Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Mất mà không mất tư cách

Mất mà không mất tư cách

- Đơn Hành — published 05/04/2011 00:35, cập nhật lần cuối 04/05/2011 12:24

Khi mất cách
mà không mất tư cách


Đơn Hành



Bài Tư cách người đảng viên và guồng máy đảng (Diễn Đàn số 26) đã khiến một số độc giả bực mình, tưởng đó là bài chửi bới cho sướng miệng, thậm chí nhục mạ toàn bộ những người cộng sản Việt Nam. Tôi ngạc nhiên. Tôi không biết chửi, dù một cách văn hoa. Diễn Đàn cũng chưa hề thoá mạ một cá nhân hay một tập thể nào. Vậy, có hiểu nhầm? Đọc lại bài, tôi thấy có câu có thể gây sự hiểu nhầm ấy (nếu có sự hiểu nhầm), do một chi tiết trình bày.

Đọc tin về dự thảo chỉ thị (đã phải rút lại) của ban bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam: “đảng viên không được tiếp khách nước ngoài (Việt kiều cũng như người ngoại quốc) tại nhà riêng, phải tiếp ở ngoàí, với sự có mặt của ít nhất một người khác, khi gặp không được dùng ngoại ngữ, mà phải nói tiếng Việt, gặp xong phải báo cáo”, tôi nhận xét: “ Chấn nhận những điều ấy, đảng viên trỏ thành người mất tư cách, không còn cá tính của con người.”

Mất cách ở đây có nghĩa mất cá tính (individualité, personnalité) của con người, như câu tiếp vạch rõ. Còn “mất tư cách” cũng có nghĩa là “mất dạy”. Kích thước văn hoá của ngôn ngữ ở đó. Đối với người Việt, ngay tư cách của ta cũng chỉ hình thành qua một quá trình giáo dục bám rễ vào thời “con dại cái mang”, “ăn hiền ở lành, để lại phúc đức cho con cháu”, v.v... Biết thế, tôi nhấn mạnh trong cụm từ “mất cách”, và viết thêm câu sau cho thật rõ nghĩa. Thày cò biến thành “mất tư cách”, tuy không thay đổi ý, nhưng đã bớt thận trọng. Tiếc thay, ngày nay, sự thận trọng ấy, tuy vô duyên, vẫn cần thiết. Nếu ta “hiểu” “mất tư cách” là “mất dạy”, đương nhiên, cả đoạn sau mất tính chất suy luận, biến thành một chuỗi chửi bới cho đã miệng, không đáng có mặt trên Diễn Đàn. Ngược lại, hiểu đúng nghĩa câu văn, đoạn sau là đề tài đáng suy nghĩ.

Một tổ chức trong đó con người sống với nhau trong sự tôn trọng cá tính của từng người là gì? Là một hình thái tổ chức nhân bản. Tự nó đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. Ngược lại, một tổ chức tiêu diệt đời sống riêng, cá tính của con người, là một tổ chức phi nhân, một cái máy. Tự nó đòi hỏi sự độc quyền, độc đoán. Một hình thái tiêu biểu của loại tổ chức ấy là quân đội. Trong quân đội, người lính mau chóng biến thành một đơn vị trừu tượng, một con số. Ai có dịp xem phương pháp luyện tập thuỷ quân lục chiến của Mỹ sẽ phải khiếp đảm. Chức năng đầu tiên và cơ bản nhất của quân đội, khi phải dùng đến, là giết người. Để con người có thể làm việc ấy, có hai cách: 1) Biến nó thành một cái máy giết. 2) Tranh thủ nó bằng những giá trị (lý tưởng, đạo đức, lòng yêu nước, v.v...) mà nó quý hơn cả mạng sống của nó và của đồng loại. Bình thường, người ta dùng cả hai điều ấy để luyện quân. Con người không thể gượng làm một cái máy 24 giờ trên 24, năm này qua năm khác. Do đó, khi lâm trận thực thụ, khi khả năng giết người và thí mạng trở nên hiện thực, cái máy giết người kia sẽ rệu rạo ngay nếu con người thật trong nó thiếu niềm tin và ý chí. Điều đó giải thích sự bất lực của các lực lượng quân sự khổng lồ, có trang bị và tổ chức hiện đại, trước những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thí dụ như Mỹ ở Việt Nam, Liên Xô ở Afghanistan. Điều đó cũng giải thích vì sao, trong thời chiến, những đợt chỉnh huấn của đảng cộng sản Việt Nam trong quân đội luôn luôn nhẹ nhàng hơn trong các lãnh vực khác, và càng xuống gần cơ sở càng bớt căng. Lòng yêu nước của quần chúng, của đảng viên cơ sở, chính là bùa hộ mạng cho guồng máy đảng. Ngược lại, nơi nào đảng an toàn độc quyền, nơi ấy chỉnh huấn quyết liệt, “một mất, một còn”.

Hy sinh là một đức tính cần thiết trong chiến tranh. Người ta hy sinh cái gì? Đời sống riêng, cá tính của mình. Để hoà mình vào một guồng máy hữu hiệu, nhờ có kỷ luật thép. Điều khốn nạn của chúng ta là hoàn cảnh bất bình thường ấy đã trở thành nếp sống bình thường của cả dân tộc suốt 30 năm, ngốn cả một đời người, nghiền nát một, thậm chí hai, ba, thế hệ. Không phải tình cờ mà năm 1989, chuẩn bị đại hội nhà văn, nhiều nhà văn, như Nguyễn Minh Châu, sau một đời kháng chiến, đã thổ lộ: chúng ta đã đánh mất cái tôi của mình, biến thành lính gác tư tưởng, minh hoạ đường lối, v.v... Mất cái tôi, chính là mất cách, biến thành một con ốc trong một guồng máy. Cái tôi ấy, cái cách ấy, chính là tự do của con người hình thành trên cơ sở nền văn hoá nó thừa kế. Do đó, một tổ chức cấu tạo bằng những con người đã mất cái tôi, mất tư cách, không thể là một tổ chức nhân bản. Do đó, khuynh hướng “tự nhiên” của nó là tiêu diệt luật lệ, tiêu diệt văn hoá, vì luật lệ dù dưới dạng viết hay dưới dạng truyền thống, là mối quan hệ giữa người với người được xây dựng trên cơ sở những giá trị phổ cập của một nền văn hoá. Con người không mất dạy vì nó ích kỷ, chỉ biết lo cho mình. Nó tự nhiên, như mọi sinh vật, thế thôi. Nó trở thành mất dạy, nó mất dạy, khi nó đánh mất, khi nó bị tước đoạt cái tôi mà cha mẹ, anh em, bè bạn, làng xóm, thầy cô, tổ tiên, và nhân loại đã trao lại cho nó trong quá trình nó học làm người, biến thành người.

Từ thời cải cách ruộng đất tới nay, có hai chính sách mà guồng máy quyền hành nắm họng đảng cộng sản Việt Nam thi hành liên tục và ráo riết, với tất cả các phương tiện chính trị, vũ trang, kinh tế, hành chính, giáo dục, v.v... là:

1/ Tiêu diệt “chủ nghĩa cá nhân”, trước hết ở ngay người đảng viên, sau đó trong toàn xã hội.

2/ Tiêu diệt văn hoá, tiêu diệt những điều kiện tái sinh và phát triển ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật...

Cũng không phải chuyện tình cờ.

Ta có thể tìm hiểu tình hình đất nước qua nhiều khía cạnh, kinh tế, xã hội, quân sự, giáo dục, v.v... Những điều ấy ít khi thành vấn đề. Chúng có vẻ khách quan, và thực sự có một khía cạnh khách quan, khách quan của thống kê, của những con số. Ta cũng có thể, và cần, tìm hiểu tình hình nước ta qua những giá trị của nó. Rất dễ thành vấn đề. Những giá trị ấy hoàn toàn không thể đo bằng những con số, chúng lại hay thể hiện qua những sự kiện nhỏ nhoi của cuộc sống thường ngày, và ý nghĩa của chúng gắn bó mật thiết với từng cá nhân, từng thân phận. Tuy thế, chúng thể hiện “linh hồn” của một dân tộc tái sinh và phát triển qua sự đối thoại và cư xử hàng ngày giữa người với người. Tại sao một chuyện bình thường như thế, ở ta, lại dễ thành vấn đề? Phải chăng vì nó quá thiết thân với ta, vì sự tan nát của lý tưởng, niềm tin, tình cảm, sự bế tắc tư tưởng, có khi ngay trong đời sống xã hội, gia đình, cá nhân, đã đẩy những vấn đề ấy vào vùng cấm địa?

Trong bài Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mácxít (Diễn Đàn số 24, 11/1993) Lữ Phương (cựu thứ trưởng bộ văn hoá trong Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN) có nhận định: điều khó khăn nhất, khi muốn chuyển mình ra khỏi chủ nghĩa xã hội, ở chỗ nó “đã xây dựng cơ ngơi của nó trên sự tàn phá toàn bộ vốn riêng của con người”, “ nó đã tạo ra một khoảng trống huếch hoác về tinh thần”, khiến con người e ngại “ lao vào việc tự khẳng định một cách kiên nhẫn”, “ chính sự nô lệ về ý thức hệ ấy đã tạo ra cái cơ chế làm cho những người dũng cảm trở nên hèn hạ, những người thông minh trở nên ngu đần, những người đầy lý tưởng trở nên những kẻ sa đoạ tệ hại, nó làm cho đất nước sa lầy trong trì trệ, mất động lực phát triển và bị giạt sang bên lề của cuộc sống của một nhân loại đang vùn vụt về tương lai”. Có lẽ không mấy ai nghi Lữ Phương thuộc loại người ưa chửi đổng.

Tôi không hoàn toàn tán thành những phân tích của Lữ Phương về học thuyết mácxít. Nhưng tôi công nhận, phân tích hậu quả của chủ nghĩa xã hội hiện thực như thế vừa đúng đắn, vừa sâu sắc. Và cần khẳng định, dự án chỉ thị của ban bí thư trung ương của đảng cộng sản Việt Nam chứng minh rằng “ sự tàn phá toàn bộ vốn liếng của con người” đang tiếp diễn. Trước những sự kiện tày trời mà Lữ Phương vạch mặt, trước sự kiện nhà nước Việt Nam, một mặt nhất nhất thực hiện những hạch sách của Mỹ đối với chuyện khoảng 2600 quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (và tôi quý trọng sự thiết tha của con người đối với người đã chết) để Mỹ chấm dứt cấm vận, mặt khác coi thường hàng triệu bộ xương vô chủ của người Việt từ mọi phía, đang mục nát trong lòng đất của ta và “kinh tế thị trường”, khái niệm bất lực và khốn nạn nhất của tư duy “hiện đại”, hai câu: “ đảng viên vô tư cách, đảng vô nhân cách, Nhà nước vô luật lệ và nhân dân vô văn hoá gắn liền và hỗ trợ nhau. Đó là lôgíc nội tại của mọi “chính” quyền toàn trị.” chỉ đáng coi như một lời mời suy luận, vì ta có quyền, có bổn phận, tự hỏi: sau ba mươi năm chiến tranh, sau mấy chục năm thống trị của guồng máy đảng cộng sản, chúng ta, người Việt – cộng sản, chống cộng, thờ ơ, ấm ức và nức nở – còn là người ở mức độ nào? Đối với những độc giả ấm ức vì mấy luận điểm trên, và đối với ai vội vã thích chí, tôi xin thoải mái thưa: đối với tôi, tư tưởng của Marx (chứ không phải lập luận của guồng máy đảng cộng sản Việt Nam) còn nhiều giá trị nhân bản cần thiết cho tương lai, và học thuyết của ông (chứ không phải lối diễn giải, lạm dụng và thực thi của guồng máy đảng cộng sản Việt Nam) còn nhiều điểm cần thiết để tìm hiểu thời đại này, thời đại thống trị của chủ nghĩa tư bản. Nếu ai tặng tôi “huân chương” cộng sản, trong nghĩa đó tôi vui vẻ chấp nhận. Và cũng xin nhắc lại: đã từ lâu, ngay trong những bài đăng trong báo này, tôi phân biệt rõ ràng mấy triệu người cộng sản Việt Nam với guồng máy đảng. Không phải bất cứ ai, bất cứ lúc nào, cũng chỉ là một bản sao hay một con rối của Staline. Tôi tự hào đứng tên trong ban biên tập Diễn Đàn Diễn Đàn cho phép những câu hỏi như thế. Tôi cũng tin rằng, độc giả của Diễn Đàn không ngại những vấn đề như thế được đặt ra. Ngoài ra, ở xứ Pháp này, ở khắp thế giới, và ở ngay nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (rất hiện thực) Việt Nam hôm nay, không thiếu lời ngọt ngào, “văn minh”, săn đón người Việt và người gốc Việt - hiện thực? Có những lúc, cái hiện thực ấy đáng tạm lùi, nhường chỗ cho một chút ưu .

Đơn Hành

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss