Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Thuở Trời Đất đảo điên...

Thuở Trời Đất đảo điên...

- Đỗ Thống — published 05/04/2011 00:10, cập nhật lần cuối 04/05/2011 12:17
Người cộng tác: Kiến Văn (dịch)

Điện ảnh


Thuở Trời Đất đảo điên...

 

Oliver Stone là một nhân vật khá đặc biệt. Từ gần mười năm nay, ông liên tục khơi lại những vết thương của một “cuộc chiến tranh vô đạo” đã huỷ hoại sự “trong trắng” của nước Mỹ. Và luôn luôn đi ngược dòng: trong khi Hollywood mắc chứng Rambo, thì ông làm phim Trung đội (Platoon, 1986), khi nước Mỹ du dương theo điệu nhạc viết lại lịch sử của Reagan và Bush, thì ông cho ra Sinh ngày mồng 4 tháng 7 (1989). Và bây giờ, khi nước Mỹ đổ bộ trở lại Việt Nam, bằng đô la thay vì đại bác, Stone phát hành Trời và Đất ( Heaven and Earth, Entre ciel et terre). Tác giả giải thích: “Hai phim trước của tôi mô tả sự gớm ghiếc của chiến tranh viễn chinh nhìn từ góc độ những binh nhì GI và phản ánh sự chấn thương của cựu chiến binh. Sự khiếm khuyết lớn nhất của điện ảnh Mỹ là cái nhìn từ phía bên kia: người Việt Nam đã trải qua cuộc chiến tranh như thế nào (... ). Trong não trạng văn hoá Mỹ hiện nay, có một xu hướng khá bỉ ổi là muốn nhìn lại cuộc chiến tranh như một cuốn truyện tranh comics, với những người hùng Mỹ lật ngược thế cờ, giành lại thắng lợi cuối cùng. Và trong bối cảnh ngu xuẩn vô tiền khoáng hậu ấy, hàng trăm người Việt Nam, không mặt không tên, bị giết một cách hăng say, thịt nát xương tan, không lúc nào được coi là con người”. Chính để trả lại cho “phía bên kia” bộ mặt và tên gọi con người mà Oliver Stone đã phóng tác từ hai cuốn tự truyện của bà Phùng Thị Lệ Lý*, kể lại cuộc đời của một phụ nữ nông dân Trung Bộ kinh qua ba mươi năm đằng đẵng chiến tranh “đất trời đảo lộn...”.

Thật không biết dùng chữ gì để tả cuộc đời của Bảy Lý: từ cuộc chiến tranh của Pháp sang cuộc chiến tranh của Mỹ, chị đã hứng chịu đủ điều, như phải trả chồng chất bao nhiêu duyên nợ tiền kiếp. Bị kéo vào Mặt trận, chị bị nguỵ quân bỏ tù tra tấn; ra tù thì bị nghi là phản bội, một cán bộ Việt cộng giả bộ xử tử trước khi hãm hiếp; trốn ra Đà Nẵng tị nạn thì bị một tư sản quyến rũ rồi bỏ rơi; đứng đường bán rong rồi bán thân nuôi miệng; lấy một trung sĩ Mỹ thuộc lực lượng tuyệt mật (Blank Ops); theo chồng di tản sang Mỹ năm 1975; bươn bả trong “American way of life” (lối sống Mỹ) riết rồi cũng thích nghi được, còn anh chồng hoàn toàn bị “nổ cầu chì” (cuối cùng tự tử); Bảy Lý nhảy ra kinh doanh, và sau mười lăm năm ly hương, trở về thăm làng cũ... Sống sót, sống còn, Bảy Lý là hiện thân của một nhân loại bất diệt. Một đề tài có thể trở thành “Chiến tranh và Hoà Bình”, hay tiểu thuyết ba xu.

