Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Việt Nam sau hai năm “bung ra”

Việt Nam sau hai năm “bung ra”

- Nguyễn X.T. — published 05/04/2011 01:35, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:18

Đất nước Việt Nam
sau hai năm “bung ra”


Nguyễn X.T.



Trong số Diễn Đàn tháng 10.93, tôi có dịp viết về “Việt Nam sau hai năm mở cửa du lịch”, thuật lại cảm tưởng về một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hoa Lư, Bích Động, Ngũ Hành Sơn...

Hôm nay tôi muốn tường thuật tình trạng những nơi xa xôi hẻo lánh của đất nước mà người trong nước, ngay cả người làm báo cũng không đặt chân đến, có thể vì thiếu phương tiện giao thông, tài chính.

Lào Cai:

Cách Hà Nội 340 km về hướng Tây Bắc. Thị trấn bị tàn phá sau chiến tranh với Trung Quốc năm 1979. Cầu Cốc Lếu bị đánh sập chưa sửa lại. Trước khi đến biên giới khoảng 10 km, một trạm kiểm soát chặn xe hỏi giấy hành khách kỹ càng (tháng 8.92).

Trước khi đến biên giới khoảng 15 km, tôi ngừng ăn cơm bên đường, một quán ăn khang trang rộng rãi so với các quán miền Bắc. Máy vô tuyến phát ra băng video vừa quay xong ở Cali cách đó hai tháng với những bản nhạc thịnh hành trước 75 (Cây đàn bỏ quên của Phạm Duy). Chủ nhà là một thiếu phụ xinh đẹp trạc 30 tuổi đon đả cơm nước. Hai bé trai kháu khỉnh khoảng 8-5 tuổi và chồng cũng ra nói chuyện. Người chồng cụt hai chân quá nửa đùi, nằm xe lăn đẩy tay. Chị cho biết anh thuộc lực lượng địa phương bị thương năm 79. Sau đó chính quyền phát động chiến dịch “lấy chồng thương binh là yêu nước”. Chị và nhiều cô gái khác đã vào các bệnh viện “tự nguyện” chọn một người làm chồng. Đến nơi các anh nằm trên giường, chùm chăn đến cổ. Cô chỉ ai thì lấy người đó. Người chị chọn vào loại thương binh nặng nhất.

Sau đó chính quyền cấp cho hai vợ chồng một số vốn và phụ cấp mỗi tháng. Cộng với số tiền buôn bán, gia đình này sống tương đối thoải mái.

Dọc theo biên giới, và rải rác nhiều vùng hoang dã miền Bắc (Gần Sa pa, Cao Bằng...) có nhiều cư xá do chuyên gia, cố vấn Liên Xô xây lên khi trước để ở với gia đình trong lúc sang công tác ở Việt Nam. Đa số đều không được bảo trì nên nhanh chóng loang lổ, dơ bẩn. Nếu giữ gìn tốt, đó có thể là những khách sạn tươm tất.

Móng Cái - Trà Cổ:

Từ Hạ Long đi lên phía bắc, qua Cẩm Phả (mỏ than, thành phố đầy bụi than đen) Tiên Yên. Càng đi về phía biên giới, dấu tích trận đánh 79 càng nhiều: người tàn tật, nhà mới xây, nhà sập chưa xây lại hoặc mang dấu đạn... Từng đoàn minibus hiệu Toyota mới tinh nối đuôi nhau chạy sang Trung Quốc: đó là xe nhập từ cảng Hải Phòng để bán lậu sang Tàu, mỗi chiếc lời ít nhất gấp đôi.

Móng Cái, thị trấn địa đầu của Việt Nam về phía Đông Bắc. Bên kia sông là thị trấn Đông Hưng của tỉnh Quảng Đông. Dân chúng, hàng hoá tấp nập lên đò xuống đò thông thương. Ngồi ăn sáng trước cửa “douane”, nghe tivi phóng ra video vừa quay xong ở Mỹ, Pháp với nhạc vàng và những ca sĩ vừa vượt biển.

Móng Cái đã thành bình địa năm 1979. Không còn di tích một căn nhà cũ. Cả một vùng đất bằng phẳng đang mọc lên một loạt hàng trăm căn nhà lầu mới loại luxe: lát đá hoa cương (marbre), cửa sắt, balcon... Khác hẳn nhà tranh vách đất của các tỉnh lỵ nhỏ. Tiền đâu? Ai xây? Để làm gì? Nghe nói chính quyền địa phương xuất tiền đầu tư xây chỗ ăn chơi cho dân Tàu bên kia biên giới qua giải trí.

Cách Móng Cái 12 km về phía đông là biển Trà Cổ. Sách vở giới thiệu là một bãi cát mênh mông hoang vắng đến bên kia biên giới. Quả là một bãi biển dài vô tận nhưng trên bờ là một dọc túp lều lá, trong đó các chị em ta hành nghề cho khách Trung Quốc. Họ sang đây đi từng đoàn xe bus, chỉ toàn đàn ông, ở chơi năm bảy ngày. Để đáp ứng thị trường mới xuất phát này, một hôtel bêtông cốt sắt đang được xây, chưa xong, nhưng đầy ắp khách Tàu. Ở hôtel không xài đôla, franc hoặc đồng Việt Nam, chỉ biết tiền Trung Quốc (yuan). Nhân viên không biết nói tiếng Mỹ (chuyện lạ ở Việt nam) chỉ biết tiếng Tàu. Chúng tôi bèn chui vào nhà dân ở nhờ. Ấy thế mà lại biết được nhiều chuyện. Các chị vui vẻ hồn nhiên kể chuyện “làm ăn”: phá trinh tương đương 480 $US (tháng 8.92), đi khách một chuyến 100.000 đồng (khoảng 45 frăng). Một trò đặc biệt mà Việt kiều nên lưu ý: rủ các cô đi tắm biển cũng phải trả 100.000 đồng.

Các chị khen khách Trung Quốc hào phóng trong chuyện ăn chơi. Riêng tôi thấy các anh nông dân Trung quốc này ăn uống nhồm nhoàm, cười to nói lớn, khạc nhổ ngay dưới chân bàn thật thô bỉ.

Tôi chợt nhớ đến vợ chồng anh thương binh ở Lào Cai. Không hiểu phải nghĩ thế nào. Đất nước Việt Nam thật là muôn mặt.

Đây vì chính sách hạn chế sinh đẻ, người Tàu thiếu đàn bà, nên sang Việt Nam chơi. Chuyện các cô gái quê vùng biên giới bị bắt cóc hoặc bị gạt để bán sang Tàu xảy ra thường ngày.

Khi xe du khách đến bờ biển, một chị dẫn mối đưa ngay vào một túp lều. Các cô đổ xô ra kêu ơi ới, giành giật... bằng tiếng Tàu... Tôi sẽ trở lại Trà Cổ một ngày gần đây để xem các chị nói tiếng Mỹ, Pháp, Nhật... đến đâu.

Lạng Sơn:

Phải đi nốt cửa ải thứ ba của miền Bắc. Lạng Sơn cách Hà Nội 170 km. Đường nhựa do Trung Quốc lúc còn “anh em” xây rất tốt (mỗi lần xâm lăng họ đều qua con đường này). Phong cảnh tuyệt đẹp. Qua ải Chi Lăng, một bia đá ghi lại chiến tích chém Liễu Thăng, nhưng gần đó, người ta đang phá núi để lấy đá vôi xây dựng!

Gần đến cửa Nam Quan (bây giờ là Hữu Nghị Quan) là thị trấn Đồng Đăng.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô
Thị, có chùa Tam Thanh

Thị trấn Đồng Đăng nằm bên hai bờ sông Kỳ Cùng. Con sông nhỏ, đẹp lặng lờ như đa số những giòng sông ở Việt Nam (trừ sông Hồng và Cửu Long). Phố Kỳ Lừa vẫn còn đó: một con phố rất nhộn nhịp vì là nơi tiêu thụ hàng hoá buôn lậu từ Trung Quốc sang. Ở đây có hai ngõ sang Tàu: ải Nam Quan là đường chính thức trải nhựa, có trạm kiểm soát chính thức của hai nước. Về phía tây khoảng 1 km là đường bộ bằng đất, trèo qua các đỉnh núi cheo leo trờn trợt rất nguy hiểm. Mỗi ngày từ sáng tinh sương đến nửa đêm, từng đoàn người gồng gánh chân đất (hoặc dép râu) vượt qua vùng “no man's land” này chuyển những kiện hàng lậu. Chỉ trợt chân là rơi xuống vực thẳm.

Thị trấn này phồn thịnh nườm nượp dân tứ xứ đổ đến làm công việc này.

Từ chùa Tam Thanh (thật ra là một hang đá to, trong đó có nhiều tượng Phật và một sư cô giữ hương khói) nhìn ra trước mặt là một mỏm đá cao. Trên mỏm đá về phía trái có tượng nàng Tô Thị bây giờ là tượng giả do tay người nặn và gắn lên. Tượng đá thiên tạo đã đổ cách đây ba năm: chính quyền địa phương cho phép nổ phá núi lấy đá, làm nàng Tô Thị không đứng đợi chồng được nữa, tượng nhân tạo nhỏ hơn và không giống ngày xưa.

Động Nhị Thanh cũng thờ phượng, nhang đèn sầm uất. Tiếc rằng chung quanh các chùa không được quét dọn bảo trì. Mùi phóng uế, nước tiểu làm mất phần trang nghiêm.

Sầm Sơn:

Người lớn nói với tôi về Sầm Sơn với những ca tụng, thương nhớ... Vậy thì ta đi xem cái “huyền thoại” này ra sao.

Khoảng đầu những năm 80, tôi đi xe đạp từ thị xã Thanh Hoá ra Sầm Sơn: hơn 12 km đường trải nhựa. Hai bên hai hàng dừa tàu lá reo trong gió. Cảnh đồng quê như tranh vẽ... tuyệt đẹp. Sầm Sơn: một bãi cát không trắng lắm nhưng mênh mông, xa xa vài mỏm đá và một căn nhà lầu đang cất để làm chỗ nghỉ mát cho công nhân gương mẫu.

Tháng 8.1992: hai hàng dừa bị đốn không còn một cây.

Lý do: Dân số tăng nhanh nhưng số nhà không tăng. Dân không có tiền để tự xây phố lầu. Đất ruộng không động đến được. Vì vậy dân chiếm rẻo đất rộng khoảng 2 m từ bờ đường đến bờ ruộng (và cũng là chỗ mọc của hàng dừa) để xây túp lều che mưa cho cả gia đình: không điện nước, không phương tiện vệ sinh. Chiều rộng mặt đường chỉ đủ hai xe ô tô tránh nhau. Lỡ tay lái là xông vào nhà bên đường ngay.

Đến Sầm Sơn, tôi dụi mắt: một thành phố nghỉ mát đã mọc lên trên bãi cát, nhưng không theo một đồ án thiết kế gì cả. Các lều lá nhô ra đến gần nước. Bãi cát đầy rác. Du khách ăn quà (nhất là con ghẹ mới luộc còn nóng hổi) thì khạc ngay xuống đất. Đi dạo hay tắm có thể đứt chân. Tất cả bãi biển Việt Nam không có thùng rác (có thể vì để ra thì bị mất cắp). Những quán là nơi buôn bán nhậu nhẹt. Tối là nơi tá túc của cả gia đình. Vì mọc quá mau, không có quán nào có phòng vệ sinh, cả một vùng Sầm Sơn hôi thối mùi phóng uế.

Những khách sạn do các cơ quan, các bộ... bỏ tiền kinh doanh (giàu nhất là các cơ quan liên hệ với quân đội, công chánh). Khách sạn lớn nhất xây đầu 90 đã loang lổ, nhờn nhớt vì không bảo trì, quét dọn. Bàn billard ở phòng tiếp tân được dùng để thermos, giỏ đồ ăn, quần áo...

Phòng nhảy có dàn nhạc sống và chuyên chơi nhạc Mỹ.

Chỉ có dân Việt Nam đến nghỉ mát ở Sầm Sơn. Theo ước lượng khoảng dưới 1% dân số Việt Nam có phương tiện đi hè, dù chỉ 2-3 ngày một năm. Nếu đi được là vì dùng xe cơ quan, đi công tác, là cán bộ gương mẫu được thưởng... Nếu khoảng 2% (tức 1 ,5 triệu người) đi hè thì các bãi biển, thắng cảnh sẽ ra sao?

Đêm xuống phòng trọ của phái nam được đặc biệt chiếu cố: Các “chị em” đã dòm ngó lúc họ mới đến. Các chị đập cửa rầm rầm đòi thăm, làm khách chung quanh không ngủ được. Giá ở đây “cây nhà lá vườn” chỉ 20.000 đồng thôi (gần 10 frăng).

Vịnh Hạ Long:

Du khách quốc tế đều mơ một ngày đến vịnh Hạ Long. Ít người Việt Nam được đặt chân đến, dù ở Hà Nội, vì giá sinh hoạt, hôtel ở đây đặc biệt cao. Nước biển Hạ Long màu xanh cẩm thạch nhưng hơi đục. Ban đầu tôi nghĩ đó là phù sa, sói mòn của các núi đá qua thời gian. Sau khi tắm và lặn (plongée) dính dầu, tôi mới phát hiện là nước bị ô nhiễm: các tàu biển của Nhật, Trung Quốc... đi ngang Việt Nam, đậu ngoài khơi và làm vidange (thải dầu khí, nước dơ...) tha hồ ở kỳ quan thứ tám của thế giới. Các nhà trách nhiệm có biết và cho phép chuyện này?

Bắc Ninh:

Quê hương quan họ, vùng đất của folklore, của những cô gái đẹp và nơi gìn giữ nhiều truyền thống văn hoá của nước ta. Những năm 80 tôi còn thấy ăn Tết cổ truyền: cây nêu, cái đu... Làng Đình Bảng vẫn giữ được nguyên vẹn. Bên cạnh đình là một ao to, nơi hội họp của các cô gái trong làng ra giặt giũ, vo gạo...

Tháng 8.92: Ao đã lấp để lấy chỗ họp chợ. Nước không có chỗ thoát nên sau cơn mưa bùn ngập đến mắt cá. Đi qua chợ (tức là trước đình) vô cùng lầy lội. Ở đây cũng như các nơi khác, không đủ nhà ở nên chỗ nào không phải là đất ruộng thì nhà mọc loạn xạ. Cây dừa, cây đa bị đốn hết.

Ở Thanh Hoá, khoảng cách giữa sông Mã và bờ đê đã mọc khối nhà. Bất kể ngập lụt có thể xảy ra mỗi khi nước lũ.

Ở Hà Nội, các chung cư mọc lên xa trung tâm (Láng Thượng, Láng Hạ). Nhà nước lấp ao hồ để xây nhà nhưng không dự trù hệ thống thoát nước. Qua một trận mưa nước tràn ngập cả vùng đến nửa bắp chân. Ngay ở những khu cư xá loại sang như khu quân đội ở Đống Đa dành cho gia đình các tướng lãnh.

Bãi biển Sa Huỳnh:

Ít ai biết đến vì chung quanh không có người ở. Núi Trường Sơn đến đây nhô ra đến gần bờ biển.

Tháng 8.92: chỉ có một hôtel và quán nhỏ đón khách lỡ đường.

Tháng 8.93: suốt dọc đường mọc lên san sát quán lá trên vài km (dân chúng phát hiện là du khách đến đây hay ngừng lại tắm biển, chụp hình) và dĩ nhiên họ ở đây, phóng uế, đổ rác trên bãi cát. Trẻ con chạy theo ăn xin... Không thể nào ngừng xe được nữa.

Đèo Hải Vân:

Phong cảnh vẫn còn nguyên vẹn (nghe nói có một dự án xây hôtel ở chân đèo), làng đánh cá Lăng Cô vẫn chưa ô nhiễm vì đôla. Nhưng trên đỉnh đèo đã xuất hiện (tháng 8.93) một trạm xăng Elf với đặc điểm là mặt đường đầy dầu nhớt đen thui. Và đông người bán quà, ăn xin (tháng 8.92: không có gì ở đây cả) đến nỗi không dám thò đầu ra xe.

Còn công an, quân đội ở đâu? Trên suốt quốc lộ số 1 từ Nam ra Bắc, khoảng 20 km có một xe công an đậu im lìm. Mỗi xe hàng lậu đi ngang đều ngừng lại. Chị lái buôn bước xuống, vui vẻ tươi cười đến “thông cảm” với công an. Vì vậy các xe hàng, xe đò ở Việt Nam thường chở quá tải để “amortir” khoản chi phí không nhỏ này. Tài xế Việt Nam rất giỏi, đường không xấu và không nguy hiểm. Nhưng vì bắt buộc chở quá nặng xe, dễ mất thăng bằng gây tai nạn và những tài xế vô tội bị lãnh đủ (hoặc mất mạng, hoặc bị chủ mắng, hoặc công an hạch sách).

Những dòng trên đây chỉ muốn ghi lại một số điều mắt thấy tai nghe, những biến chuyển quá mau của Việt Nam chỉ sau hai, ba năm tiếp xúc với nước ngoài. Mỹ vừa bỏ cấm vận. Tôi mong rằng chúng ta – người Việt Nam trong và ngoài nước – lưu ý để đồng đôla (hay yen, hay frăng, hay yuan...) không mau chóng biến Việt Nam thành một Trà Cổ, Móng Cái hay Sầm Sơn khổng lồ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss