Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Trên một chuyến tàu

Trên một chuyến tàu

- Phan Triều Hải — published 05/04/2011 01:40, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:20

Truyện ngắn

Trên một chuyến tàu


Phan Triều Hải



Đêm xuống thật nhanh. Những đồi cỏ nhuốm một màu bàng bạc, màu của thứ ánh sáng chẳng bắt nguồn từ đâu cả, cứ chạy lùi dần. Gã đàn ông có khuôn mặt gầy mà dữ tợn quay trở lại, tay cầm chiếc võng dù. Y hất vai tôi:

Cho nhờ cái, huynh!

Gì?

Mắc cái võng.

Còn sớm mà? – Tôi nói gượng – Ngồi chơi chút đã.

Anh ta không nói gì, cuộn cát võng, ném lên giá đỡ.

Gió thổi lành lạnh. Có lẽ tôi đã đi xa nhà lắm rồi. Không biết nơi đây là đâu. Đâu đâu cũng đồi, cũng núi, đen thẫm trong đêm. Đôi khi, tiếng bánh xe nghiến trên đường ray chợt trong trẻo, vang vang và tôi đoán hẳn tàu đang chạy qua một chiếc cầu nào đó. Tôi tưởng tượng ra một bản giao hưởng dài ba mươi sáu tiếng, với những âm thanh đơn điệu, tiếng của sắt nghiến vào nhau, khi trầm khi bổng. Người ta có thể sẽ chán ngấy ngay, nhưng đó không hẳn là một khúc ca tồi. Tôi đã ngồi nghe, và thấy được an ủi.

Người đàn ông bó gối nhìn ra cửa. Đôi má anh ta hóp, đựng đầy cái tối tăm mà ánh đèn vàng vọt uể oải hắt vào. Ở hàng ghế bên, thiếu nữ vẫn ngồi, chăm chú cắt miếng nhựa mỏng thành một con tôm nhỏ xíu. Cô không hề ngẩng lên, và tôi rảnh rang, cứ ngắm hoài khuôn mặt bầu bĩnh và mái tóc màu nâu nhạt của cô xoã xuống.

– Nghỉ hè hả ? – Người đàn ông buông một câu.

Vâng.

À Gã gật đầu như hiểu ra một điều gì, rồi tự giới thiệu – Đạo, dân buôn nho.

Tôi cười cười, cảm thấy mệt mỏi khủng khiếp.

Tới giờ ngủ rồi – Đạo nói.

Tôi gật đầu. Gã siết chặt dây võng vào thành ghế, dồn tôi vào góc kẹt.

Xong – Anh ta phủi tay, đỡ người vợ mập mạp lên võng.

Coi chừng té – Tôi đùa, thấy mình phải có nghĩa vụ nói một điều gì đó.

Đạo không đáp. Y cằn nhằn vợ:

Đọc gì cái thứ truyện này! – Y quay sang tôi, vẻ mặt ngượng ngùng và hiểu biết, y nói – Sách chữ to.

Đó là loại sách ba xu, chữ to bằng đầu đũa để ban hàng dễ đọc dưới ánh đèn mờ mịt của tàu xe. Đạo giật cuốn sách, sau khi ra lệnh cho vợ “ngủ đi”, rồi nhét sách vào giỏ.

Tôi không bao giờ đọc loại truyện này – Đạo tỏ vẻ khinh khi – hồi trước, tôi hay đọc ông gì phi công của Pháp.

Saint-Exupéry.

– Ờ, phải. Cuốn Hoàng tử bé .

Thiếu nữ đang cắt xén cái chân trước của con tôm. Cô làm với vẻ thong dong nhưng chăm chú cực độ. Có cảm giác rằng cô đang ở nhà mình, trong góc riêng của cô, và chẳng ai có thể len lỏi được vào cái thế giới đó. Ngân chẳng bao giờ có được vẻ trầm tĩnh như vậy. Nàng luôn huyên thuyên, nàng đùa giỡn với mọi thứ. Nàng làm hỏng tất cả và nàng dễ dàng quên. Tôi đi, nàng cũng chẳng nói gì. Thế là hết.

Tôi có một vườn nho – Giọng Đạo đều đều – Hồi xưa, ông nội tôi giàu lắm, ông là địa chủ.

Tôi thấy buồn ngủ quá, tôi trượt dần xuống những bao hàng êm ái vắt ngang lối đi.

xã tôi là con của... – Hình như Đạo cũng bắt đầu ngật ngà, ngật ngưỡng. Còn tôi, tôi không còn biết gì nữa.

... Chuông vừa mới reng, tôi đã gọi Ngân: “Ra đây, ra đây”.

Ngân xếp sách vở, len lén ra. Đám bạn nhìn theo.

Ở trên tầng ba này, bao nhiêu lần tôi đứng hóng gió từ sông thổi về, lồng lộng và thơm mùi bùn non.

Tôi luồn tay vào tóc Ngân. Tôi yêu nàng biết bao. Tôi tựa cằm lên vai nàng, đôi vai êm êm, mát rượi.

Ngân quay lại, thét lên: “Không... ”.

Tôi mở choàng mắt thấy cánh tay tê dại. Tiếng tàu vẫn xình xịch, đều đều. Đạo ngồi ngủ dựa vào thành ghế, miệng há to, người mềm oặt như bún. Nét hung tợn đã biến đâu mất, bây giờ anh ta nom thật thảm hại. Người ta hay che đậy mình bằng một lớp vỏ bọc mà người ta không hề có, tin tưởng rằng cái vỏ bọc ảo tưởng đó là chắc chắn nhất, vững chãi nhất đối với họ. Với Đạo, vẻ mặt dữ dằn của y không phải để doạ nạt, mà là tự vệ. Y như con thú đã nếm quá nhiều đòn, nhìn đâu cũng thấy cạm bẫy và nghĩ rằng cứ phải xâu xé nhau mới tồn tại được. Cái cảnh y đánh thằng bé ở sân ga hoàn toàn tương phản với vẻ mặt bây giờ, ngây ngô và lam lũ.

Thiếu nữ buông con tôm nhựa rơi trên sàn tàu. Có lẽ cơn buồn ngủ đến với nàng nhanh quá. Con tôm vẫn chưa thành hình, cái mõm tua tủa râu của nó hãy còn dang dở. Lúc này có lẽ Ngân cũng đang ngủ yên. Nàng chẳng tỏ ra có chút buồn bã gì trong cuộc chia tay này. Nàng vốn như thế mà. Còn tôi thì luôn theo đuổi những cô gái hời hợt, vô tâm vô tính, để rồi phải chật vật tìm cho mình một chốn để quên. Tôi không thành người được. Một khi tôi đã để cho đời sống chẻ ra đến vụn vặt như vậy, tôi còn thành gì được nữa. Tôi sống quanh quẩn với tôi, thấy thế giới hẹp dần, ngạt thở.

Tàu rít lên, chạy chậm lại, rồi dừng hẳn. Một ga xép. Ai đó nói: “ Tránh tàu”, rồi lại im phăng phắc.

Gió u u thổi. Ngôi nhà độc nhất bên những thanh ray chằng chịt vẫn còn sáng đèn. Ánh đèn mờ mờ hắt ra hình bóng của một con chó ngồi buồn bã, tựa như đã quen với những chuyến tàu đến rồi đi. Con tàu đang chết lặng ở cái xó xỉnh này, cũng như tôi, trông có dáng vẻ của kẻ bị bỏ rơi ở một hốc hẻm tận cùng chẳng ai biết tới.

Tôi nghe tiếng lạo xạo trên đá. Một phụ nữ cầm đèn đi kiểm tra lại đoạn đường. Cô mặc chiếc váy dài dành cho những phụ nữ có mang, vai khoác chiếc áo dày và chân đi giày cao cổ. Tôi nhớ hình ảnh của người phụ nữ Nga trong những phim về chiến tranh, cũng lặng lẽ như vậy, tự tin và mạnh mẽ. Người phụ nữ nhìn tôi, trẻ trung, tươi tắn, như thể lúc này không phải là trời khuya, không phải giữa mênh mông cô quạnh của núi rừng. Cô bước đến, chậm rãi và thận trọng, cô nói:

Có lẽ tránh tàu lâu.

Vâng.

– Anh muốn ăn chút gì không? Tôi sẽ gọi giúp.

Không. Cảm ơn chị.

Tôi thu mình lại, kéo áo lên kín cổ. Giữa rừng núi này, sự hoang vắng thôi cũng đủ khiến người ta không chịu nổi. Đứa trẻ ra đời nơi đây sẽ ra sao? Liệu nó có tìm thấy được niềm vui như mẹ nó chăng? Liệu nó có yêu được sự cô quạnh này không?

Đoàn tàu ngược chiều băng qua loang loáng. Người phụ nữ quay lại:

Xong rồi – Chị đặt đèn xuống bên vệ đường. Còi tàu hụ lên một tiếng dài.

Ở đây đẹp quá – Tôi chợt thấy tiếc.

Vâng – Người phụ nữ nói – Chừng một tiếng nữa, lúc mặt trời lên, rất đẹp.

Tôi thử tưởng tượng ra một sự hoà sắc giữa bình minh với sương mù phủ kín đồi núi. Một cảnh tượng vô cùng huyền ảo.

Tàu chuyển bánh chầm chậm. Tôi quay đầu nhìn ra, người phụ nữ đứng bên đường, trơ trọi. Trong bóng đêm, hình như cô đang vẫy tay chào. Tôi lại có cảm giác vừa rời khỏi một chốn thân quen. Tôi lăn vào góc, không hình dung nổi một ngày ở thành phố sẽ bắt đầu như thế nào. Chẳng có ai quan tâm đến điều đó, chẳng có ai nghĩ rằng thành phố không có bình minh là một sự thiệt thòi. Ở đó, thời gian không còn được đón chào nữa, nó chỉ còn tồn tại như một lời nhắc nhở, răn đe. Người ta chỉ nói: “ Trễ rồi”, và vội vã hơn.

Trời sáng bạch. Tàu vẫn miệt mài chạy. Tôi hãy còn nằm ườn ra trên những bao tải hàng lởm chởm dây nhợ. Đạo ngồi trên chiếc võng, đọc cuốn sách của vợ y.

Đểu thật – Đạo nói.

Ai? – Tôi hỏi.

– À – Đạo đưa cuốn sách lên – Sướt mướt, nhưng đọc cũng được.

Tôi cười. Rồi y cũng lộ chân tướng. Mà tự lừa mị mình để làm gì cơ chứ? Cái mà y không có, y lại tưởng như hay ho lắm, ghê gớm lắm. Y theo đuổi nó, rồi nhanh chóng mệt mỏi. Thời thơ ấu, tôi cũng say mê Hoàng tử bé, nhưng bây giờ thì không thể được nữa. Hoàng tử bé đã loại tôi ra khỏi thế giới trong sáng của chàng. Mà nghĩ cho cùng, chẳng ai có tội tình gì. Đôi khi tôi cũng thích vẽ vời, đóng bộ vào bóng hình ai đó, cái hình bóng mà tôi thèm muốn nhưng bất lực. Tay Đạo này chẳng hề ảo tưởng. Y chẳng qua chỉ muốn đi lạc ra khỏi lối mòn một chút, kênh kiệu với ngày thường của y một chút, để rồi hân hoan với sự quay lại của cảm giác tự tin và yên lành khi y về lại với chính mình.

Lại một ga xép. Những người buôn nho đã về đến nhà. Đạo nhanh nhẹn đẩy những giỏ hàng của y xuống lăn lóc bên vệ đường.

Chú em nghỉ hè vui vẻ – Đạo vỗ vai tôi – Ráng sống cho đàng hoàng. Đừng như tụi này, cực lắm – Mắt y chớp chớp.

Bên ngoài là một vùng đất khô khan, lưa thưa cây lá. Bò kéo xe lọc cọc, lạch cạch đi qua trên nền đất khô cứng. Xa xa, phía mặt trời đỏ quạch sau lớp bụi mù, tôi thấy bóng dáng vợ chồng Đạo lầm lũi đi, tay xách nách mang. Có lẽ sống cũng không nên nghĩ ngợi gì nhiều, một khi điều đó chẳng thay đổi được gì, mà lại đem đến cho người ta sự buồn bực, lo âu, thất vọng. Tôi, giờ đây lại thèm cái thảnh thơi của Đạo khi về đến nhà. Hẳn y sẽ vừa vỗ mông từng đứa con lem luốc, vừa phân phát cho chúng những món quà vặt vãnh. Sau đó y sẽ ra vườn thăm thú giàn nho của mình, toan tính về một chuyến hàng mới. Đêm về nằm gác chân lên người vợ, y đắc chí nghe vợ đọc những câu chuyện éo le, mùi mẫn, bất cần biết đâu đó có những người coi khinh loại sách này, cũng quên bẵng rằng đã có lúc y khoác thử lốt áo của những người đó. Rồi y sẽ lăn ra ngủ, miệng há hốc, và quên hết mọi lỗi lầm thô thiển của mình.

Còn Ngân, lần này có lẽ cô cũng sẽ nhanh chóng tìm thấy niềm vui bên người tình mới, không hề quan tâm đến việc cuộc tình đó kéo dài được bao lâu, cũng chẳng cần biết sau mỗi cuộc tình với cô, có ai đó bị dằn vặt hay sỉ nhục. Không đeo mang một chút nhớ nhung nào, và rũ bỏ tất cả phiền muộn, giờ đây dường như đã trở thành phương cách hay nhất để có một đời sống vững vàng.

Thiếu nữ cũng tựa mình trên cửa, cô nheo mắt nhìn ra ngoài. Toa tàu đã vắng vẻ hẳn. Tôi nhìn con tôm trên tay cô. Nó đã trở thành một sinh vật hoàn chỉnh, mềm mại đong đưa.

Anh thích không? – Cô gái hỏi, bạo dạn.

Thích.

– Tặng anh đó.

Tôi từ chối.

Không thì tặng bạn gái của anh vậy – Cô gái nghịch ngợm.

– Không được. Em đã làm nó suốt đêm, em hãy giữ lấy.

Cô gái lắc đầu:

Em còn giữ nó làm gì. Em đã cố gắng làm thật chậm nhưng rồi nó cũng thành hình – cô nói, giọng tiếc nuối – Em sẽ làm con khác.

Cô giúi món quà vào tay tôi. Ngân thường thích nhũng món quà như thế này, nhưng bây giờ nàng không còn là của tôi nữa. Tôi thả con tôm vào túi. Cô gái không cần chú mày vì chú mày đã quá hoàn chỉnh. Nhưng dẫu sao, phải mất suốt đêm qua chú mày mới ra đời được. Vậy thì cứ nằm đó. Sau này, ngắm nhìn chú mày ta sẽ nhớ, nhớ về một cái gì đó không rõ ràng nhưng êm ái. Ta đã đòi hỏi nhiều ở mọi người, và cũng đã cố gắng đáp lại những đòi hỏi của họ, nhưng điều đó đôi khi lại mang đến cho ta một đời sống nặng nề quá. Người ta có thể sống khiếm khuyết, phạm sai lầm, nhưng họ chỉ cần sống làm sao cho trước tiên đời sống của chính mình trở nên tốt đẹp hơn đã. Họ luôn cố gắng thực hiện cho đến tận cùng nhũng suy nghĩ, những dự tính của mình, cho dù chúng có rộng hẹp, nông sâu. Điều quan trọng nhất đối với họ là làm, chứ không phải viễn cảnh về một sự thành công hay thất bại. Nàng đã quên bẵng chú mày nhưng đừng buồn nữa, hãy nằm yên ở đó đi, tàu đã chạy rồi.


Tháng 7-1993


* “Trên một chuyến tàu” được trích từ tập truyện đầu tay Vào Đời của Phan Triều Hải do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh phát hành đầu năm 1994. Sinh năm 1969, Phan Triều Hải tốt nghiệp đại học ngành địa lý và hiện làm chuyên viên tiếp thị cho công ty Nhật Nissho Iwai ở Việt Nam.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss