Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Thời kì sau cấm vận

Thời kì sau cấm vận

- Nguyễn Ngọc Giao — published 05/04/2011 01:25, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:14

Thời kì sau cấm vận


Nguyễn Ngọc Giao



Quyết định bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam của tổng thống Hoa Kỳ đã chấm dứt cuộc chiến tranh Mỹ-Việt (19 năm sau khi bom đạn ngừng nổ). Như chính ông Clinton đã nhấn mạnh, hết cấm vận chưa phải là bình thường hoá quan hệ: trước mắt, hai nước sẽ chỉ mở phòng liên lạc, chưa có đại sứ quán, và ngay khi quan hệ ngoại giao được thiết lập đầy đủ, Việt Nam không nhất thiết có quy chế tối huệ quốc (MFN) trong việc xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ, nghĩa là vẫn chưa có sự bình đẳng tối thiểu trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Sự dè dặt của ông Clinton thể hiện những quan tâm về chính trị nội bộ (vì lý do đơn giản: cậu sinh viên Bill, cách đây 25 năm đã biểu tình chống chiến tranh và lánh quân dịch – dũng khí của tuổi trẻ, trớ trêu thay, đã trở thành chỗ yếu của chính khách, trong một quốc gia còn mê muội với khẩu hiệu Right or wrong, my country / Đúng hay sai, cũng là nước tôi, mà những người Mỹ chân chính đã biết bổ sung: bởi vì là nước tôi, nên đúng thì tôi làm, và sai thì tôi sửa). Đồng thời, sự dè dặt ấy cũng biểu lộ ý muốn giữ trong tay vài lá chủ bài trong cuộc thương lượng sắp tới giữa hai nước.

Về phía chính quyền Việt Nam, chỉ thị cấm báo chí đưa tít lớn về việc bỏ cấm vận tất nhiên nằm trong đường lối cố hữu cải tổ kinh tế, giữ nguyên trạng chính trị. Song, sự thản nhiên ngoài mặt còn có những nguyên nhân khác, nhiều ý nghĩa hơn. Một là, nhà cầm quyền Việt Nam chừng nào đã ý thức về quy mô và cường độ của những vấn đề kinh tế, xã hội đặt ra trong thời kỳ sau cấm vận. Hai là, quan hệ Việt-Mỹ rõ ràng sẽ đóng một vai trò lợi hại trong mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam, ở khu vực Đông Nam Á cũng như trên toàn cầu, trong một tình hình hoàn toàn mới và hết sức phức tạp. Trong một tình huống như vậy, có những sự im lặng ý nghĩa hơn mọi lời nói.

Sự im lặng không chỉ có ở quảng trường Ba Đình. Tại Bạch cung, tổng thống Clinton trong cuộc họp báo 5 giờ chiều ngày 3.2, cũng như một phụ tá giấu tên của ông trong Hội đồng an ninh quốc gia một giờ trước đó (trong một cuộc “gặp báo chí” không công bố), nhất định không chịu đề cập đến sự liên quan giữa bỏ cấm vận và sự an ninh ổn định trong khu vực. Nói thay cho họ, đã có những việc làm và những người mau miệng ở ngoài chính quyền. Chẳng hạn như thượng nghị sĩ John Mccain (đảng Cộng hoà, cựu phi công và bị giam nhiều năm ở Hoả Lò Hanoi Hilton) khi ông tuyên bố: “ Quyền lợi của Mỹ là một nước Việt Nam có đủ sức về kinh tế để cưỡng lại những chiến thuật áp chế của nước láng giềng khổng lồ phương Bắc”, và cho rằng “sự cân bằng lực lượng trong khu vực” là một trong mấy lý do đòi hỏi Mỹ phải chấm dứt cấm vận (Tạp chí FEER, 17.2.94). Đó là ý kiến của một nghị sĩ đối lập, dường như cũng phản ánh ý kiến chung của lãnh đạo hai đảng Cộng hoà và Dân chủ. Còn việc làm? Khó ai có thể tin rằng Nhà Trắng đã cử một tướng lãnh cao cấp như đô đốc hải quân Charles Larson, tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ / Thái Bình Dương (Hạm đội 7), sang Việt Nam (16.1.94) chỉ để đi tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích (MIA). M. Nishihara (Học viện quốc gia nghiên cứu quốc phòng, Tokyo) đã đặt đúng vấn đề: “ Tôi cho rằng hiện nay Hoa Kỳ và Việt Nam có một quyền lợi chung: cả hai đều quan ngại Trung Quốc. (...) Hai chuyến đi thăm Việt Nam của Winston Lord và của Đô đốc Charles Larson chứng tỏ Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Việt Nam như một đối trọng đối với Trung Quốc” (tài liệu vừa dẫn).

Trung Quốc! Dữ kiện cơ bản và bi thảm của lịch sử Việt Nam, và của quan hệ Việt-Mỹ, chính là ở điểm này: trong suốt non nửa thế kỷ vừa qua, chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam chưa hề căn cứ vào hiện thực Việt Nam như nó có, mà dẫn xuất từ ngộ nhận “cộng sản Việt Nam là công cụ của Liên Xô và Trung Quốc”, nên luôn luôn được quan niệm như là một bộ phận của chính sách Mỹ đối với Trung Quốc. Thật vậy từ 1950 đến 1971, các chính quyền Truman, Eisenhower, Kennedy và Nixon đã chống Trung Quốc ở Việt Nam. Tiếp đó, nhất là từ 1978 trở đi, các chính quyền Carter, Reagan và Bush chống Việt Nam để liên minh với Trung Quốc, trong một chiến lược toàn cầu chống Liên Xô.

Phải đợi tới ngày nay, khi thế lưỡng cực tan biến cùng với khối “xã hội chủ nghĩa” Đông Âu, khi ảo ảnh thị trường khổng lồ Trung Quốc (thập niên 1980) nhường chỗ cho một cái nhìn chính xác hơn về tiềm năng của nó, đồng thời khi toàn bộ khu vực Đông Nam Á bắt đầu quan ngại trước sự an nhiên trịch thượng của Bắc Kinh trong vùng này (đặc biệt trên vùng biển), chính quyền Washington, lần đầu tiên từ 44 năm nay, dường như mới ý thức được sự cần thiết phải có một chính sách Việt Nam trên cơ sở hiện thực Việt Nam!

Muộn còn hơn không, việc bãi bỏ cấm vận cuối cùng đã mở đường cho sự kiến lập mối quan hệ bình thường giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ (cuộc tiếp xúc Việt-Mỹ đầu tiên xảy ra cách đây gần một thế kỷ rưỡi! vào dịp Tết năm Canh Tuất 1850). Mở đường thôi, vì đoạn đường trước mặt có thể ngắn, song có nhiều khả năng kéo dài nhiều năm. Lòng người hai phía còn ngổn ngang. Phía Mỹ giành thế thượng phong, có thể sẽ dùng chiêu bài nhân quyền, dân chủ để cù cưa, cho đến khi đạt được những mục tiêu kinh tế, chiến lược nhất định thì họ sẽ quên hết ngôn từ đạo lý như họ đã làm với Trung Quốc (mong rằng tiền lệ Trung Quốc sẽ giúp cho mọi người Việt Nam thiết tha với dân chủ tránh được những ảo tưởng còn khá phổ biến). Về phía Việt Nam, chính quyền dường như vẫn giam mình trong cái thế gân gà, nửa thấy phải tiếp tục hội nhập vào cộng đồng thế giới, mở rộng quan hệ với Mỹ và phương Tây để xây dựng đất nước và tạo lập một thế ổn định, hoà bình ở Đông Nam Á, nửa lại muốn dùng màn khói “đế quốc âm mưu diễn biến hoà bình” để ngăn chặn quá trình dân chủ hoá, quên rằng đó là yêu cầu nội tại bức xúc của xã hội Việt Nam, và là điều kiện thiết yếu của công cuộc phát triển.

Hơn bao giờ hết, thời kỳ sau cấm vận đòi hỏi mọi người Việt Nam – chính quyền và các lực lượng xã hội – biết vượt khỏi quyền lợi riêng để nhận rõ đâu là quyền lợi cơ bản và lâu dài của đất nước.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss