Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 26 / Vài điều trả lời anh Lê Quang Vịnh

Vài điều trả lời anh Lê Quang Vịnh

- Phan Đình Diệu — published 01/01/2010 00:50, cập nhật lần cuối 20/12/2011 15:25

Vài điều trả lời
anh Lê Quang Vịnh

Phan Đình Diệu

 

Tôi vừa được đọc bài “Những ngộ nhận về dân chủ và chủ nghĩa xã hội” đăng trên ba số liền (21, 22, 23.10.1993) của báo Sài gòn Giải phóng, và sau đó đăng lại trên báo Nhân Dân trong hai số ngày 4 và 5.12.1993. Bài của tác giả Lê Quang Vịnh phê phán các quan điểm của “một giáo sư toán học Việt Nam” trong bài phỏng vấn của nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson đăng trong tạp chí Nordic Newsletter of Asian Studies, theo bản dịch của báo Diễn Đàn.

Trước hết, tôi xin cảm ơn nhã ý của anh Vịnh đã không nêu danh nhà toán học nói trên, và thận trọng khi viết “ tôi không có điều kiện để xác minh sự thật như thế nào về bài báo và bản dịch, cho nên xin phép chỉ bàn về tư tưởng chứ không đề cập đến con người”. Về phần tôi, tôi xin nói rõ mình là người trả lời nhà sử học S. Tonnesson trong bài phỏng vấn nói trên, và tuy không khỏi có chút ngạc nhiên về loạt bài báo của anh Vịnh, tôi cũng muốn được nói thêm rằng Lê Quang Vịnh vẫn là một cái tên mà tôi kính trọng. Và với sự kính trọng đó, tôi muốn trao đổi bước đầu với anh một vài điều sau đây:

1) Anh viết “không có điều kiện để xác minh sự thật...”, tôi xin nói rõ sự thật về bài phỏng vấn như sau: Tháng 9.1992, anh S. Tonnesson có một buổi trao đổi ý kiến với tôi nhân dịp anh sang làm việc với một số cơ quan khoa học Việt Nam, và sau đó, một số ý kiến trao đổi đã được anh ghi lại dưới dạng một bài phỏng vấn như đã được đăng. Tôi xác nhận bài phỏng vấn phản ánh đúng những ý kiến đã được trao đổi, trừ một vài thuật ngữ mà tôi nhớ là mình đã không sử dụng. Thứ nhất là thuật ngữ “ngây thơ” khi nói “các đảng cộng sản đã ngây thơ tìm cách áp dụng học thuyết Mác- Lênin vào xã hội hiện đại”. Tôi hiểu rõ rằng các đảng cộng sản chẳng bao giờ “ngây thơ” trong các hành động của mình; ý tôi muốn nói là họ vẫn đơn giản tiếp tục áp dụng học thuyết đó khi học thuyết đã không còn thích hợp với những điều kiện của xã hội hiện đại. Thứ hai là thuật ngữ “giai cấp trí thức”. Tôi nhớ là mình không sử dụng từ “giai cấp”, và đoạn nói về trí thức là nhằm đi đến kết luận rằng hiện nay không có một giới trí thức hợp thành một lực lượng chính trị đối lập, trong bối cảnh trả lời một mạch các câu hỏi của người phỏng vấn về khả năng có lực lượng “đối lập” ở Việt Nam hay không.

Tôi cũng cần nói thêm rằng, vì là một bài phỏng vấn nên các ý kiến được phát biểu theo chủ đề mà người phỏng vấn yêu cầu, đó chưa phải là một bài trình bày có hệ thống các ý kiến và quan điểm của tôi về những vấn đề của đất nước ta hiện nay.

2) Anh Vịnh có nói từ đầu là bài của anh “theo rất sát nguyên văn lời phát biểu từng câu chữ trong bản dịch...”, nhưng tiếc thay, những đoạn trích của anh, vốn đã mất nhiều ý nghĩa do bị tách rời khỏi văn cảnh chung của toàn bài phỏng vấn, lại còn bị cắt xén, chắp ghép và diễn đạt khá tuỳ tiện, do đó đã làm sai lệch và xuyên tạc nhiều ý của nguyên bản. Tôi xin đơn cử vài thí dụ:

Ngay trong đoạn đầu, anh “trích”: “Sự thất bại trong cuộc cách mạng điện toán thập niên 1980”, trong khi câu của nguyên bản là “ Sự thất bại của họ đã được minh chứng rõ rệt nhất trong cuộc cách mạng điện toán, đặc trưng của thế giới trong thập niên 1980”. Chắc anh Vịnh cũng hiểu được sự khác nhau của hai câu đó chứ?

Trong bản dịch bài phỏng vấn có câu “Hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ hay ở Vương quốc Anh xem ra ổn định hơn là hệ thống nhiều đảng như ở Pháp dưới thời đệ tứ cộng hoà” (trong nguyên bản tiếng Anh là “... ở Pháp sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”), ý của câu này là nhằm diễn giải một nguyên lý khoa học liên quan đến tính ổn định của một hệ thống phức tạp có nhiều khác biệt. Anh đã cắt cụt câu này và ghép vào một đoạn thuộc câu hỏi khác nói về sự lựa chọn dân chủ, và sau khi ghép như vậy anh tha hồ đả kích nền dân chủ Hoa Kỳ, điều mà trong suốt bài phỏng vấn, tôi không hề đề cập đến (trừ một lần nói trong câu: “ Theo tôi nghĩ, không có nơi nào nền dân chủ có thể coi là hoàn thiện kể cả ở nước ông (Na Uy) hay ở Đức, Pháp, hoặc Hoa Kỳ”).

Trong vấn đề trí thức, anh trích khá dài, nhưng buồn thay, anh đã lược bỏ hết những câu mà tôi dành để tỏ lòng trân trọng đối với từng bộ phận trí thức của đất nước. Và thật ngạc nhiên, anh đã giáng một câu kết luận: “Nếu cho rằng nhân dân Việt Nam nhiều thập kỷ qua đã tham gia kháng chiến chống đế quốc thực dân cũ và mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là không trí thức, phải nhờ Đảng nghĩ hộ cho mọi người, thì thật tình tôi cũng không biết nên nói lại với giáo sư như thế nào nữa”. Xin anh đọc kỹ, và trả lời hộ trong bài phỏng vấn có câu nào như câu in nghiêng kể trên không. Câu đó là của anh, chứ không phải của tôi. Và, anh Vịnh kính mến, có lẽ ở điểm này tôi có quyền hơn anh để nói câu: (Nếu bịa đặt cho nhau đến thế) thì thật tình tôi cũng không biết nên nói lại với anh như thế nào nữa!

Để khỏi ngộ nhận do kiểu trích với những cắt xén, chắp ghép kể trên, tôi đề nghị báo Sài gòn Giải phóng và báo Nhân Dân cho đăng toàn văn bài phỏng vấn để người đọc có căn cứ suy xét. Đó là cách giải quyết đơn giản và công bằng nhất, một minh chứng cho sự tôn trọng nền dân chủ, và cũng là phù hợp nhất với luật báo chí hiện hành.

3) Bây giờ xin có đôi lời về nội dung bài viết của anh. Anh đã diễn giảng khá dài về chủ nghĩa Mác-Lênin, về dân chủ và về chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở xem chủ nghĩa Mác-Lênin như cách anh hiểu là chân lý khoa học, là căn cứ đúng đắn để từ đó phán xét về tính đúng sai của mọi lý lẽ khác. Chất lượng trí tuệ và sức thuyết phục của bài giảng đó đến đâu, chắc đa số bạn đọc ngày nay đã có thể tự mình đánh giá được. Tôi chưa muốn, trong bài này, tranh luận với anh về cách hiểu của anh đối với chủ nghĩa Mác-Lênin và về các nội dung được anh diễn giảng, mà muốn được trao đổi với anh về một vấn đề cơ bản hơn, tức là về cơ sở và mục tiêu của những cuộc thảo luận (nếu có và đáng có) giữa những người Việt Nam chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Chắc là mỗi chúng ta, với tư cách là người công dân, đều rất trăn trở trước những vấn đề của đất nước hiện nay, trong một giai đoạn biến chuyển với nhiều thách thức và cơ hội mới. Để tìm lời giải cho các vấn đề đó, chúng ta không thể yên trí dựa vào một học thuyết duy nhất nào, mà cần nghiên cứu và lý giải trên cơ sở học tập mọi nguồn tri thức, đặc biệt là các nguồn tri thức rất phong phú trong chính thời đại của chúng ta. Thế giới trong thế kỷ 20 này đã không diễn biến theo dự kiến của Mác, các chế độ được xây dựng theo học thuyết của Mác và Lênin về đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản, về chuyên chính vô sản và nền kinh tế quản lý tập trung xã hội chủ nghĩa, v.v... đều đã không đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển trong xã hội hiện đại và đã đi đến sụp đổ, lẽ nào ta vẫn phải xem học thuyết đó là những chân lý “đã được giải quyết dứt điểm”, và buộc chặt vào nó vận mệnh của cả một dân tộc?

Vì vậy, điều tôi mong muốn là ta sẽ tiến hành các cuộc thảo luận với mục tiêu góp phần tìm kiếm lời giải đáp cho những vấn đề của đất nước trong sự nghiệp “dân giàu nước mạnh” hiện nay, trên cơ sở học tập và vận dụng mọi học thuyết, mọi nguồn tri thức và mọi kinh nghiệm hữu ích đã được tích luỹ và phát triển rất phong phú trong thời đại chúng ta. Cuộc thảo luận sẽ phải củng cố thêm sự đồng thuận xã hội giữa những công dân tự do và bình đẳng của đất nước ta vì một Tổ quốc giàu mạnh, chứ không nên đi tới sự chia rẽ vì bảo vệ hay không bảo vệ sự thống trị độc tôn của một hệ tư tưởng ngoại nhập (*). Và cũng vậy, tôi mong muốn, như đã có dịp được viết trên báo Sài gòn Giải phóng (số ra ngày 15.8.1989), rằng “ta muốn có một xã hội dân chủ không phải để được tự do cãi vã nhau, đả kích nhau, mà là để được hưởng niềm ấm áp xem đất nước này là của mình, được cùng góp phần làm giàu cho đất nước”.

Với niềm hy vọng đó, tôi xin gửi đến anh Vịnh cùng báo Sài gòn Giải phóng và báo Nhân dân lời chào kính trọng. Tôi xin gửi kèm đây bài Một cách tiếp cận khoa học về dân chủ và cơ chế thực hiện dân chủ là bài thuyết trình của tôi tại Viện chủ nghĩa xã hội khoa học thuộc Viện Mác-Lênin để anh Vịnh và toà báo hiểu đầy đủ hơn những quan điểm được trình bày có hệ thống của tôi về vấn đề dân chủ. Tôi cũng rất cảm ơn nếu Quí báo cho đăng bài nghiên cứu này như một đóng góp nhỏ vào cuộc thảo luận về những vấn đề hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh của đất nước ta hiện nay.




(*) Bình chú của người đánh máy: Người đánh máy đồng tình với toàn bộ bài viết của Phan Đình Diệu, ngoại trừ hai chữ ngoại nhập đáng tiếc này. Tính ngoại nhập của chủ nghĩa Mác, hay của các đạo Khổng, Phật, Kitô... hay của khoa học, của quan niệm dân chủ không phải là vấn đề. Điều quan trọng là không thể chấp nhận sự độc quyền một hệ tư tưởng nào, dù nó là ngoại nhập hay nội địa.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us