Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Hoa ngày thường

Hoa ngày thường

- Nguyễn Lộc — published 05/04/2011 01:05, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:11

Hoa ngày thường


Nguyễn Lộc

 

Trên máy bay đi Huế, giữa nhiều ý nghĩ ngổn ngang, chợt bật ra trong tôi câu hỏi của một anh bạn về vụ xáo động gần đây ở Huế, liên quan đến một số tu sĩ và tín đồ Phật Giáo. Cũng đã khá lâu rồi, nhân đọc hai bản tin, một do cơ quan thông tấn nhà nước Việt Nam gởi đi, một do một tổ chức tư nhân hoạt động về “nhân quyền” ở hải ngoại phổ biến, anh nhắn hỏi xem tôi có may mắn biết chút gì thêm về sự hư thực bên trong. Lúc ấy tôi nhắn ngay cho anh biết là tôi cũng chỉ được biết “nội vụ” qua cũng hai bản tin anh có.

Hình như lúc ấy anh có nửa đùa, nửa thật cho rằng cứ lấy trung bình cộng của hai bản tin thì chắc sai số sẽ nhỏ đi! Và tôi đồng ý. Sau đó, bận bịu lắm thứ, tôi quên bẵng bài toán cộng rồi chia đôi kia! Cuộc sống bon chen đã không dành cho tôi thì giờ để hỏi đi hỏi lại về một sự thật không gắn liền với áo cơm của bản thân và gia đình mình.

Hôm nay, có dịp về Huế. Và tạm ở “bên trên” cuộc đời với cao độ vài ngàn mét trong vài chục phút, nghi vấn về thực giả chợt quay về. Đột ngột nhưng có lẽ không tình cờ. Trong mấy hôm ở Saigon, có người đã nói với tôi về vụ “lộn xộn Phật giáo” ở Huế. Đó là một người không quan tâm lắm về tôn giáo. Giọng chán ngán, anh ấy “thuật lại” thái độ hung hăng của một tu sĩ bị thu hình “tại trận” và chiếu lên tivi. Tôi nghe lơ đễnh. Tin lơ mơ, ngờ lơ mơ, ... Tin của truyền hình nhà nước. Chỉ có một nguồn, không lấy trung bình cộng được. Anh bạn tôi ở Saigon, theo tôi biết, không có lý do gì để “ghét” Phật giáo. Anh cũng không có lý do gì để “yêu” chính phủ. Mặt nào đó, anh ta là một người ngoài phố khá tiêu biểu. Vậy thôi. Lúc ấy cái đồng hồ sinh học trong tôi còn đang chạy theo giờ Cali. Dật dờ nửa thức nửa ngủ, cái máy “tranh luận” của tôi hình như không còn đủ “pin” để chạy.

Về đến Huế, tôi lại bận bon chen trở lại cuộc đời ngay, dù là cái bon chen ở nhịp chậm theo kiểu “slow motion”. Cũng vui, buồn, giận ghét lăng xăng. Lại quên chuyện thực hư cũ mất đôi ngày. Chộp được mấy ngày nắng “hưu chiến” giữa mùa mưa dầm của Huế, ai lại có thì giờ ngồi nhấm nháp nghĩ suy chuyện cộng trừ nhân chia? Vả lại, cái cuộc đời đang diễn ra ngoài kia không gợi nhớ tôi bài toán ấy. Phải đi ra phố, phải đi thăm lăng, thăm chùa. Phải đi nhìn cái cầu Trường Tiền đã được sửa xong chưa để về báo cáo lại với vợ. Năm trước cô ấy về, cầu vẫn sửa chưa xong.

Ôi, cái nhịp cầu quá dài, sửa mãi không xong. Một người bạn và tôi đèo nhau bằng Honda đi thăm nhiều nơi. Thong thả chạy qua những ngõ trúc ngoại ô Huế mà cứ ngỡ mình có thể làm thơ, viết văn về Huế. Lại luồn lỏi qua các con phố chợ đông đúc, đánh một “tua” quanh vòng thành khu cung cấm cũ, thử xem khu gia cư của vua chúa mình ngày xưa rộng bao nhiêu. Trầm trồ con đường đi bộ lát gạch đang được xây quanh vòng thành đại nội. Thắc mắc tại sao mái ngói vừa được lợp mới ngay sát nhau lại có hai màu quá khác nhau? Dựa vào thực tế trước mắt, bạn tôi cương quyết chống dùng chữ “trùng tu”. Đến chụp ảnh cạnh tượng các quan văn võ trầm mặc, kiên nhẫn đứng ở sân chầu, lại thắc mắc tại sao tượng các vị quan triều có tầm vóc nhỏ như vậy? Chẳng lẽ các cụ ta – kể cả các cụ làm quan võ – lại nhỏ thấp như vậy? Rồi vì chẳng có ai thông thạo ở kề bên để hỏi cho ra ngọn ngành, lại bỏ qua. Lại một chuyện thực hư chẳng có gì quan trọng!

Người đàn ông ấy có cái vẻ thu hút riêng của ông. Khuôn mặt cương nghị, mắt sáng. Màu da ngăm đen khoẻ mạnh. Tôi có cảm tưởng như ông vừa qua một mùa hè làm lụng cật lực ngoài đồng, ngoài ruộng. Những dấu chân râu xanh bó cằm làm tăng vẻ trượng phu. Sự kiện ông là một nhà sư hình như có nhân cái nét thu hút kia thêm lên. Kể cho chúng tôi nghe việc ông về đây vất vả xây dựng lại ngôi chùa, giọng ông ẩn chứa phong vị hào sảng, thoả chí của một người khai hoang. Có chút gì lãng mạn trong giọng nói.

Lạ người, lạ cảnh, tôi lơ đãng ngồi tham dự cuộc đàm đạo. Nửa phần nghe đối thoại, nửa phần dành cho sự vật chung quanh. Ngôi vườn ngoài kia xanh um, tươi mát sau những trận mưa dai của Huế. Mấy cây kiểng giấu giếm ơ hờ những chăm chút kỳ khu của người trồng cây. Trong mùa hè qua? Sự nhàn nhã, cái nhịp chậm của cuộc sống bỗng làm tôi thấy thèm thuồng, ao ước. Những tục luỵ phần nào đã được gác bỏ ngoài cổng tam quan tự nhiên nổi cộm lên trong lòng tôi. Không phải tôi nghĩ về cái thành phố nhỏ chút nữa đây tôi sẽ quay trở lại, mà là một thành phố lớn hơn, xa hơn, cách nhiều giờ bay, như một chốn trở về vừa hết sức thân yêu đằm thắm, vừa đượm phần chua chát, cực lòng của một cuộc sống không hoàn toàn lựa chọn.

Nhà sự bắt đầu nói về vụ “biểu tình” của Phật tử ở Huế. Ông đề cập đến đúng chuyện người nam tu sĩ trẻ mà hình ảnh đã được chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên tivi cả nước. Giọng bình thản, ông cho biết “chú” ấy đang cả tiếng ngăn cản để đồng bào đừng vì nóng giận mà có những hành động quá trớn. Và chú ấy cũng kêu gào “Thả thầy tôi ra!”. Tức là, ông phủ nhận lời cáo buộc người tu sĩ trẻ tuổi kia “sách động quần chúng” bạo hành, hoặc đốt xe cảnh sát như cơ quan truyền thông nhà nước mô tả. Cách nói của ông là nói về một sự đã rồi, và cái giá đã phải trả. Có thoáng chút phiền muộn trong giọng nói của con người tu hành ấy. Thoáng như làn khói mỏng. Tôi chạnh nghĩ tới điều ông nói lúc mới vào câu chuyện: cái khó khăn ghê gớm trong việc từng con người chúng ta phải ứng phó lại với lục dục thất tình của bản thân. Ông vừa cười vừa nói: Nếu bảo tôi đừng tham năm ba đồng thì dễ dàng hết sức. Nhưng, nếu bảo tôi đừng tham năm ba triệu thì có lẽ khó hơn.

Vâng, sự cám dỗ còn có cái “cường độ” của nó. Và sự căm giận chắc cũng thế thôi? Anh bạn tôi ở Sài Gòn trách nhà tu “nhảy choi choi” trong vụ “biểu tình”, dù không ác cảm, anh vẫn nhìn sự việc bằng con tim bình tĩnh, “vô can” của mình. Vâng, còn sự khác nhau ở cái cường độ nữa. Tự dưng tôi thấy việc nhà sư trẻ kia có thật sự chịu thua cái “nộ” của mình chẳng qua cũng là ở cái cường độ của nỗi uất ức. Vấn đề là làm sao hoá giải, làm nhẹ đi cái cường độ của sự phẫn nộ trong lòng người.

Đàng khác, hình như kẻ ngoài phố, như anh bạn tôi, cũng có một thứ chuẩn mực riêng nào đó về cái cung cách để một tu sĩ Phật giáo biểu hiện sự bất bình của mình thì phải. Quạt phừng nỗi tức giận kia lên biết đâu cũng là xô đẩy cái nhục thân của kẻ thiện tâm bật thành ngọn lửa? Về đây, tôi càng tin rằng bản tin nhận được của hải ngoại cũng chỉ mang nửa sự thật.

Tôi cũng được cho biết sự việc không đơn giản. Khi chiếu đoạn băng video thu hình nhà sư trẻ kia cho người dân cả nước được thấy, cơ quan truyền thông của nhà nước đã làm đúng như vậy: cho thấy. Thấy mà không được nghe phần âm thanh. Nhà sư trẻ kia kêu gào những gì? Phần ấy đã được thay bằng những lời “thuyết minh” của người viết tin. Và chính cái phần trần thuyết không lấy gì minh bạch kia đã tước đoạt của không ít người xem-nghe tivi, trong đó có anh bạn thân của tôi ở Saigon, một nửa sự thật. Vì lẽ đó, đã có người đâm ra ác cảm với người tu sĩ trẻ “đầy vẻ sân si” kia!

Nhà sư có nói thêm: Chú ấy còn trẻ nên rất hăng hái. Có lẽ ông tránh chen vào đó một ý khen chê, dù thật nhỏ. Ông cũng nói thêm về phiên toà sau đó, “xét xử” mấy tu sĩ và tín đồ Phật giáo. Ông có đến dự kiến, với tư cách đồng đạo và đồng song với một trong những tu sĩ bị cáo buộc. Ông mô tả một số chi tiết về phiên toà, nhưng chỉ nghe được một lúc, tôi chợt thấy mình thật thờ ơ với những chi tiết ông kể. Phiên toà? Xử ai? Ai xử?

Hai mảnh tin, hai cái nửa sự thật, trôi dạt lênh đênh trong ý nghĩ tôi. Không, tôi vẫn không thể cộng chúng được thành cái phần sự thật nhỏ mà tôi tìm gặp ở đây...

Sau đó, nhà sư đưa chúng tôi đi dạo quanh khuôn viên chùa. Ông vui vẻ khoe mấy giò phong lan “ngoại”. Những cánh hoa màu tím nhạt thật đẹp. Bàn tay ông nâng niu, giọng ông ân cần giải thích cách chăm sóc sao cho lan nở nhiều hoa. Khung cảnh trước mặt tôi sao mà thanh nhàn, thư thả. Và ngay trong lúc ấy, cái vô nghĩa của phiên toà ông nói lúc nãy trở về trong suy nghĩ của tôi. Tôi hình như cảm nhận được cái bất bình của nhà sư, của đồng đạo ông, của tín đồ bàng bạc đây đó trong cái thanh tịnh, hiền hoà của Huế. Ngay trong cái không khí mà những cánh hoa mỏng manh kia đang thở, và tôi đang thở, có những phân tử li ti của một thứ thuốc nổ. Nó không đậm đặc đến ngột ngạt như một số người mong muốn. Nó không hừng hực như một số người đang cố tin, hoặc đã cố thổi bừng lên. Đồng thời, nó có thật, rất thật, dù đang bị cái màu tím nhã nhặn, cái mùi hương thoang thoảng của mấy cụm phong lan kia xô dạt, che mờ.

Tôi tự hỏi, nếu sáng nay không có bọn chúng tôi lên viếng cảnh chùa, gợi hỏi những điều xao động, liệu hôm nay có phải là một ngày bình thường của nhà sư?

Tôi e rằng, với cuộc đời đang diễn ra quanh ông, rất khó để ông tìm ra một ngày bình thường mà không nhờ đến sắc hương của những cụm hoa. Trên đường về tôi như còn nghe tiếng ông giảng về hai chữ “vô úy”. Không khí vào buổi xế chiều đã xen vào chút lạnh.


Nguyễn Lộc

2-94

Hoa ngày thường : chữ mượn từ tựa một tập thơ của Chế Lan Viên.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss