Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 05/04/2011 02:10, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:26

Tin tức


Chống thay đổi trong hoà bình!

“Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của đảng cộng sản Việt Nam”, họp từ ngày 20 đến 25.1.1994 tại Hà Nội, như thường lệ đã khẳng định thành công là mặt chủ yếu trong chính sách của đảng ba năm qua và từ chối mọi thay đổi chính trị một cách hoà bình. Có thể nói gọn, đó là nội dung nổi bật trong báo cáo chính trị mà tổng bí thư Đỗ Mười đã đọc trước một hội trường được chọn lọc kỹ càng gồm các uỷ viên trung ương (146 người được bầu trong đại hội 7, tháng 6.1991) và 500 đại biểu “được bầu từ các thành uỷ, tỉnh uỷ và đảng uỷ thuộc ban chấp hành trung ương đảng”. Bản báo cáo nêu các “thành tựu nổi bật” là về kinh tế (khắc phục suy thoái trầm trọng, đạt tốc độ tăng trưởng cao), ổn định chính trị và mở rộng quan hệ đối ngoại, thành tựu đạt được nhờ “nguyên nhân cơ bản nhất” là đảng “giữ vững vai trò lãnh đạo không chấp nhận đa nguyên, đa đảng...”. Báo cáo nêu lên 4 nguy cơ trong những năm tới là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ diễn biến hoà bình; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa và nguy cơ không đẩy lùi được tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác. Trong 8 nhiệm vụ chủ yếu được báo cáo đề ra, 3 nhiệm vụ hàng đầu là về kinh tế: “Thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá”, “Thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần (...)”, “Xây dựng đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Sau các vấn đề “văn hoá xã hội”, “quốc phòng và an ninh”, “đối ngoại” (theo thứ tự), nhiệm vụ số 7 là “Xây dựng nhà nước pháp quyền...”, đứng trước “Đổi mới và chỉnh đốn đảng”.

Hội nghị đã bầu thêm vào ban chấp hành trung ương 20 uỷ viên mới, trong đó 5 người là để thay thế các ông Thái Ninh (từ trần), Vũ Ngọc Hải (bị cách chức trong kỳ họp trung ương ba ngày trước hội nghị) và 3 uỷ viên khác xin nghỉ hưu. Các uỷ viên trung ương mới gồm một bộ trưởng (ông Thái Phụng Nê, người thay ông Vũ Ngọc Hải ở bộ năng lượng), một thứ trưởng (Lê Mai, bộ ngoại giao), một uỷ viên thường vụ quốc hội, 2 thiếu tướng tư lệnh quân khu (Đào Trọng Lịch và Nguyễn Thế Trị), tổng biên tập tạp chí Cộng Sản mới (Nguyễn Phú Trọng), 9 bí thư tỉnh uỷ..., trung bình 54 tuổi, được đánh giá là “trẻ” theo những tiêu chuẩn cộng sản.

(Theo Tuổi Trẻ 22.1 và Lao Động 23, 25, 27.1.1994)

* Tóm lại, như Diễn Đàn đã viết trong số 25 (tháng 12.1993), “trong không khí ngột ngạt về chính trị và tư tưởng hiện nay ờ Việt Nam”, mini-đại hội này dĩ nhiên đã “(không đặt được) vấn đề dân chủ hoá đời sống quốc gia gắn với công cuộc phát triển kinh tế thị trường”; và về vấn đề nhân sự “tình huống có nhiều khả năng xẩy ra nhất” (sự duy trì nguyên trạng ờ chóp bu cả bộ máy đảng và nhà nước) đã... xẩy ra!

Ngay cả cuộc thảo luận về “ổn định chính trị” và “nguy cơ diễn biến hoà bình” cũng đã quá cũ – ít ra là theo các “tường thuật” nhỏ giọt trên báo chí trong nước, tình thế mới do Mỹ bỏ cấm vận (hầu như đã chắc chắn tại thời điểm hội nghị) cũng không được phân tích –, và càng minh chứng đó chỉ là những trái hoả mù nhằm che đậy một sự co cụm, để bảo vệ chỗ đứng của các thế lực cầm quyền. Không hơn không kém. Các thế lực đó không đồng nhất và dĩ nhiên có thể có mâu thuẫn gay gắt với nhau, song có cùng quyền lợi câu kết với nhau để tránh những thay đổi cần thiết cho quốc dân nhưng có hại cho vị trí riêng của họ. Những lúng túng trong việc xét xử các quan chức cao cấp bị tố cáo là tham nhũng, bộc lộ trong vụ xử Vũ Ngọc Hải chẳng hạn (xem trong số này), chỉ là một ví dụ về cái thế vừa tranh chấp vừa phải câu kết với nhau ấy. Trong những điều kiện đó, nhưng diễn văn dù có nẩy lửa về quyết tâm chống tham nhũng chỉ là... trò cười. và quả thật yêu cầu “xây dựng nhà nước pháp quyền” chỉ đáng đứng trước cái yêu cầu nêu lên cho vui về một cuộc “(tự) chỉnh đốn đảng”. Hay là, từ chối chung sống trong hoà bình với các tầng lớp nhân dân không tự nguyện chịu sự lãnh đạo của mình (không “tuân theo luật chơi”, theo một cách nói khác), đảng chờ đợi một sự “chỉnh đốn” ít hoà bình hơn?

Dĩ nhiên, nếu có thể sống mà không biến chuyển, không có “diễn biến”, theo cách nói chính thức, thì câu hỏi trên không đặt ra! Vĩnh viễn không đặt ra! Xin chờ đợi vậy.


Người tị nạn: chính sách mới của HCR

Cao uỷ Liên hiệp quốc về vấn đề người tị nạn (gọi tắt theo tiếng Pháp: HCR) đã quyết định ngày 14.2 tại Genève, kể từ nay sẽ chấm dứt những đối xử “ưu đãi” đối với những thuyền nhân Việt Nam. Tuy nhiên, quyết định này sẽ không được áp dụng đối với những người đã đến một nước tị nạn đầu tiên. Quyết định được toàn thể các thành viên ban giám đốc Cao uỷ (gồm đại diện khoảng 30 quốc gia) thông qua, chứng tỏ cộng đồng quốc tế đã nản chí trước những khó khăn gặp phải từ nhiều năm nay trong việc tìm một nước nhập cư cho thuyền nhân. Hiện còn khoảng 60.000 người Việt Nam (và 26.000 người Lào) đang tạm sống tại các trại tị nạn ở Hồng Kông (chừng một nửa số người tị nạn Việt Nam), Philipin, Thái Lan, Malaixia, lnđônêxia, Nhật. Tuyệt đại đa số những người này (52.000 người Việt Nam) không được coi như có tiêu chuẩn “tị nạn chính trị”, và không có hy vọng được một nước thứ ba nhận cho nhập cư. Từ năm 1991, một chương trình “tự nguyện hồi hương” đã được hình thành, với sự giúp đỡ tài chính và bảo trợ của các nước châu Âu, theo đó khoảng 60.000 người đã trở về Việt Nam. Bà Sadako Ogata, đứng đầu HCR cho biết bà hy vọng rằng, “với những cố gắng lớn của tất cả”, chương trình sẽ hoàn tất trước cuối năm 1995. Bà cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 93 triệu đôla cho chương trình năm 1994.

Đón trước quyết định của HCR, 15 người Việt Nam tại trại tị nạn Tai A Chau (Hồng Kông) đã bắt đầu từ ngày 9.2 một cuộc tuyệt thực để phản đối những biện pháp “cưỡng bách hồi hương”. Sau khi quyết định được công bố, số người tuyệt thực đã tăng thêm tới 62 người, rồi 170 người (AFP ngày 17.2). Ngày 16.2, 66 tổ chức không chính phủ chuyên về vấn đề người tị nạn, họp tại Băng Cốc, đã đòi hỏi HCR bảo đảm rằng việc đưa người tị nạn về nước phải thực sự dựa trên cơ sở “tự nguyện” chứ không được “cưỡng bách”. Người phát ngôn của bộ ngoại giao Việt Nam cũng cho biết, ngày 17.2, về phần mình chính phủ Hà Nội sẵn sàng hợp tác với HCR “và tất cả các nước liên hệ” trong chương trình “hồi hương tự nguyện”. Ngày 23.2, số người tuyệt thực ở Hồng Kông còn 127 người, ông Jahanshah Assadi, đại diện HCR tại Hồng Kông đề nghị gặp gỡ, thảo luận với đại diện người tị nạn nếu họ chấm dứt những hành động phản kháng.

(Tin tổng hợp theo AFP, AP, Reuter từ 9 đến 23.2.1994)

Tổng thư ký ASEAN thăm Việt Nam

Quan hệ giữa Việt Nam và Hiệp hội các nước Đông Nam châu Á (ASEAN) đã “bước sang một giai đoạn mới” với cuộc đi thăm chính thức Việt Nam của tổng thư ký ASEAN, ông Ajit Singh, từ ngày 21 đến 26.2.1994. Việt Nam đã ký hiệp ước Bali vào giữa năm 1992 (xem Diễn Đàn số 11, tháng 9.92) và trở thành quan sát viên của Hiệp hội trong năm 1993, vấn đề đặt ra cho hai bên hiện nay là những điều kiện để Việt Nam trở thành hội viên chính thức của ASEAN. Các chuyên viên cao cấp của nhiều viện nghiên cứu chiến lược của các nước thành viên, trong một cuộc họp vào giữa tháng 1 năm nay ở Manila, đã kêu gọi ASEAN thâu nhận Việt Nam là hội viên chính thức trong khoảng năm năm tới. Ba tuần sau khi tổng thống Clinton ký quyết định bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam, một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ, bà Sandra Kristof, vụ trưởng vụ châu Á trong Hội đồng an ninh quốc gia, cũng đã tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ việc Việt Nam, Cam Bốt và Lào giai nhập vào các định chế quốc tế trong vùng, như ASEAN và APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, hiện nay gồm 17 nước). Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao của cả hai phía đều cho rằng vấn đề gia nhập ASEAN của Việt Nam chắc khó có thể giải quyết trước năm 2000. Một trong những trở ngại chính là trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam còn quá thấp so với các nước láng giềng trong ASEAN; mặt khác, sự quá đề cao khu vực kinh tế quốc doanh của Việt Nam cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp khác. Dù vậy, sự họp tác kinh tế giữa hai bên tăng rất nhanh từ nhiều năm nay, và các nước ASEAN đã đầu tư khoảng hơn 900 triệu đôla vào Việt Nam.

Trong quan hệ chính trị, sự xích lại gần nhau giữa các nước Việt Nam và ASEAN cũng đang tăng vận tốc. Tiếp theo chuyến đi thăm của ông Ajit Singh, Hà Nội đang chuẩn bị tiếp đón, trong tháng ba tới, các ông Goh Chok Tong, thủ tướng Singapore, và Chuan Leekpai, thủ tướng Thái Lan. Sau đó, nhưng cũng sẽ là trong năm 1994, đến lượt tổng thống Philipin Fidel Ramos.

(AFP 15.1, 21-23.2.1994)

Việt Nam - Cam Bốt

Việt Nam và Cam Bốt đã thoả thuận sẽ tiến hành thương lượng về các vấn đề biên giới và vấn đề người Việt Nam định cư tại Cam Bốt. Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho biết như trên ngày 18.2.1994, kết thúc ba ngày đi thăm chính thức thủ đô Phnom Penh, sau nhiều cuộc hội đàm với ngoại trưởng Cam Bốt, hoàng thân Norodom Sirivudh, và với đồng thủ tướng Cam Bốt, hoàng thân Norodom Ranariddh. Hai ngoại trưởng đã thoả thuận sẽ gặp nhau mỗi năm ít nhất một lần để thảo luận về các vấn đề song phương cũng như các vấn đề quốc tế khác. Chuyến đi của ông Cầm còn có mục đích chuẩn bị cho cuộc viếng thăm chính thức Cam Bốt của thủ tưởng Võ Văn Kiệt, dự định sẽ được tiến hành trong tháng 3 hoặc tháng 4 tới.

(AFP 16, 18, 21.2 và Reuter 17.2.1994)

Trường Sa

Cuộc tranh chấp về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là một vấn đề gai góc trong quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và một số nước láng giềng. Ngày 3.2, Việt Nam đã lên tiếng phản đối Đài Loan có dự án xây dựng một phi trường và một hải cảng trên quần đảo Trường Sa. Ngày 15.2, Việt Nam cũng đã phản đối Trung Quốc cho tàu thăm dò đáy biển đến vùng đảo này, trái với thoả thuận giữa hai nước là không làm phức tạp thêm vấn đề trong khi các cuộc thương lượng về chủ quyền trên các quần đảo chưa ngã ngũ. Ba ngày sau, một người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố cuộc thăm dò là hợp pháp và “không có vấn đề vi phạm thoả thuận gì vì đây là những đảo của Trung Quốc”! Thái độ trịch thượng nước lớn này cho thấy sự giao hảo giữa hai nước chưa phải là sẽ được giải quyết trong một thời gian ngắn.

(AFP 3 và 17.2.1994)

Tham nhũng... và công lý của đảng

Sau bản cáo trạng, uỷ viên công tố toà hình sự tối cao Hà Nội đã đề nghị toà kết án chính phạm thứ nhất 3 năm tù, chính phạm thứ hai từ 1 đến 2 năm tù, và các tòng phạm... từ 3 đến 7 năm tù!

Lôgic “bình thường” đó đã xẩy ra ngày 22.2.1994 trong phiên toà xử các ông Vũ Ngọc Hải, nguyên bộ trưởng năng lượng, và ông Lê Liêm, nguyên thứ trưởng bộ năng lượng cùng một số trách nhiệm công trình đường dây siêu thế bắc nam, phạm tội tham nhũng làm thiệt hại của nhà nước hơn 3 tỉ đồng (300.000 đôla). Theo bản cáo trạng, ông Hải đã mua cho công trình 4.000 tấn thép qua một xí nghiệp trung gian do người thân trong gia đình ông làm chủ, thay vì mua thẳng tại xí nghiệp quốc doanh Vinametal là nơi có thép và cuối cùng cũng là nơi bán thép cho xí nghiệp trung gian kia... Vụ việc đã vỡ lở từ hai năm nay, nhưng ông Hải còn là uỷ viên trung ương đảng cộng sản Việt Nam (cho tới tháng 1 vừa qua), và sau khi bị mất chức bộ trưởng năng lượng năm ngoái, ông tiếp tục là “cố vấn đặc biệt của thủ tướng” về công trình đường dây... cho tới 3 ngày trước phiên toà! Báo chí nước ngoài ở Hà Nội còn cho biết, sau khi bị toà kết án 3 năm tù (như yêu cầu của uỷ viên “công tố”), đương sự còn được tự do về nhà chuẩn bị trước khi vào tù.

(AP 18-23.2.1994)

* Tại kỳ họp Quốc hội tháng 12 vừa qua, chính phủ đã công bố tỷ lệ “thất thoát” trong đầu tư xây dựng trong cả năm 1993 là 20%. Riêng “thất thoát” trong công trình đường dây không được công bố, song kinh phí ban đầu của công trình được dự trù là 300 triệu đôla nay đã lên gấp đôi. Có lẽ, để chặn đứng các “thất thoát” còn nhiều khả năng tiếp tục, và cũng để chứng minh cho quyết tâm chống tham nhũng của chính phủ (nhất là tham nhũng ngoài đảng?), phiên toà đã được quảng cáo rầm rộ và báo chí nước ngoài đã được tham dự phiên xử. Theo báo Tuổi Trẻ ngày 31.1.1994, tham nhũng và các “sai phạm” khác trong ngành xây dựng đã làm thiệt hại cho Nhà nước khoảng 23 triệu đôla trong năm qua.


Hồi hương

Chính phủ Việt Nam vừa có quyết định “cho phép một số trường hợp được hồi hương”:

– Những người già từ 60 tuổi trở lên, nếu có thân nhân ruột thịt là công dân Việt Nam ở trong nước bảo lãnh đảm bảo cuộc sống;

– Những người có trình độ học vấn trên đại học hoặc có tay nghề bậc cao, thuộc các ngành nghề mà Việt Nam đang cần, nếu có cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân ở trong nước tiếp nhận về làm việc;

– Những người là thành viên hội đồng quản trị các dự án đầu tư ở Việt Nam, thuộc diện ưu tiên theo luật đầu tư nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xác nhận.

Người được phép hồi hương phải nộp một khoản tiền “lệ phí hồi hương” theo quy định của bộ tài chính; được mang tài sản ở nước ngoài về; và có các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

(Sài Gòn Giải Phóng 17.2.1994)

Ngân sách 1994

Các khoản chi ngân sách của nhà nước Việt Nam năm 1994 không thể thấp hơn 48.270 tỉ đồng (4,5 tỉ đôla), tăng 26,7% so với năm 1993. Đó là con số được ông Hồ Tế, bộ trưởng tài chính đưa ra trong một buổi họp báo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 14.2.1994. Theo ông, khoản thiếu hụt ngân sách vẫn sẽ ở mức khá cao, khoảng 10.000 tỉ đồng, tức 6,7% tổng sản lượng trong nước (GDP), và sẽ được bù bằng tiền vay nước ngoài và trong nước. Mục tiêu của chính phủ là đưa mức thiếu hụt này xuống dưới 5% GDP cho năm 1995.

Theo bộ trưởng, những chi tiêu cho đầu tư cơ bản sẽ tăng hơn 21%, đạt khoảng 10.300 tỉ đồng, dịch vụ nợ nước ngoài lên đến 300 triệu đôla.

Theo Uỷ ban kế hoạch nhà nước, ngân sách 1994 dự trù khoảng 470 triệu đôla cho quốc phòng (tăng 49%), 500 triệu đôla cho các vấn đề xã hội, 490 triệu đôla (tăng 33%) cho giáo dục, và 170 triệu đôla (tăng 31%) cho y tế.

(AFP 14.1.1994)

Việt Nam và Internet

Internet là hệ thống chính trong một vài hệ thống nối liền các máy tính điện tử của những cơ quan, xí nghiệp lớn, trường đại học của nhiều nước trên thế giới với nhau, qua đó những người làm việc ở các nơi có thể trao đổi thông tin, thư tín (thư điện tử, tiếng Anh gọt tắt là e-mail), gần như trực tiếp, không mất thời gian như qua bưu điện thường. Một số nhà tin học thuộc Viện Đại học quốc gia Úc đã bắt đầu làm việc từ mùa thu năm ngoái để nối một vài cơ sở tin học Việt Nam vào hệ thống thông tin quốc tế này, song nhiều khó khăn kỹ thuật chưa được vượt qua, nhất là vì mạng lưới viễn thông của Việt Nam chưa chuẩn.

Trong khi chờ đợi nối vào hệ thống truyền tin hiện đại này, Việt Nam đã là... chủ đề cho cuộc trao đổi thông điệp ngoại giao đầu tiên qua đường thư điện tử! Cuộc trao đổi được thực hiện ngày 5.2.1994 giữa thủ tướng Thuỵ Điển Carl Bildt và tổng thống Mỹ Bill Clinton, mở đầu như sau:

Bill thân,

Ngoài việc thử đường dây trong hệ thống Internet , tôi muốn chúc mừng ông đã quyết định chấm dứt cấm vận đối với Việt Nam. Tôi có kế hoạch đi Việt Nam tháng tư tới và chắc chắn sẽ nhân dịp đó đẩy thêm vấn đề MIA.(...)

Nhà Trắng đã được nối vào hệ thống thư điện tử Internet từ nhiều tháng nay, và hàng trăm ngàn người Mỹ đã gửi những “thông điệp” của mình tới tổng thống của họ (địa chỉ: president@whitehouse.gov). Trong thư trả lời “Carl thân” (dĩ nhiên, cũng là bằng e-mail), sau khi cám ơn chính phủ Thuỵ Điển về những hỗ trợ ngoại giao trong vấn đề MIA, ông Clinton đã đồng tình với thủ tướng Carl Bildt về khả năng to lớn của các phương tiện viễn thông mới.

Phát triển công nghệ thông tin (viễn thông, điện tử và tin học) tại Việt Nam đòi hỏi đầu tư rất lớn (theo ước tính của một công ty Mỹ, cho riêng năm 1993 Việt Nam đã đầu tư 400 triệu đôla trong lĩnh vực này), song cũng là một yêu cầu rất khẩn cấp trong công cuộc phát triển kinh tế. Nhiều tổ hợp quốc tế lớn (Úc, Pháp, Thuỵ Điển, Nhật, Mỹ, v.v...) đang ngấp nghé, tranh giành nhau thị trường này. Về phần nước chủ nhà, dĩ nhiên một nỗ lực hàng đầu là phải... làm chủ được những chọn lựa của mình, đưa ra được những chuẩn thống nhất cho các xí nghiệp cung cấp thiết bị kỹ thuật. Điều này hình như chưa được cơ quan chủ quản của Việt Nam (Bộ hay Tổng cục Bưu điện và Viễn thông?) ý thức rõ lắm: Trong một bản tin về hệ thống điện thoại quốc gia, tờ Vietnam Investment Review ngày 8.11.1993 cho biết cả nước đang dùng những trang bị chuyển mạch (switching equipment) của 11 nhà sản xuất khác nhau, không cùng một chuẩn! Mà càng định chuẩn trễ, dĩ nhiên sẽ càng tốn kém.


Tin ngắn

* Năm 1993, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,8 triệu tấn gạo với giá bán thấp hơn giá gạo Thái Lan trung bình từ 30 đến 35 đôla/tấn. Từ đầu năm 1994, sau khi giá gạo trên thế giới tăng mạnh (với việc mở cửa của thị trường Nhật Bản), mức chênh lệch này lên đến 100 đôla/tấn. Lý do: gạo Việt Nam chỉ xuất khẩu qua trung gian, các doanh nghiệp trung gian này cạnh tranh giảm giá để giành khách hàng.

* Một Việt kiều quốc tịch Nhật, ông Nguyễn An Trung, tổng giám đốc công ty liên doanh Sài Gòn Auto, vừa bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 19.2.1994, vì tội “nhập lậu 118 chiếc xe Nhật tay lái nghịch” (Việt Nam đã cấm nhập xe hơi có tay lái ở bên mặt từ năm 1991).

* Nguyệt san chính thức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam tháng 2.1994 cho biết ngân hàng đang có kế hoạch làm cho đồng tiền Việt Nam chuyển đổi được (convertible) “trong một tương lai gần”. Tỷ suất đồng Việt Nam/đôla giữ khá vững ở mức 10.500-11.000 đồng/1 đôla từ một năm nay.

* Theo tuần báo tiếng Anh Vietnam Investment Review 7.2, Tổng cục thuế khoá Việt Nam cho biết sẽ ngăn chặn không cho các nhà đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam nếu họ không trả thuế đầy đủ. Theo ông Trương Chí Trung, tổng cục trưởng, Việt Nam bị thiệt hại quá nhiều vì thất thu thuế của các xí nghiệp nước ngoài (nhưng ông không nói rõ thất thu bao nhiêu). Năm 1993, các xí nghiệp này đã đóng cho Việt Nam hơn 500 triệu đôla tiền thuế.

* Một đoàn chuyên viên khảo sát động-thực vật của bộ lâm nghiệp vừa phát hiện một khu rừng nguyên sinh trên độ cao 2.000 mét tại khu núi Bà, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Khu rừng diện tích chừng 100.000 ha, có nhiều loại động vật và thực vật quí như chim trĩ sao, cây thông hai lá dẹt, cây bách xanh, pơ mu, v.v...

* Chỉ trong vòng một tháng (từ 10.12. 1993 đến 10.1.1994), trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 7 cuộc đình công của công nhân tại 4 xí nghiệp liên doanh, 2 xí nghiệp tư nhân và 1 xí nghiệp quốc doanh. Tổng liên đoàn lao động cho rằng hiện tượng đình công lan ra đến xí nghiệp quốc doanh là “dấu hiệu không bình thường”.

* Kể từ nay, hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được hướng dẫn ra hai cửa khác nhau: cửa xanh dành cho những người “không có gì phải khai báo hải quan”, và cửa đỏ cho những người có hàng vượt quá giới hạn cho phép. Hiện nay, hàng ngày sân bay Tân Sơn Nhất có 15 chuyến máy bay đi và 15 chuyến đến.

* Theo hai số báo FEER (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông) ngày 17 và 24.2.1994, các ông Trần Đình Huỳnh, viện trưởng Viện xây dựng đảng (Institute for Party Building), Hoàng Chí Bảo, viện trưởng viện chủ nghĩa xã hội khoa học trực thuộc viện chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Phạm Khắc Lãm, giám đốc đài truyền hình quốc gia, đã được đảng mời “nghỉ hưu non”. Ông Bùi Thiện Ngộ, bộ trưởng nội vụ cũng muốn về nghỉ vì cảm thấy bất lực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu, nhưng chưa được đồng ý.

* Viện khảo cổ Việt Nam và nhà bảo tàng tỉnh Đắc Lắc vừa khám phá một di chỉ gồm những di tích của Vương quốc Chăm (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15 sau công nguyên), và nhiều di vật bằng đá và đồ sứ tiền sử chứng minh có một nền văn minh trong vùng cách đây khoảng 3.000 năm. Hiện nay còn khoảng 60.000 người dân tộc Chăm sống rải rác trong các tỉnh Nha Trang, Phan Thiết và tại một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long.

* Theo những con số chính thức được công bố cuối tháng 1.1994, các xí nghiệp của quân đội trong công nghiệp hàng tiêu dùng hoặc công nghiệp quân sự đã đạt một doanh số 167 triệu đôla trong năm 1993, tăng 44% so với năm 1992. Quân đội đã đầu tư 147 triệu đôla vào các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài.

* Ông Phạm Văn Quang, 52 tuổi, người đã phất cờ ba sọc trước câu lạc bộ báo chí thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp cuộc chạy Maratông quốc tế được tổ chức ở đây vào tháng 12.1992, vừa bị toà án xử 15 năm tù vì tội “có hành động phản loạn tại một nơi công cộng”.

* Phim Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng dự giải Oscar 94 của điện ảnh Mỹ dưới danh nghĩa phim Việt Nam và được tuyển chọn vào danh sách 10 phim nước ngoài tranh giải phim ngoại quốc hay nhất. Trong khi chờ đợi, ngày 26.2, phim này đã được giải điện ảnh Pháp César 94 phim đầu tay hay nhất.

(tổng hợp tin AFP, Reuter, AP, FEER, báo Mỹ, Pháp, Thái Lan)  

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss