Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 27 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 04/04/2011 01:20, cập nhật lần cuối 01/05/2011 21:47

Tin tức


Quốc hội...

Sau 25 ngày làm việc, kỳ họp quốc hội Việt Nam cuối năm 1993 (từ 6 đến 30.12) đã thông qua hai đạo luật mới: các luật bảo vệ môi trường phá sản doanh nghiệp và sửa đổi một đạo luật khác: luật tổ chức toà án nhân dân, cho phép thành lập các toà án kinh tế. Và, như đã dự tính trước, việc thông qua luật lao động được hoãn lại, dành cho kỳ họp tháng 6.94 tới đây.

Tới nay, người ta chưa biết gì hơn về các đạo luật đã được thông qua (trên nguyên tắc, sẽ được công bố trong một ngày gần đây). Ngược lại, những thông tin về cuộc thảo luận chung quanh bản dự thảo luật lao động cho thấy, nếu quyền đình công lần đầu tiên được ghi vào văn bản (xem Diễn Đàn số 25, 1.12.1993), những quy định khắt khe kèm theo khiến dư luận cho rằng, nếu luật được thông qua như dự thảo, “coi như cấm đình công trên thực tế”. Theo dự thảo, một cuộc đình công chỉ được coi là hợp pháp khi hội đủ các điều kiện: có nguồn gốc tranh chấp lao động, có 2/3 công nhân tán thành, được công đoàn lãnh đạo và được nhà nước cho phép. Ngoài ra, dự luật còn cho phép nhà nước quyền ấn định một khu vực cấm đình công, cho thủ tướng và chủ tịch nước quyền được hoãn, ngừng hoặc cấm đình công “vì lợi ích quốc gia”. Nấp dưới lập luận cho rằng đình công sẽ làm cho tư bản nước ngoài “ngần ngại” đầu tư vào Việt Nam, là nỗi sợ những cuộc đình công “chính trị” (nói theo ông chủ tịch tổng công đoàn Nguyễn Văn Tư, phải chống “ các hiện ượng lợi dụng (đình công) nhằm dụng ý xấu”), sợ các ban đại diện người lao động qua cuộc đình công trở thành tổ chức thật sự đại diện cho công nhân (“ Đó là mầm móng dẫn đến đa công đoàn”, vẫn theo lời ông Nguyễn Văn Tư)...

Trong khi chờ đợi luật, theo tờ báo tiếng Anh Saigon Newsreader, nhiều cuộc đình công “dại” (không có tổ chức) đã nổ ra ở nhiều xí nghiệp quốc doanh và tư nhân, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động!

(Tuổi trẻ 25.12, Lao Động 28.12.1993, AFP 30.12.1993 và 6.1.1994)

... và mini đại hội

Dư luận dĩ nhiên chú ý hơn tới “đại hội nhỏ” hay “hội nghị nửa nhiệm kỳ” của đảng, sau nhiều lần dời, hoãn, đã được triệu tập tại Hà Nội vào ngày 20.1.1994. Khi số báo này lên khuôn, còn quá sớm để có đầy đủ những tin tức về cái “mini đại hội” này. Tuy nhiên, người ta đã được biết, hôm trước khi họp hội nghị, ban chấp hành trung ương đã bầu bổ sung 4 nhân vật vào bộ chính trị (các ông Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm, Đỗ Quang Thắng và Nguyễn Hà Phan) tạm kết thúc cuộc tranh cãi về nhân sự đã được mở ra trong quá trình chuẩn bị hội nghị, và cũng là một cách để chặn trước những ai muốn đưa vấn đề vào hội nghị: nhân sự là thẩm quyền của trung ương đương nhiệm, không có sự thay ngựa giữa dòng... Trong số sau, Diễn Đàn sẽ xin thông tin đầy đủ hơn về hội nghị này và những hệ quả trước mắt của nó đối với tình hình chính trị Việt Nam.


Tín dụng: 72% dành cho quốc doanh

“ Hệ thống ngân hàng đã thực sự là của toàn dân”. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm tuyên bố như vậy cuối năm vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh khi ông thông báo tỷ lệ tín dụng cấp cho khu vực ngoài quốc doanh trong năm 1993 đã lên tới 28% (năm 1991, tỷ lệ này là 7%, và năm 1992 lên 15%). Riêng dư nợ cho vay đối với các hộ nông dân đã tăng gấp hai lần so với năm 1992, đạt trên 3.000 tỷ đồng. Ông Kiêm còn cho biết tỷ lệ cho vay trung hạn và dài hạn đã tăng từ 16,2% năm 1992 lên 22,4% trong năm qua.

Các số liệu nói trên cũng có nghĩa là tín dụng ngân hàng hiện nay vẫn tập trung phục vụ cho khu vực quốc doanh (72%) và chủ yếu ở dạng cho vay ngắn hạn (dưới một năm).

Người ta còn được biết, trong năm 1993, các ngân hàng thương mãi trên cả nước đã cung cấp một khối lượng vốn trị giá 23.500 tỷ đồng cho nền kinh tế, tăng 8.290 tỷ đồng so với năm trước. Các khoản tín dụng trung và dài hạn không vượt quá 4.700 tỷ, trong khi đó tín dụng ngắn hạn chiếm 12.000 tỷ và tín dụng ngoại tệ (quy ra đồng) là 6.600 tỷ.

Mặt khác, trên tổng vốn 18.500 tỷ đồng mà các ngân hàng huy động được, vốn của dân chỉ có 5.400 tỷ, chiếm tỷ trọng 29%, và vốn tiền gửi bằng ngoại tệ là 44,5%. Theo đánh giá của Ngân hàng nhà nước, tình hình huy động vốn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng trong nước. Trong khi khối lượng tiền mặt tăng lên trên 5.000 tỷ đồng trong năm 1993, vốn huy động các loại của các ngân hàng thương mãi chỉ tăng khoảng 1.360 tỷ. Nói chung, hệ thống ngân hàng mới thu hút vốn cho vay ngắn hạn, chưa huy động được vốn dài hạn để cho vay đầu tư. Lượng vốn nhàn rỗi trong dân còn nhiều và phần lớn hiện được đầu tư vào buôn bán hoặc giữ bằng ngoại tệ.

(Lao Động 19 và 28.12.1993)

* Điều đáng lưu ý là đến nay, Ngân bàng nhà nước Việt Nam vẫn viện cớ một chỉ thị bảo mật của chính phủ để từ chối cung cấp những thông liệu cần thiết cho sự thiết lập một hệ thống tài khoản quốc gia hoàn chỉnh. Trong những điều kiện đó người ta khó có một đánh giá chính xác về chính sách tiền tệ và tín dụng mà ngân hàng nhà nước là người thực hiện.


Giáo dục đại học và hợp tác quốc tế

Trong năm 1993, nhiều đề án trong ngành giáo dục đã được tiến hành với sự giúp đỡ của nước ngoài: trang bị toàn diện cho trường đại học Cần Thơ trong 12 năm, mỗi năm 1,75 triệu đôla, do quỹ MHO của Hà Lan tài trợ; trang bị lại trường đại học sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, 10 triệu Đức mã do Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ; xây dựng trung tâm Việt - Pháp đào tạo quản lý tại các trường đại học kinh tế Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 4,4 triệu franc do chính phủ Pháp tài trợ; xây dựng trung tâm quốc tế đào tạo về khoa học vật liệu 2,1 triệu đôla Mỹ do quỹ NUFFIC ở Hà Lan tài trợ; đề án đào tạo cao học về kinh tế (cấp bằng master) cho hai trường đại học kinh tế Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 3 triệu đôla do chính phủ Hà Lan tài trợ; đề án đào tạo về kỹ thuật hoá và môi trường cho trường đại học tổng hợp Hà Nội, 11 triệu franc Thuỵ Sĩ, do Thuỵ Sĩ tài trợ; đề án đào tạo về quản lý cho hai trường đại học bách khoa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 4,6 triệu franc Thuỵ Sĩ, do AIT thực hiện và Thuỵ Sĩ tài trợ.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) đang tiến hành xây dựng một dự án phát triển giáo dục đại học. Tổng số vốn vay của dự án này, khoảng 70 triệu đôla, nhằm cơ cấu lại hệ thống đại học Việt Nam. Cũng theo bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam, trong năm 1993 có 2.000 lượt người đi học tập ở nước ngoài, bao gồm 600 người đi đào tạo dài hạn (học đại học, làm luận án, thực tập) ở các nước Úc, Pháp, Hà Lan, Áo, Đức, Nhật, Nga...; 200 lượt người đi tham dự các khoá học ngắn hạn và hội thảo; 1000 du học sinh tự túc. Trong chiều ngược lại, Việt Nam đã đón gần 900 lượt người nước ngoài vào giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo.

(Tuổi Trẻ 6.1, Sài Gòn giải phóng 10.1.1994)

Ngân hàng thương mãi

Các ngân hàng thương mãi Việt Nam có tiền 50 tỉ đồng vốn và đã hoạt động có lãi từ trên một năm nay được quyền (kể từ 2.1.1994) kêu gọi cổ đông nước ngoài góp thêm vốn để mở rộng hoạt động. Mỗi tác nhân tập thể nước ngoài có quyền giữ tới 10% vốn của một ngân hàng, và không có quyền ở trong hơn hai hội đồng quản trị ngân hàng Việt Nam, không có quyền giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị. Ở mỗi ngân hàng, tổng cộng vốn nước ngoài phải không vượt quá 30% và các cổ đông nước ngoài chỉ được quyền nhượng lại phần mình sau ít nhất là năm năm hoạt động.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng dự trù mở trong năm nay các ghisê tự động, phục vụ các du khách và doanh nhân nước ngoài cần lấy tiền mặt bằng thẻ tín dụng.

(AFP 25.12.1993 và 2.1.1994)

Du lịch: tăng gấp rưỡi

Số du khách và các doanh nhân nước ngoài tới Việt Nam trong năm 1993 đã tăng 50% so với năm 1992. Theo những con số được công bố ngày 8.1.1994, Việt Nam đã đón tiếp 669.860 khách nước ngoài trong năm 93 (so với 448.855 người năm trước), trong đó ước tính khoảng từ 70 tới 80% là du khách, số còn lại chủ yếu là các nhà doanh nghiệp. Khoảng 20% khách là Việt kiều. Số còn lại, đông nhất là khách Đài Loan, sau đó tới Pháp, Nhật, Mỹ, Anh, Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc, v.v... Đối lại, Du lịch Việt Nam đã tổ chức cho 18.000 khách trong nước đi thăm các nước ngoài.

Đầu tư vào các dự án mở mang du lịch tại Việt Nam chiếm 14% tổng vốn đầu tư của nước ngoài. Một sáng kiến đáng chú ý đã được công bố ngày 1.1.1994 là hợp đồng bảo hiểm giữa Uỷ ban quốc gia du lịch Việt Nam và công ty SOS International Assistance: kể từ đầu năm nay, mỗi khách vào Việt Nam sẽ được bảo hiểm cấp cứu và chữa trị, kể cả đưa về nước khẩn cấp, với sự hỗ trợ y tế, trong trường hợp bị bệnh hay tai nạn trầm trọng. Giá bảo hiểm, 12 đôla, sẽ được cộng thêm trong phí chiếu khán vào Việt Nam.

(Reuter 1.1, AP 8.1 và AFP 10.1.1994)

5 tới 7 triệu người tàn tật

Con số vừa được Thông tấn xã Việt Nam công bố, theo một cuộc điều tra của bộ Lao động, thương binh và Xã hội: 5 tới 7 triệu người Việt Nam, tức ngót 10% dân số, bị tật nguyền về thể xác hoặc tâm thần, trong đó có 2,2 triệu người cần được điều trị chỉnh hình và rèn luyện để hồi phục chức năng. Theo báo cáo, 200 ngàn người bị cưa cụt cần chân tay giả, 40 ngàn người cần xe lăn và từ 60 đến 80 ngàn người khác cần được y tế chỉnh hình hỗ trợ.

Từ năm 1990 đến 1993, các trung tâm hồi phục chức năng đã chăm sóc 63.000 bệnh nhân, thực hiện 2.344 cuộc giải phẫu, cung cấp hơn 50 ngàn bộ phận thể xác giả và hàng ngàn chiếc xe lăn... Tuy nhiên, cả với sự viện trợ tài chính và kỹ thuật của nhiều tổ chức không chính phủ ngoại quốc, nhiều nhất là Mỹ, các trung tâm chỉ đáp ứng được khoảng từ 30 tới 40% nhu cầu về các bộ phận giả. Theo những thống kê chính thức, Việt Nam có tới một triệu người bị thương trong chiến tranh, và thường xuyên vẫn có những người bị chết hoặc bị thương vì trúng mìn còn lại từ các cuộc chiến.

(AFP 1 và 3.1.1994)

Việt – Mỹ: những bước cuối trước bình thường hoá?

Nhiều đoàn cấp cao của Hoa Kỳ dồn dập tới Hà Nội trong tháng qua. Tiếp theo trợ tá bộ trưởng ngoại giao Winston Lord (vào giữa tháng 12.93, xem Diễn Đàn số 26), một đoàn đại biểu Tiểu ban năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của Thượng nghị viện gồm 27 người, trong đó có 8 thượng nghị sĩ, do thượng nghị sĩ thuộc đảng dân chủ Bennett Johnston, chủ tịch tiểu ban, cầm đầu, đã đến Hà Nội ngày thứ bảy 8.1.1994. Đoàn đã làm việc về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với thứ trưởng năng lượng Lê Liêm, với phó tổng giám đốc PetroVietNam Nguyễn Trí Liên, và đã gặp tổng bí thư Đỗ Mười cũng như ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm. Thượng nghị sĩ dân chủ John Kerry cũng đã tới Hà Nội ngày 15.1.1994 để gặp các viên chức Mỹ phụ trách vấn đề tìm kiếm MIA – quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Song, chuyến đi được báo chí chú ý và bình luận nhiều nhất là của đô đốc hải quân Charles Larson, tổng tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trong 4 ngày từ chủ nhật 16.1.1994. Đô đốc Larson là nhân vật cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ đã tới Việt Nam sau 1975. Sau một cuộc hội đàm với chủ tịch Lê Đức Anh và ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm ngày 17.1, ông tuyên bố với báo chí là “Sự hợp tác giữa hai bên đã tăng đáng kể trong hai năm qua”, và “ nếu sự hợp tác đó chưa tốt thì tôi đã không tới đây”. Theo ông, cho tới nay “ không có gì chứng tỏ là có những quân nhân Mỹ còn sống ở Việt Nam”, “ quyết định bãi bỏ cấm vận là một quyết định chính trị. Nếu quyết định chính trị đó được lấy, đó có thể sẽ có ảnh hưởng tốt tới công việc (giải quyết nốt những nghi vấn về các MIA) của chúng tôi”. Ngày 18.1, đô đốc Larson đã tới thanh tra công việc của đoàn tìm kiếm hỗn hợp Mỹ - Việt trong chuyến khảo sát thứ 27 của đoàn, ở vùng Tây nguyên.

Cũng trong tháng 1.94, ngày 10, Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đã loan báo, Việt Nam đã đồng ý sẽ đối thoại với Mỹ về một số vấn đề liên quan mà hai bên quan tâm “kể cả vấn đề quyền con người ở Việt Nam” và vấn đề những tài sản của Mỹ để lại miền nam sau chiến tranh cũng như những tài sản tại Mỹ của Việt Nam cộng hoà mà ngày nay nước Việt Nam thống nhất thừa kế.

Trong khi đó, các nhà doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đặt chân tới Việt Nam, thăm dò, chuẩn bị các dự án làm ăn! Khoảng 100 xí nghiệp Mỹ đã nhận lời tham dự triển lãm sản phẩm tại hội chợ “Vietnamerica 94” sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 21 đến 24 tháng 4.94 tới. Một dự án mở đường vận tải hàng hải giữa hai nước đã được công bố đầu tháng 1, v.v...

Những thông tin nêu trên khiến nhiều nhà bình luận đặt câu hỏi: có phải chính quyền Clinton đang tích cực chuẩn bị cho việc bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam, tiến tới bình thường hoá quan hệ giữa hai nước? Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn không thể không thận trọng: một cuộc trưng cầu ý kiến đầu tháng 1.94 cho thấy đa số dân Mỹ hình như chưa sẵn sàng cho việc bãi bỏ ấy. Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Lê Mai tỏ ra ý thức vấn đề, khi ông tuyên bố sau chuyến đi của đô đốc Larson rằng việc bỏ cấm vận hiện nay “ không còn là một vấn đề giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn” mà là “một vấn đề nội bộ của Mỹ”.

(AFP 3, 6, 8, 11, 15, 17.1, Le Monde 20.1.94).

Việt - Pháp: tăng cường hợp tác

Đô trưởng Paris đồng thời là thủ lĩnh đảng cầm quyền Pháp RPR Jacques Chirac đã rời Hà Nội ngày 13.1.1994 để bay sang Vientiane, kết thúc một tuần đi thăm ba nước Đông Dương. Tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày thứ ba 11.1, trong một buổi hội kiến với thủ tướng Võ Văn Kiệt, phó thủ tướng Phan Văn Khải và nhiều nhân vật khác trong chính phủ Việt Nam (vừa họp xong tại thành phố), ông đã khẳng định việc tăng cường những quan hệ hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính phủ Pháp. Ông cũng kêu gọi các xí nghiệp Pháp đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Tại Hà Nội ngày hôm sau, ông đã đề nghị với chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố ký kết một “ thoả ước hữu nghị” giữa hai thủ đô. Ông cũng đã gặp gỡ một số trí thức nổi tiếng như nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, v.v...

Chuyến đi của ông Chirac cũng mở đầu cho một loạt những chuyến đi thăm chính thức Việt Nam của nhiều bộ trưởng Pháp. Người đầu tiên là ông Gérard Longuet, bộ trưởng kỹ nghệ và ngoại thương, đã tới Việt Nam ngày 14.1 cùng với một đoàn 40 doanh nhân Pháp. Sắp tới, những chuyến đi của bộ trưởng văn hoá Jacques Toubon, bộ trưởng xã hội Simone Veil cũng đã được dự tính.

Tại Hà Nội ngày 17.1, ông Gérard Longuet đã tuyên bố chính phủ Pháp sẽ tiếp tục nỗ lực viện trợ cho Việt Nam trong năm 1994, ông cũng hứa mở các tín dụng có bảo hiểm COFACE cho các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào Việt Nam. Năm 93, Pháp đã viện trợ 440 triệu FF cho Việt Nam dưới hai hình thức nghị định thư tài chính và thoả ước hợp tác. Việt Nam đã chọn hãng Pháp Alcatel làm đầu tàu cho việc hiện đại hoá hệ thống điện thoại. Nhiều hợp đồng lớn khác đã được ký kết như hợp đồng xây dựng một nhà máy lọc dầu với Total (trị giá trên 1 tỉ đôla), nhà máy lắp ráp xe ôtô Peugeot, nhà máy sản xuất sợi Nylon (với Rhône-Poulenc)... Chính bộ trưởng Longuet đã tham dự lễ ký hợp đồng xây cất một khách sạn 5 sao ở Hà Nội, trị giá 58 triệu đôla, do công ty CBC (thuộc tổ hợp BTP-Compagnie général des Eaux) thắng thầu. Cho tới nay, các công ty Pháp đã đầu tư 410 triệu đôla vào Việt Nam, trong một cuộc cạnh tranh gay gắt giành thị trường với các công ty Đài Loan, Hồng Kông, Nam Triều Tiên, Nhật, v.v...

(AFP 11, 12,17 và 19.1.1994).

Chạy bộ và đua xe đạp

Khoảng 1500 vận động viên thuộc 20 quốc tịch khác nhau đã tham dự cuộc chạy đua quốc tế được tổ chức lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó hơn 200 người chạy ma-ra-tông, còn lại chạy trên những cự ly ngắn hơn. Người thắng cuộc ma-ra-tông, phái nam, là tay đua Mỹ Doug Kurtis, làm quản lý trong một công ty tin học ở Michigan, với thành tích 2 giờ, 26 phút, 18 giây. Luật sư người Anh Tim Soutar, thắng cuộc năm 92, lần này về nhì. Vận động viên Việt Nam tới đích đầu tiên là Lưu Văn Hùng, xếp thứ tư, sau Debenath, một người Pháp. Phái nữ, người về đầu là Lucy Chritina Ramwell, một người Anh làm việc ở Hồng Kông, với thành tích 2g 56p 15 giây. Đứng thứ hai và thứ ba sau chị là hai vận động viên Việt Nam.

Một tuần trước đó, ngày 10.1, 59 cua-rơ xe đạp, phần lớn là Mỹ, đã khởi hành từ Hà Nội trong một chuyến xuyên Việt dài 1920 km, 16 ngày, qua những nghĩa trang và những nơi đã xẩy ra các trận đánh lớn trong chiến tranh. Trước khi tới đích là thành phố Hồ Chí Minh, đoàn xe sẽ đạp qua Trảng Bom, nơi một nhà báo đã chụp tấm ảnh nổi tiếng, chụp em bé Kim Phúc, 9 tuổi, thân thể trần truồng bị bom na-pan đốt cháy, chạy giữa đường làng.

Một cuộc đua xe đạp xuyên Việt khác sẽ được tổ chức để  kỷ niệm 40 năm trận Điện Biên. Khởi hành vào ngày 30.4 tới, các tay đua sẽ đạp từ Hà Nội lên Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên Phủ trước khi vào nam, tới thành phố Hồ Chí Minh ngày 18.5.1994.

(AP 10 và 16.1, AFP 30.12.1993 và 16.1.1994)

Rốc

Ngoài chạy bộ, một lạc thú nữa của tư bản cũng đang thâm nhập vào Việt Nam: nghe, hát và nhảy rốc. Sau một đoàn rốc Úc không mấy tên tuổi (tin Diễn Đàn số 25), ca sĩ rốc nổi tiếng người Canada Bryan Adams, tác giả bài hát “Every thing I do, I do it for you” đã tới Việt Nam trong một vòng các nước châu Á để giới thiệu đĩa hát “So far, so good” của anh. Adams và 24 nhạc công cùng chuyên viên kỹ thuật đã tới biểu diễn tại nhà hát Hoà Bình (hơn 2000 chỗ), thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16.1.1994, kết thúc chương trình Ngày ma-ra-tông quốc tế lần thứ hai được tổ chức tại thành phố. Vé vào cửa, từ 20 đến 35 đôla, đã hạn chế khá nhiều giới trẻ Việt Nam tới dự đêm hát.

Trong đêm cuối năm 1993, một nhạc sĩ Jazz Mỹ, Rob Mullins, đã biểu diễn tại nhà hát lớn Hà Nội. Từ một hai năm gần đây, nhiều ban nhạc Jazz Pháp và ca sĩ – nhạc sĩ Jean Jacques Goldman, cũng đã giới thiệu nhạc tây phương với công chúng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

(AFP 31.12.1993 và 17.1.1994)

“Đua” xe máy giữa thủ đô

Xuất phát từ Sài Gòn, mốt chạy đua xe máy (cả ngàn chiếc!) giữa đường phố những đêm lễ (trong giới trẻ “con ông cháu cha” hoặc gia đình giàu có là chính) đã lan ra Hà Nội năm nay. Đêm giáng sinh, hàng trăm thanh niên cưỡi “Honda” (đèo theo một cô bạn gái, nhưng có cả các thanh nữ lái xe) đã chạy bạt mạng hàng đoàn chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Khi cảnh sát địa phương bất lực gọi thêm đội cảnh sát lưu động đặc biệt tới hỗ trợ, với dùi cui, ma-trắc và xe gíp và cả môtô, trò chơi đã trở thành trò rượt đuổi giữa đám thanh niên và cảnh sát, cho tới 3 giờ sáng. Từng toán nhỏ, đầu đeo băng trắng, những thanh niên cưỡi xe máy lâu lâu lại hiện ra ở một khu khác nhau, lao hết tốc độ trước mặt cảnh sát trước khi biến mất!

Sáng sớm thứ bảy mồng một tháng 1.94, một toán thanh niên toan tái diễn trò chơi đã bị cảnh sát lưu động chặn trước. Một cuộc xô xát đã xẩy ra, thanh niên ném đá làm 6, 7 cảnh sát bị thương. Cũng như đêm 25.12, ngót 100 thanh niên đã bị bắt giữ.

Nhà cầm quyền Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động một chiến dịch “ăn Tết lành mạnh”, nhằm ngăn ngừa những tệ đốt pháo, đua xe bừa bãi trong những ngày nghỉ tết. Mặt khác, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định thành lập một “Tiểu ban của chính phủ đặc trách chống các tệ nạn xã hội”. Do phó thủ tướng Nguyễn Khánh cầm đầu, tiểu ban sẽ giúp các địa phương đề ra và thi hành các chính sách chống nạn đĩ điếm, ma tuý và các “tệ nạn xã hội” khác.

(AFP 25.12.1993, 3 và 7.1.1994)

* (Lời bàn của người viết tin) Trong số 10 quan chức cao cấp được cử vào tiểu ban, có bộ trưởng y tế Nguyễn Trọng Nhân, và trung tướng công an Phạm Tâm Long, thứ trưởng bộ nội vụ. Theo nhiều nguồn tin, bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân đã tuyên bố ở Hà Lan mới đây là phải “ treo cổ” tất cả người tị nạn, còn trung tướng Phạm Tâm Long, phụ trách chống buôn lậu có một người con bị bắt vì buôn lậu trong hè vừa qua (xem Diễn Dàn số 1.9.1993)! Người ta có thể tin rằng con ông Long không lợi dụng gì thế của cha, còn sự lố bịch của ông Nhân không phải là “ tệ nạn xã hội”.


Tin ngắn

* Khoảng 10 đoàn cao cấp của các nước châu Âu sẽ tới Việt Nam trong những tháng đầu năm 94: Thủ tướng Thuỵ Điển Carl Dildt, ngoại trưởng Đan Mạch Pieter Kooijmans, ngoại trưởng Douglas Hurd, công chúa Anne nước Anh, ngoại trưởng Luxembourg Jacques Poos, nhiều bộ trưởng Pháp (xem tin riêng), phó chủ tịch Uỷ ban hành pháp của Liên hiệp châu Âu Manuel Martin, v.v...

* Trong năm 1993, nhà nước Việt Nam đã cấp giấy phép cho 252 dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, với tổng vốn 2,86 tỉ đôla, tăng 40% so với năm 1992. Tính từ khi luật đầu tư được ban hành, số vốn đầu tư đăng ký và được phép hoạt động lên đến 7,5 tỉ đôla, nhưng mới 2,084 tỉ (tức 28%) được đưa vào thực hiện.

* Một hợp đồng liên doanh giữa xí nghiệp Thanh Hoá Lotaba và xí nghiệp Hồng Kông “Golden Desire” để sản xuất thuốc lá Marlboro giả đã phải huỷ bỏ, sau khi Interpol tịch thu một tàu chở 42 triệu điếu Marlboro giả (trị giá hơn 700.000 đôla) ở cảng Rotterdam (Hà Lan).

* Hà Nội đã bác bỏ những tin đồn rằng Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận tạm gác lại 50 năm các tranh cãi về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, để cùng khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong vùng. Ngoài Việt Nam, Trung Quốc, các nước Brunei, Malaixia, Philippin và Đài Loan cũng tham gia tranh chấp chủ quyền Trường Sa.

* Sau tuần báo tiếng Anh Vietnam Investment Review, Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư đã bắt đầu xuất bản một bán nguyệt san bằng tiếng Pháp ở Hà Nội. Mang tên Vỉetnam Scoop, số đầu tiên của tờ báo đã được in 5.000 bản, ra mắt bạn đọc ngày 1.1.1994. Ngoài Vietnam Scoop, bài báo tiếng Pháp khác đã được xuất bản ở Việt Nam từ mùa thu 1993: tờ SaiGon Eco, bán nguyệt san và Courrier du Vietnam, tuần báo.

* Tiếp theo các xí nghiệp và cơ quan nhà nước, các cá nhân Việt Nam bắt đầu được quyền mở một tài khoản ngân hàng và sử dụng séc. Theo quyết định mới được công bố của Ngân hàng quốc gia, tạm thời các séc cá nhân sẽ phải giới hạn dưới mức 5 triệu đồng (gần 500 đôla).

* Vẫn còn 64.000 người Việt Nam trong các trại tị nạn của các nước vùng Đông Nam Á. Người gốc Hải Phòng chiếm tỉ lệ cao nhất, với 22%, sau đó là Thành phố Hố Chí Minh (19%) và Quảng Ninh (15%). Khoảng 30.000 người phải sống trong các trại giam hơn là trại tị nạn ở Hồng Kông, với rất ít hy vọng tìm được nơi thu nhận.

* Đài Loan sẽ ký kết với Việt Nam một hợp đồng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc ở đảo. Khoảng 1.000 lao động Việt Nam sẽ sang Đài Loan làm việc trong đợt đầu. Đài Loan hiện có 65.700 lao động nước ngoài làm việc hợp pháp, và khoảng 17.000 lao động bất hợp pháp.

* Trong năm 1993, bình quân mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh chi tiêu 230.500 đồng / tháng (bình quân mỗi hộ tiêu 1,196 triệu đồng), tăng 7,4% so với năm trước. Tỷ lệ các hộ có trang bị TV tăng từ 55% lên 64%, video từ 16 lên 19%, xe gắn máy từ 46 lên 54%, tủ lạnh từ 22 lên 23%.

* Thị trường nhà đất ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chựng lại trong năm 1993, từ khi nhà nước tăng thuế trước bạ và thu thuế mua bán nhà đất. Số lượng nhà được chuyển nhượng sở hữu (44.700) giảm 20% so với năm 1992. Ngược lại, số nhà xây mới tiếp tục tăng, với 15.600 căn nhà, diện tích tổng cộng 2,9 triệu m2 trong năm qua.

* Với tổng số vốn 25 triệu đôla, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã bắt đầu cấp tín dụng cho các công trình thuỷ lợi và giao thông ở nông thôn Việt Nam. Tỉnh Tuyên Quang được chọn làm thí điểm.

* Theo báo Lao Động, do bị mất mùa nhiều vụ, 3.000 hộ nông dân ở Minh Hải đang bị đói. Tờ báo cũng cho biết, ở tỉnh Trà Vinh, có đến 13.500 hộ bị đói.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss