Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 26 / Văn Cao thơ

Văn Cao thơ

- Thanh Thảo — published 01/01/2010 00:55, cập nhật lần cuối 20/12/2011 15:27

Văn Cao thơ

Thanh Thảo

 

Bởi vì trong một Văn Cao có quá nhiều Văn Cao: Văn Cao nhạc, Văn Cao hoạ, Văn Cao hiệp sĩ, Văn Cao quốc ca, Văn Cao rượu đế... Một Văn Cao đa tài, đa nguyên, đa nạn... Một Văn Cao lặng lẽ như chén rượu mỗi sớm, lặng lẽ như những dòng chữ lít nhít trong sổ tay, lặng lẽ như Thơ. Với Văn Cao, thơ là cái lặng lẽ của con hổ:

“Có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt”

Ngay con hổ cũng có lúc giật mình vì một tiếng lá rụng. Thơ đi giữa can trường và hoảng hốt, đi giữa cái liều và nỗi sợ. Thơ là “nước mắt không thể chảy ra ngoài được”. Thơ là con dao găm “tôi ném vào khoảng trống”, nhưng người bị thương lại chính là tôi. Thơ là mạng nhện “cuốn lấy tôi, không cách gì gỡ được”. Và nhà thơ chính là kẻ cắp, hắn ăn cắp cái hư vô mà người ta lại tưởng hắn xoáy ví tiền, hắn lần mò tới cái tuyệt đối thì người ta ngỡ hắn đục tường khoét vách, bèn hò bắt:

“tôi chạy bạt mạng gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống”

(Ba biến khúc ở tuổi 65)

Đọc Văn Cao, thấy hiện mồn một cái thân phận của thơ, nó trái ngang, nó tủi cực, nó bật dậy như một cột ánh sáng, nó nghiến răng sung sướng:

“em ở đây với anh
cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo níu
thịt da
em cho anh sưởi...
... chúng ta đi vào bí mật của mùa xuân”

(Năm buổi sáng không có trong sự thật)

Đi vào bí mật của sáng tạo là đi vào con đường hầm với biết bao lối rẽ, mà có thể, cửa thoát là một hồ nước “trên họng một ngọn núi cạn lửa”. Văn Cao – con rái Cá bến Bình, không sợ những đường hầm tăm tối của sáng tạo, vì nó, có khi ông từ chối những cửa thoát hiểm, từ chối lời mời gọi của những người bạn có thân hình “dẹt như một con dao”. Cái nhìn của Văn Cao trong thơ, nhiều lúc, là cái nhìn của một hoạ sĩ, nó bắt được cái thần của đối tượng chỉ qua vài nét phác. Sự giản lược tối đa, những khoảng trống, những dấu lặng, tự làm khô lại như một củ huệ lan chờ lúc bật mầm, thơ Văn Cao gợi nhớ đến thơ Ya. Ritxốt hay thơ N.Hitmét. Đó là thơ của những người chỉ có một không gian hẹp trong đời sống, những người phải dè sẻn lương thực, những cây xanh phải tận dụng đến từng chiếc lá của mình để phát điện.

“Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm”

Vài giọt thôi, nhưng sẽ sống lâu đấy!

“Những con bói cá
Đậu trên những giây buồm
Đang đo
mực nước

Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người”

(Những người trên cửa biển)

Những con bói cá hay bạch tuộc ấy cũng chẳng sống được lâu đâu!

“Chỗ nào cũng có tiếng
chưa nói lên”

(Anh có nghe không)

Những tiên báo trong thơ Văn Cao thường mang tính xã hội, nghĩa là con người xã hội trong ông, người công dân trong ông vẫn rất mạnh. Ăng-ten của ông thường là ăng-ten định vị, nó thể hiện cái nhiệt tâm và khí chất của ông. Chất hiệp sĩ còn rất đậm ở Văn Cao. Nhưng Lý Bạch cũng từng là một hiệp sĩ và nhiều nhà thơ Haiku Nhật Bản là những kiếm sĩ, những Samurai. Ta có thể gọi đó là tính chiến đấu của thơ chăng? Nhưng thơ chiến đấu với ai? Cuối cùng thơ chiến đấu với chính nó. Thơ là “chiếc lá cháy lặng lẽ” chứ không phải là những “bó hoa mang tới chúc tụng”, là viên sỏi “rơi trong lòng giếng cạn”, là “những giọt mực cạn dần”. Thơ là hột giống, “một nắm hột khuya rắc vào Bến lạ” như Đặng Đình Hưng đã viết. Khi nhắc các hột giống, chính Jê-su đã biết đến sức mạnh của thơ. Bây giờ, Văn Cao ngồi lặng lẽ, nhỏ xíu trên giường: ông là một hột giống. Một hột giống thỉnh thoảng nảy ra thơ. Nói nhiều là lảm nhảm, không nói là lẩm nhẩm, uống cái gì rồi cũng thấy được, cũng hay hay, trong mỗi chén đắng ngẫm nghĩ có vị ngọt, còn trong mỗi cốc đường hoá học thì ngọt trước đắng sau, đắng lộn mửa.

“nắng chuyển dần
trên thềm đá cũ
Mùa thu năm nay
không mưa ngâu”

(Mùa thu 1992).

(Văn Nghệ số 47 - 1993)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us