Về vai trò của nhà nước trong giáo dục đại học
Về
vai trò của nhà nước
trong giáo dục đại học
Bùi Trọng
Liễu
Giáo sư đại học Paris
Lúc này, vấn đề cải tổ giáo dục đại học ở Việt Nam đang được đặt ra. Các trường đại học công lập đang được dự tính sắp xếp lại. Chính quyền Việt Nam cũng đã ra qui chế cho phép mở đại học tư thục. Tôi nghĩ rằng có lẽ là lúc đáng nói vài lời về vai trò của nhà nước trong giáo dục đại học. (Tôi xin chưa đề cập đến vấn đề trong giáo dục nói chung, bởi vì, theo tôi hiểu, chưa được mở trường tư thục ở cấp phổ thông trung học).
Cách đây không lâu, giáo dục đào tạo còn hoàn toàn là công lập. Trải qua mấy chục năm, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, vai trò của nhà nước đã bị sử dụng một cách quá đáng, gây ra tình trạng rất “ngột ngạt”, nhất là cách quan niệm, quản lý bao cấp chi li phiền hà đã không mang lại kết quả mong đợi. (Vì vậy mà năm 1988, khi tôi khơi ý thành lập đại học “dân lập” Thăng Long, chính là muốn qua thí điểm đó, chứng tỏ rằng có thể tổ chức và quản lý khác trước). Có thể là sự “ngột ngạt” đó làm cho ngày nay, khi được chút cởi mở, một số người lại có khuynh hướng ngả quá đáng về phía ngược lại: cho rằng chỉ những gì mà nhà nước đừng dính vào thì mới có kết quả, và do đó, “mê” rằng trường đại học tư có thể thay thế được cho đại học công. Cũng không loại trừ khả năng, ở một vài người, có một tinh thần “từ nhiệm nhà nước”, theo nghĩa nếu bộ máy tiếp tục lề mề và tình hình tiếp tục khó khăn, chi bằng thả nổi, đẩy gánh trách nhiệm cho tư nhân.
Tôi nghĩ khác:
Theo tôi, giáo dục đào tạo là vấn đề mà cả xã hội quan tâm, trong đó có ý thức của quần chúng, có lợi ích của tập thể, có vai trò của gia đình, có nguyện vọng của cá nhân, ... Do đó, sự tham gia của mọi thành phần của xã hội vào giáo dục đào tạo là sự cần thiết và hợp lý. Cũng vì vậy mà tôi đã và tiếp tục bảo vệ ý kiến cho sự tồn tại của một hệ dân lập tư lập (bên cạnh hệ quốc lập) trong giáo dục đào tạo ở Việt Nam. Nhưng vai trò của nhà nước phải là chủ chốt, với điều kiện là vai trò đó được quan niệm một cách hợp lý và rành rọt trong khung cảnh của sự tồn tại đồng thời của hệ quốc lập và một hệ dân lập tư lập bổ sung cho nhau.
Có thể nêu 5 lý do sau đây về “ vai trò chủ chốt” của nhà nước:
1/ Giáo dục là một trong những công cụ bảo đảm cho sự bình đẳng và sự công bằng cho mọi công dân trong một xã hội. Trong một xã hội lành mạnh bình thường, ai có thể bảo đảm quyền tự do học hỏi cho mọi người, nếu không phải là nhà nước? (tôi nói nhà nước theo nghĩa chung, chứ không nói thể chế). Nhất là sự tự do học hỏi còn kéo theo sự bình đẳng trong việc chọn nghề, việc tiến thân, v.v... của từng cá nhân trong xã hội.
2/ Trên mặt vật chất, giáo dục đòi hỏi những đầu tư lớn và dài hạn, mà kết quả gặt hái được phải tính hằng chục năm, cho nên chỉ nhà nước mới có thể đảm nhận, dù không đảm nhận nổi một mình: nó cũng như vấn đề xây dựng hạ tầng cơ sở (cầu đường, cảng, ...), đầu tư thì lớn, lâu dài mới thu được lợi nhuận.
3/ Nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất (không phải như một nước liên bang). Cho nên, dù sự tham gia của mọi thành phần xã hội, của địa phương là cần thiết, vai trò chủ chốt của nhà nước trong việc dự báo kế hoạch, điều tiết, “cầm trịch”, kiểm tra, hiệu chỉnh, v.v... là một vế chính của sự thống nhất nói trên. (Sự độc quyền của nhà nước về bằng cấp có ý nghĩa trong khung cảnh đó, chứ không có ý nghĩa trong một mục đích cấm cản hay loại trừ). Cũng có thể nói rằng giáo dục đào tạo, với trình độ tương đương ở mọi địa bàn, là một trong những chất keo gắn liền mọi vùng; nếu không, đất nước có thể trở thành một thứ “ghép mảnh” (mosaïque), với những hậu quả đang thấy ở nhiều nơi trên thế giới trong việc chung sống hoà bình.
4/ Về giáo dục đào tạo, lò nung đúc trí tuệ của dân tộc, chỉ có nhà nước mới đảm nhiệm được sự liên tục và thừa kế, điều mà cá nhân hay một tập thể cá nhân, dù đầy thiện chí cũng không thể gánh vác được.
5/ Giáo dục đào tạo là một trong những vế chính của nền độc lập tự chủ. Cho nên đó là một trong những sứ mạng của nhà nước: bảo đảm được hướng đi lên, bảo đảm chất lượng cũng như số lượng người có trình độ hiểu biết, bảo đảm được mục tiêu “kiến thức” của việc học, (1) v.v...
Cũng cần nói thêm là, trước đây, vì nền kinh tế Việt Nam là kinh tế kế hoạch, cho nên cũng có thể viện một thứ “lý do lý thuyết” nào đó để tổ chức giáo dục đại học theo kiểu các đại học đào tạo nghề nghiệp là chính (kiểu đại học sư phạm, đại học ngoại ngữ, đại học xây dựng, v.v...). Kiểu tổ chức đó đã không mang lại kết quả mong đợi. Ngày nay, Việt Nam đã đi vào kinh tế thị trường, không thể duy trì sự lỗi thời của hình thức “tổ chức đại học đi vào chuyên ngành quá sớm, và hình thức tuyển học sinh (từ trung học vào đại học ở tuổi 17, 18) để sắp xếp họ đi vào chuyên môn nghề nghiệp quá non” đó nữa, mà cần quan niệm lại sứ mạng của nền đại học (nó bao gồm việc truyền bá sự hiểu biết, kể cả những hiểu biết chưa áp dụng cho một nghề, thông tin khoa học và kỹ thuật, mở rộng văn hoá, nâng cao trí tuệ và tính độc lập suy nghĩ, hoà nhập vào sự tiến triển chung của thế giới, ... chứ không chỉ chuyên lo việc đào tạo nghề nghiệp, dù là nghề nghiệp cao cấp); có như vậy thì mới góp phần làm cho người Việt Nam đủ sức tự tạo nên sự tiến bộ cho xã hội mình.
Và để tránh sự hiểu lầm có thể xảy ra khi nói tới vai trò “chủ chốt” của nhà nước, tôi xin mượn câu chuyện cổ Trung Hoa (đại khái như sau) để minh hoạ:
Hán Văn đế (thế kỷ 2 trước Tây lịch) lên ngôi được ít lâu, một hôm mời hữu thừa tướng Chu Bột:
– Một năm xét xử ngục hình bao nhiêu người?
Bột tạ lỗi, không trả lời được. Văn đế lại hỏi:
– Một năm tiền và thóc xuất nhập bao nhiêu?
Bột xấu hổ, lại tạ lỗi không trả lời được. Văn đế bèn hỏi tả thừa tướng Trần Bình cũng hai câu hỏi đó. Trần Bình trả lời:
– Đã có người lo việc ấy. Nếu hỏi về xử ngục hình, thì hỏi quan đình uý ; nếu hỏi về tiền và thóc, thì hỏi quan trị túc nội sử.
Văn đế lại hỏi:
– Nếu việc gì cũng có người lo rồi, thì ông lo việc gì?
Bình trả lời:
– Chức vụ của thừa tướng là giúp vua chỉnh lý âm dương, làm cho 4 mùa thuận, để vạn vật đều sống thoả thích, vỗ về thân ái nhân dân, và làm cho các quan ai cũng đảm nhiệm tốt chức vụ của mình.
Văn đế khen là phải (2).
Tất nhiên, câu trả lời của Trần Bình có phần quá đáng, nhưng rất hay: nó tả được một cách điển hình thế nào là vai trò chủ chốt, đâu có phải là vai trò “chi li”, “kèn kẹt”...
16/12/1993
(1) Tôi đã có dịp phát biểu ý kiến về giáo dục đại học qua một số bài báo, như:
1. “ Góp ý về việc học”, trong Tổ Quốc tháng 11/1987, Nhân Dân 27/12/1987, Tuổi Trẻ 29/12/1987.
2. “ Vài suy nghĩ về công học và tư học”, trong Diễn Đàn 1/5/1992, Tuần Tin Tức 10/4/1993, Quê Hương tháng 7/1993.
3. “ Hỏi đáp về Trung tâm đại học dân lập Thăng Long”, trong Diễn Đàn 1/1/1993.
4. “ Kiểm lại một số ý kiến góp về việc học”, trong Diễn Đàn 1/10/1993, Nhân Dân Chủ nhật 24/10/1993, và Tuổi Trẻ Chủ nhật 11/1993 trích đăng phần IV trên 5 phần.
5. “ Vài ý kiến về đại học”, trong Quê Hương số Xuân 1994.
Nhân đây, tôi cũng xin được nói rõ “vị trí” của tôi khi phát biểu ý kiến. Đáp câu hỏi của một nhà báo trong nước (ngụ ý tới những điều trần thế kỷ 19), tôi có trả lời:
“Trong lịch sử Việt Nam, có một số nhân vật trí thức được ghi tên tuổi làm gương cho hậu thế: Chu Văn An giữ tiết tháo, không màng danh lợi của đương thời; trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thấu hiểu việc đời nên vua chúa đương thời vấn kế; La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp có học hạnh nên Quang Trung mấy lần mời giúp; Nguyễn Trường Tộ thức thời đã thiết tha điều trần để cho xã hội trong đó ông đang sống được đổi mới và phồn thịnh. Nhưng những gương này là để cho những người ở trong nước noi theo. Còn những người gốc Việt Nam sống ở nước ngoài như chúng tôi, nếu có tìm danh lợi thì cũng chỉ ở địa bàn nước định cư; nếu có chút chuyên môn mà được sự “cầu hiền” từ Việt Nam thì tiếng thơm cũng thuộc về người trong nước biết khéo xử; nếu nhiệt tình góp ý thì chỉ vì thiết tha mong mỏi ở quê hương cũ chóng có được một cuộc sống vui tươi xứng đáng. Nói như vậy để nhấn mạnh tính chất vô tư và tình cảm của sự góp ý, nghĩa là vừa thanh thản vừa thiết tha”.
(2) Tôi không ngại nêu câu chuyện Tàu này, là vì Việt Nam và Trung Quốc xưa là nước đồng văn; vả lại, ai đọc sử Việt Nam hẳn còn nhớ việc Triệu Vũ đế (Triệu Đà) tiếp sứ giả của Hán Văn đế là Lục Giả... Trở lại vài chi tiết vụn vặt trong câu chuyện kể trong bài: Sau khi Hán Cao tổ Lưu Bang chết, Lữ hậu chuyên quyền, triều thần rất sợ. Khi Lữ hậu chết, con cháu họ Lữ định cướp ngôi nhà Hán. Chu Bột là tướng có công cầm quân dẹp loạn, Trần Bình là mưu sĩ, rất khôn khéo, nên mới nhường chức thứ nhất cho Chu Bột. Hán Văn đế lên ngôi, muốn tỏ ra mình chú ý đến việc nước, nên mới hỏi 2 câu kể trên. Sau vụ đó, Chu Bột biết mình không bằng Trần Bình, nên lui về, để Trần Bình một mình lo công việc thừa tướng.
Các thao tác trên Tài liệu