Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 27 / cuộc khủng bố chủ nghĩa xét lại

cuộc khủng bố chủ nghĩa xét lại

- Lê Xuân Tá — published 04/04/2011 00:55, cập nhật lần cuối 01/05/2011 21:37

Hồi ức về cuộc khủng bố
chủ nghĩa xét lại ở Việt Nam

Lê Xuân Tá

 

Bức thư ngỏ của ông Hoàng Minh Chính, đăng trên Diễn Đàn số 23 (tháng 10.93) vừa qua nhắc tôi nhớ tới một tấn thảm kịch lớn trong lịch sử Việt Nam.

Cải cách ruộng đất, vụ án Nhân văn - Giai phẩm, các cuộc cải tạo tư sản ở Bắc và Nam, cuộc hợp tác hoá nông nghiệp... đó đều cũng là những mảng tối của lịch sử. Nhưng dù sao cũng đã được phơi bày.

Những vụ khủng bố chủ nghĩa xét lại thì không. Cả nạn nhân, cả thủ phạm lẫn dư luận vẫn còn im lặng. Mặc dầu, tiếc thay, đó lại là một trong những mảng tối lớn nhất, trong đó chứa đựng đông đặc bản chất của chủ nghĩa cộng sản, của bộ máy đảng và cũng chứa đựng cả nhiều yếu tố quy định số phận của đất nước Việt Nam.

Tôi rất hoan nghênh Diễn Đàn đã làm “diễn đàn” cho những tiếng nói như thế.

Tiếp lời ông Hoàng Minh Chính, tôi xin kể thêm một số điều xung quanh vụ việc này.

Tôi tốt nghiệp ngành hoá ở Liên Xô về vào đầu những năm 60, làm việc tại Uỷ ban khoa học Nhà nước. Lúc đó ngành khoa học xã hội cũng thuộc Uỷ ban này. UBKHNN lúc đó đã trở thành dinh luỹ của chủ nghĩa xét lại và là đối tượng trung tâm của chiến dịch thanh trừng. Tôi lúc đó làm công tác thanh niên của cơ quan, tuy không tới mức ở trong cuộc như ông Chính, nhưng cũng đã nghe và nhìn thấy nhiều điều lớn nhỏ.

Cái nền của cuộc đụng độ này là sự đối lập và thù nghịch của Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) với Đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX). Sự đối lập đó bắt đầu xuất hiện ngay từ năm 1956 với Đại hội thứ 20 của ĐCSLX và tạm chấm dứt vào năm 1979 với việc Trung Quốc tấn công Việt Nam. Trong 23 năm đó, mức độ đối lập và thù nghịch có khác nhau tuỳ giai đoạn, nhưng thực bụng thì lúc nào cũng là đối lập và thù nghịch.

Từ 1956 đến 1960 là giai đoạn hoà hoãn tự vệ. Đại hội 20 của ĐCSLX là một gáo nước lạnh dội vào toàn ĐCSVN. Tiếp đó vụ công nhân Ba Lan biểu tình ở Poznan, đặc biệt những sự biến ở Hunggari với Imre Nazy đã làm rúng động hệ thống thần kinh chính trị Việt Nam. Không có sự rúng động đó, thì không biết đến bao giờ mới có chuyện “phát hiện” sai lầm cải cách ruộng đất và sửa sai. Tất cả những yếu tố kể trên đã làm suy yếu quyền uy của đảng. Những lực lượng bất bình và phê phán tưởng là đã đến lúc vùng lên. Vụ Nhân văn - Giai phẩm ra đời trong bối cảnh đó. Nó bị đàn áp ra sao thì sách báo đã nói nhiều rồi. Trong những năm này, ĐCSVN tuy “tức đến tận cổ” vẫn phải đấu dịu với Liên Xô để còn xin viện trợ, để được yên bề xử lý các chuyện đối nội.

Từ sau 1960 thì tình hình đã khác. Ông Lê Duẩn đã làm Tổng bí thư, ông Lê Đức Thọ đã nắm Ban tổ chức Trung ương. Ông Trường Chinh được phục hồi trong Bộ chính trị, phụ trách lý luận và tư tưởng... Trên vũ đài quốc tế, Trung Quốc đã công khai tuyên chiến về quan điểm với Liên Xô. Cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Bành Chân, trưởng đoàn Trung Quốc, với Khrouchtchev tại hội nghị các đảng cộng sản tại Bucarest năm 1961 đánh dấu sự phân liệt không bao giờ hàn gắn được nữa trong phong trào cộng sản quốc tế. Vết nứt này đã ngày càng mở rộng, kéo dài, phân chia toàn bộ thế giới cộng sản và phân chia tất cả các đảng cộng sản. Trên cục diện thế giới, phía theo Liên Xô đông hơn hẳn và thái độ khá dứt khoát. Phía theo Trung Quốc thì ít hơn, mức độ và thái độ lại rất khác nhau. Cuba thì chống Liên Xô trong bụng, những cái bụng lại được nuôi bằng đồng rúp, nên đành “ngậm miệng ăn chè”. Anbani thì do Khrouchtchev định lật đổ Hodja mà không lật được, nên Hodja đã phát động cả nước lao vào cuộc chửi rủa Liên Xô. Bắc Triều Tiên thì vừa thân Trung Quốc vừa lệ thuộc lợi ích vào Trung Quốc, nên sự phân liệt nội bộ không đáng kể, phái của bà Phác Chính Ái, lúc đó là chủ tịch đảng, được thanh toán rất nhanh và không ai còn biết đến bà ta ra sao nữa. Còn ở Trung Quốc, thành luỹ của chống xét lại, thì đương nhiên chủ nghĩa xét lại không mọc lên được. [Sau này, thời Cách mạng văn hoá, họ đưa Lưu Thiếu Kỳ ra đấu như “tên xét lại lớn nhất”, thực ra là vu oan cho ông ta. Ông ta cũng mao-ít không kém gì Mao. Tôi còn nhớ năm 1963, ông và vợ ông là bà Trương Quang Mỹ sang thăm Việt Nam với dụng ý là làm thay đổi hẳn cán cân lực lượng giữa phe thân Liên Xô và phe thân Trung Quốc ở Việt Nam. Ông đem theo bao nhiêu viện trợ, và cái đến ngay với chúng tôi lúc ấy là “bánh mì bác Lưu”: trước đây chúng tôi mỗi sáng đi làm ăn một ổ bánh mì 1 hào, từ đó ăn 1 ổ bánh y như vậy chỉ có 5 xu... ].

Còn ở Việt Nam, thì sự phân liệt phức tạp hơn nhiều. Kèm theo phân liệt quan điểm, có gửi gấm những âm mưu thanh trừng đã ấp ủ từ trước đó rất lâu. Từ 1961, Đài Bắc Kinh nói tiếng Việt phát ra rả những bài chống Liên Xô. Những brochures của Trung Quốc bằng tiếng Việt được rải khắp Việt Nam. Những thứ này, cùng với “bánh mì bác Lưu”, đã củng cố phái thân Trung Quốc. Phái thân Liên Xô thì không có phương tiện truyền thông đại chúng, không có nhiều sách báo tiếng Việt. Họ chủ yếu dựa vào trí tuệ và lập luận. Vả chăng, họ bao gồm những trí thức cấp tiến, có kiến thức rộng và trung thực với lẽ phải, họ ít gắn với những lợi ích trực tiếp và cụ thể như phái thân Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến trước Nghị quyết 9 (tháng 11.1963) thì cuộc phân liệt chưa mang tính chất “bất cộng đái thiên”. Trong các cơ quan, trong mỗi gia đình, hàng ngày chúng tôi vui vẻ tranh luận về đủ các vấn đề, từ bom nguyên tử đến vụ Vịnh con lợn ở Cuba, từ chính sách trồng ngô của Khrouchtchev đến lý thuyết con hổ giấy của Mao... Vợ chồng cũng bất đồng, cha con cũng bất đồng, nội bộ mỗi cơ quan cũng bất đồng. Song sự bất đồng đó chưa căng thẳng, chưa ai quy kết tội gì cho ai. Lúc này, không biết từ đâu xuất hiện câu vè mà trẻ con hát lải nhải trên các hè phố:

Ông Liên Xô
Bà Trung Quốc
Ông đi guốc
Bà đi giầy
Ông nhảy dây
Bà đá bóng...

Câu vè này cũng thể hiện được tính chất “tào lao” của cuộc tranh luận. Mà đến nay nhìn lại thấy quả thực như ông Hoàng Minh Chính nói, cả hai phái đều đã bị lịch sử vượt rất xa rồi.

Tuy nhiên, trong hệ thống các quan điểm lúc đó, có một quan điểm mà đối với Việt Nam không viển vông chút nào. Đó là quan điểm về chiến tranh và hoà bình. Cuộc đụng độ về vấn đề này chính là cốt lõi của cuộc đấu tranh và cũng chính nó đã làm cho cuộc tranh luận tự do về lý thuyết chuyển sang cuộc thanh trừng. Thời đó, Khrouchtchev đưa ra thuyết chung sống hoà bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau, vì khi kỹ thuật quân sự đã đạt tới bom hạt nhân thì chiến tranh sẽ không để lại người thắng trận. Mao thì đưa ra thuyết “con hổ giấy”, cho rằng Mỹ không đáng sợ, Mỹ là con hổ bằng giấy. Mao còn biện luận: về chiến thuật thì Mỹ rất nguy hiểm, nhưng về chiến lược thì Mỹ là con hổ giấy, không đáng sợ, có thể dùng chiến tranh nhân dân để tiêu diệt con hổ giấy đó. Đối với Việt Nam lúc đó, đây quả là vấn đề quan trọng số 1, vì nó quyết định đường lối đối với miền Nam: đánh để giải phóng hay đấu tranh hoà bình... Phái thân Liên Xô không muốn phát động chiến tranh vũ trang giải phóng miền Nam, vì sẽ vô cùng hao tổn máu xương của cải, tàn phá đất nước, mà chưa chắc đã giải quyết được chuyện thắng bại trên chiến trường Việt Nam, vì cục diện chiến tranh Việt Nam tuỳ thuộc cục diện quốc tế. Tôi được nghe những cán bộ cấp cao hồi đó kể lại rằng chính các ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyên Văn Vịnh, Ung Văn Khiêm là thiên về xu hướng này, tuy các ông không dám tuyên bố công khai, vì như vậy có thể bị đối phương chụp ngay cho cái mũ “phản bội sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Trong dư luận cán bộ lúc đó, người ta còn đồn rằng ông Hoàng Minh Chính đưa ra chủ trương hai nước Việt Nam cùng song song tồn tại trong thi đua hoà bình (Tôi xin lỗi bác Chính, nếu đây là lời đồn thất thiệt. Tôi cũng rất mong bác viết một bài để làm rõ thực hư). Nhiều người, trong đó có tôi, bắt đầu thấy kính trọng ông Hoàng Minh Chính là từ đấy... Chúng tôi biết, nếu phát động chiến tranh thì sự nghiệp khoa học của cả thế hệ chúng tôi sẽ bị ném vào khói lửa, tuy lúc đó chúng tôi chưa hề hình dung được cuộc chiến tranh kéo dài đến thế, gây ra nhiều vết thương đến thế và chiến thắng của nó vừa đắt, lại vừa chóng thối rữa đến thế...

Còn phái chủ chiến thì lập trường của họ có những nguyên nhân sâu xa và phức tạp hơn chứ không phải chỉ do lòng yêu nước và tinh thần giải phóng dân tộc. Các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đều là những người nuôi mộng bá vương từ lâu. Nhưng suốt thời kỳ chống Pháp, họ không có vai vế gì cả, họ chưa được ngồi vào “chiếu trên”. Họ ấp ủ ý chí và tìm kiếm cơ hội. Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã làm cho cả tổng bí thư Trường Chinh lẫn trưởng ban tổ chức trung ương Lê Văn Lương bị ra khỏi “chiếu”. Ông Hồ Chí Minh đã có ý định đưa Võ Nguyên Giáp lên chức tổng bí thư, và vì lẽ đó, ông Giáp đã được phân công đứng ra thay mặt đảng thừa nhận sai lầm cải cách ruộng đất trước quốc dân tại một cuộc mít tinh lớn ở sân vận động Hàng Đẫy. Chính ý định này đã làm cho hai con hổ khát quyền lực vốn vẫn gầm ghè nhau là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ quyết định liên minh lại với nhau. Ở Đại hội Đảng lần thứ 3, họ đã thắng. Họ được ngồi vào chiến trên. Nhưng chiếu đó vẫn còn nhiều bậc mũ cao áo dài, tuy về chức sắc trong đảng không phải là cao, nhưng uy thế thì họ vẫn chưa lấn át được. Khát vọng của Lê Duẩn là phải làm một cái gì hơn cả Điện Biên Phủ, để vượt trội cả Hồ Chí Minh lẫn Võ Nguyên Giáp. Khát vọng đó được Lê Đức Thọ đồng tình. Lập trường chủ chiến có nguồn gốc sâu xa như vậy. Ông Lê Duẩn là “Cụ Hồ của miền Nam”, là người hiểu miền Nam và có uy tín ở miền Nam hơn bất cứ ai trong Bộ chính trị lúc đó. Miền Nam là điểm mạnh nhất của Lê Duẩn. Nếu không phát động được cuộc chiến tranh ở miền Nam, thì cả Lê Duẩn lẫn Lê Đức Thọ đều chưa nắm được thế thượng phong trên vũ đài chính trị của Hà Nội. Tháng 11.1960, Lê Duẩn phát động phong trào đồng khởi, đặt cả nước và toàn ban lãnh đạo Đảng ở thế “đã rồi”. Lý luận về “hổ giấy” là một sự viện trợ rất quan trọng. Nhưng cũng phải mất 3 năm, phải chủ chiến mới chiếm được ưu thế. Trong số các đối thủ của họ, có những nhân vật mà dù sao cũng đã đi vào lịch sử, như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, nên họ không dễ đương đầu. Họ đã sử dụng hai chiến thuật: chiến thuật phân hoá chiến thuật “việc đã rồi” . Hai chiến thuật này đã được họ sử dụng rất tài tình không những trong nội bộ đảng, mà cả trong việc vừa chống Liên Xô vừa bòn rút được viện trợ của Liên Xô, cả trong toàn bộ cuộc chiến tranh với Mỹ. Trên cả ba mặt trận, họ đều thắng “oanh liệt”.

Trong cuộc đấu tranh nội bộ, hai chiến thuật này được vận dụng như sau: nhân cái cớ có luật 10-1959 của Ngô Đình Diệm, họ phát động phong trào đồng khởi, cho rằng nếu không vùng lên thì máy chém của Ngô Đình Diệm sẽ chặt hết đầu các chiến sĩ cách mạng. Lúc đó, cả những người lưỡng lự với đấu tranh vũ trang cũng không dám phản đối. Phản đối là phản cách mạng, là phản quốc. Những tuyên bố của ông Hồ Chí Minh trong thời kỳ này cho thấy họ đã phân hoá được phái chủ hoà. Khi đã trói tay trói chân được những đối thủ đáng gờm nhất bằng thái độ lừng chừng, họ mới quyết định giáng đòn chí mạng vào số còn lại, tuy trung kiên hơn, nhưng lại kém trọng lượng hơn. Đòn đánh này, đến lượt nó, lại có tác dụng răn đe và vô hiệu hoá các vị lừng chừng. Đó là thực chất của chiến dịch khủng bố chủ nghĩa xét lại.

Chiến dịch này được mở màn vào tháng 11.1963, với Hội nghị Trung ương lần thứ 9. Đến lúc này, phái chủ chiến thân Mao đã có phần ưu thắng. Số chủ hoà đã bị phân hoá và cô lập. Các lực lượng đối lập công khai chỉ còn thiểu số. Họ quyết định mở cuộc tấn công bằng một loạt trận càn quét thô bạo, trước hết là trong trí thức (để bịt miệng), sau đó là trong quân đội (để tước vũ khí), và cuối cùng mới là trong Ban chấp hành Trung ương Đảng (để chặt những cái đầu).

Chiến dịch đánh vào trí thức được chọn trận địa là Uỷ ban khoa học nhà nước. Đây là nơi mà số thân Liên Xô chiếm đa số. Trong đó có những nhân vật đáng gờm như Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính là những người mà xét cả về thành phần giai cấp lẫn thành tích cách mạng đều không thể quy kết một tội lỗi gì.

Về ông Hoàng Minh Chính, tôi có thể kể lại hai điều mắt thấy tai nghe:

– Một lần chúng tôi tổ chức Đại hội thanh niên tiến quân vào khoa học, chúng tôi mời ông tới dự và huấn thị, vì ông đã từng là bí thư Trung ương Đoàn thanh niên toàn quốc, và đương thời ông lại là uỷ viên đảng đoàn [của UBKHNN, chú thích của toà soạn]. Sau khi chúng tôi kiêu hãnh đọc một báo cáo về các công trình khoa học của các cán bộ trẻ, ông Chính lên huấn thị. Ngay câu đầu, ông dội cho cả hội trường một gáo nước lạnh: “ Về các thành tích mà các đồng chí vừa nêu ra, Đảng rất hoan nghênh và khen ngợi... Nhưng có một điều mà các đồng chí chưa chứng minh được với Đảng: các thành tích đó có thực là do Đoàn thanh niên làm nên không? Nếu nói đó là thành tựu của các nhà khoa học trẻ thì tôi đồng ý. Nhưng nói là nhờ có tổ chức Đoàn thanh niên lãnh đạo thì tôi chưa tin. Ở bao nhiêu nước trên thế gíới xưa nay, họ không có tổ chức đoàn thanh niên như của các đồng chí mà họ vẫn có rất nhiều nhà bác học trẻ lỗi lạc. Thế thì các đồng chí căn cứ vào đâu để nói rằng chỉ có Đảng, có Đoàn thanh niên mới có được những thành tích đó...” . Chúng tôi tiu nghỉu, choáng váng. Nhưng sau phút choáng váng đó, định thần lại tôi thấy có lẽ ông Chính nói đúng. Dù bị một gáo nước lạnh nhưng tôi cảm phục ông. Ông đã góp một phần giác ngộ cho tôi.

– Có một buổi chiều chủ nhật, tôi đi cùng một ông cũng ở cấp cao ngang cấp ông Chính (dạo đó chúng tôi hay có những buổi bát phố như vậy). Đến ngang cửa Bách hoá phố hàng Bài, gặp hai ông Hoàng Minh Chính và Dương Bạch Mai đang đi lại. Ông “sếp” của tôi dừng lại chào hỏi, rồi nói: “Này Chính ạ, cậu nên régler bớt cái lập trường pro-soviétique của cậu đi, đây là vì chuyện đoàn kết trong cơ quan mà mình thành thật khuyên cậu...”. Ông Chính cướp lời: “Không phải là chuyện theo hay không theo Liên Xô, mà là theo hay không theo phong trào cộng sản quốc tế, theo hay không theo lẽ phải. Là thằng ngu thì không nói làm gì. Nhưng nếu là thằng trí thức mà không đủ can đảm bảo vệ chân lý, thì cái đầu của nó còn dùng để làm gì nữa?”. Ông Dương Bạch Mai, lúc đó đứng hơi xa, bước lại gần, nói với ông “sếp” của tôi: “Các cậu nói đoàn kết, nhưng các cậu có hiểu rằng chính các cậu đã gây mất đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế không? Nếu chúng mình kêu gọi cậu hãy đoàn kết với đa số phong trào cộng sản quốc tế thì cậu thấy thế nào? ”. Cuộc đối thoại bất phân thắng bại, rồi mỗi người đi một ngả. Được độ mươi bước, tôi ngoái đầu nhìn lại hai ông lững thững đi tiếp vào đám đông của buổi chiều chủ nhật đã xế nắng, bỗng đã mơ hồ cảm thấy một cái gì không lành lặn đang chờ đón quãng đời còn lại của các ông.

Còn ông Bùi Công Trừng, phó chủ nhiệm UBKHNN, nhưng lại là bí thư đảng đoàn, chức vụ cao nhất về đảng trong cơ quan. Ông Trừng cũng là người ăn to nói lớn, nổi tiếng bộc trực. Hồi đó các viện đều ở trong ngôi nhà lớn 39 Trần Hưng Đạo, nên chúng tôi có dịp được mục kích những cuộc đấu khẩu.

Tôi được nghe chị Ngô Tấn Nhơn (chị làm việc chỗ văn phòng ông Trừng) kể lại: hồi họp Hội nghị Trung ương 9, ông Trừng lên diễn đàn biện luận quyết liệt cho phe thân Liên Xô. Ông Hồ đã rung chuông để ngắt lời, mà ông Trừng dám cả gan cầm cả bàn tay ông Hồ lẫn quả chuông ấn xuống bàn và nói tiếp...

Bản thân tôi chỉ được mục kích một trường hợp. Đó là vào khoảng giữa năm 1963, ông Trừng đứng giữa một đám đông tại cửa hội trường lầu 2 cơ quan, la ó om xòm. Đầu đội chiếc mũ lông Liên Xô, tay chống ba toong (ông bị trẹo cột sống từ hồi ở tù), một tay khoắng loạn lên trời la lớn: “ Các anh lúc nào cũng leo lẻo ngoài miệng rằng vẫn đoàn kết với Liên Xô. Trong nội bộ thì các anh dạy cho cán bộ phải nghi kỵ Liên Xô, coi Liên Xô như kẻ thù. Các anh chỉ biết yêu đồng rúp thôi. Thực chất của chính sách đối ngoại đó là tử tế trước mặt lõ c...c sau lưng. Với cái đường lối này, sẽ đẩy lùi 20 năm tiến hoá nữa. Khi đó thằng Trừng này chết rồi, nhưng đến đó sẽ thấy nó nói là đúng...”. Sau đó, tôi tò mò hỏi đầu đuôi thì được biết như sau: hồi đó ông Lê Duẩn chủ trương xây dựng một nền kinh tế tự hoàn chỉnh, hướng nội. Ông Trừng chủ trương kinh tế mở, dựa vào phân công lao động quốc tế và thế mạnh của nông sản nhiệt đới, lấy xuất khẩu mà tạo vốn ban đầu nhập thiết bị hiện đại hoá đất nước. Ông cho đăng quan điểm này trên tờ báo Kinh Tế mà ông là chủ nhiệm. Bỗng có lệnh trên tịch thu số báo này. Ông Lê Duẩn phê phán ông Trừng là muốn “biến Việt Nam thành cái vườn chuối của thế giới... ”. Đến nay, thì rốt cuộc ĐCSVN đã làm đúng theo ông Trừng. Cái sai của ông có lẽ là ở con số 20 năm. Sự chậm trễ đã dài hơn. Nếu kể từ Đại hội 20 của ĐCSLX 1956 đến Đại hội 6 của ĐCSN vào 1986 đưa ra chiến lược kinh tế mở, thì đã mất trọn 30 năm... Và ông còn một cái sai trầm trọng nữa: chế độ độc tài cộng sản thường tiểu nhân hơn các chế độ độc tài khác: nó có thể nhặt lại ý kiến của ông, nhưng bản thân ông thì nó không bao giờ phục hồi danh dự cả.

Trong khuôn khổ một bài viết, không thể nào kể hết về từng nhân vật. Nhưng để có được một bức tranh cân đối, có lẽ nên dành ít dòng cho một nhân vật chống xét lại. Cũng như trong mọi chiến dịch thanh trừng trước đây và sau này, thủ pháp phổ biến của giới lãnh đạo cộng sản là dùng những phần tử dốt nát và thấp hèn nhất làm công cụ tiên phong. Chúng tôi gọi đó là đòn “thả chó ngao”. Ở Uỷ ban khoa học nhà nước lúc ấy, khi mở chiến dịch học tập Nghị quyết 9, bỗng chúng tôi thấy xuất hiện một nhân vật tên là Lê Duy Văn. Ông này vốn là một cán bộ của Ban tổ chức Trung ương. Không có học vấn, không có bằng cấp và chuyên môn gì. Bỗng được cử về làm bí thư đảng uỷ cơ quan, tức là trực tiếp chỉ huy trận tấn công vào dinh luỹ của chủ nghĩa xét lại. Tôi thường nghĩ: sự ngu muội và thấp hèn tự nó thường không thể gây ra tội ác. Nhưng nếu nó được trao cho quyền lực rồi cấy vào đó chất men ghen tị và căm thù, thì nó trở thành quỷ nhập tràng. Nó sẽ nhanh chóng ý thức được rằng cái đe doạ quyền và lợi của nó lại chính là trí tuệ, học vấn, văn hoá và văn minh. Rút cuộc, những thứ này đã bị tấn công và chà đạp bằng một sự căm hờn điên cuồng và man rợ. Có lẽ đây là thứ độc dược mà chủ nghĩa cộng sản đã dùng để tiêu diệt hết kẻ thù này đến kẻ thù khác (cải cách ruộng đất là thế, các đợt thanh trừng của Stalin ở Nga là thế, tạo phản của Hồng vệ binh là thế, Khơ me đỏ là thế... Làm sao coi đó là chuyện cá biệt ngẫu nhiên được!). Nhưng rồi may thay, lại cũng chính thứ độc dược đó đã kết tụ lại thành những thứ sỏi mật, sỏi thận, sơ gan cổ chướng trong lục phủ ngũ tạng của chế độ cộng sản, làm cho chế độ này không ai đánh cũng tự chết (mà có khi không ai đánh thì nó tự chết nhanh hơn).

Cái ông Lê Duy Văn này là một trong vô vàn thí dụ điển hình về độc dược. Nếu trong một trật tự bình thường, ông ấy có thể là một người cần vụ ngoan ngoãn cho các ông Trừng, ông Chính... Nhưng trong thế trận bát quái này, ông ta đã trở thành tàn ác và hung bạo không kém gì chó ngao. Sự dốt nát đã lên ngôi để phán bảo tất cả. Tôi còn nhớ biết bao lần “lên lớp” của ông Văn trên hội trường. Đại để ông ta nói những chuyện như sau: Vừa qua đoàn đại biểu Đảng ta đi hội đàm với ĐCSLX, các đồng chí về cho biết rằng trên các bàn bày rất ít lê táo và hoa quả. Điều đó chứng minh rằng nông nghiệp của Liên Xô gần đây bị sa sút nặng nề do quan điềm kinh tế sai lầm... Một lần khác ông nói: “ Các đồng chí đừng có sùng bái hàng hoá Liên Xô, gần đây các cơ quan điều tra của chúng ta đã phát hiện ra rằng các máy móc, vật dụng của Liên Xô gửi sang, bao giờ cũng có một bộ phận nào đó lắp sai, hoặc cố tình làm hỏng, để cho chúng ta không thể sử dụng lâu dài được”... Ông Văn này không biết một chữ tiếng Nga nào, nhưng đã thản nhiên tuyên bố: “Các đồng chỉ đọc Lênin cũng phải cảnh giác. Nhiều người cũng trích Lênin, tập nọ, tập kia, nhưng có phải thế là họ đúng đâu. Bây giờ có hai thứ Lênin. Lênin xuất bản năm 1932, và 1936, loại bìa nâu mới là Lênin thật. Còn gần đây Liên xô mới xuất bản Lênin toàn tập loại bìa xanh là phải cảnh giác. Đảng ta chưa có điều kiện thẩm tra hết, nhưng đã phát hiện thấy nhiều chỗ không đúng với tư tưởng của Lênin ” !!!

Vậy mà không hiểu sao, hồi đó mỗi lần chúng tôi họp chi bộ, họp chi đoàn, họp công đoàn, ai ai cũng nhắc đến: “anh Văn đã nói rằng...”, “theo chỉ thị của anh Văn thì...”. Trong khi đó, những Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính bị coi như một thứ “ma gà”, không mấy ai dám đến gần. Gặp nhau ở cơ quan cũng không dám chào hỏi chuyện trò. Trông các ông ấy lúc đó thật là xót xa: khinh mạn nhưng ngơ ngác, cô độc và câm nín... Ít lâu sau, điều phải đến đã đến. Hoàng Minh Chính và một loạt nhà khoa học khác bị bắt. Ông Trừng bị quản thúc tại nhà cho đến chết. Ông Minh Tranh (nhà sử học, sau đó làm giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật, can tội cho dịch bừa bãi nhiều sách của Liên Xô, điều này chưa thấy nói trong thư ngỏ của ông Hoàng Minh Chính) đã bị đưa đi cải tạo ở Nam Hà... Tất cả các cán bộ và sinh viên đang học [các ngành khoa học xã hội, chú thích của toà soạn] ở Liên Xô đều bị gọi trở về để khỏi bị đầu độc tư tưởng. Mọi việc tiếp xúc với chuyên gia Liên Xô đều phải theo quy chế đối ngoại chặt chẽ. Mọi thư từ gởi đi và nhận từ Liên Xô đều phải báo cáo lãnh đạo...

Trong suốt chiến dịch chống xét lại, cơ quan chúng tôi có một không khí kinh hoàng không khác gì lắm so với một cái làng trong thời cải cách ruộng đất. Ai cũng nơm nớp sợ bị bắt, bị để ý. Tự nhiên xuất hiện một bọn người xu nịnh trắng trợn, mở mồm là chửi Liên Xô, chửi Khrouchtchev... Những trí thức tự trọng thì im lặng và né tránh y như con cái nhà phú nông, địa chủ thời cải cách ruộng đất...

Nhưng lạ thay, chẳng mấy lâu sau khi nghiền nát các lực lượng xét lại, xác định được địa vị bá chủ, vào mùa thu năm 1967 đùng một cái chúng tôi nghe đảng uỷ phổ biến rằng trong dịp đồng chí Kossyguine sang thăm Việt Nam, hai đảng đã thông cảm với nhau trên nhiều vấn đề. Rồi tháng 11 năm đó, ông Lê Duẩn đi dự kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng mười ở Moscou, chúng tôi sửng sốt khi nghe thấy ông tuyên bố: “Liên Xô là tổ quốc thứ nhì của tôi”. Lúc này Mỹ đã đưa quân ồ ạt vào miền Nam. Cường độ chiến tranh lên rất cao. Đảng rất cần tiền và vũ khí đề đánh Mỹ. Trong khi vẫn nhốt chặt những người thân Liên Xô ở trong tù và nơi quản thúc, Đảng đã trắng trợn làm thân trở lại với Liên Xô và với đồng rúp. Tôi bỗng nhớ tới định nghĩa của ông Trừng về đường lối đối ngoại của Đảng. Hình ảnh hơi tục, nhưng không khéo lại đúng.

Nhưng xin trở lại một chút với ông Lê Duy Văn. Ông ấy rời khỏi cơ quan lúc nào tôi không nhớ, mà cũng không ai nhắc tới ông ta nữa. Mãi đến năm 1981, nhân vào Sài Gòn, tôi mới tình cờ hội ngộ ông ta trong dịp tôi đến khánh thành phòng thí nghiệm sinh hoá của một trường trung học ở Tân Bình. Tôi thấy ông đến dự ăn liên hoan. Hoá ra ông đi theo bà vợ tên là Nguyệt làm hành chính của trường. Người ta kể rằng ông đã bị kỷ luật vì tội mất đoàn kết và tham nhũng nhà cửa gì đó, lại còn bị khai trừ đảng vì giả mạo giấy tờ kết hôn với người cháu họ. Nay ông hay lân la đến dự các cuộc liên hoan để kiếm cốc bia... Trong cuộc liên hoan này, chính tôi đã mắt thấy tai nghe điều sau đây: khi ông ta định bắt tay một anh tên là Sanh (cán bộ cũ của UBKHNN), anh này rụt tay lại và nói: “Tôi không bắt tay anh đâu, tay anh dơ lắm”. Ông Văn bẽn lẽn rút tay lại, ngồi xuống bàn, cầm cốc bia uống thản nhiên. Không khéo thuyết quả báo cũng có lúc đúng.

Thôi, dài quá mất rồi ! Bài này là để hưởng ứng bài của ông Hoàng Minh Chính, nên tôi xin kết luận bằng vài lời nhắn với bác Chính:

Thưa bác, quả là đời bác chịu những tổn thất rất lớn, và càng đau xót vì tổn thất đó lại được gây ra bởi chính những con đẻ của thứ chủ nghĩa mà bác đã nguyện hy sinh cho nó.

Nhưng nếu “xét lại” một lần nữa, thì thấy bác cũng có được an ủi phần nào. Bác thì đã được trả tự do, vẫn sống, lại ngồi viết đơn kiện, được cả trong và ngoài nước kính trọng, yêu mến. Còn các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ đều đã chết cả rồi. Tôi nghe một chị bạn dạy ở Trường thương nghiệp Hà Nội mới sang Moscou kể lại: năm ngoái, tức chưa qua giỗ đầu của ông Thọ, tại cái mả bằng đá cẩm thạch có cả bia và ảnh của ông ở hàng bên phải nghĩa trang Mai Dịch, có tới hai lần bị ai đó đổ xọt phân lên trên!

Vậy thưa bác Chính, không khéo ông trời cũng có mắt và cũng đi theo chủ nghĩa xét lại của bác chăng?


Moscou, 11.1993

Lê Xuân Tá




Hưởng ứng Hoàng Minh Chính

Lê Xuân Tá là bút danh của một cán bộ trong nước, nhân dịp ghé qua Nga, đọc thư ngỏ của ông Hoàng Minh Chính đăng trên Diễn Đàn số 23, đã gửi chúng tôi bài này. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài của ông, coi đó là một chứng từ chân thực về các ông Bùi Công TrừngHoàng Minh Chính, về vụ đàn áp xét lại ở Uỷ ban Khoa học Nhà nước trong thập niên 1960. Riêng phần đầu nói về cuộc đấu tranh trong nội bộ cấp lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam về chiến lược miền Nam, vì không phải là chứng từ trực tiếp, chúng tôi xin coi đó là một giả thuyết cần được kiểm chứng. Xin thành thật cảm ơn tác giả.

Bùi Minh Quốc, tác giả lá thư ngỏ đăng trang sau, là nhà thơ quen biết. Năm 1990, anh đã bị khai trừ khỏi đảng cộng sản và cách chức tổng biên tập Tạp chí văn nghệ Lang Bian (của tỉnh Lâm Đồng) vì “tội” vận động văn nghệ sĩ ký kiến nghị phản đối việc nhà văn Nguyên Ngọc bị cách chức tổng biên tập báo Văn Nghệ.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss