Kinh tế Việt Nam: một khúc quanh mới
Kinh
tế Việt Nam:
một khúc quanh mới
Vũ Quang
Vũ Quang 1à bút hiệu của một nhà kinh tế học ở New York, chuyên viên Liên Hiệp Quốc, thành viên Tổ tư vấn cải cách của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam sau những thành quả đạt được trong hai năm 1992, 1993 đã biểu hiện rõ khả năng phát triển tương đối khá trong những năm sắp tới. Những thành quả đạt được có khả năng giải phóng chính quyền khỏi những công việc sự vụ trước mắt nhằm cứu nguy nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng vừa qua và tập trung vào việc:
(1) thực hiện và giám sát việc thực hiện nghiêm chỉnh những đổi mới về cơ chế và luật pháp hành chính và kinh tế;
(2) hoạch định phát triển kinh tế trong tương lai bao gồm: xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất (đường sá, cầu cống, bến cảng, điện, nước) và hạ tầng cơ sở con người (giáo dục nói chung và nâng cao tri thức nghiệp vụ của cán bộ nhà nước nói riêng); xây dựng chiến lược công nghiệp hoá đất nước đặc biệt là nông thôn; xây dựng chiến lược thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế nước ngoài mà hiện nay ta không có con đường chọn lựa khác.
Tình hình kinh tế nói chung
Kinh tế Việt Nam năm 1993 đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 7,5%. Thiếu hụt ngân sách nhà nước ở mức gần 7% GDP nhưng nhà nước đã giải quyết bằng cách vay dân (khoảng 200 triệu USD) và vay nước ngoài (trên 600 triệu USD) thay vì in tiền chi tiêu nên lạm phát chỉ tăng có 5% một năm, một con số rất thấp so với trước đây gần 600% một năm. Có thể đánh giá mức khởi sắc nhất của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua là tốc độ tăng trưởng cao trong khi lạm phát giảm đáng kể.
Thiếu hụt ngân sách nhà nước mặc dù còn rất lớn, nhưng thu ngân sách đã tăng lên đáng kể bằng gần 22% GDP năm 1993, so với 15% năm 1989. Với ngân sách chi lớn lên, nhà nước đã một bước tăng lương cho công nhân viên, tăng chi cho hoạt động giáo dục, y tế, xã hội và đặc biệt là tăng mức chi cho xây dựng cơ bản. Tích luỹ từ ngân sách nhà nước theo giá cố định tăng 38,7% năm 1992 và 48,4% năm 1993.
Tích luỹ (đầu tư) của cả nước năm 1993 lên tới trên 2 tỷ USD, bằng 17,6% GDP (coi Bảng 1), tăng đáng kể so với tỉ lệ tích luỹ 11-12% những năm trước đây (coi Bảng 2). Trong 2.000 triệu USD tích luỹ, 880 triệu là tích luỹ của nhà nước trong đó 620 triệu là vay nước ngoài, 800 triệu là đầu tư nước ngoài, phần đầu tư của nhân dân chỉ có 360 triệu USD. Con số đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam năm 1993 đã lên tới 40% tổng đầu tư của cả nước. Tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Singapore, một nền kinh tế mở cửa rộng nhất ở Á châu. Tỷ lệ này gấp 2 lần Hồng Kông, 3 lần Mã Lai, 15-20 lần Trung Quốc và Nam Triều Tiên. Thêm nữa, đầu tư của các nước nói tiếng Hoa vào Việt Nam là 40% tổng đầu tư nước ngoài. Tuy tình hình tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế còn quá thấp như trên, so ra đã hơn hẳn thời kỳ bao cấp trước đây, khi toàn bộ đầu tư dựa vào viện trợ và vay mượn của Liên Xô và các nước Đông Âu. Tuy nhiên phân tích cũng cho thấy là phải có biện pháp tăng cường đầu tư từ nội bộ nền kinh tế, đặc biệt là từ nhân dân, còn nếu không nước ta sẽ đang chỉ làm một cuộc xoay vần không mấy sáng sủa là: thay vì lệ thuộc vào phe các nước xã hội chủ nghĩa cũ thì nay lại lệ thuộc vào các nước tư bản.
Tỷ lệ để dành của cả nền kinh tế trên GDP ước tính cho năm 1992 là 6,9%, cũng khoảng bằng với tỷ lệ năm 1989 (coi bảng 2) 1. Tỷ lệ để dành năm 1993 nằm trong khoảng 10-15% GDP. Dù ở khoảng 10%, tức là 1,1 tỷ USD, nó cũng là bước ngoặt so với trước đây. Lý do chính là tốc độ tăng GDP (7,2%) cao hơn so với tốc độ tăng tiêu dùng (4,4%), một phần vì lương cán bộ nhà nước vẫn được giữ ở mức thấp. Muốn có phát triển kinh tế vững chắc ở mức 8%, tỷ lệ để dành phải được đưa lên ít nhất 25%, còn nếu không ta phải dựa chủ yếu vào vay mượn và đầu tư nước ngoài.
Nếu tính ra bằng USD, GDP trên đầu người ở Việt Nam là 163 USD năm 1993, tăng 71% so với năm 1989 (coi Bảng 2). Tốc độ tăng này không phải chỉ vì kinh tế phát triển mà còn vì sự tăng giá của đồng bạc Việt Nam. Vấn đề này sẽ được phân tích thêm ở đoạn sau. Việc tăng giá đồng Việt Nam chứng tỏ tình hình giá cả ổn định nhưng đồng thời cũng đưa đến tình hình giá cả mắc mỏ hơn cho người ngoại quốc, hạn chế việc đầu tư của họ và đồng thời ảnh hưởng xấu đến khả năng xuất khẩu trong nước. GDP trên đầu người không nói rõ được mức tăng thu nhập của đời sống. Điều tra của Tổng cục thống kê vào năm 1989 và năm 1992 cho ta thấy rõ hơn sự thay đổi trong mức sống. Theo điều tra, thu nhập của một lao động có việc làm ở thành phố năm 1992 bình quân là 300.000 đồng một tháng, khoảng 27 USD theo giá 1993. Nhu vậy đã có tăng gần gấp đôi so với thu nhập bình quân năm 1989 1à 14 USD. Thu nhập bình quân đầu người ở thành phố nói chung là 166.000 đồng/tháng, khoảng 15 USD, tức là 177 USD/năm. Ở nông thôn, thu nhập bình quân năm 1989 là 5 USD, năm 1992 khoảng 80.000 đồng/tháng, chỉ bằng 7 USD, tăng khoảng 40% so với năm 1989. Mức độ khác biệt giữa nông thôn và thành phố ngày càng lớn.
Xuất nhập khẩu
Xuất khẩu vẫn phát triển ở mức cao từ năm 1989 đến nay. Tuy nhiên tốc độ phát triển năm 1993 chỉ là 20% so với mức tăng nhập khẩu là 30%. Dấu hiệu cho thấy ngoại trừ dầu hoả, mức tăng xuất khẩu hàng công nghiệp đang gặp khó khăn. Điều này rõ ràng do ảnh hưởng lên giá của đồng Việt Nam. Tính chỉ số giá hối suất cho thấy so với năm 1991 là năm có hối suất thực tế (real exchange rate) cao nhất so với USD, đồng Việt Nam lên giá 23,5% 2. Nếu so với thời điểm cao nhất là trên 14.000 đồng một USD năm 1991, thì đồng Việt Nam lên giá đến gần 50%. Giá trị đồng Việt Nam còn có khả năng lên giá hơn nữa khi lượng USD trên thị trường Việt Nam tăng lên do đầu tư và vay mượn của nước ngoài. Lúc đó, nếu không thay đổi hối suất, xuất khẩu sẽ xuống hoặc không tăng nhanh trong khi nhập khẩu sẽ tăng nhanh vì hàng nước ngoài rẻ đi, hơn nữa mức đầu tư phát triển sắp tới cũng sẽ là yếu tố làm nhập khẩu tăng nhanh. Điều này có thể thấy ở Bảng 1, tỷ lệ hàng tích luỹ phải nhập lên tới 63,7%, và tỷ lệ sản phẩm trung gian dùng trong sản xuất phải nhập lên tới 25%. Cán cân thương mại có thể sẽ thiếu hụt lớn và nền kinh tế lại phải dựa vào nước ngoài nhiều hơn nữa. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải phá giá đồng bạc Việt Nam vào khoảng 10-15% nhất là khi mức giá trị đồng Việt Nam lên cao hơn 15%. Mức phá giá cần từ từ, thực hiện nhiều lần và phải thực hiện song hành với mức độ kiềm chế tốc độ tăng tín dụng và tiền tệ trong nền kinh tế để tránh lạm phát.
Buôn bán với Trung Quốc hiện nay còn nhỏ nhưng sẽ trở nên quan trọng trong tương lai, nhất là sau khi biên giới được chính thức mở cửa. Việc thay đổi giá trị đồng nhân dân tệ Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến thương mại giữa hai nước. Năm vừa qua, đồng Trung Quốc xuống giá 38% so với đồng USD. Như vậy từ 1991 đến nay, đồng Việt Nam lên giá ít nhất là 80% so với đồng Trung Quốc. Giá hàng Trung Quốc rẻ đi gần một nửa đã gây khó khăn cho một số hàng công nghiệp Việt Nam. Vấn đề buôn bán với Trung Quốc không những phải giải quyết trên cơ sở thay đổi hối suất mà còn phải tăng năng suất lao động trong nước và áp dụng biện pháp hành chính chặn đứng hàng lậu để đánh thuế xuất nhập khẩu. Muốn vậy việc kiểm soát buôn bán ở biên giới không nên coi là tiểu ngạch, giao cho địa phương mà phải nằm dưới chính sách quản lý chung của trung ương.
Ngoài ra cần có chính sách giảm bớt nhập khẩu hàng tiêu dùng không cần thiết như xe gắn máy bằng chính sách thuế hoặc khuyến khích sản xuất trong nước. Năm 1993 nhập xe máy là 300 triệu USD, tương đương với mức đầu tư của nhân dân. Năm 1991, số nhập xe lên tới 500 triệu USD.
Cơ cấu thành phần kinh tế
Trong cơ cấu GDP năm 1989, khu vực quốc doanh chỉ chiếm khoảng 40%. Giải phóng khu vực tập thể xã hội chủ nghĩa thực chất đã đặt 60% nền kinh tế hoàn toàn vào tay tư nhân. Từ đó đến nay, cơ cấu tổng quát này không thay đổi bao nhiêu nhưng trong nhiều hoạt động kinh tế đã có những chuyển dịch rõ rệt. Trong thương nghiệp, tư nhân đã chiếm 78%, trong vận tải hành khách tư nhân chiếm 43%, vận tải hàng hoá tư nhân chiếm 11%, trong xây dựng tư nhân chiếm trên 50%, trong nông nghiệp tư nhân chiếm gần như 100%. Tuy nhiên trong công nghiệp thì lại có sự chuyển dịch ngược lại, tư nhân ngày càng chiếm tỷ lệ nhỏ bé hơn. Đó là vì tích luỹ của nhân dân hiện nay không những thấp, lại chỉ tập trung chính vào xây dựng nhà cửa và nếu có đầu tư thì chỉ đi vào sản xuất nhỏ, dịch vụ và buôn bán nhỏ trong gia đình, nhà nước ngày càng chiếm tỷ lệ ảnh hưởng tuyệt đối. Năm 1993, khu vực quốc doanh đã sản xuất ra 72% giá trị sản lượng công nghiệp so với năm 1989 chỉ có 57% (coi Bảng 4). Các công ty tư nhân chỉ sản xuất 1% sản lượng công nghiệp, còn công nghiệp hộ gia đình có tăng nhưng không bù lại được sự tan rã của khu vực tập thể. Mặc dù chính sách của nhà nước là phát triển thành phần kinh tế tư nhân, nhưng tình hình thực tế thì ngược lại. Trái lại, ở Trung Quốc, họ đã chủ động phát triển khu vực tập thể nông thôn và cho đến nay đã trở nên lực lượng chính thức đẩy phát triển kinh tế trong lúc kinh tế quốc doanh còn trì trệ thua lỗ. Thực chất, kinh tế tập thể ở Trung Quốc chính là kinh tế tư nhân, hoạt động gần như công ty cổ phần, được sự hướng dẫn của chính quyền và được ưu tiên vay vốn ngân hàng. Như vậy là Trung Quốc đã chuyển dịch khéo léo từ kinh tế công xã xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế cổ phần tư bản chủ nghĩa. Ở Việt Nam, có ý kiến cho là Việt Nam nên tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhưng đã kinh tế hộ gia đình thì làm sao có thể tập trung vốn và làm sao có thể có công nghiệp tư nhân có mức sản xuất tương đối lớn để sử dụng kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động? Tình hình Việt Nam cho thấy trong thời gian quá dài mất quyền tư hữu sản xuất, vốn của người dân vì vậy dù có cũng không đáng kể và không có khả năng mau chóng xây dựng các công ty tư nhân. Chính vì vậy nhà nước cần có chính sách và biện pháp phát triển các công ty tư nhân cổ phần kể cả việc chuyển dịch các hợp tác xã hiện nay và tư nhân hoá toàn diện hoặc một phần các công ty quốc doanh không có tính chất trọng điểm. Một trong những mấu chốt của vấn đề phát triển kinh tế tư nhân hoặc công ty tập thể là chính sách tín dụng. Tín dụng (tính theo số dư tín dụng) cung cấp cho khu vực ngoài quốc doanh và tư nhân năm 1990 là 11,3%, năm 1992 theo tài liệu của thống kê chỉ còn 9%, mặc dù phần cho tư nhân vay có tăng lên từ 4% lên 7%, trong khi phần dành cho tập thể giảm xuống. Theo lời tuyên bố của thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ cho tư nhân vay đã tăng lên 15% năm 1993. Số liệu của Ngân hàng hiện nay vẫn còn thuộc loại bị giữ bí mật, nên không thể phân tích sâu thêm được vấn đề này. Dù sao hầu hết tín dụng cho tư nhân vay ngắn hạn, không nhằm vào tích luỹ và còn quá nhỏ bé, dịch vụ phí cho nông dân vay rất cao, lên tới 17% vốn cho vay. Tình hình trên đòi hỏi nhà nước theo dõi chặt chẽ thêm hoạt động cho vay của ngân hàng nhà nước.
Cơ cấu sản xuất
Trong cơ cấu kinh tế từ năm 1989 đến nay, nổi bật nhất là sự phát triển của khu vực dịch vụ, tỷ trọng dịch vụ trong GDP tăng từ 36,2% năm 1989 lên 38,2% năm 1993. Công nghiệp chiếm 20,7% năm 1993. Tuy nhiên nếu loại trừ khai thác dầu, than, điện, đánh cá biển mà theo thông lệ quốc tế không được xếp vào công nghiệp (hay nói rõ hơn là công nghiệp chế biến) thì công nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 12-13%, một tỷ lệ quá nhỏ bé so với các nước phát triển khác. Trong thời gian 1989-1993, số lao động trong công nghiệp cũng giảm đi khoảng 700 ngàn người, bằng 24% tổng số lao động công nghiệp. Lao động công nghiệp quốc doanh giảm khoảng 150 ngàn người trong thời gian này. Nói tóm lại công nghiệp vẫn chưa là động lực phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế.
Sản lượng công nghiệp theo định nghĩa của Việt Nam nói chung sau khi suy sụp năm 1989 đã phát triển khá từ năm 1991 đến nay. GDP xuất phát từ công nghiệp tăng khá hơn, từ 10 đến 12% năm 1993 (coi Bảng 3) vì năng suất lao động tăng.
Trong năm 1992, mặc dù còn thua lỗ, công nghiệp quốc doanh cũng đã có những chuyển biến đáng để ý. Dựa vào điều tra vốn trong công nghiệp nhà nước năm 1989 và vốn đầu tư những năm sau này cho đến năm 1992, tổng giá trị tài sản cố định và tài sản lưu động, không kể đất đai, theo tôi ước tính sau khi trừ khấu hao có thể lên đến 71.000 tỷ đồng theo giá hiện hành năm 1992, tương đương với 6,3 tỷ USD. Trong khi đó lãi do khu vực này tạo được là 3.207 tỷ đồng, tương đương với 285 triệu USD theo giá USD năm 1992. Như vậy tỷ lệ lãi là 4,5%. Tỷ lệ lãi này vẫn còn khiêm tốn so với tốc độ lạm phát năm 1992 là 17,2% và lãi suất ngân hàng trên hơn 24% một năm nhưng so với trước đây đã đạt được những kết quả nhất định. Như vậy khả năng vươn lên của công nghiệp quốc doanh phải dựa cả vào biện pháp lâu dài và biện pháp kinh tế trước mắt. Biện pháp lâu dài là nhà nước giải thể hoặc chuyển sở hữu quá nhiều các công ty đang lỗ vốn, thiết lập hội đồng chủ quản xí nghiệp độc lập với cơ quan hành chính như bộ, sở, tập trung vai trò của bộ, sở vào trách nhiệm quản lý nhà nước. Biện pháp trước mắt là ngân hàng nhanh chóng giảm lãi suất, hiện nay vẫn còn trên 20% so với lạm phát là 5% một năm. Với lãi suất thực sau khi trừ lạm phát như vậy có thể nói là cao nhất thế giới thì đến các công ty có khả năng quản lý tốt nhất trên thế giới cũng có thể phá sản.
Nông nghiệp phát triển ở mức thấp hơn nhiều so với công nghiệp và dịch vụ, năm 1993 chỉ tăng 2% (coi Bảng 3). Từ năm 1989 đến nay, công nghiệp tăng hơn 50% nhưng nông nghiệp chỉ tăng 22%. Lao động trong công nghiệp lại giảm đi trong khi lao động trong nông nghiệp tăng. Hơn nữa chỉ số tăng giá hàng nông nghiệp chỉ bằng 80% chỉ số tăng giá hàng hoá nói chung. Điều này nói lên rằng đời sống công nhân tăng khá hơn nhiều so với nông dân. Như vậy khả năng tích luỹ của nông dân không thể lớn nếu không nói là không đáng kể. Cần có chính sách chuyển dịch cơ cấu sản xuất với vốn cho vay của ngân hàng, chuyển giao kỹ thuật và đầu tư của nhà nước. Chính sách này phải đặt trọng tâm vào phát triển công nghiệp nông thôn, vừa đòi hỏi vốn ít vừa tạo nhiều công ăn việc làm. Đối với nông nghiệp cũng cần chuyển trọng tâm sản xuất ra khỏi cây trồng, đặc biệt là cây lúa, sang chăn nuôi. Trong cơ cấu nông nghiệp, chăn nuôi hiện nay chỉ chiếm 24%, còn 76% là trồng trọt. Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ 26% năm 1990.
Kết luận
Kế hoạch phát triển 8% năm tới của chính phủ có thể đạt được nếu mức tiêu dùng không tăng hơn 5% một năm, nguồn vốn nước ngoài cần lên tới 2,4 tỷ USD tính theo giá 1993 trong đó nếu mức đầu tư của nước ngoài là 1,4 tỷ USD (tăng 75% so với năm 1993) thì vay mượn nước ngoài phải lên tới 10 tỷ USD, mức xuất khẩu cũng phải tăng lên khoảng 40% để khỏi rơi vào tình trạng không trả được nợ gốc như những năm trước đây. Đây là dựa trên cơ cấu kinh tế hiện nay, nếu năng suất lao động tăng lên do khai thác tiềm năng hiện còn có như mấy năm vừa qua thì mức vay mượn của nước ngoài có thể ít đi. Tuy nhiên ta đã thấy là năm 1993 tích luỹ trong nước tăng vọt do mức vay nợ và đầu tư nước ngoài tăng nhưng tốc độ phát triển không nhảy vọt, điều này có thể là dấu hiệu khả năng khai thác tiềm năng không còn nhiều. Đạt được mức phát triển 8% đòi hỏi những nỗ lực hết sức lớn. Kế hoạch trên tất nhiên dựa rất lớn vào nguồn vốn và đầu tư nước ngoài, trong khi tổng số nợ hiện nay đã rất cao nếu tính cả nợ Liên Xô cũ. Theo tôi ta không nên quá tập trung vào kế hoạch có tốc độ phát triển cao mà nên tập trung vào sử dụng nguồn vốn từ ngoài hiệu quả khai thác vốn ưu đãi và tránh vốn thị trường, tính toán khả năng trả nợ trong tương lai, củng cố những cải tổ vừa qua và đổi mới thêm những gì cần đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất của nền kinh tế. Các nước công nghiệp hoá mới (NIC) từ 1965 đến nay cũng chỉ đạt tốc độ phát triển trung bình năm là 5,5% một năm.
New York , 1.1.1994
Vũ Quang
Ghi chú:
Số liệu dùng trong bài này, đặc biệt là GPD, tích luỹ, xuất nhập khẩu trong Bảng 1 và số liệu gốc dùng để tính hầu hết các tỷ lệ trong Bảng 2-4 là từ Tổng cục Thống kê Việt Nam.
1 Để dành là nguồn vốn phát sinh từ hoạt động kinh tế trong nước và chuyển nhượng từ nước ngoài (không phải vay). Nó là một trong ba nguồn vốn dùng vào tích luỹ. Vốn dùng vào tích luỹ gồm: vốn để dành, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn dư nợ nước ngoài. Trong Bảng 1, tích luỹ năm 1992 (1090) = để dành (629) + vốn viện trợ (0) + vốn dư nợ (461). Cho đến nay, thống kê Việt Nam chưa tính để dành. Những tỷ lệ trong Bảng 1 là do chính tác giả tự tính. Con số năm 1992 gần với thực tế hơn vì quan hệ tài chính với nước ngoài là dựa vào tài liệu Ngân hàng Thế giới. Những con số đầu tư nước ngoài thực hiện (260), nợ vay thêm (487), nợ không trả được (190), nợ phải trả cho phép tính được dư nợ (461) để kiểm chứng các khoản ước tính chuyển nhượng hiện hành từ mục 16-22 Bảng 1. Sự liên hệ cho thấy để dành dựa vào không những sản xuất ở trong nước mà còn vào chuyển nhượng hiện hành từ nước ngoài như kiều hối và trả lãi nợ ra nước ngoài. Tỷ lệ để dành chỉ có thể tính chính xác nếu Ngân hàng Nhà nước công bố những con số cần thiết. Tỷ lệ để dành năm 1993 đáng nghi về độ chính xác hơn vì chỉ dựa vào hai con số chính xác là đầu tư nước ngoài và nợ vay thêm, điển hình là nợ không trả được (– 576) có nghĩa là Việt Nam đã trả nợ gốc năm 1993 lên tới 576 triệu USD. Nếu không đúng thế thì có khả năng là nhập khẩu (nhất là nhập khẩu lậu) năm 1993 cao hơn nhiều so với 3,1 tỷ do nhà nước công bố và như vậy để dành sẽ giảm xuống đánh kể, bằng khoảng 10% GDP. Ghi chú này nhằm trình bày cách tính của tác giả và cho phép các nhà thống kê tính lại nếu thấy con số của tác giả không chính xác.
2 Hối suất thật được tính theo công thức Et = (Edn/PVN)/(1/PUS) trong đó Et là hối suất thực, Edn là hối suất danh nghĩa, PVN là chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam, PUS chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ. Hối suất năm là hối suất trung bình trong năm.
Bảng 1: Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) Việt Nam năm 1992, 1993
|
1992 triệu USD (1USD = 11.232đ) |
1993 triệu USD 1USD = 10.800đ) |
|
1 |
Tổng giá trị sản xuất |
16.130 |
20.966 |
2 |
Chi phí trung gian |
7.360 |
9.392 |
3 |
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) |
9.070 |
11.574 |
4 |
Tốc độ tăng GDP |
8,3% |
7.5% |
5 |
Tiêu dùng cuối cùng |
8.450 |
9.634 |
6 |
Tích luỹ gộp |
1.090 |
2.041 |
7 |
Tích luỹ / GDP |
12,0% |
17,6% |
8 |
Để dành gộp |
629 |
1.738 |
9 |
Để dành / GDP |
6,9% |
15,0% |
10 |
Xuất khẩu |
2.475 |
3.000 |
11 |
Nhập khẩu |
2.945 |
3.100 |
12 |
Sản phẩm tích luỹ |
695 |
|
13 |
Sản phẩm tiêu dùng |
395 |
|
14 |
Sản phẩm trung gian |
1.855 |
|
15 |
Chênh lệch xuất khẩu |
- 470 | - 100 |
Thanh toán hiện hành với nước ngoài |
|||
16 |
Thu |
3.065 |
3.547 |
17 |
Xuất khẩu |
2.475 |
3.000 |
18 |
Chuyển nhượng hiện hành - Viện trợ - Kiều hối |
590 110 480 |
547 67 480 |
19 |
Chi |
3.526 |
3.850 |
20 |
Nhập khẩu |
2.945 |
3.100 |
21 |
Chuyển nhượng hiện hành - Chi trả lãi nợ - Chia lợi nhuận dầu hoả |
581 231 350 |
750 300 450 |
22 |
Chênh lệch thanh toán hiện hành |
- 461 |
- 303 |
Quan hệ tài chính với nước ngoài |
|||
23 |
Thu |
747 |
1.420 |
24 |
Đầu tư nước ngoài |
260 |
800 |
25 |
Nợ vay thêm |
487 |
621 |
26 |
Chi |
476 |
541 |
27 |
Nợ gốc phải trả |
435 |
500 |
28 |
Nợ gốc trả |
0 |
0 |
29 |
Nợ ngắn hạn |
41 |
41 |
30 |
Chênh lệch chi thu tài chính |
271 |
879 |
31 |
Nợ không trả được (arrears) |
190 |
- 547 |
32 |
Dư nợ (net borrowing) |
461 |
303 |
Bảng 2: Một số chỉ tiêu kinh tế Việt Nam
|
GDP bình quân đầu người |
Tốc độc tăng GDP (%) |
Tốc độ tăng tiêu dùng (%) |
Tỷ lệ tích luỹ trên GDP (%) |
Tỷ lệ để dành trên GDP (%) |
1989 |
95 |
8,0 |
8,1 |
11,6 |
7,2 |
1990 |
98 |
5,1 |
8,3 |
12,6 |
|
1991 |
109 |
6,0 |
3,6 |
11,6 |
|
1992 |
131 |
8,3 |
5,4 |
12,0 |
6,9 |
1993 |
163 |
7,2 |
4,4 |
17,6 |
15,0 |
Bảng 3: Thay đổi cơ cấu GDP nền kinh tế Việt Nam
|
Công nghiệp |
Nông nghiệp |
Sản xuất vật chất khác |
Dịch vụ |
Tổng số |
Tỷ lệ cơ cấu (%) |
|||||
1989 |
18,8 |
40,5 |
4,5 |
36,2 |
100 |
1990 |
18,7 |
40,3 |
4,6 |
36,3 |
100 |
1991 |
19,4 |
38,9 |
4,6 |
37,1 |
100 |
1992 |
20,2 |
38,2 |
4,4 |
37,2 |
100 |
1993 |
20,7 |
36,4 |
4,6 |
38,2 |
100 |
Tỷ lệ phát triển (%) |
|||||
1989 |
|
|
|
|
|
1990 |
10,7 |
10,7 |
15,0 |
11,3 |
|
1991 |
9,9 |
2,2 |
4,7 |
8,3 |
|
1992 |
12,6 |
6,3 |
4,0 |
8,6 |
|
1993 |
9,9 |
2,0 |
12,9 |
9,9 |
|
Bảng 4: Thay đổi cơ cấu công nghiệp Việt Nam
Tỷ lệ cơ cấu (%)
|
1989 |
1990 |
1991 |
1992 |
1993 |
Khu vực quốc doanh - trung ương - địa phương |
56 32 24 |
57 35 22 |
69 48 21 |
71 50 21 |
72 51 21 |
Ngoài quốc doanh - tập thể - công ty tư nhân - hộ gia đình |
44 24 1 19 |
43 16 1 26 |
31 5 1 25 |
29 4 1 23 |
28 4 1 23 |
Các thao tác trên Tài liệu