Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Sự chấm dứt của huyền thoại Xã Hội Đại Đồng

Sự chấm dứt của huyền thoại Xã Hội Đại Đồng

- Nguyễn Thu — published 05/04/2011 01:25, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:16

Sự chấm dứt của huyền thoại
Xã Hội Đại Đồng


Nguyễn Thu



Nguyễn Thu là bút hiệu của một Việt kiều đã cùng gia đình hồi hương cách đây 14 năm, vào cuối năm 1979, khi những hồ hởi 1975 đã trôi qua, nhường chỗ cho cải tạo, chiến tranh biên giới phía bắc, chiến tranh Campuchia, thuyền nhân, cấm vận.


Lời nói đầu

Được đào tạo tại Tây Âu, tôi lại ước mơ khi thành tài quay trở về phục vụ tổ quốc, với hy vọng thực hiện tại quê hương xã hội chủ nghĩa một lý tưởng mà tôi nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản kỹ trị không có khả năng giải quyết cho tầng lớp trí thức của mình: nhất thể hoá trong sự nghiệp khoa học giữa chính trị và chuyên môn, hay nói khác, đi tìm một chính nghĩa để đem tài trí phục vụ. Trong suốt cuộc hành trình gần bốn thập kỷ đi tìm chân lý giản đơn nói trên, kể từ lúc thoát ly cuộc sống phù hoa của một gia đình tư sản gốc gác khoa bảng để bước vào đời, trải qua nhiều năm tháng vừa kiếm sống, vừa học tập, vừa tham gia phong trào tranh đấu đòi hỏi dân chủ hoà bình của sinh viên Sàigòn, cho đến khi trưởng thành, trở thành giáo sư khoa học tại Âu Châu, rồi có cơ hội trở về quê hương và làm việc tại Hà Nội, định mệnh cuộc đời hình như muốn tôi đóng vai trò một lữ hành đi sát bên lề các bộ máy quyền lực đương thời, để có đủ thời gian và sự tỉnh táo quan sát khách quan con người, cuộc sống thuộc các thể chế chính trị khác nhau của đất nước, cũng như nghiên cứu nghiêm túc những ý thức hệ đối kháng mà giai cấp thống trị sử dụng như cơ sở thượng tầng của các chế độ.

Đến tuổi tri thiên (*) tôi nhận thức rõ ước mơ nhất thể hoá “chính trị - chuyên môn” nói trên chỉ là một trong muôn vàn huyền hoặc nẩy sinh từ huyền thoại xã hội đại đồng mà các tầng lớp thống trị – phong kiến xưa kia cũng như cộng sản hôm nay – đã hư cấu ra để ru ngủ và lừa dối thành phần trí thức, một bộ phận nhân dân có đầu óc phê phán mà họ chưa bao giờ tin tưởng thực sự. Người trí thức tiến bộ Việt Nam – qua nhiều thập niên trong hoàn cảnh éo le của một đất nước liên tục phải chống ngoại xâm giành lại chủ quyền trong tình hình phức tạp của cuộc đối đầu một mất một còn giữa hai khối tư bản và cộng sản – đã bắt buộc phải chấp nhận con đường xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản chủ trương, và như một qui luật lịch sử, đã đặt lại vấn đề dân chủ, tự do và hoà hợp dân tộc trong công cuộc phục hưng kinh tế đất nước sau mỗi lần chiến thắng kẻ xâm lược, cũng như cay đắng nhận hồi âm quen thuộc là sự đàn áp vùi dập nhân quyền không thương tiếc của bộ máy bạo lực chuyên chính vô sản.

Sau gần một thế kỷ bành trướng và củng cố các nhà nước vô sản trên một phần ba nhân loại, chủ nghĩa cộng sản đã hiện nguyên hình dưới dạng một đế quốc hùng mạnh về quân đội và công nghệ quốc phòng, nhưng yếu kém về kinh tế, không đủ khả năng xây dựng một xã hội cơm no áo ấm cho mọi tầng lớp nhân dân, luôn luôn phải áp dụng bạo lực để bảo vệ đặc quyền của các đảng viên thuộc tầng lớp thống trị.

Trung Quốc và Việt Nam là hai trong vài thành trì cuối cùng của hệ thống tan rã nói trên, đã phất lại ngọn cờ huyền thoại xã hội đại đồng kiểu nông dân Á Đông dưới chiêu bài “xã hội chủ nghĩa mang mầu sắc riêng từng dân tộc”, với hạ tầng kiến trúc là một nền kinh tế thị trường tiểu thủ công nghiệp nhỏ và thượng tầng kiến trúc i sì là một nhà nước chuyên chế do đảng cộng sản độc quyền thao túng và được bảo vệ bởi một hệ thống bạo lực với quyền hành vô hạn. Biến cố Thiên An Môn năm 1989 biểu lộ như bước đầu của một chuỗi khủng khoảng tất yếu mà một chế độ mang nhiều mâu thuẫn nội tại và thiếu nhất quán về mặt ý thức hệ sẽ phải đương đầu liên tục cho đến khi sụp đổ hoặc biến dạng hoàn toàn như trong trường hợp Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây.

Vận hội chung của tổ quốc Việt Nam chưa bao giờ sáng sủa và nhiều hy vọng hơn lúc này: nền văn minh Việt- Mường cỗi nguồn nhiều tính nhân bản của dân tộc ta, nhìn chung gần gũi với xu thế hoà bình của một nhân loại hậu cộng sản. Việt Nam tuy bị chậm trễ về trình độ phát triển so với các nước trong vùng nhưng lại có lợi thế về mặt vị trí địa dư - chính trị, có ưu điểm về mặt dân trí đồng đều, ngôn ngữ thống nhất, do đó sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế cực nhanh của bè bạn Đông Nam Á để cất cánh vươn lên kịp thời. Chúng ta cần phải tìm ra một con đường phát triển trong hoà bình và hoà hợp sao có thể tiếp thu các lối sống và trào lưu tư tưởng từ bên ngoài mà vẫn bảo vệ được mọi bản sắc và giá trị văn hoá độc đáo của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam, từ đồng bằng phì nhiêu đến các vùng cao nguyên hẻo lánh. Vấn đề trọng dụng trí thức và khai thác tiềm năng kinh tế, khoa học kỹ thuật của cộng đồng hàng triệu đồng bào đang sinh sống tại hải ngoại phải được nâng lên hàng quốc sách trong công cuộc xây dựng đất nước và con người Việt Nam của thế kỷ 21.

Trên quan điểm đa nguyên, hiểu như là một tiếp cận bản thể từ một thực tế kinh qua bởi chính bản thân và sẵn sàng đón nhận, trao đổi với mọi chính kiến khác biệt, chúng tôi trình bày trong tiểu luận này một số ý kiến cơ bản về sự chấm dứt giai đoạn huyền thoại đại đồng, giấc mơ chính đáng từ thuở vua Hùng dựng nước của người nông dân với nền văn minh lúa nước, và đề xuất một con đường tiến tới chân lý ước mơ của dân tộc trước ngưỡng cửa thế kỷ 21: Đất nước Việt Nam làm sao để sau khi có độc lập, tự do và dân chủ, xây được một nền kinh tế và quốc phòng hùng mạnh, có đủ trí tuệ để làm chủ sức mạnh này, có đủ nhân ái để sống điều hoà và bình đẳng với bạn bè năm châu trong một thế giới hoà bình.

Đầu hè Ất Dậu

Vào mùa thu năm 1979, tôi và vợ thân yêu được sứ quán nước ta tại Paris thông báo đã có quyết định của Hội đồng Bộ trưởng cho phép chúng tôi hồi hương. Từ khi miền Nam được giải phóng cho đến lúc chuẩn bị hành trang lên đường về nước phục vụ tổ quốc, tôi đã có dịp về thăm quê hương hai lần. Lần thứ nhất vào tháng tám năm 1975 với niềm vui lớn được gặp lại sau hai mươi hai năm xa cách anh chị em (1) tại Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn và được bước thong dong trên vỉa hè Sàigòn, nơi ghi nhớ bao nhiêu kỷ niệm đấu tranh chính trị và tình yêu tuổi trẻ, lần thứ hai cùng các đồng nghiệp tại Âu Châu về dự Hội nghị Toán học lần thứ ba vào năm 1977. Những ấn tượng buồn vui của hai chuyến về thăm nhà ấy sẽ ám ảnh tôi suốt đời giống như kỷ niệm đám tang mẹ tôi vào một chiều cuối xuân mưa rơi xám xịt cánh đồng Vọng năm chạy loạn về làng. Tôi còn nhớ như in bầu trời thủ đô Vientiane oi ả dưới sức nóng 39 độ C buổi tối mùa thu năm 1975 ấy và như trong một cơn mộng du, tôi ngồi chờ chuyến bay hàng tuần duy nhất của Air France để trở lại Âu Châu mà lòng nặng chĩu hình ảnh một Hà Nội chật hẹp, lụp sụp xanh xám và bụi bậm, hình ảnh những đứa cháu gầy còm ngồi bốc cơm nguội ăn dưới ánh đèn tù mù mỗi khi đêm về, tương phản với các bữa cơm chiêu đãi ê hề những đĩa thịt lợn mỡ mà tôi rất sợ..., tôi cũng không quên được những bộ mặt của các nhà toán học Việt kiều từ khắp năm châu tại hội trường Đại học Bách khoa năm 1977 ấy, sững sờ vì bị bỏ bom bằng bài diễn văn khai mạc hội nghị dài ba tiếng đồng hồ đầy tính huấn dụ về các phương pháp làm toán phục vụ nhân dân của vị đại tướng, ủy viên bộ chính trị phụ trách khoa học kỹ thuật.

Sở dĩ tôi phải dài dòng như vậy để thấy rằng vợ chồng tôi đã không ngây thơ xa rời thực tế và quyết định trở về nước trong một phút bốc đồng, vả lại vào cái thời điểm mà lá vàng đang phủ kín những bước đi quen thuộc trong khu đại học Orsay năm 1979 xa xưa ấy thì những tin tức về sự suy sụp nhanh chóng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sau khi Việt Nam bị Tây Phương cắt viện trợ vì đánh chiếm Cambốt đã lác đác thấy đăng tải trên báo chí, cũng như hình ảnh những chiếc thuyền buồm rách nát chở người tị nạn tấp vào các bờ biển Đông Nam Á đã trở thành quen thuộc trên màn ảnh nhỏ. Sau này khi bình tâm suy nghĩ lại, tôi cho rằng thái độ đà điểu và khiêm nhường của giới trí thức tiến bộ sống ở nước ngoài trước những cường điệu và ảo tưởng của chương trình phục hưng kinh tế đất nước trong dự thảo nghị quyết đại hội IV Đảng cộng sản Việt Nam có nguyên nhân sâu xa hơn truyền thống “gọi dạ bảo vâng” của các phong trào Việt kiều thân cộng: có lẽ do lòng tự hào dân tộc bất ngờ được ve vuốt quá đáng sau chiến thắng mùa xuân năm 1975 nên chúng tôi đã mộng mị để trước tiên tự lừa dối mình và sau đó là bè bạn năm châu!

Với đảng cộng sản Việt Nam, “sự thật lịch sử” có lẽ đơn giản hơn nhiều: bất chấp thực tế phũ phàng của một miền Bắc nghèo nàn và lạc hậu sau hơn bốn mươi năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, các lãnh tụ chóp bu của họ đã thấm nhuần nguyên tắc cai trị theo kiểu “cứ nói dối đi nói dối lại một điều” ắt người ta sẽ phải tin và họ cũng hiểu rất rõ đa số nhân dân là nông dân nghèo do đó không hề có ý niệm cũng như không ao ước được hưởng một nền pháp chế dân chủ theo nghĩa hiện đại, trừ khi giai cấp đông đảo này được giáo dục để ý thức rõ đó là con đường duy nhất ít tốn xương máu và nước mắt, có khả năng mang lại cơm no áo ấm và công bằng xã hội cho họ và con cháu họ.

Lênin đã nói phải “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể” và bản thân tôi đã thể nghiệm nguyên lý duy vật biện chứng sơ đẳng này ba ngày sau khi đặt chân lên đất Hà Nội vào năm 1975. Còn chưa quên những buổi sáng mờ mịt sương mù của miền Nam nước Đức, tôi rất thích thú được thả bộ vòng quanh hồ Hoàn Kiếm rực rỡ nắng thu vàng, bất thình lình bị nghẽn lại cùng đám đông lổn nhổn người đi xe đạp và đi bộ tại ngã tư Bà Triệu - Lý Thái Tổ (mà thời Pháp thuộc gọi là ngã tư bót hàng Trống). Lúc ấy vào khoảng giờ ngọ và không khí oi nồng ngột ngạt mùi da người, mùi quần áo thiếu xà phòng tắm giặt, cả đám người bị chặn trên vỉa hè lẫn mấy anh công an trẻ tuổi canh giữ lòng đường đều nhễ nhại mồ hôi, dưới những hàng khẩu hiệu nền đỏ chữ trắng “ chào mừng bà thủ tướng Ấn Độ” căng ủ rũ ngang phố. Bất thình lình, một chị phụ nữ đẩy xe đạp ào qua đường kéo vài bác đứng tuổi dáng nông dân tranh thủ bám theo, một tiếng còi rít lại kèm theo tiếng hét ngọng nghịu “Dừng lại!”, tiếng dép nhựa quét sền sệt và tiếp theo là những chiếc dùi cui mầu trắng vun vút trên đầu trên cổ xô đẩy họ trở về vị trí ban đầu. Chị phụ nữ lanh chân kịp lủi vào đám đông bên kia đường nhưng cũng không quên ngoái cổ nở một nụ cười trừ, tôi cũng không bao giờ quên được mớ tóc sổ rũ rợi và vệt sữa ố thấm trên ngực áo của người đàn bà không quen biết này. Trái với linh tính nhạy cảm của một sinh viên đã từng đấu tranh tại Sàigòn và đã nhiều lần chứng kiến những phản ứng bùng nổ của quần chúng được sự đàn áp thô bạo, đám đông nhanh chóng trở lại im lặng, nhẫn nhục và thêm nửa tiếng chờ đợi thì đoàn xe volga bóng lộn có môtô hộ tống một cách quê kệch ầm ầm chở vị nguyên thủ quốc gia “tư bản” chạy qua. Mãi nhiều năm sau này khi đọc những phân tích của García Marquez về tâm lý người nông dân Nam Mỹ và về phương cách cai trị bằng huyền thoại của các chế độ độc tài tại vùng bán cầu kém phát triển này, tôi mới hiểu rõ được sự khác biệt về tâm lý và phản ứng tự nhiên của một quần chúng kiểu miền Bắc Việt Nam với quần chúng sống trong một xã hội mà nhân quyền là một thành phần cuộc sống như ở Âu châu hoặc là một mục tiêu tranh đấu như ở miền Nam trước đây.

Đó là một đêm hè năm 1982, bầu trời oi bức và biển lặng trong vịnh Hạ Long, vợ tôi, cháu gái nhỏ và gia đình người bà con Việt kiều sau một ngày phà xe vất vả đang thiêm thiếp trong phòng khách sạn, tôi ngồi đón gió ngoài ban công, lơ đãng nhìn cảnh sơn thuỷ hùng vĩ ẩn hiện mờ mờ dưới ánh trăng và như thường lệ trăn trở thầm kín về cuộc sống bế tắc trước mắt, về tương lai vô vọng của đất nước. Về nước đã được gần ba năm, hai vợ chồng chúng tôi biểu lộ quyết tâm hoà mình vào cuộc sống đời thường của đồng bào lao động bằng cách cố gắng ăn ở đúng theo tiêu chuẩn được đảng và nhà nước phân phối nhưng mặt khác phấn đấu làm việc theo đúng cường độ quen thuộc tại Tây Âu. Sau một thời gian, tôi thất vọng vì nhận thấy các đồng nghiệp và nghiên cứu sinh trẻ tuy vẫn tham dự đều đặn các buổi xêmina do tôi chủ trì nhưng cường độ tập trung làm việc ngày càng trở nên yếu hơn, điều mà phải hơn ba năm sau tôi mới hiểu ra khi mà trọng lượng của bản thân đã sụt mất năm kílô(2). Kể từ đó, tôi thông cảm sâu sắc với những khó khăn về đời sống cũng như mọi bế tắc về tâm tư của bè bạn và học trò, ngoài nghiên cứu và giảng dạy chuyên môn, tôi tập trung thâu thập các thông tin trên báo đài cũng như mở rộng tầm tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội để tìm cho ra nguyên nhân của sự tương phản giữa thực tế nhìn tận mắt hàng ngày với những chiếc bánh vẽ mà các nhà lãnh đạo đã tuyên truyền suốt hơn ba mươi năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những quan sát và phân tích cụ thể, trường hợp cụ thể xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tích luỹ và đè nén qua năm tháng trong đáy lòng đột nhiên bùng lên, thăng hoa trong đêm hè đáng ghi nhớ đó: con người khoa học trong tôi bị thôi thúc phải hệ thống hoá chúng lại để có thể vạch ra những tư tưởng chủ đạo cho một hướng đi mới trong tương lai và đó là nguồn gốc của bản tiểu luận này!

Chúng ta không thể hiểu thấu đáo tính phi lý của sự tồn tại lâu dài một hình thái kinh tế - xã hội siêu thực kiểu Kafka, phi nhân kiểu phong kiến Á Đông tại các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba... nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng những huyền thoại kiểu mới – rất nhất quán với huyền thoại thiên hạ đại đồng, giấc mơ Nghiêu Thuấn muôn thuở của giai đoạn cộng sản nguyên thủy(3) – mà Chủ nghĩa cộng sản đã tái sinh trên các quốc gia chậm tiến này. Đối với trường hợp Việt Nam, những huyền thoại mới này cần được sử dụng như những kính viễn vọng đặt tại nhiều vị trí và nhiều góc độ khác nhau trong phương pháp luận đi tìm câu trả lời cho câu hỏi sau, hầu có thể đúc kết một kinh nghiệm lịch sử xương máu cho con cháu trong sự nghiệp đi tìm một đường lối xây dựng đất nước, thoả mãn những ước vọng sâu xa của dân tộc, cũng như đáp ứng những giá trị nhân bản muôn thuở của nền văn minh loài người:

“ Tại sao trải qua hơn bốn thập kỷ xây dựng nửa đất nước xã hội chủ nghĩa trên miền bắc nước ta, chúng ta đã tiến tới một loại xã hội hoàn toàn xa lạ với các thuần phong mỹ tục đầy nhân ái của nền văn minh Việt-Mường cỗi nguồn, mất hết các chuẩn mực đạo đức cổ truyền vay mượn của Trung Quốc từ nghìn năm như Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, loại trừ mọi yêu cầu chính đáng về độc lập tư pháp, tự do báo chí, tự trị đại học... do giới trí thức tây học tiến bộ khởi xướng qua phong trào Nhân văn Giai phẩm năm 1956, để sau cùng chuẩn bị cả đất nước bước vào ngưỡngcửa thế kỷ 21 với một trình độ khoa học kỹ thuật quá thấp kém so với trình độ chung của thế giới, với một lối sống thực dựng cơ hội, thô bạo và nghèo nàn?”


1. Huyền thoại giải thích tiến hoá các hình thái xã hội
trong lịch sử loài người bằng thuyết đấu tranh giai cấp


Bản chất tiến hoá của thiên nhiên sống bao gồm các quần thể thực và động vật, từ đơn giản nhất như các đơn bào đến phức tạp nhất như xã hội loài người, đã hàng triệu triệu năm tuân thủ định mệnh khắt khe của quy luật đào thải hoàn thiện hoá theo xu thế tích cực làm tiêu ma những thành phần vô dụng hoặc không thích nghi được và hoàn thiện hoá các thành phần tiến bộ sao cho hệ thống vận động và phát triển trong một quân bình sinh thái ngày càng tinh vi và hoàn hảo hơn. Trong quá trình quan sát các quần thể động vật ở mức độ vi mô, người ta dùng danh từ luật rừng để gọi quy luật phổ quát nói trên, nhưng thực ra đối với tiến hoá loài người – một động vật tri thức được cảm xúc của bản thân và đồng loại, đồng thời có khả năng truyền đạt chúng qua ngôn ngữ – nhân loại đã rất sớm, trong lịch sử tiến hoá của mình, thoát ra khỏi thời kỳ tiền sử dã man bằng những sáng tạo về công cụ lao động, bằng cách phân vùng lãnh địa và tổ chức bảo vệ thiên nhiên cùng các nền văn minh tồn tại trong biên giới của nó.

Trải qua chế độ phóng kiến tập quyền, trong đó hoàng đế hoặc quân vương hay sứ quân thay trời hành đạo chăn dắt toàn dân, sang đến chế độ dân chủ tư sản mà bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cuộc cách mạng 1789 đã xác định về quyền bình đẳng trước luật pháp, quyền tự do ngôn luận, quyền chọn lựa thể chế chính trị của mỗi công dân, thì ý niệm về quốc gia với lãnh thổ và biên giới đã phát triển như một hình thái văn minh cơ bản của nhân loại, luôn luôn gắn liền với quá trình tiến hoá của các hình thái kinh tế xã hội các dân tộc. Lịch sử của đất nước Việt Nam, tóm lại, phải chăng là một quá trình khẳng định chân lý vang vọng nghìn thu từ lời hịch Nam quốc sơn hà Nam đế cư, với chứng minh là sự thật bại của Trung Nguyên sau hàng nghìn năm đồng hoá, cũng như sự đầu hàng của chủ nghĩa thực dân Pháp sau hàng thế kỷ đô hộ và sự tháo lui cay đắng của nước Mỹ, một đế quốc giàu mạnh nhất trong lịch sử loài người?

Marx và Engels là những học giả đầu tiên sử dụng phương pháp biện chứng của Hegel để phân tích lại lịch sử tiến hoá của hình thái kinh tế - xã hội loài người trên quan điểm vĩ mô và đã xây dựng luận điểm duy vật lịch sử sau:

“Tính mâu thuẫn (hoặc mất cân bằng) thường trực trong hình thái kinh tế - xã hội đương thời, giữa một bên là lực lượng sản xuất (bao gồm con người lao động và công cụ sản xuất) đã phát triển đến độ tiên tiến và bên kia là quan hệ sản xuất đã lỗi thời, là động lực thúc đẩy sự tiến hoá của xã hội loài người.

Trong lịch sử loài người, mâu thuẫn nói trên được giải quyết thông qua hình thức đấu tranh giai cấp, giữa một bên là người lao động trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội và bên kia là người tư hữu công cụ sản xuất (hoặc cả lực lượng sản xuất như trong giai đoạn nông nô) cố duy trì quan hệ sản xuất lỗi thời. Cách mạng xã hội tất yếu bùng nổ và một hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ sẽ ra đời nhằm thiết lập một quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Sau chế độ cộng sản nguyên thủy(3), loài người đã trải qua hai cuộc cách mạng xã hội lớn:

– Cuộc cách mạng phong kiến lật đổ chế độ nông nô để thay thế bằng chế độ quân chủ tập quyền,

– Cuộc cách mạng tư sản năm 1789, lật đổ chế độ quân chủ để thay thế bằng chế độ tư bản”.

Duy vật lịch sử là một quan điểm lịch sử mới mẻ và tiến bộ vào đầu thế kỷ 19, và cũng như bất cứ lý thuyết khoa học giá trị nào, nó cho phép chúng ta trên con đường đi tìm chân lý – trong một lĩnh vực nhất định nào của tri thức – nhích lên một cao độ bên trên các quan điểm đương thời, để soi sáng thêm một bước vào chân trời vô tận và mờ mịt tiếp giáp với màn đêm của vô vàn bí mật tồn tại trong thiên nhiên và xã hội loài người. Ưu điểm của lý thuyết duy vật lịch sử thể hiện trong cách giải thích vĩ mô và nhất quán lịch sử tiến hoá của xã hội loài người, tuy nhiên dự báo mang tính tất định cũng như đánh giá thứ yếu vai trò của yếu tố “lãnh thổ - quốc gia” trong thuyết của Marx và Engels đã bị nhiều trường phải sử học khác phê phán.

Tuy nhiên Marx cũng là một nhà kinh tế học lỗi lạc hiểu theo nghĩa hiện đại: đứng trước những khủng hoảng triền miên của nền kinh tế thị trường cũng như cảnh bóc lột lao động trắng trợn của chế độ tư bản đương thời, ông đã dành suốt cuộc đời phân tích các dữ kiện thâu thập được và đã phát hiện ra chu kỳ khủng hoảng của nền kinh tế tư bản. Ông đã giải thích nguyên nhân sâu xa hiện tượng này trong tác phẩm vĩ đại Tư bản luận như là hệ quả tất yếu của quy luật mâu thuẫn lực lượng / quan hệ sản xuất. Nếu chỉ tổng kết và đánh giá sự nghiệp khoa học của nhà học giả Karl Marx – trên quan điểm nhân vô thập toàn của phương đông, hoặc đa nguyên nếu muốn nói một cách thời trang – thì sau hơn một thế kỷ, chúng ta đã có đầy đủ dữ kiện về sự thử thách lý thuyết của ông trong thực tế, để phân biệt rõ ràng đâu là phần các giả định đã trở thành quy luật và đâu là phần cần loại bỏ, và như vậy, tên tuổi ông phải có thể được đánh giá một cách dễ dàng như là một nhà kinh tế cổ điển thiên tài.

Điều trớ trêu và bi thảm cho lịch sử nhân loại hàng thế kỷ sau là Marx và Engels đã sử dụng phát hiện nói trên làm nền tảng cho Tuyên ngôn của Đảng cộng sản mà hai ông đã xây dựng cho phong trào công nhân đương thời. Trong tuyên ngôn này, hai ông đã khẳng định chế độ tư bản đang ở giai đoạn tổng khủng khoảng và dự báo công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ xảy ra ngay trước mắt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, đảng của giai cấp công nhân tiên tiến.

Bản thân ông, cũng như Khổng tử trước đây, đã mắc sai lầm khi rời cương vị một học giả để trở thành một nhà chính trị muốn cải tạo thế giới nhiễu nhương trước mắt bằng học thuyết của mình – và điều này không hiểu có phải là một sai lầm muôn thuở của loài người trong tham vọng xây dựng một trật tự thế giới theo cái nhìn dân tộc hoặc giai cấp cực đoan? – và cả hai đều trải qua các thất vọng và thất bại cho đến cuối đời, và mỉa mai thay, như một quy luật lịch sử, cả hai đều đã tạo ra cơ hội để những kẻ mưu bá đồ vương đời sau mau chóng huyền thoại hoá học thuyết của họ thành những trang giáo điều để chinh phục thiên hạ, hay nói một cách chua chát như Lỗ Tấn, là học thuyết của họ đã được sử dụng như một hòn gạch để gõ vào cánh cửa lịch sử.

Một khi cánh cửa lịch sử đã mở cho các triều đại phong kiến tập quyền, Nho Giáo đã thống trị Trung Hoa với các giáo điều khuôn vàng thước ngọc trong gần hai nghìn năm và Lỗ Tấn khi ôn cố tri tân, đã phát hiện thấy cảnh người ăn thịt người trong từng trang sử xanh nước ông, tương tự như vậy sau thời đại Khổng Tử hơn hai nghìn năm, các đảng cộng sản Bônsevíc giành được chính quyền trên một phần ba nhân loại và sử dụng học thuyết của Marx làm nền tảng lý thuyết, cho biết bao công cuộc thí nghiệm đẫm máu về cải cách xã hội, cải cách tư sản, cải cách ruộng đất, cách mạng văn hoá.... trong gần một thế kỷ trước khi tan rã thảm thương!

Trở lại vấn đề đánh giá lại học thuyết Marx như là một lý thuyết khoa học xã hội, chúng ta thấy rằng những tư tưởng chủ đạo của ông cần được xem xét lại trên góc độ huyền thoại / sự thật:

a) Marx đã coi nhẹ yếu tố quốc gia / dân tộc trong luận điểm cách mạng vô sản toàn cầu, coi Âu châu ở giai đoạn tư bản chiếm hữu là trung tâm điểm của mọi mâu thuẫn cách mạng vô sản, coi vấn đề biên giới quốc gia với nhà nước trong đó là một yếu tố bảo thủ trong quá trình cách mạng và sẽ tự tiêu vong khi chủ nghĩa cộng sản đã thống trị nhân loại. Lôgíc trên đã đưa ông đến dự báo cuộc cách mạng vô sản đầu tiên do giai cấp công nhân lãnh đạo sẽ bùng nổ tại nước Đức đệ tam đế chế, nơi mà mâu thuẫn lực lượng / quan hệ sản xuất của tư bản chủ nghĩa xảy ra gay gắt nhất lúc bấy giờ. Trớ trêu thay, cách mạng vô sản đầu tiên lại bùng nổ gần nửa thế kỷ sau tại nước Nga phong kiến nông nghiệp, cách xa Tây Âu cả địa dư lẫn trình độ công nghiệp và đã do đảng cộng sản bônsevic của Lênin lãnh đạo, một đảng mà các lãnh tụ hàng đầu đều xuất thân từ giới trí thức hoặc đẳng cấp thượng lưu nước Nga đương thời.

Sau khi chiến thắng chủ nghĩa phát xít, Roosevelt và Stalin đã chia chác lại biên giới vùng ảnh hưởng của hai siêu cường ở châu Âu tại Hội Nghị Yalta với kết quả là hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu như Tiệp, Hung, Ba Lan, Bungari, ... đã ra đời do sự tiếp tay của Hồng quân với các đảng bônsevic địa phương hơn là do một cuộc cách mạng cướp chính quyền của giai cấp công nhân theo như dự báo của Marx.

Lênin đã nhanh chóng bổ sung thiếu sót về vai trò của quốc gia / dân tộc trong học thuyết Marx bằng quan điểm “đế quốc là con đẻ của chủ nghĩa tư bản” và đối trọng liên minh các nước đế quốc bằng “đệ tam quốc tế”, một liên minh quy tụ dưới sự lãnh đạo của Liên Xô tất cả các quốc gia theo phe chủ nghĩa xã hội, do đảng các bônsevíc nắm quyền. Về luận điểm của Marx cho rằng cần thiết thay thế, một khi cách mạng vô sản thành công, nền chuyên chính tư sản bằng nền chuyên chính vô sản, Lê nin đã bổ sung thêm huyền thoại “nền chuyên chính vô sản sẽ tồn tại trong suốt giai đoạn xã hội chủ nghĩa và sẽ tự tiêu vong khi nhân loại bước sang giai đoạn xã hội cộng sản”, một giáo điều đã cho phép tất cả các đồ đệ của Marx và Lênin kể từ Stalin, Mao... cho đến Ceaucescu trở thành những tên độc tài khát máu nhất trong lịch sử. Bản kiểm điểm nội bộ thú nhận những tội ác của Đảng cộng sản Liên xô trong thời Stalin do Krushev tung ra sau này, cũng như các văn bản sửa sai về cải cách ruộng đất của Đảng cộng sản Việt Nam, hay các bản tường thuật về vụ án xét xử nhóm bốn tên của báo chí Trung Quốc, đã tự nói lên sự thật sau: trong chín mươi năm bành trướng và củng cố của chủ nghĩa cộng sản, các huyền thoại “quốc tế”, và “chuyên chính” đã được sử dụng như những giáo điều, mà nhân danh chúng, chủ quyền và quyền lợi của biết bao nhiêu dân tộc nhỏ bé hiền hoà đã bị chà đạp không thương tiếc, sinh mạng và nước mắt của biết bao nhiêu triệu thường dân vô tội đã bị hy sinh oan uổng!

b) Marx đã đưa ra một quá trình tất định cho lịch sử tiến hoá của xã hội loài người, nghĩa là một quá trình mà tương lai có thể được mô tả một cách toàn diện khi ta biết quá khứ và hiện tại. Quá khứ đã được lịch sử ghi chép lại đầy đủ hoặc thiếu sót tùy theo từng vùng phát triển của trái đất và đã được nhiều quan điểm sử học giải thích theo nhiều cách khác nhau mà trong đó, như chúng ta đã nhận xét, duy vật sử quan cũng như những học thuyết khác đều có những nét độc đáo cũng như những thiếu sót riêng.

Qua tác phẩm vĩ đại Tư bản luận, Marx mô tả rất khoa học xã hội tư bản ở giai đoạn cơ khí đương thời với các mâu thuẫn nội tại, ông đã sai lầm cơ bản ở khâu khẳng định đó là hình thái sau cùng của nền sản xuất tư bản và mô tả tương lai từ trạng thái giả định tĩnh này của chủ nghĩa tư bản. Có lẽ quy luật tiến hoá của lịch sử không thể là tất định vì cả Marx lẫn các đối thủ của ông(4) không một ai hình dung nổi, chứ chưa nói gì đến dự báo về các cuộc cách mạng năng lượng nẩy sinh từ các phát minh phá vỡ hạt nhân, cũng như cuộc cách mạng tự động hoá sản xuất và quản lý xã hội nẩy sinh từ các phát minh về điện tử và tin học trong các nước tây phương ở thế kỷ 20 này. Ở ngưỡng cửa thế kỷ 21, khi mà tổ chức xã hội và đời sống con người đã hoàn toàn đổi mới bởi hai cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật nói trên thì ý niệm về các giai cấp trong xã hội – hiểu theo nghĩa cộng đồng những cá nhân lao động trong một lĩnh vực nhất định nào đó của nền sản xuất với đối tượng lao động được xác định rõ ràng – cũng đã thay đổi về chất đến độ nhiều quan điểm của Marx đương nhiên trở thành lỗi thời, không còn ý nghĩa.

Mỗi cỗ máy cơ khí trong công nghiệp của thời đại Marx đều phải vận hành trực tiếp bởi một hay nhiều kíp thợ, kiểu như quy trình công nghệ mà chúng gọi ta là thủ công hiện nay, do đó luận điểm về giai cấp công nhân của ông – như là giai cấp làm chủ thực sự quá trình sản xuất và tất yếu sẽ làm cách mạng xã hội để lật đổ chế độ tư bản với quan hệ sản xuất lỗi thời và tiến lên làm chủ vận mạng nhân loại – chỉ thực sự mang tính khoa học và thực tiễn khi chế độ tư bản còn ở giai đoạn kém phát triển. Trái lại với xu thế tự động hoá hoàn toàn các quy trình sản xuất, như trong công nghiệp sản xuất thiết bị vi điện tử hoặc công nghiệp sản xuất ôtô hiện nay, người ta thường thấy những nhà máy vắng bóng các công nhân xương thịt mà chỉ còn các rôbốt với kỹ sư vận hành các bảng điều khiển. Vấn đề tồn tại của đảng cộng sản như đảng của giai cấp công nhân tiên tiến trong một xã hội với nền sản xuất tự động hoá –trong đó không còn tồn tại ý niệm công nhân theo nghĩa của Marx – sẽ ra sao?

c) Thực ra xã hội văn minh hiện nay với tính tự động hoá cao, xã hội hiện đại, tồn tại nhờ tính trí tuệ của những người điều khiển phần kỹ thuật và tính tự giác cao của những công dân bình thường sống trong đó. Chưa bao giờ nhân loại đạt được một hình thái xã hội với tiềm năng thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người cao như vậy, nhưng bù lại cũng phải trả giá bằng một hệ điều khiển cực kỳ mong manh và dễ bị tổn thương, chỉ cần tưởng tượng một người tâm thần hay say rượu vô tình cắt đứt một chùm cáp quang hay làm nổ một trạm điện tại trung tâm Tokyo, chúng ta khó có thể hình dung nổi hết những hậu quả về kinh tế, tài chính và xã hội gây ra bởi hành động vô trách nhiệm này. Trong một xã hội với xu thế phát triển như vậy, giai cấp trí thức, hiểu theo nghĩa cộng đồng những người lao động nắm đầy đủ tri thức và trí tuệ để quản lý xã hội cũng như giải quyết những phức tạp do nó sinh ra, ngày càng được khẳng định như là một bộ phận quan trọng của lực lượng sản xuất. Từ sau đại chiến thú hai, quan điểm sử dụng lao động trí thức tại Tây Âu đã thay đổi nhiều lần, song hành với các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nói trên, từ vị trí mua bán lao động của một người làm thuê, thời thế đã nâng nhiều kỹ sư thành những thành viên có quyền quyết định trong các hội đồng quản trị những tập đoàn tư bản lớn, cũng như nhiều giáo sư đại học đã kiêm nhiệm địa vị chủ nhân các hãng công nghệ cao cấp, trong khi tại các nước xã hội chủ nghĩa, một mặt người ta lớn tiếng phê phán những tiến bộ nói trên là kỹ tri, mặt khác tiếp tục phủ nhận vai trò điều khiển lực lượng sản xuất của giai cấp trí thức bằng biện pháp chăn dắt và đe doạ họ với mọi loại tội tổ tông như kiểu “thành phần tiểu tư sản lập trường bấp bênh” cần sự lãnh đạo chính trị của “ công nông” thì mới hy vọng nên người(5).

Phải chăng đây là một trong những lý do chính dẫn đến sự cách biệt ngày càng lớn về trình độ công nghệ trong sản xuất và về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, giữa một bên là các nước Âu Mỹ với bên kia là các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, kéo theo sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Liên Xô và các chư hầu? (còn tiếp)


Nguyễn Thu




Chú thích của Tác Giả


(1) Năm 1972, vì chờ đợi quyết định cho phép về thăm bố ốm nặng mà tôi lỡ dở cùng một lúc hội nghị xác suất Nhật-Liên Xô tại Kyoto và cơ hội gặp lại bố đẻ lần cuối cùng!

(2) Khẩu phần ăn và nhu yếu phẩm của tôi được cấp theo bìa C, gồm 13 kg gạo, 3 kg cá-thịt mỗi tháng, nghĩa là thuộc loại cao cấp và có giá trị tính bằng hàng hoá gấp đôi khẩu phần các đồng nghiệp trẻ!

(3) Hình thái xã hội tiền sử trong đó con người với công cụ sản xuất thô sơ chỉ có khả năng lao động để sống còn và không tạo nổi một giá trị thặng dư nào, do đó xã hội không tồn tại khả năng “bóc lột giá trị thặng dư”.

(4) Chỉ có Jules Verne với trí tưởng tượng phi thường của một nhà văn viễn tưởng mới hư cấu được các cuộc thám hiểm trong không gian, dưới đáy đại dương hay trong lòng trái đất một cách gần với các thực tiễn khoa học hiện đại.

(5) Tại Việt Nam, chính trị đóng vai trò thống soái và là lãnh vực độc quyền của đảng cộng sản, đảng của liên minh công-nông, trong khi “thành phần trí thức” bị đặt ra ngoài rìa!


Chú thích của Diễn Đàn

(*) Tuổi năm mươi, theo sách Luận ngữ: ngũ thập nhi tri thiên mệnh (năm mươi tuổi biết mệnh trời).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss