Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Ban đọc và Diễn Đàn

Ban đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 05/04/2011 00:00, cập nhật lần cuối 04/05/2011 12:14

Ban đọc và Diễn Đàn


Can Van Xin

Trong Diễn Đàn số 27 (trang 2, mục Bạn đọc: “ I Can you!”), bạn đọc H.S.L. có nêu hai ý kiến về bài “Tư cách người đảng viên và guồng máy đảng” của tác giả Đơn Hành đăng trong số 26:

1) H.S.L. đề nghị tác giả Đơn Hành nên tĩnh tâm hơn trong lời văn, ...

2) H.S.L. cho biết rõ là cái chỉ thị của Ban Bí thư Đảng cộng sản “có ý đặt ra” (mà tác giả Đơn Hành luận và phê bình), họ đã rút đi, không thực hiện.

Về điểm 1, tôi đồng ý với H.S.L., bởi vì theo tôi, việc dùng lời lẽ hung hăng chưa bao giờ đồng nghĩa với việc “lý luận phê bình”.

Về điểm hai thì tôi chỉ đồng ý một nửa với H.S.L.:

– Đồng ý ở chỗ là không thể “kết tội” một (nhóm) người khi người ta chưa đưa vào thực hiện cái “ý” của người ta.

– Nhưng nếu đem “phổ” điều đó vào trường hợp của Đơn Hành, thì tôi nghĩ rằng cái bài của Đơn Hành trước khi đăng báo, cũng chỉ mới là cái “ý”. Cái “ý” ấy chỉ đi vào thực hiện khi được đăng trên báo. Cho nên tôi nghĩ rằng câu “I can you, I van you, I xin you” của H.S.L. dành cho Đơn Hành, lẽ ra nên chia một phần cho Ban biên tập (hay đặc biệt hơn, cho Ban chủ biên) của Diễn Đàn, cho thật công bằng.

B.T.L. (vùng Paris, Pháp)


* Cảm ơn anh đã có nhã ý “ chia phần” cho ban biên tập và ban chủ biên Diễn Đàn. Chúng tôi tiếp nhận đó như ý kiến của một bạn đọc thiết tha với sự tồn tại của tờ báo và, quan trọng hơn, với lý do tồn tại của nó.

Về nội dung bài báo , Đơn Hành đã có bài minh xác ý kiến của mình trong số này ( mất tư cách mà không mất tư cách, trang 21).

Về mối quan hệ giữa ý kiến và hành động, cũng như về chức năng công luận của báo chí, nhân dịp này chúng tôi xin góp thêm vài ý kiến:

Cái “ý” của Đơn Hành – hay của bất cứ tác giả nào – trước khi đăng báo hay sau khi đăng báo, cũng vẫn chỉ là một ý tưởng, có giá trị (hay không có giá trị: đúng/sai là phạm trù chân lý, tích cực/ tiêu cực có cả phạm trù tâm lý xã hội...) của một ý tưởng, ý tưởng của một công dân không có quyền sinh sát như quyền lực của một bộ máy. Tất nhiên, nó cũng là hành động theo nghĩa nó là một hành động công dân (sử dụng quyền tự do ngôn luận), với những hệ quả (tác động trên tư tưởng người khác, từ đó có thể dẫn tới hành động xã hội) và những hậu quả mà tác giả có thể hứng chịu từ phía chính quyền trong một chế độ toàn trị, đánh đồng tư tưởng và hành động. Một trong những hậu quả ấy, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế... đang nghiệm sinh trong khám. Ở nước ngoài, chúng ta không phải trả giá ở mức đó. Điều này càng làm tăng trách nhiệm của người ở nước ngoài, và cố nhiên, không phải là lý do để phát biểu lên gân.

– Còn cái “ý” của Ban bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ngăn cấm đảng viên (mà mọi người – trừ những người chống cộng cực đoan, chủ trương phục thù – đều coi là những công dân) liên lạc với bên ngoài, nó không đơn thuần là một ý kiến, mà là ý muốn của một bộ máy quyền lực. Nếu được thực hiện, nó trở thành một hành động chuyên chế, bạo lực. Cũng may là nó không được thực hiện (nhờ bộ phận lãnh đạo Đảng nắm giữ bộ máy chính phủ lần này đã ngăn chận được). Song nó phản ánh một hệ tư tưởng (idéologie), một não trạng (mentalité) cần được phê phán ngày nào nó còn trị vì. Nói như Bertolt Brecht, “cái bụng này còn mắn con lắm, nó đã đẻ ra con quái vật kinh tởm kia đó” (cuộc thăng tiến có thể ngăn cản được của Arturo Ui, vở kịch này đang được diễn lại ở rạp TNP, Paris). Phân tích ý nghĩa của một cái quái thai vừa bị sẩy cũng là một cách ngừa thai cho tương lai.

– Vấn đề là phân tích ra sao cho đúng và đúng mức. Trong tinh thần đó, chúng tôi thành thực cảm ơn và tiếp thu sự góp ý xây dựng của H.S.L., B.T.L. và của các bạn khác.


“Tội” của Bùi Minh Quốc

Trong khung “hưởng ứng Hoàng Minh Chính” (trang 23, Diễn Đàn số 27), quý báo viết về nhà thơ Bùi Minh Quốc như sau: “Năm 1990, anh đã bị khai trừ khỏi đảng cộng sản và cách chức tổng biên tập Tạp chí văn nghệ Lang Bian (của tỉnh Lâm đồng) vì “tội” vận động văn nghệ sĩ ký kiến nghị phản đối việc nhà văn Nguyên Ngọc bị cách chức tổng biên tập báo Văn nghệ”.

Theo tôi được biết, Bùi Minh Quốc, và không riêng Bùi Minh Quốc, đã bị khai trừ vì vận động dân chủ, chứ không phải vì vụ Nguyên Ngọc. Diễn Đàn là tờ báo được tiếng là đưa tin chính xác. Tôi mong quý báo nên kiểm lại việc này và minh xác nếu cần.

T.H. (Paris, Pháp)


* Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ quan tâm của ông về tính chính xác của thông tin. Và cảm ơn ông đã nhắc nhở ban biên tập: Mấy dòng tin ngắn mà ông trích dẫn có chứa đựng một sai lầm và một khuyết điểm. Sai lầm về thời điểm: Bùi Minh Quốc bị khai trừ năm 1989, chứ không phải năm 1988 như chúng tôi đã viết. Còn về “tội trạng” của Bùi Minh Quốc, điều chúng tôi viết là đúng, nhưng hoàn toàn không đầy đủ.

Tháng 11.1988, Bùi Minh Quốc dẫn đầu Đoàn văn nghệ Lang Bian “xuống núi”, tiến về Thành phố Hồ Chí Minh, rồi từ đó, qua các tỉnh miền Trung, tiến ra Hà Nội. Trong đoàn có nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự và 3 người khác. Nhà thơ Hữu Loan (Nhân văn Giai phẩm) cũng đi từ Đà Lạt đến Thanh Hoá, kết thúc một năm chu du toàn quốc sau 30 năm lưu đày ở quê nhà . Sự kiện nổi bật nhất trong chuyến đi này là các cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ các nơi,  và thu thập 118 chữ ký của “những người hoạt động, yêu thích văn học nghệ thuật” để: (1) ủng hộ kiến nghị của 3 hội văn nghệ Lâm Đồng, Phú Khánh, Nha Trang và 3 tạp chí Lang Bian, Cánh Én, và Văn nghệ Nha Trang (về tự do báo chí), (2) phản đối quyết nghị của ban chấp hành hội nhà văn về tuần báo Văn nghệ (trong đó có việc cách chức Nguyên Ngọc) và (3) đòi cách chức một số quan văn nghệ.

Giữa năm 1989, Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự đã bị khai trừ và cách chức.

Muốn biết rõ chi tiết, độc giả hãy đón đọc tác phẩm Nửa đời nhìn lại (tên cũ là Phản bội) của Tiêu Dao Bảo Cự, mà nhà xuất bản Thế Kỷ sắp phát hành (lời tựa của Đặng Tiến).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss