Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Về cải tổ giáo dục đại học

Về cải tổ giáo dục đại học

- Lê Thành Khôi — published 04/04/2011 12:30, cập nhật lần cuối 05/05/2011 00:28

Vài ý kiến về cải tổ
giáo dục đại học Việt Nam

Lê Thành Khôi



I. Vài nguyên tắc đại cương

1. Giáo dục là một hệ thống. Cải tổ đại học mà không cải tổ trung học và tiểu học thì chỉ có tính cách tạm thời vì cấp bách. Chẳng hạn đào tạo óc khoa học phải bắt đầu từ tiểu học, học ngoại ngữ bắt đầu từ trung học.

2. Nước ta là một nước nghèo, mới bước trên con đường phát triển, không thể bắt chước những giải pháp ở các nước giàu được. Tuy nhiên nếu nền giáo dục được coi là trọng, mà sự thực bây giờ chất xám là yếu tố quan trọng nhất, không có thì không sử dụng tư bản một cách hữu hiệu được, Nhà nước phải cho các nhà giáo dục một địa vị và lương bổng xứng đáng để họ có động cơ làm tròn nhiệm vụ, mà không phải đi làm những việc không có liên quan đến giáo dục để đủ sống.

3. Khoa học kỹ thuật tiến rất nhanh. Không thể hoạch kế giáo dục để cho những sinh viên tốt nghiệp có một nghề nghiệp nhất định vì không biết tình hình trong 5, 10 năm sẽ ra sao. Do đó phải cho mỗi người một kiến thức rộng về lý thuyết để sau này có thể áp dụng vào những thay đổi, phải tổ chức cho mỗi người, bắt đầu từ người giáo sư, một cơ chế để cập nhật kiến thức.

4. Để phát triển khả năng của mình, Đại học cần được tự trị. Tự trị đại học có nhiều nghĩa. Nó có nghĩa là các giáo sư (nghĩa rộng) có quyền bầu giáo sư, khoa trưởng, viện trưởng, v.v... và quản lý nhà trường, Nhà nước không can thiệp vào nội bộ. Nhà nước kiểm tra người được bầu có đủ điều kiện đã định (về văn bằng, kinh nghiệm, những năm đã dạy, v.v...) và bổ nhiệm. Một đằng khác, ngoài tiền lương của các giáo sư, Nhà nước trợ cấp cho nhà trường mỗi năm một ngân sách dành cho các hoạt động và có quyền kiểm tra tài chính hàng năm của nhà trường để xem sự sử dụng có đúng với kế hoạch không, có lãng phí không, v.v...

Tự trị đại học còn có nghĩa là giáo sư được tự do nghiên cứu và phát biểu. Khoa học là một sức sản xuất, là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Làm khoa học phải có óc khoa học, mà óc khoa học trước hết là tìm sự thật với đủ chứng cứ. Không phải Khổng Tử đã nói, hay Mác đã nói, hay Hồ Chí Minh đã nói, mà tôi coi lời nói đó là sự thật, nếu không có đủ chứng cứ đích xác. Bắt người khác phải theo ý kiến của mình mà không cho bàn cãi là đi trái với tinh thần khoa học.

5. Giảng dạy ở đại học bao giờ cũng đi đôi với nghiên cứu. Nếu không nghiên cứu thì kiến thức sẽ cùn dần và sẽ chỉ lặp lại những gì mà người khác đã viết. Một đằng khác, nghiên cứu mà không dạy người khác những hiểu biết của mình thì không xứng đáng với danh nghĩa người trí thức. Không có một lý lẽ lý thuyết nào để tách rời nghiên cứu và giảng dạy. Tôi đề nghị bỏ hệ thống các viện nghiên cứu hiện tại, sáp nhập một viện vào trường đồng môn, chuyển các nghiên cứu viên thành giáo viên đồng cấp.

6. Từ nguyên tắc đến thực hành phải có thời gian. Nhưng nên đặt nguyên tắc để tỏ đường đi. Có thể thí nghiệm ở một vài nơi trước khi phổ cập.


II. Mạng lưới đại học.

1. Không cần có nhiều trường đại học, thà ít nhưng chất lượng cao còn hơn. Nên bỏ những trường quá nhỏ, tổ chức theo ngành chuyên môn hẹp, ít học trò, đổi thành trường trung học.

2. Nên sát nhập các trường đại học và Cao đẳng sư phạm vào các đại học tổng hợp. Có lợi cả về chi phí và đào tạo, bởi vì phần môn học (lịch sử, văn chương, v.v...) các sinh viên có thể học cùng với sinh viên khác (tiết kiệm người và chỗ dạy) chỉ phải tổ chức phần đào tạo nghề nghiệp thôi. Nếu học trò đông thì có thể truyền các bài học qua TV, ra-đi-ô, v.v...

3. Quản lý bộ và các đại học lớn bằng máy tính điện tử, không cần nhiều người nhưng cần người biết nghề. Nên cho người có đủ trình độ về tin học đi học kinh nghiệm quản lý giáo dục ở vài nước gần Việt Nam. Học không có nghĩa là sẽ theo cách làm việc của họ một cách máy móc.

4. Đại học mở xưa nhất và có tiếng nhất là Open University ở Anh. Nên cho người đi học kinh nghiệm của họ.

5. Đại học khu vực nên dạy và nghiên cứu về những hoạt động kinh tế cần được mở mang trong vùng, chẳng hạn cà-phê và chăn nuôi ở Tây Nguyên, đánh cá ở vùng biển, v.v... Nhà trường có thể ký hợp đồng với xí nghiệp để nghiên cứu về một vấn đề nhất định, một đằng tăng thu nhập của mình, một đằng cho sinh viên sát thực tế, học và hành.

6. Cho mở đại học tư với điều kiện là các giáo sư có văn bằng tối thiểu là cao đẳng (3 năm). Giảng dạy phải theo nguyên tắc của đại học công lập, nghĩa là mỗi giai đoạn học, người dạy phải có bằng cao hơn: một người cử nhân dạy người học để thi cử nhân, không dạy cao học.

Đại học tư không được cấp văn bằng có tính cách quốc gia. Những văn bằng này chỉ có đại học công lập mới được cấp. Muốn được phải đi thi ở trường công. Đó là một cách kiểm tra và đánh giá đại học tư.

Cho giáo sư trường công dạy trường tư miễn là làm tròn nhiệm vụ của mình ở trường công. Nhà nước đặt chuẩn cho mỗi cấp giáo sư: bao nhiêu giờ dạy mỗi tuần, bao nhiêu giờ nghiên cứu, bao nhiêu giờ làm việc hành chính, tiếp sinh viên, v.v...

7. Những hợp đồng với công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam nên có một khoản quy định họ phải đào tạo cán bộ và công nhân Việt Nam trong ngành của họ.


III. Quy trình, nội dung, chất lượng

1. Như tôi đã nói trên, vì khoa học kỹ thuật thay đổi nhanh, không nên kéo dài quá mỗi giai đoạn học. Dạy cho biết cách học, tự học, hơn là dạy nhiều, nhồi sọ. Không phải ở Mỹ Master cần 2 năm mà ta cũng theo 2 năm. Nên hoạch kế chương trình theo mục tiêu của mỗi nghề (một giáo viên trung học về sử địa cần dạy những gì, bằng cách nào?...), chứ không nên đặt ngay từ đầu rằng cử nhân phải 4 năm, master phải 2 năm thêm, v.v...

Dĩ nhiên, có 2 điều kiện cơ bản: trình độ kiến thức của người giảng dạy và phương tiện vật chất.

Để khuyến khích người giáo sư tiến bộ trong nghề, Nhà nước nên đặt giải thưởng hay tiền thưởng những công trình nghiên cứu và dựa trên đó mà thăng chức. Ngược lại, một người giáo sư mà không nghiên cứu (không viết bài, viết sách khoa học) thì có thể bị loại.

Phương tiện vật chất gồm thư viện, TV, ra-đi-ô, băng, v.v... Ngoài sự dạy ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh1) phải có chương trình lớn dịch các sách và bài báo quan trọng cho sự nghiệp xây dựng kinh tế, xã hội, văn hoá của đất nước.

3. Đánh giá đại đọc rất khó. Thường thường người ta đánh giá theo số lượng và chất lượng tác phẩm khoa học của giáo sư, sự tham gia của họ vào những công tác quốc gia và quốc tế. Có nước tổ chức những uỷ ban chuyên đi đánh giá đại học: mỗi uỷ ban gồm 5-6 người chuyên về những ngành dạy ở đại học mà họ sẽ đi đánh giá.

Ở nước ta trong tình hình hiện giờ, phương sách giản dị nhất là xem kết quả của sinh viên trong thi cử quốc gia. Tôi không tán thành các công nghệ “hiện đại” (tests, chấm thi tự động, v.v...) rất máy móc, không cho biết khả năng lý luận và suy nghĩ của thí sinh.

4. Tuyển sinh đại học.

Có thể tuyển sinh theo cách này:

– Xem hồ sơ và điểm của thí sinh trong 2 hay 3 năm cuối cùng của trung học, để loại những người có trình độ quá thấp;

– tuỳ theo trường thí sinh muốn vào, coi trọng những điểm đã được trong những môn có quan hệ: chẳng hạn trường y cần giỏi hoá, vật lý, toán; những môn này không cần nếu muốn học văn.

– nếu thí sinh không đồng ý với quyết định của uỷ ban tuyển sinh thì cho phép thi viết.


Paris , 28.12 1993

Lê Thành Khôi
Giáo sư danh dự Khoa học giáo dục Đại học Sorbonne.



(1) Nên dạy hai tiếng từ trung học: bắt buộc tiếng Anh, cho chọn: tiếng Pháp, Trung Quốc, Đức, Nga, Tây Ban Nha.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss