Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 27 / Chuyện chó ta

Chuyện chó ta

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:45, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:45
Xương chó đã thấy có trong di chỉ lớp văn hoá thời đại đồ đá giữa sang sơ kỳ đá mới – văn hoá Hoà Bình – ở hang con Moong, Thanh Hoá, hang Xóm Trại, Hà Sơn Bình. Tính cho đến ngày hôm nay là mười nghìn đến bảy tám nghìn năm.

 
Chuyện chó ta

 
Nguyên Thắng

 

Cún, Vàng, Mực, Vện... những tên gọi, những bộ mặt thân thuộc với ta như cái chổi rơm dựng bên cửa, như đàn gà ri bới đất trong sân. Từ thuở còn lê la bò dưới đất. Từ thời còn mặc quần thủng đáy.

Có lẽ vì quá quen thuộc, nên ta chỉ thấy anh chó ta không giống chú chó Tây chỗ này chỗ khác về hình về dáng. Mà quên phứt mất rằng các sợi dây vô hình ràng buộc con người ta với con chó ta khác, khác khá xa quan hệ người - chó nơi khác. Nguồn cội có lẽ bắt rễ từ những chọn lựa thật xa xưa trong dĩ vãng, từ thuở hồng hoang.

 
Thoạt mới xét qua trong lời ăn tiếng nói thì ngôn ngữ đâu đâu cũng rứa. Nơi nào cũng có cả một kho phong phú từ ngữ để khinh bỉ, để phỉ nhổ, tương đương với những "đồ chó", "chó chết", "chó đẻ ", " đĩ chó " ... của ta.

Tuy nhiên từ " chó " không phải khi nào cũng hàm ý niệm khinh bỉ. "Mày chó lắm ! " , " Đồ chó ! lại đây với mẹ nào ! " cũng " chó " đấy nhưng mà " chó " mắng yêu.

Có điều là một khi từ " chó " đi ghép với " ", thì dứt khoát không còn gì nghi ngờ nữa : Văng "chó má " ra, nhất định là khinh ra mặt, là gây chuyện thẳng thừng rồi !

Dường như trong ngôn ngữ của ta có phân cấp một bậc từ " con chó " xuống " con má " . Cứ như là con "" thì " chó " hơn cả " chó " ! Điều này ấm ức trong bụng tôi mãi. Cho đến một hôm cầm lòng không đậu, buột miệng hỏi người vú già, người đã dạy tôi từ thuở bập bẹ ê a ăn nói :

– " Vú em ơi ! làm sao biết được con nào là con chó, con nào là con má ? "

– " Úi dào ! có gì là khó đâu. Chó không bao giờ ăn thịt chó, chứ còn má gặp thịt chó là nó đớp liền đấy ! "

À ra thế ! Nắm được " tiêu chuẩn " như trút được nỗi bận lòng. Có dịp là thử nghiệm liền. Nhà làm thịt chó, tôi thủ ít miếng trong túi, lẳng lặng tìm hết chó nhà đến chó hàng xóm. Quyết chí phen này xem cho tỏ tường cái mặt mũi con " " nó ra làm sao. Trước hết, thử con Quít trong nhà.

Ô hay ! gọi mãi mà chẳng thấy Quít đâu. Xục tìm, ra là nó co ro trong bụi tre. Thấy chủ lại gần cứ im thin thít, đuôi quắp sát đít chỉ hơi ngo ngoe một chút. Như sợ một cái gì ghê lắm. Vừa đưa miếng thịt ra, Quít ta quay mặt đi, dúm người lại ; mùi thịt nướng thơm nực mũi mà nó chẳng ngửi. Đúng rồi ! Chó nhà đích thực là " chó ", chẳng thuộc giống " " !

Nhưng rồi, trăm lần như một. Mỗi lần nhà làm thịt chó là chó trốn biệt. Đưa cho miếng thịt là con nào con nấy cứ sợ run lên. Năm này qua năm khác, thử mãi mà vẫn chẳng tìm ra được một con " " nào, óc tò mò của tôi lại đi vào ngõ cụt, gần như vô hy vọng...

Cho đến ngày, mãi về sau này, mới vỡ ra một lẽ rằng "" là từ gốc Thái. Tiếng Thái gọi chó là "" . Người Việt ưa thói điệp ngữ, ghép " chó " với " ". Là thân phận kẻ đến sau, đã nhập tịch Việt hẳn hòi rồi đấy "" vẫn phải chịu lép vế, nhường " chó " một tí ti...

Thế còn " chó " ? ông Lê ngọc Trụ cho rằng do từ Hán Việt " chế " ( ) có nghĩa là chó dại mà ra (Tầm nguyên tự điển Việt Nam, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1993). Dù tôn trọng vô vàn học vấn uyên bác của nhà học giả họ Lê, tôi vẫn xin mạn phép được nghi ngờ. Chẳng lẽ ta không có tiếng nôm na gọi chó từ xửa từ xưa hay sao mà lại phải đi vay mượn một từ hiểm hóc, ông cử cụ nghè hoạ hoằn mới có dịp dùng tới ?

 
Vì Chắc chắn con chó đã đến với những con người sống trên đất tổ từ xa xưa. Xương chó đã thấy có trong di chỉ lớp văn hoá thời đại đồ đá giữa sang sơ kỳ đá mới – văn hoá Hoà Bình – ở hang con Moong, Thanh Hoá, hang Xóm Trại, Hà Sơn Bình. Tính cho đến ngày hôm nay là mười nghìn đến bảy tám nghìn năm. Điều này cũng trùng hợp với sự kiện thường thấy ở nhiều nơi khác : chó đến với người trước các loài vật khác, vào khoảng 10 000 năm trước công nguyên.

Vào thời buổi đồ đá, con người tiền sử khi ấy sống trên vùng đất Thanh Hoá, đất Hà Sơn Bình ngày nay có theo chó rừng ăn mồi, tương tự như người thổ dân Úc châu theo dấu đàn chó dingo để cướp mồi của chúng săn được ? Hay là chó mon men đến hang người ở liếm láp đồ thừa. Lâu dần quen đi, đến một ngày nào đó thành " thuần hoá tự nguyện " ?

Cho đến thời điểm tiền sử này, quan hệ người - chó ở ta có lẽ cũng nặng tính hội sinh như ở mọi nơi trên địa cầu. Chó ăn nhờ người, người ăn theo chó. Và ăn thịt chó. Riêng ta vẫn bảo tồn được điều sau này làm quốc hồn quốc tuý cho đến tận ngày nay. Đây là chuyện còn dài, xin để hồi sau phân giải.

 
Nhưng rồi, tổ tiên ta đã có một chọn lựa nghìn đời còn in dấu ấn sâu đậm trên mọi mặt đời sống tinh thần và vật chất. Và trên mọi vật xung quanh. Chẳng may cho anh chó, đã vô phúc chọn lựa chung sống với ta.

Một lúc nào đó, trong thời kỳ đá mới ta đã chọn trồng lúa.

Cây lúa hào phóng nhất đời. Một mảnh đất con con, biết bao nhiêu người cày. Và sống nhờ vào đó. Khoảng thời tiền công nghiệp, mỗi năm một héc ta trồng lúa sản xuất ra 21 tạ gạo, bằng 7.500.000 calo. Ăn đứt 1.500.000 calo nếu trồng lúa mì. Còn đem vào chăn nuôi, mỗi héc ta chỉ sinh ra 150 kí lô thịt tức 340.000 calo. Mê mẩn cây lúa cũng là đúng lý.

Nhưng cây lúa cũng khe khắt không ai bằng. Trồng lúa rẫy thì đốt núi phá rừng. Tưởng tượng Thụy Sĩ, hay vùng Jura của Pháp mà đem trồng lúa. Sẽ về đâu, núi đồi mượt xanh đó ?

Trồng lúa nước, tấc đất là tấc vàng. Đến cỏ cũng không còn chỗ mà mọc. Ai kéo cày vỡ đất nếu không có " Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta " . Thế mà lời hứa " Khi nào cây lúa còn bông, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn " có khi còn chẳng giữ được cho vẹn. Lúa chiếm hết đất hết đai, chỉ có ven bờ để cỏ mọc cho trâu. Nghề chăn nuôi kể như là dẹp bỏ.

Mà chó muốn sống phải ăn thịt ! Nơi văn hoá xen trồng trọt với chăn nuôi, chó làm mắt, mũi, tay chân cho người, chăn giữ gia súc. Thịt thà phủ phê. Người - chó thân cận.

Sinh vào vùng trồng lúa nước, người còn chẳng có thịt thà ăn, đâu có đến chó ! Nguồn prôtêin gần như duy nhất trong nhà là khi mẹ xi thằng cu, cái đĩ rồi " êu êu " gọi Cún ta chạy lại dọn cho sạch. Chủ bắt buộc phải thả cho chó sống nửa tự do, mặc tình sục sạo bờ bụi kiếm thêm chất thịt, như chó rừng.

Quan hệ người - chó vì đó giữ nhiều nét hội sinh tựa hồi xa xưa. Chó liếm láp cơm thừa canh cặn. Người lợi dụng bản năng bảo vệ lãnh thổ của chó để nó giữ nhà cho mình. Đôi khi cái tính nết dữ tợn còn gần như nguyên vẹn vì lối sống nửa hoang dã đó vẫn chưa được xem là đủ. Còn đem thiến chó, bỏ mảnh sành vào trong bìu may lại. Mỗi khi sủa kẻ lạ, động mảnh sành vỡ trong người nó nổi hung hơn. Thêm cái lợi là chàng ta tiệt thói " ngông nhông ngoài đường như chó dái tháng năm " , rạc người vì ngày đêm theo cái.

Nói cho ngay đôi khi cũng có chút thân mật trong mối quan hệ, như gọi chó liếm chỗ loét lâu lành. Chẳng là " chó lành da, gà lành xương " mà, đưa nó liếm vết thương mau ăn da non.

Còn truyền thống " con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng " thì có lẽ liên tục không hề gián đoạn từ thời tổ tiên còn ở hang đá. Chả thế, xét lại mà xem, nem công chả phượng còn chẳng được thèm thuồng đến mực " sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ, biết có hay chăng " . Có phải nhân nhượng với đạo Phật từ bi tránh sát sinh thì tay đưa dao cắt tiết cho chảy vào cái bát đàn đựng dúm muối cầm huyết đánh tiết canh, miệng lầm rầm khấn vái "Hoá kiếp này cho mày thôi kiếp chó, sớm đầu thai làm người " !

Phải chăng vì chó ta sống gần như thiên nhiên mà thịt nó thơm ngon, không hoi như giống chó Tây ? Có kẻ xấu miệng rỉ tai rằng bí quyết hàng bún chả là cho tí ti mỡ chó vào thịt băm. Thế là đủ để khi đặt lên vỉ nướng, phe phẩy vài quạt, khói bốc thơm lừng, người xung quanh thèm không chịu được.

Dường như cái thú chén " mộc tồn " đã ăn sâu vào bản tính dân tộc. Bị dồn nén là nó phi nước đại trở về lúc nào cũng chẳng hay. Chả thế mà kinh tế vừa bung ra, thủ đô Hà Nội đã có chợ " 19 tháng 2 " còn gọi là chợ âm phủ gần như là đặc sản thịt chó ở ngay trung tâm, lại còn biến phố mới Nhật Tân thành dẫy phố thịt chó, san sát hơn ba mươi hàng quán mới mọc trong vòng ba năm nay. Thực khách không phải toàn đấng mày râu như xưa mà còn thêm thục nữ váy đầm, giày cao gót. Thịt cầy dùng " quốc lủi " đưa cay chỉ tốn mươi " đồng " (nghìn) một suất là đủ " nhoè " rồi ! Trung bình tính ra mỗi ngày Hà Nội hạ trên dưới 500 " cờ tây ". Lái chó từ khắp vùng quê ở đồng bằng, trung du, miền núi, ở bắc Trung bộ kìn kìn thồ về Hà Nội trên xe đạp, trên xe cúp Honda những lồng mỗi chiếc mươi chú cầy tơ, tuổi vừa bảy tám tháng, đủ ráo thịt mềm xương để hầu khách sành điệu. Đến nỗi có kẻ khéo lo xa : " Cứ đà này, giống cẩu đến tuyệt tự mất ! "

 
Những vùng văn hoá chó thân thiết với người, tục ăn thịt cầy tàn lụi đời nào không biết. Phải, ai lại nỡ đem người bạn chân tay của mình ra mà chén thịt ! Nhưng mà, nhào nặn hình thể, thay đổi tinh thần anh bạn cho ra đúng ý mình thì tha hồ. Cần kẻ bảo vệ, tạo ngay ra những loại chó ngao to lớn dũng mãnh, như giống Danois vai cao hơn bảy tấc nặng bẩy mươi kilô. Các bà cần thoả mãn bản năng ấp ủ nựng nịu của các bà ư ? Thì có giống chó bé bỏng, lọt gọn trong lòng tay ôm, da trơn không lông, trần trụi và yếu đuối chẳng khác đứa bé sơ sinh.

Còn chó săn thôi thì đủ kiểu. Giống lévrier lênh khênh chân dài, ngực sâu như lườn tàu, toàn thân tạc nên để phóng mau như gió, con thỏ, con cheo cũng đừng mong chạy thoát. Hồ cậy hang sâu à ? Người Anh tạo giống fox-terrier, thấp chân ngắn đòn, tính nết hục hặc, lồng lộn chui vào hang đuổi cáo không biết mệt. Teckel (Dackel) của Đức nào chịu kém đâu, loại chó si cẳng ngắn mình dài này luồn vào hang, bức chồn đến tận ổ.

Nghệ thuật uốn bóp chó theo ý muốn cũng có tự xa xưa tại Á Đông. Rất nhiều nơi nhồi luyện hình hài chó, cho tròn đầu ngắn mõm, cho lông xù to, để tượng trưng uy lực của mãnh sư.

Tây Tạng sùng bái Phật, các vị lạt ma gây trong tu viện giống Lhassa - Apso thay sư tử hầu bên tượng Phật. Từ cổ đại Trung quốc đã tạo nên kiểu chó Bắc Kinh, cách nay 4 000 năm đã có hình khắc trên đồng khí. Đời Thanh, giống chó này là một bảo vật trong cung cấm, phép tắc nuôi dưỡng do chính Từ Hi thái hậu qui định. Phải dịp loạn năm 1860, chó mới lọt ra ngoài, lính Anh đem được về nước. Tại Nhật, chó Tchin cũng là giống riêng nuôi trong cung thiên hoàng, và mãi đến 1835 người Anh mới đem về Âu châu.

 
Riêng ta không thấy tìm cách thay đổi hình dạng giống chó thổ sản. Chó săn, chó thịt, chó giữ nhà hình thù cũng từa tựa như nhau cả. Tuy rằng ta có cách chọn chó săn, lại đặt thành câu thành vè như " Đuôi vót cần câu lỗ đít trống phọc cắn lâu chạy bền " . Và ai có theo chó Cà Mau, chó Phú Quốc vào rừng mới hiểu được những con chó nhỏ thó nhưng gân guốc này dẻo dai can đảm đến chừng nào. Chó thường, mới thấy hơi cọp là té đái, đi hết nổi, vừa lết vừa rên chui trốn vào gầm giường. Hai giống chó miền Nam nói trên gặp cọp, có lui ra xa hơn các con mồi khác, nhưng vẫn đánh tiếng đeo theo.

Đặc điểm chó Phú Quốc là lông xoáy dài trên lưng. Kẻ viết bài này hèn lâu tưởng rằng không nơi đâu khác có chó mang xoáy ngựa như vậy. Cho đến ngày gần đây gặp tại quận 5 Paris một con chó hùng dũng, lực lưỡng, vai cao quá 60 phân, đầu như cái đấu, lông ngắn màu vàng cháy, trên lưng chạy dài cái xoáy ngựa. Hỏi ra mới biết đó là giống Rhodesian Ridgeback - tên gọi chính do cái xoáy trên lưng - gốc Nam Phi. Vốn là của người hottentot dùng đi săn, không biết sợ sư tử. Từ 1652 các nhà địa chủ Nam Phi cho lai tạo dần thành giống ngày nay. Chó hiếm, đến 1992 sổ chó chính thức của Pháp chỉ ghi được 70 con. Xin đóng dấu ngoặc sau khi mạn phép mở ngoặc tâm sự riêng với các bạn lưu tâm về giồng chó Phú Quốc của ta.

Trở lại giòng câu chuyện, khi chọn chó " cắn lâu, chạy bền " làm chó săn thì ta cũng biết rằng tướng " đuôi vót cần câu lỗ đít trống phọc có đâu ở nhà " . Điều đáng lấy làm lạ là biết chó đó tánh hay đi hoang mà ta không tìm cách giữ lại tài săn và loại nết bỏ nhà đi hoang của nó.

Nhà học giả A. G. Haudricourt có lưu ý rằng quan hệ người và gia súc phản ảnh quan hệ tổng quát hơn giữa con người và thiên nhiên, giữa người với người. (Xin xem Domestication des animaux, culture des plantes et traitement d’ autrui của ông trong L'Homme, Paris 1962). Trong hệ trồng trọt - chăn nuôi vùng Địa Trung hải bắt nguồn từ cách mạng đá mới, tập quán người mục đồng tác động trực tiếp trên đàn gia súc của mình đi đôi với việc chủ nhân ông can thiệp trực tiếp vào thiên nhiên và ông ta toàn quyền đối với người giúp việc cho mình. Trong bối cảnh đó, triết lý thừa nhận tính siêu nghiệm, luân lý thì mệnh lệnh và xuất hiện ý niệm một đấng Chủ tể vũ trụ.

Ở Á Đông có khác, văn minh căn bản dựa trên canh tác theo lối làm vườn. Không tác động trực tiếp mà chỉ tìm cách ảnh hưởng gián tiếp, trợ lực cho các sức mạnh thiên nhiên. Triết lý nặng tính nội tại, luân lý gợi ý hơn là mệnh lệnh.

Ông cụ Haudricourt thường ngắn gọn, mà người đọc lại cứ bắt phải suy đi ngẫm lại những ý ông ta viết ra. Quay về quan hệ chủ - chó chẳng hạn, để mà băn khoăn với câu "Chủ nào, chó nấy ", và ngược lại " chó thế nào, chủ thế nấy " Để mà trăn đi trở lại câu hỏi : thói ta quen buông thả cho chó tự do kiếm ăn như chó hoang có đi đôi với việc hiện ta đang phải sống theo luật rừng mà lòng không thắc mắc hay chăng ? Đàn chó hoang cũng có trật tự của chúng, nhưng khác với quan hệ giữa người và người trong một xã hội văn minh. Đục nước béo những con cò tinh ranh thật, nhưng luật rừng không thể là kế sách lâu dài cho xã hội phát triển vững bền.

Cho nên, tạo một không gian tự do để mọi công dân chung sống bình đẳng với nhau, một xã hội có luật pháp công bằng minh bạch là vấn đề bức xúc. Và là một công trình mà truyền thống bốn nghìn năm văn hiến của ta chưa từng thể hiện.

Nhưng đó hết phải là chuyện chó rồi. Mà là chuyện của thế hệ đang sống ngày hôm nay.

 
Nguyên Thắng

(những ngày chờ đón Giáp Tuất)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss