Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 27 / Cô gái sơn cước

Cô gái sơn cước

- Đỗ Kh. — published 04/04/2011 00:35, cập nhật lần cuối 01/05/2011 21:28

Cô gái sơn cước

Đỗ Kh.

Ông quận bước xuống khỏi xe nhìn quanh quẩn.

Ông quận mặc đồ xi-vin, áo sơ-mi ngắn tay hai túi và quần jean nhưng trên người vẫn còn cái dáng dấp nhà binh. Khuôn mặt vuông rám nắng tự tin và bước chân chắc nịch. Hắn nhìn kỹ, cái dõng dạc quân sự có lẽ để lộ ra từ những đồ phụ tùng quên nguỵ trang, cặp kính Ray Ban đen, cái nón cầu thủ dã cầu Mỹ loại phi công ưa đội. Ông quận không đeo súng ngắn nhưng cũng chẳng khác gì là có đeo, ông quận không cầm gậy nhưng đi đứng kiểu này gặp thằng nào bắn sẻ dĩ nhiên là bị nó tỉa đầu tiên. Có những người chẳng bao giờ giấu được trên người cái nghiệp võ biền lỡ khoác phải vào năm 18, 20 tuổi.

“Xuống được rồi đó Lân”.

Ông quận bảo.

Hắn lây phải cái tự tin của ông đại uý. Ông quận này tay cứng chứ không phải tay mềm, bụng thon chứ không phải bụng bự, chắc cũng loại ngon lành, không phải thứ chưa nghe AK nổ đã giật mình. Anh Phát coi trẻ ít nhất là mười năm hơn tuổi thật, coi như là đại đội trưởng tác chiến của thời nào ở những động tác thỉnh thoảng vẫn còn vẻ hung hăng. Cái uy quyền hành chánh chưa ăn hết hẳn vào người, nhấp nhô ở cái hai cánh tay lúc chống nạnh, ở nốt ruồi trên má nuôi một sợi lông dài quan lại hơn là đánh đấm. Nhưng Lân không tưởng tượng được anh Phát tự pháo kích vào đồn mình chẳng hạn, báo cáo láo bị tràn ngập trước khi địch đến để triệt thoái an toàn khỏi chi khu. Ông quận này nửa Django nửa tuần phủ.

Hắn đu người ra khỏi chiếc xe Van Hoa Kỳ màu trắng.

Đây là miền núi lần đầu tiên Lân tới. Thật ra thì chẳng có gì đáng ngại cả nhưng Lân tính nhát, lần đầu tiên, không bao giờ hắn thấy an toàn đầy đủ. Lân nhớ lại năm lên hai ba tuổi, buồn cười lần đầu tiên hắn thấy “mọi”.

Lân ở trong một căn nhà. Thằng anh họ nhường chỗ trên ghế để hắn leo lên nhìn qua ô cửa kính. Hắn dí mũi vào sát, có hơi tụ vào, phải lấy tay xoa xoa. Thằng anh đứng cạnh nhún chân:

“Mày thấy chưa, mọi da đỏ”.

Bên ngoài đường trước nhà, ba người Thượng cầm gùi vác nỏ đi qua, có một chị đàn bà, quấn váy, nửa người trên mặc chiếc áo len Kinh rách rưới. Lân thụt đầu xuống, thầm thì như sợ họ nghe thấy:

“Mọi da đỏ hả?”

Mãi đến giờ hắn vẫn còn thắc mắc. Người Thượng ngày hôm ấy không chạy ngựa, không cắm lông trên đầu, mặt không sơn xanh sơn đỏ, tay không cầm búa, chẳng hiểu sao bọn hắn năm ba tuổi lại cho là mọi da đỏ. Những năm đó, chưa có truyền hình quân đội Mỹ, tạp chí “Thế giới tự do” của USIS biếu không hình như hắn chưa biết đọc, rạp hát thì hắn còn ở dưới hạn tuổi được phép vào. Cái ý niệm “mọi da đỏ” từ đâu lọt vào, qua ngõ ngách nào len lỏi vào đầu thằng bé lên ba tuổi đến giờ hắn vẫn còn ngạc nhiên. Cả năm năm sau đó hắn mới biết nhà sách Liên Châu với những tập hình Lucky Luke, cả mười năm sau mới có chương trình Bonanza, Gunsmoke và The Big Valley cọ quậy bên trong những cái hộp quái đản nhập cảng từ Nhật Bản. Vậy mà, năm mới lên ba tuổi hắn đã rành những sắc tộc thiểu số Bắc Mỹ hơn là những sắc tộc Cao nguyên và tất nhiên, những người hùng đeo súng của thời đó phải là cao bồi, ngay cả trước khi phim “Vì một nắm đô la” trở thành nổi tiếng và có anh leo lên được ghế ngồi thủ tướng.

Hôm nay, đi chung với anh quận, hắn cũng thấy vững bụng như cái ngày ở Đà Lạt phải chờ ông “cao bồi” mặc đồ xanh đeo súng, lái traction đen để chở mẹ con hắn ra Liên Khàng đến hắn mới dám ra khỏi nhà. Suốt con đường đến phi trường hôm đó, nhiều lần hắn có ngoái đầu lại để cảnh chừng lỡ có da đỏ đuổi theo. Giờ hắn đã bớt sợ lại, có anh quận khỏi lo, lúc trên xe anh quận có kể lại thành tích Tết Mậu Thân. Trung uý Phát đang nghỉ phép Sài Gòn, ra trình diện Quân vụ thị trấn, được cử cho cầm một đại đội đặc lập tạp nham.

“Lân biết không, lính trời ơi đất hỡi, lính cậu lính kiểng, đủ loại binh chủng, đào binh bị bắt lại... ”. Anh quận say sưa kể, sợi râu “lấy hên” trên nốt ruồi rung rinh xoắn xít.

“Ông Tiểu khu trưởng gọi tôi vào, có cả ông tướng Tư lịnh Biệt khu. Ông tướng bảo: “Em làm giùm cái Đồng Ông Cộ được không? ”. Tôi đòi vũ trang M16 và M72, phát carbine tôi không đánh được. Ông tiểu khu cho, ông tướng nói: “Nhảy dù không làm, Thuỷ quân lục chiến không làm, giờ chỉ có em, em làm giùm qua đi”. Tôi về trang bị đại đội, ngày hôm sau bắt được mấy cái M113 và xe ủi đất của thiết giáp bỏ lại tôi mang theo luôn. Đồng Ông Cộ, tôi vào cái một. Hồi chưa có vợ con, tôi hăng lắm Lân...”

Giờ nếu cần lấy lại Đồng Ông Cộ, hắn dám chắc anh quận vẫn còn lấy lại được dễ dàng. Lân tránh ở dưới chân những mảng đất đỏ làm lở loét mặt nhựa của bãi đậu để theo anh quận về phía quán.

Căn nhà chổng chơ một mình trên bãi đất, ráng tăng thêm phần diện tích ích lợi bằng cách dựng bốn bên vài cái mái tôn không vững mấy. Hai bên lối vào hàng hoá bày lổn ngổn, từng cuộn chiếu hoa bên cạnh nào là chổi, rổ rá đan và chậu thau sặc sỡ bằng nhựa rẻ tiền. Bên trong chẳng có gì khá hơn, kệ vải dựng kế bên quầy rau cải, ông chủ ngồi lim dim sau cái tủ bày mấy cái đồng hồ mạ vàng và lỉnh kỉnh nữ trang. Anh quận hỏi thăm một vài câu. Tiếng trả lời ngọng nghịu khiến Lân xen vào:

“Ông biết tiếng Pháp?”

Hắn hỏi. Người Lào mà. Lại đứng tuổi rồi.

“Không, ông chủ lắc cặp kính lem nhem gọng thiếc. Con tôi, học trường Tây Vạn Tượng. Nó không có đây...”

Chắc người Lào gốc Hoa. Cái quạt để cạnh thổi bật mấy sợi tóc thưa còn lại trên đỉnh đầu ông chủ quán. Mắt đã bắt đầu quen với bóng râm bên trong, Lân nhìn ra cái tủ ông ta đang dựa vào. Cái cóp đựng tiền to như trong những phim trinh thám, với ba đồng hồ số và bánh lái quay quay để mở cửa. Nó cũ kỹ như từ thời Bảo hộ, Lân tưởng tượng mở ra bên trong phải có từng tập giấy bạc Đông Dương bắt đầu mốc có vẽ hình con bò.

“Có chỗ nào ăn uống gì không?”

Anh quận vừa hỏi vừa ra hiệu. Ông chủ chạp phô ngoắc một cánh tay mặc áo sơ mi ni-lông công chức có gắn viết Bic đỏ xanh lên túi:

“Đằng sau”.

Lân nghiêng người xuống bước ra, để ý khỏi làm đổ dẫy bình thuỷ made in Hongkong. Đằng sau quán là một cái chái thấp, thoạt nhìn chỉ thấy bày nhiều quần áo, váy quần đủ màu sắc của người miền thượng du.

“Đây là người Thái hay người Thổ, anh Phát?”

“Tôi chẳng biết Mường Mán gì hết”, anh quận như xin lỗi, “quận tôi là thuộc tỉnh Lộc Ninh”.

“Không có người thiểu số sao anh?”

“Có nhiều người Miên”, anh quận bảo.

Chẳng dính dáng gì hết. Núp đằng sau những tấm vải sặc sỡ, cô hàng nước ngồi chồm hổm đang cạo đu đủ xanh. À, sơn nữ. Lân cười thầm, đi lòng vòng như xem mấy cái áo.

Anh Phát khuyến khích Lân khảo giá cô hàng, anh Phát ngồi vắt chân uống nước trà. Cái này hàng Thái Lan, cái này hàng nội hoá. Làm ở đây hả, ờ, làm ở đây, trên núi đó. Ở đây thì hắn mua, không lẽ mua hàng Thái Lan nó mất hết cái chính gốc nguyên thuỷ. Mảnh trên, mảnh dưới, hắn ướm thử, cô hàng nước cười. Hắn làm dạn, cầm cái áo ren nhìn thấu qua đưa lên trước nắng...

“Cái này mặc làm sao? Có cần mặc cái gì ở dưới không hay là mặc vầy?”

Hắn nhìn thẳng cô hàng.

“Có người chỉ mặc vậy”.

“Không có lót gì hết?”

“Ừ, có người vậy”.

Không phải cô hàng rồi, cô này quấn vải ngang ngực đàng hoàng. Coi thì cũng dễ thương, mắt đen lóng láy trên mặt tròn, lẳn da lẳn thịt và ngũ đoản. Đó là một cách diễn tả vướng vít bởi cái huyền thoại con gái miền sơn cước, những lúc trăng lên đầu rừng và vượn hú bên bờ suối. Nếu nôm na đồng bằng thì cô này mập và lùn. Những cái dễ thương chẳng ai tước đi được, cái gọi là có duyên. Hắn đòi ăn đu đủ xanh, nấn ná, anh Phát cũng phải chìu.

Lân ngồi nhìn cô sơn nữ cạo đu đủ xanh bỏ vào cái cối đá. Đổ tương vào sền sệt.

“Mấy ớt?”

Cô ta chìa ra hai, chìa ra bốn.

“Hai đi”.

Bỏ vào giã chung. Ngưng tay lại, vắt chanh. Múc một ít để trên cái muống gỗ cô ta đưa ra mời.

“Nếm hả?”

Hắn nếm.

“Ờ, cay rồi. Cay lắm”.

Hắn nheo mũi. Nàng vắt thêm chanh, hài lòng giã tiếp.

Đùa cợt với sơn nữ, Lân chỉ biết có vậy. Hắn vừa ăn đu đủ vừa xuýt xoa, cắn miếng bì khô bỏ chung. Anh Phát thận trọng

“Cái tương hồi nãy là tương gì vậy?”

“Không sao anh, ăn được lắm”.

Khi nào nàng nhìn, hắn lại ngưng nhai ngưng nuốt để cười duyên. Giờ biết nói chuyện gì, nhà ở đâu, có xa không hay là gần, quẳng cái rựa xuống trước mặt là đến. Lại đang trưa trời thật nắng, không có gì gợi cảm và không có chim kêu và suối ở cạnh. Lân nhớ lại cái chuyện mà có ông đại tá thường đến nhà chơi cứ nhắc mãi. Chuyện không có gì lâm li, một câu chuyện đường rừng thời Tây lúc ông còn thiếu uý. Ông dẫn quân qua buôn qua bản gì đó, ở thượng du Bắc Việt, một lần bắt gặp một đám sơn nữ đang tắm suối. Rồi sao? Cả toán núp nhìn mà không bị phát hiện. Chẳng sao và cũng chẳng có gì, cả câu chuyện vỏn vẹn là ấy-tôi-hành-quân-trong-rừng-gặp-một-đàn-sơn-nữ-đang-tắm-suối, chỉ có thế cả đầu cả đuôi nhưng cũng đủ lâu lâu buồn mắt lơ mơ mà nhắc mãi. Cái cô này lại không tắm rửa gì hết, chỉ đổ tương lên đu đủ xanh trong cối mà ngồi giã, Lân cũng đã đủ thấy ly kỳ và huyền bí như là ngậm ngải tìm trầm. Ông đại tá hay hơn hẳn, ông ta dẫn tiểu đoàn dù về dẹp loạn Bình Xuyên, mặc áo bốn túi da beo, phanh ngực đeo Colt 45 đứng cạnh Thủ tướng để chụp hình trong dinh Gia Long. Nhưng cái chuyện này, tuy có hình cẩn thận để làm chứng, tuyệt nhiên Lân không thấy ông ta bao giờ nhắc đến để mắt nhìn xa xôi. Hắn tự dưng hỏi anh Phát:

“Anh có bao giờ mặc đồ rằn da beo đỏ nhảy dù Tây không?”

“Cái áo bốn túi nút kẽm ấy hả? Hồi đó tôi có một cái tôi quý lắm...”

Cô sơn nữ từ nãy giờ nghe họ ríu rít tiếng Việt mãi, ngưng tay chày lại hỏi một câu thân thiện:

“Các anh người miền dưới phải không...”

Hắn gật đầu. Cô ta ngập ngừng một lát:

“Người...”

Lân để nguyên cho cô ta đoán. Cô gái sơn cước nhoẻn miệng:

“Các anh người Santa Anna”.

Xe ra đến xa lộ, họ vẫn còn ở dưới ảnh hưởng của “miền núi”.

“Người trên này thật thà, làm ăn với họ coi bộ dễ chịu”, anh Phát nói.

“Kỳ này mình lên cao nguyên, còn có cả quần áo Mường Mán mang về làm kỷ niệm”, Lân nói.

“Cũng lạ, họ không biết ăn đồ ngọt”, anh Phát cười, “thằng cha chủ tiệm Mường nói “Dân tôi không có ăn đường”, lạ thật, thành ra mình không bán được thùng lạp xưởng nào”.

“Anh đừng có cười, họ không quen ăn đường nhiều khi họ chết. Ở trên này, đằng nào họ cũng chết khối, không hợp với đời sống Mỹ hay sao đó, Merced County là nơi tốn Medicaid nhiều nhất cho người tị nạn Đông Dương ở Hoa Kỳ”

“Sao họ tụ về đây làm gì...”

“Thì làm ruộng làm rẫy đâu đây. Lúc đầu có mấy cha tù trưởng tộc trưởng gì đó đến đây ở, riết bà con bu về theo. Thì cũng như mình ở dưới kia”.

“Mình coi còn mở mang...”

“Dưới kia Tiểu Sàigòn, trên này Tiểu Pleiku, Savannakhet mà anh. Mình tỉnh thành, dễ hội nhập, họ người núi, dĩ nhiên là khó khăn hơn. Tiểu bang phiền mấy người này lắm, hình như quá nửa vẫn còn ăn welfare...”

“Đâu phải riêng gì họ...”

Anh Phát tìm ra được điểm tương đồng:

“Mình cũng thế, có người qua đây cả mười năm vẫn được lãnh trợ cấp”.

Anh Phát đập lên tay lái như bực dọc.

“Người ta lãnh mười năm, còn tôi thì học tập mười năm, mới vừa sang đây thì bị ngay ông Reagan ổng cắt. Bốn bố con... Cái khó nó bó cái khôn...”

Tự dưng lại lái sang chuyên trợ cấp với ông này, Lân rụt hai chân lại, đổi thế ngồi.

“Ít ra mình cũng bán gần hết chả lụa”, Lân nói.

“Còn hai thùng rưỡi”, anh Phát nói.

“Đúng ra mình nên ở lại tìm tiệm Lèo nào ăn cơm rồi hãy về”, Lân nói.

Hắn nhìn sang anh Phát. Sợi râu ở mụt ruồi trên má ngọ nguậy.

“Thôi Lân, Đường Năm nếu không kẹt, vài tiếng nữa là về đến dưới, để mình đi ăn phở”, ông quận bảo.


Đỗ Kh.

Đỗ Kh. chỉ mới xuất hiện trên Diễn Đàn qua vài bài thơ, từ gần hai năm nay. Nhưng thơ và truyện ngắn của anh đã xuất hiện ở hải ngoại từ mấy năm trước, và ngay từ đầu đã gây sự chú ý, hay đúng hơn, âm hưởng nồng nhiệt, hoặc dị ứng không kém mãnh liệt, trong độc giả và giới phê bình.

Truyện ngắn Cô gái sơn cước mà chúng tôi giới thiệu với bạn đọc trong số này trích từ tập truyện ngắn mới xuất bản của nhà văn 38 tuổi: Không khí thời chưa chiến (Hồng Lĩnh, 1993, 164 trang, giá bán 10 US$). Chúng tôi chọn truyện này vì hai lẽ: nó là truyện ngắn nhất (khuôn khổ tờ báo buộc như vậy), và nó ít gay nhất, để độc giả chưa quen với ngòi bút táo tợn của Đỗ dễ tiếp cận. Song cũng vì vậy, nó ít tiêu biểu cho cái hay và cái độc đáo của anh, so với những truyện khác, mà chúng tôi mời bạn đi tìm Không khí thời chưa chiến để khám phá.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss