Văn hoá và phát triển văn hoá
Văn
hoá và một chính sách
phát triển văn hoá
Lữ Phương
Về tác giả
Lữ Phương, xin xem
Diễn Đàn số 24 (tháng 11.93), trang 18.
I. Cuộc khủng hoảng lần thứ nhất
1.
Cuộc khủng hoảng lần thứ nhất diễn ra vào đầu bán thế kỷ 19 khi hệ thống giá trị cổ truyền (văn minh lúa nước, Nho giáo... ) tỏ ra hoàn toàn bất lực trước sức mạnh hiện đại của phương Tây (công nghiệp, cạnh tranh, phát triển, dân chủ...). Không có khả năng giải quyết cuộc va chạm trên đây theo hướng đưa đất nước vào con đường hiện đại hoá (tự phê phán, mở cửa), nhà nước Việt Nam vào lúc bấy giờ, do lệ thuộc mù quáng vào hệ tư tưởng phương Bắc (Việt Nam có truyền thống chống xâm lược nhưng lại không bỏ được truyền thống thần phục phương Bắc về ý thức hệ) nên đã đưa đất nước vào tình trạng bị phương Tây đô hộ. So với Nhật Bản, Nho học ở Việt Nam, chìm đắm trong tệ tầm chương trích cú, coi quá khứ là mẫu mực nên đã không thúc đẩy được giai tầng lãnh đạo xã hội đi vào con đường duy tân để thích ứng. Đối diện với một nền văn minh hoàn toàn khác lạ về chất, truyền thống yêu nước, nghiêng về việc chống lại để tự vệ đã tỏ ra không đủ. Cái gọi là “văn hiến”, tích tụ lâu đời nơi các luỹ tre xanh cũng chẳng có tác dụng gì trước tình thế mới. Tất cả những giá trị đó, đặt trong hệ thống văn hoá cổ truyền, đều chỉ là biểu hiện của một hình thái xã hội tự bản thân (nội sinh) không tạo ra được động lực tự phát triển. Cuộc khủng hoảng văn hoá lần thứ nhất thực chất là sự mở đầu cho cuộc khủng hoảng về phát triển của dân tộc mà trách nhiệm trước nhất thuộc về giai tầng lãnh đạo xã hội.
2.
Không có khả năng tự nhận thức để đưa đất nước vào xu thế hiện đại hoá, giai tầng lãnh đạo xã hội cổ truyền đã biến vấn đề phát triển dân tộc thành vấn đề giải phóng dân tộc để sau đó rút lui vào hậu trường của lịch sử. Các thế hệ nối tiếp sau này đã phải giải quyết một lượt hai vấn đề, không phải lúc nào cũng đi chung được với nhau và không phải lúc nào cũng có thể đồng ý là: giải phóng và hiện đại dân tộc. Bất cứ phong trào chính trị nào trong suốt một thế kỷ đã qua đều nhận thức được vấn đề căn bản đó, nhưng về mặt biện pháp thì lại phân hoá thành hai xu hướng. Một xu hướng cho rằng vì Việt Nam còn quá yếu, chưa đủ sức giành độc lập cho nên phải thoả hiệp với phương Tây để phát triển, hoặc nếu có vận động độc lập thì cũng theo hướng đó. Xu hướng khác thì chủ trương ngược lại: cùng với công cuộc canh tân, mở mang dân trí, phải dùng bạo lực hiện đại (chương trình tranh đấu, lập chính đảng, tạo vũ khí...) để giành lại độc lập trước tiên. Người ta thường gọi xu hướng thứ nhất là cải lương, thoả hiệp, còn xu hướng sau là cách mạng: thật sự thì cả hai đều là những biện pháp tranh đấu xuất hiện trong phong trào giải phóng dân tộc, không thể coi phương pháp nào “đúng đắn” hơn phương pháp nào. Do tình hình đặc biệt ở Việt Nam, phương pháp bạo lực đã tỏ ra thắng thế có lẽ một phần phù hợp với truyền thống đánh giặc của dân tộc.
3.
Cùng với sự phân chia thế giới thành hai “phe”, xu hướng vận động độc lập bằng bạo lực về sau lại phân hoá thành hai đường lối khác nhau: một bên thực hiện cách mạng tư sản dân quyền và chỉ dừng lại ở đó, còn bên kia thì coi cách mạng dân quyền là cần thiết trong giai đoạn chống đế quốc sau khi độc lập rồi sẽ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, cả hai giai đoạn đều được lãnh đạo bởi một chủ thể: đảng cộng sản với học thuyết Mác-Lênin. Ở nhiều nước bị thực dân xâm lược cũng có hiện tượng “hai đường lối” như vậy nhưng riêng ở Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản lại giành được thắng lợi trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Không kể đến bản lĩnh riêng của đảng cộng sản Việt Nam, sự thắng lợi này còn có thể giải thích bằng những lý do sau đây:
– Tính bạo lực triệt để trong học thuyết Mác về cách mạng (bà đỡ của xã hội mới, đầu tàu của lịch sử...) là cách thức đương đầu khá hiệu nghiệm với các thế lực thống trị tàn ác ngoan cố (trường hợp thực dân Pháp ở Việt Nam).
– Lý thuyết bạo lực đó, biểu hiện thành tổ chức tranh đấu rất thích hợp để thực hiện việc cướp chính quyền, tiến hành chiến tranh: tập trung dân chủ, ngăn cách bí mật, kỷ luật thép, cách mạng nhà nghề...
– Vạch được chiến lược hiện đại hoá đất nước lâu dài: sau khi độc lập, đưa dân tộc vượt qua lạc hậu nghèo nàn xây dựng một nền văn minh cao hơn nhiều lần các nước tư bản hiện đại.
– Có chiến thuật mềm dẻo để tuỳ lúc tiến thoái, tranh thủ lực lượng với các mặt trận, đưa ra các “chương trình tối thiểu” để lôi cuốn mọi từng lớp, đặc biệt đông đảo nông dân. Riêng đối với trí thức thì đề cao hết sức khoa học và lý tưởng công bằng.
Với những yếu tố trên đây, so với những thực thể chính trị khác, đảng cộng sản đã tỏ ra hơn hẳn về mặt tổ chức lẫn ý thức hệ.
II. Cuộc khủng hoảng lần thứ hai
1.
Xuất hiện trong điều kiện đất nước bị đô hộ (văn minh phương Tây đồng hoá với thực dân), trong điều kiện dân trí còn bị ngưng trệ, bưng bít, chủ nghĩa cộng sản đã góp phần không ít vào nền văn hoá mới đang hình thành: bên cạnh lòng yêu nước truyền thống đã có thêm ý chí công nghiệp hoá và công bằng xã hội khá mạnh mẽ. Tuy vậy từ khi cách mạng giải phóng dân tộc thành công, đem chương trình tối đa của đảng ra thực hiện thì những yếu tố tiêu cực tiềm ẩn trong chủ nghĩa xã hội mácxít đã có dịp để bộc lộ một cách trầm trọng:
– Mác đã hình dung ra một xã hội siêu phát triển (hậu tư bản chủ nghĩa) cho loài người, nhưng việc Mác giao sứ mệnh ấy cho giai cấp vô sản là hoàn toàn huyền hoặc: “giai cấp vô sản” chỉ là một khái niệm trong hệ thống triết học của Mác, nó không phải là giai cấp công nhân trong quy trình sản xuất hiện đại, mà đối với giai cấp này không người mácxít nào không biết luận điểm của Lênin: để tự nó, giai cấp công nhân chỉ có thể sản sinh ra ý thức công liên thôi. Vì thế giả định như trong tương lai sẽ hình thành một xã hội mang danh là chủ nghĩa xã hội đi nữa thì xã hội ấy cũng không thể thực hiện được bằng con đường gọi là cách mạng vô sản. Khái niệm vô sản – cùng với tất cả những gì dẫn xuất từ đó (chuyên chính, quốc tế...) không phải là một phạm trù khoa học.
– Mác cũng đã đề xuất cho loài người một thứ chủ nghĩa siêu tập thể, dựa vào tính “trở thành phổ biến” của giai cấp vô sản, từ đó xây dựng nên “thế giới đại đồng” coi đó là động lực để vượt chủ nghĩa tư bản. Nhưng vì cơ sở của chủ nghĩa siêu tập thể ấy là khái niệm “giai cấp vô sản” không có thực nên khi các đảng cộng sản tự cho là “đội tiền phong” lãnh đạo lại giai cấp vô sản, lãnh đạo nhân dân xây dựng xã hội mới thì tất cả đều chỉ là nhân danh mà thôi. Thực sự, đảng cộng sản chỉ là một thiểu số, tập hợp xung quanh một lý thuyết, chỉ đủ đại diện cho bản thân chứ không được uỷ nhiệm bởi một sứ mệnh nào gọi là lịch sử cả. Trong hoạt động cầm quyền, nếu họ không bị kiểm soát bởi các định chế dân chủ (nhà nước pháp quyền), mà lại tự cho phép thực hiện quyền lực bằng chuyên chính thì sự thoái hoá, lạm quyền cũng chỉ là tất yếu: lòng tốt biến thành sự độc ác, dân chủ thành độc tài, giải phóng con người thành áp bức con người... Thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực suốt thời gian đã qua đã chứng minh điều đó. Ý chí vì nhân dân ở đây chẳng biện minh gì được cả.
2.
Với những khuyết tật như trên, chủ nghĩa Mác khi còn là những lời hứa hẹn, đã tỏ ra hấp dẫn và quyện được vào lòng yêu nước truyền thống để làm cho lòng yêu nước ấy mang thêm màu sắc lý tưởng và hiện đại thì, khi đem ra áp dụng, lại tỏ ra bất khả thi hoàn toàn, dù hết thời này qua thời khác, người ta có “vận dụng” hoặc “sáng tạo” đến thế nào đi nữa.
– Trong phạm vi một nước, chủ nghĩa siêu tập thể đã biểu hiện trong việc tập trung mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá vào tay nhà nước tự cho là do dân, vì dân, của dân, nhưng thực tế chỉ là nhà nước - đảng, hoàn toàn do đảng đạo diễn lập ra để thực hiện chương trình của đảng. Nhưng vì đảng là duy nhất, tuyệt đối, và đồng hoá với nhà nước cho nên nhà nước bị biến thành một bộ máy quan liêu, thống trị lại nhân dân, thống trị cả giai cấp mà nó nhân danh (vô sản) thì cũng là điều tất yếu. Ý định muốn dùng nhà nước như kế hoạch thống nhất hành động và ý chí để phát triển nhanh đã không thành công.
– Muốn dùng chủ nghĩa siêu tập thể (thay cho các tập thể bản vị, chủ nghĩa cá nhân) làm động lực đi nhanh sang xã hội hậu hiện đại (siêu phát triển, phi thị trường...), nhưng vì thiếu hoàn toàn cơ sở của xã hội hiện đại (kỹ thuật, văn hoá) cho nên trong thực tế chỉ xây dựng nên một thứ chủ nghĩa công xã tiền hiện đại, sản xuất cò con, thấp kém, cuối cùng sa vào vũng lầy trì trệ, không nhấc chân lên nổi. Và khi phát triển đã không có mà xã hội lại rơi vào tình trạng nghèo khó, thiếu thốn, thì giấc mộng về công bằng cũng chỉ là ảo tưởng; trước tình trạng mọi của cải đều tập trung vào những cái gọi là sở hữu công cộng thì để giải quyết chút ít sự nghèo đói đó, “toàn dân” có châu lại đục khoét chính những tài sản mệnh danh là của mình thì đó cũng không có gì là khó hiểu. Mối quan hệ giữa người công dân với nhà nước của mình (trong lý thuyết) đã trở thành mối quan hệ giữa những người bị trị với những người cai trị (trong thực tế).
– Các khẩu hiệu “một người vì mọi người, mọi người vì một người”, “con người là vốn quý nhất”... chỉ là những chuyện thần thoại hoang đường. Ý muốn tạo nên những “con người mới”, ý thức hoàn toàn về việc thực hiện sự nghiệp cao cả, cuối cùng đã thất bại. Con người trong chủ nghĩa xã hội thực tế là những con người quá mệt mỏi sau một thời gian hy vọng quá nhiều, nói quá nhiều và hy sinh quá nhiều; đó là những con người thất vọng nhưng vẫn cam chịu, tầm thường nhỏ mọn nhưng lại hai mặt, giả hình, thâm tâm chán ghét mọi cái từ trên đưa xuống nhưng vẫn khúm núm, nịnh hót: sự bệ rạc về nhân cách đã đi đến chỗ cùng cực. Tệ hại hơn nữa, những con người ấy đã không ngần ngại sử dụng đến thứ chủ nghĩa siêu tập thể mà họ chán ghét để sát phạt lẫn nhau, hy vọng kiếm được một chút lợi lộc nhỏ nhen vốn chẳng dồi dào gì trong một xã hội “khan hiếm” toàn diện.
– “Văn hoá cho mọi người” trở thành văn hoá quan phương mà biểu hiện rõ nhất của nó là tính công thức, giáo điều huênh hoang và ngạo mạn. Ngôn ngữ của nó cường diệu hết mực những mĩ từ để ngợi ca “hiện thực”, cho rằng trong cái ta đang sống đã là tất cả: hiện tại và tương lai, là sự “phản ánh” mà cũng là “sự sáng tạo” nữa! Chủ nghĩa minh hoạ xuất phát từ đó để làm xuất hiện những bài tụng ca trong tất cả mọi lĩnh vực mà tác dụng của chúng không có gì khác hơn là bảo vệ nguyên trạng bất lực bế tắc, dựa vào đó chống lại mọi ý hướng phê phán hiện thực. Tất cả mọi cựa quậy đi tìm cái mới, mọi nỗ lực chống lại đời sống bị đẩy vào tình trạng tha hoá, đều không được phép tồn tại trong thế giới quan phương và do đó đều bị đẩy vào những nơi riêng tư, bí mật, phi nhà nước. Khẩu hiệu “nhất trí” càng được kêu to bao nhiêu thì sự phân liệt xã hội càng gay gắt bấy nhiêu.
III. Đổi mới
Đường lối “đổi mới” của Việt Nam được điều chỉnh liên tục từ 1986 đến nay, những điểm cốt yếu của nó cũng khá rõ rệt: chấp nhận trở về với “cơ chế thị trường”, coi đó là cách giải quyết tốt nhất cuộc khủng hoảng về mô hình của chủ nghĩa xã hội. Những lĩnh vực khác (chính trị, văn hoá) được hứa hẹn, nhưng thực tế thì vẫn chưa có gì thay đổi căn bản.
1.
Thực sự thì việc cho phép cơ chế thị trường được hoạt động lại chẳng có gì là mới: từ lâu mọi người đều làm ăn sinh sống theo cách thức đó, và cũng theo đó tạo thêm của cải cho xã hội. Khi bị gạt bỏ và thay thế bằng chủ nghĩa siêu tập thể, kế hoạch hoá thì thị trường, cũng như nhiều cái khác, bị nén xuống “thế giới ngầm”. Vì thế khi được tháo gỡ cho bung ra, nó đã bung ra với một sức mạnh vô cùng hoang dã. Cơ chế luật pháp quản lý trước đây lập ra để đối phó với nó, trước tình hình mới đã tỏ ra hoàn toàn bất lực: guồng máy kinh tế trước đây tập trung vào một mối, nay đã phân tán ra từng bản vị nhỏ (cá nhân, gia đình, xí nghiệp, địa phương...) mạnh ai nấy lao vào cuộc lừa dối nhà nước để tìm lợi nhuận. Một thứ “xã hội công dân” của thời tích luỹ ban đầu đang được hình thành từ lĩnh vực kinh tế và đang lan sang các lĩnh vực khác. Sự cạnh tranh mang tính thực dụng, chụp giật đang có xu hướng thống trị đời sống tinh thần của xã hội, trước hết là trong những bộ máy hoạt động kinh tế của đảng và nhà nước.
2.
Lý luận kinh tế thị trường “có sự điều tiết vĩ mô của nhà nước”, mượn từ lý thuyết tân cổ điển đã được sử dụng để đối phó với tình trạng đó. Nhưng với tư duy mácxít vẫn còn đè nặng việc quản lý nhà nước cho nên thị trường, tuy được xem là cần thiết để tạo ra động lực phát triển, vẫn bị coi là chứa đựng những tiêu cực gây rối loạn cho xã hội, vì thế những việc gọi là “điều tiết” rút lại cũng chỉ là dùng quyền lực của nhà nước chuyên chính vô sản (đã bị pha loãng, che giấu bớt) – đại diện cho những giá trị văn hoá gọi là “xã hội chủ nghĩa” – để hạn chế những tiêu cực ấy. Lênin trước đây cũng đã làm như vậy trong thời NEP và đã coi đó là một “bước lùi”. Lần này với chủ trương “đổi mới”, người ta cũng lập lại điều đó, trên một quy mô lớn hơn (các cơ sở quốc doanh cũng hoạt động theo thị trường), mở cửa rộng hơn với các nước tư bản (“phe” xã hội chủ nghĩa đã không còn), những lý luận về “bước lùi” không thấy nhắc đến mà lại được thay bằng khái niệm mệnh danh “chủ nghĩa xã hội thị trường” (thị trường là của chúng), vốn là khái niệm đã xuất hiện ở một số nước Đông Âu trong những năm 1960 và đã bị Liên-xô lúc bấy giờ xem là “xét lại”. Trước bị coi là “xét lại” nay được coi là “đổi mới”: Đối với chủ nghĩa Mác mà tính không tưởng của nó ngày càng rõ rệt thì việc “vận dụng” ra sao cũng được, miễn là phải do những người “mácxít chính cống” đề xuất!
3.
Tính thực dụng về chính trị có thể giải thích được sự khập khiễng về lý luận, nhưng đứng về bản thân lý luận, và rộng hơn nữa, về cuộc sống văn hoá thì đó chính lại là tai hoạ. Văn hoá vẫn tiếp tục bị sử dụng làm “công cụ”, trước đây “phục vụ” cho chủ nghĩa siêu tập thể thì nay “điều tiết” kinh tế thị trường – tất cả đều được định hướng bằng những nguyên lý giá trị “xã hội chủ nghĩa” do đảng nắm giữ. Cũng giống như trong kinh tế, những người làm công tác văn hoá, hiểu rõ hơn ai hết sự phá sản từ lâu của những giá trị ấy, đã tìm cách “xé rào” để đến với quần chúng qua thị trường; và để làm được điều đó họ đã phải dùng đến những thủ đoạn lừa dối các cấp quản lý bên trên của mình: đối với một thị trường làm ăn theo kiểu úp mở, lén lút như vậy, một thứ thị trường không có nhiều xu hướng khác nhau để cạnh tranh thì làm sao không sản xuất ra phần nhiều chỉ là những thứ phó sản, đen đúa, vớ vẩn? Nguyên nhân đâu phải tại bản thân thị trường mà chính là do sự quản lý mang tính thực dụng với thị trường: những giá trị dân chủ, đặc biệt khuynh hướng thể nghiệm, phê phán xuất hiện một cách đương nhiên trong thị trường, ở đây đã bị chèn ép, trấn áp đến không tồn tại được. Cái tai hại của việc đồng nhất hoá văn hoá với chính trị đã diễn ra theo hướng ngược lại: nếu trước đây buộc phải xưng tụng trực tiếp thì nay không nên đụng tới thế “ổn định” của một chế độ.
4.
Cuộc “đổi mới” hiện nay chỉ có tác dụng nhất thời về mặt sách lược chính trị: mục đích của nó chỉ là nhân nhượng để đừng mất tất cả, nó không giải quyết được toàn bộ sự khủng hoảng của cả một mô hình xã hội tạo nên bằng ngộ nhận và độc đoán, vì lẽ đó cũng không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng về văn hoá hiện nay. Cũng có nhiều điểm giống như giai tầng lãnh đạo cổ truyền trước đây, giai tầng lãnh đạo hiện nay, vì không có khả năng tạo ra cái riêng biệt cho mình nên đã mượn một thứ ý thức hệ ngoại lai, ban đầu để cướp chính quyền, nhưng sau đó để bảo vệ vai trò cầm quyền. Không có khả năng nhìn xa trông rộng để tự đổi mới, sự đổi mới của họ chỉ là kết quả của những cái từ bên ngoài: khi bên ngoài thất bại thì họ lúng túng và không biết dựa vào đâu ngoài những thủ đoạn chính trị đã tích luỹ được trong cướp và giữ quyền để đối phó. Thái độ thực tiễn chính trị ấy hoàn toàn hiểu được, nhưng nếu một lần nữa lại căn cứ vào đó để làm chuẩn mực cho văn hoá thì một lần nữa sẽ lại đưa văn hoá vào con đường suy đồi hơn nhiều lần. Không có được sự tồn tại độc lập để tạo ra một ý thức mới và hiện đại cho sự phát triển của đất nước, văn hoá sẽ chỉ là những cây tầm gửi dựa vào một đường lối chính trị không có gì bảo đảm sự vững vàng. Sự tồn tại của văn hoá như sự phát triển toàn diện về đời sống đã bị phủ định.
IV. Một chính sách văn hoá
1.
Không còn nghi ngờ gì nữa, một chính sách văn hoá tích cực, thúc đẩy được sự phát triển toàn diện của dân tộc không thể hình thành được trong những điều kiện thực tế hiện nay trên đất nước khi chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn được coi là hệ thống giá trị chi phối tất cả các lĩnh vực. Và điều đó thì hoàn toàn không phù hợp với thực tế: sau một thời gian dài đem ra thí nghiệm, hệ thống giá trị ấy, nương theo chủ nghĩa yêu nước truyền thống, nếu đã thành công trong việc giải phóng dân tộc thì lại hoàn toàn bất lực trong sự nghiệp hiện đại hoá xã hội. Nhận thức được sự bất lực ấy hoàn toàn không dẫn đến sự phủ định toàn diện những gì mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã đóng góp cho văn hoá Việt Nam mà chính là đưa những nhân tố tích cực của nó vào một hệ thống giá trị mới phù hợp với thời đại, tạo ra được tiềm lực mới để dân tộc đổi mới bản thân trong quá trình đổi mới đất nước. Theo chiều hướng đó, sự phê phán lại toàn bộ những giá trị cũ, trong đó việc trực tiếp phê phán những phần phi thực, huyễn hoặc trong chính chủ nghĩa Mác-Lênin là cực kỳ quan trọng, cần thiết. Công việc này không khác gì mấy về ý nghĩa với công việc của những nhà trí thức ở châu Âu vào thế kỷ 18, ở châu Á vào đầu thế kỷ 20, và gần đây xu hướng “cải tổ” trong các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực. Đây là phần việc của những người hoạt động văn hoá, những triết gia, những nhà tư tưởng, những văn nghệ sĩ... không thể nhầm lẫn với những thủ đoạn “tiến lùi” của những hoạt động chính trị, lại càng không thể dựa vào sự thành công hay thất bại nhất thời của những thủ đoạn ấy để phủ định việc nhận thức lại các giá trị, là điều cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của đời sống. Và đó chính là cách tiếp cận vấn đề theo cung cách riêng của văn hoá: văn hoá không chỉ là sự thủ đắc, truyền đạt kinh nghiệm mà chính yếu là sáng tạo, đổi mới không ngừng. Chỉ có theo phương hướng ấy mới giải quyết được một cách thoả đáng giữa truyền thống và hiện đại, giữa hội nhập với giữ gìn bản sắc, giữa bảo tồn với phát triển... và hàng loạt những vấn đề khác đặt ra trong việc hoạch định chính sách.
2.
Tôi cho rằng hệ thống giá trị mới có thể chấp nhận để phát triển dân tộc trong thời kỳ mới không có gì khác hơn là những giá trị mà nhân loại đã đạt được trong quá trình văn minh hoá cơ chế thị trường với những biểu hiện sau đây:
– chấp nhận sự đa nguyên của nhiều xu hướng, nhiều bản vị khác nhau về quyền lợi, ý kiến, từ đó chấp nhận sự cạnh tranh tự do của những xu hướng để tạo ra tính năng động đổi mới không ngừng cho xã hội.
– tạo ra cơ chế dân chủ hợp hiến để những xu hướng trên đây giải quyết những mâu thuẫn trong hoà bình, phi bạo lực, tôn trọng pháp luật dưới sự trọng tài của nhà nước.
– nhà nước chỉ thể hiện ý chí chung của xã hội phải được xã hội kiểm soát bằng những cơ chế thiết thực (phân quyền trong phạm vi nhà nước, giữa nhà nước với xã hội) để tránh mọi lạm quyền.
– Chấp nhận quyền tồn tại của thiểu số bất đồng với đa số, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật giống như các quyền tự nhiên của con người trong việc chọn lựa các giá trị thích hợp để định hướng cho cuộc sống riêng...
Các giá trị trên đây, tạo nên một hệ thống nhất quán, rõ rệt không phải là một thứ lý tưởng, không hứa hẹn chấm dứt một lần cho xong mọi mâu thuẫn của đời sống, cũng không có tham vọng tạo ra một tương lai muôn phần tốt đẹp: chúng chỉ là những quy ước mà trong trình độ phát triển hiện nay, loài người chưa tìm được những cái hoàn hảo hơn trong thực tế để giải quyết mối quan hệ xã hội của mình. Hệ thống ấy đã dựa trên cái trục căn bản là thị trường và dân chủ ngày càng phát triển theo hướng xoá bớt dần những mặt tiêu cực của buổi ban đầu. Chỉ thấy nơi cái trục ấy sự mù quáng, hỗn loạn, đó là lối nhìn của Các Mác cách đây hơn 150 năm, và điều đó thì không còn đúng với xu thế của đời sống hiện đại nữa.
3.
Các giá trị trên đây cũng đã hình thành ở Việt Nam trong suốt cả 100 năm qua khi Việt Nam giao tiếp với phương Tây bằng nhiều con trường (từ sự áp đặt kiểu thực dân – cũ và mới – đến sự giao lưu bình đẳng khi đã độc lập), nhưng do hàng loạt những điều kiện bất lợi (sự đô hộ của thực dân, chiến tranh giải phóng) vẫn chưa tạo thành một hệ thống được khẳng định một cách minh bạch và có ý thức để tạo ra sự thúc đẩy cho sự nghiệp phát triển. Ngày nay, với sự chấm dứt hoàn toàn chủ nghĩa thực dân, sự tiến bộ nhanh chóng về đời sống ở nước phát triển cùng với sự phá sản của giải pháp mácxít ảo tưởng về hiện đại hoá, lại có điều kiện mở rộng cửa để giao lưu, xu hướng trên đang có triển vọng định hình càng rõ nét trong một tương lai rất gần, nhất là khi xã hội hiện nay, trong sự chuyển động của nó, đang tạo ra một lớp người mới có những suy nghĩ thiết thực hơn về con đường đi tới của dân tộc. Và bản lĩnh dân tộc ở đây, đặt trong xu thế ấy, không có gì khác hơn là sự thích ứng, sự thông minh để tìm ra các biện pháp phát triển nhanh chóng, với những hy sinh tối thiểu, các giá trị nhân đạo. Những nước lân cận với chúng ta hoặc cùng xuất phát từ một nền văn hoá cổ truyền như chúng ta, tất cả trước sau đều đã đi theo con đường chuyển biến ấy, mỗi nước một cách khác nhau. Riêng chúng ta (và cả người láng giềng phương Bắc mà chúng ta nhiều lần thần phục về văn hoá) vì mất quá nhiều thì giờ chìm đắm trong giấc mộng mácxít siêu hiện đại, nên cuối cùng đã bị đời sống đẩy lùi về phía sau một cách thảm hại. Muốn khỏi muộn màng một lần nữa, không có cách nào khác hơn: phải nhìn lại bản thân, mổ xẻ không thương tiếc những giấc mơ hoang tưởng.
4.
Dân tộc chúng ta liệu có thực hiện được cuộc canh tân mới lần này để đưa đất nước vào kỷ nguyên hiện đại hay không. Câu trả lời không thể có được bằng mấy chữ “quyết tâm” quen thuộc, nó đòi hỏi hàng loạt những dữ kiện mà chúng ta chưa có đầy đủ, tuy vậy trong số các dữ kiện ấy, mọi người đều nhận thấy vai trò cực kỳ quan trọng của đảng cộng sản: đảng cộng sản sẽ làm gì trước nhu cầu phát triển của xã hội và khi mà nhu cầu chuyển động ấy trực tiếp đụng chạm đến sự tồn tại của đảng? Về vấn đề này chúng ta có thể giả thiết các trường hợp như sau:
Một: Đảng sẽ tiếp tục đường lối “đổi mới” hiện nay, tập trung vào phát triển kinh tế bằng cơ chế thị trường, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn phương pháp quản lý kiểu chuyên chính vô sản (có pha loãng, che giấu bớt) đối với chính trị, văn hoá. Với phương pháp này cái bánh ga-tô kinh tế có thể sẽ lớn ra (“tăng trưởng”!) nhưng sự suy đồi về xã hội sẽ cũng theo đó mà phát triển (đĩ điếm, xì ke, tội ác, tham nhũng...), đặc biệt sẽ đục khoét ruỗng nát khu vực công quyền làm cho nền văn hoá quan phương hoàn toàn phá sản. Trước tình hình đó, cái gọi là nhà nước chuyên chính (giấu mặt) đóng vai trò “điều tiết” kinh tế sẽ đơn thuần là một thứ nhà nước quan liêu, độc tài bất lực, được đội dưới cái lốt của một thứ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa mang tính sơ khai. Mọi người đều biết, tuy tồn tại bằng bạo lực nhưng sự ổn định sẽ không kéo dài: nuôỉ trong bản thân sự đè nén, sự bùng nổ cũng sẽ không tránh khỏi. Sớm hay muộn, dưới một hình thức nào đó, cái vỏ chuyên chính về chính trị và văn hoá cũng sẽ chấm dứt với một hậu quả cực kỳ tai hại cho đất nước: nó tạo ra một cái thay thế nó, mang danh phi cộng sản, nhưng vẫn ngạo mạn, độc đoán, bảo thủ không kém.
Hai: Cũng với đường lối như trên, nhưng ý thức được rõ rệt tính chất khập khiễng, không vững chắc của nó để từ đó từng bước chuẩn bị chuyền đảng của chủ nghĩa xã hội mácxít thành đảng của chủ nghĩa xã hội không mácxít, trong khái niệm chủ nghĩa xã hội mới này (mệnh danh là gì là điều không quan trọng), khái niệm “chuyên chính vô sản” hoang tưởng và tai hại sẽ hoàn toàn bị loại bỏ, và cái ý hướng căn bản của Mác về sự nhân đạo hoá, văn hoá hoá các hoạt động kinh tế, chính trị, chinh phục tự nhiên của con người sẽ được đưa lên hàng đầu. Với viễn cảnh của một thứ chủ nghĩa xã hội như vậy, các giá trị do thị trường tạo ra cũng sẽ thống nhất với nền chính trị dân chủ và xu hướng công bằng xã hội mang tính đạo đức, tất cả đều có thể thực hiện được ngay hôm nay và bay giờ bằng một nhà nước pháp quyền và phúc lợi, chứ không phải đợi đến một ngày mai mịt mùng nào đó. Song song với việc chuẩn bị cho sự hoá thân của đảng, một chương trình chuẩn bị giao lại quyền lực cho xã hội cũng được lập ra, từng bước nới rộng dân chủ trong một số lĩnh vực hẹp (tư nhân hoá trường học, xuất bản...), được phát biểu và truyền bá tự do các tư tưởng khác nhau trong các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, các đoàn thể xã hội... mục đích là để ấp ủ cho sự ra đời của một xã hội công dân lành mạnh, đặc biệt tạo ra những hạt nhân ưu tú, có kiến thức, thực tế và óc trách nhiệm để tham gia giai tầng lãnh đạo về sau. Sự chuyển giao quyền lực có kế hoạch ấy sẽ không đầy đủ nếu không đi kèm với việc chuẩn bị hình thành một mặt trận nhân dân có thực chất: lấy dân làm gốc (bỏ chủ nghĩa siêu tập thể vô sản) để phát triển dân chủ, phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, và dùng định hướng đó như là nơi hội tụ tất cả những người Việt Nam trong giai đoạn mới – tất cả những tham vọng biệt phái về giai cấp, tôn giáo, địa phương, mọi mưu toan độc tôn về ý thức hệ, nhất là sự cuồng tín,... đều không được chấp nhận.
Mọi người đều thấy sự khó khăn, đau đớn như thế nào của những người cộng sản trước sự chọn lựa quyết liệt đó, nhưng dù thế nào đi nữa thì chắc chắn sẽ không phải là giải pháp đau đớn nhất – so với những giải pháp đau đớn khác. Khi đã có dũng khí chấp nhận điều quyết liệt ấy rồi, tất cả những điều còn lại, theo tôi nghĩ, chỉ là bản lĩnh và kinh nghiệm mà thôi.
Lữ Phương
3.6.1993
Các thao tác trên Tài liệu