Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 26 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 01/01/2010 01:05, cập nhật lần cuối 20/12/2011 15:32

Tin tức


Kinh tế 1993: tiếp tục tăng trưởng trên 7%

Các thông tin về kinh tế do chính phủ Việt Nam trình bày tại kỳ họp quốc hội tháng 12 vừa qua cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 1993 đã tăng 7,5% so với năm 1992. Tính chung ba năm 1991-92-93, nhịp độ tăng trưởng bình quân là 7,2%. Trong năm 93, sản lượng lương thực quy thóc đạt 24,5 triệu tấn (tăng 1,2% so với 1992, trong đó riêng thóc đạt khoảng 21,8 triệu tấn), sản xuất nông nghiệp nói chung tăng 3%. Sản lượng dầu thô đạt 6,5 triệu tấn, tăng 18% so với 1992. Sản xuất công nghiệp nói chung tăng 11%. Kim ngạch xuất khẩu ước tính gần 3 tỉ đôla (tăng 20%), cán cân thanh toán thiếu hụt khoảng 400 triệu đôla do nhập khẩu tăng nhanh. {Xem tin thương mãi, dưới đây}

Tổng vốn đầu tư đạt 30.800 tỉ đồng (2,8 tỉ đôla), tăng 45% so với năm trước. Tỉ lệ đầu tư từ nguồn vốn trong nước so với GDP là 12,7% (năm 1992: 6,9%). Theo ước tính của chính phủ, nguồn vốn trong dân lên đến 20 ngàn tỉ đồng trong năm 1993, nhưng mức huy động mới đạt khoảng 8 ngàn tỉ, phần lớn được dùng vào xây dựng nhà ở. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục tăng nhanh, phần vốn đã đưa vào thực hiện trong năm lên tới 850 triệu đôla (gấp gần 2 lần năm 1992).

Tỉ lệ lạm phát đã giảm từ 17% năm 1992 xuống còn 4% tính tới cuối tháng 11. Tổng thu ngân sách ước khoảng 27.000 tỉ đồng, tổng chi 36.000 tỉ. Mức thiếu hụt (tương đương 6,7% GDP) được bù đắp hoàn toàn bằng nguồn vay, lần đầu tiên nhà nước không phải in thêm tiền.

Trên cơ sở những thành quả ấy, thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trương đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, đạt không dưới 8% mỗi năm, “ vượt mục tiêu đến năm 2000 tăng gấp đôi GDP so với năm 1990” {Đây là mục tiêu đã được tính lại. Theo đúng “Chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2000” do đảng cộng sản đề ra ở đại hội 7 của đảng, mục tiêu đề ra là đến năm 2000 “tăng gấp đôi thu nhập quốc dân tính theo đầu người so với năm 1990”, chứ không chỉ là “tăng gấp đôi GDP”. Sự tính lại cho sát thực tế hơn này không có gì đáng xấu hổ, song điều đáng tiếc là nó không được nói lên một cách minh bạch. }.

Để đạt nhịp độ tăng trưởng nói trên, chính phủ Võ Văn Kiệt đề ra 4 biện pháp lớn:

– Đẩy mạnh đầu tư phát triển, và định hướng đầu tư theo các yêu cầu “ tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từng bước công nghiệp hoá nông nghiệp và kinh tế nông thôn”, “xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là mạng lưới điện, các trục đường bộ, đường sắt, cảng, sân bay, hệ thống thuỷ lợi và nước sinh hoạt, hệ thống thông tin liên lạc nội địa và viễn thông...”.

– Phát huy tiềm năng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế, đặc biệt là việc “chấn chỉnh khu vực doanh nghiệp nhà nước” “xoá bỏ các qui định ngăn cản, cấm đoán phi pháp, gây khó khăn cho kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân”, “ quản lý kinh doanh theo pháp luật”.

– Mở rộng nhanh quan hệ kinh tế với bên ngoài.

– Đổi mới và cải thiện tình hình tài chính - tiền tệ - tín dụng, trong đó có việc cải cách hệ thống thuế và hệ thống ngân hàng.

Để “ nâng cao hiệu lực điều hành của chính phủ”, một chương trình cải cách hành chính được đề ra, với 4 điểm chính:

– Tạo khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động kinh tế trong cơ chế thị trường, hình thành các bộ luật cơ bản, đặc biệt là luật dân sự, luật kinh doanh, và nâng cao hiệu lực thi hành luật pháp. {Cũng trong kỳ họp quốc hội lần này, theo báo cáo của chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh, trong năm qua quốc hội đã thông qua 11 luật và 4 quy chế, đạt 72% chương trình xây dựng các dự án luật và quy chế}.

– Xoá bỏ trong năm 1994 chức năng chủ quản của các cơ quan hành chính đối với các doanh nghiệp nhà nước và sự phân biệt giữa doanh nghiệp trung ương và địa phương. (Trong một đoạn khác của bản báo cáo, ông Kiệt nêu rõ “ các chức năng về chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước cần được tập trung vào một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý vốn và tài sản công, đại diện cho chủ sở hữu đối với những cổ phần của nhà nước tại các công ty”). Phân định thẩm quyền hành chính của các cấp chính quyền, khắc phục tình trạng ngành hoặc địa phương ban hành văn bản trái với quyết định của chính phủ.

– Cải cách thủ tục hành chính trước hết ở những lĩnh vực đang cản trở hoạt động kinh doanh và gây phiền hà cho nhiều người. Ban hành luật hành chính và thành lập toà án hành chính để giải quyết các khiếu nại của dân đối với cơ quan và viên chức hành chính.

– Xây dựng chế độ công vụ, quy chế công chức, đào tạo lại đội ngũ công chức, sửa đổi quy chế tuyển dụng và bổ nhiệm công chức...

Ngoài ra, báo cáo dành một phần nói về việc “ giải quyết tốt hơn các vấn đề văn hoá, xã hội”, trong đó ông Kiệt nhấn mạnh “ nhiệm vụ nâng cao dân trí”, “thu xếp việc làm của thanh niên mới ra trường”, “tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức có thể cống hiến trí tuệ và tài năng c ho đất nước sống tốt bằng nghề của mình”, “tạo điều kiện để các bạn trí thức người Việt định cư ở nước ngoài tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của nước nhà trong nhiều lĩnh vực bằng nhiều hình thức phù hợp”.

Một điều đáng chú ý là ông Kiệt đã hoàn toàn dành bản báo cáo trước quốc hội của mình cho vấn đề tăng trưởng kinh tế. Báo cáo về kế hoạch và ngân sách nhà nước đã được gửi trước tới các đại biểu quốc hội, các chủ đề khác như quốc phòng và an ninh, công tác đối ngoại, và đặc biệt là chủ đề thời sự nóng hổi về chống tham nhũng và buôn lậu, v.v... được chia cho các bộ trưởng “báo cáo bổ sung”...


Cán cân thương mãi: nhập siêu

Theo những con số được công bố giữa tháng 12, cán cân thương mãi Việt Nam trong năm 1993 sẽ thâm thủng khoảng 200 triệu đôla, với 3,2 tỉ đôla trị giá hàng nhập và 3 tỉ đôla hàng xuất. Sắt thép đứng đầu hàng nhập, tăng 150.000 tấn so với năm 1992. Ngoài ra, vật tư nặng cho một vài công trình lớn như máy tuyếc-bin chạy bằng khí đốt, công trình đường dây siêu áp nam - bắc, v.v... cũng là những hàng nhập đáng kể. Tuy nhiên, phần tăng chính thuộc về những mặt hàng tiêu thụ như xe máy (180.000 chiếc), ôtô con (4.000 chiếc), tivi, vải, v.v... (Theo báo Tuổi Trẻ 21.10, tính tới cuối tháng 9, kim ngạch nhập khẩu đã lên tới 2,2 tỉ đôla, trong đó chỉ mới có 180 triệu là nhập thiết bị, vật tư sản xuất).

Trong những hàng xuất, đúng đầu vẫn là dầu mỏ (khoảng 1 triệu tấn), gạo (1,7 triệu tấn, ít hơn năm ngoái 250.000 tấn dù sản lượng tăng lên), cà phê (20.000 tấn), trà (4.000 tấn), hải sản (370 triệu đôla), v.v... Nhịp độ tăng xuất khẩu bị chững lại có phần do những khó khăn của hai ngành sản xuất lớn là than và thiếc. Giá thiếc trên thị trường thế giới giảm mạnh trong năm qua (từ 6.400 đôla một tấn xuống còn 4.000 đôla) đang làm cho các mỏ thiếc Việt Nam điêu đứng, hàng ngàn công nhân bị đe doạ mất việc.

Những con số thống kê xuất nhập khẩu nói trên không tính tới hàng xuất nhập lậu (chủ yếu là nhập), có thể lên trên 20% những trao đổi thương mại của cả nước.

(AFP 18, 22.12 và 27.11.1993)

Thuỷ điện Yali

Ngày 4.11.1993, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình thuỷ điện Yali, trên sông Sê San, tỉnh Gia Lai, cách thị xã Kom Tum 40 km. Theo thiết kế, Yali sẽ gồm 4 tổ máy, với tổng công suất 720 MW, là công trình  thuỷ điện lớn thứ nhì của Việt Nam, sau thuỷ điện Hoà Bình (Sông Đà, công suất toàn bộ 1.920 MW, sẽ hoàn thành trong năm tới). Tổ máy số 1 của Yali dự trù sẽ phát điện vào năm 1998, góp phần giải quyết nạn thiếu điện ở các tỉnh miền Trung. Sau 1999, sản lượng điện Yali (3,685 tỉ kwh/năm) chủ yếu sẽ được đưa vào nam theo đường dây siêu áp 500 kv, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu điện của phía nam, còn miền Trung  sẽ dùng điện từ bắc đưa vào và thuỷ điện nhỏ tại chỗ. Tổng số vốn xây dựng được dự toán là 5.713 tỉ đồng (550 triệu đôla). Hai công ty điện lớn của Nga và Ukraina sẽ cung cấp các thiết bị công nghệ như tuyếcbin, máy phát điện, máy biến thế, thiết bị cơ khí thuỷ công ở đập tràn... Tổng công ty thuỷ điện Sông Đà sẽ là lực lượng xây lắp chính. Ngoài Yali, sông Sê San còn 5 bậc thang khác đã được khảo sát để xây dựng thuỷ điện trong tương lai. Theo bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê, chính phủ đầu tư gấp 4 lần so với Hoà Bình để thực hiện chính sách tái định cư cho khoảng 3.200 dân trong vùng sẽ phải dời đi trước khi hồ Yali (6.450 hecta) ngập nước.

(Tuổi trẻ 2 và 4.11, Lao Động 7.11.1993)

Học phí đại học (tiếp theo).

Sau những báo động về học phí đầu năm học (xem Diễn Đàn số 24), liên bộ Giáo dục - đào tạo và Tài chính đã ra thông tư ngày 28.10.1993 cho phép các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được thu học phí  từ 20.000 đồng tới 60.000 đồng mỗi tháng, và đặt nguyên tắc thu hàng tháng, trên 10 tháng trong năm. Thông tư cũng đề ra mức học phí tối đa cho các trường bán công và tư thục: học phí không được quá mức chi ngân sách mà nhà nước đầu tư hàng năm cho một sinh viên trường công. Báo Tuổi Trẻ ngày 4.11 đưa tin trên đây không nói rõ liên bộ xử lý ra sao về những trường đã định mức học phí cao hơn và nhất là đã thu toàn bộ học phí cả năm từ trong tháng 9 và tháng 10. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định miễn học phí cho tất cả các giáo sinh sư phạm trực thuộc thành phố (Tuổi Trẻ 16.11). Một quyết định tương tự đang được bộ Tài chính nghiên cứu để áp dụng cho cả nước (Lao Động 7.11).

Ngoài ra, theo Tuổi Trẻ ngày 25.11.93, một “Quỹ tín dụng sinh viên” đã được Hội sinh viên Việt Nam công bố thành lập nhân dịp hội này chính thức khôi phục lại sau nhiều năm im hơi lắng tiếng. Trong tháng 10.93, quỹ đã bắt đầu cho 20 sinh viên vay tiền học tập, mỗi suất vay 1 triệu đồng, với lãi suất 15% / tháng, tính từng tháng và không cộng lãi vào gốc.

Cũng trong đầu tháng 11, hai trường đại học tư, Đại học ngoại ngữ và tin học Sài Gòn (do ông Huỳnh Thế Cuộc làm chủ tịch hội đồng sáng lập) và Đại học ngoại ngữ Sài gòn (do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm chủ tịch) đã được bộ trưởng Trần Hồng Quân ký giấy cho phép hoạt động.


Việt - Mỹ: MIA và giảm cấm vận

Trợ tá bộ trưởng ngoại giao Mỹ Winston Lord, phụ trách vụ Đông Á - Thái Bình Dương, đã tới Hà Nội lần thứ hai (lần đầu vào tháng 7.93) ngày 13.12 vừa qua, để tiếp tục làm việc với phía Việt Nam về các vấn đề quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Tại sân bay Nội Bài, ông đã dự lễ đưa hài cốt của 8 quân nhân Mỹ về nước. Những hài cốt này được tìm thấy ở vùng biên giới Việt - Lào mới đây, trong chuyến khảo sát thứ 26 kể từ tháng 9.1988 của nhóm chuyên môn Việt - Mỹ, và sẽ được đưa về một phòng thí nghiệm quân sự Mỹ ở Hawaii để xác minh.

Dù không chịu tuyên bố gì về vấn đề bãi bỏ cấm vận, chuyến đi của Winston Lord được chính giới Việt Nam và các doanh nhân Mỹ đang có mặt ở Việt Nam coi như một bước tiến trong việc lập lại quan hệ bình thường giữa hai nước. Trợ tá ngoại trưởng Mỹ đã hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhiều quan chức Việt Nam khác, đã trao cho phía Việt Nam ba ngàn trang tư liệu và vi phim liên quan tới khoảng 300.000 quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Ông cũng đã công bố một viện trợ nhân đạo 2 triệu đôla cho Việt Nam, và một viện trợ đặc biệt 25.000 đôla cho nạn nhân trận bão Kyle tháng 10 vừa qua.

Mười ngày sau chuyến đi của Winston Lord, bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố việc thực hiện một quyết định của tổng   thống Clinton tháng 9.93, cho phép các xí nghiệp Mỹ tham gia những “dự án phát triển ở Việt Nam đã được các tổ chức tài chính quốc tế đề nghị hoặc chính thức thông qua”. Quyết định này, theo người phát ngôn bộ Ngân khố, là một bước tiến “mới và quan trọng” trong việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, và mở ra khả năng (cho các xí nghiệp Mỹ) đạt những hợp đồng trị giá tổng cộng hàng trăm triệu đôla.

(AFP 12 tới 15.12, 23 và 24.12.1993)

Câu lạc bộ Paris: giảm và hoãn nợ cho Việt Nam

Sau phiên họp ngày 13 và 14.12.1993 của một số nước chủ nợ của Việt Nam (thường gọi là “câu lạc bộ Paris”), nhiều nước phương Tây, kể cả Mỹ, đã ra thông cáo chung chấp nhận giảm tới 50% nợ công cộng của Việt Nam, “để giúp đỡ nước này cải thiện nền kinh tế”. Bản thông cáo cho biết, biện pháp ưu đãi này được thông qua vì Việt Nam đã tiến hành cải cách kinh tế dưới sự hỗ trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), và cũng vì thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay quá thấp.

Cụ thể, các nước chủ nợ tuyên bố sẵn sàng xoá 50% nợ đã tới hạn (549 triệu đôla), và cho trả phần còn lại trong 23 năm tới tính cả một thời gian 6 năm không phải trả. Một khả năng khác có thể được một số nước chọn lựa là cho Việt Nam trả nợ cũng trong 23 năm tới, nhưng với lãi suất thấp để cộng lại trị giá nợ trả cũng được giảm 50% so với bình thường. Mặt khác, mỗi nước chủ nợ có thể dùng từng phần nợ vào các dự án viện trợ bảo vệ môi trường. Theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế, Việt Nam nợ các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa cũ 3,8 tỉ đôla (trong đó, phần của “câu lạc bộ Paris” là 1,730 tỉ), và nợ riêng Liên Xô và Cộng hoà dân chủ Đức 4 tỉ đôla. Số nợ này, ngày nay Liên bang Nga và Cộng hoà liên bang Đức lãnh. Tại hội nghị, Việt Nam cũng đã chính thức tuyên bố chấp nhận trách nhiệm trả những nợ cũ của Việt Nam cộng hoà trước ngày 30.4.1975. Biên bản hội nghị không nói rõ số nợ này là bao nhiêu. Ngoài Pháp (nước chủ nhà) và Mỹ, bản thông cáo còn được các nước Đức, Úc, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Ý, Na Uy, Anh và Hà Lan ký. Nhật, Thuỵ Điển và Tây Ban Nha chỉ tham dự phiên họp với tư cách quan sát viên. Đoàn Việt Nam dự phiên họp do bộ trưởng tài chính Hồ Tế dẫn đầu.

(AFP 15.12.1993)

Việt – Pháp

Ngày 8.12, quốc hội Pháp đã thông qua hiệp định quan thuế giữa Pháp và Việt Nam. Hiệp định này được ký kết tháng 2 năm nay, nhằm tránh việc đánh thuế hai lần, đồng thời chống lậu thuế trong quan hệ thương mãi giữa hai nước. Các nghị sĩ quốc hội cũng kêu gọi chính phủ Pháp làm áp lực để Việt Nam cải thiện các quyền con người, tôn trọng tự do tín ngưỡng và “chấm dứt việc đàn áp các nhà lãnh đạo Phật giáo”. Nghị sĩ Etienne Pinte, thuộc đảng cầm quyền RPR cũng kêu gọi chính phủ Pháp thương lượng một hiệp định với Việt Nam để bảo vệ những “quyền hợp pháp (cho công dân Pháp) khi bị bắt”.

Cuối tháng 11, Quỹ phát triển Pháp (Caisse française de développetnent – CFD –) đã khánh thành trụ sở cơ quan đại diện tại Hà Nội, trong khi chờ đợi có quy chế hoạt động chính thức – trong những ngày tới, theo ông Jurgensen, tổng giám đốc CFD, có mặt trong buổi lễ. CFD là một cơ quan tài chính của nhà nước Pháp, có nhiệm vụ tài trợ và viện trợ dài hạn cho những dự án phát triển trực tiếp dính tới sản xuất. Quỹ đã làm việc với Uỷ ban kế hoạch nhà nước Việt Nam, và đã chọn 10 trên số 109 dự án do Uỷ ban đề xuất.

Đô trưởng Paris Jacques Chirac, lãnh tụ đảng cầm quyền Pháp RPR, sẽ đi thăm chính thức ba nước Đông Dương vào trung tuần tháng 1.94. Bắt đầu ở Phnom Penh ngày 10.1, ông Chirac sẽ tới thăm Hà Nội trong hai ngày 11 và 12.1, sẽ hội đàm với nhiều nhân vật trong chính phủ Việt Nam, và dự lễ khai mạc một phòng phẫu thuật tim do Pháp giúp Việt Nam, sau đó sẽ đi thành phố Hồ Chí Minh ngày 13. 1 trước khi rời Việt Nam sang Lào.

(AFP 27.11, 8 và 23.12.1993)

Ca ôm ô kê?

Từ Nhật Bản trở về tới sân bay Nội Bài ngày 3.9.1993, cả đoàn 13 nghệ sĩ ca múa Việt Nam đều không cầm nổi nước mắt. Họ khóc vì đắng cay, ê chề, tủi nhục. Sau hơn một tháng im lặng, sự việc đã được báo Lao Động phanh phui ngày 12.10 và trở lại lần nữa ngày 16.11 sau một phiên họp “làm việc” với Cục Âm nhạc và Múa, Bộ Văn hoá, ngày 28.10.

Đoàn tới Nhật ngày 31.7 theo một chương trình biểu diễn và tham dự liên hoan dự trù là 3 tháng. Nhưng sau vài ngày tham dự một liên hoan ca múa ở Osaka, đoàn được đưa về một thành phố nhỏ cách Tokyo 50 km để “phục vụ” trong một nhà hàng, với yêu cầu ngồi với khách tại bàn từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng. Đoàn múa “dân tộc” biểu diễn trước đoàn Việt Nam là những vũ nữ thoát y Philippin! Sau khi ép buộc không được, chủ nhà hàng hành hạ cả đoàn về kinh tế: tống 6 người vào một buồng khách, phần ăn cả tháng mỗi người được 20.000 yen (20 đôla!) cứ ba ngày trưởng đoàn tới đòi mới lấy được... Sau một tháng ba ngày, phối hợp với đại sứ quán, đoàn mới xé bỏ được hợp đồng, lên máy bay về nước.

Bài báo ngày 16.11 cho biết thêm chi tiết, thứ trưởng Văn hoá kiêm cục trưởng cục Âm nhạc và Múa Nguyễn Trung Kiên đã đi Nhật khảo sát trước khi ký hợp đồng (mà một điều khoản ghi rõ bên Việt Nam “khôn g có quyền chỉ dẫn trực tiếp những nghệ sĩ biểu diễn”). Trong buổi làm việc ngày 28.10, ông Nguyễn Trung Kiên đã “răn dạy” phóng viên báo Lao Động là “ sao nỡ vội vàng” tung tin, “suy diễn một cách nguy hiểm”...

Hẳn rằng, được bia ôm gợi ý, cục Âm nhạc và Múa bộ Văn hoá Việt Nam đã sáng tạo nên tiết mục ca ôm ô (một cách đọc karaoke!) để xuất khẩu?


Hà Nội mời Việt kiều vào các ban tư vấn

Ngày 18.11, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định cho phép các bộ, các cơ quan chính phủ trung ương và địa phương được mời chuyên gia, trí thức Việt kiều làm tư vấn. Quyết định nêu rõ quyền hạn của các chuyên gia tư vấn là nghiên cứu, đề xuất ý kiến, thẩm định dự án theo yêu cầu của cơ quan trong nước; giới thiệu với cơ quan trong nước những chuyên gia và tổ chức ở nước ngoài; kiến nghị về những chủ trương, chính sách có liên quan đến cộng đồng người Việt định cư tại nước ngoài. Các chuyên gia tư vấn được cung cấp những thông tin cần thiết, được cấp thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần và được đài thọ chi phí cần thiết trong thời gian làm việc tư vấn.

Các ông Vũ Quang Việt, chuyên viên kinh tế của Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ), Trần Quốc Hùng, giám đốc quản lý ngân hàng Deutsch Bank tại Frankfurt (Đức), Trần văn Thọ, giáo sư kinh tế trường đại học Obirin ở Tokyo (Nhật) là những Việt kiều đầu tiên được mời tham gia ban tư vấn về kinh tế của chính phủ.

(Lao Động 28.11.1993)

Tin ngắn

* Các chuyên viên của Hiệp hội những doanh nghiệp dược của Pháp đã làm việc với các quan chức Việt Nam cuối tháng 11 vừa qua về các biện pháp chống làm thuốc giả ở Việt Nam. Pháp xuất sang Việt Nam mỗi năm hơn 200 triệu quan Pháp dược phẩm.

* Trong tháng 1.1994, một đoàn đại biểu nhiều xí nghiệp châu Âu chuyên về giao thông vận tải sẽ tới làm việc với chính phủ Việt Nam về việc xây dựng lại hệ thống đường sá, đặc biệt là công trình xây dựng xa lộ Hà Nội - Hải Phòng. Nhiều chuyên viên các nước châu Á và Hoa Kỳ cũng sẽ tham dự các buổi làm việc được dự trù trong hai ngày 25 và 26.1.1994.

* Số du khách tới Hà Nội đã tăng từ 47.000 năm 1990 tới khoảng 300.000 trong năm 1993. Doanh số ngành du lịch thủ đô đạt khoảng 40 triệu đôla năm 93. Hà Nội hiện có 25 khách sạn nhà nước, khoảng 50 khách sạn “mi-ni” tư, và 30 nhà trọ gia đình, tổng cộng 2.850 phòng ngủ, khá xa với yêu cầu phát triển của ngành du lịch.

* Hà Nội đã bắt đầu có những phòng điện thoại công cộng sử dụng thẻ điện thoại có băng từ (cartes magnétiques). Hai công ty ngoại quốc Schlumberger (Pháp) và Sapura (Malaixia) hiện chia nhau thị trường đang phát triển mạnh này. Hai loại thẻ điện thoại sẽ được bán ở bưu điện và các khách sạn: một để gọi trong nước và một đi nước ngoài.

* Phòng luật sư Singapore Drew and Napier đã mở cơ quan đại diện tại Hà Nội, sau một chuyến đi khảo sát thực địa tháng 11.93. Drew and Napier dự tính sẽ chuyên về các lĩnh vực luật nhãn hiệu, bằng sáng chế và luật tài chính quốc tế, và sẽ tặng học bổng để đào tạo luật gia Việt Nam. Một cơ sở luật gia Mỹ Paul & Weiss cũng đang thương lượng với một nhóm luật gia Việt Nam để mở phòng đại diện tại Hà Nội và thành phố HCM.

* Theo một cuộc điều tra trong năm 1993 của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, khoảng 40% phụ nữ trong tuổi sinh nở bị thiếu dinh dưỡng. Cân nặng trung bình của phụ nữ từ 15 tới 49 tuổi không vượt quá 45 kg, trong đó 11,5% cân nặng dưới 38 kg và 10% cao dưới 1,45m. Theo kết quả điều tra, 16% phụ nữ nông thôn không được nghỉ ngơi khi sinh nở, và sinh con nặng dưới 2,5 kg.

* Việt Nam đã yêu cầu công ty dầu mỏ Mỹ Crestone từ bỏ hợp đồng thăm dò và khai thác dầu mà công ty này ký với Trung Quốc, vì vùng thăm dò của hợp đồng nằm hoàn toàn trên thềm lục địa Việt Nam. Chủ tịch công ty, ông Randall Thompson, trong hai ngày làm việc với PetroVietnam ở Hà Nội vào giữa tháng 12, đã nhận được khuyến cáo nói trên.

* Một cuộc “gặp mặt về vật lý hạt và vật lý thiên văn” đã được tổ chức ở Hà Nội giữa tháng 12.1993, với sự có mặt của hai nhà vật lý đã được giải Nobel, các ông Samuel C.C. Ting (giải năm 1976) và Jack Steinberger (1988), cả hai làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) ở Genève. Cuộc “gặp mặt” do giáo sư Jean Trần Thanh Vân, giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) tổ chức.

* Theo con số thống kê sơ bộ của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trung bình mỗi năm Việt Nam mất từ 160 đến 200 ngàn hecta rừng. Hiện nay, diện tích rừng chỉ còn vào khoảng 7 đến 9 triệu hecta, tỉ lệ che phủ 20 đến 28% diện tích cả nước. Ngoài nạn lũ lụt tăng thêm do đất xói mòn, nạn săn bắt chim thú bừa bãi trong 40 năm qua đã làm cho 200 loài chim, 120 loài thú bị tuyệt chủng.

* Tổng công ty vật tư nông nghiệp Việt Nam (Vigecam) và tập đoàn Infocenter (Liên bang Nga) vừa ký kết một hợp đồng xuất nhập khẩu trị giá 500 triệu đôla, được ghi vào chương trình tài trợ các nước Liên Xô cũ của các tổ chức quốc tế. Theo hợp đồng, Vigecam sẽ bán sang Nga 260.000 tấn gạo, 10.000 tấn cà phê, nhiều nghìn tấn rau quả, thịt, v.v..., và nhập về 500.000 tấn phân urê, 100.000 tấn phân SA, 200.000 tấn sắt thép xây dựng.

* Theo báo Lao Động, bức tranh sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ, một tác phẩm hội hoạ quý vào bậc nhất của lịch sử hội hoạ Việt Nam, do nhà danh hoạ Tô Ngọc Vân vẽ năm 1940, đã được một Việt kiều mua mang ra khỏi nước. Bức tranh nằm trong bộ sưu tập của một người Hà Nội, ông Đức Minh. Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, ông Đức Minh khi sắp mất đã ngỏ ý tặng toàn bộ những tác phẩm nghệ thuật ông sưu tập được cho nhà nước Việt Nam, với điều kiện chúng được trưng bày trong một nhà bảo tàng mang tên ông. Đề nghị này không được chấp nhận, và nay gia đình ông đang bán đi nhiều tài sản văn hoá đó.

* Một hợp đồng hợp doanh đầu tiên đã được ký kết giữa Việt Nam và các hãng dầu Total (Pháp), PTT (Thái) để vô chai và thương mãi hoá khí dầu hoá lỏng. Kỹ thuật do Total cung cấp. Một nhà máy công suất 800.000 chai / năm sẽ được xây dựng ở Vũng Tàu, ban đầu sẽ dùng khí và chai của Thái trước khi chuyển sang chuyên trị khí đốt có được khi khai thác các mỏ dầu ngoài khơi Vũng Tàu.

* Các công ty Mỹ Unisys và Nhật Mitsui đã ký kết với bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Việt Nam (MOSTE) một thoả ước hợp tác về lĩnh vực tin học. Hai công ty IBM và Digital Equipment (Mỹ) cũng đã ký kết với MOSTE một thoả ước tương tự hồi tháng 9. Tất cả còn chờ đợi lệnh bãi bỏ cấm vận của Nhà Trắng để đi vào hoạt động.

* Ngoại trưởng Úc Gareth Evans, sau hơn một giờ hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 29.11 tại Hà Nội, đã tuyên bố ông “tin rằng phái đoàn tham vấn Úc về quyền con người sẽ được phép đi Việt Nam, như phía Úc đã đề nghị”, có lẽ là vào khoảng tháng tư tới. Một cuộc hội kiến giữa ông Evans và tổng bí thư Đỗ Mười đã bị phía Việt Nam huỷ bỏ.

* Hai cơn bão lớn đã đánh vào các tỉnh nam Trung bộ. Cuối tháng 11, cơn bão số 10 (Kyle) đổ bộ vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định, Đắc Lắc, làm cho 106 người thiệt mạng, 29 người mất tích và gây thiệt hại lên đến 20 triệu đôla. Đầu tháng 12, đến lượt cơn bão Lola (số 11) gieo tang tóc ở các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Lâm Đồng, làm 78 người chết, mấy chục người mất tích.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us