Tiếc thay, Trời và Đất không phải là “Chiến tranh và Hoà Bình”. Sau khi đã ca ngợi sự dũng cảm của Oliver Stone, chẳng lẽ lại phải nói toạc móng heo về nghệ thuật điện ảnh của ông? Nhà đạo diễn cũng đã thừa nhận: “Tôi không nhẹ nhàng chút nào. Tên họ tôi là Stone, nặng như hòn đá”. Thật đúng như vậy. Stone quay phim như người ta đốn cây bằng máy cưa. Hình ảnh nện vào thần kinh người xem: Vixi bị quẳng từ trực thăng xuống đất, lưỡi lửa na-pan xuyên chéo màn ảnh hoành tráng, cái tủ lạnh khổng lồ trong phòng bếp Mỹ mở toang, tênh hênh phô trương lục phủ ngũ tạng trước con mắt choáng ngộp của Bảy Lý... Ai đã xem Sinh ngày mồng 4 tháng 7 mà vẫn thoát chết chắc còn nhớ Oliver Stone đã đồng hoá xúc động với bạo động, thậm chí hystérie, như thế nào rồi. Ở đây cũng vậy, đố ai tìm ra một chút xúc động chân thực. Hình như Stone cũng cảm thấy điều này nên đã cần cù chêm vào những hồi cảnh chiếu chậm (flash-backs au ralenti), phong cảnh muôn màu, âm nhạc du dương cồng kềnh... Một thứ “Cuốn theo chiều gió” thoảng mùi nước mắm. Xem một lúc, khán giả chợt thấy mình trở thành con ma xó ngồi đếm những tai hoạ dồn dập lên đầu vai chính, như người ta ngồi đếm điểm trong một trận đấu khúc côn cầu (base-ball).

Phải nói là ngồi chịu trận 140 phút, đầu óc có đẻ ra những ác ý hay hoài nghi cũng là chuyện dễ hiểu. Chẳng hạn, có thể hoài nghi về sự thành thực của Oliver Stone. Câu hỏi của tôi xuất phát từ một khuyết điểm thật khó tưởng tượng của cuốn phim: từ đầu tới cuối, dân “bản xứ” nói tiếng Mỹ hay hơn Mỹ. Từ anh nyak (nhà quê) đến bà chủ ba Mẽo, qua ông chính uỷ Việt Cộng, tất cả đều chia động từ làu làu, regular, irregular verbs, đủ thời, đủ thức; thỉnh thoảng muốn điểm một chút màu sắc lôcanh mới xổ ra vài câu tiếng Mỹ bồi (GI number one! Me , good girl!), saụ đó lại thao thao trở về ngôn ngữ của Shakespeare. Kết quả là một sản phẩm kỳ dị hết sức. Bạn có thể phản bác: thế sao trong phim cao bồi, người da đỏ cũng nói tiếng Anh của lính áo xanh? Thưa không. Tôi chỉ xin đơn cử một thí dụ gần đây nhất: trong phim “ Nhảy múa với đàn sói”, người Sioux nói tiếng Sioux. Nghĩa là trong một cuốn phim western bình thường, Kevin Costner đã dám làm (tôn trọng người da đỏ, chấp nhận nguy cơ thất bại thương mãi) cái điều mà Oliver Stone không dám trong một tác phẩm có tham vọng sám hối. Tính toán thương mãi còn lộ rõ trong bảng phân vai: thủ vai Bảy Lý là Lê Thị Hiệp, một cô gái Việt Nam tị nạn, nhưng thủ vai cha mẹ Bảy Lý lại là S. Ngor (một người Cam Bốt đã đóng trong phim Cánh đồng những xác chếtLa déchirure) và Joan Chen, một diễn viên Mỹ gốc Hoa chuyên đóng những phim thám hiểm loại Le sang des héros... Trước đây, người ta có thể khó chịu khi thấy Stone quá say sưa với vai trò “nhà điện ảnh chính thức” của cuộc chiến tranh Việt Nam (“ Người khác có thể giàu tưởng tượng, chứ tôi, tôi làm phim theo hồi ức, vì tôi đã sống cuộc chiến tranh đó”...), nay sự khó chịu ấy bỗng trở thành thắc mắc, ngần ngại: Trung đội (Platoon) Sinh ngày 4.7 đều là những phim hái ra Oscar và dollar... Stone đã tuyên bố: Trời và Đất không phải là phim chót của một bộ ba phim. Với cuộc chiến tranh ác mộng ấy, tôi có thừa chất liệu để làm ba chục cuốn phim”. Trời ơi đất hỡi, tha cho nhau là vừa!


Đỗ Thống
(bản dịch của Kiến Văn)

 

* Le Ly HAYSLIP: When Heaven and Earth changed places Child of War, Woman of Peace, DoubleDay Pubishing Co. Bản dịch Pháp ngữ của R. Mehl: Entre le Ciel et la Terre, Ed. du Seuil, 1993.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss