Đọc Đại Việt sử ký toàn thư
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
(Bản in Nội các
quan bản)
mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18
(1698).
Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội 1993, gồm 4 tập.
Một bản sách quý. Chiếm một vị trí đặc biệt trong di sản văn hoá nước ta : Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) này là bộ quốc sử được khắc in lần đầu tiên vào năn 1698 toàn bộ 24 quyển.
Một bản in mà dường như nhà Đông phương học E. Gaspardonne còn được trông thấy tận mắt năm 1934. Rồi từ đó biệt tăm. Dù cho những nhà thiết tha với văn hóa dân tộc như học giả Hoàng Xuân Hãn đã kiên nhẫn theo dấu tìm kiếm khắp nơi, trong cũng như ngoài nước.
Nghĩ mà thấm thía lời than tiếc của các học giả, đời đời sau mỗi cơn binh lửa, nối tiếp nhau sưu tầm, kiểm điểm gìn giữ kho tàng văn hoá dân tộc. Nào Lê Quý Đôn : " ... các bậc danh nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm sách vở, giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ giấy còn sót lại ; nhưng sau cuộc binh hoả, mười phần còn được bốn năm phần ", nào Phan Huy Chú : " Từ thời Trung Hưng về sau, tuy đã có tìm tòi, nhưng sau khi (sách) đã tản mát đi, thu thập lại cũng khó... " (mở đầu Văn tịch chí).
Qua ba mươi năm binh lửa vừa rồi, hy vọng tìm lại bản ĐVSKTT năm Chính Hoà gần như không còn nữa. Và như thế là mất hẳn. Bộ mộc bản ĐVSKTT đã bị thất lạc : bài đề từ bộ Đại Việt sử ký tiền biên do Ngô Thì Sĩ soạn, con là Ngô Thì Nhậm dâng lên vua Nguyễn Quang Toản đời Tây Sơn cho biết rằng đến năm 1800 " các ván in sách kinh, truyện đã được lục soát kiểm tra lại chỉ thấy còn được độ sáu phần mười, lại có ván bị mục mọt thì đã được khắc lại để bổ sung. Duy nguyên bản sách Đại Việt sử ký thì đều thất lạc ".
Ngờ đâu, trong lúc sắp xếp thư viện riêng của học giả Paul Demiéville để lại, nhà nghiên cứu Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp phát hiện một bản ĐVSKTT không thuộc loại " Quốc tử giám tàng bản " như các bản vẫn được dùng cho tới nay. Đây là bản in " Nội các quan bản " mà E. Gaspardonne đã nhắc đến. Hai nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp cho rằng có nhiều khả năng đây là bản Chính Hoà mà ai nấy tưởng đâu là đã mất hẳn. Sử gia Phan Huy Lê trong dịp qua Pháp năm 1981 sao chụp được một bản phim đem về nước.
Cứ tưởng thế là bản sách quý này đã trên đà được nhanh chóng nhân lên và ra mắt độc giả...
Nhưng rồi, nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi, có lúc gay gắt mà động cơ không chỉ hoàn toàn khoa học, làm chựng lại trong nhiều năm việc bản ĐVSKTT này ra mắt đại chúng.
Việc đã qua, ngày nay ta có thể thanh thản mà thưởng thức một bài nghiên cứu xuất sắc được cô đúc từ cuộc tranh luận dai dẳng nói trên : ĐVSKTT : Tác giả - Văn bản – Tác phẩm do Phan Huy Lê chấp bút.
Vấn đề – quan trọng trong giám định văn bản – xác định bản Nội các quan bản tại Paris là bản in từ hệ mộc bản được khắc in toàn bộ lần đầu tiên vào năm Chính Hoà 18 được chứng minh với lập luận và bằng cớ có tính cách thuyết phục.
Trong bài tựa, nhà sử học Phan Huy Lê cũng lần giở cho thấy những lớp đóng góp nối tiếp nhau của những nhà sử học nổi tiếng nhất suốt thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII. ĐVSKNTT là một bộ quốc sử lớn đầu tiên của nước ta còn lưu truyền đến nay, tập đại thành của nhiều bộ sử như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt thông giám thông khảo của Vũ Quỳnh, Đại Việt Bản kỷ thực lục và Bản kỷ tục biên của Lê Hy.
Một bộ sử đã thâu tóm và hội nhập vào mình nhiều " bộ sử con " , đúc kết và phản ánh những thành tựu của nền sử học cổ truyền Việt Nam trong thời kỳ hình thành và phát triển đầu tiên của nó.
Ta không khỏi xúc động khi cầm trên tay tập IV, in chụp nguyên văn bộ quốc sử, từ mộc bản khắc lần đầu tiên cách đây ba thế kỷ, trong bao lâu đã tưởng đâu là vĩnh viễn mất đi. Bản in trang nhã, cách đánh số có nhiều điểm thuận tiện cho người sử dụng. Bìa tiệp với nội dung. Quan niệm trình bày cũng như chế bản tập IV là do công lao và tấm lòng của một phụ nữ Việt Nam sinh sống ở Paris. Chỉ tiếc đáng ra với khả năng nghệ thuật in ấn hiện đại, nét mực còn có thể rõ hơn. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng trong điều kiện nước ta hiện nay in ra một bộ sách như thế là một cố gắng đáng tán thán.
Về phần bản dịch, Tập 1 đã xuất bản năm 1983, tập II năm 1985, nay được in lại có sửa chữa với điều kiện in ấn tốt hơn và in tiếp tập III.
Theo lời nhà xuất bản " Về mặt phiên dịch chúng tôi có tham khảo và kế thừa bản dịch cũ, nhưng phải dịch trực tiếp từ văn bản mới phát hiện. Chúng tôi cũng mong muốn bản dịch mới tiếp thu những thành tựu mới về ngôn ngữ tiếng Việt và dịch thuật chữ Hán trong thời gian gần đây.... "
Phải nói rằng từ bản Chính Hoà đến các bản đời Nguyễn, văn bản ĐVSKTT nói chung bị thay đổi không đáng kể và chỉ là chi tiết – tuy rằng cũng có một ít chi tiết ảnh hưởng đến nội dung văn bản và giá trị sử liệu mà không có bản Chính Hoà thì rất khó phát hiện và giám định.
Năm 1967, Nxb KHXH đã xuất bản bộ ĐVSKTT gồm 4 tập Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Năm 1971, bộ sử được tái bản có sửa chữa và bổ sung. Bản dịch hay.
So sánh lại không thấy những sửa đổi trong bản dịch ngày nay là có tính cách quyết định. Phần chú thích, khác với bản xưa được đặt ngay phần dưới trang chớ không đẩy lui ra cuối sách, và nói chung thường gọn hơn. Đó là nhũng điểm thuận tiện cho người đọc. Tuy nhiên đôi khi không khỏi lấy làm tiếc thấy những chú giải thích đáng khi xưa không được giữ lại trong bản ngày nay.
Dù sao, các bản năm 1967, 1971 không có phần nguyên bản chữ Hán cũng đã hết từ lâu. Bộ ĐVSKTT ngày nay ra kịp thời. Tái bản còn có thể làm cho hoàn hảo hơn nữa.
Nguyên Thắng (Paris
2.94)
Các thao tác trên Tài liệu