Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Từ cấm vận đến thông vận

Từ cấm vận đến thông vận

- Nguyễn Lộc — published 05/04/2011 01:15, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:12

Từ cấm vận đến thông vận


Nguyễn Lộc



Chuyện Hoa Kỳ huỷ bỏ cấm vận Việt Nam là chuyện phải đến. Ai cũng biết và tin như vậy, kể cả những người, những tổ chức mà mỗi lần bộ máy hành pháp Hoa Kỳ lấy trớn để vượt qua cái “hội chứng Việt Nam ở cấp nhà nước” thì họ lại ném vào đó một vài “sự kiện” hoặc “bằng chứng” xương xẩu mong làm trì trệ bước tiến, lẽ ra là khá tự nhiên của diễn trình quan hệ hai nước Việt Mỹ.

Cuối tháng giêng 1994, người ta ghi nhận sự rục rịch, lấy sức lần nữa của chính quyền Clinton trong vấn đề cấm vận. Ta có thể kể đến chuyến đi Việt Nam ngày 16.1 của đề đốc Charles Larson, tư lệnh các lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (tức là Hạm đội 7), việc chính phủ Mỹ kết luận về cái (vô) “giá trị” của bản tài liệu do “học giả” Morris công bố, và lời tuyên bố của ngoại trưởng Christopher về triển vọng bãi bỏ cấm vận lúc ông đang thăm Bangkok. Để thêm sức cho ông Clinton, vốn đã phải thụt thò nhiều bận, kỳ này Thượng viện Mỹ, với sự hợp tác của mấy nghị sĩ có thành tích chiến đấu nơi chiến trường hoặc trong trại tù binh ở Việt Nam, hôm 27.1 đã bỏ phiếu, 62 thuận 38 chống, khuyến nghị chính phủ Clinton huỷ bỏ cấm vận.

Và ngày 3 tháng 2 năm 1994, đúng 17 giờ (giờ địa phương Washington DC), ông Clinton tuyên bố, qua một cuộc họp báo, ông quyết định làm “ cái việc đúng, phải làm”.

Ban chủ biên Diễn Đàn nhắn sang nhờ tôi thu lượm một số chi tiết về phản ứng của cộng đồng trước và sau ngày 3.2.94, cho kịp số báo tới. Thực ra, đây là một việc khó làm cho tròn, vì rất nhiều bà con người mình không chịu hoặc chưa thể tuyên bố tự do với báo chí về những vấn đề liên quan đến “chính trị” Việt Nam. Do đó, quanh đi quẩn lại trên mặt báo – tiếng Việt lẫn tiếng Anh – ta thấy chỉ một số người lên tiếng. Tính chất tiêu biểu do đó không cao.

Nếu tìm hiểu dư luận cộng đồng là làm một vòng qua mấy bài xã luận của năm tờ báo Việt ngữ ở quận Cam chẳng hạn, thì nếu không khéo ta tin rằng “70 triệu dân Việt Nam”, chứ không phải chỉ ông A, bà B nào đó ở Bolsa, đều chống hành động “thiếu tinh thần trách nhiệm” của ông Clinton. Đằng khác, nếu như tôi lặng lẽ đi hỏi quanh trong vòng bè bạn, quen biết, kể cả bạn đồng nghiệp người Việt quen mà không thân, thì phản ứng trái ngược hẳn. Người dè dặt nhất cũng coi là “đã tới lúc”. Thế nhưng, làm báo thì phải nói có sách mách có chứng, giấy trắng mực đen, làm sao “nói lên” cái cảm nghĩ của số đông bà con ta, trót đã tình nguyện đảng “đa số thầm lặng” lâu nay rồi. Mặt ấy, ta đành phải “hiểu ngầm” với nhau thôi. Về dư luận công khai (mà không hẳn là “công luận”), ta sẽ duyệt qua một ít báo chí, và lược ra đây một số sự kiện, phản ứng, may ra cũng gọi được là tiêu biểu.

[Có một điều tôi xin được phép không động đến, đó là việc những ông bà Mỹ mới đau đớn kêu khóc cho “số phận” của những lính Mỹ còn bị liệt kê mất tích. Thú thực bụng dạ tôi không tiêu nổi sự thương vay khóc mướn này. Xin được nói cho rõ].


Cái đêm hôm... trước, đêm gì...

Chiều ngày 1 tháng 2, hệ thống CBS loan tin: tổng thống Clinton sẽ công bố bỏ cấm vận Việt Nam trong một ngày rất gần. Sáng 2.2, báo Los Angeles Times đăng tin này, cùng với một số phản ứng của vài người mà báo chí Mỹ ở đây quen gọi là “lãnh đạo cộng đồng” người Việt tại quận Cam.

Ông Bùi Bỉnh Bân, một người vừa đạt danh hiệu “Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam ở Nam Cali” sau khi ông đắc cử với đúng 2191 phiếu trên hơn 5000 phiếu bầu, tuyên bố: “Cộng đồng (sic) sẽ bị sốc dữ lắm. Giờ dây, chúng tôi cảm thấy hết sức cô đơn trong cuộc chiến đấu chống lại Cộng sản của chúng tôi. Đối với vấn đề cấm vận, chúng tôi yêu cầu Tổng thống cột vấn đề nhân quyền vào các quyết định của ông, một cuộc bầu cử trong sạch và dân chủ để người dân Việt Nam quyết định loại chính phủ đại diện cho họ, và để giải quyết vấn đề POW-MIA”. Sau đó, ông Bân có gởi thơ cho TT Clinton, yêu cầu ông “còn phải quan tâm đến 70 triệu người đang sống dưới sự áp bức của cộng sản, chứ không thể chỉ nghĩ đến các doanh nghiệp Mỹ lo lắng về sự tổn hại tiền bạc của họ”.

Ông Bân đã lên tiếng thì phải có tiếng nói của ông Võ Đình Hữu, người vừa thua ông Bân hơn tám chục phiếu trong cuộc bầu chức “Chủ tịch cộng đồng”, và cho đến ngày 5.2.94 vẫn còn cả quyết rằng: “Tôi không nghĩ là cuộc bầu cử là công bằng và trong sạch”. Ông cho biết ông “rất buồn” khi nghe tin ông Clinton có thể bỏ cấm vận, trong thư gởi cho TT Clinton, ông và đồng hương có nhấn mạnh rằng, ở vai trò lãnh đạo thế giới tự do, Hoa Kỳ cần đòi hỏi các nước muốn có giao thương với Hoa Kỳ phải có tự do. Ông Phạm Đăng Long Cơ, bác sĩ sản khoa, chủ tịch tổ chức “Hội đồng thương mại Việt Nam ở Orange County”, một người lâu nay phải mặc áo giáp phòng đạn vì công khai ủng hộ bỏ cấm vận và bang giao Việt Mỹ, nói: “Tôi rất xúc động trước tin này! TT Clinton sẽ làm được một việc lớn cho 70 triệu người Việt Nam cũng như các gia đình MIA và POW. Nếu ta bỏ cấm vận thì vấn đề POW sẽ được giải quyết rất nhanh và Clinton sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho những người Mỹ muốn làm ăn ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã áp lực Tổng thống vì họ nhìn thấy những cơ hội!” Ông cũng thêm: “Việc này sẽ gây nên một số va chạm nhỏ giữa các phe chống đối và ủng hộ (bỏ cấm vận). Một số người Víệt vẫn còn rất cay cú đối với Việt Nam do những ký ức không hay của họ”. Nhưng ông cũng hi vọng nhiều doanh gia của Little Saigon sẽ đổ xô đi Việt Nam để khảo sát triển vọng làm ăn. Ông Cơ nói mà không sợ ông Clinton giận sao? Ông Clinton đang muốn phủ nhận yếu tố kinh tế trong quyết định của ông ấy kia mà. Cùng với vài nhóm cựu lính Mỹ và gia đình Mỹ có thân nhân chết hoặc mất tích ở Việt Nam, một vài tổ chức và cá nhân người Việt, trong đó tích cực nhất phải kể đến ông Đỗ Hoàng Điềm, cháu gọi ông Hoàng Cơ Minh bằng cậu, một nhân vật quan trọng của “Mặt Trận” vùng Nam Cali, công bố dự định tổ chức các hoạt động, biểu tình vào ngày 5-2, nhằm ngăn cản TT Clinton bỏ cấm vận. Tuy vậy, ngay cả những người vốn hăng hái chống đối việc bỏ cấm vận cũng e rằng việc đã quá trễ tràng. Ông Nguyễn Hậu, chủ tịch “Hội tương trợ cựu tù nhân chính trị Việt Nam”, than: “ Nếu các nhóm cựu chiến binh và các gia đình binh sĩ Mỹ đã không thể thuyết phục Tổng thống đừng bỏ cấm vận, thì tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì người Việt chúng ta làm đều sẽ chỉ là tiếng kêu chẳng ai nghe”. Phải chăng vì chính tâm trạng này mà một số nhà “lãnh đạo” cộng đồng đã từ chối trả lời phỏng vấn của báo Los Angeles Times? Bên cạnh những tin chống đối, tờ Los Angeles Times ngày 3-2-94 có đăng lời phát biểu của một phụ nữ Việt, bà không cho biết tên: “Bỏ cấm vận là một việc tốt, nhưng xin đừng trích dẫn lời tôi, bởi vì tôi có  thừa gian nan với cộng đồng rồi! Tôi chán mấy người tuyên bố họ chống bỏ cấm vận lắm. Để rồi xem. Sau ngày Thứ sáu, họ lại đổi giọng. Họ sẽ mau mắn nhảy qua phía bên kia và tìm cách thủ lợi!”. Cái hay của thiếu phụ này là bà đã đưa ra cái thời hạn: Thứ sáu. Còn chuyển đổi giọng? Xin chờ xem.


Sau ngày Thứ sáu...

Người lâu nay mong đợi thì cho đó là một cuộc giao hàng trễ hạn, họ được thở phào! Người thờ ơ coi đó như một chuyện đã rồi! Kẻ chống đối thì nhắc lại thêm một lần nữa những câu chữ: “phản bội”, “bỏ rơi đồng minh”, “đâm sau lưng chiến hữu”; hoặc cũng vài ý mới như: “nuốt lời hứa lúc tranh cử”, “trao quà Tết cho cộng sản Việt Nam”. Trang nhất báo Los Angeles Times số ngày 5-2-94 đăng bức ảnh mấy người dân Saigon, họ có vẻ là công nhân đang làm việc ngoài đường phố, đưa tay nhận những lon Pepsi Cola, quà tặng mừng bỏ cấm vận. Cùng trang ấy, có hình ba người đàn ông Việt, cổ cồn cà vạt, vét tông vác lá cờ vàng ba sọc đứng chơ vơ. Ông Nguyễn Chuyên, một trong ba người này, theo tờ LAT, nhận rằng ông ta và các đồng mình có đường lối “cứng rắn” của mình đã không có đủ uy thế để được Nhà Trắng lắng nghe! Nhưng ông tin rằng, với cái tù và (bullhorn) trong tay, không thể bảo rằng nhóm của ông không có tiếng nói! Khó cãi! ông Đỗ Ngọc Yến, biên tập báo Người Việt, cho rằng cái “lối nhốn nháo” của những người có đường lối cứng rắn đã khiến họ có vẻ “to hơn thực lực của họ”. Ông cũng đề nghị: “ Nếu muốn thật sự có được uy thế trong hệ thống chính trị Mỹ, họ cần ứng xử phù hợp với những thực tế chính trị mới! Tiếng nói của họ sẽ mạnh nếu họ chấp nhận sự đoàn kết giữa họ với nhau và thật sự biết cách nhân nhượng trong chính trị”. Người từng theo dõi các phát biểu của ông Đỗ, một nhà báo thường được các cơ quan truyền thông Mỹ tại địa phương đến hỏi ý mỗi khi có một sự kiện hoặc biến chuyển liên quan đến Việt Nam, phải nhận đây là lời tuyên bố khá mạnh bạo của con người khá thận trọng này! ông Đỗ có lẽ sẽ không thất vọng lắm trước sự kiện và những lời tuyên bố sau đó của các vị Bùi Bỉnh Bân, Võ Đình Hữu, trong cuộc “biểu tình” ngày 5-2-94. Trước hết, hai cuộc biểu tình được nhập lại làm một sau một lúc tách rời, những câu tuyên bố nẩy lửa cho rằng chỉ có cuộc biểu tình của “phe ta” là có “chính nghĩa” được tạm gác qua một bên. Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Bùi có một ý hơi khác điều ông nói cách đó vài ba ngày, ông cho rằng việc giao thương với Việt Nam có thể có lợi cho người dân xứ này! Tuy nhiên, những người đã từng biết một số dự tính làm ăn của ông Bùi, doanh nhân, thì câu tuyên bố “công khai” này cũng chỉ là một món hàng giao trễ hạn mà thôi! Chưa đủ, ông còn làm cho ký giả báo LA Times kinh ngạc lần nữa khi ông thừa nhận có sự khác biệt về quan điềm trong cộng đồng. Ông nói: “ Chúng tôi đều chống chủ nghĩa cộng sản, nhưng chúng tôi có quan điểm khác nhau!” Cách đó không xa, ông Võ Đình Hữu cũng nói tới chuyện hoà giải! Ngay cả khi nếu ông chỉ nói tới chuyện hoà giải với nhóm ông Bùi không thôi thì cũng là một bước tiến. Đôi lúc ta cũng phải biết... kiên nhẫn, chờ nhau!


Còn có tiếng nói của những tấm lòng

Bạn đọc sẽ bất bình nếu tôi cứ mãi dính vào chuyện “chính trị” vốn chỉ là mối quan tâm của thiểu số. Thực ra, tôi phải thú nhận là mình có “thích thú” cái nền chính trị ồn ào của cộng đồng. Nhân một dịp có thể coi được là đáng mừng, có bỏ chút thì giờ và giấy mực của Diễn Đàn để ghi lại thêm một đoạn chót... nữa của một giai đoạn, âu cũng đáng được bạn đọc lượng tình. Thêm nữa, ẩn chứa trong các chi tiết có vẻ nhốn nháo ấy, nhìn kỹ, ta cũng thấy được cái sức thuyết phục của tình thế. Nói thế cũng đủ. Giờ xin trả trang báo lại cho vài suy nghĩ, vài tấm lòng dành cho một cơ hội vừa mở ra! Andrew Lâm, biên tập viên của Pacific News Service ( San Francisco), viết: “Việc bỏ cấm vận còn xoá đi cái “căn cước” (identity) 20 năm của những người Việt lưu vong ở Mỹ”. Andrew Lâm cho biết, anh đã sống cạnh những người “thua cuộc” trong những cuộc đấu tranh, họ vẫn còn ôm giữ quá khứ, còn phất lá cờ vàng ba sọc đỏ – lá cờ biểu trưng của một “nước” không còn nữa! Và ngay trong nhiều gia đình – kể cả gia đình riêng của ông thân sinh anh, một vị cựu tướng lãnh Việt Nam cộng hoà – người ta vẫn còn sống với ký ức của cuộc chiến. Và ngay trong từng gia đình ấy, khoảng cách giữa thế hệ bố mẹ và con cái cứ rộng dần. Những cha mẹ “người Việt lưu vong” sống cạnh những đứa con “người Mỹ gốc Việt”; và những đứa con ấy ngày càng thấy “những ngày vàng son ấy” của cha mẹ mình mờ nhạt thêm. “ Do đó, trong khi cha tôi lên tiếng chống bỏ cấm vận, tôi lại nhìn thấy các thuận lợi của việc bình thường hoá quan hệ với quê hương chúng ta! Trong khi cha tôi vẫn không thể mặt đối mặt với Việt Nam, tôi đã đi thăm nơi ấy để trực diện với nguồn gốc của nỗi sầu khổ của mình. Cha tôi bảo, chủ nghĩa cộng sản phải chấm dứt. Tôi đồng ý, nhưng để ảnh hưởng lên tương lai của Việt Nam ta phải dẹp bỏ tư tưởng thù hận, thôi nuôi nấng những niềm đau khổ và nhận thức rằng cuộc chiến giờ chỉ còn là một cái chú thích cho một chương sử đang lật qua! Một người bạn vẫn tưởng tượng mình là người Việt lưu vong, gọi cho tôi từ bờ biển phía đông (Hoa Kỳ) để nói với tôi rằng việc bỏ cấm vận đã làm xáo động tâm hồn anh. Anh nói “Tôi nhận ra rằng tôi không hề muốn hồi hương. Chỉ đến lúc này tôi mới nhận thức rằng tôi đã trở thành một người Mỹ”. Một người bạn khác, có bằng Cao học quản trị kinh doanh (MBA) hả hê trước tin về cấm vận. Anh tâm sự: “Tôi không thấy là mình mất đi một bản ngã. Tôi đang được thêm một địa chỉ, một đất nước thứ hai!”. Từ chỗ nhìn của mình, Andrew Lâm cho rằng: “Nếu ngày 30-4-1975 là ngày đau buồn của dân tộc, thì ngày 3-2-1993 sẽ là ngày hoà giải của dân tộc”. Andrew Lâm không phải là tiếng nói cá biệt của lớp người Việt trong vòng hai mươi năm qua đã trưởng thành ở Mỹ. Diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn, năm nay 31 tuổi, rời Việt Nam năm 1975, được nhiều người biết đến qua các loạt “ show” ti vi “21 Jump Street”, và gần đây trong phim “Heaven and Earth” (Trời và Đất của Oliver Stone), nói: “Tôi có nhiều loại bạn bè khác nhau, một số là người Việt Nam, nhưng tôi không hề thật sự bàn bạc chính trị. Tôi không tin chính trị. Nó làm tôi bực mình. Tôi ghét cay ghét đắng chính trị ; nhất nhất mọi thứ liên quan đến tình trạng của đất trước tôi đều là hệ quả của chính trị.” “Tôi ước gì cấm vận đã không xảy ra, và đất nước đã có thể bắt đầu (xây dựng) từ 10 năm trước, để nó không quá tụt hậu như vầy!” “Tôi vẫn nghĩ, thật kỳ cục khi mà Mỹ là kẻ sau cùng đến (Việt Nam), và chỉ vì một vấn đề chính trị đã chết”. “Nhưng những người tôi biết, và tôi không thể nói thay cho mọi người, đều rất để ý tới Việt Nam và hết sức quan tâm. Không có một ngày nào trôi qua mà chúng tôi không mong cấm vận được bãi bỏ” . Về hình ảnh của Việt Nam đối với anh, Dustin nói: “Tôi vẫn giữ một hình ảnh Việt Nam trữ tình, hình ảnh của thời tôi chưa bỏ đi và cũng biết rằng giờ đáy nó không còn như thế nữa! Tôi không sẵn sàng để nhìn lại nơi ấy!” Dustin kết luận: “ Cuối cùng, chúng ta phải vượt qua cái rào cản chính trị để đất nước hàn gắn lại! Với những người Mỹ gốc Việt nào ở đây chống đối việc bỏ cấm vận trên bình diện chính trị, tôi thiết tưởng họ cũng nên kiểm điểm lại chính họ và cảm nghĩ của họ xem vấn đề của họ phải chăng là những vấn đề cá nhân.”

Đến hôm nay, cát bụi đã tạm lắng. Mọi người, thuộc nhiều khuynh hướng, hình như đang nghĩ tới ngày mai. Những âu lo mới bắt đầu rõ nét. Tôi xin được dẫn ra đây một câu phát biểu của James Đỗ, một người quen thân của tôi, trả lời báo San Jose Mercury về triển vọng mở ra sau cấm vận: “Sẽ không dễ. Trước mặt còn nhiều lao khổ để có thể biến những hảo vọng thành hiện thực”. Những người trước giờ đã may mắn được nhìn thực tế Việt Nam ở tầm gần có lẽ dễ dàng cảm thông âu lo của anh. Nỗi lo khi ta nhìn về phía trước. “ Cuộc sống là một chuỗi những đụng độ với tương lai; nó không phải là tổng số của tất cả quá khứ chúng ta gộp lại, mà là tổng số của những khao khát về những gì chúng ta có thể trở thành”. Tôi xin mượn ý của một nhà tư tưởng Tây Ban Nha để chấm dứt bài viết khá dài này. Ý trên, được biên tập báo LA Times trích dẫn ở ngay câu đầu của bài xã luận ngày 13-2-94, giới thiệu một phụ trang đặc biệt về tương lai của thành phố Los Angeles. Siêu đô thị này đang kiếm tìm một hướng đi ra và đi lên giữa những đổ vỡ gây nên bởi động đất, mưa bão, hoả tai, và sự phân hoá ngày càng nghiêm trọng trong lòng người dân của nó.


Nguyễn Lộc



Nguồn tin và tư liệu:

1. Báo Los Angeles Times các ngày 2, 3, 4, 5 và 13-2-94.

2. Báo San Jose Mercury các ngày 6 và 7-2-94.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss