập ra quang học hình học với cuốn Dioptrique (1637), và đúng rằng mô hình này không lý giải được các hiện tượng nhiễu xạ và giao thoa, nhưng không phải đợi đến thập niên 1920 của de Broglie, mà ngay từ năm 1678, với tác phẩm Traité de la lumière, Huygens (1625-1695) đã nêu ra tính ba động của ánh sáng. Công lao của cơ học ba động của de Broglie là đã thống hợp được hai mặt tưởng như mâu thuẫn ấy (ánh sáng truyền theo đường thẳng và truyền sóng).

Tôi nói hơi dài, không phải vì muốn soi mói sự ngộ nhận của anh, nhưng vì tình cờ, mấy thí dụ trên có thể cho ta rút ra mấy bài học về phương pháp luận:

– Một là, cũng may cho Descartes và Huygens, sống vào lúc Galilei bị Giáo hội lên án (1633), nhưng quang học chưa đụng vào những tín điều, nên họ được tự do tìm tòi. Và đáng mừng là họ có đủ phẩm chất của người trí thức để không dựa hơi vào ban văn hoá tư tưởng của Vatican để kích bác nhau.

– Hai là, không có lý thuyết toán học nào là chân lý cả, chỉ có những lý thuyết được dùng (hay không) làm mô hình cho thế giới tự nhiên; chưa có lý thuyết khoa học nào có thể thống hợp được mọi hiện tượng tự nhiên, nói khác đi, mọi học thuyết mang tham vọng toàn thống (totalitaire) đều chứa chấp ít nhất một sai lầm hay thiếu sót cơ bản nào đó.

– Ba là, những sai lầm trong ba thí dụ anh nêu ra minh hoạ khá cụ thể những sai lầm khoa học phổ biến trong các giáo trình Mác-Lê. Khi những người mắc sai lầm có quyền sinh sát, thì họ có thể giết cả khoa học (thuyết tương đối của Einstein đã bị Bách khoa toàn thư Liên Xô lên án ngay từ sinh thời Lênin, một phần có lẽ vì Einstein tán thành quan điểm triết học của Mach mà Lênin lên án kịch liệt, còn Stalin tàn sát những nhà khoa học theo học thuyết Mandel, tuyên dương Lyssenko, rồi dẫn sinh học, nông học tới đâu, chắc anh biết, và không đổ hết tội cho... Gorbatchev). Ở một mức thấp hơn, người ta chỉ bắt sinh viên trả bài như người ta đã học, không cần hiểu (như người ta cũng không hiểu) và những khoá giảng về cái được mệnh danh là chủ nghĩa Mác đã trở thành trò chơi, nhàm chán. Nguy hại hơn, chúng đào tạo ra bao nhiêu thế hệ nghĩ một đàng, nói một nẻo, và làm lung tung.

Trước khi sang điểm chót, tôi cũng xin nói rõ: tôi cho rằng học thuyết Marx về kinh tế tư bản chủ nghĩa ngày nay vẫn còn giá trị (tương đối thôi, nhưng sau một thế kỷ rưỡi, cũng là vĩ đại lắm rồi), cũng như còn giá trị những suy nghĩ của ông về biện chứng pháp duy vật (mặc dù, ngay từ Engels, những khẳng định trong Chống Duhring về tính biện chứng của toán vi phân và tích phân là hoàn toàn khiên cưỡng). Nhưng cũng xin nói thật với anh: ngày nào còn có người nhân danh chủ nghĩa Mác để cấm đoán mọi cuộc tranh luận khoa học, thì tôi coi việc “bảo vệ” những cái còn giá trị trong chủ nghĩa Mác là vô duyên.

Vấn đề trước mắt, do đó, là làm sao đi tới một cuộc


3. Đối thoại dân chủ 

Xin anh yên tâm: tôi sẽ không nói chuyện chính trị quốc cấm, không đòi đa đảng trong bài này, và nếu cần, không dùng cả chữ đa nguyên.

Tiếp cận chính trị mà tôi muốn nêu lên ở đây xuất phát từ những căn cứ thực tế này:

a) Lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản kiên quyết độc chiếm chính quyền, và không chấp nhận bất cứ ai (kể cả đảng viên) đặt lại vấn đề; song, là một tập đoàn lãnh đạo quốc gia, họ không thể không chuẩn bị tương lai, và thừa nhận sự tự lập của xã hội công dân (société civile), nền tảng của mọi thể chế dân chủ. Dù muốn hay không, quá trình đổi mới hiện nay, và tình hình quốc tế đòi hỏi phải có sự tự lập đó, cho dù đảng cộng sản không (hay chưa) chấp nhận có những chính đảng (cộng sản phái tả hay không) khác.

b) Là một bộ phận của xã hội công dân, giới trí thức có chức năng xới lên và đào sâu những vấn đề của xã hội. Những đề nghị, những dự báo của họ chỉ có tính cách tư vấn, để cho chính quyền và các lực lượng xã hội sử dụng (hay không). Người trí thức với tư cách công dân, có thể và có quyền tham gia chính đảng, chính quyền để thực hiện ý kiến của mình (và tuân thủ những kỷ cương của mỗi tổ chức). Song chức năng của trí thức đòi hỏi phải có tự do tư tưởng, và nếu có đủ can đảm, họ phải đấu tranh bảo vệ quyền tự do tư tưởng (trước hết là quyền tự do tư tưởng của người khác ý kiến với mình). Khi nói Việt Nam mới chỉ có những người trí thức, chưa có giới trí thức, theo tôi, chính là nói tới những không gian tự do tư tưởng mà giới trí thức cần có để làm tròn chức năng của mình đối với xã hội.

Trong điều kiện đó, tôi thiển nghĩ những người thức thời trong ban lãnh đạo và giới trí thức có thể đi tới đồng thuận để thiết lập ra, ngay từ bây giờ, những không gian tự do, trong đó có thể tranh luận một cách khoa học, nghiêm chỉnh tất cả các vấn đề liên quan tới đất nước, tới xã hội, miễn là không hô hào bạo động. Đó là cách duy nhất để trí thức Việt Nam (trong nước cũng như ngoài nước) thấy mình không bị coi là những nịnh thần hay nghịch tặc tiềm thể, và có đủ quyền hạn để làm đúng nhiệm vụ của mình. Đó cũng là cách để đảng cộng sản mở rộng cơ chế, tiến thêm một bước trên quá trình dân chủ hoá, mà không nguy hại tới sự ổn định chính trị mà toàn bộ xã hội đều mong muốn (cho dù bộ phận bảo thủ trong đảng vẫn nhân danh ổn định để ngăn chặn mọi thay đổi).

Trở lại các bài của anh Diệu và của anh, tôi nghĩ chính quyền hoàn toàn có bản lĩnh để chọn (hay cho ra đời) một tạp chí để đăng toàn văn cả hai, với số in không rộng rãi như Nhân Dân, Sài Gòn Giải phóng, nhưng đủ để phát hành trong giới nghiên cứu và học thuật. Như vậy tránh được cảnh mà dù muốn dù không, anh đã mắc vào khi đăng bài trên Sài Gòn Giải phóng mà không tôn trọng quyền trả lời của anh Diệu: cái cảnh múa gậy vườn hoang, mà nạn nhân đầu tiên là uy tín của chính anh.

Tôi mong những không gian tự do ấy sớm được mở ra để mọi người chúng ta có thể đem cái riêng làm giàu cho cái chung và cho riêng mình.

Lúc đó, chúng ta có thể bàn tới những chuyện nghiêm chỉnh. Hơn là những chuyện tào lao mà tôi buộc phải nói thẳng với anh trong thư này. Nói thẳng vì tôn trọng anh, quyền tự do tư tưởng của anh, vì tin rằng anh vẫn yêu tự do như trong bài thơ anh viết ngày nào. Tôi mong mình không lầm.


Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss