Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Đọc "Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ"

Đọc "Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ"

- N.Q.Thắng — published 05/04/2011 00:30, cập nhật lần cuối 04/05/2011 12:22

Đọc sách


Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ



Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1993, in khổ 14,5 x 20,5 cm, gồm 15 tập.


Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (KĐĐNHĐSL) là một bộ sách lớn do các vị đại thần thuộc Nội các triều Nguyễn biên soạn theo lệnh nhà Nguyễn (1802-1945). Sách viết về: pháp luật, điển chương, chính trị, văn hoá, giáo dục, quân sự và nhiều công tác trọng yếu khác của các vua nhà Nguyễn cầm quyền nước ta hơn một thế kỉ.

Các vị đại thần, tuỳ theo địa vị công tác của mình mà ghi chép lại cẩn thận rồi tập trung về cho một đại thần khác được triều đình (vua) chỉ định viết thành sách. Người chịu trách nhiệm trực tiếp với triều đình để viết bộ sách này là Thọ Xuân quận công Nguyễn Phúc Miên Định (1808-1885) cùng với một số đại thần sử gia khác gồm các vị: Vũ Xuân Can (?-1878), Trương Đăng Quế (1794-1865), Hà Duy Phiên (?-1853), Đặng Văn Hoà (1791-1856), Phan Thanh Giản (1796-1867)... cùng làm việc trong một khoảng thời gian dài.

Đây là một bộ sách sử đồ sộ nhất về chất cũng như lượng của triều Nguyễn nói riêng và thư tịch Việt Nam từ ngày lập quốc đến năm 1945.

Nội dung bộ KĐĐNHĐSL này gần giống như loại sách “tổng kết thành tích” công tác của chính quyền ngày nay. Nhưng có điều nhờ vào một chiều dài lịch sử tương đối yên ổn (trừ những năm cuối triều Nguyễn) nên sách ghi lại được đầy đủ các thành quả của những sự kiện từ chính trị, quân sự, ngoại giao, nội trị, học thuật... của triều Nguyễn. Những điển sự, công tác này được trình bày dưới hình thức đạo dụ, chiếu, sắc cáo do vua ban bố và các bản tấu chuẩn, nghị chuẩn... do các đại thần hay hội đồng đại thần dâng lên để nhà vua xem xét, chuẩn y rồi cho ban hành để đem ra thực thi trên toàn quốc. Tuỳ theo từng Bộ của Nội các sẽ có những “điển sự” riêng, như: điển Viện tập hiền, điển Tôn nhân phủ, điển Lại bộ, điển Binh bộ, điền Lễ bộ...

Sách được viết từ năm Thiệu Trị thứ ba (1843) đến năm Tự Đức thứ tư (1851) thì hoàn tất. Sau đó được viết tiếp với tên KĐĐNHĐSL tục biên (1852-1889) và (1889-1945) là thời kì nước ta bị Pháp xâm chiếm và đô hộ. Sách gồm 97 cuốn đóng thành 262 quyển vào khoảng 8000 tờ. Sách trước đây tàng trữ tại Thư viện Bảo Đại (Huế), Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ (Hà Nội). Sau năm 1949, sách di chuyển lên Đà Lạt, rồi dời vào Sài Gòn, sau năm 1975 lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội tại T.P. Hồ Chí Minh với kí triệu HNv121. (Nghe nói gần đây đã chuyển toàn bộ về Hà Nội. Theo một số tác gia, giáo sư ở Hà Nội bảo với người viết bài này trong năm 1992 tại Đà Nẵng, lí do là “trong Sài Gòn, không có người biết đọc chữ Hán”) .

Bộ sách này trước đây chỉ được sử dụng rất hạn chế vì nó còn trong dạng chữ Hán nên không được quảng bá rộng rãi trong giới nghiên cứu; chứ chưa nói đến công chúng độc giả. Do đó ít người biết tường tận về bộ sách giá trị này.

Nay Viện Sử học Việt Nam cùng Nhà xuất bản Thuận Hoá cộng tác với Công ti phát hành sách TP Hồ Chí Minh xuất bản và phát hành trên toàn quốc bộ sách đồ sộ này nhằm giúp độc giả biết được rõ quá khứ Việt Nam gần hai thế kỉ.

Ở đây chúng tôi chưa đọc hết bản dịch hơn 8500 trang, cộng tất cả 15 tập, nên không thể nào nêu lên được những mặt mạnh mặt yếu của bản dịch. Nhưng với một tập thể dịch giả, hiệu đính viên, biên tập viên đã làm việc trong một thời gian dài cùng một số vốn lớn để xuất bản, tự nó đã nói lên được “tầm vóc”của việc làm này đối với học thuật nước nhà. Theo chúng tôi, đây là một công trình dịch thuật tầm cỡ, một hi sinh lớn của cơ quan bỏ vốn xuất bản mà các cơ quan văn hoá có thực quyền không thể nào lơ là và phó mặc cho kẻ khác trong công việc bảo tồn văn hoá dân tộc.

Một bộ sách mà các cơ quan văn hoá, thư viện, trường học, tủ sách gia đình của những người cầm bút và đọc sách... không thể thiếu.

Đáng trân trọng thay!


Sài Gòn tháng 7 năm 1993

N.Q.Thắng


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss